2086 lượt xem

Xuân Miên Viễn

Thích Trừng Sỹ

 

XUÂN MIÊN VIỄN

“Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa tàn hoa nở chỉ là xuân.” [1]

Thông thường, người đời thường nghĩ xuân đến nghĩa là xuân đã qua, xuân đi nghĩa là xuân đã hết, nhưng đối với các bậc thức giả, đặc biệt là Thiền sư Chân Không, không có nghĩ như vậy. Chúng ta nghĩ rằng dù xuân có đến có đi, dù xuân có về có tới, nhưng xuân vẫn là xuân miên viễn, có mặt đích thực trong bạn và trong tôi, đó là, xuân tình và xuân tâm.
Chúng ta đều có mùa xuân miên viễn nếu chúng ta biết cách vun xới và tưới tẩm nó với những người thương của mình bằng hơi thở có ý thức, ý nghĩ thiện, lời nói thiện, và việc làm thiện của mình. Những người thương của mình có thể là thầy của mình, là đệ tử của mình, là cha của mình, là mẹ của mình, là con của mình, là bạn của mình, và là người yêu của mình…
Ở câu thứ hai, chúng ta thấy hoa tàn hoa nở, nhưng xuân vẫn là xuân. Hoa là loài thảo mộc, có tàn có nở, có sanh có diệt, nhưng hoa tình và hoa tâm thì miên viễn không sanh và không diệt. Ý nghĩa của nó vượt thoát thời gian và không gian. Chúng ta là những người con Phật, chúng ta có thể gặt hái được những đoá hoa chân thật và tươi mát ấy ngay trong giờ phút hiện tại nếu chúng ta vững chãi thực tập lời dạy của đức Phật.
“Không làm các điều ác
Hãy làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch,
Là lời chư Phật dạy.”
(Pháp Cú, kệ số 183)
“Như hoa xuân tươi đẹp
Có sắc lại có hương
Cũng vậy lời khéo nói,
Có làm có kết quả.”
(Pháp Cú, kệ số 52)
Hoa là chỉ cho thời gian, xuân là chỉ cho không gian. Hoa và xuân, thời gian và không gian, cả hai luôn hoà quyện với nhau như hình với bóng không thể tách rời nhau được. Có hoa là có xuân và có xuân là có hoa. Có thời gian là có không gian và có không gian là có thời gian.
Hoa là biểu tượng đẹp vaf sự tươi mát. Mỗi chúng ta là biểu tượng đẹp và biểu tượng tươi mát cho nhiều người. Mỗi khi chúng ta không vui, chúng ta giận, hoa xuân của chúng ta bị héo đi, chúng ta không thể đem lại cái đẹp và cái tươi mát cho mọi người. Mỗi khi chúng ta vui, chúng ta an lạc, hoa xuân của chúng ta đẹp và tươi mát, chúng ta có thể đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người. Tu là để chúng ta có thể gặt hái những hoa trái an lạc và hạnh phúc cho mọi người.
“Xuân về trên khắp quê hương
An khang thịnh vượng tình thương dạt dào.”
Chúng ta biết chúng ta là những người con Bụt, chúng ta là những con người Việt Nam, dù chúng ta sống ở đâu, khi xuân trở về, mỗi chúng ta đều nhớ tới quê cha đất tổ, nhớ tới xuân quê hương và xuân dân tộc. Nhờ có xuân quê hương và xuân dân tộc, chúng ta nhớ tới Tổ tiên tâm linh và Tổ tiên huyết thống của chúng ta.
Tổ tiên tâm linh của chúng ta là Phật, các vị Bồ tát, và các hiền thánh Tăng… Tổ tiên huyết thống của chúng ta là Ông bà nội, Ông bà ngoại, và cha mẹ…Xuân về có nghĩa là nhắc chúng ta nhớ tới Ông bà Tổ tiên tâm linh và Tổ tiên huyết thống của chúng ta.
Đức Phật Di Lặc xuất hiện đúng vào ngày Mùng một tết, ngày Xuân mới của năm mới, ngày Tết âm lịch, và Tết dân tộc, đức Phật luôn nở nụ cười hoan hỷ và giải thoát để đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người và mọi nhà. Mỗi chúng ta là mỗi đức Phật Di Lặc hiện tại và tương lai để chúng ta có thể lập hạnh hoan hỷ và giải thoát của Người để đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Tóm lại, dù hoa có nở có tàn, dù xuân có đến có đi, dù chúng ta có ở xa hoặc ở gần, nhưng tâm của chúng ta luôn luôn lúc nào cũng nhớ tới tình xuân và tâm xuân, nhớ tới xuân quê hương và xuân dân tộc của chúng ta, và nhớ tới Ông bà Tổ tiên tâm linh và Tổ tiên huyết thống của chúng ta như thuở ban đầu.
Nhân dịp xuân về, chúng con kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử gần xa hưởng trọn mùa Xuân miên viễn, hoan hỷ, và an lạc.
Kính chư vị xuất Sĩ và cư Sĩ vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường như ý.

.

[1] Thơ của Thiền sư Chân Không (1046-1100) ở thời Lý (1010-1225) ở Việt Nam. “Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận, hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.”

Eternal Spring

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời