1131 lượt xem

Tập sống với Tâm bình an

Thích Thánh Trí

Đã là con người sống trên cuộc đời này, ai cũng mong muốn mình có được cuộc sống bình an, hạnh phúc. Lẽ dĩ nhiên mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau thì các khái niệm về bình an, hạnh phúc cũng khác nhau nhưng khi nói đến kiếp sống của mình thì ai cũng quan tâm đến cách là làm thế nào để mình được bình an.

Chính vì thế mà hai chữ “bình an” có thể được xem là tiêu chuẩn quý giá nhất trong cuộc sống con người trong xã hội hiện đại. Hằng ngày, qua những thông tin từ ti vi, báo chí hay có thể tận mắt chúng ta nhìn thấy và chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đau buồn và thương tâm liên tục diễn ra: từ trong gia đình ra ngoài xã hội, học đường, từ người nghèo đến kẻ giàu, từ người khôn đến kẻ dại, từ chuyện buồn gần đến chuyện buồn xa. Những chuyện xấu xa tiêu cực không ai muốn nhưng nó xảy ra bất thình lình khiến cho nhiều người không khỏi chạnh lòng trước thăng trầm bỉ cực của thế sự, nhiều người không trở tay kịp, dễ dàng rơi vào tình trạng bất an, khủng hoảng, sợ hãi, bế tắc, sụp đổ…khi những điều trái ý nghịch lòng, chuyện đau buồn bất trắc xảy đến với mình một cách bất ngờ.

Đường đời muôn vạn nẻo, tư tưởng con người muôn lối đi về nhưng có thể nói điểm tựa tinh thần hay đời sống tâm linh chân chánh, có khả năng giúp con người hướng thượng là nguồn an vủi vô biên, là sự khích lệ lớn lao, là niềm động viên cần thiết cho con người giúp họ định hướng cho cuộc đời của họ để có những bước đi vững vàng, thảnh thơi và an lạc trong cuộc hành trình nhân thế.

Như vậy để tập sống cuộc sống bình an thì trước hết chúng ta cần phải hiểu sơ lược về ý nghĩa của sự sống.

Sống đích thực là sự có mặt với chính mình trọn vẹn trong từng giây phút của khoảng khắc hiện tại, bây giờ và ở đây. Người ta thường nói đời người trăm năm nhưng có mấy ai sống được trăm năm và trong khoảng trăm năm đó thì có mấy ai sống trọn vẹn được với chính mình. Trong nhà Thiền gọi tình trạng sống mà sống lay lất, sống với tâm hoang vu vô định, sống mà không biết là mình đang sống, còn khi chết thì chết với một trạng thái không hề hay biết, tỉnh giác bằng một thuật ngữ là “túy sanh mộng tử” (sống như say, chết như mộng). Vì sao gọi là sống như say chết như mộng bởi vvì con người không sống với chính mình, xa rời chân tâm thật tánh của mình, xa rời cái quý giá nhất tiềm ẩn bên trong mình để chạy theo những ảo ảnh huyễn mộng bên ngoài, tìm cầu những điều giả tạm, sống chỉ biết có vật chất, hưởng thụ mà không có chút gì nhân bản, tình thương, sống mà không thấu hiểu được bản chất tự nhiên của vạn pháp mà luôn than trách, hờn giận, đổ lỗi thì tất cả những cảm xúc và tâm hành đó làm cho con người càng đau khổ mà không phải là sự sống đích thực. 

Con người thời nay hay lắm, chuyện gì của thiên hạ cũng hay, cũng rõ; trong khi đó, việc quan trọng là phải tiếp cận, quan tâm, chăm sóc cho trái tim của mình thì mình lại xa rời, bỏ bê và vô tâm với nó. Luôn hướng tâm chạy ra bên ngoài để thỏa mãn với những mong cầu không thật sự cần thiết thì những sự mong cầu này nó sẽ dẫn mình đi lang thang, đi thật xa với tâm mình. Mình là nền tảng của đời mình, mình phải đứng trên đôi chân vững chắc bằng niềm tin đích thực của mình mà con người lại quên lãng, không trân trọng chính mình thì đừng bao giờ hỏi tại sao cứ hết đổ vỡ này đến đổ vỡ khác, hết khổ đau này đến khổ đau khác đến với mình. Đó là những lỗ hổng rất lớn trong đời sống của con người hiện nay.

Tâm chúng ta đôi lúc như một dòng sông êm đềm nhưng có lúc lại nổi lên bao nhiêu phong ba bão táp, cuồng phong phiền não. Có điều là những vọng tưởng đó, những dòng suy tư mênh mang vô định đó nó không thật có mà mình cứ bám víu vào nó và tưởng thật là mình cho nên mình mãi là kẻ nô lệ của tâm thức bất an đó. Kinh điển diễn tả là vọng tâm của chúng ta giống như những cơn sóng lăn tăn trên mặt hồ tỉnh lặng, nó như là khách trọ qua đường, là ảo ảnh chập chờn của những cơn khát khi đi trên sa mạc hoang vắng, nói chung là nó không thật thì chúng ta không nên đồng hóa mình với nó. Ngồi trong thiền đường, trong Chánh điện trong lúc tu tập mình thấy sao mà nhẹ nhàng và an lạc quá, bởi vì chúng ta may mắn được ngồi yên, được nhìn thấy Phật, được nghe lời dạy của Đức Phật, được sống trong nguồn năng lượng dồi dào của đại chúng, trong khi đó biết bao nhiêu con người trên hành tinh này, trong đó có thể có người thân của chúng ta, họ là những người đang bị cuộc đời nó nhồi nhét bao nhiêu kiến thức ô nhiễm, họ đang tiếp xúc và ảnh hưởng bởi rất nhiều độc tố thì chắc chắn đầu óc, hành động của họ sẽ ứa ra rất nhiều năng lượng tiêu cực và những hạt giống khổ đau mà họ không hề ý thức được điều đó.

Đến với đạo Phật là chúng ta phải học cho được những cốt lõi của giáo pháp để chúng ta thiết lập sự cân bằng cho đời sống của mình bởi vì nếu bây giờ mình chưa thực sự sống thì khi nào mình mới sống? Bây giờ mình không có niềm an lạc thì biết bao giờ mình mới được an lạc?

Mục tiêu của người học Phật là ban đầu thì chúng ta cần phải gạn  đục khơi trong, dần dần đến tịnh hóa thân tâm mình để từ đó đem hoa trái của sự tu tập làm lợi lạc chúng sanh, lợi ích cho đời. Chúng ta học Phật là phải ứng dụng lời Đức Phật dạy vào cuộc sống để đi vào đời bằng sự vững vàng của nội tâm chúng ta chứ không phải học Phật, tu Phật là xa lánh cuộc đời, chán bỏ cuộc đời mà ngược lại, người tu Phật càng làm cho cuộc đời tươi sáng hơn, tự tin hơn, an lạc hơn, vững chải hơn.

Oprah Winfrey – người dẫn chương trình nổi tiếng, một ngôi sao truyền hình nước Mỹ đã nói câu nói rất ý nghĩa: “Mục đích cuối cùng của cuộc đời không phải là sự thành công, mà là dùng sự thành công đó để tác động một cách tích cực đến xã hội”.

Sống với tinh thần vì mình vì người thì đời sống chúng ta sẽ có chất lượng và những nhân tố tiêu cực không có cơ hội đẩy mình xuống vực thẳm của phiền não khổ đau.

Như vậy, sự có mặt một cách tươi mát, nhẹ nhàng, điềm tỉnh để thưởng lãm những giá trị nhiệm mầu trong giây phút hiện tại, ý thức được những gì đang xảy ra bên trong tự thân và xung quanh mình, làm chủ đời sống của mình chính là ý nghĩa thiết thực của sự sống mà tu tập cần hướng đến.

Bình yên là được sống với chính mình, thể nghiệm đời sống của mình, có mặt cho người thân, người thương của mình một cách có ý nghĩa.

Bản tính tự nhiên hay tâm hồn nhiên của mình là mình phải mở lòng ra để đón nhận sự nhiệm mầu của hiện hữu, chẳng hạn như ánh nắng mặt trời đang lên, đóa hoa đang nở, những hạt mưa rơi đang nhè nhẹ bên thềm…hồn nhiên và tươi vui quá! Nếu như chúng ta sống được với những giây phút nhẹ nhàng, thanh thản đó thì chúng ta đang thương chính mình, đang thương người thân của mình và đang hiến tặng cho đời trái tim vô giá của sự sống.

Có được đời sống bình yên là phước lành tối thượng, nhưng làm thế nào để chúng ta có được cuộc sống bình yên?

Ngoài việc nổ lực chăm lo cho công việc để thực hiện được ước nguyện của mình ra thì giáo lý đạo Phật dạy chúng ta phải phát triển nội lực cho sâu mạnh, mở rộng dung lượng trái tim của mình ra thì cửa ngỏ bình yên sẽ hé mở cho chúng ta. Cho dù chúng ta học những giáo lý cao siêu hay những lời dạy sâu sắc mà chúng ta không thực tập thì những điều hay lẻ phải đó không giúp được gì cho chúng ta bởi vì tất cả đều là lý thuyết, chúng ta cần phải ứng dụng và thực hành nó trong đời sống của chúng ta.

Tại sao chúng ta cần phải phát triển nội lực?

Nội lực có nghĩa là sức mạnh bên trong của mình hay là còn gọi là sức mạnh nội tâm.

Giáo lý vô thường dạy cho chúng ta biết rằng: tất cả vạn sự vạn vật, từ thân đến tâm chúng ta, muôn hình vạn trạng xung quanh chúng ta liên tục thay đổi trong từng sát na sinh diệt, nó tuần hoàn theo lẽ tự nhiên của vạn hữu. Sự sống thay đổi thì chúng ta không thể bắt buộc những hoàn cảnh bên ngoài nhất định phải chìu theo ý muốn của mình được, chúng ta không thể làm được chuyện đó mà chúng ta phải tập sống tùy duyên thuận pháp. Nếu không có được nội lực vững vàng bên trong thì chúng ta rất khó chấp nhận sự thay đổi, biến thiên đó, mà càng không chấp nhận thì chúng ta càng lâm vào tình trạng bế tắc, căng thẳng và đau khổ. Càng chấp nhận thì chúng ta càng được tự do, bình an.

Có nội lực thì chúng ta có thể ngồi yên với chính mình được, mình không sợ cô đơn, không sợ bị bỏ rơi hay bị quên lãng mà ngồi yên được một mình để quay vào bên trong với chính mình là lúc chúng ta đang trao dồi nội lực của mình để mình có một sức mạnh mà vui sống, để đối diện với những biến cố, những thay đổi xảy ra trong đời sống. Sức mạnh nội tâm rất là quan trọng, nó cho chúng ta biết rằng: ngoại duyên lôi kéo bao nhiêu ta càng phải tự chủ bấy nhiêu. Phiền não trói buộc ta bao nhiêu thì ta phải cương quyết bấy nhiêu, chuyện mình thì mình giải quyết, việc của ta thì ta phải làm, tư duy được như vậy thì dần dần tâm mình tỉnh ra, sáng ra và chúng ta trở nên chủ động hơn trong mọi tình huống. Tâm của mình được lắng yên thì chúng ta sẽ có cái nhìn sáng suốt và đúng đắn. Mà đâu phải tự nhiên mà có được sự lắng yên này, phải trải qua một quá trình công phu thực tập lâu dài mới có được.

Colin Power là Ngoại trưởng Hoa Kỳ thời kỳ Tống Thống Bush đã từng nói rằng: “Một giấc mơ không thể trở thành hiện thực bằng phép mầu. Nó phải đổ mồ hôi với sự kiên trì và nỗ lực”.

Cái gì nó cũng có cái giá của nó, chúng ta đầu tư thời gian và công sức vào sự thực tập bằng cách cung kính Phật, thực hành giáo pháp, biết ơn mọi người, mọi loài để tăng trưởng sức mạnh bên chúng ta thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy sự bình yên là một điều có thật mà chúng ta có thể làm được.

Khi dung lượng trái tim của chúng ta được mở càng rộng thì sự bình yên của chúng ta càng lớn, còn trái tim khô cằn, héo hon, thì đời sống sẽ nghèo nàn, hiu quạnh. Trái tim khô cằn, héo hon có nghĩa là mình chỉ muốn đi tìm hạnh phúc, đi tìm niềm vui cho riêng mình, muốn hưởng thụ một mình thôi thì làm sao mà chúng ta có đủ chất liệu để cảm thông nổi khổ đau, tha thứ những lỗi lầm… của người khác được.

Hạnh phúc có được khi con người thể hiện sự ban tặng, hiến dâng, phụng sự hay sẻ chia cho những người khác những gì mình thấy có ích cho mọi người: sự hoan hỷ, nụ cười, niềm tin yêu, thông tin bổ ích, hành động chân thành trong cách cư xử, cùng nhau giúp đỡ nhau vượt khó…

Mình có tâm từ bi rồi thì ở đâu mình cũng thấy có rất nhiều việc thiện, việc tốt để làm cho dù điều đó rất đơn giản và nhỏ bé nhưng với tất cả tấm lòng thành thì hành động của chúng ta cũng rất ý nghĩa và được trân quý.

Nói tóm, điểm cốt yếu của việc tu hành là chúng ta phải chủ động mọi thứ trong cuộc đời mình để phát huy những giá trị cao quý theo sự chỉ bày và hướng dẫn của Đức Phật. Đừng trách cứ hay xua đuổi phiền não, ngoại duyên bởi vì những yếu tố đó không phải là chủ nhân để nhận chìm mình xuống vực thẳm của khổ đau, sầu muộn… mà chính tâm của mình mới đưa mình đi vào ngỏ tối của sự bất an. Tất cả đều từ tâm và do tâm mình là vậy.

 

Facebook Comments Box