1524 lượt xem

Đi Tìm Phép Mầu

Thích Thánh Trí

.

Đi Tìm Phép Mầu

Mục tiêu chính của đạo Phật có mặt trên cuộc đời này là chỉ bày con người thấy ra được bản chất thật của mọi sự vật hiện tượng nhằm giúp con người định hướng, điều chỉnh, nâng cao, phát triển… cuộc sống của mình để mình được viên mãn nguyện ước, bình an, vui vẻ, tự tại, giải thoát trong hiện tại và tương lai. Nhìn mọi khía cạnh: từ hiện tượng cho đến bản thể, từ tục đến chân đế, từ hình thức đến nội dung, chúng ta thấy giáo lý đạo Phật luôn chứa đựng những yếu nghĩa vừa cao thâm huyền diệu mà lại vô cùng đơn giản thiết thực, giống như những dòng nước cam lồ mát mẻ, ngọt dịu, ấm áp mà mọi hạng người, mọi giới tính, mọi tầng lớp ai cũng có thể lãnh hội, áp dụng, tu tập và đều có kết quả tốt đẹp như nhau bởi lẻ quả vị Vô thượng Bồ đề không phải sở hữu của riêng ai mà bất cứ ai cũng có phần trong đó khi hoàn tất công phu tu tập của mình. Lẽ dĩ nhiên là khi hiểu đúng, nhận thức đúng và hành trì đúng lời Phật dạy thì người tu tập cảm nhận ngay được hương vị giải thoát của Pháp bảo ngay trong đời sống hằng ngày và ở ngay tại tâm mình chứ không cần phải chạy đi đâu tìm cầu đâu xa, chạm trán được với mặt mũi xưa nay của mình (bản lai diện mục) thì chẳng khác nào người đi tìm gỗ trầm hương mà gặp ngay được gỗ trầm hương, người đi tìm thuốc quý mà trúng được loại thuốc quý cần tìm.

Trên cơ bản, dù tu tập theo nền tảng nào, pháp môn nào, hệ phái nào nào đi chăng nữa thì cốt tủy của đạo Phật vẫn không nằm ngoài ba cương lĩnh chính, đó là tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ. Giới định tuệ là đúc kết của con đường Thánh đạo tám nghành (bát Chánh đạo) và Đạo đế trong tứ Thánh đế và là tâm điểm tối thượng người tu học Phật hướng tới. Giới là những học giới, những điều luật do Đức Phật chế định nhằm ngăn ngừa những hành vi sai trái, phát huy những động tác thiện lành; Định là sự tập trung, nhất tâm, chuyên chú; Tuệ là tuệ giác siêu tuyệt nhờ quá trình tu tập, rèn luyện thân tâm mà có được. Ba vô lậu học này bổ sung cho nhau, hổ tương nhau, làm nhân làm duyên cho nhau theo tiến trình nhân quả, trong giới có định, trong định có tuệ, giống như khi cây xoài ra hoa thì chúng ta gọi là hoa xoài, rồi hoa trở thành trái xoài non thì chúng ta gọi là xoài non, xoài non trở thành xoài chín thì chúng ta gọi là trái xoài chín nhưng tất cả đều nằm trong quả xoài.

Tam học ấy và kho tàng phước báu bảo hộ được ví như bảo vật vô giá thách thức bao thăng trầm vinh nhục, sóng gió ba đào, bão táp vô thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu. Trên đường đi đến bảo sở thì có nhiều lối đi, nhiều phương tiện dẫn dắt nhưng khi đã đến nơi rồi thì tất cả các mọi phương tiện đó đều quy về một mối, chính là giải thoát tất cả mọi ràng buộc, khổ đau, vượt lên trên tất cả mọi phạm trù nhị nguyên đối đãi để phát triển khả năng sống an lạc và tỉnh thức tối hậu .

Đối với những người không có niềm tin tôn giáo, không tin nhân quả nghiệp báo thiện ác tội phước thì họ cho rằng những ai tìm đến các cơ sở tôn giáo đều là những người có vấn đề: trong công ăn việc, liên hệ tình cảm, già yếu bệnh tật, yếm thế chán nản… chứ những người làm ăn bình thường, giàu có phát đạt, trẻ trung tươi đẹp thì hà cớ gì phải tốn thời gian, công sức để đến Chùa chiền mà tu học, làm phước, tích đức. Lối suy nghĩ cạn cợt quy chụp đó nên hỏi lại: ai là người có vấn đề!

Trong khi đó, chúng ta cũng thường thấy nhiều người lúc gặp chuyện bất như ý, chuyện đau buồn sầu muộn thì họ tìm đến tôn giáo chỉ với mục đích là mong được cứu rỗi, tha tội, còn khi vui sướng, bình yên thì ít ai ý thức được sự vô thường thay đổi nhanh chóng của kiếp người và vạn vật, ít tai biết kiệm đức, tích lũy phước điền, sống với chính mình trong từng giây phút; để rồi, khi sự việc bất ngờ xảy đến thì trở tay không kịp, giống  như khi khát nước mới đi đào giếng, khi nước tới chân mới chịu nhảy thì làm sao mà kịp. Người Phật tử thuần thành, hiểu Phật Pháp thì may mắn hơn rất nhiều, đó là họ chuẩn bị tư thế sẳn sàng, sửa soạn hành trang cho đời mình, làm những việc lợi ích và ý nghĩa cho mình và giúp cho ai đó được tốt lành hơn thì họ sẽ làm theo khả năng của họ, sống được với chân tâm bản thể của họ thì giả sự việc thình lình ập đến thì họ cũng đi theo chiều hướng mà họ đã chọn lựa, ví dụ một cái ây đã nghiêng về một hướng, khi gió mạnh thổi đến thì cây đó sẽ ngả theo chiều hướng mà nó nghiêng.

Tâm lý chung của con người hiện nay là khi đối diện với những khó khăn hay thất bại trong cuộc sống, con người không chịu ngồi xuống để nhìn lại mình, học ra được bài học gì từ sự thất bại đó mà khi gặp khó khăn, khủng hoảng thì ai cũng muốn có ngay liền một phép mầu nào đó để cứu giúp mình trong lúc mình đang gặp hoạn nạn, tai ương. Phép mầu, phép lạ, sự cầu nguyện của con người có được đáp ứng hay không, chủ đề này được bàn luận rất nhiều trong các tôn giáo xưa nay, và có thể nói rằng: những tôn giáo nhất thần tôn thờ Thượng Đế nói chung thì họ rất chú trọng về phép mầu, thậm chí mục tiêu chính mà họ chủ trương rao giảng là truyền bá phép mầu, thuyết phục chiếc “bánh vẻ” phép mầu “quyền năng” để tìm cách chiêu dụ nhiều người tin tưởng một cách mù quáng và cực đoan. Riêng trong Phật Giáo, giáo lý đạo Phật dạy con người ý thức được tinh thần tự giác, tự nguyện, từ bi, trí tuệ; dạy con người ý thức rằng: thành quả, sản phẩm của mình do chính mình tạo tác; dạy con người nhận thức sáng suốt về phương diện hiểu biết và cách thức hành trì để giúp cho mình sống đúng, sống tốt, đem lại lợi ích cho mình, cho người trong sự tu tập.

Cầu nguyện là điều cần thiết, là phương thuốc kịp thời để hóa giải những bất an sầu khổ của con người trong lúc khủng hoảng nhất nhưng người học Phật không dừng lại ở việc cầu nguyện, van xin, ai oán, rên rỉ…một đấng quyền năng nào đó một cách thụ động, máy móc mà khi hiểu được lời Đức Phật dạy một cách sâu sắc và thấu đáo thì chúng ta phải chủ động làm gì đó, nghĩa rằng: tự mình tìm cách vượt qua những giai đoạn khó khăn, tự mình chữa lành được căn bệnh của mình, tự mình mang lại sự bình an cho mình bởi vì đôi khi càng nuôi dưỡng phép mầu bao nhiêu thì người cầu xin càng đau khổ bấy nhiêu vì cầu mà không được toại nguyện, càng hy vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu, càng mơ hồ những chuyện trên mây trên gió bao nhiêu thì con người càng bế tắc, tuyệt vọng, đau khổ bấy nhiêu.

Phép mầu được hiểu nôm na là sự mầu nhiệm, là điều kỳ diệu, là những năng lực siêu hình… mà một người bình thường không thể nào có được. Phép mầu có liên quan đến thần thông. Trong kinh điển có ghi lại rằng, sau khi thành đạo, Đức Phật chứng được tam minh lục thông. Tam minh là quá trình tư duy của Đức Phật trong đêm ngài thành đạo, đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng từ Sa Môn Cồ Đàm dấn thân đi tìm đạo trở thành bậc tỉnh thức hoàn toàn đầy đủ các phương diện về phước và trí. Tam minh gồm có túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Minh có nghĩa là tuệ giác sáng suốt. Túc mạng minh là tuệ giác mà Đức Phật thấy biết rõ về vô biên đời kiếp trong quá khứ của ngài. Thiên nhãn minh là Đức Phật thấu suốt nhân quả, nghiệp báo của chúng sanh trong vô lượng kiếp. Lậu tận minh là Đức Phật ngài biết rõ những nguyên nhân nào nhận chìm chúng sanh trong vòng sanh tử luân hồi.

Lục thông là khi tâm thanh tịnh tròn đầy thì sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, thân, ý chuyển thành sáu thông. Tâm bị ô nhiễm, bất tịnh thì sáu căn chính là sáu tên giặc luôn khiến tâm bị giao động, vọng tưởng, quấy nhiễu đời sống làm cho con người không bao giờ yên ổn được, không bao giờ hài lòng và thỏa mãn được những tham cầu của mình nhưng điều kỳ diệu khi sáu căn được điều phục, chế ngự rồi thì sáu căn đó nó trở thành sáu thứ thần thông diệu dụng. Ở đây chúng ta cũng có thể rút ra được một bài học: nơi nào xuất phát khổ đau thì cũng chính nơi đó sẽ chấm dứt khổ đau; đừng bao giờ chạy trốn với hành vi thái độ nhận thức của mình mà hãy sống với nó, nuôi dưỡng nó vì không ai ngoài mình có thể giải quyết được vấn đề của mình. Sáu thông bao gồm: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông và lậu tận thông.

Thiên nhãn thông là khả năng nhìn của mắt, có sức nhìn không hạn chế, không bị trở ngại bởi khoảng cách, chướng ngại vật, thậm chí còn nhìn xuyên thời gian, nhìn thấy những sinh vật ở thế giới khác và bắt sóng được những sắc chất ở tần số khác mà người bình thường không thể thấy được.

Thiên Nhĩ Thông là khả năng nghe của tai, không bị trở ngại của ngôn ngữ, giống loài, có thể nghe được mọi âm thanh trên thế gian, hiểu được tiếng muôn loài. 

Tha Tâm Thông là khả năng biết được suy nghĩ của kẻ khác. Bộ não con người ví như một đài thu và phát sóng, mọi tâm tư, ý nghĩ của chúng ta đều tỏa ra xung quanh dưới dạng sóng. Nhờ tu tập Thiền định, hoặc một phép luyện tinh thần nào đó, con người cải thiện được sức thu của não bộ, thì khi đó con người có thể thu được sóng não của người khác và hiểu họ đang nghĩ gì.

Thần Túc Thông là khả năng nhìn thấy được trăm ngàn kiếp quá khứ của mình và người khác.

Túc mạng thông là khả năng di chuyển không hạn chế, có thể tàng hình, hiện thân to, nhỏ tùy ý.

Lậu Tận Thông là khả năng làm chủ bản thân tuyệt đối, ý nghĩ được kiểm soát, không còn vọng tưởng, không còn nghi ngờ, không bị nhiễm ô dù trong hoàn cảnh nào, tâm thức tỉnh lặng, xóa bỏ mọi nghiệp chướng (tốt hoặc xấu).

Trong sáu loại thần thông thì những người luyện phép hoặc tu tiên đều có thể đạt được năm loại thần thông trước ngoại trừ lậu tận thông là không đạt được. Lậu tận thông chỉ có Đức Phật và các vị Thanh Văn, A La Hán mới đạt được bởi vì lậu tận thông là mục đích cuối cùng của người tu học theo đạo Phật, là kết quả của quá trình đạt đến sự giác ngộ giải thoát. Chưa chứng được lậu tận thông thì vẫn bị phiền não tác động và vẫn còn khổ đau, vẫn còn luân hồi sinh tử.

Trong Kinh có ghi lại một câu chuyện là, có một lần một người biểu diễn phép thần thông đi trên mặt nước từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Hằng và thách thức Đức Phật làm như vậy có được không. Đức Phật hỏi vị kia tu luyện bao lâu mà có được thần thông như thế. Vị đó đáp rằng ông ta phải mất ba mươi năm tu luyện mới có được khả năng phi hành trên mặt nước. Đức Phật mỉm cười bảo rằng: “ta chỉ cần ba xu để đi đò là qua được bờ bên kia sông Hằng!”

Chúng ta thấy có nhiều người thường hay thích biểu diễn, thích thể hiện những chuyện phi thường để chứng tỏ mình là hay hơn người, giỏi hơn người, kích động tâm lý tò mò, hiếu kỳ với điều khác lạ, những phô trương trình diễn này chỉ làm tăng thêm cái bản ngã, đưa cái tôi của mình lên, dính mắc vào loại thần thông này thì chỉ làm chướng ngại trên đường tu tập mà thôi chứ không đem lại lợi ích gì cho việc hóa giải khổ đau đâu.

Đức Phật dạy rằng, trong tất cả các loại thần thông thì loại thần thông có năng lực giáo hóa con người, giúp con người tỉnh ngộ mà tu tập, thành tựu đạo quả giải thoát mới là loại thần thông đáng được tán thán, ca tụng. Có nghĩa rằng, bằng sự tu tập, bằng khả năng thuyết giảng làm sao mà độ cho được mọi người quay về với Chánh Pháp, quy hướng Tam Bảo, tịnh hóa thân tâm, xây dựng xã hội, xây dựng đời sống tốt cho mình và mọi người, làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội mà không bị bản ngã chi phối, đó là loại thần thông mà Đức Phật đề cập chư vị Tỳ Kheo sử dụng để chuyển bánh xe pháp vào cuộc đời.

Đức Phật luôn cảnh tỉnh hàng đệ tử xuất gia của ngài là không sử dụng chiêu trò gì dưới bất kỳ hình thức nào để lôi kéo, thu hút dân chúng đến với mục đích cho đông đảo về số lượng. Nhiệm vụ của người xuất gia là thắp sáng tâm lành của người tu học Phật, đáp ứng nhu cầu học pháp và hành pháp cho người hữu duyên với Phật pháp, đồng thời nổ lực đem đạo vào đời, giúp người gieo trồng nhân duyên lành trên con đường đạo để sống với đời kiếp của quyến thuộc từ bi.

Môi trường xã hội giúp con người phát huy nguồn sống bởi vì ai cũng cần phải làm ăn sinh sản, phát triển công việc của mình nhưng đôi khi môi trường xã hội có quá nhiều độc tố, rất dễ bị ô nhiễm, nó phá hoại rất nhiều sinh tố. Độc tố là những điều xấu ác, dơ bẩn; sinh tố là những điều thiện lành, tốt tươi. Môi trường của Phật Giáo mà môi trường giúp con người chữa lành những vết thương lòng, cải thiện đời sống, nuôi dưỡng tâm lành, tích lũy phước thiện, nâng cao phẩm chất đời sống.

Trên lộ trình giáo hóa độ sanh, Đức Phật cùng giáo đoàn của Ngài đến bất cứ nơi nào, đều là tấm gương điển hình cao quý nhất, vận dụng tinh thần từ bi, đoàn kết, hòa hợp, tôn trọng sự thật, để chuyển hóa mọi người đi theo con đường thánh thiện. 
Sự hiện hữu và những ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật trên thế gian này trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm đã là sự khẳng định đúng đắn  rằng Phật giáo chính là chất liệu nuôi dưỡng và duy trì đời sống hòa bình, an lạc, phát triển và thăng hoa tâm linh cho nhân loại. Có thể nói rằng ngày hôm nay giáo lý Phật giáo đang đáp ứng cho con người thời đại mới những nhu cầu tâm linh vượt bực, nâng phẩm chất của tâm thức lên trình độ cao xa, các phẩm chất đó chẳng những không bị giáo điều ràng buộc, mà luôn giúp cho tinh thần con người được vững chãi, kiên định trước mọi đổi thay của nhịp sống mất phương hướng trong vòng xoáy của nền văn minh vật chất hiện đại. Đạo Phật đi vào đời bằng rất nhiều phương tiện khác nhau, nhưng luôn hài hòa và thích nghi theo từng quốc gia, từng phong tục tập quán địa phương, giúp cho con người nhận chân được thế nào là cuộc sống có ý nghĩa, hiểu được mối tương quan tồn tại mật thiết giữa mình với tha nhân, với cuộc đời, với muôn loài, để từ đó xây dựng nếp sống lợi ích cho mình, cho người, vì sự phát triển an bình cho xã hội, cho cộng đồng nhân loại, cho ngôi nhà chung toàn cầu và cho tất cả các loài hữu tình và vô tình trên trái đất này.
Con người ở thời Phật tại thế cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm và con người thời hiện đại đều có những nỗi khổ chung về vật chất và tinh thần của kiếp người; nếu không muốn nói là con người thời nay gánh chịu nhiều khổ đau hơn, vì  ngoài một số dữ kiện khách quan thì nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng bất an bắt nguồn từ “Tâm”, yếu nghĩa này đã được Đức Phật tóm gọn trong một câu của kinh Hoa Nghiêm “Vạn pháp duy tâm tạo” (tâm con người như thế nào thì họ sẽ nhìn cảnh vật thế ấy). Và kinh Pháp Cú cũng dạy rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm niệm bất tịnh, khổ não liền theo sau, như xe theo bò vậy. Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm niệm thanh tịnh, an lạc liền theo sau, như bóng chẳng rời hình”.

Khi khoa học phát triển thì nghành công nghệ thông tin đã mang lại cho con người rất nhiều điều kỳ diệu mà chúng ta có thể tạm gọi là “thần thông, là phép mầu”. Ví dụ, khoảng 100 năm về trước làm gì có điện thoại liên lạc quốc tế hay mạng lưới toàn cầu của điện tử,  nhưng kể từ năm 1953 thì năm đó bắt đầu cho cuộc bùng nổ cách mạng kỷ thuật, bây giờ con người có thể liên lạc được với nhau, nhìn thấy nhau trong tích tắc cho dù không gian cách xa nhau nghìn trùng hoặc con người có thể bay lên không trung, đi trong lòng đất, du hành dưới đáy biển…Tất cả những thành tựu đó đem đến cho khoa học đỉnh cao rực rỡ của sự thành công và hầu như hiện nay khoa học đã và đang chi phối toàn bộ đời sống con người. Những điều mà khoa học đem lại cho con người đó là làm cho đời sống con người đầy đủ tiện nghi hơn, đáp ứng được chủ nghĩa tiêu thụ, sự hưởng thụ của con người. Mặt trái của chủ nghĩa hưởng thụ một cách sa đà, quá độ là động lực để kích động và đốt cháy ngọn lửa ái dục bên trong của con người, làm cho con người bị sa ngã vào cạm bẫy của sự cám dỗ, tiêu cực một cách thái quá.

Sự hiện hữu của con người thời nay dường như ngày càng mất hết sự tự chủ. Với dòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều người trở thành những người máy, tính khí trở nên cộc cằn, đầy căng thẳng và phiền muộn, thậm chí lạnh lùng và rất tàn bạo. Nguyên nhân chính của những nỗi khổ này không phải là do chúng ta có mặt trong cuộc sống hiện đại, cũng không phải là do chúng ta chưa đạt tới kỉ nguyên hạnh phúc, mà do trái tim con người ta ngày càng trở nên khô cằn sỏi đá, bầu năng lượng yêu thương ngày bị vơi kiệt đi; thay vào đó là thành trì bản ngã được giáo dục, nhồi nhét, quảng bá, xây dựng một cách tinh vi và chắc chắn.

Chủ nghĩa thực dụng đang hướng con người đến lối sống hưởng thụ vật chất, khiến con người trở nên tầm thường, ích kỷ, nhỏ nhen, thèm muốn cuồng loạn, không bao giờ biết đủ, không bao giờ biết chia sẻ đến những người đau thương, mất mát, bất hạnh, kém may mắn hơn mình. Kết quả của đời sống thực dụng là sự băng hoại các giá trị tinh thần, đánh mất con người thật của mình và con người sẽ rơi vào tình trạng chịu đựng không ít những đỗ vỡ trầm trọng từ trong tâm thức do chính đời sống của con người gây ra. Một khi ngọn lửa tham lam ái dục sân hận sôi sục thì con người chỉ quay cuồng trong thế giới hoang tưởng, ảo mộng chứ con người không sống một đời sống thực tế, không định huớng được cho đời sống của mình, không hiểu được bản thân mình, không nhận ra mình là ai và phải sống như thế nào, giống như đang đi mà không biết mình đi đâu và đi đường nào. Từ khía cạnh của đời sống dục lạc và hưởng thụ đó, càng ngày trên thế giới càng có nhiều người trầm cảm, tâm thần, tự tử, tâm thần, và rất nhiều căn bệnh quái dị xuất hiện.

Đạo của Phật là một bộ môn khoa học mà môn khoa học này là môn khoa học về tâm hồn, dạy cho chúng ta biết rằng chìa khóa của sự bình an trong cuộc sống là chúng ta phải biết vừa đủ, biết dừng lại đúng lúc với những tiện nghi vật chất mà nền công kỹ nghệ mang lại. Vai trò chính của khoa học là nổ lực tìm hiểu thế giới bên ngoài, khám phá thế giới bên ngoài nhưng khoa học rất non trẻ trong việc tìm hiểu nguyên nhân cơ bản của những tâm trạng bất an, sầu khổ bên trong nội tâm con người để tìm ra ý nghĩa thực thụ cho đời sống con người. Khi khoa học không thể đáp ứng được những nhu cầu về vấn đề tâm linh và đời sống tinh thần thì con người tìm đến với tôn giáo. Có rất nhiều tôn giáo chủ trương rằng: con người chỉ cần đặt niềm tin tuyệt đối vào đấng giáo chủ của tôn giáo đó thì họ sẽ đón nhận nhiều phép mầu do đấng tối cao của tôn giáo đó ban tặng, con người hoàn toàn bị động, con người không cần đầu tư vào việc tu luyện mà chỉ cần phó thác cuộc đời mình cho đấng giáo chủ thì mới biểu lộ niềm tin một cách tuyệt đối bởi vì chỉ có cách đó mới được cứu rỗi. Ngày xưa trình độ của con người còn phôn thai, khoa học chưa phát triển thì đâu đâu cũng đều có bóng dáng của thần thánh ẩn núp cho nên không có gì khác hơn mà nhất thần giáo áp đặt là con người phải cúi đầu quỳ lạy các đấng tạo hóa thần linh để cầu xin tha tội và cầu xin ban phước.

Trong đạo Phật cũng có nói đến sự cầu nguyện, nói đến những sự nhiệm mầu và có rất nhiều câu chuyện về sự linh ứng khi hành giả thiết tha thành tâm cầu nguyện cho những mục tiêu chính đáng của mình. Tuy nhiên, sự cầu nguyện và đức tin của đạo Phật được đặt trên nền tảng của luật nhân quả, của tinh thần phước báu, của sự tự chủ chứ không phải tin một cách mù quáng, không có cơ sở. Bằng con đường thực nghiệm tâm linh, bằng con đường tự thân tu tập, đạo Phật giúp con người có được đời sống tự do tự tại, đời sống làm chủ bản thân mà không bị lệ thuộc, không bị khống chế, không bị ám ảnh, sợ hãi bởi một đấng thần linh nào cả. Điều đó có nghĩa rằng khi áp dụng lời Phật dạy đúng phương pháp thì chúng ta sẽ có phép mầu ngay lập tức chứ không phải nhọc công chạy quanh chạy quẩn đi tìm cầu ở đâu xa xôi. 

Trước lúc Đức Phật xuất thế, xã hội Ấn Độ bị kìm hãm trong tư tưởng về sự phân biệt và kỳ thị giai cấp một cách khốc liệt. Con người không có quyền được nói lên tiếng nói của họ, đời sống của con người được quyết định bởi những yếu tố của thần linh. Đức Phật dạy rằng: “con người là chủ nhân ông, là kẻ thừa tự tất cả những nghiệp dĩ mà con người đã gây tạo.” Lời dạy đó là một phép mầu vi diệu đã giải phóng con người một cách triệt để, thoát khỏi vòng vây của thần linh và Thượng đế.

Có một lần trên đường đi du hành thuyết pháp, Vua A Xà Thế cho bày voi say rượu từ trong cung thành chạy ra để ám hại Đức Phật. Nhưng khi bầy voi say kia chạy đến đối diện với Đức Phật thì chúng dừng lại và quỳ mọp xuống dưới chân Đức Phật một cách im lặng và biết lỗi. Vua A Xà Thế thấy thế thì ông bực tức vô cùng rồi ông hỏi các quan rằng: “Có phải ông Cồ Đàm kia có phép mầu không? Nếu không có thì tại sao bầy voi say của ta không ám hại được ông ta?”

Mặc dầu Đức Phật đầy đủ sức thần thông để chinh phục bầy voi say của vua A Xà Thế nhưng ngài dạy rằng ngài đã không sử dụng thần thông để điều phục bầy voi say đó mà ngài chỉ “rải tâm từ vô biên” để tỏa chiếu đến đàn voi cho nên đàn voi đã quy ngưỡng và hoàn toàn kính phục ngài.

Như vậy, đến đây chúng ta có thể nói thêm rằng từ bi là phép mầu tuyệt vời nhất trong đạo Phật.

Nước Mỹ đã lưu lại một câu chuyện thật rất đẹp về vị Bác sĩ lỗi lạc tên là Dr. Howard Kelly, ông là người sáng lập khoa Ung thư tại trường đại học John Hopkins ở Baltimore, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ vào năm 1895. Câu chuyện được ghi lại với nhan đề là “Giá Trị Một Ly Sữa”.

Đó là câu chuyện của một cậu bé nghèo phải đi bán hàng rong để kiếm tiền học. Một hôm, dạ dày cậu trống rỗng đói đến lả người. Thò tay vào túi, cậu thấy chỉ còn sót lại duy nhất có một đồng xu. Nhưng đó là đồng tiền cậu hứa mua bánh cho mấy đứa em ở nhà.  Sau một lát lưỡng lự thì cậu bé quyết định ghé vào ngôi nhà phía trước để xin chút gì đó bỏ bụng. Thế nhưng, người trong nhà mở cửa ra đó là một thiếu phụ trẻ đẹp. Khi nhìn thấy người thiếu phụ này thì cậu bé hơi bối rối và ngại ngùng cho nên thay vì hỏi xin cái gì để ăn thì cậu bé chỉ mở lời xin một ly nước. Thấy dáng vẻ nghèo khổ và đói lả của cậu bé, người phụ nữ thay vì rót cho cậu một ly nước thì Cô đã vào trong nhà pha một ly sữa lớn đem ra cho cậu bé. Cậu chậm rãi nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: 

– Cháu nợ cô bao nhiêu ạ ? 
Người phụ nữ trả lời: 
– Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt. 
Cậu bé cảm kích đáp: 
– Cháu biết ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu. 

Có thể nói rằng đó là ly sữa thơm ngon nhất mà cậu chưng từng được uống. Khi ra đi, cậu bé cảm thấy khỏe khoắn hơn và niềm tin vào con người và cuộc sống mãnh liệt bắt đầu được trổi dậy trong cậu bởi vì trước đó, cậu bé như muốn đầu hàng số phận. 

Nhiều năm sau, người phụ nữ này bị bệnh nặng. Các bác sĩ địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà đến thành phố lớn để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ này ở thì Ông nhận ra ngay đó là ân nhân của ông năm xưa và ông khoác áo choàng đi đến phòng hội chẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức để cứu sống bệnh nhân này. Và cuối cùng nỗ lực của ông cũng được thành công và bệnh người phụ nữ đã thuyên giảm và sau đó khỏi hoàn toàn. Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí của ân nhân để ông xem lại. Ông viết vài chữ bên lề của tờ biên lai và cho chuyển tờ hóa đơn đó đến người phụ nữ. Khi nhận hóa đơn, người phụ nữ hồi hộp mở ra đọc. Bà dự đoán rằng số tiền phải trả rất cao, có lẽ bà sẽ phải làm việc cật lực cả đời mới trả hết và bà ngạc nhiên hết sức khi bà đọc thấy bên lề hóa đơn một hàng chữ rằng “Hóa đơn đã được thanh toán bằng một ly sữa. Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly.” 

Đây là một câu chuyện không thể tưởng tượng nổi nhưng nó đã thực sự xảy ra trong cuộc sống. Hằng ngày trong phim ảnh sách báo chúng ta rất nhiều thông tin về những tệ nạn xã hội đầy dẫy khắp nơi trên thế giới, nào là chém giết, phá hoại, cướp giựt tiền của v.v…nhưng bên cạnh những điều xấu ác trong xã hội thì đâu đây vẫn còn những tấm lòng ưu ái nhân hậu, sự giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hữu hạn này. 

Theo quan điểm của Phật giáo thì cả hai hành động trên đều mang một ý nghĩa lớn lao, đó là tinh thần bố thí ba la mật, tinh thần vô ngã vị tha, tinh thần thọ ơn mà không bao giờ quên ơn, giúp đỡ mà không cần trả ơn. Mình trao tặng cho ai cái gì đó nhưng mình không nghĩ rằng mình là người cho, không nghĩ đến phẩm vật cho và không mong đợi người nhận trả ơn mình mà thuật ngữ Phật Giáo gọi là “tam luân không tịch” thì người trao tặng hưởng trọn vẹn được phước báu. Cho với một tình thương chân thành mà không mong cầu người nhận phải đền đáp thì đó là việc làm của tinh thần vô ngã và kết quả thật tốt đẹp sẽ đến một cách tự nhiên. Trong câu chuyện này chúng ta thấy trong lúc định xin một ly nước mà cậu bé được nhận một ly sữa thơm ngon và phong cách đầy tình người, đầy tình thương từ người phụ nữ đó thì trường hợp đón nhận sự ưu ái của người phụ nữ này chúng ta cũng có thể gọi là một phép mầu đến với cậu bé. Nhân nào thì quả nấy, nhận được hóa đơn với dòng chữ là hóa đơn đã được thanh toán bằng ly sữa thì đó cũng là một phép mầu vi diệu đối với người phụ nữ này. Như vậy chúng ta thấy rằng một khi trái tim được rộng mở, thì toàn bộ cuộc sống trở nên tốt đẹp và hài hòa, một việc làm rất đơn giản như vậy nhưng làm với một tấm lòng chân thành, với tâm niệm trân quý thì việc làm đó sẽ đem lại kết quả thù thắng vô cùng.

Chỉ cần một tình yêu thương chân thật thôi thì cũng đủ cho mỗi cá thể tìm lại được dòng năng lượng tươi mát có khả năng trị bệnh cho mình đồng thời cũng giúp cho mọi người trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới có thể nắm tay lại và vui sống với nhau để giữ gìn hành tinh xanh này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nhắc nhở rằng: “Tôn giáo của ngài là lòng từ bi”. Lòng từ bi được mở ra thì phép mầu sẽ được tuôn chảy. Vài gợi ý và chia sẻ:

  • Nếu gặp một gã ăn xin đui mù bẩn dơ, hèn hạ đói lã ngã quỵ bên đường mà chúng ta cho người đó một chén cơm thì có thể giúp người đó giữ lại mạng sống, đó chính thật là phép mầu! Một người đang bị đau mắt, họ rất cần người giúp đỡ để được mổ mắt mà nếu chúng ta giúp cho họ được mổ mắt để đem lại ánh sáng cho họ thì đó là một phép mầu.
  • Hai người đang cãi nhau, hai nước đang giao tranh với nhau mà nếu chúng ta có khả năng thì chúng ta giúp cho hai bên giải hòa, kết giao với nhau trở lại thì đó là phép mầu.
  • Dòng đời xuôi ngược, cuộc sống bon chen với đầy dẫy những thử thách, cam go và cám dỗ, con người mãi trôi nổi trên những làn sóng biến dịch luân hồi cho nên tâm thường bị xao động, dong ruỗi theo cảnh duyên, vì thế nổi khổ niềm đau không hề thuyên giảm mà càng ngày càng gia tăng, khi thấy những tình cảnh như vậy mà chúng ta có những lời khuyên chân thành, kịp thời, bổ ích, đúng lúc và hướng những người đó đến con đường Phật Pháp để giúp con người vượt qua khó khăn thì đó là một phép mầu.

Trong đời thường có biết bao cơ hội mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đem lại phép mầu cho nhiều người!

Tâm của mình rộng lớn thì mình làm được nhiều việc lớn, tâm mình nhỏ thì mình làm những việc nhỏ, còn những người không có tâm thì sẽ không làm được những việc gì tốt để cứu giúp đời. Trái tim của chúng ta rất vi diệu, khi tâm chúng ta mở ra là mùa xuân của đời sống có mặt, khi trái tim của chúng ta rộng lớn là sức sống mảnh liệt bùng dậy trong mạch sống của chúng ta.

Vậy chúng ta có thể nói rằng: trái tim từ bi là phép mầu vi diệu, cứu giúp mọi người là phép mầu vi diệu, tuệ giác là phép mầu vi diệu, đời sống tỉnh thức là phép mầu vi diệu. Tất cả những phép mầu đó không phải là những lý tưởng xa vời, những lý thuyết tơ tưởng mà nó rất thực tế, là vấn đề của con người và do con người cho nên con người phải là chủ nhân trong tất cả mọi hình thái của cuộc sống chính mình. Trên đời này không có cái gì tự nhiên mà có hết, cái gì cũng có nguyên nhân của nó, chúng ta không thể ngồi đó mà cầu cho phép mầu đến với chúng ta mà người xưa nói là “ngồi chờ sung rụng” mà chúng ta phải là người tạo ra phép mầu để chúng ta hưởng. Mình có khả năng làm được điều đó mà tại sao chúng ta không làm? Từ đó đạo Phật cho chúng ba biết rằng chúng ta có quyền cầu nguyện nhưng sự cầu nguyện của chúng ta có tính cách hướng thượng, có tính cách chuyển hóa tâm thức mình để sống một đời sống thật sự có ích cho nhân sinh xã hội thì chúng ta đã thể hiện thiên chức của đạo Phật trong ý nghĩa cao thượng là “cứu khổ độ sanh” để chúng ta là những người đệ tử Phật trong sứ mạng tiếp nối, truyền trao và làm cho ngọn đèn Phật Pháp luôn rực sáng trong tâm thức mọi người.

Tỳ Kheo Thích Thánh Trí

 

 

Facebook Comments Box

Trả lời