1762 lượt xem

Tâm Thư Kính Gửi Phật Tử Trong Mùa Đại Dịch

Thích Thánh Trí

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

       

          Kính thưa quý Phật tử gần xa thân mến,

       Trước hết, chúng tôi có lời thăm hỏi, chúc bình an, vững chải đến toàn thể gia đình quý Phật tử để chúng ta cùng nhau khắc phục những khó khăn, trở ngại, nguy hiểm… do dịch bệnh ảnh hưởng.

         Như chúng ta đã biết, trong quá khứ đã từng có nhiều loại dịch bệnh xảy ra. Điển hình,

–     Dịch SARS (tiếng AnhSevere acute respiratory syndrome –   Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Dịch này bùng phát ở Hồng Kông trong thời gian từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003.

–    Dịch MERS (tiếng Anh: Middle East Respiratory Syndrome – Hội chứng hô hấp Trung Đông). Dịch này bùng phát ở Ả Rập Xê Út năm 2012.

–   Bệnh Cúm Gia Cầm H5N1 (cúm Gà), Lở mồm long móng H5N6 (Heo, Bò)…

     Dịch Covid 19 (Corona Virus) lần này xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12 năm 2019 và đến nay đã lan rộng ra hơn 170 quốc gia trên toàn cầu.

     Đứng về phương diện Phật Pháp để lý giải thì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong cuộc đời này không phải tự nhiên, ngẫu nhiên hay do một đấng tạo hóa đầy quyền năng nào đó tạo ra mà tất cả sự hiện hữu và hoại diệt đều hội đủ rất nhiều yếu tố mà thuật ngữ đạo Phật gọi là “nhân duyên”. Covid 19 cũng không ngoại lệ. Dầu cho đó là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì dịch bệnh cũng bắt nguồn từ những “tư tưởng, lời nói, hành động” (thân, khẩu, ý) xấu ác của chính con người tạo ra. (Trung Quốc đã ra lệnh cấm săn bắt và mua bán động vật hoang dã)

     Phật Giáo nhìn nhận, giải thích vấn đề dịch bệnh theo cái nhìn  “nhân quả nghiệp báo” để từ đó tìm phương pháp đối phó, phòng chữa bệnh một cách hữu hiệu, thực tiễn và khoa học. Tôi xin gửi đến quý Phật tử vài gợi ý:

#1,   Phải đánh giá và xác nhận đúng mức sự lây lan và nguy cơ của loại dịch bệnh này, để:

–       Chủ động phòng tránh

–       Không thờ ơ, chủ quan, coi thường mà hết sức thận trọng

–     Không hoảng hốt, bấn loạn, hoang mang trước những thông tin nhảm nhí không đáng tin cậy. Ngược lại, nên bình tỉnh, sáng suốt, chánh niệm trước những “con số” đang được thống kê và cập nhật mỗi ngày, mỗi giờ trên thế giới với những nguồn thông tin chính thức từ Bộ Y Tế và chính phủ

–       Bảo vệ, giữ gìn cho mình chính là bảo vệ, gìn giữ cho người thân trong gia đình và cho cộng đồng xã hội và ngược lại

–       Nếu có những triệu chứng khác thường so với cảm cúm lạnh, ví dụ: sốt, ho khan, khó thở, đau đầu, mệt mỏi…thì mới liên hệ Bác Sĩ gia đình hoặc thông tin Y tế thành phố để đi xét nghiệm. Nếu sức khỏe bình thường thì không cần phải đi xét nghiệm Covid 19 (ưu tiên cho những người đang có triệu chứng) hoặc nếu không cần thiết lắm thì hạn chế đến những nơi có nhiều bệnh nhân (bệnh viện) bởi vì chính những nơi này sẽ có nguy cơ lây lan nhanh hơn so với những nơi đông người khác

–       Dịch Covid 19 có thể lay nhiễm cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp, từ trẻ đến già…Tuy nhiên, nếu bị lay nhiễm thì người trẻ có cơ hội phục hồi cao hơn so với người cao niên, người lớn tuổi có sẳn bệnh lý

#2,     Tăng trưởng kháng thể về thân:

–       Thay đổi hành động, lối sống tiêu cực; nổ lực tạo năng lượng tích cực về các phương diện: ăn uống, chọn thực phẩm thích hợp cho thể trạng (dùng nhiều loại Rau, Củ, Quả, sinh tố, trái cây, các loại hạt đậu/đỗ từ thực vật), tập thể dục đều đặn, ngủ nghĩ  đúng giờ giấc. Dùng nước ấm (nước nấu chín) và nếu thấy cần thiết thì nấu thêm các loại: Gừng, Sả…để uống, các loại này giúp tiêu hóa và tăng sức kháng

–       Không nên tham gia vào các việc đàm luận thị phi vô ích (tạo khẩu nghiệp), không hội họp để ăn chơi nhậu nhẹt (làm suy yếu sức khỏe)

–       Dùng khẩu trang đúng cách và hợp lý (theo chỉ dẫn của Bộ Y Tế)

–       Thường xuyên vệ sinh tay bằng nước ấm với Xà phòng (trong nhà), bằng hand sanitizer (nước rửa tay khô) khi đi ra ngoài

–       Thường xuyên súc miệng bằng nước muối pha loãng (khò cổ họng) hoặc các loại nước súc miệng diệt khuẩn (bình thường ngậm nước muối cũng đã rất tốt cho miệng và khò cổ họng thì sẽ giúp vệ sinh vùng họng)

–       Không cầm nắm các vật dụng nơi công cộng (mặt bàn, những thanh sắt…) vì nó có khả năng lây nhiễm (dùng Găng tay, bao tay khi đi chợ hoặc thi hành công việc gì đó trong việc làm rồi rửa tay sạch sẽ sau khi tháo bỏ Găng tay, bao tay).

–       Khi về đến nhà thì nên lau các vật dụng thường xuyên dùng (điện thoại, xách tay…)

–       Khi ở nhà trong thời gian không đi làm việc (theo yêu cầu của tiệm, Hãng xưởng, chính phủ) thì dành thời gian quý báu sinh hoạt với con em, giúp các cháu biết lễ Phật, hướng đến con đường Phật Pháp

#3,      Tăng trưởng kháng thể về tâm:

–       Tích tụ công đức và phước báu bằng cách: niệm danh hiệu Phật (Bồ Tát), lạy Phật, trì tụng Kinh chú (chú Đại Bi), ngồi thiền (tĩnh tâm), nghe Pháp thoại…(tùy theo sở thích, hoàn cảnh cuộc sống; miễn sao giúp thân tâm được an lạc trong các sinh hoạt Phật Pháp tại gia này)

–       Dành thời giờ cho chính mình để quán chiếu đề mục “từ bi quán” – trải tình thương đến muôn người muôn loài. Khi tình thương được phát khởi thì ngay nơi đó, thân thể của mình được bình an, khỏe mạnh, trong sáng thì sức đề kháng sẽ rất cao và tăng cường được hệ miễn dịch rất tốt

–       Thanh lọc cơ thể bằng các chất liệu Phật Pháp: học bài học về lòng biết ơn, nếp sống “ít muốn, biết đủ”, học cách sống với chính mình, học cách quay về với chính mình, học cách sống chậm lại để thể nghiệm chân lý theo lời Đức Phật dạy

–       Nhìn thấy muôn loài chúng sanh đang đau khổ thì cũng giống như chính bản thân mình đang đau khổ. Hãy hồi hướng tất cả công đức phước lành khi mình may mắn được lạy Phật, tụng Kinh, trì chú đến pháp giới chúng sanh

        Tóm lại, người xưa thường khuyên bảo: “sau cơn mưa trời lại sáng, sau giông bão thì biển trời lại lặng yên và rồi thì mọi chuyện sẽ qua”. Tuy nhiên, để đại dịch đi qua, để cuộc sống trở về bình thường với mọi người; điều đó diễn ra sớm hay muộn, nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó: ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tự bảo vệ lấy chính mình; giúp người khác ổn định đời sống và cách làm việc kịp thời, nhanh chóng (hổ trợ tài chánh…) của các cấp lãnh đạo từng quốc gia, của tổ chức Y Tế thế giới (cung cấp thông tin về sức khỏe), của hệ thống Y khoa (sớm tìm ra thuốc, vaccine) là những yếu tố cần thiết, cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh tận gốc. Đây không còn là việc làm của cá nhân mà là cả cộng đồng nhân loại phải chung tay nhau hưởng ứng. Phật Giáo luôn luôn đồng hành với nhân sinh về thông điệp “kiến tạo hòa bình thế giới” thì hơn bao giờ hết, giáo pháp Đức Phật đang là những phương tiện vi diệu giúp con người vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hướng đến mục tiêu tối hậu (giác ngộ, giải thoát) bởi vì đạo Phật là đạo của tất cả mọi người, đạo Phật ra đời vì phục vụ cho đời sống của con người.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Kính thư

    Renton, WA, 03/2020

   Trú Trì Tu Viện Bồ Đề

   Tỳ Kheo Thích Thánh Trí

Facebook Comments Box

Trả lời