1709 lượt xem

Thiếu Phước Rất Khó Tu

Thích Quảng Tánh / Thích Tánh Tuệ

 
Thiếu Phước Rất Khó Tu
 
Xin mời nghe Cô Phật Tử Quảng An ngâm bài này dưới đây: 
 
Ai cũng biết Thế Tôn là bậc Phước trí nhị nghiêm, viên mãn phước đức và trí tuệ. Ấy vậy mà suốt cả cuộc đời, Ngài vẫn tiếp tục vun bồi phước đức không khi nào ngừng nghỉ. Từ việc lớn cho đến việc nhỏ, nhỏ như xâu kim giúp người, Thế Tôn vẫn làm.
 
Khi Tôn giả A-na-luật bị mù, không xâu kim để vá y được, Đức Phật đã đến giúp khiến cho A-na-luật ngỡ ngàng. Không chỉ giúp đệ tử một việc nhỏ nhặt, Thế Tôn còn xác quyết rằng “Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta” và
 
“Bố thí; 
dạy dỗ; 
nhẫn; 
nói pháp, nói nghĩa; 
bảo hộ chúng sanh; 
cầu đạo Vô thượng Chánh chân. 
Đó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ”.
 
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Rồi sau A-na-luật vá y phục cũ. Khi ấy mắt đã bị hư và đắc thiên nhãn không có tì vết. A-na-luật dùng pháp thường mà vá y áo, không thể xâu chỉ qua lỗ kim được. Khi ấy A-na-luật liền nghĩ: ‘Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi’.
 
Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được âm thanh này: ‘Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi’. Thế Tôn bèn đến chỗ A-na-luật mà bảo:
 
– Thầy đưa kim đây Ta xâu cho.
A-na-luật bạch Phật:
– Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu phước ở thế gian xâu kim cho con.
Thế Tôn bảo:
– Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không chán bỏ. Những gì là sáu? Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Này A-na-luật! Đó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ.
 
A-na-luật thưa:
 
– Thân Như Lai là thân của Chân pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại thoát khỏi ái trước, và nay cố cầu làm phước.
 
Thế Tôn bảo:
 
– Đúng thế, A-na-luật. Đúng như lời thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này không chán đủ. Nếu chúng sanh biết nguồn cội của tội ác do thân, miệng, ý tạo thì hoàn toàn không đọa trong ba đường ác. Vì chúng sanh chẳng biết nguồn gốc tội phước nên đọa trong ba đường ác.
 
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: 
Các sức mạnh thế gian
Dạo ở trong Trời, Người
 Phước lực là hơn hết
 Do phước thành Phật đạo.
 
Thế nên, A-na-luật! Nên cầu phương tiện được sáu pháp này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
 
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 38.Lực [1-Trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.493)
 
LỜI BÌNH:
 
Pháp thoại này khiến cho những ai thiên về tu tuệ mà xem nhẹ tu phước phải thảng thốt giật mình. Thì ra, phước đức nếu tích lũy được sâu dày sẽ tạo nên sức mạnh hùng hậu trong thế gian, có năng lực đưa hành giả vượt qua mọi chướng ngại để thẳng tiến đến đạo quả. Nếu tu tập bình thường, chưa thành tựu giải thoát trong đời này, phước đức có năng lực đưa người đệ tử Phật ra khỏi các đường ác, được sinh về các cõi lành.
 
“Như Lai không hề chán bỏ” việc tu tập như “Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân”, huống gì phước mỏng nghiệp dày như hậu thế chúng ta. Nên ngoài chánh hạnh (một pháp môn thích hợp căn cơ), người đệ tử Phật cần làm thêm các trợ hạnh (tất cả các việc lành) để vun bồi phước đức.
 
 “Do phước thành Phật đạo” là lời dạy quan trọng của Thế Tôn để người tu Phật lưu tâm, tu tập quân bình phước trí đều đủ. Nên song hành với tu tuệ, khi hội đủ nhân duyên thì những việc tu phước dù nhỏ đến mấy cũng làm, quyết không chán bỏ.
 
Thượng Tọa Thích Quảng Tánh 
 
 
  
Lặng Về 
 
Khi lặng thầm cảm nhận
Những khoảnh khắc yên bình
Giữa dòng đời huyên náo
Giữa mịt mù sắc, thinh..
 
Là khi lòng chợt hiểu
Giá trị thật kiếp người
Những phù du đeo đuổi…
Giờ mỉm cười, hổ ngươi!
 
Vài phút giây tĩnh lặng
Dù nhỏ bé mà thôi
Vẫn thật là quý giá
Trong hư huyễn cuộc đời . 
Như Nhiên –TTT 
 
   
Facebook Comments Box

Trả lời