2089 lượt xem

Mười lăm điều học Phật, ứng dụng, và chuyển hóa

Thích Trừng Sỹ

MƯỜI LĂN ĐIỀU HỌC PHẬT, ỨNG DỤNG, VÀ CHUYỂN HÓA

  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng mọi thứ ta đang nắm giữ, bám víu, và chấp thủ là thường hằng, tinh tế, và khôn ngoan, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng mọi thứ ta đang buông bỏ và xả ly là vô thường, tự tại, và thong dong trong cuộc đời.
  2. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng người giàu có là người luôn tóm thâu mọi thứ về mình, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng người giàu có là người biết phát tâm làm những việc từ thiện, bố thí, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng chinh phục và chế ngự người khác là sức mạnh, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng chinh phục và chế ngự chính mình là sức mạnh thù thắng.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng người nói nhiều mà làm ít là người thông thái, nhưng khi học Phật rồi, ta nghiệm ra rằng người nói ít mà làm nhiều, hoặc lời nói, ý nghĩ, và việc làm thường đi đôi với nhau với họ là người có tuệ giác.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường có thói quen lấn lướt và áp đảo người khác, nhưng khi học Phật rồi, ta biết cách thực tập các hạnh ái ngữ và lắng nghe giữa mình và người khác tốt đẹp.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng người có trí là người sống tranh giành, ấu đả, và làm bất lợi cho người khác, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng người có trí là người sống hòa hợp và đoàn kết, biết cách xây dựng tình huynh đệ trong tinh thần tương trợ, tương thân, tương ái, và tương kính giữa mình và người khác.
  2. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng người có lòng vị tha là người giúp cho tự thân, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng người có lòng vị tha là người không những giúp cho tự thân, mà còn giúp cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng người biết ngồi thiền, niệm Phật, và tụng Kinh là hành giả tu tập. Tuy nhiên, khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng người hành giả tu tập không chỉ là người biết cách ngồi thiền, niệm Phật, và tụng Kinh, mà còn là người biết cách giảng dạy và hướng dẫn thiền tập, niệm Phật, tổ chức các Khóa Tu, hiểu rõ lịch sử đức Phật, nhân quả, và xây dựng Tăng đoàn. 
  2. Khi chưa học Phật, ta thường ước muốn những gì ta chưa có, nhưng khi học Phật rồi, ta mong muốn những gì ta đã có. Tương tự như vậy, khi chưa học Phật, ta không biết đủ những gì ta đã có, nhưng khi học Phật rồi, ta hài lòng và biết đủ những gì ta đã có.
  1. Khi chưa học Phật, ta không biết sống, chết, và sự sinh diệt của vạn pháp, nhưng khi học Phật rồi, ta biết sự sống và sự chết trong ta luôn diễn ra trong mọi tế bào cơ thể của chúng ta, sự sinh diệt của vạn pháp luôn diễn ra trong vô số sát na của cuộc sống hằng ngày.
  1. Khi chưa học Phật, ta không biết các pháp là vô thường, nhưng khi ta học Phật rồi, ta hiểu các pháp là vô thường, chuyển biến, duyên sinh, tương tức với nhau, và không có tự tính riêng biệt.
  1. Khi chưa học Phật, ta ước muốn Thượng đế hay Đấng sáng tạo nào đó giúp và thay đổi ta, nhưng khi học Phật rồi, ta hiểu chỉ có ta có thể giúp ta và chỉ có ta có thể thay đổi chính ta mà thôi.
  1. Khi chưa học Phật, đôi lúc ta im lặng như hến và nói năng như người thô lỗ và sân giận, nhưng khi học Phật rồi, ta thực tập im lặng như thiền định và nói năng như chánh Pháp hay Bậc giác ngộ.
  1. Khi chưa học Phật, ta thường nghĩ rằng tiền, tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, và ngủ nhiều là sự nghiệp vững chãi của đời tu, nhưng khi học Phật rồi, ta nhận ra rằng Pháp học, Pháp hiểu, Pháp hành, Pháp thành, Pháp hỷ, Pháp xả bao gồm đạo đức, thiền định, và trí tuệ là sự nghiệp vững chãi của đời tu.
  1. Khi chưa học Phật, ta không nắm vững các giá trị thiết thực của Bát Chánh Đạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định). Tuy nhiên, khi học Phật rồi, ta biết rằng Bát Chánh Đạo có thể giúp chúng ta nhận diện và chuyển hóa các tập khí tham, sân, si, mạn, nghi, vô minh, tà kiến, thành kiến, thường kiến, và đoạn kiến. Bởi vì các tập khí này nếu chúng ta không thanh lọc, nhận diện, và chuyển hóa, thì chúng không những chế ngự và đốt cháy chúng ta, mà còn làm cho chúng ta u tối, vô minh, và mù quáng, và tin theo các thần linh, tà thuyết, và mê tín dị đoan. Do vậy, hiểu rõ và nắm vững Bát Chánh Đạo có khả năng giúp chúng ta thăng tiến trên đường đời và thăng tiến trên đường đạo vững chãi, an vui, và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

15 Things to Learn Buddhist Studies, Application, and Transformation

Facebook Comments Box

Trả lời