2242 lượt xem

THẦY CỦA CHÚNG TÔI – THẦY LÀNG MAI

Chân Lĩnh Nghiêm

Tóm lược về Sư Ông Làng Mai – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

THẦY CỦA CHÚNG TÔI – THẦY LÀNG MAI

Thầy của chúng tôi – Thầy Làng Mai – Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Thầy được biết đến trên thế giới là một vị Thiền Sư, đồng thời là một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, một dịch giả và là một hành động gia có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Thầy xếp thứ tư trong bảng xếp hạng 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất toàn cầu do nhà xuất bản Watkins Books (Anh Quốc) thiết lập năm 2011. Năm 2019, Thầy được nhận giải thưởng Hòa Bình Nội Tâm (Inner Peace) do quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao tặng. Điều đó xứng đáng với sự xưng tụng cao quý dành cho Thầy – bậc Đạo Sư toàn cầu.

Thầy xuất gia năm 16 tuổi với cố Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật, trụ trì Tổ đình Từ Hiếu tại Huế với pháp tự là Phùng Xuân, pháp hiệu : Thích Nhất Hạnh. Năm 17 tuổi Thầy thọ giới sa di, năm 23 tuổi tiếp nhận giới Tỳ Kheo tại giới đàn Ứng Quang. Thầy thuộc thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán. Năm 1966, Thầy được Sư tổ Thanh Quý trao cho bài kệ phó pháp truyền đăng:

 

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hạnh đương vô niệm diệc vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Diệu pháp đông tây khả tự thành.

Chỉ với 28 chữ, Tổ sư đã tiên tri toàn bộ cuộc đời người học trò xuất sắc của mình. Và trong Niết Bàn Diệu Tâm hẳn Sư Cố đang mỉm cười vì Thầy đã sống xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng đó.

Quá nửa đời, Thầy đã cùng đất nước đi qua bao thăng trầm lịch sử, với những cuộc chiến khốc tàn. Để luôn luôn là ngọn đuốc từ bi, sáng soi qua những giai đoạn gian khó ấy. Những ánh lửa đầu tiên hẳn đã được sư chú Phùng Xuân công phu nuôi dưỡng và tôi luyện trong suốt “mười năm đèn lửa” đầu đời. Thật vậy, những năm tháng được sống yên lành dưới tàn cổ thụ của Chùa Tổ và ấp ủ trong nếp áo nâu sòng của Sư Cố, tình yêu thương và sự cảm thông đã trở thành nền tảng tự nhiên sâu dày trong con người Thầy. Là phương hướng và động cơ cho mọi hành động cứu đời của Thầy sau này. Thầy gọi thuở thiếu niên ấy là “mười năm vườn xưa xanh tốt”, là những năm tháng để học tập một điều giản dị: Tình Người.

Giữa những tương tranh của thời cuộc, của văn hoá và xã hội, khối óc chứa năng lực tiềm ẩn của bậc Đạo sư toàn cầu và trái tim mang thao thức dẫn dắt con người vượt tìm nẻo sáng đã khiến Thầy không thể chỉ dừng lại trong việc trao truyền những giáo điều truyền thống. Khoảng thời gian đó, một phong trào làm mới Đạo Bụt đã bắt đầu được nhen nhóm. Nhân tố quan trọng để dẫn dắt tư trào đó không ai khác, chính là thiền sư Thích Nhất Hạnh – Người dường như được sinh ra để đảm nhận sứ mệnh này – sứ mệnh Hiện Đại Hóa Đạo Bụt.

Hiện đại hóa đạo Bụt

Năm 24 tuổi (1950) Thầy đã dựng nên Trung tâm Phật giáo Ấn Quang. Năm 28 tuổi với tư cách là một vị giáo thọ, Thầy đứng ra cải tổ lại chương trình tu học, lập đoàn Liên Lạc Văn Hóa Thanh Niên Học Tăng và xuất bản tập san Sen Hái Đầu Mùa. Thầy đã đem hết lòng thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ những học tăng, học ni của mình, chính từ đó mà những kinh nghiệm xây dựng tăng thân, cũng như ước mơ thành lập được một tăng đoàn có tình anh chị em bắt đầu nẩy mầm trong lòng Thầy. Để rồi sau này Thầy đã xây dựng nên tăng thân xuất sĩ Làng Mai với hàng ngàn đệ tử xuất gia của mình, trong đó mọi người sống với nhau chan hòa trong tình thầy trò, tình anh chị em.

Năm 1956, khi vừa tròn 30 tuổi Thầy trở thành Tổng biên tập của báo Phật giáo Việt Nam. Tờ báo ra đời như một tiếng nói của lương tâm lay mọi người tỉnh thức, kêu gọi hai bên lâm chiến cùng ngồi lại với nhau để chấm dứt chiến tranh.

Năm 1961, Thầy rời Việt Nam đi du học tại Hoa Kỳ, tuy đang là một sinh viên nhưng đồng thời Thầy cũng được mời làm giảng viên dạy môn Tôn giáo đối chiếu tại các trường đại học: Columbia và Princeton. Trong thời gian sống tại đây Thầy đã có nhiều điều kiện đi sâu vào công phu tu học và đã đạt được nhiều cái thấy sâu sắc của đạo Bụt. Những pháp môn như thiền chánh niệm, hiện pháp lạc trú, quán niệm hơi thở, thiền hành… đã được thầy thực tập thành công đem lại nhiều an lạc và trị liệu. Sau này những pháp môn ấy đã trở thành cốt tủy trong pháp tu mà Thầy đem ra hướng dẫn.

Cuối năm 1964, khi trở về nước Thầy đã chú trọng vào việc áp dụng những pháp môn thực tập trong các công tác xã hội. Chủ trương của Thầy là vừa tu vừa phụng sự. Tháng 2.1964, Thầy thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Sài Gòn. Chỉ 14 tháng sau, Cao Đẳng Phật Học được nâng lên thành Đại Học Vạn Hạnh – Trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam. Rằm tháng 2.1964, Thầy thành lập dòng tu Tiếp Hiện. Thời điểm ấy chiến tranh đang leo thang tại Việt Nam, lúc mà giáo lý của Đức Thế Tôn cần thiết vô cùng để đối đầu lại với không khí hận thù, bạo động và chia rẽ đang bao phủ khắp quê nhà. Vào giai đoạn này, dòng tu bao gồm một số nhỏ những thành viên mang chí nguyện dấn thân vào những công tác xã hội và hành trì theo lý tưởng của Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Dòng tu được xây dựng trên căn bản của 14 giới Tiếp Hiện (được Thầy phát triển từ 10 giới Bồ Tát), cũng còn được gọi là những phương pháp thực tập chánh nhiệm.

Cũng trong năm ấy, Nhà xuất bản Lá Bối đã được Thầy thành lập chủ yếu để in những ấn phẩm Phật giáo. Thầy làm việc không ngừng nghỉ, những đầu sách như “Đạo Phật hiện đại hóa”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, “Đạo Phật ngày nay”, “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày” do Thầy viết liên tục được nhà xuất bản Lá Bối ấn hành. Tuy nhiên, Nhà xuất bản Lá Bối không chỉ in những tác phẩm Phật học mà còn xuất bản những tác phẩm văn học, triết học, xã hội, giáo dục… Thầy thực sự đã đem đến cho một bộ phận người trẻ hướng đi sáng rõ trong giai đoạn cực kỳ mông lung và biến động này.

Đạo Phật đi vào cuộc đời

Tháng 9 năm 1965, Thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội – là một phân khoa của Đại Học Vạn Hạnh. Năm 1966 Thầy khai sơn ngôi chùa đầu tiên của mình, chùa có tên nôm là chùa Lá và tên chữ là Pháp Vân (nay thuộc quận Tân Phú, tpHCM). Chùa Lá, Pháp Vân chính là cái nôi nuôi dưỡng nên thế hệ thanh niên phụng sự xã hội đầu tiên (gọi ngắn là những tác viên xã hội). Những tác viên xã hội là những sinh viên học Phật nhưng không chỉ là những người trẻ ngày ngày cắp sách tới trường, họ là những người mang sứ mệnh đưa tuệ giác và tình thương của Bụt đi vào lòng đất nước để giải quyết những vấn đề thời cuộc.

Các tác viên xã hội gồm đủ bốn chúng: xuất sĩ nam, xuất sĩ nữ, cư sĩ nam và cư sĩ nữ, tất cả đều là thanh niên. Họ được đào luyện trên hai phương diện nội điển và ngoại minh. Nội điển là những giáo lý Phật giáo, còn ngoại minh là những kỹ năng xã hội. Những kỹ năng ấy chủ yếu để phục vụ cho công tác tái thiết đời sống sau chiến tranh. Giữa những đổ nát hoang tàn, để lại sau những cơn cuồng nộ đạn bom, các làng mạc hẻo lánh của miền Nam bỗng xuất hiện những bước chân thầm lặng và những bàn tay ân cần. Họ chính là những thanh niên phụng sự xã hội, những người tình nguyện đi xoa dịu những đau thương chiến tranh và chung tay xây dựng lại xóm làng. Một đời sống mới đã được gầy dựng nên trong những ngôi “làng tự nguyện”. “Làng tự nguyện” là những ngôi làng mà trong đó dân chúng chủ động tổ chức lại đời sống kinh tế, giáo dục và y tế theo những tiêu chuẩn phát triển cộng đồng. Những tác viên xã hội đi tới với người dân để chia sẻ những kiến thức tổ chức cần thiết, và quan trọng hơn hết, giúp người dân xua tan thái độ tiêu cực, trông chờ, mà lấy lại niềm tin và hy vọng sống. Một làng thường có ít nhất hai tác viên xã hội thường trú với người dân, những tác viên khác sẽ chia nhau lui tới để học hỏi và phụng sự. Thầy đã bắt đầu dự án thí điểm những làng đó từ năm 1963, một năm trước khi thành lập Đại học Vạn Hạnh và hai năm trước khi Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trở thành phân khoa chính thức của Phật học viện. Điều đó khẳng định rằng Đạo Bụt Nhập Thế chính là phương châm giáo dục của Thầy.

Vận động cho hòa bình

Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt, những công tác xã hội gặp rất nhiều khó khăn, các tác viên xã hội bị ngăn cản, thậm chí bị sát hại. Những phần tử quá khích đã tấn công trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội khiến nhiều người chết và bị thương. Họ ném lựu đạn vào phòng ngủ để ám sát Thầy, may sao đêm ấy Thầy không có trong phòng.

Vì những lý do đó, năm 1966, Thầy rời Việt Nam đi ra nước ngoài để vận động hòa bình cho đất nước. Quá trình vận động rất gian nan, những chuyến đi diễn thuyết của Thầy tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Úc do tổ chức Fellowship of Reconciliation tổ chức đỏi hỏi rất nhiều năng lượng. Có khi hôm nay Thầy phải diễn thuyết ở thành phố này, hôm sau diễn thuyết tại thành phố khác. Ban ngày đi máy bay buổi tối diễn thuyết, có lúc phải họp báo ngay tại sân bay. Thầy thường xuyên phải nghỉ ngơi và buông thư trên máy bay. Những hoạt động kêu gọi hòa bình của Thầy ở nước ngoài đã khiến cho “một số cái đầu nóng” trong chính quyền nổi giận. Năm 1971, trong khi đi Canada trình bày với Quốc hội Canada về tình hình Việt Nam, Thầy đã bị vô hiệu hóa hộ chiếu, không được về nước nữa.

Thầy ở lại Pháp, thành lập Phái Đoàn Hòa Bình của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và có mặt tại Hội Nghị Hòa Bình ở Paris. Phái đoàn được gọi tắt là Phái Đoàn Hòa Bình. Phái đoàn đã nói lên được những đau khổ, áp bức, tuyệt vọng của người dân trong nước. Đường lối của Phái đoàn, là không muốn đất nước bị tan tành bởi chiến tranh, không muốn có chuyện chính người Việt giết hại lẫn nhau.

Giúp đỡ chín ngàn em bé mồ côi

Bắt đầu từ năm 1973, song song với quá trình vận động cho hòa bình, Phái đoàn đã cùng với những tác viên xã hội trong nước lập nên những trường học, trạm xá, giúp những người già neo đơn và làm nhiều công tác xã hội tại Việt Nam. Thời kỳ này Phái đoàn và những tác viên xã hội đã giúp đỡ nuôi dưỡng 8.892 em bé mồ côi ở Việt Nam. Phái đoàn hòa bình gồm nhiều người trẻ từ các nước khác nhau: Hà Lan, Anh, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ,..v.v.. mọi người làm việc với nhau trong tình thân ái và tinh thần thiện nguyện, không có ai được nhận lương. Cách Phái đoàn giúp các em bé mồ côi là không xây dựng những cô nhi viện, mà những tác viên xã hội sẽ tìm và gửi những em bé mất cha mất mẹ ấy tới một gia đình người thân của bé như nhà người bác, hoặc cô, dì… Mỗi tháng, gia đình nuôi bé sẽ được nhận một số tiền đủ để cho bé ăn học. Có những gia đình rất nghèo, số tiền nuôi cháu bé mồ côi đôi khi còn được san sẻ cả cho những đứa con của gia đình nhận nuôi bé. Như vậy cháu bé vẫn được sống trong không khí gia đình mà không trở thành gánh nặng của những người thân.

Cứ ba tháng một lần, các tác viên xã hội lại ghé thăm xem cháu bé có được nuôi dạy đàng hoàng không, nếu cháu bé không được đối xử tốt, các tác viên xã hội sẽ tìm cho bé một gia đình khác tốt hơn. Các tác viên xã hội đã tìm và chụp ảnh các cháu mồ côi, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của cháu, họ tên của bố mẹ cháu, ngày sinh, ngày mất, mất trong trường hợp nào rồi gửi qua Pháp. Khi nhận được hồ sơ, các thành viên trong Phái Đoàn Hòa Bình sẽ dịch ra nhiều thứ tiếng và tìm người bảo trợ cho cháu. Chỉ trong vòng mấy ngày cuối cùng của tháng 4/1975 Phái đoàn đã tìm được nguồn bảo trợ cho 1400 em bé mồ côi. Chương trình này đã giúp cho gần chín ngàn (8.892) em bé được sống trong mái ấm gia đình.

Tháng 8 năm 1971, Thầy mua Phương Vân Am, đó là một căn nhà ở rừng Othes, cách Paris khoảng 100km, nơi đây phong cảnh rất hữu tình với những cánh đồng bát ngát và những cánh rừng nên thơ, nơi mà Thầy thường trở về vào cuối tuần để tĩnh tu và dịch kinh, viết sách.

Máu chảy ruột mềm

Tại Phương Vân Am, rất nhiều người tìm tới Thầy để học đạo, những khóa tu học giảng dạy về thiền của Thầy tại phương Tây đã xuất phát từ đây. Thầy bắt đầu có những chuyến hoằng pháp xa. Trong một lần Thầy đi Bangladesh để hướng dẫn tu học, sau đó trở về Singapore dự Hội Nghị Tôn Giáo Và Hòa Bình Châu Á, Thầy phát hiện ra có rất nhiều người Việt Nam vượt biên bằng đường biển trốn ra nước ngoài nhưng không được các quốc gia cho cập bến và họ phải lênh đênh trên biển cho tới chết. Họ được gọi là những thuyền nhân. Thầy đã đề nghị Đại Hội yểm trợ cho Thầy tổ chức một chiến dịch cứu vớt thuyền nhân trên biển và Đại Hội đã đồng ý, lúc đó là cuối tháng 11.1976. Chương trình phải làm “chui” vì chính phủ các nước không cho phép thuyền nhân vào đất nước của họ. Nhiều nước có một chính sách rất khắc nghiệt và lạnh lùng đối với thuyền nhân. Khi thuyền nhân ghé bến thì quốc gia đó không cho vào, họ ra lệnh phải đẩy những thuyền nhân ra biển cho chết, nếu nói thuyền bị hỏng thì cùng lắm là họ cho những tấm ván và đinh để đóng lại rồi bắt phải trở lại biển ngay mà không được cập bến. Cư dân nào cứu một thuyền nhân sẽ bị phạt rất nặng.

Trong hoàn cảnh ấy Thầy đã mời các bạn từ Pháp, Hà Lan, và các nước Châu Âu sang giúp đỡ để vừa thuê, vừa mua được bốn chiếc tầu đi cứu vớt các thuyền nhân đang lênh đênh trên biển. Chiếc thuyền thứ nhất là Roland, chiếc thứ hai là Leapdal, chiếc thứ ba là Saigon 200 và chiếc thứ tư lớn nhất tên là Koojara. Hai chiếc thuyền Roland và Leapdal có nhiệm vụ đi vớt người trên biển, khi được nhiều thì chuyển tới chiếc Koojara, chiếc này có thể chứa tới 600 người. Còn chiếc Saigon 200 thì đi tới đi lui để cung cấp thức ăn và nước uống. Chiếc Leapdal đã vớt được trên 300 người và chiếc Roland vớt được 281 người, trên chiếc Roland có một người phụ nữ nửa đêm trở dạ và sinh ra một bé gái ngay trên tàu giữa muôn trùng sóng nước, sĩ số trở thành 282 người. Bé gái đó được đặt tên là Roland Nguyễn Thị.

Trước khi những chiếc thuyền cứu nạn ấy đi sang được Úc và các quốc gia khác để tị nạn thì chính phủ Singapore phát hiện ra chương trình, Thầy và các cộng sự bị trục xuất khỏi Singapore trong vòng 48 giờ, còn các thuyền nhân không được phép cập bến, cũng không được phép đi tiếp. Nhờ sự giúp đỡ của ông Đại sứ Pháp Jacques Gasseau, Thầy đã xin gia hạn ở lại Singapore 10 ngày để hoàn thiện chương trình. Trong 10 ngày ấy Thầy đã kịp thời liên lạc với giới báo chí các nơi nhờ họ lên tiếng, vì vậy sinh mạng của các thuyền nhân đã được bảo đảm.

Chương trình “máu chảy ruột mềm” là một chương trình rất thánh thiện, hàng ngày những thành viên trong chương trình đều cùng nhau dậy sớm, ngồi thiền, thiền hành, cầu nguyện. Thầy cho biết, lúc ấy phải hướng dẫn chương trình bằng năng lượng tâm linh mới có thể thành công được.

Thành lập trung tâm tu học Làng Mai

Ngày càng có nhiều người tìm tới Thầy để học đạo. Phương Vân Am với sức chứa 50 người không còn đủ chỗ nữa. Cần phải có một trung tâm tu học rộng rãi hơn. Ngày 29.11.1978 Thầy mua được Phương Khê, đó là một tòa nhà nằm ở Miền Nam nước Pháp, sau này trở thành nội viện Phương Khê là nơi chỉ có những đệ tử xuất gia của Thầy mới được bước vào.

Ngày 28.9.1982 Xóm Hạ – trung tâm tu học rộng lớn đầu tiên của Thầy được thành lập tại làng Loubès – Bernec, miền Nam nước Pháp lấy tên là Làng Hồng sau này đổi thành Làng Mai. Tháng giêng năm 1983 Xóm Thượng ra đời. Xóm Hạ được đặt tên là Mai Hoa Thôn, Cam Lộ Tự (chùa Cam Lộ), còn Xóm Thượng được đặt tên là Pháp Vân Tự (chùa Pháp Vân). Ngày 15.7.1983 khóa tu mùa hè đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai. Cũng bắt đầu từ đây Thầy chính thức dồn hết tâm huyết vào việc giảng dạy đạo Phật và hướng dẫn tu học. Ngoài những khóa tu tại Làng Mai, Thầy thường xuyên có những chuyến hoằng pháp ở khắp nơi. Pháp môn Làng Mai từ đó lan truyền đi khắp châu Âu, Số người xin quy y Tam Bảo, nhận lãnh Năm Giới và nhận Mười Bốn Giới Tiếp Hiện ngày càng nhiều. Người Tây phương lúc này đã biết tới Thầy với tư cách là một vị thiền sư.

Năm 1988 Thầy chính thức nhận và đào tạo đệ tử xuất gia. Số đệ tử xuất gia cứ tăng dần nên cần thêm nhiều trung tâm tu học. Năm 1996 có thêm Xóm Mới, tên Xóm Mới là Thiên Ý Thôn – Từ Nghiêm Tự (chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới). Nhu cầu tu học của thiền sinh cũng như người trẻ tới xin xuất gia với Thầy ngày càng đông, tới năm 2003 chùa Sơn Hạ ra đời.

Lúc này, những cuốn sách dạy về thiền của Thầy được thế giới đón nhận rất hồ hởi. Hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng, có những cuốn được dịch ra tới hơn 50 thứ tiếng trên thế giới như: “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Giận” v.v… Thế giới đã biết tới Thầy như một vị Thiền Sư lỗi lạc thông qua những khóa tu, những bài giảng và những cuốn sách của Thầy. Vì vậy, nhu yếu có thêm những trung tâm tu học tại các quốc gia khác là điều tất yếu phải xảy ra. Năm 1997, tu viện Rừng Phong và tu viện Thanh Sơn được thành lập, năm 2000 tu viện Lộc Uyển ra đời. Tháng 10 năm 2005 tu viện Mộc Lan chính thức đi vào hoạt động và tới tháng 5 năm 2007 có thêm tu viện Bích Nham. Những tu viện này đều ở Mỹ.

Cuối năm 2004 đầu năm 2005, sau 40 năm sống ở nước ngoài, Thầy đã được chính phủ Việt Nam mời về nước để mở những khóa tu cho đồng bào Việt Nam. Cuối năm 2004, Thượng Tọa Đức Nghi khẩn khoản mời Thầy và tăng thân về tu viện Bát Nhã tại Bảo Lộc, Lâm Đồng tu học. Chấp nhận lời mời, một số vị giáo thọ Làng Mai đã được cử về tu viện Bát Nhã. Chỉ trong vòng bốn năm, số người trẻ xin đi xuất gia tại Bát Nhã đã lên tới 400 vị. Năm 2007, Thầy về Việt Nam hướng dẫn tu học cho đồng bào và mở ba lễ Đại Trai Đài Chẩn Tế tại ba miền: Bắc, Trung, Nam. Năm 2008 Thầy lại trở về nước dự lễ Vesak theo lời mời của chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, tu viện Bát Nhã không phải là một trung tâm tu học chính thức của Làng Mai, do Làng Mai quản lý mà chỉ là một nơi ở tạm theo lời mời của vị trụ trì nơi đó. Khi nhân duyên không còn nữa các tu sĩ Làng Mai đã trả lại cơ sở cho trụ xứ để trở về những trung tâm tu học chính thức của mình.

Tại thời điểm đó, năm 2009, một trung tâm Quốc Tế Làng Mai lập tức được thành lập tại Thái Lan đón 200 tu sĩ từ tu viện Bát Nhã sang tu học.

Năm 2008, Thầy cùng các đệ tử của mình thành lập Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, trụ sở đặt tại Waldbrol, Gremany (Đức). Năm 2011 Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á ra đời. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á đặt trụ sở tại Chùa Liên Trì, ở đảo Lantau – HongKong. Tại Úc có tu viện Nhập Lưu. Ngoài ra còn có nhiều ngôi chùa nhỏ do tăng thân xuất sĩ Làng Mai trụ trì và hướng dẫn tu học khắp nơi trong và ngoài nước. Số đệ tử xuất gia của Thầy Làng Mai đã lên tới hàng ngàn vị, hiện đang tu học rải rác tại các trung tâm của Làng Mai trên khắp thế giới.

Sự nghiệp trồng người

Đối với Thầy, thì những đệ tử xuất gia rất quan trọng. Vì các vị ấy đã dành cả cuộc đời mình vào việc thực hiện sự nghiệp tu học và giúp đời. Các vị là những mảnh đất mầu mỡ để gieo trồng hạt giống của cảm thông và thương yêu. Do đó, Thầy đặc biệt dành tâm huyết để dạy dỗ và chăm sóc cho các đệ tử xuất sĩ của mình. Trong hàng trăm pháp môn mà thầy chế tác ra thì phần lớn dành cho chúng xuất sĩ.

Thầy luôn khuyến khích các đệ tử viết thư cho mình để Thầy có thể hiểu nhiều hơn về những tiến bộ hay những khó khăn mà người đệ tử đang có mà kịp thời giúp đỡ hoặc động viên. Thầy không trả lời thư trực tiếp mà thường trả lời thông qua những bài pháp thoại. Những bức thư của các đệ tử luôn được Thầy đọc rất kỹ. Thầy đã dành cho các đệ tử của mình tình thương yêu vô bờ bến, nhận lại, Thầy được các đệ tử tôn kính và ngưỡng mộ vô cùng. Bằng thân giáo, Thầy đã truyền trao cho các đệ tử tình yêu thương, các vị đệ tử của Thầy đã tiếp nhận được tình yêu thương ấy để sống với nhau và sống với cuộc đời.

Mênh mông biển hạnh

Cuộc đời của Thầy là một cuộc đời đầy nhiệt huyết, cống hiến và phụng sự không ngừng nghỉ. Những tháng năm tuổi trẻ Thầy đã làm việc miệt mài vì an vui và hạnh phúc của mọi người, mọi loài. Khi đã lớn tuổi thì sức làm việc của Thầy cũng khó có người theo kịp. Hàng năm, lịch hoằng pháp của Thầy kín mít. Mỗi năm thường thì Thầy chỉ ở Làng Mai khoảng bốn đến năm tháng còn lại là những khóa tu triền miên tại các quốc gia.

Ngoài hướng dẫn khóa tu, Thầy còn phải trả lời phỏng vấn, họp báo, dịch kinh, viết sách. Những cuốn sách mới của Thầy vẫn đều đặn được xuất bản, những bộ kinh quý giá liên tiếp được Thầy dịch và đăng tải trên các trang mạng và in thành sách.

Thầy nói với các đệ tử của mình rằng: “Thầy ngần này tuổi rồi, tuy làm việc và tu tập nhưng không có ngày nào mà Thầy không học thêm, Thầy vẫn đọc sách và học hỏi thêm những cái mới”. Đó là một trong những cách dạy của Thầy. Thầy muốn các đệ tử của mình ngoài việc tu tập ra phải học rộng biết nhiều, nghiên cứu, học hỏi cho thấu đáo để có đủ đức hạnh và trí tuệ mà giáo hóa chúng sinh.

Sức làm việc và học tập của vị Thầy già 90 tuổi ấy, ngay cả người trẻ cũng khó mà theo kịp. cuối năm 2014, Thầy đổ bệnh, từ đó tới nay Thầy mới chính thức được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Hiện tại Thầy đang ở tại Tổ Đình chùa Từ Hiếu cùng với các đệ tử.

Hoa trái công phu

Có nhiều người nói rằng khi được đọc những cuốn sách và nghe những bài giảng của Thầy, họ nhận ra đây là một bậc đạo sư vĩ đại. Những cuốn sách như “Nẻo về của ý”, “Đường xưa mây trắng”, bài thơ “Tìm nhau” và những tác phẩm khác của Thầy đã hé lộ phần nào sự thành tựu tu học của Thầy. Thế nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với Thầy họ mới thấy Thầy lớn lao và thiêng liêng hơn nhiều so với trong sách vở.

Tuy nhiên, thầy không phải sinh ra đã là một vĩ nhân. Thầy cũng phải trải qua rất nhiều gian truân, oan khiên, thất bại, cũng phải đi ngang qua niềm tuyệt vọng. Có những năm tháng do dấn thân phụng sự trong khi sự tu học còn chưa chín muồi, Thầy đã bị tổn thương trầm trọng, bị trầm cảm về tâm và mang trọng bệnh trong thân. Thế nhưng nhờ có tuệ giác và từ bi nên Thầy đã tìm thấy nhưng phương pháp tu học thích hợp, đã hết mình thực tập, nhờ vậy mà Thầy chuyển hóa được những khổ đau trong lòng, tìm được niềm an lạc ngay giữa cuộc đời đầy sóng gió.

Có thể nói trí tuệ và từ bi của Thầy được sinh ra từ trong gian khổ. Nhờ những khổ đau mà Thầy tìm ra được phương pháp thoát khổ và hết lòng thực tập để vượt thắng khổ đau, đạt tới an lạc chân thực. Thầy là một hành giả như bao hành giả khác, nhưng nhờ chuyên tâm hành trì mà Thầy trở thành một Đại Thành Tựu Giả. Thầy đã dùng chất phàm để làm nên chất thánh, đã lấy rác làm phân bón nuôi hoa, đã dùng bùn để đắp bồi cho đóa sen vươn dậy.

Thầy là một người Cha, người Thầy vĩ đại. Người Cha, người Thầy ấy không cao xa mà rất gần gũi, rất từ bi, rất hiểu ta, rất thương ta và ta cảm thấy ấm áp, bình yên trong vòng hào quang thương yêu của Thầy. Thầy là một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đi tìm chân lý và mang trong mình lý tưởng phụng sự cuộc đời. Thầy sẽ mãi là ngọn hải đăng soi đường cho muôn trùng thế hệ những người con Bụt.

 

Đệ tử: Thích Nữ Chân Lĩnh Nghiêm kính ghi

 

 

 

 

Facebook Comments Box

Trả lời