1858 lượt xem

Triết Lý Chữ AN Trong Phật Pháp

Thích Trừng Sỹ

TRIẾT LÝ CHỮ “AN” TRONG PHẬT PHÁP

Qua quá trình tu, học, hiểu, ứng dụng, và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách tinh chuyên, uyển chuyển, thích hợp, và khéo léo, thì phiền não, lo lắng, và sầu muộn trong ta chắc chắn sẽ được nhận diện và chuyển hóa, tâm ta được AN LẠC.

Nhờ Phật Pháp được thấm nhuần và tưới mát trong ta, ta không bị dao động bởi những tiếng thị phi, khen, chê, và nghịch cảnh cuộc đời, tâm ta trở nên AN BÌNH.

Nhờ tu học các đức tính từ, bi, hỷ, xả, và tha thứ, sự vui vẻ, trẻ trung, và khỏe mạnh trong ta luôn biểu hiện trên nét mặt tươi đẹp, tâm ta được AN VUI.

Nhờ học, hiểu, áp dụng, và thực hành ba môn học Đạo Đức, Thiền Định, và Trí Tuệ bao trùm tất cả các pháp học và pháp tu khác ở đời, tâm ta được AN TRÚ vững chãi trong Phật Pháp.

Nhờ siêng năng tu tập Thiền Chỉ và Thiền Quán mỗi ngày, ta có chánh niệm và tĩnh giác, sự căng thẳng và đau nhức trong ta được chuyển hóa, ta có AN THÂNAN TÂM ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Nhờ theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra một cách đều đặn, chậm rãi, chánh niệm, và tỉnh thức, ta có khả năng nhận diện và chuyển hóa các tạp niệm, loạn niệm, và động niệm, tâm ta được AN NHÀN.

Nhờ ý thức thực tập các bước đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ, và hành động một cách vững chãi, tự tại, và thảnh thơi, tâm ta được AN NHIÊN.

Nhờ tu học, hiểu, và thấm nhuần Phật Pháp; Phật Pháp có khả năng làm mát dịu thân tâm, ta gọi là AN LÀNH.

Nhờ siêng năng tu học và thực hành con đường cao thượng có tám phương pháp tu tập đúng, ta có cái biết đúng, suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, nghề nghiệp mưu sinh đúng, tinh tấn đúng, nhớ nghĩ đúng, tập trung, và dừng lại đúng. Những gì xảy ra trong quá khứ và những dự án sẽ xảy ra trong tương lai, ta không bận tâm theo đuổi và dính mắc. Với tuệ quán, thiền định, và chánh niệm hiện tiền, ta gọi là AN ĐỊNH ngay trong cuộc sống hiện tại.

Nhờ khéo léo tu học và ứng dụng Giới pháp của Đức Phật vào trong đời sống hằng ngày; Giới pháp của Đức Phật có khả năng bảo hộ thân tâm, ta gọi là AN TOÀNAN ỔN.

Nhờ biết đủ và trân quý những gì mình đang có, tuy sống và làm việc ở những nơi đơn giản, ta vẫn cảm thấy an vui và thoải mái. Ta gọi là AN TÚC.

Nhờ có đủ duyên lành tu học và thực hành Phật Pháp mỗi ngày; Phật Pháp có công năng giúp chúng ta sống đời sống hạnh phúc. Ta gọi là AN HẠNH.

Nhờ xây dựng tình hòa hợp, tình đoàn kết, và tình huynh đệ trong tinh thần tương trợ, tương thân, và tương kính cho Tăng đoàn, cho gia đình, học đường, và cho xã hội, mọi người trong cộng đồng đều cảm thấy an vui và hạnh phúc. Ta gọi là AN HÒAAN HỢP.

Nhờ tu học và ứng dụng sáu pháp hòa kính vào trong đời sống hằng ngày gồm có:

  1. Thân hòa cùng ở
  2. Khẩu hòa không tranh cãi
  3. Ý hòa cùng vui trong tinh thần tập thể
  4. Giới hòa cùng tu tập và hành trì
  5. Kiến hòa cùng giải thích, trao đổi, và thảo luận
  6. Lợi hòa cùng chia sẻ,

ta gọi là AN THÂN, AN KHẨU, và AN Ý.

Nhờ học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hoằng Pháp, và hộ trì chánh Pháp, mình có chất an và chất lạc trong tinh thần tập thể và cá nhân, trong thời gian dài và ngắn, và trong trú xứ thiền môn mình đang sống. Ta gọi là AN CƯ

Thơ: Siêng Năng Làm Thiện

Biển cả Phật pháp mênh mông

Thân tâm an lạc, ta trông cứu người

Cuộc đời có lúc đầy vơi

Tình thương Tam Bảo suốt đời kính dâng.

Hoằng dương chánh Pháp xa gần

Siêng năng làm thiện ta cần khắc ghi

Từ bi, trí tuệ tu trì

Ứng dụng Phật Pháp thích nghi với đời.

By Thích Trừng Sỹ

Philosophy of the word TRANQUILITY in the Buddha Dharma

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời