1476 lượt xem

Con Đường Dẫn Đến Chân Hạnh Phúc

HT. Thích Trí Chơn chuyển Việt ngữ

Con Đường Dẫn Đến Chân Hạnh Phúc

ÐỨC PHẬT

Đức Phật không phải là đấng Thượng Ðế hay nhà tiên tri của Thượng Ðế. Ngài sinh ra, đã sống và từ trần như mọi người. Ngài không để lại trong giáo lý của Ngài bất cứ một giả thuyết nào. Sự diệt độ của đức Phật là nguồn hy vọng lớn lao nhất cho tương lai con người, bởi lẽ chúng ta không tìm thấy ở Ngài như một thần linh hay Thượng Ðế, nhưng đức Phật là đấng đã chỉ bày ra cái đạo vô thượng mà con người có thể đạt tới. Chính đức Phật được công nhận như một nhân vật vĩ đại nhất chưa từng có từ trước đến nay; nhưng chỉ số ít người trong chúng ta có can đảm và quyết tâm hành động theo tấm gương cao cả của Ngài. Chúng ta có thể thực hiện điều này mà không trở thành Phật (mặc dù căn cứ vào Phật tánh, mỗi người đều có thể thành Phật) bằng cách đi theo con đường giải thoát mà chúng ta gọi là giáo lý (Sasana) của đức Phật, hay Phật Giáo đối với sự hiểu biết của người Tây Phương.

Chúng ta hãy tìm hiểu nhiều hơn về đức Phật, con người đã chiến thắng điều mà không ai dễ chiến thắng, thành tựu được điều khó ai đạt tới; và đã trao lại cho thế gian một kho tàng triết lý đang là ánh sáng dẫn đường cho phần lớn nhân loại, trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ. Ðức Phật giáng sinh vào năm 623 trước tây lịch tại nước Ca Tỳ La Vệ[1], cách 100 dặm về hướng đông bắc thành phố Ba La Nại[2], dưới chân núi vĩ đại Hy Mã Lạp Sơn[3]. Thành phố Ca Tỳ La Vệ xưa kia là kinh đô nhỏ của dòng họ Thích Ca[4] thuộc dân tộc Aryan[5], có cùng tổ tiên với các chủng tộc ở Âu, Mỹ  và Úc châu ngày nay. Lãnh  thổ hiện nằm trong biên giới  của xứ Nepal.

Là con của một gia đình quý tộc, có đầy đủ hạnh phúc mà nhiều người không có, thái tử hưởng thụ cuộc sống đầy thú vui, mà đứa trẻ sinh ra trong gia đình cha mẹ giàu sang đều dễ dàng có được. Sau khi trải qua thời niên thiếu, và lớn lên thành một thanh niên, thái tử đã tưởng nghĩ đến nỗi đau của nhân loại, mà các triết thuyết bấy giờ xem đó như là điều không thể tránh khỏi được. Thái tử nhận thức rằng mặc dù sự phú quý và địa vị đã đem lại cho mình nhiều phúc lợi, so với hạng người kém may mắn; nhưng các điều ấy không thể giải thoát cho con người khỏi những đau khổ của sự sanh, già, bệnh, chết. Trong khi đương đầu với những vấn đề này, mọi thú vui tạm bợ của cuộc sống đã trở nên vô giá trị; và thái tử đã không những chỉ nghĩ đến phương cách giải thoát khỏi sự khổ đau, mà Người còn quyết tâm đi tìm phương pháp đó.

Thái tử không phải là nhân vật đầu tiên nhận thức được bản chất phổ quát của sự khổ đau, mà nhiều đạo sĩ vào thời đó, đều đã hoặc đang đi tìm cách thức chữa trị (bệnh khổ), nhưng từ xưa nay, không ai đạt đến kết quả. Với quyết tâm đi tìm đạo, thái tử đã từ bỏ cung điện, gia đình, chức vị, khoác lên mình chiếc y vàng của một khất sĩ nghèo nàn, một mình đi khắp nơi để tìm sự An Lạc Vĩnh Cửu.

Lúc mới sanh, thái tử tên là Cồ Ðàm Tất Ðạt Ða (Siddhattha Gotama), nhưng sau khi xuất gia, thái tử được gọi là đạo sĩ hay Cồ Ðàm Khổ Hạnh. Cồ Ðàm (Gotama) là họ của thân phụ thái tử. Thái tử đã không lùi bước trong khi thực nghiệm những phương pháp tu hành khổ hạnh buồn tẻ nhất, mà rất được người đời  bấy giờ  tán dương. Vào thời đó, người ta tin rằng kẻ nào trong kiếp này càng chịu nhiều khổ đau thì đời sau tái sinh họ càng được nhiều hạnh phúc, cho đến khi sự đau khổ chấm dứt.

Trải qua sáu năm dài mệt mỏi, thái tử đã đến tu học với đạo sĩ này rồi đạo sư khác; và mặc dù đã học hỏi rất nhiều, nhưng thái tử nhận thấy rằng giáo lý của họ không thể hướng dẫn đến mục đích mà thái thái tử đang đi tìm. Thái tử suýt gần bỏ mạng do thiếu thức ăn, vì đã quá sức tu tập khổ hạnh và nhịn đói. Chính trong tình trạng tuyệt vọng này đã giúp cho thái tử nhận thức rằng nếu mục đích giải thoát chưa đạt tới, thái tử cần có sức khoẻ và nghị lực để đi tìm đạo. Thái tử đã trở lại ăn uống và cuộc sống bình thường, nhưng cũng vì thế, mà những bạn đồng tu với thái tử chán ghét, bởi họ nghĩ rằng, thái tử đã từ bỏ sự đấu tranh để đi tìm lại cuộc sống dục lạc.

Tuy nhiên, thực sự không phải như vậy. Mặc dù những đệ tử này đã rời bỏ thái tử, thái tử vẫn tiếp tục tinh tấn tìm đạo như trước. Chỉ có khác là về phương thức của cuộc sống, nên tránh sự tu hành quá ép xác khổ hạnh vô ích, mà còn làm hại cho sức khỏe. Thái tử gọi nó là con đường ở giữa hay Trung Ðạo (Middle Path). Bấy giờ thái tử một mình tiếp tục cuộc hành trình, thiền định, và suy tưởng đến mọi vật khi thái tử nghỉ ngơi. Không ai nhìn thái tử đang đi trên đường cát bụi, hay ngồi dưới gốc cây bóng mát mà có thể đoán nghĩ rằng, không bao lâu nữa thái tử sẽ trải qua một biến cố lớn lao nhất trong lịch sử, và trình bày ra sự khám phá trọng đại nhất của nhân loại.

Thái tử tiếp tục đi cho tới khi đến một địa điểm rất đẹp và yên tĩnh gần Ưu Lâu Tần Loa[6], cạnh bờ sông Ni Liên Thuyền[7]. Gần đó là một ngôi làng, thái tử có thể đi vào khất thực; và ở đây lại có một cây Tất Bát La[8] to lớn, dưới đó thái tử ngồi ẩn trú và tham thiền.

Giờ phút mà thái tử đi tìm từ lâu, bây giờ đã đến; và dưới gốc cây này, trở thành cây Bồ Ðề[9] hay cây Giác Ngộ; thái tử đã chứng Ðạo Quả Vô Thượng và thành PHẬT hay Ðấng Giác Ngộ. Do thành quả này, mọi cảnh rộng lớn của cuộc sống và triết học đã cùng lúc sụp đổ toàn bộ như những mãnh cây phối hợp của trò chơi ráp hình. Ðức Phật đã tìm ra Chân Lý cùng bản thể chân chính của Thực Tại và giáo pháp (Dhamma) của Ngài được mọi người biết đến cho sự giải thoát của nhân loại.

Suốt trong bốn mươi lăm năm đức Phật đã đi thuyết pháp, chỉ dạy và giáo hóa. Hàng nghìn dân chúng đã noi theo phương pháp sống hoặc trở thành đệ tử của Ngài. Những người giàu, cao sang, thấp kém và nghèo khổ lũ lượt kéo nhau đến nghe đức Phật giảng pháp để tìm hạnh phúc và an lạc trong giáo lý của Ngài. Mặc dù nhiều người ủng hộ đức Phật là vua chúa và hoàng tử, nhưng Ngài vẫn không thừa nhận có giai cấp cao quý, trừ phi người đó có được đời sống đạo đức và thanh tịnh. Trong đoàn thể Tăng Già (Sangha)  mà đức Phật thành lập, Ngài đã thu nhận vào như nhau không phân biệt hạng người quý tộc, buôn bán hoặc công nhân quét đường.

Vào năm tám mươi tuổi, đức Phật nhập diệt tại thành Câu Thi Na[10], kết thúc một đời sống với sự vô địch đấu tranh và vị tha phục vụ cho nhân loại. Không lâu sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, các đệ tử thân cận của Ngài đã kết tập lại những kinh điển, giáo lý, và luật giới của chư Tăng. Ban đầu, các kinh luật được (các đệ  tử của  đức  Phật) duy trì   bằng trí nhớ, nhưng về sau chúng được ghi chép lại nơi sách làm bằng lá buông (palm-leaf). Giáo pháp này được kính cẩn bảo trì và truyền lại qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, Phật giáo được xem như một trong những nền văn học phong phú nhất thế giới; và phục vụ (nhân loại) như một đạo dẫn viên tin cậy chẳng khác gì Phật Giáo đã đóng góp ở thời xưa.

NỀN TẢNG CỦA MỘT ÐỜI SỐNG CHÂN CHÍNH

Trong bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết sau khi chứng đạo, Ngài giảng về Trung Ðạo, Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo. Những giáo lý này được xem như viên đá làm nền tảng cho toàn bộ giáo pháp của đức Phật (Dhamma). Mọi điều tìm thấy trong tất cả kinh điển Phật Giáo, thực vậy, chỉ là sự khai triển của bài pháp Tứ Diệu Ðế.

Trung Ðạo là con đường trung dung, con đường quân bình. Ðức Phật khuyên chúng ta không nên theo đuổi cuộc sống đam mê khoái lạc hay buông lung tìm sự thỏa mãn các giác quan. Mặt khác, chúng ta nên tránh đời sống tu hành ép xác vô ích và khổ hạnh không cần thiết. Tứ Diệu Ðế đã tạo nên nền tảng căn bản cho đời sống Phật tử, do đó, chúng ta cần nghiên cứu giáo pháp này thấu đáo và đừng để bị lừa dối bởi sự đơn giản bề ngoài của nó. Trong khi nghiên cứu Phật Giáo, nếu chỉ nhìn thoáng qua, hoặc ngay cả học thuộc lòng các từ ngữ đều vô ích, trừ khi chúng ta hiểu rõ ràng (giáo lý đức Phật). Một đứa trẻ có thể học thuộc trong mười phút bài pháp Tứ Ðế, nhưng phải mất hàng nghìn kiếp chúng ta mới chứng ngộ được giáo pháp này. Chính đức Phật đã nhấn mạnh tầm mức quan trọng của sự hiểu biết chân chính khi Ngài dạy:

Bởi do không thấu triệt, không thâm nhập pháp Tứ Ðế mà Như Lai, chư đệ tử, và mọi chúng sanh đã lâu đời lặn hụp trong bể luân hồi sanh tử. Tứ Diệu Ðế là gì? Ðó là:
Chân lý về sự khổ.
Chân lý về nguồn gốc của sự khổ.
Chân lý về diệt trừ sự khổ.
Chân lý về con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ”
.

Chân Lý Ðầu Tiên Là Bản Chất Phổ Quát Của Sự Khổ.

Chúng ta hiểu chân lý này khi chúng ta nhận thức được rằng phiền não và khổ đau là những đặc tánh căn bản của cuộc sống. Tất cả chúng sinh (người và thú vật) đều không tránh khỏi mối đe dọa luôn luôn hiện hữu của phiền não và khổ đau. Không có điều kiện nào bảo đảm được hạnh phúc, hòa bình và an ổn. Bất cứ giờ phút và lúc nào, chúng ta đều có thể là nạn nhân (của khổ đau).

Sự khổ gồm có những gì? Sự sanh, chết, già, đói, khát, nóng, lạnh, thân thể hoạt động không bình thường, bệnh tật, ốm đau và tai nạn. Tất cả những điều này là khổ. Sống xa người mình yêu thương, hoặc phải sống gần người khó tánh, không làm mình vừa ý; sự lo âu, phiền muộn tinh thần, sự khổ não, đau buồn, tang thương và tuyệt vọng; cầu mong điều mình muốn mà không được; sống trong hoàn cảnh không thoải mái và thích hợp, hoặc phải làm công việc không vừa ý; nghe những tiếng ồn bực mình hoặc những âm thanh chói tai; kém sức khỏe về thể xác và tinh thần nơi chúng ta hoặc người chúng ta yêu thương; sự đau khổ gây nên do người chúng ta gần gũi. Khi quán sát sự khổ, chúng ta cần có cái nhìn xa chính xác. Sự khổ đau đã gắn liền với chúng ta trong quá khứ, bao vây chúng ta trong hiện tại, và sẽ theo đuổi chúng ta trong tương lai – trừ khi chúng ta tu hành từng bước để đoạn diệt chúng.

Chân Lý Cao Siêu Thứ Hai Là Nguồn Gốc Của Sự Khổ.

Ở đây chúng ta tìm hiểu về những dục vọng và cảm xúc như là nguyên nhân gây nên mọi sự khổ trong đời này hoặc kiếp sau. Chúng bao gồm tánh tham, sự bám chặt hoặc say đắm vào con người, những ý niệm, hay đối tượng; sự không thành đạt hay thỏa mãn được những dục vọng của chúng ta; sự bất hạnh và phiền não gây ra từ con người, những ý niệm hay đối tượng, sự sớm hay trễ hơn. Sự bon chen, tham vọng, tánh tự tôn, kiêu mạn, khoe khoang, lừa dối, tham lam; niềm tin cho rằng bản ngã hoặc cá nhân là linh hồn hay thực thể thường còn.

Sự thất bại trong việc học hỏi kinh nghiệm quá khứ của mình; quên đi những thảm kịch của cuộc đời bằng cách đánh mất chúng trong sự bao vây của những thú vui giả tạo; thiếu tự chủ, nếp sống vô độ, sự giận dữ, ác tâm, thù hận và cáu kỉnh; những tật xấu, tình dục quá mức và sự tin cậy ở người khác. Trong quá khứ và hiện tại, tất cả những điều trên đây, và còn nhiều nữa, là nguyên nhân của sự khổ.

Chân Lý Cao Siêu Thứ Ba Của Sự Diệt Trừ Sự Khổ.

Bước đầu thành tựu của sự hiểu biết là khi chúng ta nhận thức được rằng sự khổ đau có thể chấm dứt. Con đường đạo của đức Phật nhằm dẫn đến chính mục đích này. Sự khổ đau tuy nhiều, nhưng vẫn có thuốc chữa trị. Một khi tâm đã giác ngộ sự hiện hữu và nguyên nhân (của khổ đau), tức là chúng ta đang đi trên con đường dẫn đến sự đoạn diệt chúng. Bao xa chúng ta chuẩn bị đi theo con đường Ðạo, tùy thuộc hoàn toàn ở chúng ta. Mọi nguyên nhân chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta quyết định tự mình khắc kỷ và tu tập. Sự nhận thức rằng cần phải làm như vậy là bước đầu tiên.

Chân Lý Cao Siêu Thứ Tư Là Con Ðường Dẫn Ðến Chấm Dứt Sự Khổ.

Không một tôn giáo hay triết học nào trình bày một cách rõ ràng Con Ðường Ðạo Ðức dẫn đến sự giải thoát như thế. Giáo lý ấy là Bát Chánh Ðạo, vì nó là một con đường, nhưng được phân chia thành tám phần. Ðó là giới luật Phật Giáo của sự tu luyện tâm linh và thể xác, hướng đến sự chấm dứt những khổ đau, phiền não và tuyệt vọng, cùng đạt tới sự An Lạc Hoàn Toàn, Niết Bàn (Nibbana).

  • Chánh Kiến
  • Chánh Tư Duy
  • Chánh Ngữ
  • Chánh Nghiệp
  • Chánh Mạng
  • Chánh Tinh tấn
  • Chánh Niệm
  • Chánh Ðịnh

Ðây là Trung Ðạo mà đức Phật đã tìm ra, giúp chúng ta, thấy và biết, để dẫn đến sự an lạc, sáng suốt, giác ngộ và Niết Bàn”.

Ðối với tám phần của Bát Chánh Ðạo, chúng ta không nhất định phải tu theo thứ tự của chúng; và sự hoàn thành  của một phần không đòi hỏi phải thực hiện trước khi phần khác bắt đầu. Chúng được xem như một khối toàn bộ, cần đến sự tinh tấn (thực hành) trong tất cả các phần. Chúng ta thực hành và phát triển, vì khi chúng ta có thể tu tập và tiến bộ trong bất cứ phần nào, sẽ dẫn đến kết quả ở các phần khác. Trong ý nghĩa rốt ráo của nó, Bát Chánh Ðạo đưa tới việc tu sửa nơi tâm niệm, vì chỉ khi nào nhiếp được cái tâm của mình, thì chúng ta mới đoạn diệt được lòng tham, sân và si.

Chánh Kiến là sự hiểu biết đầy đủ, hoàn toàn về phép Tứ Ðế và Vô Thường (Anicca); Vô Ngã (Anatta: mọi vật không có Ngã hay cái tôi vĩnh cửu); Sự Khổ (Dukkha); Nghiệp Báo (Kamma) và Luân Hồi; sự hiểu biết về hành động thiện hoặc ác; Thập Sử (Ten Fetters) và Luật Nhân Qủa (Causal Law) và sự tương quan giữa chúng với nhau.

Chánh Tư Duy là những ý tưởng không còn lòng tham, ham muốn và dục vọng; không còn sân hận hay ác ý; không có tâm độc ác, tàn nhẫn và hận thù. Phân tích cho đến cùng, chính do ý tưởng đã thúc đẩy hành động của chúng ta, và nếu ý nghĩ được khuyến khích theo chiều hướng tốt, những việc làm và hành động của chúng ta sẽ tự nhiên đáp ứng theo. Ý tưởng là tác động của tâm thức, và có thể tạo nên nghiệp lực xấu, cùng những hành động của thân.

Chánh Ngữ là sự kiểm soát khẩu nghiệp bằng ý nghĩ chân chính; tự kiềm chế mình không nói dối, lừa đảo; không nói lời thô bỉ hay châm chích (đâm thọc) và vu khống. Trên phương diện tích cực, có nghĩa là nên dùng lời nói dịu dàng,

đầy cảm mến đối với mọi người; hay tỏ ra khiêm nhường khi nhắc đến mình và kiềm chế tánh tự đề cao.

Chánh Nghiệp là không hành động gây tổn hại đến sinh mạng của bất cứ chúng sinh nào; không tham dự vào những liên hệ tình dục bất chính;  không  trộm cắp tài sản của  người khác. Nói đầy đủ, có nghĩa là nên làm những điều không gây đau khổ cho bản thân và kẻ khác.

Chánh Mạng là tránh không làm những nghề nghiệp, thú tiêu khiển, hay thương mại có thể tạo nên và dẫn đến sự khổ đau cho những chúng sinh khác. Nó bao gồm cả những điều mà chánh nghiệp không cho phép hành động. Một đệ tử của Phật không nên tìm sinh kế bằng sự lừa đảo, thủ đoạn gian trá, hay cho vay cắt cổ. Người Phật tử nên tránh hành nghề buôn bán vũ khí, những khí cụ giết người; không nên bán thức uống làm say, ma túy và thịt của chúng sanh. Nguyên tắc đạo đức của chúng ta là hành động vì hạnh phúc và phúc lợi, chứ không phải gây khổ đau cho nhân loại.

Chánh Tinh Tấn là chúng ta nỗ lực tạo nên cuộc sống đạo đức, và không lầm lỗi. Nó gồm có bốn điều sau đây:

Tinh tấn tránh điều ác chưa làm. Tinh tấn khắc phục điều ác đã làm. Tinh tấn phát triển điều thiện đã làm Tinh tấn duy trì điều thiện đã làm.

Chánh Niệm là thường xuyên cảnh giác đối với ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta rất dễ hành động sai quấy, khi chúng ta sơ ý và không cẩn trọng. Chúng ta cần luyện tập sự cảnh giác tâm mình bằng cách kiểm soát đức hạnh của chúng ta, nhằm xây dựng sự hòa hợp, an vui. Bước đầu của sự phát triển về chánh niệm đòi hỏi sự thận trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Nó giúp chúng ta có nhiều thì giờ để suy xét về việc phải hay trái của điều chúng ta sắp nói hay làm. Trong một thời gian ngắn, tâm chúng ta được tu luyện, hướng đến sự suy nghĩ và nói năng hay hành động chân chính sẽ trở thành tự nhiên.

Chánh Ðịnh (hay Thiền Ðịnh). Trong những viên ngọc quý của giáo lý đức Phật, đây là một trong những pháp môn sáng chói, rực rỡ nhất. Thiền định là điều hoàn toàn mới lạ đối với người Tây Phương, nhưng thiền được người ta biết đến hàng nghìn năm qua ở Ðông Phương. Tuy nhiên, đã có nhiều người khám phá được giá trị và nguồn hạnh phúc của sự an lạc thần diệu, do thiền định mang lại. Nó là pháp môn tối thắng để đạt tới nội tâm an tinh, mà những người sáng suốt đang tầm cầu để thay thế cho thực tại hỗn loạn trong cuộc sống hiện nay. Thiền định không những chỉ là bí quyết để rèn luyện tinh thần, mà còn là phương pháp nhờ đó chúng ta điều phục được cái tâm của mình. Nó mở ra cánh cửa hướng đến minh sát tuệ (insight) và giác ngộ về Bốn Thánh Ðế, lý Vô Thường (Anicca), Sự Khổ (Dukkha), Vô Ngã (Anatta), cùng dẫn tới sự nhân chân Thực Tại và Chân Lý.

Sự tập trung (tư tưởng) và thiền định có nghĩa giống nhau trong triết học Phật Giáo. Thiền định không phải như một số người đã tưởng, là ngồi yên lặng và để tâm trí đi lang thang, với hy vọng rằng mình sẽ đạt được một vài điều cao siêu hay sự sáng suốt còn ẩn giấu. Thiền của Phật Giáo hoàn toàn khác hẳn. Sau khi ngồi yên tĩnh và thoải mái trong một thời gian, chúng ta cố gắng phát triển giúp cho “tâm an trụ”. Nghĩa là chúng ta hướng ý tưởng của mình chỉ tập trung vào một đề mục, không để cho nó suy nghĩ điều này, điều nọ, giống như con khỉ nhảy từ cây này qua cây kia. Tiếc rằng đề tài quá rộng để có thể giải thích ở đây, hy vọng chúng tôi sẽ trình bày nó đầy đủ hơn trong lần xuất bản sau.

MỤC ÐÍCH

Mục đích của phần lớn tôn giáo là mơ hồ, mập mờ, không lôi cuốn được sự chú ý của con người hiện đại. Cõi Trời và Ðịa Ngục, Thiên Ðàng và sự Chuộc Tội, là những sản phẩm thời cổ ban sơ của loài người, và chúng nhằm đáp ứng sự giải đáp các điều huyền bí mà không thể cắt nghĩa được. Những quan niệm đó không có trong triết học Phật Giáo. Những phát minh khoa học và kiến thức tiến bộ đang phá đổ các niềm tin cổ thời này. Trong khi những điều trên và ý tưởng khác sụp đổ trước sự tấn công mãnh liệt của khoa học, chúng ta kinh ngạc nhận thấy rằng Phật Giáo (Dhamma), mặc dù với nguồn gốc cổ xưa của nó, hiện vẫn đang còn tồn tại.

Chúng ta ngày càng hiểu biết rằng những điều khoa học phát minh hàng chục năm qua, đều đã được đức Phật thuyết giảng hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đây. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không làm ngạc nhiên những ai thấu rõ được lý thậm thâm vi diệu của sự Giác Ngộ; hay hiểu biết rằng khi đức Phật chứng đắc Bồ Ðề, Ngài đã có huệ minh thấy rõ bản chất của sự sống, và điều ấy thích hợp tự nhiên với kiến thức mà khoa học đã chứng minh.

Ðức Phật, bằng lời nói giản dị đã dạy rằng, nếu chúng ta thọ trì đầy đủ các điều răn của luật giới, chúng ta có thể vượt thoát khỏi sự luân hồi khủng khiếp triền miên. Nền giáo lý này là Bát Chánh Ðạo, dẫn đến sự chấm dứt lòng tham, sân và si. Ðây là cứu cánh, và chúng ta gọi là Niết Bàn (Nibbana). Ðó không phải là nơi con người đến sau khi họ chết, hay cảnh giới của những hương linh quá cố. Nó là trạng thái của cái tâm thanh tịnh tuyệt đối, mà chúng ta có thể thành tựu trong đời này; không còn lại nguyên nhân gì, có thể sẽ gây ra để dẫn đến một sự tái sinh mới.

Phần đông chúng ta đã trải qua vô số kiếp luân hồi, mới đạt tới được trình độ như ngày nay. Và phải cần đến bao nhiêu kiếp nữa để chứng đắc hoàn toàn quả vị Niết Bàn, tùy thuộc vào những nỗ lực (tinh tấn) mà chúng ta đã chuẩn bị thực hành trong hiện tại.

Ðức Thế Tôn không bao giờ dạy Phật Ðạo là con đường dễ dàng. Muốn thành đạt mục đích, nó đòi hỏi cả sự hiểu  biết và quyết tâm; nhưng bảo rằng đó là điều khó khăn không có nghĩa là một thiện nam, hay tín nữ sáng suốt không thể thực hành theo được.

Ðạo Phật hay phương pháp sống theo Phật Giáo, được diễn tả như điều hướng dẫn tốt đẹp, tạo ra do sự phát triển, tu sửa (thân tâm), và dẫn đến sự An Lạc Hoàn Toàn. Ðức Phật đã thực hiện một cuộc phân tích tuyệt đỉnh về những điều ác và phiền não của nhân loại. Ngài dạy, tất cả đều do lòng Tham, Sân và Si.

Chúng ta khó tìm thấy bất cứ sự xấu ác hay tai họa nào do con người gây ra mà chúng không nằm ở một hay nhiều hơn trong các điều độc hại kể trên. Nhưng chính nhờ sự chinh phục, chế ngự lòng tham, sân và si, giúp chúng ta chứng đắc Niết Bàn, đó là “Sự thanh tịnh ở nội tâm, khi các dục vọng được kiểm soát và lòng tham đắm không còn.”

Những kết quả của con đường sống theo Phật Giáo (mang lại) gồm trong đời hiện tại và kiếp sau. Người chấp nhận giáo pháp (Dhamma) và bắt đầu đi theo con đường Ðạo của Ðức Phật, sẽ đạt được kết quả nhanh chóng. Nếu chúng ta không đắc quả Niết Bàn trong đời này, thì các kinh nghiệm và tiến bộ chúng ta đã làm được, không những chỉ giúp chúng ta thành tựu nhanh chóng hơn vào những kiếp sau, mà chúng sẽ còn tạo nên các thiện duyên giúp chúng ta đạt được quả vị (Niết Bàn) ấy.

Những kết quả tức thì của cuộc sống hạnh phúc hơn, sự mãn nguyện và an lạc nội tâm là phần thưởng vô giá cho những ai đi theo Ánh Sáng của Phật Giáo.

Do lòng tham, sân si và sự chết ngự của những ác tính đó, con người đã gây tai hại cho chính mình, kẻ khác, cả hai phía, và dẫn đến khổ đau, phiền muộn tinh thần. Nhưng khi đoạn diệt hết tham, sân, si, con người không còn gây tai hại cho mình, kẻ khác, hoặc cho cả hai; và khổ đau phiền não tinh thần cũng không xảy ra” (Kinh Tăng Nhứt A Hàm 3).

Ở đó, này A Nan, vị sa môn nghĩ thế này: Ðây là sự An Lạc, đây là điều Tối Thắng, đây là sự tận diệt vòng luân hồi đã gây nên nghiệp báo (Kamma); sự xả bỏ tất cả những nguồn gốc của Hữu (chấp có), sự đoạn trừ lòng ái dục, và chứng đắc quả vị giải thoát, Niết Bàn”. (Kinh Tăng Nhứt A Hàm)”.

Sự tận diệt tánh tham, sự tận diệt tánh sân và sự tận diệt tánh si: như vậy đích thực gọi là Niết Bàn.” (Tạp A Hàm 38).

NGHIỆP BÁO VÀ LUÂN HỒI

Kamma (Nghiệp) là danh từ Pali, có nghĩa là “hành động”. Trong Anh văn không có chữ nào thích hợp để diễn tả chính xác cái nghĩa này. Bởi vậy mà chúng tôi phải dùng từ ngữ Pali ở đây. Ðôi khi tiếng Phạn (Sankrit) người ta dịch là Karma, nhưng theo quan niệm của Ấn Ðộ Giáo, chữ Karma (Phạn) rất khác với Kamma (Pali) mà đức Phật đã dạy, nên tốt hơn tôi không dùng nó trong bài này.

Kamma (Nghiệp) được diễn tả như năng lực khác quan, quyết định cuộc sống chúng ta trong đời này, và tạo nên cảnh sống của chúng ta trong tương lai. Nghiệp là năng lực làm con người sống lại vào lúc chết và nối liền kiếp này (của họ) với đời sau. Nếu không có nghiệp thì cũng không có luân hồi. Không có gì nơi tâm hay thân (chúng ta) được tái sinh, mà chỉ có nghiệp lực (Kamma) này.

Như chúng tôi đã giải thích Phật Ðạo là một phương thức sống tốt đẹp hay nền đạo lý cao siêu. Nhờ thực hành theo giáo lý này, chúng ta không gây nên việc làm hay hành động xấu; và do đó, chúng ta không tạo ra ác nghiệp (bad Kamma). Nếu chúng ta sống cuộc đời không biết tự chế, chạy theo dục vọng, lòng tham, và những ham muốn của giác quan, chúng ta tạo nên nghiệp xấu. Cho nên, Nghiệp (Kamma) xấu hay tốt đều do nơi hành động thân, khẩu, ý của chúng ta. Cả hai nghiệp thiện hoặc ác đều tạo nên sự luân hồi; những tư tưởng lành đương nhiên dẫn đến cuộc sống an vui, trong khi ý niệm ác sẽ mang lại hoàn cảnh xấu mà không cá nhân sáng suốt nào muốn tìm gặp.

Trạng thái Niết Bàn (Nibbana) không phải là kết quả của riêng nghiệp lành hay dữ mà chỉ là sự đoạn diệt hết tất cả những nghiệp lực. Một người chứng đắc Niết Bàn, sẽ không còn luân hồi, được gọi là A La Hán (Arahant).

Kết quả của các nghiệp xấu hay tốt có thể chứng nghiệm trong đời này, kiếp sau hoặc đời sau nữa.

Những sự mâu thuẫn trong cuộc đời, và các cảnh sống bất bình đẳng mà nơi đó con người sinh ra đã tạo nên nguyên nhân chính đáng dẫn đến điều vô cùng suy nghĩ (cho chúng ta). Tại sao có người sinh ra giàu có, trong khi kẻ khác lại nghèo? Tại sao người này thành công và kẻ kia thất bại? Có người thông minh, kẻ lại ngu dốt, người bẩm sinh rất quyến rũ và xinh đẹp, trong lúc kẻ khác lại xấu xí. Tại sao người này sinh ra tàn tật, hoặc sống ốm đau; kẻ nọ kém địa vị, lại mạnh khỏe? Tại sao đứa trẻ vừa mới sinh lại chết liền, trong khi người khác sống đến già? Người lương thiện thường gặp sự không may, kẻ làm ác lại gặp điều hạnh phúc.

Triết học Tây Phương không cách nào giải đáp thỏa mãn được những câu hỏi trên, mà chúng chỉ có thể giải thích bởi thuyết Nghiệp Báo (Kamma). Chúng tôi đã nhấn mạnh về bản chất khoa học của Phật Giáo, nhưng trong trường hợp về thuyết nghiệp báo và luân hồi, chúng ta gặp phải hoàn cảnh tương tợ như nhà khoa học, khi ông ta được yêu cầu chứng minh về các lý thuyết nguyên tử, trọng lực, tiến hoá, hay điện học. Họ bảo rằng “chứng cứ”, như một danh từ chúng ta thường hiểu, không thể nào viện dẫn được. Nhiều kiến thức khoa học đã được người ta chấp nhận, bởi vì không thể có sự giải thích nào khác về các hiện tượng đó. Hầu hết các khoa học gia đang biết cách áp dụng cũng như dùng vật chất và sự phóng xạ mà không cần phải đặt nó vào trong ống thí nghiệm.  Sự  hiểu biết  về nghiệp và luân hồi là kết quả hợp lý của sự quan sát về hiện tượng thiên nhiên.

Trong quá khứ đã có nhiều cố gắng để giải thích về tánh nết của con người là do bởi tính di truyền và hoàn cảnh xung quanh, nhưng sự giải đáp này vẫn chưa trả lời được hết các vấn đề căn bản. Chỉ với ánh sáng của thuyết nghiệp báo, điều bí ẩn mới được giải quyết, và chúng ta có thể thấy rằng đời sống của con người là kết quả các hành động tốt hay xấu của chính họ. Kiến thức giác ngộ này là hết sức quan trọng đối với nhân loại, vì nếu quá khứ có thể quyết định hiện tại; chúng ta hiểu rằng hành động của chúng ta hôm nay sẽ định đoạt tương lai của chúng ta.

Khoa học đã có những bước tiến nhảy vọt, và chứng tỏ rằng mọi vật không thể mang hết lên dĩa cân hay bỏ vào ống nghiệm. Nhiều vấn đề vô cùng bí ẩn, và hiển nhiên là chưa có lời giải đáp. Sự kiện này đặc biệt cũng đúng trong lãnh vực tâm lý học và bệnh học tâm thần.

Trở lại vấn đề luân hồi, con người có khuynh hướng tái sinh vào trình độ thấp kém hơn là cảnh giới cao đẹp. Phần đông nhân loại cũng vậy, sẵn sàng hành động theo những bản năng và ham muốn thấp hèn, các dục vọng xấu xa, và tham đắm vào mọi vật cùng ý niệm, cho nên họ đã tạo ra tương lai của họ ở trình độ thấp kém hơn. Hầu hết những bản năng và dục vọng tự nhiên (của con người) tạo ra nghiệp xấu; trừ khi chúng ta phát triển trí tuệ, tự đặt mình theo một đức Thầy chân chính, chúng ta mới chắc có được tiến bộ. Chỉ mang nhãn hiệu “Phật Tử” không thì vô ích, nếu chúng ta không biết kiểm soát tâm của mình và hành trì đạo đức.

Mọi việc xảy đến với chúng ta không phải đều do kết quả của nghiệp nhân quá khứ. Mà sự thật trong cuộc sống, chúng ta đã gặp phải khổ đau phát xuất từ các nguyên nhân tự nhiên, cũng như bởi kết quả những việc làm của chúng ta. Tuy nhiên, dù nghiệp lực có thể quyết định mọi hoàn cảnh sống, nhưng nó không thể khiến chúng ta hành động tội ác, nếu chúng ta không muốn làm điều đó.

Trong cuộc sống, chúng ta không phải là những con tốt trên bàn cờ, mà phải là người tạo nên ván cờ. Dĩ nhiên chúng ta không thể phá hủy (nghiệp) quá khứ của chúng ta, nhưng với kiến thức căn bản sắp đặt này của chúng ta, chúng ta có thể tự tạo cho mình một tương lai hạnh phúc.

Do sự sai quấy và lỗi lầm quá khứ, chúng ta đã tạo nên (cuộc sống) hiện tại của chúng ta, nhưng con người hoàn toàn là kẻ sáng tạo tương lai của chính mình, và với sự hướng dẫn chân chính, chúng ta có thể dám chắc rằng nó sẽ là một cuộc sống an vui.

LUẬT NHÂN QUẢ

Con người không thể trốn thoát nghiệp nhân quá khứ. Theo đức Phật, nó quyết định cuộc sống hiện tại. Trong những điều kiện này, gồm cả tính tình của chúng ta, mà ngay giữa anh em, cũng thường khác biệt nhau. Nếu không sửa đổi được nghiệp nhân đời trước, ít ra chúng ta có thể gặt hái được (kết quả) nhờ kinh nghiệp và hành động cẩn trọng hơn trong tương lai.

Ngày nay, luật nhân quả đã được chấp nhận không chối cãi được, ngay cả nó được giảng dạy trong các trường học, mà chúng tôi không cần chứng minh ở đây. Một cách đại cương, chúng ta nhận thấy rằng không có vật gì sinh ra mà không có nguyên nhân, và chúng ta cũng nhận biết chuỗi nhân quả vượt ngoài trí thức của con người. Nó có thể áp dụng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày nay, không ai phủ nhận được nguyên lý đơn giản này, tương đối mới lạ với tư tưởng Tây Phương, mặc dù người Phật Tử đã biết nó hàng nghìn năm trước.

Ðức Phật đã trình bày luật nhân quả trong kết luận hợp lý, và áp dụng nó vào đời sống của chúng ta. Do (hành động) vô minh trong quá khứ, chúng ta đã trở thành chủ nhân ông của sự luân hồi để lại gây ra nghiệp (Kamma). Với nghiệp này và sự tái sinh mới đã tạo nên cái tâm và thân (gồm cả ý thức). Rồi chúng tạo thành các giác quan và cảm giác, nhờ đó chúng ta nhận biết. Những cảm giác của chúng ta biểu hiện như là các dục vọng và lòng tham đắm (thủ) của chúng ta vào mọi vật và ý niệm.

Chúng quyết định hành động của chúng ta, và do đó, gây nên nghiệp (Kamma) để rồi tạo ra luân hồi. Luân hồi cung cấp nhân duyên để tạo thành những tâm và thân (danh sắc), giác quan, lòng tham ái và nghiệp lực khác, để lại dẫn đến luân hồi. Như thế, chuỗi nhân quả cứ tiếp tục. Nó có thể mãi mãi tiếp diễn, trừ khi chúng ta tìm được phương pháp chặt đứt chuỗi xích này và đoạn diệt nó.

Nơi nào chuỗi xích cần phá hủy? Tại những móc nối mà chúng được xem như rắn chắc nhất; cũng là những nơi chính chúng ta có thể tách rời ra khỏi chuỗi xích. Chúng là những vòng xích của lòng tham và ái dục. Dứt trừ hết các điều này, các bạn đoạn diệt được vòng luân hồi, sự khổ đau, phiền não và tuyệt vọng.

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SỰ SỐNG

Những Dấu Hiệu Của Ðời Sống đôi khi được biết như Tam Pháp Ấn, là những định luật bất biến chi phối tất cả mọi chúng sanh. Ba Pháp Ấn hay định luật này là Anicca, Dukkha, và Annatta. Chúng có nghĩa là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã (không có Ta hay Linh Hồn). Mọi chúng sanh, không trừ ai, đều bị ba pháp ấn này chi phối. Chúng tạo thành các định luật tự nhiên của thế giới vật chất và rất khoa học trong mọi lãnh vực.

Anicca, hay thuyết vô thường, vượt quá phạm vi của những chúng sanh, và được ứng dụng vào mọi vật trong vũ trụ. Không vật gì có hình dáng mà có thể tồn tại lâu dài. Sớm hay muộn, nó sẽ bị hư mòn, nứt rạn, hủy diệt hay tan rã, tạo thành vật chất; để từ đó một hình thức mới được sinh ra. Ðịnh luật này hoạt động không có giới hạn, từ hạt bụi nhỏ nhặt đến hành tinh vĩ đại nhất trong vũ trụ.

Mọi vật ở trong tình trạng luôn luôn thay đổi liên tục, sinh ra rồi mất đi. Không có vật gì duy trì được trong giây lát, cho nên không vật thể nào có thể tồn tại thường còn. Chỉ qua con mắt của chân tâm (mind’s eye), chúng ta mới thấy tưởng vạn vật như yên tĩnh và không thay đổi. Còn tất cả hiện tượng và định luật thiên nhiên đều là kết quả của dòng sinh diệt và biến đổi này.

Dukkha, hay khổ đau đã được giải thích ở phần Tứ Diệu Ðế. Tuy nhiên, nó sẽ hữu ích để suy xét tại sao tất cả mọi người luôn luôn không thấy rõ sự khổ. Con người như chúng ta biết dù họ đã trải qua “cảnh sống địa ngục” trong mọi  hoàn cảnh của cuộc đời thường làm chúng ta kinh ngạc, khi chúng ta nghe họ bảo rằng đời sống (kiếp người) xét cho cùng, là không quá khổ đau.

Ðể tìm hiểu thái độ kỳ lạ này, và cũng rất phi lý là những kẻ đau khổ nhất thường là hạng người ít mong tìm cách thoát khỏi sự khổ, chúng ta cần phải xét đến khía cạnh lừa dối ở nội tâm (con người).

Có vấn đề máy móc đáng chú ý ở nơi tâm niệm khiến chúng ta quên hết mọi điều và những kinh nghiệm khổ đau. Chúng ta hãy lấy bất cứ ví dụ cá nhân nào vào lúc đau khổ hay phiền muộn nhất và rồi so sánh chúng ở giai đoạn khác sau đó.

Ông A vừa cãi nhau với người bạn gái của ông ta. Trước mặt mọi người, ông tỏ ra như không chịu đựng nổi sự buồn khổ. Khi các bạn bảo hy vọng ông sẽ sớm tìm lại nguồi vui, ông trả lời rằng ông muốn chết. Riêng ông nhận thấy vào lúc buồn nản đó, ông sẽ không bao giờ, không bao giờ quên nỗi đau đớn ấy được.

Vài tuần sau, chúng tôi gặp lại ông A, nhưng ông không còn để lộ vẻ mặt buồn rầu và đau thương của mấy tuần trước nữa. Ông ta giờ đây đang vui cười, và bộ mặt sầu khổ đã  biến mất. Vì ông đã có trong vòng tay ông một cô bạn gái mới.

Một ví dụ khác về bà B. Mắt bà đỏ với cặp mắt sưng lên, và giờ phút nào bà cũng trút ra lời kêu gào thảm thiết. Thân mẫu của bà B, theo luật vô thường, vừa mới qua đời. Bà B luôn luôn đau khổ, và bà không bao giờ thích điều đó. Bà nói với những người quen “Bạn có thể mai táng tôi luôn đi”, vì “Tôi không muốn sống mà không có mẹ”. May mắn là họ không nhận làm theo lời bà B yêu cầu, và bà vẫn tiếp tục sống để nguôi quên (nỗi buồn).

Sáu tháng sau, bà B đùa giỡn về đám tang và ngay đến “bà mẹ già quá cố” của mình.

Ồ! Ðây là trường hợp bất hạnh khác, vội vàng xảy ra trên đường phố. Ông C, người đã bị lôi cuốn theo cuộc sống, tự thấy mình đi làm trễ. Vì biết người chủ hãng dùng đồng hồ chính xác để kiểm soát sự đến và về của ông, nên ông đã gấp rút đi nhanh quá mức bình thường mong cố gắng bù lại thời gian đã mất. Trong lúc vội vã rủi ro vượt qua đường phố, ông đụng phải một người khác, cũng đã phải bon chen – vì sự sống, nhưng có phần lợi hơn là đang lái một chiếc xe nhỏ. Mặc dù tai nạn xảy ra chớp nhoáng, kết quả thật bi đát cho ông C, người đã chịu thiệt thòi tổng quát là, với một cánh tay gãy, một chân gãy, nhiều xương sườn bị dập nát, chưa kể đến các vết cắt, thương tích trên người, làm tăng thêm màu bi đát cho cảnh buồn thảm này.

Người tài xế chiếc xe nhận thấy rằng, sự lái xe nhanh của mình cũng là một khí giới giết người, và ông hứa nguyện sẽ không bao giờ lái ẩu như thế nữa. Ông ta nghĩ tưởng chắc rằng ông C sẽ chết, và chính ông là kẻ sát nhân, giết hại một người đã có gia đình đông con.

Những tháng sau, ông C ra khỏi bệnh viện và bình phục, với một phần tiền bạc của ông đã phải chi ra qua hãng bảo hiểm. Ông đang cười, bỡn cợt về những người dại khờ tưởng rằng ông sẽ chết, nhưng giờ đây họ đã quên điều đó, và ngay cả ông C cũng vậy. Sự khóc lóc, than van không còn nữa, và nụ cười đã nở trên môi ông.

Người lái xe cũng biểu lộ một thái độ khác với tâm trạng trong ngày xảy ra tai nạn. Giờ đây, ông đang vui cười và ăn uống với những bạn bè (lái xe) của ông, và thuật lại cho họ nghe câu chuyện “người khách bộ hành đã đi xa”.

Giờ này buồn thảm, phút sau lại cười. Ðiều gì đã xảy ra cho những người đó? Tại sao thảm họa ngày hôm nay có thể trở thành trò vui đùa cho ngày mai? Câu trả lời dĩ nhiên là do sự biến đổi huyền diệu nơi tâm niệm (con người) đã khiến chúng ta quên hết mọi điều. Nếu tâm chúng ta không có khả năng làm như vậy, chúng ta sẽ đánh mất sự sống và lý trí, vì tâm con người không thể chịu đựng sự khổ đau như thế, suốt tuần này đến tuần kia, và tháng này qua tháng nọ. Cho nên, khả năng này của tâm thức, nhằm bảo vệ sức khỏe và sự lành mạnh của chúng ta, đã đánh lừa khiến chúng ta nghĩ tưởng rằng cuộc đời là hạnh phúc hơn thực tế (khổ đau) của nó. Vào lúc tột cùng của đau khổ, con người hoàn toàn nhận thức được sự phù du và vô nghĩa của cuộc sống; nhưng khi nỗi buồn khổ qua đi, và đã hoàn toàn quên hết, lúc ấy, cuộc đời với mọi dối trá của nó, lại phơi bày một hình ảnh khác hẳn.

Thiền định giúp tâm của ta giác ngộ được sự chân thực của đời sống và diệt trừ hết những điều giả dối này.

Sự khổ, trong cuộc sống, xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

  1. Con người xung đột với thiên nhiên.
  2. Con người tranh đấu với những kẻ khác; và
  3. Con người chiến đấu với chính mình.

Phần lớn nỗi đau chúng ta biết đến, xảy ra do hành động dã man giữa con người với con người. Nó có thể tự bày tỏ như những trò cười của một tên hề, đã núp dưới cái mặt nạ của sự diễu cợt đứng đắn và lương thiện, để gây nên bao khổ đau cho đời sống các bạn bè và gia đình của anh ta. Hoặc chúng ta tìm thấy sự đau khổ đó trong cá nhân gắt gỏng muốn chia xẻ nỗi bất hạnh của y với những kẻ khác. Cực điểm của những khổ đau này là sự xung đột giữa con người với con người mà họ thảy đều chưa bao giờ quen hay gặp nhau, để gieo rắc sự chết chóc và hủy diệt trên quy mô rộng lớn khắp toàn thế giới. Ðó là bản chất của vạn vật.

Cuộc chiến tranh này của con người đã tiếp diễn hàng nghìn năm qua, và cuộc chiến đó xảy ra ngay cả trong thế giới loài vật. Việc giải quyết không nằm trong sự cải tạo thế giới nói chung, nhưng mà cải đổi chính nơi chúng ta. Phật Giáo (Dhamma) sẽ đặt chúng ta trong sự tương quan tốt đẹp hơn với mọi vật mà chúng đang hiện hữu và sẽ hướng dẫn chúng ta (tu tập) theo con đường đạo ấy cho đến khi sự khổ đau được chấm dứt. Ðức Phật đã chỉ bày cho chúng ta con đường đó, và mặc dù chúng ta nên giúp những kẻ khác tìm ra con đường đạo, chúng ta không thể tạo ra hoặc cung cấp sự giải thoát cho họ. Trong ý nghĩa này, Phật Giáo là một tôn giáo và triết lý đầy tự lực, bởi vì mọi người phải tự đi theo con đường ấy, và tự mình chứng đắc Niết Bàn (Nibbana).

Anatta, hay vô ngã được áp dụng cho mọi vật hiện hữu, nhưng ở đây chúng tôi đề cập chính yếu liên quan đến các chúng sanh. Mọi sinh vật sống không có linh hồn hay tự ngã; không có tự ngã hay bản ngã (personality) tồn tại và thường còn. Linh hồn hay tự ngã là quan niệm triết lý về phần vô hình của con người, mà nó có thể tạo nên sự sống cùng gây ra sự chết và hủy diệt của thân xác.

Khoa học ngày nay không ủng hộ truyền thuyết tin tưởng này, nhưng thừa nhận sự tồn tại của một tự ngã hay bản ngã nơi con người như một khía cạnh của tâm thức. Thật là điều kỳ diệu khi thấy tư tưởng khoa học ngày nay đang tiến sát gần với Phật Giáo. Người chưa giác ngộ thường hiểu lầm tự ngã hay bản ngã như là linh hồn hay linh tính. Cá tính này không có quan hệ gì với thuyết linh hồn, vì khi chúng ta có thể thừa nhận đặc tính không chắc chắn và hay thay đổi của bản ngã, một linh hồn hay linh tính thường còn thực chất không thể nào tồn tại được.

Người Tây Phương thường gặp nhiều bất lợi khi bắt đầu nghiên cứu về thuyết vô ngã của đức Phật. Bởi ngày từ nhỏ, họ đã được xây dựng và giáo huấn chấp nhận lý thuyết linh hồn và một vài người biết rằng không dễ gì phủ nhận. Nhưng ai cảm thấy sự khó khăn đó hay bất cứ vấn đề gì khác của Phật Pháp (Dhamma), không nên lo ngại vì mọi vật sẽ tự chứng tỏ cho thấy là chúng đang diễn tiến.

Trong khi linh hồn được xem như một bản thể biệt lập, chúng ta biết rõ Phật Giáo thuyết minh rằng tự ngã hay bản ngã không thể nào hiện hữu tách rời khỏi sự hoạt động của tâm và thân (con người). Thật ra, chỉ có sự hoạt động của tâm chứ không phải là thực thể. Tự ngã này có thể đóng vai chủ yếu trong việc tạo ra nghiệp lực (tốt hoặc xấu), nhưng nó không thể tránh khỏi sự chết, và lại tái sinh trở lại.

Ðiều quan trọng nhất là nó tạo ra nhận thức sai lầm về cái “Ta”, “tôi” và “của Tôi”. Trong sự tương quan giữa chúng ta và những kẻ khác, tự ngã này là một trong những động lực chủ yếu nhất.

Tâm lý học hiện đại, trong những năm qua, đã thực hiện được nhiều khám phá kỳ diệu, nhưng Phật Giáo đã biết các điều ấy từ ngàn xưa.

Bác sĩ Graham Howe, một trong những nhà chữa bệnh tâm thần hàng đầu tại Anh quốc, và là chuyên gia chữa trị ở phố Harley, đã phát biểu:

Ðọc một ít giáo lý của đức Phật, chúng ta nhận thấy rằng, (hơn) 2.500 năm trước, người Phật tử đã hiểu biết rộng xa  hơn  về các vấn  đề tâm  lý  hiện  đại  của  chúng  ta. Họ nghiên cứu các vấn đề này từ trước và cũng đã tìm thấy những câu giải đáp. Hiện nay chúng ta đang khám phá lại Trí Tuệ Cổ Thời của Ðông Phương”.

Ðức Phật là đấng đầu tiên đã trình bày kiến thức về sự diễn tiến của tâm thức. Ðiều quan trọng chúng ta nên nhớ là tâm làm chủ thân và khẩu nghiệp, cho nên bản chất của tâm quyết định điều chúng ta nói và làm.

Sự diễn tiến của tâm, một đặc tính lâu bền trong cuộc sống chúng ta thường được diễn đạt như một linh hồn hay thần thức. Ngày nay, chúng ta biết rằng ảo ảnh linh hồn (soul illusion) phát sinh ra từ những kinh nghiệm nằm mộng của con người đầu tiên (nguyên thỉ). Trong giấc ngủ con người thời cổ nhìn thấy, qua con mắt của tâm thức, những bạn bè và bà con đã qua đời, họ tin rằng những người đó đang còn sống như ma quỷ ở một thế giới của ma quỷ.

Tuy rằng sự tin tưởng này rất là cổ lỗ, và mặc dù khoa học đã loại bỏ nó, chúng ta thấy (ngày nay) nhiều người đang còn bám chặt tin vào linh hồn hay tự ngã một cách rất cuồng tin hơn các tiền nhân sơ khai của họ.

Phật Giáo và khoa học hiện đại cả hai đều dạy chung một nguyên tắc là con người bao gồm có tinh thần và thể xác, không có gì khác. Hai phần này đều tương quan với nhau, và tinh thần không thể tồn tại được, nếu cái thân đã chết. Cả hai là một khối duy nhất, mà chúng ta gọi là con người, và sớm muộn gì nó cũng sẽ tuân theo luật vô thường (hủy hoại).

TIN TƯỞNG NƠI CHÍNH MÌNH

Vì đức Phật dạy các đệ tử của Ngài rằng họ đã tạo nên hoặc phá hủy chính hạnh phúc của họ, cho nên chúng ta cần phải nương vào sự tinh tấn của mình, và không thể mong tìm sự giải thoát nơi đấng siêu nhân hay thần linh (Thượng Ðế). Hiện tại, con người cần nương tựa nơi chính mình; vì mong tìm sự cứu giúp và ân huệ bằng hành động cầu nguyện là nhu nhược. Thay vì cầu xin, đức Phật dạy chúng ta nên thiền định và phát triển tâm linh ngõ hầu  chúng ta có thể đương đầu  với những khó khăn trong cuộc sống và khắc phục chúng.

Không có sự đau khổ cũng như hạnh phúc nào là vĩnh cửu. Chỉ cần có chút ít kiên nhẫn và chịu đựng chờ đợi mọi việc đổi thay. Nhận thức này giúp ích lớn lao cho người Phật Tử, vì họ không đánh mất (xa lìa) thực tại trong những lúc hạnh phúc, cũng như không tuyệt vọng khi gặp phải điều bất hạnh. Người Phật Tử hiểu rằng cuộc sống được điều hành bởi những định luật quân bình tự nhiên; và sự cầu nguyện chỉ có thể bày tỏ ước muốn rằng những luật lệ này sẽ thay đổi cho lợi ích cuả cá nhân mình; hoặc chúng ta mong cầu những gì chúng ta không  tạo được hay chưa có. Nếu luật tự nhiên có thể đánh đổ bằng sự cầu nguyện, chúng ta sẽ thu nhận được mọi điều bằng cách làm hại đến những kẻ khác.

Ðức Phật không giữ im lặng trước vấn đề các thần linh có quyền năng tạo tác hay điều khiển vận mạng con người, Ngài không những chỉ giải thích bản thể chân thật của sự vật mà còn chê cười cái ý tưởng về đấng Thượng Ðế toàn năng.  Ðức Phật còn tiến xa hơn và trình bày cho chúng ta thấy rằng những đức tin mê tín đó thật là tai hại, nếu con người nương tựa vào thân linh để chỉ thực hiện những điều mà chính họ có thể làm.

Chúng ta không bị bắt buộc phải chấp nhận tin rằng vũ trụ được tạo nên từ hư không hay thần linh thực hiện được cả điều không thể có. Vật chất, chúng ta biết ngày nay, không thể hủy diệt và không thể sinh ra từ cái không có. Trải qua bao thế kỷ, con người đã nghiên cứu về sự bắt đầu và chấm dứt của cuộc sống và vũ trụ; mặc dù đó là những vấn đề vượt ngoài ý niệm của tâm thức con người. Ðức Phật đã khuyên chúng ta đừng tham dự vào công việc khảo cứu vô ích này, bởi vì chúng thuộc những vấn đề mà chúng ta không thể tìm thấy câu giải đáp; và chúng không giúp ích gì cho cuộc sống đạo đức, và sự đạt tới cảnh giới Niết Bàn (Nibbana) của chúng ta.

TÍN NGƯỠNG HAY ÐỨC TIN

Trong thực tế, đối với các tôn giáo lớn trên thế giới, những tín đồ đòi hỏi cần phải có “đức tin”, vì nhiều giáo lý và học thuyết không phù hợp với lý trí. Phật Giáo (Dhamma) hoàn toàn trái ngược trong vấn đề này. Ðức Phật dạy niềm tin cần xây dựng trên sự hiểu biết và lý trí. Hành động tin theo mù quáng không lợi ích cho cá nhân, vì nó không đòi hỏi sự hiểu biết sâu xa là điều đã giúp cho đức tin có giá trị hay phục vụ như người hướng dẫn chân chính trên đường Ðạo. Quan niệm rộng rãi này thực là một trong những lý do giải thích tại sao hiện nay chúng ta thấy ở Tây Phương đã có nhiều người sẵn sàng trở lại theo Phật Giáo.

Không có những giáo điều, tính điều, tính ngưỡng hay đức tin (mù quáng) trong Phật Giáo. Không một tín đồ nào được yêu cầu phải chấp nhận tin bất cứ điều gì cho đến khi họ sẵn sàng hành động như thế, và cũng không có sự (bắt buộc) thừa nhận một tín ngưỡng hay tín điều nào.

Ðức Phật, trong nhiều trường hợp, đã nhấn mạnh đến việc người ta cần phải nhận xét và tìm hiểu cẩn thận trước khi chấp nhận (tin theo điều gì). Cho nên, trong Phật Giáo không thấy có nơi nào ghi chép đạo Phật đã cưỡng ép người ta phải cải đạo trước họng súng hay dưới sự đe dọa của khủng bố. Mọi người chỉ có thể trở thành đệ tử chân thành của đấng Giác Ngộ, khi họ nhận thức được sự cao siêu của giáo lý đức Phật như là một phương pháp sống, vượt hơn các tôn giáo khác. Ngài không bao giờ khuyến khích một niềm tin cuồng nhiệt hay nặng tình cảm đối với Phật Pháp (Dhamma). Nếu thấy  ai sẵn  sàng tin  tưởng như vậy, đức Phật khuyên họ  nên dành nhiều thì giờ hơn để xem xét kỹ lưỡng vấn đề.

Trong lịch sử Phật Giáo có ghi lại một câu chuyện đáng chú ý sau đây. Kinh sách chép rằng, vào thời đức Phật còn  tại thế, có một Ðại Tướng của bộ tộc Ly Xa[11], tên Siha[12], là tín đồ theo đạo Kỳ Na[13]. Ðây là đạo giáo xuất hiện cùng thời với Phật Giáo. Siha thảo luận với vị giáo chủ Natàputta[14] của mình về ý định ông muốn viếng thăm đức Phật. Nataputta không thích ý kiến đó, và cố gắng ngăn cản việc đến thăm đức Phật của Siha. Ông ta không muốn để mất một vị bảo trợ giàu sang và có thế lực như Siha, và cũng mong rằng không có dịp nào cho Siha thực hiện điều ấy. Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên của Nataputta, đại tướng Siha đã quyết định tự mình sẽ đi gặp đức Phật để tìm hiểu giáo lý mà Ngài đang thuyết giảng.

Hôm sau, Siha gặp đức Thế Tôn và thỉnh vấn Ngài. Khám phá đầu tiên mà ông ta (Siha) biết được là những tín đồ đạo Kỳ Na (Jains) đã trình bày cho ông ta hiểu một cách sai lạc về giáo pháp của đức Phật, và ngay sau khi Siha nghe được giáo lý chân chính, ông ta thấy rằng ông đã khám phá ra triết lý mà ông đang đi tìm. Khi nghe đức Phật trình bày những điều căn bản của cuộc sống siêu việt hơn, Siha hiểu rằng đây chính là bậc Thầy trong các đấng Tôn Sư.

Siha nhận thức rõ điều ấy, nên đã thỉnh cầu Ngài chấp nhận cho ông ta làm đệ tử tại gia, quy y theo đức Phật và Giáo Pháp, trong khoảng đời còn lại của ông. Câu trả lời của đức Thế Tôn khiến cho Siha vô cùng ngạc nhiên, khi Ngài cố gắng chối từ sự quy y của ông, sau một cuộc thảo luận quá ngắn ngủi. Ðức Phật nêu lên địa vị và trách nhiệm của Siha trong cộng đồng; và trường  hợp của một nhân vật quan  trọng và danh tiếng, Ngài đã khuyên ông nên suy nghĩ kỹ trước khi theo một tôn giáo mới.

Dù vậy, điều ấy chỉ làm tăng thêm niềm tin của Siha nơi đức Phật. Ông hiểu rằng, trường hợp này mà đổi ngược lại,nếu Siha tử bỏ đức Phật để theo đạo Kỳ Na (Jains), họ không những chỉ chấp nhận liền cho ông ta không chút do dự; mà họ còn tuyên bố rộng khắp về hành động cải giáo của ông nữa. Ðức Phật, sau ba lần lặp lại lời khuyên trên, nhưng Siha đã kiên cố giữ vững ý định của mình.

Tuy vậy, sự việc không ngừng ở đây. Ðức Phật còn dạy rằng, Siha và gia đình của ông từ lâu là những người đã hỗ trợ cho đạo Kỳ Na (Jains), và cho dù nay ông không thích theo triết lý của tôn giáo đó, ông vẫn nên tiếp tục cúng dường cho các tu sĩ đạo Kỳ Na.

Ðây, một lần nữa, Siha biết rằng lời giáo huấn này, ông chưa bao giờ được nghe nói đến nơi đạo giáo mà ông mới vừa từ bỏ, và niềm tin của ông nơi đức Phật lại càng tăng trưởng hơn nữa.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ giáo thêm cho Siha, dạy về giới luật và mục đích của nó; những phiền não gây ra do thú vui của các giác quan, cùng sự lợi ích của hành động chế  ngự được chúng. Rồi Ngài dạy cho Siha bản chất của sự khổ, nguồn gốc, sự diệt trừ và con đường (dẫn đến chấm dứt sự khổ). Bằng cách ấy, đại tướng Siha đã trở thành một trong những tín đồ của đấng Giác Ngộ.

Trong vấn đề trên, chúng tôi thấy nên trích dẫn thêm lời dạy của đức Phật cho dân chúng Kamalas[15] ở xứ Kesaputta[16], khi những người này bảo rằng tất cả vị đạo sư nào cũng khen ngợi, tán dương ý tưởng của mình, và nói rằng duy nhất chỉ có giáo lý của các ngài mới là chân chính. Ðiều này khiến người dân  Kalamas lầm  lẫn và họ không biết làm cách nào để phân biệt được ai đúng ai sai.

Sau khi giải thích rằng họ có quyền nghi ngờ nếu thực sự họ chưa hiểu rõ, đức Phật dạy:

Ðừng nên chấp nhận điều gì do người khác nói lại, những tin đồn, hay truyền dạy bởi tập quán. Chớ vội tin điều gì vì nó được tụng đọc ở kinh sách, hay bởi luận lý và suy diễn như vậy; cũng đừng tin vào điều mà mình đã sẵn có định kiến, hay do vị thầy mình kính trọng nói ra. Chỉ khi nào các con tự biết rằng những lời dạy này là thiện, chúng được chấp nhận bởi các bậc thiện tri thức; và khi thực hành những điều ấy không dẫn đến sự thiệt hại hay khổ đau, thì các con nên làm theo”.

LÒNG TÔN KÍNH ÐỐI VỚI ÐỨC PHẬT

Sự quy ngưỡng và tôn kính đối với đức Phật là một biểu tượng tán dương tính cách vĩ đại của Ngài, và sự an lạc mà chúng ta đã tìm thấy nơi giáo pháp của đấng Giác Ngộ. Ðức Phật luôn luôn là tấm gương sáng trong ý tưởng và hành động của một phương thức và cách sống để chúng ta noi theo. Cho nên sự tôn kính này đã được người ta hết lòng diễn đạt qua các môn nghệ thuật, cùng điêu khắc tinh xảo và thẩm mỹ nhất mà thế giới đã từng chứng kiến.

Các pho tượng Phật chúng ta thấy, là tượng trưng cho những đức tính và chúng không giống như là các “tấm hình”. Khoảng hàng trăm năm sau ngày đức Thế Tôn diệt độ, những pho tượng này mới bắt đầu xuất hiện. Vào giai đoạn rất xưa của nghệ thuật điêu khắc và hội họa, đức Phật được diễn tả qua hình ảnh của bánh xe Pháp hay dấu chân, và trong vài trường hợp, người ta dùng một khoảng trống hơn là bức hoạ, để nói lên sự hiện diện của đức Thế Tôn. Các tượng Phật đầu tiên do những người Hy Lạp theo Phật giáo làm ra tại xứ Gandhara[17] miền tây bắc Ấn Ðộ. Những thợ thủ công Hy Lạp đã tạo nên các tượng Phật giống như tượng thần mặt trời Apollo[18]. Những công trình điêu khắc này, và hàng triệu tượng Phật khác sau đó, đã trình bày một biểu tượng cụ thể về đức Phật đới với mọi người.

Ðức Thế Tôn đã không dạy những giáo lý bí truyền hay kỳ lạ, Ngài không thuyết giảng điều này cho quần chúng và giữ lại vài điều khác bí mật dành cho một số đệ tử chọn lọc. Giáo pháp nào đức Phật nhận thấy cần cho sự giải thoát của con người, Ngài đã hết lòng truyền dạy cho tất cả.

Tuy vậy, tưởng nên biết rằng, mặc dù không có sự phân biệt giữa giáo lý thần bí và phổ biến, nhưng vẫn có sự sai khác đáng kể về trình độ hiểu biết giữa hàng triệu tín đồ của Ngài. Sự thấu triệt hoàn toàn giáo pháp (Dhamma) đòi hỏi có cái nhìn sâu xa hơn sự nhận thức mà nhiều người đang có.

Tại Á Châu ngày nay, có vô số triệu người đã xem đức Phật như một pháp bảo để kính thờ. Hơn nữa, vì Phật Giáp là một phương pháp sống bao gồm tất cả, cho nên người nông dân bình dị, với những ý kiến đơn giản của y cũng thích hợp để trở thành đệ tử (của đức Phật) như một nhà sư hay học giả. Hạng người bình dân của các chủng tộc, đòi hỏi những giáo lý dễ hiểu của một hình tượng, hay khóa lễ. Thiếu những hình thức của sự sùng bái cụ thể này, họ rất ít hiểu được (Phật Pháp).

Theo lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng những ai trong đời này không sẵn sàng sống theo chánh kiến, kiếp sau họ cũng sẽ hành động như vậy. Ðiều quan trọng là nên hướng dẫn những người đó đi theo con đường của đạo đức chân chính ngõ hầu sự phát triển (tu học) của họ được tiến bộ hơn ở đời sau. Trong Phật Giáo (Buddha Sanana), chúng ta nên kính trọng trình độ hiểu biết của kẻ khác và quan điểm của những người khác biệt với chúng ta. Người Phật Tử giác ngộ là một đạo dẫn viên chứ không phải là người hay chỉ trích.

Chính đức Phật đã dành rất ít thì giờ cho việc cúng bái và nghi lễ, vì phương pháp sống của Ngài là một đường lối thực tiễn của việc làm và hành động. Trong ý nghĩa cao hơn, quy tắc và lễ nghi đã trở thành những ràng buộc làm cản trở cho sự tiến bộ. Ðức Phật dạy chúng ta rằng, ai tôn kính Ngài nhiều nhất, là người thực hành giáo pháp của Ngài tinh tấn nhất.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng người tu theo đức Phật họ không cần phải từ bỏ nhà cửa, gia đình và sống cuộc đời ẩn dật. Ngày nay, có nhiều Phật Tử giàu đạo tâm, là những thiện nam tín nữ đã lập gia đình và có thể duy trì cuộc sống hằng ngày bình thường của họ. Những Phật Tử đó đã trở nên xuất sắc trong cộng đồng, nhờ vào đạo hạnh, và công đức tu hành của họ, cũng như do bởi công tác họ làm nhằm truyền bá Phật Giáo đến mọi kẻ khác.

Không phải tất cả ai cũng sẵn sàng muốn trở thành tu sĩ Phật Giáo; và thà làm một cư sĩ tại gia thuần thành còn hơn là một nhà sư thiếu tu trong đoàn thể Tăng Già (Sangha).

KẾ HOẠCH TOÀN HẢO CỦA SỰ HẠNH PHÚC

Những đạo hữu Phật Tử thường hay yêu cầu tôi giải thích tóm lược Phật Giáo trong vài chữ. Có lẽ định nghĩa đầy đủ và ngắn gọn nhất mà tôi có thể trình bày là Phật Giáo như một sự thích nghi giúp cuộc sống của mình hoà hợp với những định luật thiên nhiên. Giáo pháp (Dhamma) có thể thực hiện điều ấy không? Nó có thể làm được.

Từ ngữ Pali “Dhamma” là một trong những lối diễn tả toàn bộ mà nó có nhiều ý nghĩa, mặc dù tất cả những nghĩa đó đều tương quan với nhau. Trong cách dùng phổ thông nhất, nó có nghĩa là Ðạo Giáo, Giáo Pháp; nhưng Dhamma cũng có thể giải thích là sự Công Bằng, Chính Trực, hoặc đơn giản là Thiên Nhiên, hay Luật Tự Nhiên. Những định nghĩa này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ quan niệm rộng rãi của danh từ Dhamma và cái điều mà nó muốn giải thích.

Nếu mỗi cá nhân và mọi người, hết lòng theo khả năng mình, thực hành Giáo pháp đó; có nghìa là hành giả tự đặt mình sống hòa hợp với Thiên Nhiên, và những quy luật tự nhiên đã điều hành vũ trụ. Giáo pháp này cung cấp cho chúng ta một nếp sống mẫu mực mà chúng ta có thể thành thực gọi là: Một Kế Hoạch Sống Có Hạnh Phúc.

Ðiều quan trọng của hạnh phúc không phải là sự cố gắng quá sức. Mà hạnh phúc chỉ có thể hiện ra khi chúng ta biết sống hòa hợp với các định luật thiên nhiên, hầu giúp mang lại cho chúng ta sức khỏe, sự thành công, mãn  nguyện, thanh tịnh, và tâm thần an lạc. Khi chúng ta sống bất hòa với những quy luật này, chúng ta sẽ mắc phải bệnh tật, gặp những thất bại, bất mãn, lo âu và mất quân bình. Trong sự ứng dụng thực tế vào cuộc sống hằng ngày, hòa hợp là thành quả của sự hiểu biết Phật Pháp (Dhamma); và bất hòa là kết quả do điều không thâm nhập giáo pháp của chúng ta.

Trước hết, chúng ta hãy xét đến khía cạnh tiêu cực của sự bất hòa (với luật thiên nhiên) và hậu quả do nó gây ra. Sự không hòa hợp phát sinh từ Tham, Sân và Si:

  1. Tham là nguồn gốc của tánh ích kỷ và tính hám lợi. Ích kỷ là căn nguyên của tánh đố kỵ, ganh ghét, trong khi lòng tham là nguồn gốc của sự thèm khát, và tinh thần cạnh tranh.
  2. Sân là nguyên do của sự oán thù và tức giận. Oán thù là động cơ của tánh tự kiêu và sự trả thù; trong khi tức giận là nguồn gốc của ác tâm và xung đột.
  3. Si là căn nguyên của sự tham luyến và sợ hãi.

Tham Luyến là nguyên nhân của sự thèm muốn và khao khát; trong khi sợ hãi là cội nguồn của sự mê tín và thiếu khoan dung.

Trái lại, chúng ta có thể khảo sát về mặt tích cực của sự hoà hợp và cách thức qua đó nó phát sinh:

Sự hòa hợp sinh ra từ lòng Nhân Ái, Từ Bi và Trí Tuệ.

Lòng nhân ái là nguồn gốc của tánh không vị kỷ và đại lượng.

Tánh không vị kỷ là nguyên do của sự cảm mến và lợi tha, trong khi lòng bao dung là cội nguồn của tánh hỷ xả và từ bi.

Hỷ xả là nguyên nhân của lòng nhân đạo và thiện ý. Thiện ý là nguồn gốc của lòng từ bi và tánh tự chủ.

Trí tuệ là căn nguyên của sự xả bỏ và định tĩnh. Tánh xả bỏ là nguồn gốc của sự mãn nguyện và tâm thần an lạc, trong khi định tĩnh là nguồn gốc của sự suy xét chín chắn và lòng khoan dung.

Quyền thụ hưởng hạnh phúc được chấp nhận bởi hầu hết mọi quốc gia, nhưng rất tiếc là sự giải thích làm cách nào để đạt đến hạnh phúc đã tạo nên những kết quả mâu thuẫn. Nhận thức sai lầm thông thường cho rằng, khi một cá nhân có tất cả những tài sản họ tích trữ, kẻ ấy cũng sẽ có được hạnh phúc hoàn toàn. Thực tế chúng ta thấy không bao giờ con người đạt tới tình trạng biết đủ; và người ta càng có được nhiều, họ lại càng ham muốn nhiều. Như ông thầy phù thủy mới tập sự, gọi hồn các ma quỷ lên mà y không thể nào kiểm soát.

Nền khoa học và sự phát minh đã trở nên vô giá trị trong việc cạnh tranh điên cuồng để sản xuất ngày càng nhiều những của cải cho đến khi những tài sản cá nhân này bắt đầu tạo khó khăn đến cuộc sống, và trở thành vũ khí gây thất bại cho chúng ta. Khoa học, trong nhiều phương diện, có khả năng giúp cho đời sống dễ dàng nhưng nó không thể nào tạo cho chúng ta có được hạnh phúc hơn.

Những người thông thái nhất ở Tây Phương đang đi tìm con đường mới và đang quay về với Ðông Phương để khám phá ra hạnh phúc. Tuy nhiên, (áp dụng) trí tuệ ngàn xưa của đấng Giác Ngộ, sẽ tự chứng tỏ đó là giải pháp duy nhất cuối cùng để diệt trừ những điều ác của nhân loại. Con đường mà người trí thức sẽ đi theo là cái đạo trình bày rõ ràng triết lý của nó, và khi thực hành sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

PHẬT GIÁO Ở TÂY PHƯƠNG

Sự phát sinh và bành trướng của nhiều tôn giáo đã đi kèm với cuộc tàn sát và khủng bố vô nhân đạo những người họ không chịu chấp nhận theo tôn giáo ngoại lai. Phật Giáo  chưa từng viết những trang sách như thế trong lịch sử thế giới. Không một giọt máu nào đã chảy, hay một sự đàn áp nào đã được dùng để truyền bá Phật Giáo vào những vùng đất lạ. Ðạo Phật đã có một lịch sử ghi chép lâu dài và rực rỡ về các đoàn truyền giáo hòa bình hoạt động không vì mục đích chính trị hay kinh tế.

Thời xưa cũng như ngày nay, những phái đoàn truyền giáo hòa bình đã được tiếp đón tại các quốc gia và bất cứ nơi nào họ có mặt, đã có nhiều người quay về theo Phật Giáo. Về số lượng tín đồ, ngày nay đạo Phật là một tôn giáo thế giới lớn nhất và đang trên đà phát triển. Ánh sáng của chánh pháp hiện đã rực chiếu tại những quốc gia, mà non một thế hệ trước, tại đó chưa ai biết đến Phật Giáo.

Một trong những học giả tiền phong khởi đầu công tác phiên dịch kinh tạng (Phật Giáo) tiếng Pali ra Anh ngữ, là con của một mục sư danh tiếng. Mục đích của ông trong khi làm công việc trên là cốt để chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa đã chiếm ưu thế hơn Phật Giáo. Ông đã thất bại trong ý đồ này, nhưng ông ta đã thực hiện được một thành công vĩ đại hơn điều ông ta mong đợi. Ông đã trở thành một Phật Tử. Chúng ta không bao giờ quên cái duyên lành đã thúc đẩy ông hoàn thành công tác trên, và nhờ đó đã giúp ông truyền bá Phật Giáo đến hàng nghìn dân chúng ở Tây Phương.

Tên của vị học giả đó là Dr. Rhys Davids[19], và đối với Phật Giáo, giáo sư đã phát biểu:

Tôi đã tìm hiểu các tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng không một tôn giáo nào tôi tìm thấy được bất cứ điều gì vượt trội hơn sự cao siêu và tính chất toàn diện như trong bài pháp Tứ Diệu Ðế của đức Phật. Tôi mãn nguyện hướng cuộc đời tôi đi theo đạo giáo ấy”.

H.G. Wells[20], nhà khoa học và sử gia, đã vô cùng tán dương Phật Giáo như một hệ thống đạo đức và tôn vinh đức Phật như đấng Số Một trong những nhân vật vĩ đại nhất đã sống từ trước đến nay. Trong tác phẩm “Lịch sử Ðại Cương” (Outline of History), ông ta viết:

Tại những phần đất lớn trên thế giới, Phật Giáo vẫn còn tồn tại. Tôi có thể nói rằng, khi tiếp xúc với khoa học Tây Phương và được soi sáng bởi tinh thần sử học, giáo lý căn bản của đức Phật đã phục sinh và tinh lọc, có thể góp phần to lớn trong sự hướng dẫn vận mạng của nhân loại”.

Nhà đại khoa học Anh Quốc, ông Thomas Huxley[21], mặc dù không phải là Phật Tử, nhưng chịu ảnh hưởng lớn của Phật Giáo, đã tóm lược giáo lý (Sasana) của đức Phật trong một đoạn văn rõ ràng chính xác như sau:

Phật Giáo là một hệ thống không chấp nhận Thượng Ðế theo ý nghĩa Tây Phương, nó phủ nhận có linh hồn nơi con người, và coi niềm tin vào sự bất biến như là điều sai lầm. Phật Giáo chối bỏ hiệu quả của sự cầu nguyện và tế lễ, và khuyên con người đừng nương tựa vào điều gì khác ngoài sự tinh tấn nỗ lực của chính mình để giải thoát. Phật Giáo, trong sự tinh khiết nguyên thủy của nó, không nhắc đến lời phát nguyện của sự phục tòng; và không bao giờ mong cầu sự cứu giúp từ bàn tay của những người thế gian, nhưng nó đã bành trướng nhanh chóng kỳ diệu đến cùng khắp thế  giới, và đang còn là một tôn giáo có ưu thế đối với phần lớn nhân loại”.

Swami Vivekananda[22], một nhà truyền giáo đã giúp đỡ du nhập triết lý đông phương vào Tây Phương, đã phát biểu về đức Phật như sau:

“Trong lịch sử, hãy chỉ cho tôi có đấng nào đã vượt cao lên trên tất cả như thế. Toàn thể nhân loại đã sản xuất chỉ một nhân vật, một triết lý, một tình thương bao la như thế Là Ðại Triết Gia, đã truyền dạy một giáo lý cao siêu nhất, nhưng lại có lòng từ bi vô biên nhất đối với những loài vật thấp bé nhất, và không bao giờ tự đề cao mình. Ðức Phật là bực thầy lý tưởng, đã hành động không một vụ lợi nào; và lịch sử đã chứng minh Ngài là một con người vĩ đại nhất không ai sánh kịp từ trước đến giờ; một sự phối hợp lớn lao nhất giữa con tim và khối óc chưa từng thấy”.

Sau hết là giáo sư Karl Gustav Jung[23] ở Zurich, người mà ngày nay được xem như là nhà Tâm Lý Học đứng hàng đầu của thế giới, đã viết: “Là một sinh viên của môn tôn giáo tỷ giảo, tôi tin rằng Phật Giáo là một tôn giáo hoàn hảo nhất mà thế giới đã có từ trước đến nay. Triết lý của đức Phật, lý thuyết về sự tiến hoá và luật nghiệp báo đã vượt xa hơn bất cứ tôn giáo nào khác.

Những người theo Phật Giáo đầu tiên ở các nước Tây Phương, phần chính là các nhà học giả và trí thức. Lý do bởi vì Phật Pháp (Dhamma) không dễ dàng hiểu biết đối với hạng người ngoài đường phố (bình dân), mà trước tiên, nó chỉ có thể nghiên cứu bởi những ai có khả năng đọc được các ngôn ngữ đông phương. Trong những năm gần đây, tình trạng đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta không chỉ có thể đọc những giáo lý hiện nay của đức Phật qua tiếng mẹ đẻ của chúng ta, mà nhiều kinh sách được xuất bản đã giúp cho sự nghiên cứu Phật Pháp dễ dàng hơn đối với những người tây phương.

Vì số trang không cho phép chúng tôi trích dẫn nhiều hơn nữa nhưng còn những ý kiến có thể thêm vào được. Mặc dù, đúng là nên đọc ý tưởng của những kẻ khác, nhưng một cuộc thí nghiệm chân chính cần phải làm bởi chúng ta. Không phải chỉ có những người nam nữ bình thường ước mong tìm thấy và học hỏi, kính yêu Ánh Sáng của Thế Giới này. Trong các vị giáo chủ của những tôn giáo lớn, đức Phật đã vượt hơn họ tất cả về tình thương và lòng từ bi, không riêng với loài người của mọi chủng tộc, màu da, giai cấp; nhưng ngay cả đối với những chúng sanh bé nhỏ nhất. Thực không ai xứng đáng được gọi là đấng Từ Bi như Ngài.

Về trí tuệ cũng vậy, không ai sánh bằng đức Phật và Ngài xuất hiện như một đấng khổng lồ giữa đám người lùn. Ngài dạy về các hiện tượng thiên nhiên, (hơn) hai mươi lăm thế kỷ trước, mà các khoa học gia Tây Phương mới chỉ khám phá ra trong khoảng thập niên vừa qua.

Ðức Phật là người đầu tiên đã đề cao giá trị của nữ giới, và trong tôn giáo lớn Ngài sáng lập, đã cho họ quyền bình đẳng với phái nam. Ðức Phật không thừa nhận việc phân chia giai cấp căn cứ vào sự sinh trưởng. Theo Ngài, một người trở nên cao quý do bởi họ đã sống cuộc đời đạo hạnh chứ không phải vì sự giàu sang hay địa vị xã hội của cha mẹ. Phật Giáo là một năng lực sống vĩ đại nhất của thế giới hôm nay, nó có thể mang lại hoà bình cho mọi quốc gia và nhân loại.

Làm sao chúng ta có thể gia nhập và trở thành hội viên của gia đình bao gồm tất cả vĩ đại này? Không có nghi lễ rửa tội hay khai tâm trong Phật Giáo. Chúng ta trở thành người Phật Tử, ngay khi nào chúng ta chấp nhận đức Phật như đấng Tôn Sư và bậc Ðạo Dẫn của chúng ta.

Dĩ vãng, với tất cả chúng ta là quá xa vời và chán ngắt, nhưng đây là Giáo Pháp chúng ta có thể theo với niềm tin tưởng. Trong các tôn giáo, tông phái và tín ngưỡng của thế giới, ở đâu chúng ta có thể tìm thấy một đấng Tôn Sư rạng ngời như thế? Trong bầu trời lộng lẫy của các vì sao, đức Phật là một trong những ngôi sao vĩ đại, chói sáng nhất. Chúng ta không ngạc nhiên biết rằng các nhà khoa học, triết gia và văn sĩ đã tuyên bố đức Phật là “Nhân Vật Vĩ Ðại Nhất Ðã Ra Ðời Từ Trước Ðến Nay”.

Ánh hào quang của bậc Ðại Sư đã chiếu rọi khắp thế giới mê lầm và khổ đau như cột hải đăng dẫn đường và chiếu sáng cho nhân loại.

 

[1] CA TỲ LA VỆ (tiếng Pali: Kapilavatthu; tiếng Sanskrit: Kapilavastu): Nơi đức Phật đã ra đời vào thế kỷ thứ 7-6 trước tây lịch, là một trong những tiểu quốc của Ấn Ðộ thời xưa, dưới quyền trị vì của vua Tịnh Phạn (P;S, Suddhodana). Về vị trí địa dư, Ca Tỳ La Vệ bấy giờ nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas); hướng đông giáp hai vương quốc Vajji (P;S, Vrjji) và Ma Kiệt Ðà (P;S, Magadha); hướng tây giáp nước Kiều Tát La (P, Kosala; S, Kausala); và phía bắc là sông Rohini làm ranh giới ngăn chia Ca Tỳ La Vệ với xứ Câu Ly (P; S, Koliya). Ngày nay, Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) được các nhà khảo cổ xác nhận thuộc làng Tilaurakota trong địa hạt Terai, xứ Nepal, một vương quốc nằm về phía đông bắc nước Ấn Ðộ, gần núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas), trong vùng nam Á Châu.

[2] BA NA LẠI (P; S, Bàrànasi): Một trong những thành phố linh thiêng nhất của Ấn Ðộ. Thời Phật còn tại thế, có tên Bàrànasi, là thủ đô của vương quốc Kasi, một trong 16 tiểu quốc của Ấn Ðộ thời xưa (xem chú thích 10). Ngày nay, Ba La Nại, dân chúng Ấn gọi là thành phố Varanasi, còn người Anh đọc là Benares, nằm trên bờ phía trái của sông Hằng (Ganga river) trong quận Varanasi, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ. Cách xa thành phố Ba La Nại (Varanasi) khoảng sáu dặm (miles) là vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên “Tứ Diệu Ðế” cho năm đệ tử xuất gia của Ngài.

[3] HY MÃ LẠP SƠN (Himalayas): Dãy núi cao nhất thế giới, trải dài 1,500 dặm (miles) xuyên qua những vùng từ đông bắc Hồi Quốc (Pakistan), Kashmir (miền bắc Ấn Ðộ), nam Tây Tạng (Tibet) đến các vương quốc Nepal, Sikkim và Bhutan. Rặng núi này được chia làm ba phần: khu Ðại Hy Mã Lạp Sơn (Great Himalayas) nằm ở hướng bắc, tiếp đến Tiểu Hy Mã Lạp Sơn (Lesser Himalayas) và Ngoại Hy Mã Lạp Sơn (Outer Himalayas) nằm về phía nam. Trung bình đỉnh cao ở Ðại Hy Mã Lạp Sơn là 20,000 feet, trong đó có đỉnh Everest cao nhất thế giới tới 29,028 feet. Ngoài ra còn có 11 ngọn núi khác với đỉnh cao độ 26,000 feet.

[4] THÍCH CA (P, Sakiya; S, Sakya): Tên một bộ tộc thuộc dòng họ của đức Phật, sống vào thế kỷ 7-6 trước tây lịch tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) gần chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Người cai tri bộ tộc này bấy giờ là vua Tịnh Phạm (P; S, Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (P; S, Maya). Về tổ chức chính trị, thị tộc Thích Ca thời ấy theo chính thể Cộng Hòa (Republic). Dân chúng bầu lên một vị trưởng tộc, tiếng Ấn gọi là “Raja” (vua) để lảnh đạo trong nước. Mọi việc hành chánh và pháp luật của thứ dân đều được mang ra bàn cãi và thảo luận ở đại hội với sự tham dự của mọi giới trẻ cũng như già tại một nơi gọi là “hội trường” được dựng nên thường chỉ có một mái che ở trên còn bốn phía để trống chứ không có tường vách. Hội trường này được xem như tòa nhà quốc hội hay nghị viên trong chế độ dân chủ của chúng ta ngày nay.

[5] A-RI-AN (ARYAN): Danh từ “Arya”, tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là cao quí (noble). Chủng tộc A-Ri-An thuộc giống dân Ấn-Ðức (Indo-Europeans) hoặc Ấn-Ðức (Indo-Germanic) mà theo các học giả, quê hương chính gốc của họ là ở vùng Trung Á (Central Asia) hoặc Trung Âu (Central Europe). Dân A-Ri-An gồm có hai huyết hệ: Ðông Huyết Hệ (Eastern Branches) gồm các dân tộc Ba Tư (Persia), A Phú Hãn (Afghanistan), Ấn Ðộ (Hindustan) và Tây Huyết Hệ (Western Branches) gồm các dân tộc ở Châu Âu, ngoại trừ dân Thổ Nhỉ Kỳ (Turks) và Hung Gia Lợi (Magyars).

Chủng tộc A-RI-AN (Aryan) xâm nhập Ấn Ðộ thuộc giống Ấn-Âu (Indo-Europeans) khoảng vào năm 5000 trước tây lịch đến 1500 (trước T.L.) hoặc vào giữa năm 2500 đến 2000 trước tây lịch, và định cư đầu tiên tại vùng Punjab thuộc miền bắc Ấn Ðộ ngày nay. Phần đông dân chúng Ấn thuộc chủng tộc A-Ri-An (Aryan) đều theo Ấn Ðộ Giáo (Hinduism), chuyên thờ các đấng thần linh (Gods) như Brahma (Phạm Thiên), Thần Vishnu và Shiva.

[6] ƯU LÂU TẦN LOA (P ,Uruvela; S, Uruvilva): Danh từ “Uruvela” có nghĩa là “bãi cát lớn” (great sandbank). Ưu Lâu Tần Loa thời Phật còn tại thế là một thị trấn nhỏ nằm cạnh sông Ni Liên Thuyền (P, Neranjara) thuộc vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), dưới quyền trị vì của vua Tần Bà Xa La (Bimbisara: 543-493 trước T.L). Trước khi chứng đạo giác ngộ, đức Phật đả trải qua sáu năm tu khổ hạnh ở đây. Và cũng tại nơi này, đức Bồ Tát Tất Ðạt Ða (P, Siddhattha; S, Siddhartha) khi chưa thành Phật đã nhận bát cháo sữa do tín nữ Tu Già Ða (Sujata) dâng cúng trong khi Ngài đang tu thiền định dưới gốc cây cổ thụ Ajapala.

Sau khi thành đạo và đến thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath), đức Phật đã trở lại Ưu Lâu Tần Loa để hóa độ cho ba anh em ông Ca Diếp theo đạo thờ lửa là Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa và Gaya Kassapa xuất gia tu hành và sau này cả ba vị đều chứng đắc quả A La Hán (P, Arahat; S, Arhat). Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) ngày nay tức làng Urel, cách xa sáu dặm thị trấn Gaya, trong quận Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ.

[7] NI LIÊN THUYỀN: Thời Phật còn tại thế vào thế kỷ thứ 7-6 trước tây lịch, con sông có tên tiếng Pali “Neranjara” hay Sanskrit “Nairanjana” chảy ngang gần thị trấn Ưu Lâu Tần Loa trong vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha). Sông gồm hai nhánh Nilajana và Mohana, bắt nguồn gần vùng Simeria trong quận Hazaribad, tiểu bang Bihar (miền đông bắc Ấn). Vì giao điểm nơi hai nhánh sông gặp nhau có tên “Phalgu” nên người ta cũng gọi là sông Phalgu. Ðây là con sông lịch sử thường thấy nhắc đến trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông.

Dòng sông này chảy ngang qua Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) có nước sạch, trong mát và nhiều bãi tắm rất tốt. Chính xưa kia, Bồ Tát Tất Ðạt Ða đã để chiếc bình bát bằng vàng đựng cháo sữa do tín nữ Tu Già Ða (Sujata) dâng cúng trên bờ sông này. Và sau khi xuống sông tắm, dùng xong bát cháo, Ngài đã quăng bình bát xuống sông với lời nguyện rằng: “Ta sẽ trở thành bậc chánh giác nếu chiếc bát trôi ngược dòng sông”. Ðúng y như vậy, bình bát của đức Bồ Tát vừa ném xuống sông, nó đã trôi ngược dòng và ngày hôm sau, Ngài đã chứng đắc đạo quả vô thượng dưới cội Bồ Ðề.

Sông Ni Liên Thuyền (Niranjara) ngày nay người Ấn gọi là “Lilajana”. Dòng sông có một khúc dài gần một phần tám dặm (200 yards) chảy ngang qua trước chùa Ðại Giác (Maha Bodhi) ở làng Buddha Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nơi đức Phật thành đạo trước kia, trong quận Gaya, tiều bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ. Dòng sông rộng khoảng ba phần tư dặm, gần như khô cạn quanh năm, biến thành một bãi cát trắng dài trong mùa hè và đông; chỉ đầy nước vào mùa mưa.

[8] CÂY TẤT BÁT LA: Tiếng Hindi (Ấn Ðộ) và tiếng Nepal gọi là “Pipal”; tiếng Pali “Pipphala”, có tên thực vật là “Ficus Religiosa”. Loại cây này có liên hệ bà con với giống cây sung (fig) được thấy trồng khắp nơi tại Ấn Ðộ. Vỏ cây màu xám, dày gần nửa inch. Lá cây mập tròn phía dưới và hẹp ở gần trên, cuống lá dài. Dân chúng Ấn, nhất là các tín đồ theo Phật và Ấn Ðộ Giáo rất kính trong cây này. Họ không bao giờ chặt, cưa, bẻ nhánh cây làm củi, hái lá ăn hay có bất cứ hành động nào lảm thương tổn đến thân cây, ngay cả đến việc nằm ngửa nghiêng bất kính dưới tàng cây họ cũng không dám.

[9] BỒ ÐỀ (P; S, Bodhi): Bồ Ðề có nghĩa là “Giác Ngộ”. Cây Bồ Ðề và cây Tất Bát La là một. Chính tại gốc cây này xưa kia, Bồ Tát Tất Ðạt Ða (Siddhattha) sau khi ngồi thiền định 49 ngày đã chứng đạo giác ngộ. Từ đó cây Tất Bát La (Pipphala) được người ta gọi là cây Bồ Ðề (Bodhi tree) hay “cây giác ngộ” (tree of enlightenment). Cây bồ đề hiện nay cao khoảng 100 feet và nằm về hướng tây, sát cạnh chùa Maha Bodhi (Ðại Giác). Chùa này do vua A Dục (Asoka: 273-232 trước T.L.) của Ấn Ðộ dựng nên vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch nhằm ghi dấu nơi đức Phật đã thành đạo hơn 2500 năm trước tại làng Buddha Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nay thuộc quận Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ.

Theo tài liệu ghi chép trong tập “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), một danh tăng Trung Hoa sang Ấn Ðộ tu học vào năm 629-645, cho biết cây Bồ Ðề đã bị vua A Dục (khi ông chưa quy y Tam Bảo); vua Sasanka (năm 606 sau tây lịch) và vua Mihiragule (năm 500 sau T. L.) theo Ấn Ðộ giáo ra lịnh triệt hạ, đốt cháy nhiều lần, nhưng vẫn không hủy diệt được. Tưởng nên biết rằng cây Bồ Ðề hiện nay chúng ta trong thấy khi dến chiêm bái thánh tích Bồ Ðề Ðạo Tràng (Buddha Gaya) không phải là cây Bồ Ðề góc xưa khi lúc đức Phật còn tại thế, mà theo nhà khảo cổ Anh Quốc, ông Alexander Cunningham (1814-1893) thì đó chỉ là cây con chiết nhánh từ cây mẹ; và nó đả được trồng đi trồng lại ít nhất đến hai mươi lần kể từ thời đại vua A Dục (thế kỷ thứ ba trước tây lịch) đến nay.

Năm 1811, Dr. Buchanam Hamilton đến thăm viếng cây bồ đề thấy vẫn còn xanh tốt, vá ông phỏng chừng nó đã sống qua 100 năm . Ông A. Cunningham đến thăm cây Bồ Ðề năm 1861 và sau đó năm 1871, cho biết trong vòng 10 năm, các nhánh chính và thân cây Bồ Ðề đã bị hư hại, mục nát nhanh chóng. Vào năm 1876, một trận bão lớn đã làm cây Bồ Ðề gãy ngã, và tại nơi cây Bồ Ðề cũ người ta trồng lại một nhánh mới, và nó đã sống từ ngày ấy cho đến nay (1991) được 120 tuổi thọ.

[10] CÂU THI NA (P, Kusinàra; S, Kusinagàrà): Là thị trấn nơi đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn (viên tịch) trong rừng Sa La (Sala) vào nam 543 trước tây lịch.

Vào thời trước khi đức Phật ra đời, Kusinàra có tên gọi là Kusavati. Theo kinh Maha Sudassana trong bộ Trường A Hàm (Digha Nikaya) và kinh Ðại Bát Nết Bàn (Mahaparinibbana Sutta), đức Phật thuyết cho biết kinh thành Kusavati xưa kia dưới quyền trị vì của vua Maha Sudassana, có chiều dài từ đông sang tây 12 yojana hay do tuần (bằng 84 dặm) và rông từ bắc đến nam 7 do tuần (49 dặm) với bảy thành lũy, bốn cổng và bảy con đường lớn trồng toàn những cây kè, thốt nốt (Palm trees)

Thời đức Phật còn tại thế, Kusinàra là thủ đô của xứ Mạt La (P; S, Malla), một trong 16 tiểu quốc của Ấn Ðộ ngày xưa gồm có: 1) Anga; 2) Magadha; 3) Kasi; 4) Kosala; 5) Vajji; 6) Malla; 7) Ceti; 8) Vamsa; 9) Kuri; 10) Pancala; 11) Maccha; 12) Surasena; 13) Assaka; 14) Avanti; 15) Gandhara và 16) Kamboja. Theo học giả Anh Quốc, giáo sư Rhys Davids (1843-1922), xứ Mạt La bấy giờ nằm về phía đông nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyas) và hướng bắc xứ Vajji của bộ tộc Licchavi hay Ly Xa (nay là thành phố Besarh, quận Muzzaffapur, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ).

Ngày nay, Kusinàra (Câu Thi Na) nằm cách ba cây số hướng tây nam thành phố Kasia thuộc quận Deoria trong tiểu bang Uttar Pradesh (miền bắc Ấn Ðộ) là một trong những thánh tích Phật Giáo quan trọng, mỗi năm có hàng nghìn du khách Phật Tử khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái hành lể v.v…

[11] LY XA (P; S, Licchavi): Là một trong tám bộ tộc tạo nên liên bang (confederation) của tiểu quốc Vajji vào thế kỷ thứ 6-7 trước tây lịch thời đức Phật còn tại thế. Xứ Vajji bấy giờ nằm về hướng đông nước Mạt La (Mallas) và phía bắc vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) với kinh đô đóng tại thị trấn Tỳ Xá Ly (P, Vesali; S, Vaisali). Thời ấy, dân chúng Ly Xa của Vajji theo chính thể Cộng Hòa và có tinh thần đoàn kết rất cao. Nếu trong làng có một người bị ốm đau thì nhiều người khác sống nơi đó đều đến thăm.

Theo tài liệu ghi chép ở các kinh sách Phật Giáo, dân chúng Ly Xa có thân hình đẹp đẽ, thích dùng quần áo mầu sắc lộng lẫy và đi trên các xe ngựa được trang hoàng rực rỡ. Họ là những Phật Tử rất thuần thành, ngoan đạo, và hết lòng kính thờ ngô Tam Bảo. Ngay cả các em thiếu niên, tay mang cung tên đi trên đường, khi gặp đức Phật đang ngồi ở gốc  cây nào, chúng liền bỏ vũ khí xuống đất, chạy lại chấp tay đứng quanh để lắng nghe Ngài thuyết pháp.

Xứ Vajji, quê hương của bộ tộc Licchavi (Ly Xa) thời xưa, ngày nay là thành phố Besarh trong quận Muzzaffapur, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ.

[12] SIHA: Tên một vị đại tướng thuộc bộ tộc Ly Xa ở thành Tỳ Xá Ly (Vesali), môn đệ của Nigantha Nataputta (Ni Kiền Tử), giáo chủ đạo Kỳ Na (Jainism), sinh cùng thời với đức Phật. Một hôm, đức Thế Tôn đến hoằng pháp tại Tỳ Xá Ly, Siha nghe uy danh đức độ của Ngài, dự tính muốn đến thăm, nhưng Ni Kiền Tử ngăn cản, bảo rằng đức Phật không xứng đáng để ông tới gặp. Cuối cùng, Siha vẫn hướng dẫn một đoàn 500 cổ xe đến yết kiến Ngài. Sau khi thỉnh vấn, tìm hiểu giáo pháp của đức Thế Tôn, Siha mới nhận biết rằng lâu nay giáo lý của Ngài đã bị Ni Kiền Tử cố tình xuyên tạc và diễn đạt sai lầm nhằm làm hạ uy tín đức Phật. Ngay lúc ấy, Siha liền nhận thấy rằng chánh pháp của đức Như Lai thực là cao siêu mầu nhiệm, và ông ta phát nguyện muốn quy y Tam Bảo, trở thành đệ tử của Ngài.

Ðức Phật hoan hỷ chấp thuận với điều kiện là Siha vẫn nên tiếp tục ủng hộ, cúng dường cho các sa môn theo đạo Kỳ Na. Qua cách đối xử đầy lòng khoan dung của đức Thế Tôn với các môn đồ theo Ni Kiền Tử (Nigantha Nataputta), một lần nữa khiến Siha càng nhận thấy đức Phật là đấng giác ngộ, từ bi vô lượng xứng đáng cho ông tin theo, kính lễ và tôn thờ.

[13] KỲ NA; (14). NATAPUTTA: Ðạo Kỳ Na (Jains hay Jainism) là tôn giáo do Nigantha Nataputta (Ni Kiền Tử), một trong sáu lục sư ngoại đạo sáng lập tại Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước tây lịch. Danh từ “Jain” hay “Jaina” xuất phát từ ngữ căn tiếng Phạn (Sanskrit) “Ji” có nghĩa là “chinh phục” (to conquer) hay là “Jina” là “kẻ chiến thắng” (the conqueror).

Nigantha Nataputta (tiếng Pali) còn có tên gọi là Vardhamana Mahavira. Vardhamana (599-527 trước tây  lịch) sống cùng thời với đức Phật (623-543 trước T. L.), được xem như vị chiến thắng (victor), thánh nhân (saint) hay “tirthankara” thứ 24 và cuối cùng của Kỳ Na Giáo (Jainism). Nghĩa đen chữ “tirthankara” là “người đã vượt qua bờ kia” (one who makes the River crossing) hàm ý chỉ cho các vị tu hành đắc đạo, vượt thoát bể khổ sông mê, không còn luân hồi sinh tử.

Theo kinh sách Kỳ Na Giáo, vị thánh nhân, giáo chủ, (tirthankara) đầu tiên của tôn giáo này là Rishabbha, ra đời trước Vardhamana 84,000 năm và vị thứ 23 là Parsvanatha giáng sinh trước ông ta khoảng 250 năm. Ðạo sư Vardhamana sinh năm 599 trước tây lịch tại Kundagrama, ngoại ô thành Vesali (Tỳ Xá Ly), nay là thành phố Besarh trong quận Muzaffapur, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ. Thân sinh ông là Siddharatha, tù trưởng của thị tộcJnatrikas thuộc giai cấp Sát Ðế Lợi (Kshatriya); và mẹ là Trisala, chị của hoàng tử Chetaka, trị vì bộ tộc Licchavi (Ly Xa) của xứ Vajji tại Vesali. Lớn lên, Vardhamana lập gia đình với Yasoda và sinh được một cháu gái tên Anoja.

Sau khi song thân qua đời vào năm 30 tuổi, ông bỏ nhà đi tu. Vardhamana ròng rã trong suốt 12 năm chuyên ngồi thiền định và tu ép xác khổ hạnh đến nổi ông từ chối luôn không mặc quần áo, lõa thể đi tầm đạo khắp nơi. Ðến năm thứ 13, sau một thời gian dài nhịn ăn; vào ngày 10 tháng Vaisakha (khoảng tháng 5 dương lịch), Vardhamana ngộ đạo, tìm ra chân lý đang lúc ngồi thiền định tại gốc cây Sa La (Sala) cạnh bờ sông Rijupalika, bên ngoài thành phố Jrimbhikagrama (nay gần Giridih trong quận Hazaribagh, tiều bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ). Lúc ấy, ông được 43 tuổi. Do sự đạt đạo, giải thoát mọi khổ đau phiền não, Vardhamana bấy giờ được người đời tôn xưng như đấng “Mahavira” nghĩa là “Ðại Anh Hùng” (Maha: đại; Vira: anh hùng) hay “Jina” (người chiến thắng diệt trừ hết dục vọng) và tín đồ của ông ta được gọi là “Niganthas” (Pali) hay “Nirgranthas” (Sanskrit) có nghĩa “Ðã giải thoát mọi khổ đau triền phược” (free from fetters or bonds). Tiếp đến, suốt thời gian 30 năm sau đó, Mahavira đi hoằng pháp, thuyết giảng khắp nơi tại các vương quốc Magadha (Ma Kiệt Ðà), Kosala (Kiều Tát La) và các xứ kế cận. Mahavira mất năm 527 trước tây lịch vào lúc 72 tuổi tại thành phố Pàvà (nay là Kasia, trong quận Gorakhpur, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ.

[14] Xem (13)

[15] KALAMA; (16). KESAPUTTA: Kalama (tiếng Pali) là tên một bộ lạc nhỏ sinh sống tại Ấn Ðộ vào thời vua Tần Bà Xa La (Bimbisara) và đức Phật còn tại thế khoảng thế kỷ thứ 7-6 trước tây lịch. Kesaputta (Pali) là tên một quận, thủ đô của bộ lạc Kalama. Theo tài liệu ghi chép trong bộ kinh Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara-Nikàya), Cuốn 1, cho biết Kesaputta là một quận huyện của xứ Kosala (Kiều Tát La), một trong 16 tiểu quốc của Ấn Ðộ thời xưa (xem chú thích 10 ở trên). Ngày nay Kosala là quận Oudh, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ.

Bộ Lạc Kalama chiếm một vị thế quan trọng trong lịch sử Phật Giáo, vì ông Alara-Kalama, thầy của đức Phật trước khi ngài chứng đạo, là dân của bộ lạc Kalama. Và, thời gian Bồ Tát Tất Ðạt Ða đi tầm sư học đạo, ngài gặp và kết thân với ông Bharan-du-Kalama (cũng là người bộ lạc Kalama); lúc ấy, cả hai cùng ở chung một tu viện và là học trò của đạo sỉ Alara-Kalama. Khi còn tại thế một hôm đức Thế Tôn đến thăm Kesaputta, và tại đây, Ngài đã thuyết cho dân chúng Kalama nghe kinh Kesaputtiya trong bộ Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara-Nikaya).

[16] Xem (15)

[17] GANDHARA (tiếng Pali): Là một trong 16 tiểu quốc của Ấn Ðộ thời xưa (xem chú thích 10), bao gồm thành phố Takshasila hay Taxila và Kashmir, nằm về phía tây bắc biên giới Ấn Ðộ. Theo tài liệu ghi chép trong tập Niddesa (Nghĩa Thích) thuộc bộ Tiểu A Hàm (Khuddaka Nikàya), cuốn 1; vào thời vua Tần Bà Xa La (Bimbisara: 543-493 trước tây lịch) cai trị nước Magadha (Ma Kiệt Ðà) thì Gandhara lúc ấy do vua Pukkusati trị vì, với kinh đô đóng tại thành Taxila. Vua Pukkusati bấy giờ có gởi thư và sứ thần qua nhằm kết tình thân hữu với vua Tần Bà Xa La. Thời vua A Dục (Asoka: 272-232 trước T.L.), Gandhara trở thành một phần đất thuộc vương quốc rộng lớn dưới quyền thống trị của ông ta. Ngày nay, Gandhara thuộc hai quận Rawalpindi và Peshawar của Hồi Quốc (Pakistan), miền nam Á Châu.

[18] APOLLO: Tên một trong các vị Thần chính yếu của thời cổ Hy Lạp. Theo thần thoại học Hy Lạp, Appolo sinh tại đảo Delos, là con của Thần Zeus và Leto. Ông được dân chúng cổ Hy Lạp kính thờ như vị Thần trừng phạt (God of punishment), Thần âm nhạc, nghệ thuật, thi ca; và Thần mặt trời cho con người ánh sáng lẫn sự sống. Appolo còn được xem như Thần chữa lành các bệnh nan y, vừa có thể gieo rắt bệnh dịch cho con người. Ông cũng được gọi là Thần mang lại sự công bình và sắc đẹp của nam giới (masculine beauty). Thần Appolo còn được dân chúng thờ tại La Mã (Rome) của Ý Ðại Lợi (Italy). Năm 430 trước tây lịch người ta đã thiết lập một ngôi đền đầu tiên để thờ Thần Appolo tại La Mã.

[19] RHYS DAVIDS (1843-1922): Thomas Williams Rhys Davids sinh ngày 12-05-1843 tại Colchester (Anh quốc), con của muc sư T.W. Davids. Ðầu tiên ông theo học Phạn ngữ (Sanskrit) với giáo sư Stenzler tại trường đại học Breslau ở Ðức, và tốt nghiệp cấp bằng tiến sĩ triết học (Ph. D.). Năm 1864, ông được bổ nhiệm giữ chức Dân Sự (Civil Service) ở Tích Lan, một quốc gia theo Phật Giáo. Tại dây, sau một thời gian theo học với nhà sư Tích Lan kiêm học giả, Thượng Tọa Yatramulle Unnanse, Rhys Davids có thể đọc hiểu thông suốt tiếng Pali và khảo cứu được các thánh tích, lich sử Phật Giáo Tích Lan.

Năm 1872, vì bất đồng ý kiến với nhân viên cao cấp của chính quyền bấy giờ, ông xin từ chức dân sự Tích Lan và trở về Anh quốc. Tại đây ông đã dành hết thì giờ cho công cuộc nghiên cứu và truyền bá Phật Giáo. Năm 1881, giáo sư Rhys Davids đứng ra thành lập đầu tiên Hội Phiên Dịch Kinh Tạng Phật Giáo Pali (The Pali Text Society) tại Luân Ðôn (London) và ông giữ chức vụ chủ tịch với sự tham gia của nhiều học giả đông lẫn tây phương như Viggo Fausboll (Ðan Mạch): 1824-1908; Hermann Oldengerg (Ðức): 1854-1920; Emile Senart (Pháp): 1847-1928 v.v.. Hầu hết mọi việc của Hội bấy giờ đều do Rhys Davids trông coi, điều khiển cho đến năm 1894, ông lập gia đình với cô Caroline Augusta Foley (1858-1942) là người mà về sau đã chia sẻ, giúp đỡ cho ông rất nhiều trong việc phát triển Hội cũng như dịch thuật kinh tạng Pali. Hiện nay, Hội vẫn còn duy trì, hoạt động tại Anh quốc.

Năm 1882, Rhys Davids được mời làm giáo sư dạy Pali và văn học Phật Giáo tại đại học College ở Luân Ðôn; làm tổng thư ký và quản thủ thư viện cho Hội Hoàng Gia Á Châu (Royal Asiatic Society) từ năm 1885 đến 1904. Năm 1904, ông được bổ nhiệm làm giáo sư môn tôn giáo đối chiếu (Comparative Religions) tại đại học Victoria, Manchester (Anh quốc). Năm 1907, ông đứng ra thành lập “Hội Phật Giáo Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan” (The Buddhist Society of Great Britain and Ireland) và được bầu làm hội trưởng đầu tiên.

Về phương diện nghiên cứu, trước tác, sau đây là một số tác phẩm chính của Rhys Davids: The Ancient Coins and Measures of Ceylon (Tiền lệ và sự đo lường thời xưa của Tích Lan), 1877; Manual of Buddhism (Khái Luận Phật Giáo), 1878; được tái bản lần thứ 23 năm 1914; Persecutions of Buddhist India (Sự ngược đãi Phật Giáo tại Ấn Ðộ), 1903, đã tái bản lần thứ 8 năm 1959; Early Buddhism (Phật Giáo Nguyên Thỉ), 1908.

Ông cũng dịch Luật Tạng (Vinaya Pitaka) từ nguyên bản tiếng Pali ra Anh văn với sự cộng tác của giáo sư người Ðức, ông Hermann Oldenberg (1854-1920) các cuốn: Patimokkha (Giới Bổn Kinh), Mahavagga (Ðại Phẩm) và Cullavagga (Tiểu Phẩm) 1881-1885. Về Kinh Tạng (Sutta Pitaka), ông đả dịch: Dialogues of the Buddha (Digha Nikàya), Trường Bộ Kinh, cuốn 1, 1899; và cùng chung với bà Rhys Davids, ông dịch: Dialogues of the Buddha (Digha Nikàya), Trường Bộ Kinh, cuốn 2, 1910; và Dialogues of the Buddha (Digha Nikàya), Trường Bộ Kinh, cuốn 3, 1921.

Năm 1915, Rhys Davids xin nghỉ dạy đại học ở Manchester, và dọn nhà về ở luôn tại Chipstead, quận Surrey, miền đông nam nước Anh. Những năm cuối cùng với tuổi già sức yếu, học giả Rhys Davids vẫn còn tiếp tục soạn cuốn Tự Ðiển Pali-Anh (Pali-English Dictionary) mà ông đã sưu tầm tài liệu nghiên cứu trong suốt 40 năm, với sự cộng tác của nhà ngữ học nổi tiếng Dr. William F. Stede (1882- 1958), người Anh gốc Ðức. Phần đầu cuốn tử điển được xuất bản năm 1921, và ít lâu sau khi ấn hành phần ba của cuốn từ điển đó, thì rất tiếc vì bệnh sưng phổi tái phát hoành hành, ông đã từ trần ngày 27-12-1922, hưởng thọ 80 tuổi. Sự ra đi vĩnh viễn của học giả Rhys Davids lúc bấy giờ là một mất mát to lớn không riêng cho dân tộc nước Anh mà cả toàn thể Phật tử khắp nơi trên thế giới.

[20] H.G WELLS: Herbert George Wells (1866-1946), văn sĩ nước Anh. Ðầu tiên ông làm thầy giáo, ký giả; sau đó trở thành nhà văn viết chuyện khoa học giả tưởng với các tác phẩm: The Time Machine (Máy Thời Gian) ấn hành năm 1895; The Invisible Man (Con Người Vô Hình), 1897; và The War of the Worlds (Chiến Tranh Thế Giới) năm 1819. H.G. Wells còn là nhà hoạt động cải cách xã hội. Năm 1903- 1908, ông tham gia làm hội viên Hội Fa Biên (Fabian Society). Hội này thành lập năm 1883-1884, chủ trương cải cách xã hội nước Anh. Ông cũng là bút giả của nhiều sách viết về hòa bình thế giới. Tác phẩm nổi tiếng và bán chạy nhất của ông là cuốn: “The Outline of History” (Lịch Sử Đại Cương), xuất bản năm 1920 và tái bàn năm 1939.

[21] THOMAS HUXLEY: Thomas Henry Huxley (1825- 1895), sinh tại Ealing, Midlesex (Anh quốc) là một khoa học gia, chuyên nghiên cứu, ủng hộ thuyết tiến hóa (theory of evolution) của C. R. Darwin (1809-1882), nhà thiên nhiên học (Naturalist) nước Anh. Thomas Huxley học y khoa, sau đó ông làm giáo sư dạy nhiều năm taị trường Government School of Mines ở Luân Đôn; trường Royal College of Surgeons (1863-1869) và Royal Institution (1863-1867). Năm 1876, ông được mời sang Hoa Kỳ thuyết giảng về thuyết tiến hóa và những đề tài sinh vật học khác.

Sau đây là một số tác phẩm khoa học của Huxley đã xuất bản: Huxley’s Scientific Memoirs (Kỷ Yếu Khoa Học) được tái bản in thành bốn tập vào năm 1898. Một số bài khảo cứu lý thuyết của ông được sưu tập và tái bản in thành chín cuốn vào năm 1893-1894. Ngoài ra, Huxley còn viết nhiều sách giáo khoa như: Lessons in Elementary Physiology (Sinh Lý Học Cơ Bản) và Physiography (Địa Văn Học) v.v…

[22] VIVEKANANDA (1863-1902): Vivekananda tên thật là Narendranath Datta, sinh ngày 12-11-1863 trong một gia đình trung lưu ở Calcutta, thủ đô tiểu bang Wesr Bengal, miền đông Ấn Độ. Tốt nghiệp cử nhân (B. A.) tại đại học Calcutta năm 1883, nhưng vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, ông không thể tiếp tục học vấn. Trước năm 1880, N. Datta đến học đạo lý và trở thành đệ tử chính yếu của Ramakrishna (1834-1886), một hiền triết Ấn Độ cận đại, thuộc phái Đạo Đức Học. Ngày 16-08-1886, khi Ramakrishna qua đời, N. Datta phát nguyện đi tu với pháp hiệu là Vivekananda để tiếp nối sự nghiệp của sư phụ mình. Sau đó cùng với các đệ tử khác của Ramakrishna, ông đứng ra lập một ngôi chùa Ấn Giáo tại Baranagar gần Calcutta.

Năm 1893, đại diện cho Ấn Ðộ Giáo, ông sang Hoa Kỳ dự hội nghị Tôn Giáo Thế Giới (The World Parliament of Religions) tổ chức tại Chicago. Năm 1897, ông thành lập Hội Truyền Giáo Ramakrishna tại Belur Math trên bờ sông Hằng (Ganga) gần Calcutta. Lối tổ chức dựa theo các Hội Thiên Chúa Giáo, và đến nay hội vẫn còn hoạt động , có nhiều chi nhánh khắp các nước Âu Mỹ, mục đích của hội nhằm quảng bá giáo thuyết của Ramakrishna tại Ấn Ðộ và các nơi trên thế giới; đồng thời vận động cuộc canh tân Ấn Ðộ, tổ chức cứu tế xã hội, giúp người nghèo khổ v.v.. Vivekananda tin tưởng rằng văn minh tân phương có thể giúp Ấn Ðộ canh tân, cải tiến đất nước; nhưng Âu Mỹ vẫn cần học hỏi rất nhiều nơi Ấn Ðộ về đời sống tâm linh, tinh thần đạo đức. Vivekananda mất ngày 04-07-1902 tại Belur gần Calcutta, hưởng thọ 39 tuổi, và để lại một số tác phẩm giá trị bằng tiếng Anh Ngữ: Jnaga-Yoga, Raja-Yoga và Bhakti-Yoga.Sigmund Freud (1856-1939), nhà phân tâm học nước Áo (Austria), và theo học với Freud trong vài năm. Năm 1933, Jung nhận làm giáo sư môn bệnh học tâm thần tại Ðại học Kỹ Thuật (University of Technology) ở Zurich. Ông viết nhiều sách, sau đây là những tác phẩm chính: The Theory of Psycho-Analysis (Lý Thuyết về sự Phân Tích Tâm Lý),  1915; Psychological Types (Những Loại Tâm Lý), 1921, v.v..

[23] KARL GUSTAR JUNG (1875-1961): Sinh tại Basel (Thụy Sĩ), học môn bệnh học tâm thần (psychiatry) tại đại học Basel, tốt nghiệp bác sĩ năm 1902. Năm 1907, ông gặp Sigmund Freud (1856-1939), nhà phân tâm học nước Áo (Austria), và theo học với Freud trong vài năm. Năm 1933, Jung nhận làm giáo sư môn bệnh học tâm thần tại Ðại học Kỹ Thuật (University of Technology) ở Zurich. Ông viết nhiều sách, sau đây là những tác phẩm chính: The Theory of Psycho-Analysis (Lý Thuyết về sự Phân Tích Tâm Lý),  1915; Psychological Types (Những Loại Tâm Lý), 1921, v.v..

Ven. Anoma Mahinda: The Blueprint of Happiness

Nguồn: https://hoangphap.org

 

Facebook Comments Box

Trả lời