496 lượt xem

Âm Thanh Chánh Pháp

Thích Trừng Sỹ

ÂM THANH CHÁNH PHÁP

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết ngoài các thức ăn ra, như cơm, bắp, mì, đậu…, ta còn có các loại thức ăn khác nữa, đó là hình sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi thơm, mùi ngon, vị ngọt, mặn, chua, chát, xúc chạm, trơn, láng, nhám …, và các đối tượng của ý. Các loại thức ăn này là thức ăn của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, dùng để nuôi dưỡng thân và tâm, tức con người năm uẩn gồm có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn

Trong bài viết này, âm thanh, một trong những món thức ăn được đề cập ở trên, là món ăn của tai, vừa là món ăn vật chất, vừa là món ăn tinh thần cho ta. Có nhiều loại âm thanh khác nhau như sau: Âm thanh con vật, âm thanh tiếng xe, âm thanh thiên nhiên, như sấm sét, giông tố, mưa bão, gió…, âm thanh tiếng hát hay tiếng nhạc, âm thanh tiếng chuông, và âm thanh Phật pháp.[1]

Âm thanh Phật pháp là chủ đề chính của bài viết này gồm có các từ “âm thanh” và “Phật pháp.” “Âm thanh” có nghĩa là tiếng người, tiếng ồn, lời nói, tụng Kinh, tụng Chú, niệm Phật, và âm thanh không lời, tức thiền tập.

“Phật pháp” viết cho đủ là Phật, Pháp, và Tăng; Phật có nghĩa là Bậc giác ngộ và tỉnh thức vẹn toàn. Pháp là lời dạy của đức Phật, cụ thể là 5 điều đạo đức[2] và con đường thánh có 8 chi phần, hay 8 làn xe chạy liên kết và tương tức với nhau (lanes)[3] bao gồm giới, định, và tuệ. Tăng là các hàng đệ tử của đức Phật bao gồm hai chúng tại gia và xuất gia, những người nguyện sống cuộc đời gương mẫu, đạo đức, chánh niệm, và tỉnh thức.

  1. Âm thanh có nhiều loại: âm thanh con vật, tiếng xe, tiếng còi, âm thanh thiên nhiên, như sấm, chớp, mưa, gió, v.v … Các loại âm thanh này không phù hợp cho ta.
  2. Âm thanh tiếng hát hoặc tiếng nhạc; âm thanh này có lúc làm cho ta sầu não, bi lụy, buồn chán, khổ đau, thất vọng…, và cũng có lúc làm cho ta cảm hứng trầm bổng, nhẹ nhàng, du dương, lâng lâng, phấn khởi…

Khi ta nghe và tiếp xúc với tiếng hát hay tiếng nhạc, lời của nó không phù hợp với đời sống tu tập của ta, gây cho ta thêm nhiều buồn, phiền, trách móc, và sầu muộn, thì ta có thể dừng lại và buông bỏ. Ngược lại, với thời đại hoằng pháp ngày nay, khi ta nghe và tiếp xúc với tiếng hát hay tiếng nhạc, lời của nó phù hợp với đời sống tu tập của ta, tạo cho ta nhiều nguồn cảm hứng an vui, chất liệu vững chãi và thảnh thơi, có khả năng chuyển tải được Phật pháp, thì ta có thể nghe và hát những bài thiền ca hay nhạc đạo.

Ví dụ như, bài hát của Làng Mai có chủ đề “Hạnh phúc bây giờ.” Kính mời quý vị nghe và hát cho vui.

“Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Không đi đâu nữa
Có chi để làm
Học buông thả
Sống không vội vàng.

Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Thong dong khi bước

Thảnh thơi lúc làm
Lòng thanh thản
Sống trong nhẹ nhàng.”

(Nhạc Làng Mai)

Thật vậy, khi nghe, hiểu, hát, và chiêm nghiệm một bài hát xong, thì ta có thể chọn lọc, phát triển, và muốn trở thành hành giả an vui và hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

  1. Âm thanh của tiếng chuông

Theo nghi lễ thiền môn, khoảng lúc 4 giờ sáng và lúc 6:30 chiều, hành giả đi thỉnh chuông và quán tưởng âm thanh của tiếng chuông như thế này:

“Với tấm lòng thành kính và chánh niệm, trong khi mình thỉnh chuông, âm thanh của tiếng chuông tỉnh thức có thể vang khắp pháp giới của các loài hữu tình và vô tình. Xuyên qua việc thực tập Phật pháp chuyên cần, khi nghe tiếng chuông này, chúng sinh trong các cõi trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, có thể vơi đi bớt khổ, vượt thoát vòng sinh tử trong từng sát na, và hướng tâm tu tập tới giây phút giác ngộ, chánh niệm, và tỉnh giác.”[4]

Hoặc là:

“Nghe tiếng chuông,

phiền não nhẹ,

trí huệ lớn,

Bồ đề sanh.

Lìa địa ngục,

thoát hầm lửa,

Nguyện thành Phật,

Độ chúng sinh.”[5]

“Ba nghiệp lắng thanh tịnh,

gởi lòng theo tiếng chuông,

nguyện người nghe tỉnh thức,

vượt thoát nẻo đau buồn.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe!
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Nghe chuông phiền não tan mây khói.
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười.
Hơi thở nương chuông về chánh niệm.
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi. 

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Xa xôi tăm tối mọi loài nghe

Những ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

Nghe tiếng chuông
Lòng nhẹ buông
Tâm tĩnh lặng
Hết sầu thương
Tập buông thả
Thôi vấn vương
Lắng nghe thấu
Tận nguồn cơn
Học nhìn lại
Hiểu và thương.

(Nghi Thức Làng Mai)

Theo giáo lý ẩn dụ, chuông được hiểu là một vị Bồ tát tỉnh thức, có khả năng khơi dậy và đánh thức các hạt giống giác ngộ và tĩnh giác trong ta trỗi dậy. Với sự thực tập thuần thục, mỗi khi thỉnh chuông hay nghe chuông, thân và tâm của hành giả trở nên nhẹ nhàng và thư thái. Ngoài các ý nghĩa trên, âm thanh của tiếng chuông còn có nghĩa thoảng đưa, thoáng qua, nhanh chóng…

Các ý nghĩa trên nhằm nhắc chúng ta biết cuộc đời là vô thường, các pháp là vô thường, sinh và diệt tương tức với nhau trong từng sát na. Khi ta còn khỏe và còn trẻ, ta tận dụng thời gian thích hợp để tu mau kẻo trễ. Vì vô thường không chờ đợi một ai, một hơi thở ra mà không hít vào, là mình sleep well – ngủ luôn. Ý thức được điều đó, mỗi chúng ta cố gắng tu tập để đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. 

  1. Chủ đề của bài pháp thoại hoặc bài viết hôm nay là “Âm thanh Phật pháp.” Ở đây, nó gồm có ba âm thanh: Phật âmPháp âm, và Tăng âm.

Nếu có đi hành hương Phật tích, thì chúng ta biết vào buổi sáng sớm lúc 4 giờ tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), các loại âm thanh này phát lớn lên cả khu thánh địa. Trong ngữ cảnh này,

4.a.  Phật âm có nghĩa là âm thanh được phát ra từ máy hát đĩa hoặc từ hành giả tụng niệm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là ngôn ngữ Pāli; âm thanh này nhằm ca ngợi và tán thán công hạnh của đức Phật, các đệ tử của Ngài khéo biết nương tựa Ngài như một Bậc giác ngộ và tỉnh thức vẹn toàn. 

Buddhaṁ Saranaṁ Gacchami.

Con đến nương tựa Phật, Người đưa đường chỉ lối an lạc và hạnh phúc cho con trong cuộc đời.

Namo Buddhaya.

Nam Mô Phật.

4.b. Pháp âm có nghĩa là âm thanh được phát ra từ máy hát đĩa hoặc từ hành giả tụng niệm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là ngôn ngữ Pāli; âm thanh này nhằm ca ngợi và tán thán sự vi diệu của Phật pháp, các vị hành giả khéo biết nương tựa Pháp như là phương tiện tu tập để chuyển nghiệp và để hướng tới an vui, giác ngộ, và giải thoát trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Dhammaṁ Saranaṁ Gacchami.

Con đến nương tựa Pháp, con đường của hòa bình, tình thương, và sự hiểu biết.

Namo Dhammaya.

Nam Mô Pháp.

4.c.  Tăng âm có nghĩa là âm thanh được phát ra từ máy hát đĩa hoặc từ hành giả tụng niệm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là ngôn ngữ Pāli; âm thanh này nhằm ca ngợi và tán thán công hạnh của Tăng đoàn, các hành giả khéo biết nương tựa Tăng như đoàn thể xuất sĩ và cư sĩ, những người nguyện góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.  

Sanghaṁ Saranaṁ Gacchami.

Con đến nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời đạo đức, gương mẫu, chánh niệm, và tĩnh giác.

Namo Sanghaya.

Nam Mô Tăng.

Phật, pháp, và Tăng có tính tương tác và tương thuộc với nhau không thể tách rời nhau được. Qua quá trình học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, người có mắt sáng và người không có mắt sáng, sau khi nghe và tiếp xúc với Phật âm, Pháp âm, và Tăng âm, thì họ có khả năng cảm nhận được pháp hỷ, pháp lạc, pháp tu, pháp ngộ, và pháp chứng như nhau ngay trong giờ phút hiện tại.

Với tấm lòng tự nguyện, chánh kiến, chánh tuy duy, chuyên cần, tu tập, và học hỏi Phật pháp, mình đến để nương tựa Phật, Pháp, và Tăng, thì không ai có quyền áp đặt và buộc ta được. Song, qua quá trình nương tựa Tam Bảo, chúng ta học Phật, hiểu pháp, và làm hành giả an vui, thì chúng ta nguyện nương theo Tam Bảo để sống cuộc đời chánh niệm và tỉnh thức. Hiện tại, chúng ta sống an lạc, và tương lai chúng ta sống an vui. 

Mặc khác, theo Kinh điển Phật giáo Bắc truyền, đặc biệt là Kinh Phổ Môn, khi đọc tụng, chúng ta hiểu và biết đức Bồ tát Mẹ hiền Quan Thế Âm có 32 tướng tốt khác nhau, như tướng người nam, người nữ, người xuất sĩ, cư sĩ, v. v…

Người nam có thể là thầy của ta, là cha ta, là anh ta, là em trai ta, là con trai ta, v. v… Người nữ có thể là cô ta, là mẹ ta, là chị ta, là em gái ta, là con gái ta, v. v… Người xuất sĩ có thể là Sư ông, Sư phụ ta, Sư huynh ta, Sư đệ ta; người cư sĩ có thể là người thiện nam, là người thiện nữ, v.v và v.v…

Là hành giả tu học Phật Pháp tinh cần, những gì chúng ta nói, nghĩ, và làm đều đem đến an lạc và hạnh phúc cho số đông, thì chúng ta cố gắng duy trì, phát triển, áp dụng, và thực hành vào trong đời sống hằng ngày của ta. Hạnh phúc của mình chính là hạnh phúc của cha, mẹ, anh, chị, em, và con cháu mình. Ngược lại, những gì chúng ta nói, nghĩ, và làm đều đem đến bất hạnh và khổ đau cho tự thân và cho tha nhân, thì chúng ta quyết định dừng lại và buông bỏ. Bất hạnh của mình chính là bất hạnh của người thân và người thương trong gia đình của hai bên nội và bên ngoại.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi ta gặp điều bất hạnh, ta nên thành tâm cầu nguyện an bình bằng cách niệm danh hiệu đức Bồ tát Mẹ hiền Quan Thế Âm hay đức Bồ tát Cha hiền Quan Thế Âm bằng xương bằng thịt, thì lập tức, Ngài hiện ra và giúp đỡ chúng ta bớt khổ thêm vui. 

  1. Khi đọc tụng Kinh Phổ Môn bằng âm Hán-Việt, chúng ta bắt gặp 5 loại âm thanh khác nhau như sau: Diệu âm, Quán Thế âm, Phạm âm, Hải triều âm, thắng bỉ thế gian âm, thị cố tu thường niệm…

5.1. Diệu âm có nghĩa là âm thanh vi diệu, âm thanh mầu nhiệm, cụ thể là âm thanh của lời nói ái ngữ, dễ thương, và dễ nghe giữa thầy và trò, cha và mẹ, vợ và chồng, con và cháu, v.v … Loại âm thanh này khéo được vận dụng một cách thích hợp, đúng chỗ, đúng lúc, và đúng đối tượng, thì nó trở nên giá trị, trị liệu, hiệu quả, và vi diệu, và nó có thể đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.

5.2. Quán Thế Âm là danh hiệu của Bồ tát, người có cái hạnh hiểu biết và lắng nghe sâu với tâm không thành kiến, không trách móc, và không phản ứng, có khả năng giúp người thêm vui và bớt khổ. Hiểu biết có nghĩa là với tâm sáng suốt, rõ ràng, và định tĩnh, khi gặp một việc gì khó khăn, mình có thể giải quyết việc ấy suông sẻ, vui vẻ, mát lòng, hài hòa, và trọn vẹn; lắng nghe sâu ở mức độ 100%. Ngược lại với lắng nghe sâu, lắng nghe cạn hay lắng nghe vừa vừa chỉ ở mức độ 20, 40, 60% … mà thôi. Đức Bồ tát Mẹ hiền Quán Thế Âm có đầy đủ các hạnh ái ngữ, hiểu biết, và lắng nghe sâu.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi sống chung và va chạm với nhau, đôi lúc vợ chồng giận nhau vì công việc làm ăn, con cái, gia đình, xã hội … Là người có trí và có thực tập hạnh ái ngữ, hiểu biết, và lắng nghe, mỗi khi người chồng giận, người vợ có thể chờ người chồng hết giận. Lúc đó, người vợ bắt đầu thực tập nói một vài câu ái ngữ với người chồng của mình như thế này:

Anh thương của em ơi.

Em biết anh vừa giận em.

Là người thương của anh,

em đang có mặt cho anh đây.

Những gì anh nói, em xin lắng nghe và ghi nhận.

Điều nào tốt, em xin duy trì và phát triển.

Điều nào không tốt, em xin sửa đổi, chuyển hóa, và đoạn trừ.

Qua những điều trên đây, chúng ta biết rằng học lý thuyết thì dễ, nhưng khi trực diện sân giận, nếu mình thực tập hạnh ái ngữ và lắng nghe không ngon lành, đôi lúc mình không dễ dàng kiềm chế thân tâm. Thật vậy, người không thực hành Phật pháp tinh cần, khi giận, mình dễ đánh mất tâm tính bình tĩnh và sáng suốt của mình.

Trong hai người, nếu người này giận, người kia không giận và giữ tâm bình tĩnh và sáng suốt, thì mọi việc có thể giải quyết êm đẹp và suông sẻ. Tuy nhiên, nếu cả hai đều giận, ai cũng muốn giành phần phải phần thắng về mình, không ai muốn nhường nhịn nhau cả, thì mọi việc có thể đưa tới chuyện lớn, như bất hòa, xáo trộn, bất hạnh, và bất an cho chính họ, cho người thân, người thương, gia đình, và làng xóm.

Thật vậy, khi gặp việc rắc rối và kình cãi với nhau trong gia đình, nếu không thực hành hạnh ái ngữ, hiểu biết, và lắng nghe, vợ chồng dễ gây ra đổ vỡ, bất hòa, và bất hạnh. Đôi lúc việc giận nhau của họ dễ đưa gia đình tới ly dị và phân tán. Vợ chồng không hạnh phúc, gia đình không an vui, con cái bị bơ vơ, lạc lỏng, và hư hỏng.

Ý thức việc ấy rõ ràng, khi vợ chồng giận nhau cố gắng thực tập hạnh ái ngữ và lắng nghe bằng cách thông cảm, hoan hỷ, bao dung, và tha thứ, thì họ có thể chế ngự và chuyển hóa được cơn giận. Lúc đó, vợ chồng hiểu nhau sâu sắc và cùng nhau xây dựng an vui và hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình, cho hàng xóm, và cho xã hội.

Cố Hòa thượng Trưởng lão Thích Thiện Siêu có bài thiền kệ:

“Một chút giận,

một chút hờn,

lận đận cả đời,

ri cũng khổ.

Trăm điều xả,

ngàn điều bỏ,

thong dong tất dạ

rứa mà vui.”

Hoặc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài thiền ca như sau:

“Lời qua tiếng lại,

giải quyết chi đâu,

sao không dừng lại,

kẻo hố thêm sâu.

Lời qua tiếng lại,

đưa ta tới đâu,

sao không dừng lại,

thở nhẹ và sâu.

Lời qua tiếng lại,

đưa ta tới đâu,

sao không dừng lại,

mĩm cười nhìn nhau.”

Thật vậy, trong gia đình, đoàn thể, cộng đồng, và trong xã hội, những ai thực hành và áp dụng hạnh ái ngữ, hiểu biết, và lắng nghe của đức Bồ tát Mẹ hiền Quan Thế Âm vào trong đời sống hằng ngày, thì họ có thể giải quyết được nhiều việc khó khăn, rắc rối, và phức tạp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cá nhân với cộng đồng, và cá nhân với tất cả.

Thực tập phương pháp ái ngữ, hiểu biết, và lắng nghe sâu tuy đơn giản, nhưng rất hữu hiệu, nó có thể góp phần đem lại lợi ích, an vui, hạnh phúc, hòa bình, và thịnh vượng cho gia đình, học đường, xã hội, quốc gia, và liên quốc gia một cách thiết thực ngay tại thế gian này.

5.3. Phạm âm có nghĩa là âm thanh trong sạch, tinh khiết, thuần tịnh, gương mẫu, và mô phạm biểu hiện qua việc thực hành các điều đạo đức, như giới, định, tuệ, và bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, và xả.

5.3.a. Giới có nghĩa là những lời nhắc nhở, khuyên răn, khuyến tấn, nguyên tắc sống đạo đức; giới có công năng bảo hộ tự do, đưa hành giả tới an vui và giải thoát.

Là người Phật tử đạo hạnh và gương mẫu, chúng ta ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, nuôi dưỡng, và phát triển tâm từ bi đối với các loài hữu tình và vô tình bằng cách không giết hại sinh mạng và phá phách núi rừng;

Xả bỏ tâm tham lam, keo kiệt, và bỏn xẻn bằng cách phát tâm bố thí và không trộm cắp của công và của tư; xây dựng hạnh phúc cho gia đình, vợ, chồng, và con cái bằng cách sống chung thủy với người vợ hoặc người chồng hợp pháp; giữ vững niềm tin, chân thật, và uy tín cho tự thân, cho tha nhân, và cho đoàn thể bằng cách thực hành hạnh ái ngữ và lắng nghe; giữ gìn và phát triển sức khỏe và trí huệ cho thân và tâm bằng cách biết thương mình và thương người, không sử dụng các chất ma túy, chất say, hút thuốc, game, và phim ảnh bạo động và đồi trụy…

5.3.b.  Định có nghĩa là tập trung, xem xét, chọn lọc, dừng lại để chuyển hóa việc sai thành đúng, xấu thành tốt, tà thành chánh, tối thành sáng, xao động thành định tĩnh và nhất tâm.

5.3.c. Tuệ có nghĩa là hiểu biết và thấy rõ bằng sự tu tập và hành trì Phật pháp qua lời nói, ý nghĩ, và việc làm của mình phù hợp với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

5.3.d.  Từ có nghĩa là cho vui với tâm không ràng buộc và vướng mắc.

5.3.e. Bi có nghĩa là thương yêu với tâm bao dung, tha thứ, và rộng lượng.

5.3.f. Hỷ có nghĩa là vui với cái vui của mình và của người khác.

Ví dụ, khi Chùa mình hoặc Chùa người khác tổ chức khóa tu thành công, thì mình không những vui với việc tổ chức thành công của Chùa mình, mà còn vui với việc tổ chức thành công của Chùa người khác.

5.3.g. Xả có nghĩa là bao dung, rộng lượng, không chấp trước, vướng bận, và dính mắc giữa người cho, người nhận, và vật được cho.

Khi hiểu và thực tập được như vậy, thì mình là con người tự do, an lạc, và thảnh thơi với ý nghĩ, lời nói, và việc làm của mình đối với tự thân và tha nhân. Thật vậy, với phạm âm, khi thực hành các điều đạo đức và bốn vô lượng tâm, hành giả sống cuộc đời đạo đức, trong sạch, và gương mẫu, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước để mọi người gieo trồng, được người trí khen ngợi và tán thán trong hiện tại cũng như trong tương lai.

5.4. Hải triều âm có nghĩa là âm thanh của sóng biển; âm thanh này tượng trưng cho âm thanh của tập thể, sức mạnh của tập thể, tính đồng nhất của tập thể trong tinh thần tu học, hòa hợp, đoàn kết, tương trợ, tương thân, tương ái, và tương kính. Âm thanh của biển bao giờ cũng lớn hơn âm thanh của sông. Âm thanh của tập thể và sức mạnh của tập thể bao giờ cũng vững chãi hơn sức mạnh của cá nhân. 

Biển chỉ cho sự bao la, mênh mông, thênh thang, rộng lớn, bao dung, dung nạp, tóm thâu, chứa đựng, không phân biệt, không kỳ thị, v.v…; sông là chỉ cho sự nhỏ hẹp. Biển dụ cho tập thể, cho số đông, và cho đại chúng có tu học, an lạc, vững chãi, thảnh thơi, chánh niệm, và tĩnh giác; sông dụ cho cá nhân có tu học và an lạc. Một khi cá nhân có năng lượng tu tập, thì năng lượng đó không mạnh bằng năng lượng tu tập của đại chúng.

Thật vậy, chúng ta biết khi một tập thể tu tập ngon lành, thì tập thể đó tạo ra sức mạnh tâm linh, hòa hợp, đoàn kết, vững chãi, và thảnh thơi, có uy tín lớn và ảnh hưởng nhanh tới quần chúng trong xã hội. Một cá nhân có tu tập ngon lành, thì sự ảnh hưởng của cá nhân đó tới số đông không mạnh.

Tuy nhiên, một tập thể có tu tập thì trước hết tập thể đó phải bắt đầu từ sự tu tập của mỗi cá nhân. Một đại chúng có an lạc thì trước hết đại chúng đó phải bắt đầu từ sự an lạc của mỗi cá nhân. Một cá nhân có hạnh phúc thì trước hết cá nhân đó phải bắt đầu từ nội tâm của mình có hạnh phúc. Nhiều cá nhân có tu tập và an lạc thì tạo thành một tập thể có uy nghi vững chãi về mặt đạo đức, mô phạm, và mẫu mực. Với sự tu học và thắm nhuần Phật pháp, tập thể đó có khả năng đem lại hòa bình và thịnh vượng không những cho quốc gia mình, mà còn cho các quốc gia khác trên thế giới.

Khi đọc, tụng, và chiêm nghiệm Kinh Vu Lan, chúng ta biết rõ: Với lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên, sau khi giác ngộ, Tôn giả vận dụng thần thông xuống địa ngục để cứu mẹ, nhưng một mình Ngài không thể cứu được, bèn trở về tinh xá, và bạch với đức Phật rằng: “Xin Thầy chỉ dạy cho con phương pháp cứu mẹ?” Đức Phật dạy: “Nếu mẹ ông muốn được cứu ra khỏi địa ngục, thì trước tiên, nhân mùa An Cư Kiết hạ, ông nên đến cung thỉnh chư Tăng chú nguyện. Nhờ năng lực từ bi và tu tập của đại chúng, nương vào năng lực này, mẹ ông có thể thoát khỏi địa ngục.”

Các ý nghĩa trên được nhấn mạnh rằng việc tu tập của số đông là quan trọng, năng lực và sức mạnh tu tập của đại chúng là quan trọng. Khi một gia đình tu tập, một tập thể tu tập, một cộng đồng tu tập, hay một Tăng đoàn tu tập Phật pháp ngon lành, thì họ có năng lượng tâm linh vững chãi hơn một cá nhân tu tập. Nhờ kết quả tu tập như vậy, nên họ mới có thể xây dựng và củng cố nền đạo đức, từ bi, trí tuệ, và hòa bình cho xã hội rất nhiều.

Mặt khác, hải triều âm còn dụ cho sự hùng mạnh và tiếng rống của con sư tử; tiếng rống này có khả năng làm các loài thú khiếp sợ, ẩn trốn, và bỏ chạy. Sư tử vừa dụ cho cá nhân, vừa dụ cho đại chúng. Ở ngữ cảnh này, sư tử được dụ cho đại chúng nhiều hơn cá nhân. Với sự tu, học, hiểu, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, họ có nhiều năng lực tâm linh, đạo đức, vững chãi, và thảnh thơi. Năng lực này có khả năng dập tắt các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…

Trong bài viết này, hải triều âm nhằm nhấn mạnh tới sức mạnh hòa hợp, đoàn kết, và năng lượng tu tập của tập thể đại chúng. Các cộng đồng, cơ quan, và đoàn thể có duyên tu học Phật pháp trọn lành, thì họ thực sự mới có khả năng góp phần đem lại hòa bình và thịnh vượng, an vui và hạnh phúc rất nhiều cho số đông trên khắp hành tinh này.

  1. Thắng bỉ thế gian âm, thị cố tu thường niệm, đây là một cụm từ âm Hán-Việt

Thắng có nghĩa là hơn, là vượt trội. Cái gì vượt trội? âm thanh Phật pháp vượt trội âm thanh thế gian; Bỉ có nghĩa là cái kia, người kia, vật kia, cụ thể là tiếng hơn thua, trách móc, hờn, giận, sầu não, ganh ghét, giận dữ, v.v…; Theo ý nghĩa thực hành Phật pháp không ngon lành, thế gian âm có nghĩa là âm thanh của thế gian mang và tích chứa sự tranh giành, sầu muộn, ghen tị, buồn phiền, v.v… Âm thanh này là âm thanh tạo nghiệp, âm thanh ràng buộc, hệ lụy, vướng mắc, v.v…   Ngược lại âm thanh thế gian là âm thanh Phật pháp; âm thanh Phật pháp bao gồm các loại âm thanh như sau:

âm thanh tụng Kinh,

âm thanh tụng Chú,

âm thanh niệm Phật,

và âm thanh không lời;

âm thanh không lời có nghĩa là âm thanh của thiền tập.

Thông thường, khi đọc, học, nghe, thấy, và hiểu, ta biết một câu rất nổi tiếng trong thiền môn như sau: “Nói năng như chánh pháp, và im lặng như chánh pháp.”

Nói năng như chánh pháp có nghĩa là buổi sáng nói điều lành, buổi trưa nói điều lành, buổi chiều nói điều lành, buổi tối nói điều lành, ta có một ngày vui. Bên cạnh nói điều lành, ta còn suy nghĩ điều lành, và làm điều lành, ta có trọn hai mươi bốn giờ vui.

Ở đây, nói điều lành có nghĩa là ta thực hành và áp dụng tụng Kinh, tụng Chú, và niệm Phật vào trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nói điều lành có khả năng đem lại hạnh phúc, an vui, đoàn kết, hòa hợp, và hòa bình cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Im lặng như chánh pháp có nghĩa là chúng ta nên áp dụng thiền tập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Lúc đứng, lúc đi, lúc ngồi, lúc nằm, lúc làm việc, nói năng, im lặng với chính mình và người khác, chúng ta đều ở trong trạng thái chánh niệm và tĩnh giác, vững chãi và thảnh thơi, an vui và giải thoát.

Thị cố tu thường niệm là một cụm từ tiếng Hán-Việt có nghĩa là những gì thảo luận trên đây chúng ta phải nhớ kỷ để chọn lọc, tu tập, chuyển hóa, hành trì, và để áp dụng chúng vào trong đời sống hằng ngày của mình cho thích hợp.

Tóm lại, qua những ý nghĩa thiết thực được đề cập trên đây, chúng ta rõ biết âm thanh Phật pháp là âm thanh tỉnh thức, giác ngộ, giải thoát, hòa bình, v.v… Âm thanh này không bao giờ chứa đựng các hạt giống tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v.v… Nó rất thù thắng, vượt trội tất cả các âm thanh khác ở đời. Nó có khả năng chuyển nghiệp và đưa con người, xã hội, và thế giới tới nơi an vui, hạnh phúc, và hòa bình đích thực.

Khi có thời gian thích hợp, ta khéo áp dụng và hành trì âm thanh Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày bằng cách tụng Kinh, tụng Chú, niệm Phật, và thiền tập. Ta có thể chuyển hóa nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện, phiền não thành Bồ đề, khổ đau thành an vui và hạnh phúc… Hiểu và thực hành được như vậy, ta không những có một ngày và đêm an lạc, mà còn có một tuần, một tháng, một năm an lạc, nhiều năm an lạc, và một cuộc đời an lạc. Khi ta có an lạc rồi, ta có thể san sẻ an vui và hạnh phúc cho nhiều người.

Kính chúc Quý vị an vui và hạnh phúc trong âm thanh Phật pháp

Nam Mô đức Bồ tát Mẹ hiền Quan Thế âm.

Nam Mô đức Tôn giả đại hiếu Ma Ha Mục Kiền Liên.

The Sound of the Buddha Dharma

[1]http://www.youtube.com/watch?v=5ac-w_ocwFk&feature=youtu.be  

[2] Năm điều đạo đức gồm có 1. Nuôi dưỡng tâm từ bi đối với chúng sinh, 2. Phát khởi tâm bố thí, 3. Xây dựng hạnh phúc gia đình, vợ chồng, và con cái, 4. Giữ vững niềm tin, chân thật, và uy tín cho tự thân và cho đoàn thể, 5. Nuôi dưỡng trí tuệ bằng cách biết thương mình và thương người, và ý thức rằng việc sử dụng các chất ma túy, các chất say, cờ bạc, hút thuốc, chơi game, và xem phim ảnh bạo động và đồi trụy sẽ tưới tẩm các chất độc tố và làm hại đời mình.

[3] Bát chánh đạo gồm có Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

[4] http://langmai.org/phat-duong/tung-gioi/gioi-luat-sadi/thi-ke-thuc-tap-chanh-niem

[5]http://tvsungphuc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=534&Itemid=99999999&limit=1&limitstart=2

.

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời