BỐN PHÁP MANG ĐẾN AN LẠC
CHO NGƯỜI CƯ SĨ
Người đệ tử Phật, tu học theo Phật, dù xuất gia hay tại gia đều phải thiết lập được lợi ích và an lạc ngay trong hiện tại. An lạc ngày sau là lẽ tất nhiên của vận trình nhân quả nếu hiện tại có an lạc. Vì thế, mỗi người hãy vận dụng giáo pháp một cách uyển chuyển và thông minh, phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của mình sao cho thực sự có lợi ích và an vui.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Uất-xà-ca đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại?
Phật bảo Bà-la-môn:
Có bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại. Đó là: Phương tiện đầy đủ, Thủ hộ đầy đủ, Thiện tri thức đầy đủ, Chánh mạng đầy đủ.
Thế nào là Phương tiện đầy đủ? Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi. Đó gọi là Phương tiện đầy đủ.
Thế nào là Thủ hộ đầy đủ? Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư hỏng. Đó gọi là người thiện nam khéo Thủ hộ.
Thế nào là Thiện tri thức đầy đủ? Có người thiện nam không mất điều độ, không buông lung, không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để mất. Đó gọi là người thiện nam Thiện tri thức đầy đủ.
Thế nào là Chánh mạng đầy đủ? Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít; như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít. Nếu người thiện nam không có tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là ‘Quả ưu-đàm-bát không có hạt giống; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: ‘Người ngu si này như con chó chết đói’. Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập ngang nhau. Đó gọi là Chánh mạng đầy đủ.
Như vậy Bà-la-môn, đây là bốn pháp thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh 91 [trích])
Lời Phật dạy thật rõ ràng. Người cư sĩ nào: Có chuyên môn cao lại siêng năng phấn đấu nâng cao tay nghề; Biết giữ gìn tài sản do mình làm ra; Biết làm chủ và chuyển hóa thân tâm để sống thiện lành, an vui; Biết cân đối chi tiêu; thì người ấy có lợi ích và an vui trong hiện tại.
Thế Tôn đã xác quyết an vui hay không là do mình. Không dựa dẫm bên ngoài, mong cầu nơi thần linh. Đặc biệt không hy vọng an vui ở ngày mai khi hiện tại bất an. Vẫn biết, còn nhiều yếu tố nữa, nhưng bốn yếu tố trên là căn bản, không thể thiếu để thiết lập an vui cho hàng cư sĩ.
QUẢNG TÁNH
.
Facebook Comments Box