187 lượt xem

Pháp Ấn Niết Bàn

Cư Sĩ Nguyên Giác

PHÁP ẤN NIẾT BÀN

Trong khi học Phật, chúng ta thường đọc thấy ba pháp ấn là vô thường, khổ, và vô ngã. Đôi khi, chúng ta đọc thấy trong kinh nói về bốn pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết Bàn. Tùy theo dị biệt bộ phái, mỗi vị thầy ưa nói cách này hay cách kia. Thực tế, nói cách nào cũng đúng, cũng phù hợp kinh điển. Trong khi đó, theo cách nhìn của Thiền tông Việt Nam, tất cả các pháp tự thân đã là tịch diệt, bời vì lìa phiền não thì không có bồ đề, lìa sanh tử thì không có Niết bàn. Cũng như sóng không lìa nước, và ảnh không lìa gương. Do vậy, Thiền tông nêu lên ý chỉ là phải nhìn thấy để sống với pháp tánh, với Niết bàn tự tâm.
Pháp ấn còn gọi là đặc tướng của các pháp. Truyền thống Phật giáo Nam Truyền thường nói rằng ba pháp ấn, hay ba đặc tướng của hữu thể, là khổ, vô thường và vô ngã. Khổ là điều chúng ta có thể thấy dễ dàng trong cõi này. Đức Phật nói rằng sinh, lão, bệnh, tử là cái khổ trong cõi người mà ai cũng thấy. Ngay cả nhiều cõi trời cũng khổ như thế, huống gì tới các cõi súc sinh, quỷ đói, địa ngục.
Trong khi đó, trận gió vô thường chảy xiết, liên tục không ngừng. Khi dạy về cách nhận ra vô thường, Đức Phật thường nói về mắt, về cái được thấy, về tai, về cái được nghe, và vân vân. Khi tất cả các pháp vô thường như thế, tất nhiên là tự thân các pháp phải là chuyển biến, phải là vô ngã, là không có tự thể cố định.
Trong khi đó, Phật giáo Bắc truyền thường nói về Bốn pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã, Niết bàn. Truyền thống nói rằng khi một giáo lý chứa Bốn pháp ấn này thì nó có thể được coi là Phật Pháp. Niết bàn là cảnh giới của những người đã xa lìa phiền não, đã đoạn tận thân kiến, và đã giải thoát khỏi vòng sinh tử. Nói dễ hiểu, Niết bàn là trạng thái tâm tĩnh lặng, an lạc, giải thoát khỏi đau khổ.
Nhiều quốc gia theo Phật giáo Bắc truyền chịu ảnh hưởng từ Kinh Pháp Hoa, trong đó có một câu thường được nhắc tới: Các pháp từ trong thể tính vốn thường trực trong sạch, tịch lặng, bất biến (Chư pháp tòng bản lai, thường tự tịch diệt tướng). Thực sự, lời dạy trong Kinh Pháp Hoa cũng nằm trong những lời dạy của Đức Phật trong thời kỳ hoằng pháp đầu tiên.
Cụ thể, các bạn có thể đọc lại thật kỹ Kinh Trung Bộ MN 140, đối chiếu bản dịch tiếng Việt và nhiều bản dịch tiếng Anh, sẽ thấy Đức Phật nói rằng người tu nào xa lìa vọng tưởng thì sẽ được gọi là vị ẩn sĩ tịch tịnh. Tuy vẫn đang đi, đứng, nằm, ngồi trong xã hội đời thường, vị ẩn sĩ tịch tịnh này thực sự là đang không sanh, không già, không chết, và không có dao động.
Làm cách nào để không khởi lên vọng tưởng? Có nhiều cách để xa lìa vọng tưởng. Đơn giản là hãy nhìn thấy thực tướng trong dòng chảy xiết của vô thường. Thấy vô ngã như thế, người tu sẽ tự đoạn thân kiến, không bao giờ nghĩ tới “tôi là” hay “tôi không là” hay “tôi sẽ là” và vân vân. Tự nhiên, tâm sẽ tịch tịnh.
Có một cách tu ghi trong Kinh SN 22.95, Đức Phật chỉ vào chùm bọt sóng trên Sông Hằng, và nói các sư hãy quan sát tất cả các pháp, toàn bộ thân tâm như chùm bọt nước đó, là rỗng không, không có lõi cứng. Tức là, Đức Phật dạy cách nhận ra và sống với tánh không của các pháp, nơi cội nguồn đó không hề có tham, sân, si chút nào. Và đó là Niết bàn. Thấy cái tánh không đó, chính là Thiền tông vậy. Trong cái tâm cội nguồn này, không hề có vọng tưởng, không có gì để nắm giữ hay xua đẩy. Nơi tánh không này, không thấy có ta hay người, thì còn gì gọi là tham sân si nữa.
Cách nói truyền thống của Thiền Tông nói rằng trong vô lượng niệm đang sinh khởi rồi diệt, vẫn có một không gian bất động của tâm. Nghĩa là, trong vô lượng cái vô thường huyễn hóa trước mắt, bên tai, vẫn có một Niết Bàn tịch diệt không rời. Cũng như nước không rời vô lượng bọt sóng, và cũng như gương không rời vô lượng ảnh hình được phản chiếu. Khi tâm sống như biển, thì sẽ không thấy có bọt sóng này sân si với bọt sóng kia. Bọt sóng thì vô thường, liên tục sinh rồi diệt, nhưng biển vẫn không đổi. Tương tự, khi tâm sống như tánh phản chiếu của gương, thì ảnh hiện ra rồi biến mất, nhưng tánh sáng của gương vẫn bất động, vẫn lặng lẽ.
Ngài Trần NhânTông viết trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú rằng khi người tu đã thấy tính sáng soi của tâm, thì không còn cần phương pháp nào khác, chỉ cần thường trực giữ tính sáng của tâm thôi, thì tự động sẽ “Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.” Câu thơ vừa dẫn có nghĩa là, không còn thấy có ta, không còn thấy có người, thì thực tướng của tâm kiên cố như kim cương hiển lộ ra. Lúc đó, khi ánh sáng của tâm chiếu tới, thì tham và sân sẽ biến mất, sẽ thấy cái biết tròn đầy của bản tâm hiện ra.
Thiền cũng là đi vào cửa của Không, Vô Tướng, Vô Tác. Khi cảm thọ vô thường chảy xiết, sẽ thấy thân tâm như bọt sóng rỗng không, sẽ thấy tất cả các hiện tướng là vô ngã và không có gì có thực tướng. Lúc đó là sống với Vô Tác, tức là không thấy gì để làm nữa. Ngay khi cái được thấy hiện lên trước mắt, và ngay khi cái được nghe hiện ra bên tai, tức khắc cái Không và Vô Tướng được nhận ra, và đó là Niết bàn tự tâm.

Tham khảo:
. Kinh MN 140: https://suttacentral.net/mn140/vi/minh_chau
. Kinh SN 22.95: https://suttacentral.net/sn22.95/vi/minh_chau

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời