2160 lượt xem

Những Tính Đặc Thù của Biển trong Phật Pháp

Thích Trừng Sỹ

Những Tính Đặc Thù của Biển trong Phật Pháp

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc Thầy tỉnh thức và giác ngộ viên mãn, giảng dạy giáo pháp thù thắng nhằm mục đích đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho chư thiên và nhân loại.

Những lời dạy của Đức Phật mang đậm tính nhân văn, rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, và phù hợp với mọi căn cơ, trình độ tu tập, và tu chứng của chúng sinh trên hành tinh này.

Như quý vị biết trong lúc giảng dạy, một bậc thầy giỏi thường nêu ra những ví dụ minh họa để cho người học, người đọc, người nghe dễ hiểu và dễ ứng dụng những lời dạy của mình vào trong cuộc sống hằng ngày.

Cũng vậy, trong các thời thuyết pháp của Phật, để cho hội chúng dễ dàng tiếp thu được Phật pháp, Ngài đưa ra nhiều ví dụ và ẩn dụ cụ thể và khác nhau, hàm chứa những lời dạy đặc thù, thường được tìm thấy trong Tam Tạng thánh điển Phật giáo gồm có (Kinh tạng, Luật tạng, và Luận tạng), đặc biệt tìm thấy trong các Kinh A Hàm.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm (Ekottarikàgama Sutra), có nhiều tính đặc thù được tìm thấy, nhưng trong bài thảo luận này, “Có tám tính đặc thù của biển[1] được tìm thấy  trong cuộc đối thoại xảy ra giữa đức Phật và một vị Bà-la-môn (Brahmin).

Tám tính đặc thù này được trình bày theo dạng ẩn dụ, so sánh, và đối chiếu, có liên quan tới Phật pháp rất mật thiết.

Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu các ý nghĩa và nội dung của các đặc tính trên. Kính mời quý vị cùng nhau tham khảo.

  1. Bãi biển không hề có vực thẳm.
  2. Biển rộng bao la.
  3. Biển không bao giờ dung chứa một tử thi.
  4. Biển đón nhận tất cả các dòng nước.
  5. Biển không đầy không vơi.
  6. Nước biển thuần một vị mặn.
  7. Biển nuôi dưỡng các loài thủy tộc.
  8. Biển chứa đựng nhiều loại của quý.

1. Bãi biển không hề có vực thẳm.

Khi tắm biển, chúng ta lội nước từ cạn tới sâu dần. Cũng vậy, khi có duyên tiếp xúc với Phật pháp, chúng ta bắt đầu tu học đi từ thấp lên cao, đạt được giác ngộ và giải thoát từng phần, từng cấp độ khác nhau, chuyển hóa dần dần từ phàm phu tới thánh quả, từ khổ đau tới an vui, hạnh phúc.

Hơn nữa, chánh pháp được đức Phật và các vị thánh đệ tử khéo thuyết giảng và trình bày từ phương pháp căn bản tới phương pháp phát triển, có giá trị thiết thực ở hiện tại, vượt thoát thời gian, phù hợp với sự tu, học, và giác ngộ của mỗi chúng sanh.

Những ai có đủ duyên lành tiếp xúc, học hỏi, và hành trì Phật pháp, thì họ không bao giờ bị hụt hẫng và chết chìm trong giáo pháp.

Ngược lại, các vị có thể thưởng thức được những hoa trái an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

2. Biển rộng bao la.

Chúng ta biết sông thì nhỏ, hẹp, có ngằn mé và giới hạn. Ngược lại, biển thì rộng lớn, bao la, không ngằn mé và không giới hạn.

Ở điểm này, trong Tăng Thân Làng Mai, có bài hát rất phổ biến với chủ đề

Sông và Biển[2]

“Em chưa từng thấy biển,

em chỉ thấy dòng sông.

Nhưng có nghe cô kể,

biển thì rộng hơn sông;

biển thì rộng mênh mông,

bao la biển xanh mặn nồng,

một đời người như sông.

Nếu ai sống cho muôn người,

thì lòng rộng hơn sông.

Nếu ai sống cho riêng mình,

thì lòng hẹp hơn sông.”

“Em chưa từng thấy Phật

em chỉ thấy hình thôi

nhưng có nghe Sư kể

Phật thì ở trong tâm

Phật thì ở trong tâm

ở trong tất cả mọi người.

Nếu ai sống cho muôn người

thì Phật hiện ra thôi.

Nếu ai sống cho riêng mình

thì Phật ẩn đi thôi.

Biển là chỉ cho cái tâm tự do, thênh thang, và tha nhân; sông chỉ cho cái tâm ràng buộc, chật hẹp, và vị kỷ.

Mục đích tu tập của vị hành giả là để nhận diện và chuyển hóa cái tâm ràng buộc, chật hẹp và vị kỷ thành cái tâm tha nhân, tự do, thênh thanh, bao la như biển.

Bài hát trên nhằm nhắc nhở chúng ta cố gắng sống chánh niệm và tĩnh giác, vững chãi, và thảnh thơi bằng cách áp dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông ngay bây giờ và ở đây trong cuộc cuộc sống hiện tại.

Biển rộng bao la có nghĩa là trong giáo pháp của Đức Phật có khả năng chứa đựng các chất liệu từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, tha thứ, bao dung, độ lượng, ôm ấp, chuyển hóa, nuôi dưỡng, trị liệu, vững chãi, thảnh thơi, tự do, an vui, và hạnh phúc.

Những ai có đủ duyên lành sống, áp dụng, và hành trì Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, thì họ có khả năng thưởng thức được hương vị an lạc, hạnh phúc, giải thoát, và bình đẳng như nhau.

3. Biển không bao giờ dung chứa một tử thi.

Biển đề cập ở đây được hiểu là chánh pháp của đức Thế Tôn; tử thi được hiểu là sự bất hạnh, khổ đau, các phiền não tham, sân, si, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, bạo động, và hận thù.

Biển chỉ cho Phật tánh, tâm Bồ đề, tức tâm tuệ giác; tử thi chỉ cho ma tánh, tâm phiền não, và khổ đau.

Giáo pháp của đức Thế Tôn là giáo pháp giác ngộ và tỉnh thức, không bao giờ dung chứa những tập khí tiêu cực, phiền não, bất hạnh, khổ đau, và ngược lại, tất cả những lời dạy của Ngài đều chứa đựng những chất liệu vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Chúng ta biết những người tu tập không giỏi thường có cái tâm chê bai, chỉ trích người khác, đánh mất cái tâm Bồ đề, cái tâm tự do, cái tâm thong dong, và tự tại.

Đời sống của họ thường bị các phiền não và khổ đau chế ngự và chi phối. Thân tâm của họ không được an lạc, nhẹ nhàng, và thư thái.

Những người tu giỏi biết áp dụng và hành trì Phật pháp vào đời sống hằng ngày, sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi, có khả năng đoạn trừ, nhiếp phục, và chuyển hóa hạt giống tiêu cực thành hạt giống tích cực, hạt giống bất thiện thành hạt giống thiện, hạt giống phiền não thành hạt giống Bồ đề, hạt giống khổ đau thành hạt giống hạnh phúc…

Những người tu giỏi này có cái tâm hoan hỉ, thương yêu, tha thứ, thông cảm, giúp đỡ, và chia sẻ sự khó khăn và nỗi khổ niềm đau của mình và của người khác.

Thực vậy, trong quá trình tu giỏi, chúng ta có thể nhận diện rằng khổ đau của mình chính là khổ đau của người, và ngược lại, hạnh phúc của mình chính là hạnh phúc của người, và an lạc của mình chính là an lạc của người.

Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta có khả năng đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

Hơn nữa, như quý vị biết khi tử thi trôi giạt trên biển, nó sẽ bị nước biển nhận chìm, hoặc bị đánh dạt vào bờ. Điểm này ý nói rằng nếu sống thiếu chánh niệm tĩnh giác, thì chúng ta sống không khác gì như một tử thi.

Nếu chúng ta làm những điều bất thiện như sát sinh, trộm cắp, lấy của không cho, tà hạnh, xâm phạm tình dục của trẻ em, nói dối, sử dụng các chất say… thì chắc chắn chúng ta sẽ bị biển luân hồi đánh dạt vào bờ sinh tử, và sẽ bị các phiền não và khổ đau chế ngự.

Ý thức rõ điều những điều  ấy, Chúng ta nỗ lực sống đời sống chánh niệm và tĩnh giác, không làm các điều ác, làm các điều lành, giữ thân tâm an lạc bằng cách áp dụng và hành trì lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày để đem lại hoa trái an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Chúng ta ý thức sống với cái hạnh, cái nguyện, và với cái tâm thương yêu, bố thí, từ thiện, chân thật, chánh niệm, tĩnh giác… cho nhiều người trên khắp thế gian này.

Khi hiểu và làm được như vậy, chúng ta không những giúp cho mình, người thân, người thương của mình có khả năng nhận diện và chuyển hóa khổ đau và phiền não, mà còn giúp cho cho tha nhân lội vào bờ an vui và hạnh phúc đích thực ngay tại thế gian này.

4. Biển đón nhận tất cả các dòng nước.

Chúng ta biết biển có khả năng đón nhận và dung chứa tất cả các dòng nước sạch, nước dơ, nước bùn, nước mưa…chảy từ hàng trăm ngàn con sông, suối, ao, hồ, v. v… khác nhau trên khắp thế giới này.

Cũng vậy, xưa cũng như nay, giáo pháp của đức Thế Tôn có khả năng không những ôm ấp và hòa quyện được tất cả các học thuyết và triết thuyết ở đời, kể cả các văn hóa, phong tục tập quán, và truyền thống tâm linh khác ở đời, mà còn hóa độ được những vua, quan, quần thần, tôi tớ, người giàu, người nghèo, người da trắng, da đen, da vàng, da đỏ, những người giai cấp cao, giai cấp thấp, kể cả các kỷ nữ, bọn cướp, v.v…

Những ai có đủ duyên lành đến với đạo Phật, tiếp xúc và hành trì lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, thì an lạc và hạnh phúc có thể thấm nhuần và làm mát dịu thân và tâm.

5. Biển không đầy không vơi.

Như quý vị biết tất cả các dòng nước của các con sông, ngòi, ao, hồ…đều chảy ra biển cả, nhưng đặc tính của biển là không đầy không vơi, không ít không nhiều, không cao không thấp.

Cũng vậy, trong đạo Phật, có rất nhiều hạng người khác nhau đến từ các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà tâm linh, nhà tôn giáo, nhà đạo đức, nhà giáo dục, vân vân…

Những ai có đủ duyên lành tu tập, áp dụng, và thực hành Phật pháp trong khoảng thời gian một tuần, hai tuần, ba tuần, một tháng, hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm, ba năm…, thì họ có khả năng cảm nhận và  thưởng thức được hương vị Pháp hỷ và Pháp lạc, giác ngộ, và bình đẳng như nhau trong biển Phật Pháp.

Từ việc thực tập và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày của họ, Phật tánh, Phật tâm, Phật hạnh, và Phật nguyện của họ trở nên bừng sáng. Như vậy, biển được đề cập ở đây có nghĩa là “Phật tánh” có sẵn trong tất cả chúng ta.

Phật, trước hết, có nghĩa là Người tỉnh thức và giác ngộ viên mãn, an vui và hạnh phúc tròn đây, vững chãi và thảnh thơi trọn vẹn.

Tánh có nghĩa là “Tâm.” Khi ta cảm nhận và nếm được pháp lạc nhờ sự hành trì và ứng dụng Phập pháp vào trong đời sống hằng ngày, tâm chúng ta trở nên bừng sáng, và thân ta trở nên an lạc. Chúng ta có khả năng chế ngự phiền não, chuyển hóa khổ đau, và đạt được sự tỉnh thức, an lạc, vững chãi và thảnh thơi ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. “Phật tánh” trong ta hiển bày.

Biển không đầy không vơi” cũng có nghĩa là ở con người thánh “Phật tánh” không tăng, ở phàm “Phật tánh” không giảm.

Điểm này có ý nghĩa khác nhau là vì tâm giác ngộ của ta bị vô minh và phiền não ngăn che, nên chúng ta không thấy được “Phật tánh” rõ ràng. 

Cũng vậy, “Phật tánh” được ví như ánh sáng “Trăng Rằm.” Ánh sáng của trăng Rằm bị mờ không thấy rõ được là vì nó bị mây che khuất.

Muốn thấy được ánh sáng là nhờ gió. Gió thổi thì mây bay, ánh sáng “Trăng Rằm” tự nhiên hiển lộ.

“Gió” ở đây tượng trưng cho sự tu học và hành trì phật pháp. “Mây” chỉ cho vô minh và phiền não.  

Nhờ tu học Phật pháp tinh chuyên, sống đời sống chánh niệm và tĩnh giác, chúng ta có khả năng phá tan màn vô minh và dập tắt phiền não.

Lúc bấy giờ, vô minh diệt thì minh sanh. Chúng ta thấy được “Phật tánh,” ánh sáng tuệ giác trong ta trở nên bừng sáng và hiển bày. Hạt giống giác ngộ trong ta được đánh thức và nẩy mần.

“Phật tánh,” ánh sáng tuệ giác, và hạt giống giác ngộ trong ta không những có khả năng hiến tặng những hoa trái thương yêu và hiểu biết tới số đông, mà còn hiến tặng “cái thấy hòa bình, cái ý nghĩ hòa bình, lời nói hòa bình, việc làm hòa bình, phương kế sinh nhai hòa bình, tinh tấn hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, và sự tập trung duy trì hòa bình[3] cho tất cả pháp giới chúng sanh muôn loài trên quả địa cầu này. 

Hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta có khả năng trở thành những sứ giả hòa bình để đích thực góp phần xây dựng an lạc, hạnh phúc, và hòa bình cho nhiều gia đình, học đường, và cho cả xã hội trên khắp hành tinh này.

6. Nước biển thuần một vị mặn.

Dù tất cả các loại nước mưa, nước sông, nước suối, nước ngọt, nước đục, nước dơ v.v… đều chảy về biển cả, nhưng tất cả đều trở thành nước biển và có một vị mặn duy nhứt. Cũng vậy, trong tất cả các lời dạy của đức Phật và đệ tử của Người, hoặc trong tất cả các phương pháp tu học của đạo Phật, dù bạn tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền, dù bạn tu theo pháp môn Thiền hay Tịnh độ, nhưng giác ngộ và giải thoát vẫn là yếu tố then chốt, an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân vẫn là yếu tố hàng đầu. Trí tuệ, đạo đức, và thiền định đều là những phương pháp tu tập căn bản và thiết yếu cho hành giả ngay tại thế gian này.     

7. Biển nuôi dưỡng các loài thủy tộc.

Trong không gian mênh mông bao la, biển chứa đựng và nuôi dưỡng vô số các loài thủy tộc như tôm cua, cá…

Cũng vậy, trong suốt chiều dài lịch sử gần ba nghìn năm, Đức Phật, người sáng lập đạo Phật, chánh Pháp, và Tăng Đoàn có khả năng dung nhiếp và giáo hóa nhiều hạng người khác nhau trên thế gian này như người trí, kẻ kém trí, người giàu, kẻ nghèo, người có học, kẻ ít học, người thông minh, kẻ kém trí, nhà bác học, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà tôn giáo, kể cả kẻ hốt phân,[4] kỹ nữ, kẻ sát nhân, v.v…

Không có phân chia giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn

Những ai có duyên lành tu, học Phật pháp tinh chuyên, sống đời sống chánh niệm và tỉnh thức, vững chãi và thảnh thơi, thì họ có thể gặt hái được hoa trái an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

8. Biển chứa đựng nhiều loại của quý.

Trong đại dương, có vô số các loại ngọc ngà, châu báu như vàng, kim cương, pha lê, hỗ phách, v. v… Cũng vậy, trong đạo Phật, có vô số các loài chúng sinh được sinh ra từ trứng, từ thai, từ ẩm ướt, và từ biến hóa.[5]

Giữa các loài chúng sinh đó, có vị là bậc tỉnh thức, có vị là bậc giác ngộ, có vị là bậc thánh, có vị là phàm phu, v. v…

Dù chúng ta là những dân tộc khác nhau trên thế giới, nhưng chúng ta có duyên lành tu học Phật, nghe pháp, hiểu pháp, và nếm được hương vị pháp lạc, thì Phật tánh và ánh sáng tuệ giác trong ta trở nên bừng sáng, tâm Bồ đề trong ta trở nên giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy.

Từ việc thực tập và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại lợi ích cho tha nhân, thì chúng ta là những bông hoa tươi đẹp đích thực để làm đẹp cho cuộc đời và giúp đời thêm vui bớt khổ.

Những ai hiểu và làm được như vậy, thì họ xứng đáng được thế gian trân quý như vàng, như kim cương, pha lê, hỗ phách… ngay tại thế gian này.

Thay Lời Kết

Qua những gì thảo luận trên đây, chúng ta thấy những tính đặc thù của biển trong Phật Pháp là tiêu biểu cho những tính đặc thù của đạo Phật, chánh Pháp, và Tăng Đoàn, những người hành giả thực sự thưởng thức được Pháp học, Pháp hành, Pháp hỷ, Pháp lạc, Pháp thành, và Pháp chứng ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Những tính đặc thù này chỉ được tìm thấy trong Đạo tỉnh thức, ngoài Đạo tỉnh thức ra, chúng không dễ gì tìm thấy ở các tôn giáo và các triết thuyết khác.

Mặc dù những tính đặc thù này có mặt trên thế gian này gần ba nghìn năm, nhưng giá trị của chúng rất thiết thực hiện tại, vượt thoát thời gian, phù hợp với khoa học và con người xã hội ngày nay, có khả năng dập tắt phiền não, và đưa hành giả tới an vui và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại.

Khi hiểu, áp dụng, và thực hành những tính đặc thù của biển trong Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách chuyên cần và chánh niệm, thì chúng ta có thể đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.

Kính chúc quý vị an vui trong chánh Pháp.

                                  Thích Trừng sỹ

 

The Specific Characteristics of the Sea in the Buddhadharma

[1]  Xem Tăng Nhất A Hàm – Tám Pháp → 42. Phẩm Tám Nạn → Kinh Số 4

Tiểu Bộ → Kinh Phật Tự Thuyết ↔ Cảm Hứng Ngữ (V – Ud 51) / Xem Khuddhaka Nikaya I V Udàna

Xem http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt2.htm

[2] Xem http://langmai.org/sng-chung-an-lc/thien-ca-lc/thien-ca/303-song-va-bin.html

Và http://my.opera.com/lienngoc08/blog/show.dml/4292988

[3] Xem Bát Chánh Đạo – The Noble Eightfold Path (Sanskrit: āryāṣṭāṅgamārga  / Pāli: Ariya-Atthangika-Magga )

[4]https://lactu.org/2017/05/18/phat-do-nguoi-ganh-phan/ https://nuirungvienkhong.wordpress.com/hinh-anh-vien-khong/cuoc-doi-duc-phat/

[5] http://www.purifymind.com/DiamondSutraConze.htm

Facebook Comments Box

Trả lời