451 lượt xem

Lễ Vu Lan và chữ Hiếu trong đạo Phật

Ban Truyền Bá Phật Pháp Âu Châu       Thầy Trừng Sỹ

LỄ VU LAN và CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT
14 câu hỏi và 14 câu trả rất sâu sắc

Thầy Trừng Sỹ trả lời tiếng Việt và được Thầy chuyển ngữ sang tiếng Anh qua đường dẫn dưới đây. Kính mời Đại Chúng đọc và xem cho vui.

Talk show, ngày 12/10/2023
Thượng Tọa Thích Trừng Sỹ
MC: PT.Thiện Thảo
Kỹ thuật viên: Nguyên Mãn 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ GIẢNG SƯ

Con Thiện Thảo cung kính đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni chứng minh,

Con cung kính đảnh lễ Thượng tọa Thích Trừng Sỹ, vị khách mời đặc biệt cho buổi Talkshow hôm nay, và con cũng xin kính chào quý Đạo hữu Phật tử.

Kính chúc quý vị sức khỏe, trí tuệ và an lạc.

Kính bạch Thượng Tọa, chúng con vô cùng tri ân Thầy đã nhận lời mời của ban tổ chức và cung đón Thầy. Lần đầu tiên, Thầy đến với buổi Pháp đàm của Ban Truyền Bá giáo lý Âu Châu.

Sau đây, chúng con xin có đôi lời giới thiệu Thượng Tọa đến với thính chúng.

Thượng Tọa đạo hiệu Thích Trừng Sỹ.

Thầy sinh năm 1968 tại Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam.

Năm 1985, thầy xuất gia tại Chùa Linh Nghĩa, và là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Viện Chủ khai sơn Chùa Linh Nghĩa, Diên Khánh, Khánh Hòa.

Năm 1988, Thầy thọ giới Sa di.

Năm 1993, Thầy Thọ giới lớn tại Giới Đàn Trí Thủ I tại Chùa Long Sơn, Nha Trang.

Năm 1994, Thầy tốt nghiệp Trung Cấp Phật học tại Nha Trang – khóa I, hạng nhì.

Năm 2001, Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Phật học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam – Sài Gòn – khóa IV, hạng ba.

Năm 2004, Thầy tốt nghiệp Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, Ấn Độ – hạng nhất.

Năm 2005, Thầy tốt nghiệp Phó Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng nhất.

Năm 2009, Thầy tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng ưu.

Từ năm 2010 đến năm 2012, Thầy đã sống và hoằng Pháp tại Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Nơi đây, Thầy được trường Đại học Seattle, và Hội Giáo Viên Phật tử mời thuyết trình những đề tài Phật giáo nhiều lần.

Từ năm 2012 đến 2014, Thầy làm Giáo thọ tại Chùa Linh Sơn Austin, Leander, Texas.

Cuối năm 2014, Thầy và quý Phật tử có đủ duyên lành mua được mảnh đất và nơi đó Thầy đã thành lập ngôi Chùa Pháp Nhãn ở vùng phụ cận Austin tiểu bang Texas.

Đầu năm 2015, Thầy chính thức trụ trì cho đến ngày hôm nay. Nơi đây Thầy đã hoằng dương Phật Pháp cho những người Phật tử và không phải Phật tử tại Hoa Kỳ.

Năm 2018, Thầy đã thi đậu quốc tịch và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Chúng con thành tâm cung kính giới thiệu đôi nét về Thượng tọa (chắp tay xá).

Kính bạch Thượng tọa, đọc qua tiểu sử của Thầy, chúng con vô cùng kính ngưỡng sự tu học của Thầy.

Trong chí nguyện hoằng Pháp, Thầy đã dành nhiều thời gian nỗ lực cho tự thân, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn hàng Phật tử chúng con tu tập Phật Pháp, đạt được an vui và hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.

Chúng con hôm nay nguyện lắng nghe những lời chỉ dạy của Thầy trong chủ đề “LỄ VU LAN và CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT” đưới đây để chúng con có niềm tin Tam Bảo sâu sắc và vững bước trên con đường tu tập để đem lợi lạc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Câu 1: Kính bạch Thầy, xin Thầy giảng cho chúng con biết thêm nguồn gốc của Lễ Vu Lan có từ lúc nào, và ý nghĩa 2 từ Vu Lan có nghĩa gì?

Phần I: Nguồn gốc của Lễ Vu Lan có từ lúc Đức Phật còn tại thế. Điều này mọi người đều đồng ý và chấp nhận.

Theo truyền thống, hầu hết mọi người đều chấp nhận nguồn gốc Vu Lan bắt nguồn từ thời Phật, đặc biệt là qua câu chuyện Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, vị đệ tử xuất gia thứ hai của Đức Phật, Người tu hành, chứng quả, và đạt được thần thông đệ nhất.

Nhưng theo cái nhìn của cá nhân của mình, nguồn gốc Vu Lan bắt nguồn từ Đức Phật. Khi Đức Phật chứng quả dưới cội cây Bồ-đề lúc 35 tuổi, Phụ Thân của Đức Phật, Vua Tịnh Phạn, cử những sứ giả quần thần từ người thứ nhất tới người thứ tám, đến thỉnh Đức Phật về thăm lại Phụ Vương, cùng quần thân quốc thích, và thăm thành phố Kapilavastu, nơi đức Phật sinh ra, lớn lên, và đi xuất gia.

Lần thứ nhất, sau khi 8 người hoàng gia được đức Vua cử đi thỉnh đức Phật, nhưng không có ai trở về hoàng cung để trình báo cho Vua Tịnh Phạn. Khi tới Bồ-đề Đạo-tràng, nơi Đức Phật thành đạo và giảng dạy chánh Pháp cho chúng đệ tử, tám vị xứ giả hoàng gia tới thấy Đức Phật và Tăng đoàn xin xuất gia, và làm đệ tử của Đức Phật. Vì đời sống xuất gia thảnh thơi, thong dong, và tự tại không vướng bận việc thế sự, nên các vị thích quá đi thôi và xin Phật cho phép họ sống và sinh hoạt với Tăng đoàn ở Bồ-đề Đạo-tràng. 

Lần thứ hai, vâng theo lời thỉnh mời của đức Vua Tịnh Phạn, người thứ chín tên là Ca-lưu-đà-di (Kālodāyin) đích thân đi tới Bồ-đề Đạo-tràng nơi Đức Phật thành đạo thành công thỉnh được Đức Phật về thăm hoàng cung Kapilavastu và Phụ Vương Tịnh Phạn.

Như vậy, năm 29 tuổi, khi Bồ-tát Tất-đạt-đa từ giả hoàng cung để đi xuất gia, và thành đạo dưới cội cây Bồ-đề lúc 35 tuổi khoảng sáu năm xa cách hoàng cung và Phụ Vương.

Chúng ta biết lúc đó Vua Tịnh-phạn khoảng 78 tuổi bởi vì Vua và Hoàng Hậu Ma-da khoảng 43 tuổi, họ mới có con đầu lòng. Ở tuổi 35 Đức Phật thành đạo cộng với lúc 43 tuổi đức Vua mới có con đầu lòng. Lúc này, đức Vua khoảng 78 tuổi.

Như vậy, vào năm 29 tuổi, khi Bồ-tát Tất–đạt-đa từ bỏ hoàng cùng xuất gia và giác ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-dề vào năm 35 tuổi, thời gian cách xa vua cha và hoàng cung khoảng sáu năm tròn.

Lần đầu tiên, Đức Phật và Tăng Đoàn về thăm hoàng cung và Vua Tịnh-phạn lúc Vua khoảng 78 tuổi. Lần thứ hai, khoảng 5 năm sau, khi nghe tin đức Vua Tịnh-phạn lâm trọng bệnh, Đức Phật và Tăng Đoàn về thăm Vua, sau đó Đức Phật nói bài Pháp Vô Ngã Tướng và mời Đức Vua lập lại với Đức Phật như sau:

Tôi thế nào cũng phải già nua. Tôi không thể nào tránh khỏi sự già nua này.
Tôi thế nào cũng phải bệnh. Tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh này.
Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết này.

Tất cả những gì do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của tôi tạo tác và gây ra, tôi không thể nào xa lìa và buông bỏ chúng, dù đó là nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện. Ý thức rằng nghiệp thiện tôi tiếp tục duy trì và phát triển, nghiệp bất thiện tôi cố gắng nhận diện và chuyển hóa.

Tất cả những người thân, người thương, và những gì tôi trân quý hôm nay, một mai này, tôi chắc chắn phải xa lìa và buông bỏ chúng. Tôi là kẻ thừa tự của nghiệp quả, những cái duy nhất mà tôi có thể mang theo với tôi sau này.

Khi lặp lại xong những lời Đức Phật dạy, Đức Vua Tịnh-Phạn chứng quả thánh thứ ba A-na-hàm và sau đó băng hà. Trong khi khiêng quan tài của Đức Vua Tịnh-phạn, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni là người đích thân đi trước khiêng quan tài Đức Vua Tịnh-phạn. Điểm này nhắc cho chúng ta biết rằng “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Như vậy cội nguồn hiếu hạnh bắt nguồn từ chính Đức Phật. Hơn nữa, điểm này nhấn mạnh dù chúng ta có chứng quả vị giác ngộ như Đức Phật, dù chúng ta có làm ông Tổng Thống, Thủ Tướng, hay Chủ Tịch, nhưng khi Ba và Mẹ là những người sinh ta ra, nuôi lớn ta, và dạy dỗ ta trở thành những người tài đức và mẫu mực, thì khi Cha Mẹ ốm đau và tuổi già mình phải dành thời gian thích hợp nhất của mình để mình thăm viếng, động viên, và thăm hỏi. Khi làm được như vậy tốt đẹp thì mình là người con hiếu thảo với Cha Mẹ.

Trừ trường hợp ngoại lệ, trong khi bạn đang nộp làm thẻ xanh ở Hoa Kỳ, bạn chưa hợp pháp về thăm viếng khi Cha Mẹ của bạn bị bệnh nặng hay qua đời. Lúc đó, bạn có thể nhờ những người thân và người thương khác ở Việt Nam thăm viếng và chăm lo Cha Mẹ bạn. Khi có thẻ xanh rồi, bạn có thể đích thân về thăm và chăm lo Cha Mẹ sau khi Cha Mẹ bạn đã qua đời.

Phần II: Từ Vu Lan, phiên âm từ chữ Vu-lan-bồn, Ullambana, dịch nghĩa từ cụm từ tri ơn, nhớ ơn, đền ơn, tạ ơn, báo ơn, báo hiếu, v.v… Trong từ Ullambana có ud-√lamb nghĩa đen có nghĩa là treo ngược, đi ngược lại quy luật đạo đức gia đình, bất hiếu với Cha Mẹ, nghĩa bóng của từ này có nghĩa là giáo dục những ai bất hiếu với Cha Mẹ trở thành những người con hiếu thảo, biết tri ơn, và nhớ ơn trong đạo Phật.

Theo Phật giáo Bắc truyền, trong lãnh vực văn hóa, Vu Lan thường gắn liền với các lễ hội khác trong đạo Phật, như là ngày Phật hoan hỷ, ngày Tết của chư Tăng, ngày chư Tăng mãn hạ, ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Tăng thêm một tuổi đạo, ngày Tết của chư Tăng, ngày quý Phật tử có duyên lành dâng tứ sự cúng dường Tam Bảo, ngày Cúng Rằm tháng Bảy, ngày cầu nguyện quốc thái dân an, ngày tưởng nhớ những người đã khuất, v.v…

Trong lãnh vực gia đình, Đại Lễ Vu Lan có nghĩa tri ơn và báo ơn cha mẹ là hai vị Phật sống trong gia đình có khả năng sinh thành và dưỡng dục con cái nên người tài đức.

Con cái là những người biết tri ơn và nhớ ơn sự sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, và ngược lại, cha mẹ là những người biết tri ơn con cái, những người có khả năng nối dõi tông đường và tiếp nối sự sống của dòng họ và Ông Bà Tổ Tiên.

Trong lãnh vực học đường, đặc biệt trong giáo dục Phật học, Đại Lễ Vu Lan có ý nghĩa giáo dục và hướng dẫn chúng ta trở thành những người có đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến.

Thầy Cô giáo là những người gương mẫu truyền trao cho chúng ta những kiến thức Phật học và thế học. Chúng ta là những học sinh, sinh viên, những người kế thừa và tiếp nối học, thực hành, sáng tạo, và ứng dụng những kiến thức mà mình đã học vào trong đời sống hằng ngày để giúp mình và giúp người ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Thế hệ đi trước, thầy Cô giáo là những người truyền trao, thế hệ đi sau, chúng ta là những người kế thừa. Sự truyền trao và kế thừa giữa những thế hệ trước và thế hệ sau luôn tiếp nối với nhau không bao giờ gián đoạn.

Trong lãnh vực xã hội, Đại Lễ Vu Lan có ý nghĩa là tri ơn sự bố thí và cúng dường của những người đàn việt, tri ơn những người hộ trì Tam Bảo, tri ơn những người thí chủ phát tâm cúng dường thức ăn, thức uống, và thuốc men cho ta.

Ở khía cạnh rộng lớn hơn, Đại Lễ Vu Lan có ý nghĩa là tri ơn và nhớ ơn các quốc gia nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, sinh sống, và làm việc, tri ơn và nhớ ơn các anh hùng dân tộc, những người có khả năng lập quốc, dựng nước, giữ nước, duy trì, và phát triển từ nghìn xưa cho tới ngày hôm nay.

Câu 2: Xin Thầy cho chúng con hiểu thêm, lý do lễ Vu Lan thường tổ chức vào Rằm tháng 7 mà không phải là những tháng khác?

Như trên đã đề cập, theo đạo Phật, Vu Lan thường gắn liền Ngày Phật hoan hỷ, Ngày Chư Tăng mãn hạ, Ngày chư Tăng tự tứ, Ngày chư Tăng thêm một tuổi đạo, Ngày quý Phật tử có duyên lành dâng tứ sự cúng dường Tam Bảo, Ngày Cúng Rằm tháng Bảy, Ngày cầu nguyện quốc thái dân an, Ngày tưởng nhớ những những người đã khuất, v.v và v.v…

Tuy nhiên, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tuần, và mỗi tháng, chúng ta làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện đem lại lợi ích cho mình và cho người thì đó là ngày Vu Lan rồi.

Theo quy ước của người xưa, Vu Lan Báo Hiếu thường tổ chức vào Ngày Rằm tháng bảy Âm Lịch. Nhưng ngày nay, Vu Lan thường tổ chức kéo dài cả tháng hay hơn cả tháng, người ta thường gọi là mùa đại Lễ Vu Lan.  

Như vậy, Vu Lan mang ý nghĩa rộng hơn, với những tâm niệm lành, ý nghĩ lành, lời nói lành, và hành động lành mang ý nghĩa tri ơn và nhớ ơn trong đời sống hằng ngày thì đó chính là ngày đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu trong đạo Phật.

Câu 3: Thưa Thầy, thường vào mùa Vu Lan cũng có lễ xá tội vong nhân, có cúng cô hồn. Xin Thầy giải nghi cho chúng con, là các lễ này có liên quan đến lễ Vu Lan không, để chúng con hiểu chính xác hơn?

Nhìn ở các khía cạnh văn hóa tâm linh, mùa Lễ Vu Lan trong đạo Phật thường đề cập tới vấn đề tri ơn và báo ơn không những cho những người sống, mà còn cho những người đã khuất bởi vì giữa chư vị có các mối tương quan và tương duyên với nhau rất thâm tình. Những di sản văn hóa tâm linh và văn hóa vật chất mà những thế hệ trước đã để lại cho những thế hệ sau kế thừa, thì chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, duy trì, và phát triển. Mục đích cúng kính và cầu nguyện cho những người đã khuất mang ý nghĩa tưởng nhớ và nhắc nhở những gì tốt đẹp của thế hệ đi trước đã để lại, chúng ta là những người thế hệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy những thứ mà người đi trước đã để lại tốt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, và bền chắc hơn nữa. Hiểu và làm được như vậy thì việc cúng kính và cầu nguyện giữa những người sống và những người đã chết sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực hơn.

Mặt khác, nhìn về khía cạnh tôn giáo, khi tới mùa đại lễ Vu Lan, những ai xem cúng tế những âm hồn và cô hồn là việc làm chính của họ, thì người đời sẽ cho rằng việc cúng kính của họ được xem là một cái nghề. Đôi lúc, đạo Phật sẽ bị hiểu nhầm là đạo thờ cúng ma quỷ.

Đạo Phật luôn nhấn mạnh tới những người xuất gia, tu học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để nhận diện và chuyển hóa những tâm tham, sân, si thành bớt tham, bớt sân, và bớt si.

Tóm lại, việc cúng kính trong đạo Phật mang ý nghĩa chính của nó là tri ơn và nhớ ơn giữa những người còn sống đối với những người đã mất, mang hướng tích cực, không mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ mang ý nghĩa thứ yếu mà thôi. Do vậy, đạo Phật luôn đề cao và chú trọng con người học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hộ Pháp, và hoằng dương chánh Pháp để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.

Câu 4: Bạch Thầy, khi tham dự những Lễ Vu Lan tại các chùa Việt Nam, con thấy có mục bông hồng cài áo, có khai đàn chiêu mộ cô hồn, lễ cầu siêu hương linh quá vãng, khất thực  v.v… Theo Thầy, những nét nào là nét thuần túy lễ Vu Lan, và những nét nào được hòa với văn hóa Việt Nam?

Trong mùa đại lễ Vu Lan, khoảng đầu thập niên 1960, lễ Bông hồng cài áo do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng được duy trì và phát triển rộng cho tới ngày nay.

Bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn đủ cha mẹ. Bông hồng màu trắng tượng trưng cho những ai mất cả cha và mẹ. Bông hồng màu hồng tượng trưng cho những ai mất cha, hay mất mẹ. Bông hồng màu vàng tượng trưng cho sự thanh tịnh, thanh thản, thanh cao, tự do, và thánh thoát của người xuất gia.

Nét đẹp thuần túy của mùa đại lễ Vu Lan người ta thường nhắc tới văn hóa cúng kính và cầu nguyện giữa người còn và người mất trong tinh thần tri ơn và nhớ ơn.

Trong mùa Vu Lan, đối với những người xuất gia, còn có thêm nét đẹp truyền thống khất thực rất đẹp tái tạo những hình ảnh của Đức Phật và Tăng Đoàn khất thực trong tư thế thong dong và tự tại và tạo các duyên lành để cho quý Phật tử tại gia trực tiếp gieo phước cúng dường.

Bên cạnh những ý nghĩa trên, nét đẹp thuần túy của mùa đại lễ Vu Lan, người ta luôn nhắc đến tinh thần tri ơn và nhớ ơn biểu hiện qua câu tục ngữ Việt Nam, “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây.” Chúng ta đều biết đạo Phật có mặt ở Việt Nam hơn hằng nghìn năm. Mỗi khi mùa đại lễ Vu Lan về, những người con Phật thường nhớ ơn ánh sáng tuệ giác của Tam Bảo; nhớ ơn những thầy cô giáo thế học và đạo học đã cho chúng ta những đời sống đạo đức, thiền định, và trí tuệ; nhớ ơn sự sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ; nhớ ơn những đóng góp và cúng dường của đàn việt; nhớ ơn các quốc gia nơi chúng ta sinh ta lớn lên, sinh sống, và làm việc; nhớ ơn các anh hùng dân tộc, những người có công lập quốc, dựng nước, và giữ nước từ nghìn xưa cho tới ngày nay; và nhớ ơn tất cả đồng loại chúng sinh muôn loài trên khắp hành tinh này.

Câu 5: Bạch Thầy, con có thắc mắc là tại các nước khác, nơi Phật giáo lưu truyền, họ có tổ chức Lễ Vu Lan như Việt Nam mình không? Nếu có, họ tổ chức theo hình thức nào? Xin Thầy chia sẻ.

Họ có tổ chức lễ Vu Lan, nhưng mang tên khác. Ví dụ như ở Nhật Bản, lễ hội Obon được tổ chức khoảng 3 ngày bắt đầu từ ngày 15 tháng 8 dương lịch, tương đương với tháng 7 âm lịch. Có múa nhân gian, có thả đèn trên sông, v.v… Họ thường viết những lời ước nguyện treo trên cây trúc để ước muốn của họ trở thành hiện thực trong năm. Có những bữa ăn đoàn tụ ấm áp bên người thân gia đình.

Ở Thái, Cam-bốt, Lào, Tích Lan, v.v.. cũng có tổ chức lễ hội này nhưng tất cả đều nhấn mạnh về ý nghĩa tri ơn và nhớ ơn.

Câu 6: Thưa Thầy, trong mùa Vu Lan nhiều người phóng sanh để hồi hướng phước đức cho cha mẹ, do đó vào ngày này, thú vật bị bắt để bán rất nhiều, nhiều con bị tử thương. Theo thầy, việc phóng sanh dồn vào ngày Vu Lan có nhất thiết không? Xin Thầy chia sẻ cái nhìn của Thầy.

Chúng ta biết việc phóng sinh không nhất thiết đợi tới mùa đại lễ Vu Lan mới làm. Ngày nào mình khởi tâm từ bi mình làm, thì ngày đó mình đều phóng sinh được.

Phóng sinh có hai loại: Phóng sinh thông minh và phóng sinh không thông minh. Phóng sinh thông minh là phóng sinh không tạo nghiệp. Phóng sinh không thông minh là phóng sinh tạo nghiệp hoặc là gián tiếp hoặc là trực tiếp.

Ví dụ, phóng sinh thông minh có nghĩa là khi mình đi đâu dó thấy con vật bị bắt, mình khởi tâm từ mua con vật đó và chú nguyện rằng súc sinh quy y Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, sau đó mình thả nó ra, thì nó sẽ có đời sống thênh thang và lâu hơn.

Phóng sinh không thông minh là phóng sinh tạo nghiệp, phóng sinh đặt hàng, mình phải bảo người ta bắt 1000 con rùa, 1000 con chim, 1000 con cá, v.v… Mình vừa tạo nghiệp gián tiếp và bảo người khác tạo nghiệp trực tiếp. Trong điều đạo đức thứ nhất, Đức Phật dạy mọi người, hoặc tự giết mình, hoặc bảo người khác giết chúng sinh, hoặc thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo. Tất cả đều mang nghiệp sát sinh. Ý thức rõ việc đó, là người thông minh, chúng ta khởi tâm từ bi phóng sinh mà không cần đặt hàng trước.

Chúng ta biết rằng người dân Ấn Độ hầu hết là họ ăn chay khoảng 80 phần trăm. Ở Bồ-đề Đạo-tràng, khi người Việt hành hương Phật tích tới đây, họ suy nghĩ phóng sinh ở cái hồ vào tuần lễ thứ sáu của Đức Phật là linh thiêng. Trong hồ nước này có rất nhiều cá lớn. Người Việt hành hương muốn có nhiều con cá con để phóng sinh dưới hồ nước này. Sau khi phái đoàn làm lễ chú nguyện xong, thả cá con xuống hồ, thì lập tức cá lớn ăn hết cá nhỏ. Đây là loại phóng sinh không thông minh, tức là phóng sinh tạo nghiệp. Mình tạo nghiệp gián tiếp và bảo người khác tạo nghiệp trực tiếp đi bắt cá cho mình. Khi mình thả cá nhỏ xuống hồ, cá lớn ăn hết cá nhỏ. Nghiệp này tiếp nối nghiệp khác. Phóng sinh kiểu này mình giúp người địa phương tạo nghiệp sát sinh không tốt.

Đức Phật dạy, phóng sinh thông minh và phóng sinh không có tạo nghiệp sát, thì tốt nhất là mình phát nguyện ăn chay có phương pháp, để duy trì và phát triển sức khỏe tốt cho thân tâm, dành số tiền thích thích hợp để phóng sinh làm từ thiện, giúp những sinh viên nghèo học giỏi, xây nhà tình thương, v.vv… Đây là những việc làm mang ý nghĩa hoàn hảo và tốt nhất.

Câu 7: Bạch Thầy, ngoài câu chuyện hiếu đạo của ngài Mục Kiền Liên, trong đạo Phật có những kinh nào dạy về hiếu đạo, xin Thầy giới thiệu cho chúng con?

Trong đạo Phật, những gì Đức Phật dạy được kết thành Tam Tạng thánh điển, gồm có Kinh, Luật, và Luận đề cập về lòng hiếu thảo rất nhiều. Ở trong phần trả lời về câu hỏi này, người viết muốn trích dẫn một số Kinh tiêu biểu cho quý vị biết dưới đây như sau:

Kinh Nhẫn Nhục ghi:

“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu

Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.”

Kinh Tâm Địa Quán ghi:

“Cha mẹ sống ở đời như Phật còn tại thế. Sinh ra đời không gặp Phật, chúng ta khéo phụng dưỡng cha mẹ chính là chúng ta thờ Phật vậy.”

Kinh Phạm Võng ghi:

“Tất cả người nam là cha ta. Tất cả người nữ là mẹ ta.

Trải qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi, ta từ đó mà sinh ra.

Chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của ta.”

Kinh Pháp Cú Kệ số 332 và 194 ghi:

Vui thay hiếu kính Mẹ Cha

Vui thay đảnh lễ Phật đà Thế Tôn

Vui thay quý kính Sa Môn

Vui thay quý kính Tăng Đoàn cùng tu.

Kinh Phước Đức Maha Mangala Sutta ghi:

Biết phụng dưỡng mẹ cha

Yêu thương gia đình mình

Biết làm nghề thích hợp

Là hạnh phúc lớn nhất.

Câu 8: Thưa Thầy, xin Thầy giảng lại cho chúng con cách sống theo hiếu đạo được trích từ một trong những Kinh Đức Phật dạy, để chúng con có thể nắm bắt được và thực hành lòng hiếu đạo trong đạo Phật cho tốt đẹp.

Kinh Tăng Nhất A Hàm ghi:

“Này các đệ tử, có hai hạng người mà chúng ta không thể đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng cha mẹ đủ các món đồ ăn, thức uống, đồ mặc, chăn nệm, và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, chúng ta cũng chưa thể nào trả được ân sâu của cha mẹ.”

Là những người con hiếu thảo, nếu muốn đền đáp công ơn cha mẹ cho thiết thực, chúng ta phải cố gắng tạo duyên lành và hướng dẫn cho cha mẹ sống đúng với chánh Pháp bằng cách thực hành những lời Phật dạy sau đây.

Nếu cha mẹ chưa có niềm tin Tam Bảo, mình khuyết khích cha mẹ có niềm tin Tam Bảo.

Nếu cha mẹ xan tham và bỏn xẻn, mình khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

Nếu cha mẹ làm điều ác, mình khuyến khích cha mẹ bỏ ác và hướng về điều thiện.

Nếu cha mẹ có tà kiến, mình khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Nếu cha mẹ chưa có quy y Tam Bảo, mình khuyến khích cha mẹ quy y Tam Bảo.

Nếu cha mẹ chưa có đủ duyên học và thực hành năm điều đạo đức, mình tạo cho cha mẹ có đủ duyên học, hiểu, và thực hành năm điều đạo đức để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.

Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì mình đã góp phần giúp cho cha mẹ đi theo con đường chánh pháp. Hiện tại cha mẹ sống an lạc, và trong tương lai, khi qua đời, cha mẹ sẽ sinh về thế giới an lành.

Câu 9: Bạch Thầy, chữ hiếu ở trong đạo Khổng, Nho, đạo ông bà, hoặc theo văn hóa dân tộc đều có cái nhìn riêng biệt. Theo Thầy chữ hiếu trong đạo Phật và các đạo khác, có những điểm chung và khác biệt nào? Con ví dụ, có người cho rằng, đi tu bỏ cha mẹ ở nhà là bất hiếu ngược lại cái nhìn của đạo Phật. Xin Thầy chia sẻ.

Chúng ta biết rằng chữ hiếu trong Nho giáo và Phật giáo có vài nét giống nhau và khác nhau rất cụ thể. Trước tiên, chữ hiếu trong Nho giáo có vài nét tương đồng với chữ hiếu trong Phật giáo. Chữ hiếu trong Nho giáo ghi rằng:

Hiếu có ba điều: 1. Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, 2. Thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, 3. Sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ. (Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng)

“1. Quý trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra; 2. Tạo dựng danh thơm tiếng tốt ở đời để tôn kính cha mẹ; 3. Đối với cha mẹ, con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống và lo hậu sự tang lễ khi cha mẹ qua đời.[1] Mạnh Tử nói: “Không trọn đạo hiếu với cha mẹ không đáng làm người.” Tăng Tử nói: “Hiếu là đứng đầu trăm nết. Hiếu cảm đến trời thì gió hòa mưa thuận. Hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi. Hiếu cảm đến người thì phúc lộc thịnh vượng.[2]

Về khía cạnh tích cực, chữ hiếu trong Nho giáo khuyến khích con cái phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ trong đời sống hằng ngày.

Tương tự với ý nghĩa trên, chữ hiếu trong đạo Phật mang ý nghĩa rất đặc biệt và thù thắng. Trong Tương Ưng, tập I, Đức Phật dạy, “này các đệ tử, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các con đã uống, trong khi các con lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển.”

Trong thực tế, sữa mẹ không nhiều hơn nước biển. Ý nghĩa này Đức Phật nhấn mạnh rằng công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ chúng ta không thể đền đáp, không thể dùng ngôn từ mà diễn tả hết được. Cha mẹ là những người chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, không mong cầu con cái đền đáp, chỉ muốn con cái nên người tài đức trong gia đình, học đường, và trong xã hội mà thôi.

Tuy nhiên, những người con trong gia đình hiếu thảo với cha mẹ, thì Kinh Tăng nhất A hàm ghi rõ như sau: “Này các  đệ tử, nếu người nào biết ơn và đền ơn cha mẹ, cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng Ta vẫn xem người đó như đứng gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn cha mẹ, cho dù người đó có đứng gần bên Ta, nhưng Ta vẫn xem họ cách xa Ta ngàn dặm.”

Hơn nữa,  những ai có hạnh tri ơn và báo ơn cha mẹ đúng với chánh Pháp thì họ được xem là những người cao quý nhất ở đời. Kinh Tăng Chi I, số 306 ghi rằng: “Sự xuất hiện của Như Lai, bậc chánh đẳng chánh giác là Người khó tìm ở đời. Người hoằng dương chánh Pháp của Như Lai là người khó tìm ở đời. Người tri ân và báo ân cha mẹ là người khó tìm ở đời. Những gia đình nào có những người con hiếu thảo thì những gia đình đó xứng đáng được tán thán và cúng dường.”

Kinh Tăng Chi I, số 147 ghi như sau: “Này các đệ tử, những gia đình nào có con cái kính lễ cha mẹ, thì những gia đình ấy được quý kính, được xem ngang hàng với Phạm thiên, với các bậc đạo Sư, đáng được tán thán và cúng dường.”

Thực vậy, lòng hiếu thảo của những người con cái đối với cha mẹ không những thực hành đúng với chánh Pháp, mà còn đúng với luật pháp ở đời, thì được Đức Phật và mọi người tán thán qua bài Kinh Tương Ưng I. 225 ghi như sau:

“Người nào theo thường pháp

Nuôi dưỡng mẹ và cha

Chính do công hạnh này

Ðối với cha và mẹ

Nhờ vậy bậc hiền thánh

Trong đời này tán thán

Sau khi chết được sanh

Hưởng an lạc chư thiên.”

Qua những gì đề cập trên đây, chúng ta biết cả Nho giáo và Phật giáo đều có những điểm tương đồng và giống nhau về chữ hiếu. Con cái phải có lòng hiếu thảo, đạo đức, lễ phép, cung kính, phụng dưỡng, và chăm sóc mẹ cha, đặc biệt là, khi con cái trưởng thành phải sống có ý nghĩa để đem lại danh thơm và tiếng tốt cho gia đình, dòng họ, và cho xã hội. 

Tuy nhiên, về khía cạnh khác nhau, chữ hiếu trong Nho giáo cho rằng: “Thân thể bao gồm mắt, tai, mũi, miệng, tóc, móng, v.v… là do cha mẹ sanh ra, nên không để thân thể bị hư hại. Những ai cạo bỏ râu tóc, sửa đổi thân thể,  phẩu thuật, và chuyển giới thì họ bị xem là những người bất hiếu. Theo quan điểm Nho giáo, chữ hiếu đề cập như vậy thì không phù với xã hội ngày nay.

Hơn nữa, chữ hiếu trong Nho giáo, ngày nay không được xã hội tán đồng qua câu nói: “… Cha bảo con chết, thì con phải chết, nếu con không chết theo lời cha bảo, thì người con đó bất hiếu với cha.” (… Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu) Cha bảo con làm, nhưng nếu con không làm theo những gì cha dạy thì đó là người con bất hiếu.

Trong xã hội thực tế ngày nay, có những người cha bất chính bảo người con làm những việc như sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh và ngoại tình, xâm phạm tình dục của trẻ em, nói dối, uống các chất say, sử dụng xì ke ma túy, nhưng người con có ý thức không làm các việc sai trái trên. Nếu người con làm một trong các việc trên, thì người con sẽ mang lại khổ đau cho mình và cho người thân của mình. Do đó, người con quyết tâm không làm.

Những lời người cha dạy con cái như vậy hoàn toàn không đúng và không phù hợp với xã hội ngày nay. Đó là sản phẩm tư duy của xã hội phong kiến ngày xưa theo kiểu cha đặt đâu con ngồi đó. Ngày nay, với cái nhìn chánh kiến và chánh tư duy, người con không còn làm và nghe theo những gì sai trái của người cha nữa, mà chỉ làm những gì đem đến lợi ích cho tự thân và cho tha nhân thì người con quyết tâm làm.

Theo quan điểm chữ hiếu trong đạo Phật, những người con nào không làm theo những gì người cha dạy trái với luân lý, đạo đức, và luật pháp xã hội, thì đó là người con hiếu thảo và tốt với gia đình, học đường, và xã hội. Người con này đáng được trân quý và tán dương. Như vậy, xã hội phong kiến và độc quyền, theo quan điểm chữ hiếu ngày xưa như vậy, hoàn toàn không phù hợp với con người trong xã hội ngày nay.

Mặt khác, chữ hiếu trong Nho giáo nhấn mạnh rằng, những ai cạo bỏ râu tóc là bất hiếu, những ai không lập gia đình để nối dõi Tông đường là bất hiết, hoặc những ai lập gia đình chỉ có con gái, mà không có con trai đều gọi là bất hiếu. Như vậy, chữ hiếu trong Nho giáo cho rằng là người nam không được cạo bỏ tóc râu, phải có vợ, và phải có con trai. Chúng ta biết trong xã hội ngày nay, việc cạo bỏ râu tóc của những người nam là chuyện bình thường.

Người nam không lập gia đình, họ sống độc thân là việc bình thường. Khi lập gia đình, họ có thể có con gái hay con trai đều được. Họ không quan trọng con trai hơn con gái, và ngược lại. Tất cả con trai hay con gái đều là con của họ. Như vậy, quan niệm chữ hiếu trong Nho giáo ngày xưa không còn chỗ đứng trong xã hội ngày nay.

Đối với chữ hiếu trong đạo Phật, việc cạo bỏ râu tóc của người tu là hoàn toàn không bất hiếu. Việc cạo bỏ râu tóc trong Phật giáo là cách trang điểm tốt nhất giúp cho người tu đẹp hơn và có hảo tướng hơn qua việc thực tập uy nghi và tế hạnh, như đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, tĩnh giác, và trong thiền tập.

Chúng ta biết rằng trong Phật giáo, người xuất sĩ phải cạo bỏ râu, tóc vì râu và tóc tượng trưng cho phiền não. Cạo bỏ râu tóc có nghĩa là cạo bỏ phiền não trên thân. Tu học, thực hành, và áp dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày có nghĩa là cạo bỏ phiền não trong tâm để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. Do đó, hình tướng của người tu phải hoàn toàn khác biệt với hình tướng của người thế tục. Mặc áo người tu mà không cạo bỏ râu tóc thì không phải là người xuất gia chân chính. Khi bỏ đời sống thế tục, mặc áo tu, người tu phải cạo bỏ râu tóc. Khi có đủ duyên lành xuất gia, người tu có chí nguyện cao cả tu học và độ đời để giúp đời thêm vui, bớt khổ.

Mỗi giờ, mỗi ngày, và mỗi tuần, người tu hãy tự mình sờ trên đầu và nhắc nhở mình ý thức nhận diện và chuyển hóa phiền não tham, sân, si để hướng thượng và hướng thiện; trên thì cầu xin học hỏi, áp dụng, và thực tập chánh Pháp của Đức Thế Tôn, dưới thì đem sự tu tập tốt đẹp của mình để giáo hóa cho tha nhân. Đây là việc làm hiếu thảo của người tu trong đạo Phật đối với cha mẹ và ông bà tổ tiên qua khía cạnh đạo đức, giáo dục, và tâm linh cao thượng.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người từ bỏ hoàng cung xuất gia, tu hành, và giác ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-đề, lần thứ hai, về thăm lại Ca-tỳ-la-vệ, thuyết Pháp cho phụ vương Tịnh Phạn khi vua đang nằm trên giường bệnh. Trong lần khác, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi nói Pháp cho thánh Mẫu Maya.

Trong bản sớ giải Kinh Vu Lan Bồn, phần đầu của bản sớ giải này ghi rằng: “Bồ-tát Tất-đạt-đa, Người đã từ bỏ ngôi vua, xuất gia làm ẩn sĩ không nhà, thành tựu đạo quả viên mãn, hiệu là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, quyết tâm cứu độ song thân và muôn loài.”

Qua hình ảnh gương mẫu của Đức Phật, là những người xuất gia, chúng ta quyết tâm tu học Phật Pháp cho tinh chuyên để hồi hướng phước báo cho cha mẹ, khuyên cha mẹ tin sâu nhân quả, tin sâu vào Tam Bảo, khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành. Đây là cách báo hiếu tốt nhất cho người xuất gia tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ không chỉ trong một đời, mà còn trong nhiều đời khác.

Mặc khác, chữ hiếu theo quan điểm khác nhau trong tang lễ Nho giáo được diễn ra như sau: 1. Xem ngày giờ tốt cho người đã chết. 2. Giết hại súc vật cúng tế cho người đã chết, sau đó đãi tiệc cho những người tham dự tang lễ. 3. Khóc lóc thật nhiều trong lúc tang lễ diễn ra. 4. Đốt giấy vàng mã cho người đã khuất.

Ngược lại, chữ hiếu trong tang lễ Phật giáo không đồng các quan điểm nêu trên. Đạo Phật không chấp nhận ngày giờ tốt, xấu. Đức Phật dạy rằng ngày giờ tốt hay xấu là tùy theo vào nghiệp thiện và bất thiện của mình tạo tác và gây ra.

Ví dụ, hôm nay là ngày tốt, nhưng nếu mình làm những việc bất thiện như sát sinh, lấy của không cho, thì hôm nay ngày tốt trở thành ngày xấu. Ngược lại, hôm nay là ngày xấu, nhưng nếu mình làm những việc thiện, như giúp người neo đơn và cúng dường Tam Bảo, thì hôm nay ngày xấu sẽ trở thành ngày tốt.

Trong đạo Phật, khi một người trong gia đình đã chết, những người thân trong gia đình đó phát nguyện ăn chay và cúng chay cho người đã mất. Họ không có khóc. Ngược lại, họ dành thời gian tụng Kinh, ngồi thiền, và niệm Phật để gởi năng lượng lành tới người đã mất. Để bảo vệ môi trường an toàn và xanh tốt, họ ý thức không nên đốt giấy vàng mã, họ dành tiền giúp và hỗ trợ cho các sinh viên nghèo hiếu học, v.v…

Trong đạo Phật, chữ hiếu được biểu hiện cụ thể qua hai khía cạnh vật chất và tinh thần. Về khía cạnh vật chất, khi cha mẹ già yếu, con cái có trách nhiệm chăm lo cha mẹ chu toàn và tốt đẹp.

Kinh Tăng chi, chương Bốn Pháp, Phẩm Nghiệp Công Đức ghi rằng: “Cha mẹ được ví như là Phạm thiên, bậc đạo Sư, và chư thiên. Do đó, những người con hiếu thảo phải kính trọng cha mẹ bằng cách dâng đồ ăn, thức uống, đồ mặc, giường nằm, tắm rửa, và xoa bóp thân thể, tay chân cho cha mẹ. Về khía cạnh tinh thần, con cái biết cách hướng dẫn cha mẹ buông bỏ tà pháp, hướng tới chánh Pháp.

Sám Pháp Mục-liên, số 142 ghi rõ rằng: “Nếu cha mẹ ương ngạnh, si mê tà kiến, không tin Tam Bảo, hung hăng bạo ngược, tàn ác bất nhân, gây nhiều nghiệp dữ, thì người con hiếu thảo phải biết cách khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, phát khởi thiện tâm, quay về chánh đạo, gần gũi bạn lành, mở lòng Bồ-đề, tu thiền, niệm Phật, làm cho cha mẹ thường được an ổn.”

Trong Kinh Tăng Chi Bộ I, số 75, Đức Phật dạy con cái có bổn phận và trách nhiệm khéo hướng dẫn cha mẹ vào chánh Pháp như sau:

Này các đệ tử, cha mẹ chưa có lòng tin Tam Bảo, thì con cái khuyến khích cha mẹ có lòng tin Tam Bảo. Cha mẹ chưa có hiểu nhân quả, thì con cái khuyến khích cha mẹ tin sâu nhân quả. Cha mẹ có tà giới, thì con cái khuyến khích cha mẹ có chánh giới. Cha mẹ có tâm tham, thì con cái khuyến khích cha mẹ khởi tâm bố thí. Cha mẹ có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, v.v…, thì con cái khuyến khích cha mẹ có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, v.v…

Khi hiểu và thực hành tốt đẹp được như vậy, thì con có khả năng tri ơn và báo ơn cho cha mẹ sâu sắc.

Mặt khác, về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần bao gồm các mối quan hệ trách nhiệm và bổn phận giữa con cái và cha mẹ trong gia đình đạo đức và giáo dục, trong Trường Bộ số 31, Kinh Giáo-thọ Ca-thi-la-việt (Sigalovāda Sutta) hay Kinh Thiện Sinh, Đức Phật dạy hạnh hiếu thảo cho mọi người rõ như sau:

Con Cái đối với Cha Mẹ có 5 bổn phận.

Một là, Cung phụng các nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết cho cha mẹ.

Hai là, Giúp làm các việc khó nhọc cho cha mẹ.

Ba là, Gảo vệ danh giá dòng họ và truyền thống gia đình.

Bốn là, Bảo vệ tài sản thừa tự.

Năm là, Có trách nhiệm lo tang lễ đúng pháp khi cha mẹ qua đời. 

Cha Mẹ đối với con cái cũng có 5 bổn phận:

Một là, Dạy con làm lành lánh ác.

Hai là, Khuyên con thân cận với thầy lành, bạn tốt, và môi trường lành mạnh.

Ba là, Gợi ý và chọn nghề thích hợp cho con.

Bốn là, Dựng vợ gã chồng tốt đẹp cho con.

Năm là, Trao của cải thừa tự và quyền lợi cho con đúng thời.

Tóm lại, nhìn về các khía cạnh đạo đức và giáo dục trong gia đình hạnh phúc, chữ hiếu luôn nhấn mạnh tới người con hiếu thảo, cha mẹ gương mẫu, và gia đình tu tập. Qua những gì được thảo luận trên đây, chữ hiếu trong đạo Phật và trong Nho giáo có những điểm tương đồng. Ở phần này, chúng ta cần duy trì và phát triển đạo đức và giáo dục gia đình và xã hội. Tuy nhiên, về phần khác biệt giữa chữ hiếu trong đạo Phật và Nho giáo, chúng ta phải học để chọn lọc ý nghĩa chữ hiếu sao cho phù hợp với con người và xã hội ngày nay trong thế kỷ 21 này.

Trong đạo Phật, chữ hiếu thường đề cập tới hai phương diện vật chất và tinh thần, nhất là phần tinh thần. Phần tinh thần này chính là phần đạo đức và giáo dục cao thượng. Trong Phật giáo, nó luôn được Đức Phật và mọi người ca ngợi và tán thán. Nó có khả năng vượt trội tất cả sự giáo dục và chữ hiếu ở đời.

Câu 10: Thưa Thầy, thầy nghĩ thế nào về hoàn cảnh của người Việt ở hải ngoại, khi con cái lớn lên đã ra ở riêng, cha mẹ tôn trọng sự tự do của con cái, nên cha mẹ chấp nhận ở đơn độc. Họ chỉ có dịp gặp nhau vào những ngày cuối tuần. Khi cha mẹ già không muốn làm phiền con cái, nên cha mẹ đi vào viện dưỡng lão, hoặc nhờ người khác trả tiền phụng dưỡng, v.v… Bạch Thầy, thầy có lời khuyên nào đến các gia đình người Việt Nam không? Hãy làm thế nào để tạo dựng lối sống và làm tròn hiếu đạo phù hợp theo các hoàn cảnh của người Việt đang sinh sống ở hải ngoại?

Chúng ta biết rằng gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có giáo dục tốt và đạo đức tốt thì góp phần giúp cho xã hội tốt, và ngược lại. Gia đình không có giáo dục tốt là một gánh nặng lớn cho xã hội.

Trước đây, gia đình của người Việt thường là gia đình kép, hai hay ba thế hệ sống chung với nhau, nhưng ngày nay do sự ảnh hưởng phát triển của xã hội và của quốc gia, gia đình người Việt thường là gia đình đơn.

Ở văn hóa Phương Tây nói chung, gia đình đơn là bình thường. Con cái vừa trưởng thành 18 hay 20 tuổi, chúng muốn ra khỏi nhà để sống tự lập vì việc học hành và công ăn việc làm của chúng, nên chúng phải ở riêng. Tuy nhiên, muốn con cái biết được sự hiếu thảo và đạo đức trong gia đình, thì trước hết, cha mẹ phải là những người gương mẫu, không sáng xỉn chiều say.

Lúc con cái còn nhỏ, cha mẹ cần gởi con cái tới các gia đình Phật tử để giúp con cái có môi trường lành mạnh, chơi với bạn bè tốt, nói tiếng Việt, học văn hóa Việt, hát tiếng Việt, và học Phật Pháp bằng tiếng Việt. Cha mẹ biết tạo sân chơi lành mạnh cho con cái, thì dần dần con cái sẽ dễ dàng hòa nhập văn hóa Việt và học được những cái hay cái đẹp từ những bạn bè và các anh chị huynh trưởng gương mẫu.

Hãy cố gắng giáo dục con cái khi chúng còn nhỏ. Đừng đợi chúng lớn rồi, thì cha mẹ mới bắt đầu gia công hướng dẫn, thì lúc đó đã muộn rồi. Hãy uốn tre khi tre còn măng. Hãy hướng dẫn con cái khi chúng còn như là tờ giấy trắng. Đừng đợi chúng lớn lên như tờ giấy đen. Lúc đó quý vị hướng dẫn và dạy dỗ con cái của quý vị không dễ dàng tí nào vì trong đầu của chúng đã nhét đầy những kiến thức thế học và tập khí không lành mạnh ở đời.

Để trân quý sự có mặt của những người thương trong gia đình quý vị, khi con cái còn nhỏ, thì gia đình nên có những bữa ăn đoàn tụ trong ngày. Khi con cái lớn lên, gia đình cố gắng tạo cơ hội tốt để gặp nhau những ngày cuối tuần, hoặc khi con cái bận rộn việc học hành hay làm ăn ở xa, thì gia đình cố gắng tạo sự gặp nhau ở cuối tháng, v.vv.. Nếu quý vị tổ chức đều đặn được như vậy và trở thành thói quen tốt, thì văn hóa và giáo dục trong gia đình của quý vị sẽ dễ dàng hâm nóng và ấm áp hơn.

Khi cha mẹ ở viện dưỡng lão, thì con cái phải có bổn phận thăm viếng khi cha mẹ tuổi già. Chỉ cần cha mẹ nhìn thấy con cái, thì cha mẹ cảm thấy an vui. Để chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ tốt hơn, có những gia đình người Việt, họ chỉ muốn chăm sóc cha mẹ ở nhà, họ không muốn gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh khác nhau của mỗi gia đình, mà chúng ta có thể uyển chuyển và khéo léo chăm lo cha mẹ sao cho phù hợp với xã hội hiện tại.

Câu 11: Bạch Thầy, trường hợp con cái là người hiểu Phật Pháp, nhưng cha mẹ thì không, dù con cái đã cố gắng thuyết phục và khuyên bảo cha mẹ. Thưa Thầy, Thầy có sự chỉ dẫn cụ thể đối nào với những gia đình như vậy? Ít nhất con cái cần phải tạo được những duyên lành nào cho cha mẹ?

Trường hợp con cái hiểu đạo, cha mẹ không hiểu đạo. Muốn thuyết phục cha mẹ hiểu đạo, thì trước hết, con cái phải thể hiện là người Phật tử chân chính, có học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hộ đạo, và góp phần hoằng dương đạo Pháp. Con cái là những người học, hiểu, thực hành, và ứng dụng năm điều đạo đức vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Là những người Phật tử chân chánh và thông minh, chúng ta khéo biết cách hướng dẫn cha mẹ học, hiểu, và thực hành Phật Pháp. Ngày nay có internet wi-fi, mỗi ngày chúng ta có thể mở youtube cho cha mẹ nghe các vị giảng Sư giảng về ý nghĩa nhân quả, niềm tin chánh tín Tam Bảo, ý nghĩa chánh kiến và tà kiến, v.vv…

Chúng ta có thể dùng phương pháp mưa dầm thấm đất. Hôm nay và ngày mai, chúng ta mời cha mẹ nghe một ít, rồi từ từ cha mẹ sẽ thấm nhuần Phật Pháp dễ dàng hơn. 

Ở Chùa, có các Đại Lễ Phật Đản và Vu Lan, mình thỉnh mời Cha mẹ đi Chùa để tiếp xúc với các bạn đạo. Từ từ, cha mẹ sẽ vui theo giáo lý Phật Đà.

Câu 12: Thưa Thầy, theo đạo Phật, đối với cha mẹ đã mất trong đời này, hoặc trong nhiều đời trước, con cái có thể báo hiếu cha mẹ không? Xin Thầy cho biết và giải thích thêm tại sao việc báo hiếu này có kết quả?

Đức Phật dạy rằng con người có mặt ở cuộc đời này phải trải qua bốn chu kỳ: Sanh, già, bệnh, và chết. Khi chúng ta nhìn về khía cạnh vật lý, nếu cha mẹ mất một năm hay nhiều năm, thì mình gọi là cha mẹ mất hẳn, nhưng theo cái nhìn tương tức của đạo Phật, nhất là cái nhìn về tâm linh, cha mẹ mình không có mất, cha mẹ mình luôn có mặt trong tế bào và sự sống của chính mình. Con cái ở đâu, thì cha mẹ có mặt ở đó, và ngược lại, cha mẹ ở đâu, con cái có mặt ở đó, biểu hiện trong dòng tâm thức, lời nói, ý nghĩ, và hành động trong đời sống hằng ngày.

Khi mình làm lành, nói lành, và nghĩ lành, khi mình biết quy y Tam Bảo, biết học, hiểu, và thực hành đúng lời Phật dạy, cụ thể là năm điều đạo đức trọn vẹn, thì cha mẹ đã có mặt trong đời sống của mình rồi. Cha mẹ có mặt trong sự tươi mát, an lạc, và hạnh phúc với chính mình. Ngược lại, khi mình làm điều ác, nghĩ điều ác, và nói điều ác, thì cha mẹ cũng đều có mặt trong đời sống hằng ngày của mình, nhưng có mặt trong sự bất hạnh và khổ đau với chính mình. Bởi vì điều ác mà ta đã tạo tác, cha mẹ đều có ảnh hưởng sự bất thiện từ nơi ta. Chúng ta ý thức rằng là những người con hiếu thảo với cha mẹ trong từng giây, từng phút, từng giờ, và từng ngày, chúng ta nguyện không làm điều ác, nguyện làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Đức Phật dạy.

Tóm lại, về thân vật lý, sau khi cha mẹ qua đời, mình thấy cha mẹ đã mất, nhưng về tinh thần, thì cha mẹ không bao giờ mất. Khi hiểu và thực hành tốt đẹp được như vậy, thì chúng ta có thể tri ơn và báo ơn cho cha mẹ của mình rồi đó. Do đó, chúng ta khéo ứng dụng những lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày một cách uyển chuyển và thích hợp để chúng ta có thể đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Câu 13: Xin Thầy nói chi tiết hơn, trong đạo Phật, tội bất hiếu được xem nặng như thế nào?

Chúng ta biết thông thường ở đời, những ai có tội bất hiếu với cha mẹ, thì họ sẽ bị khinh chê và ruồng bỏ, huống nữa là trong Phật giáo. Họ là những người không những đánh mất gốc rễ tâm linh và huyết thống, mà còn đánh mất nền tảng đạo đức và giáo dục gia đình.

Bằng phương pháp so sánh công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tội bất hiếu với cha me, Kinh Báo Ân Cha Mẹ ghi rõ như sau: “Công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng, thì tội bất hiếu với cha mẹ cũng vô lượng.”

Trong Kinh Nhẫn Nhục, Đức Phật dạy: “Trong điều lành cao tột, không có gì tốt bằng hiếu, nhưng trong điều ác cùng cực, không có gì xấu bằng bất hiếu.”

Tội bất hiếu với cha mẹ qua nhiều lời dạy khác nhau như sau: Không nghe những lời dạy đúng đắn của cha mẹ, tiêu xài và phá phách tài sản của cha mẹ làm ra, sống dựa dẫm vào mồ hôi và công sức của cha mẹ, khiến cha mẹ phải vằn vặt suốt ngày để kiếm tiền sin‎h nhai. Phạm Năm Điều Đạo Đức: 1. Sát sinh. 2. Trộm cắp. 3. Sống tà hạnh và ngoại tình, xâm phạm tình dục của trẻ em. 4. Nói dối, nói những điều hại người. 5. Sử dụng các chất say, xì ke ma túy, bài bạc, v.vv…

Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, 738 ghi rằng: “Này các đệ tử, có năm nghịch tội đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không có thể chữa trị. Thế nào là năm? Giết cha, giêt mẹ, giết A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng.[3]

Tăng Chi Bộ I, 637 ghi rõ: “Những ai làm ác với cha mẹ, nói ác với cha mẹ, nghĩ ác với cha mẹ; không biết ơn và không trả ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hiện đời họ bị đau khổ, sau khi chết, họ đọa vào địa ngục.”

Như vậy, những ai phạm vào tội bất hiếu với cha mẹ, thì chính họ đã đánh mất nhân cách làm người. Suốt đời mang tiếng xấu ác với những người thân, người thương trong gia đình, dòng họ, và trong xã hội.

Sau khi chết, những người bất hiếu chắc chắn sẽ bị đọa địa vào địa ngục hắc ám, ngu si, vô minh che lấp, không biết nhân quả, không biết nghiệp báo, và không biết Phật Pháp. Đó chính là quả báo nặng nề nhất cho những người con bất hiếu với cha mẹ.

Câu 14: Bạch Thầy, người trẻ ở hải ngoại tiếp thu một sự giáo dục khác hơn truyền thống Việt Nam hoặc đạo Phật. Cho nên sự chấp nhận và thực hành theo hiếu đạo với cha mẹ là rất hiếm và thường dẫn tới sự xung đột. Nhưng tội bất hiếu rất nặng, vì vậy xin Thầy có một sự chỉ dẫn đến với hàng phụ huynh làm thế nào để giáo dục con em, hướng con em đến lối sống hiếu đạo, mà không khắt khe, không bắt buộc để giới trẻ không bị mang tội bất hiếu về sau.

Chúng ta đều biết những người trẻ sinh ra, lớn lên, sống, học hành, và làm việc trong xã hội Tây phương, chúng tiếp xúc và hấp thụ một nền văn hóa Tây phương rất nhanh. Để các em hiểu biết nền văn hóa, đạo đức, giáo dục, truyền thống Việt Nam, và Phật giáo, trước hết, cha mẹ phải là những người gương mẫu sống có trách nhiệm và bổn phận dành thời gian thích hợp hướng dẫn trực tiếp cho các em khi các em còn nhỏ.

Chúng ta ý thức rằng khi còn nhỏ, các em như tờ giấy trắng tiếp xúc những lời dạy dỗ và giáo dục của cha mẹ rất nhanh trong gia đình. Đừng đợi các em lớn rồi, cha mẹ mới hướng dẫn các em thì không dễ tí nào. Bởi vì trong đầu của các em, chúng đã nhét đầy văn hóa vật chất hưởng thụ ở Tây phương. Lúc bấy giờ, cha mẹ dành rất nhiều thời gian dạy dỗ con cái, nhưng không dễ thành công giáo dục con cái nên người tài đức.

Chúng ta biết mặc dầu người trẻ có cơ hội học và tiếp xúc nền văn hóa Tây phương rất nhanh, nhưng đối với tình yêu thương của cha mẹ và gia đình, không có bất cứ một văn hóa nào từ chối nó được. Điều quan trọng là, trong gia đình có nền văn hóa, đạo đức, và giáo dục từ nhỏ, cha mẹ phải là hai vị thầy cô giáo gương mẫu, khéo dạy cho con cái cả vật chất lẫn tinh thần khi chúng còn nhỏ. Đừng đợi chúng lớn lên rồi, thì cha mẹ mới bắt đầu dành thời gian dạy dỗ con cái. Lúc đó đã quá muộn rồi.

Cha mẹ phải dành nhiều thời gian thích hợp để gần gũi và chăm lo con cái. Cha mẹ có lúc là thầy cô giáo của chúng, anh chị em của chúng, và là bạn bè của chúng. Một ngày cha mẹ có thể đóng nhiều vai khác nhau với chúng trong cuộc sống.

Đừng để chúng có nhiều thời gian rảnh la cà trên internet và xem phim ảnh đồi trụy và bạo động, thì chúng sẽ bị hư hỏng. Ý thức giáo dục con cái khi chúng còn trẻ. Đừng đợi con cái lớn rồi, thì cha mẹ mới hướng dẫn và giáo dục con cái. Lúc đó, cha mẹ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc hướng dẫn và dạy dỗ con cái.

Theo quy luật nhân và quả, gia đình hiếu thảo giữa mình và con cái đều tùy thuộc vào sự hiếu thảo giữa mình đối với cha mẹ mình. Ca Dao Việt Nam có câu:

Nếu mình hiếu với mẹ cha,

thì sau con hiếu với ta có khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì,

đừng mong con hiếu làm gì uổng công.”

Như vậy, giáo dục hiếu thảo trong gia đình đều dựa trên các mối liên hệ nhân quả. Nếu mình có cái nhân tốt với cha mẹ, thì con cái sẽ có cái quả tốt với mình, và ngược lại. Nếu mình không có nhân tốt với cha mẹ, thì con cái sẽ không có cái quả tốt với mình. Đó là điều hiển nhiên. 

Tóm lại, nếu các bạn muốn con cái hiểu văn hóa, truyền thống Việt Nam, và đạo Phật, là cha mẹ khéo léo, các bạn phải là những người gương mẫu biết dành thời gian thích hợp để hướng dẫn và giáo dục con cái khi chúng còn trẻ và còn nhỏ. Thật vậy, khi con cái được cha mẹ giáo dục từ nhỏ, thì con cái sẽ dễ dàng lắng nghe và tiếp thu nhanh những gì cha mẹ dạy. Chúng biết cách cung kính và hiếu thảo với cha mẹ và ông bà tổ tiên.

Là những người Phật tử thông minh, các bạn biết cách hướng dẫn con cháu đi sinh hoạt gia đình Phật tử ở các Chùa để học tiếng Việt và học Phật Pháp bằng tiếng Việt, thì con cái của các bạn sẽ hiểu rõ được cội nguồn văn hóa, truyền thống Việt Nam, và đạo Phật một cách dễ dàng và tốt đẹp.

Chúc các bạn thành công trong việc dạy dỗ và giáo dục con cái nên người tài đức ở hải ngoại.

Chúc các bạn an lạc và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.

Đôi lời nhận xét của bạn đọc.

Nam Mô Phật

Kính bạch Thầy, thật là tuyệt vời và thật ngưỡng mộ khi xem bài viết của thầy thật chi tiết chính xác về bài pháp thoại của Thầy với song ngữ mà xưa nay chưa có một giảng sư nào đã thực hiện được, hơn thế nữa, với kinh nghiệm học hỏi và nghiên cứu Phật Pháp của con trong 15 năm theo toàn thời 10/24 giờ đã giúp con có những bài cảm nghĩ khi nghe các bài pháp thoại trên các buổi giảng của các giảng sư trong nước Úc chúng con. Nhưng gần đây, con đã tạm ngưng và nhìn lại chính mình vì trong biển học vô biên, con đã tìm ra những bậc Thầy uyên bác, khiến mình phải kính phục và ngưỡng vọng đến cùng.

Hơn thế nữa, con đã nhận ra đường lối thế nào để nhìn thấy được chính mình và đóng góp vài chia sẻ nhỏ mà mình đã chiêm nghiệm cho những ai cùng căn cơ có thể đồng cảm với nhau, nên con thường góp mặt trên các trang nội bộ của đạo tràng Chùa mình, hoặc của người bạn thân nhất tại quê nhà.

Tuy nhiên, con tự hứa với lòng mình không bỏ sót một buổi giảng nào của các giảng sư qua Ban Giáo Dục hoằng  pháp Âu Châu và Úc Châu kể từ nhiều tháng qua mà không viết bài nữa, chỉ cảm niệm trong lòng và học hỏi thôi. Nhưng thứ năm 12/10/2023 với bài giảng của Thầy, con lại tìm gặp một sự gặp gỡ thuần tuý của Nam Tông và Bắc Tông như con đang theo đuổi và rất ngưỡng mộ Thầy.

(Nhân đây, con cho thầy biết con là một đệ tử của Sư Phụ Viên Minh, người đã quy y cho con tại Úc Châu.)

Con kính có vài lời trình Thầy và kính chúc Thầy được nhiều sức khỏe.

Kính, Phật Tử Huệ Hương Úc Châu  

 

Vu Lan Festival and the word Filiality in Buddhism

.

[1]  Thích Nhật Từ (Biên tập), Nền Tảng Giáo Dục Phật Giáo Về Đạo Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2019, tr. 445.

[2] Tạ Thanh Bạch (dịch chú), Minh Tâm Bửu Giám, Nxb. Thanh Hóa, 2003, tr. 55.

[3] HT. Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, Chương 5, Phẩm Bệnh, phần Ngũ Nghịch, Viện NCPHVN, Nxb. Tôn giáo, 2016, tr. 738.

[4] Thích Nhật Từ (Biên tập), Nền Tảng Giáo Dục Phật Giáo Về Đạo Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2019, tr. 445.

[5] Tạ Thanh Bạch (dịch chú), Minh Tâm Bửu Giám, Nxb. Thanh Hóa, 2003, tr. 55.

.

Facebook Comments Box

Trả lời