1435 lượt xem

Vài Nhận Định về Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ

Thích Thánh Trí

#1, giới thiệu đôi nét về Đức Phật và Phật pháp:

Đạo Phật được khai sáng bởi Đức Thích ca Mâu Ni và đạo Phật có mặt trên cuộc đời này nhằm phục vụ cho đời sống con người. Trải qua bốn mươi chín ngày đêm thiền quán dưới cội Bồ Đề, Sa Môn Gotama đã chứng ngộ vô thượng đẳng chánh giác. Từ đó, nhân gian tôn xưng ngài là Phật, là Đức Thế Tôn với đầy đủ mười danh hiệu cao quý. Sau khi Đức Phật nhập vô dư y Niết bàn, giáo pháp của ngài được lưu truyền rộng rãi trong thế giới loài người suốt chiều dài gần ba ngàn năm lịch sử nhân loại. Vậy thì vì lý do gì mà đạo Phật tồn tại lâu dài như thế mà không thông qua những con đường bình thường của thế sự hay của nhiều tôn giáo đã áp dụng: quyền uy vương giả, cưỡng ép bắt buộc, bạo lực đe dọa…Đứng về phương diện khách quan, có thể nhận định rằng: sở dĩ đạo Phật tồn tại lâu dài như thế là vì dòng chảy của sự truyền thừa ấy là dòng chảy được đặt trên nền tảng của tinh thần tùy duyên nhi bất biến, tinh thần nhân bản, từ bi bất bạo động và chính những tinh thần này lại được xây dựng, thiết lập trên hệ thống vô tiền khoáng hậu mà không có bất cứ một học phái, tôn giáo nào có thể so sánh được, đó là con đường tam vô lậu học “GIỚI – ĐỊNH – TUỆ” . Lại nữa, đạo của Phật là đạo giúp con người giải thoát khỏi những sự nhiễm ô, cấu uế, bất tịnh trong tâm thức mà chính những tâm lý tiêu cực này là những nhân tố nhận chìm chúng sinh lặn hụp triền miên trong đời sống của bất an, sầu muộn mà triết học, tôn giáo cổ kim đông tây và ngay cả khoa học ngày nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu giúp con người chuyển hóa “sầu, bi, khổ, ưu, não” để tận hưởng hạnh phúc tối hậu ngoại trừ các bậc hành giả là người đã tự chiến thắng chính mình, tự hàng phục được mình và sống với tâm Phật của mình. Lại nữa, đạo của Phật là đạo giúp con người thoát khỏi ngục tù của sự nô lệ tư tưởng hay những ý thức hệ cuồng nhiệt, cực đoan, lỗi thời nhằm mục đích trả con người về lại đúng vị trí của con người để con người tự do chọn lựa và quyết định đời sống, hướng đi, vận mệnh của họ theo mối quan hệ duyên sinh, nhân quả. Lại nữa, đạo của Phật là những lời khuyên chân thành, những lời dạy thiết thực, nói lên sự thật của cuộc đời bao gồm vũ trụ quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan…Và có thể nói thêm rằng, đạo của Phật là đạo của hòa bình, đạo của tình thương yêu nhân loại, tôn trọng sự sống của muôn loài mà không phân biệt giai cấp, chủng tộc.

Giáo pháp mà Đức Phật đã tuyên thuyết, giảng dạy năm xưa được khởi đi từ vườn Lộc Uyển là nguồn sống đích thực vượt thoát thời gian, có khả năng giúp con người hướng đến mục tiêu tối thượng, chuyển hóa mê lầm, lìa khổ được vui ngay trong phút giây hiện tại (Niết bàn có nghĩa là không còn bóng dáng của khổ đau, phiền não). Nêu lên vài phẩm tính tiêu biểu, đặc trưng như vậy thôi cũng đủ để làm nên một đạo Phật cho con người và cuộc đời mà bất cứ ai có nhân duyên cũng đều có thể tiếp nhận, hành trì và gặt hái những kết quả thù thắng như nhau trên bước đường tu học Phật Pháp.

#2, sự tu tập, độ sinh và giáo hóa của Đức Phật:

Đạo Phật là một con đường. Con đường đó là con đường do Đức Thế Tôn tuyên bố và truyền đạt. Cố nhiên con đường ấy không phải là con đường nói suông trên lý thuyết mà là con đường đã được chính ngài thực nghiệm, khảo sát và chứng đắc. Bằng sức tinh tấn vĩ đại và trí tuệ siêu việt trong quá trình tu tập trước khi thành đạo, Đức Bồ Tát Gotama đã tìm ra được ánh sáng giác ngộ giải thoát và ngài đã “TẬN TÂM, MIỆT MÀI” đem con đường ấy giới thiệu đến cho tất cả mọi hạng người, mọi thành phần trong thời điểm Đức Phật còn tại thế tại xứ sở Ấn Độ cổ đại thời bấy giờ. Đức Phật dạy rằng: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” hay là “Trong lộ trình giác ngộ, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, trong đại dương luân hồi, các con là hải đảo của tự thân, hãy tự mình là ngọn đèn trí tuệ cho chính mình, hãy tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình, hãy tự mình cố gắng tinh tấn lên, sự chiến thắng vĩ đại nhất là sự chiến thắng tự thân, Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư”!

Đạo Sư là Thầy chỉ đường. Do đó, địa vị của Đức Phật trong đạo Phật được xem là địa vị của người dẫn đường hay ngài còn được ví như là một vị Thầy thuốc giỏi có khả năng hiểu biết nguyên nhân, cội nguồn của những căn bệnh và có thể chữa lành tận gốc những căn bệnh tâm cho chúng sinh. Nếu người lạc đường không đi theo lối của người dẫn đường thì không bao đến đích được, đó không phải là lỗi của người dẫn đường mà là lỗi của người đi đường. Vị lương y kê toa, cho thuốc nhưng bệnh nhân sợ thuốc đắng hay vì lý do gì đó mà không uống thuốc nên bệnh không lành, đó không phải là lỗi của Thầy thuốc mà là lỗi của bệnh nhân. Vì thế, người đệ tử nương tựa nơi Đức Phật không phải cầu xin ngài ban cho chúng ta những ân huệ bình thường nào đó mà vì chúng ta trân quý và kính ngưỡng đức hạnh, tuệ giác của Đức Phật để nguyện học và thực hành theo những phẩm hạnh cao quý ấy hầu đạt được an lạc, giác ngộ, giải thoát như ngài.

Một học giả Phật Giáo người Anh nổi tiếng tên là Fransis Story đã bày tỏ lòng chân thành kính ngưỡng của ông khi được nương tựa nơi Tam Bảo, ông nói như sau:

“Con đến quy y nơi Đức Phật. Con mong tìm sự hiện diện của Đấng Đại Đạo Sư mà do lòng từ bi của Ngài con được hướng dẫn vượt qua dòng thác lữ của luân hồi, do vẻ mặt thanh tịnh của Ngài con được nâng lên khỏi vững bùn lầy của các tư tưởng tham đắm thế gian, nơi đây con cũng thấy được sự bảo đảm chắc chắn của An Lạc Niết Bàn mà chính Ngài đã đạt được. Trong phiền não đau đớn, con quay về với Ngài, và trong hạnh phúc con tìm thấy ánh mắt trầm lặng của Ngài. Con đặt trước hình ảnh Ngài không những hoa và hương, mà cả những ngọn lửa đang cháy trong tâm con luôn dao động để được dập tắt và lắng êm. Con đặt xuống đây cái gánh đầy của tự kiêu và tự ngã, cái gánh nặng của lo toan và khát vọng, cái khối nhọc nhằn của sanh tử tái diễn không ngừng”.  (Vì sao tin Phật – Hòa thượng K. Sri Dhammananda, Thích Tâm Quang dịch Việt)

Một học giả người Tây Phương khi được tiếp cận, nghiên cứu, hành trì giáo pháp của Đức Phật đã cất lên tiếng lòng cung kính như vậy thì đó quả thật là những viên gạch quý hiếm góp phần xây dựng nền móng Phật Giáo thế giới mà người Phật tử luôn lấy đó làm nguồn cảm hứng về trách nhiệm thiêng liêng của mình đối với Phật Pháp. 

Một trong những ưu điểm vượt trội, siêu việt của đạo Phật so với tất cả những tôn giáo Đông Tây là nền giáo lý đó luôn mở ra nhiều cánh cửa, nhiều phương trời cao rộng giúp từng hạng người tùy theo từng hoàn cảnh, tình huống, khả năng, trình độ nhận thức của mình mà ứng dụng Phật Pháp để dần dần thể nhập chân lý tối hậu. Nội hàm giáo lý đó hổ tương nhau trong quá trình tu tập từ nhân, Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đến Phật thừa. Do đó, lời Phật dạy là kho tàng tri thức giác ngộ vĩ đại, bình đẳng, không hề có sự ngăn cách, giới hạn trên phương diện nghiên cứu, tu tập. Nhà Bác học vật lý người Mỹ gốc Đức tên là Albert Eistien (1879-1955) đã từng khẳng định những câu nói nổi tiếng bất hủ rằng: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”

(The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description).

“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”

(If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).

#3, Phật Giáo truyền vào nước Mỹ:

Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử cho biết rằng: Phật Giáo chính thức truyền vào Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 do sự nổ lực truyền giáo của nam Phật tử người Mỹ tên là Henry Steel Olcott và nữ Phật tử người Nga tê là Petrova Blavatsky. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1960 thì Phật Giáo mới thật sự phát triển và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội nước Mỹ. Sự tiếp nối và phát triển đó là nhờ có nhiều nhà truyền giáo từ Á Châu sang, chẳng hạn như Đại Sư Suzuki người Nhật, Lạt Ma Thubten Yeshe, ngài Kalu Pinpuche người Tây Tạng, Hòa Thượng Tuyên Hóa người Trung Hoa, Hòa Thượng Thiên Ân, Thiền Sư Nhất Hạnh người Việt Nam…Hiện nay chúng ta thấy nhiều tông phái Phật giáo như hệ Nguyên thủy, hệ phát triển, Kim Cương thừa đang cùng tồn tại, phát triển và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội Mỹ. Ngoài những lĩnh vực xã hội ra, Phật Giáo còn đi thẳng vào những môi trường học đường ở Mỹ. Có nhiều Giáo sư đã nghiên cứu Phật học toàn thời gian để giảng dạy cho sinh viên hoặc viết những tác phẩm Phật học rất sâu sắc, logic, khoa học giúp cho nền tảng Phật giáo mang đậm nhiều dấu ấn tốt và khởi sắc nơi chốn học đường ở Mỹ. (tóm lược vài ý trong bài viết: Phật Giáo tại Hoa Kỳ – Thượng Tọa Nguyên Tạng – trang nhà Quảng Đức).

Người Việt tỵ nạn di cư đến Hoa Kỳ bắt đầu từ giữa những năm thập niên bảy mươi của thế kỷ trước và hiện nay hầu như người Việt có mặt ở khắp tất cả các tiểu bang trên đất nước Hoa Kỳ. Ở đâu có người Việt sinh sống thì ở đó có những sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt sự xây dựng và phát triển chùa chiền, tự viện Phật giáo của người Việt tại xứ Mỹ thật đáng kể. Nếu đứng về phương diện số lượng chùa Việt tại xứ Mỹ thì dĩ nhiên là người đệ tử Phật ai cũng vui mừng, tán thán và niệm ân những bậc tiền bối hữu công đi trước cũng như trong hiện tại đã tạo dựng nhiều cơ sở vật chất để truyền bá Phật Pháp. Bên cạnh những thành quả đáng mừng này; không ít các bậc tôn đức chứng minh, lãnh đạo, tu sĩ Phật Giáo, cư sĩ Phật tử xưa nay đều có những khao khát, hoài bảo, những trăn trở, ưu tư, ước vọng về hướng đi của Phật Giáo Việt Nam tại xứ sở Hoa Kỳ này.

#4, Hiện trạng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ:

Ngoài những ngôi Chùa, Tu Viện hoặc trung tâm tu học có tổ chức gia đình Phật tử hay những chương trình sinh hoạt cho giới trẻ ra thì chúng ta thấy hầu hết những người đến tham dự tu học, tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, làm công quả… ở các đạo tràng đều là các vị cao niên lớn tuổi. Trong khi đó, thế hệ của những người trẻ hoặc là sinh ra hoặc là lớn lên, trưởng thành tại đất nước Hoa Kỳ thì lực lượng này chưa thực sự đông đảo trong tổ chức sinh hoạt Phật Giáo (một tổ chức lớn mạnh cần phải hội đủ cả hai yếu tố: số lượng và chất lượng). Thế hệ này là những thế hệ không nằm trong độ tuổi của những em bé theo ông bà cha mẹ đến chùa lúc bé thơ, đồng thời họ cũng không phải là thế hệ của độ tuổi xế chiều mà họ là những người thuộc thế hệ đang sống trong giai đoạn tràn đầy nhựa sống, vui tươi, lý tưởng nhưng cũng không ít áp lực, gian nan, thử thách, phức tạp. Hoa Kỳ và một vài nước tiêu biểu ở Âu Châu là những quốc gia văn minh, tiến bộ, hùng mạnh trên thế giới nhưng ở đó không phải không có những bất an, khủng hoảng, bế tắc từ trong tâm hồn của từng cá nhân cho đến gia đình, xã hội. Biết bao nhiêu vấn đề đang đặt ra trước mắt thế hệ người trẻ mà họ phải bận tâm, chẳng hạn như vấn đề vợ chồng con cái, chuyện cơm áo gạo tiền, công ăn việc làm thay đổi thất thường cho đến những vấn đề về môi trường, truyền thông quảng cáo, về các mối quan hệ xã hội và những cạm bẫy đang cuốn hút họ đắm say vào sự hưởng thụ tiện nghi vật chất một cách thái quá. Đây là những vấn đề thực tế mà họ phải đối diện hằng ngày.

Vậy thì thế hệ trẻ này họ tìm thấy được điều gì nơi chốn chùa chiền, tự viện, trung tâm tu học Phật giáo để giúp họ vừa giải quyết được những vấn đề thực tế cuộc sống mà vừa là cơ hội để họ nuôi dưỡng đời sống tâm linh, gìn giữ gia phong tổ ấm, con cái của họ nơi đất khách quê người? Đến chùa họ sẽ học và áp dụng được những gì cho sự tồn tại và hướng đến tương lai của họ?

Lẽ dĩ nhiên là không ai có thể đáp ứng, làm hài lòng hết được tất cả mọi nhu cầu, mong muốn cho ai ngay cả người thân trong gia đình. Nhưng nếu chùa viện không nắm được thời cơ, không kịp thời định hướng cho sự phát triển Phật Pháp thì chùa viện không còn là môi trường sinh hoạt lý tưởng để thế hệ trẻ nói riêng này gởi gắm tâm hồn của họ vào đó được. Một khi ngôi chùa không phát huy được vai trò của ngôi chùa trong nhiều sứ mệnh, ngôi chùa không giúp được thế hệ trẻ (giới trung niên) những nhu cầu thiết thực, cấp bách của cuộc sống, không thân cận gần gũi với họ thì họ đành phải xuôi theo chuyến tàu của cuộc đời và rất dễ dàng, nhanh chóng để họ đi tìm niềm tin nơi tôn giáo khác.

#5, chia sẻ vài gợi ý nhỏ về định hướng:

Hành trì vẫn là vấn đề then chốt trong sự tồn vong của các đạo tràng. Ngoài hai thời công phu sáng tối, ngoài những bản kinh và văn Sám Hối mà xưa nay Chùa Viện Phật Giáo Bắc Tông trì tụng hằng ngày, các Chùa Viện Phật Giáo cần phải nổ lực phát huy thế mạnh tiềm năng bên trong của mình nhiều hơn nữa. Đó là đưa những bản Kinh có giá trị giáo dục cao, có khả năng trị liệu chuyển hóa, có tính thiết thực hiện tại mà Đức Phật đã giảng dạy cho rất nhiều thành phần từ vua quan cho đến nông dân, từ giới tăng sĩ xuất gia cho đến giới cư sĩ tại gia… vào các thời khóa tụng niệm, các chương trình hướng dẫn Phật tử để họ tiếp cận và cảm nhận sự phong phú của lời Phật dạy. Những nguồn tài liệu này hầu như được tìm thấy rất nhiều trong kinh tạng Pali đã được đức Phật dạy rất phong phú cho nhiều đối tượng từ thời ngài còn tại thế mà cho đến nó vẫn còn mới tinh như ánh nắng ban mai khi mặt trời ló dạng để giúp người học Phật chữa lành những vết thương tâm hồn và mang lại niềm an vui phúc lạc khi áp dụng đúng tiến trình (khế cơ, khế lý). Ví dụ, trẻ em mà được học những bài học về lòng tôn kính Tam bảo, hiếu thảo ông bà cha mẹ; lòng thương yêu muôn loài, giúp đỡ người nghèo khổ; bài học về cách trân quý những giá trị nhiệm mầu mà các cháu đang có trong đời sống; bài học về tính khiêm hạ, biết lắng nghe, tính kiên nhẫn, về lòng tự tin, về cách tự lập…thì lời Phật dạy chẳng khác nào như những dòng nước mát cam lồ rưới vào trái tim các em để rồi những nền tảng tâm linh đó là món ăn tinh thần vô giá luôn nuôi dưỡng, bảo hộ và nâng cánh các em đi vào đời bằng đôi chân vững vàng, đầy nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống. Người lãnh đạo trí thức mà được tiếp nhận những lời Phật dạy về phương thức hộ quốc an dân, phát triển xã hội, ổn định quốc gia thì chẳng khác nào “như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc” (Kinh Di Giáo). Giới trẻ khi mới bước vào đời mà được học hỏi, trau dồi, rèn luyện về những kỹ năng chuyên môn, những kỹ năng sống tích cực; học cách biết chịu đựng, nổ lực vươn lên trên mọi khó khăn, thử thách; biết học tập theo những tấm gương sáng, biết chia sẻ, biết gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống xuất phát từ Bồ Đề tâm (trải lòng thương yêu muôn loài và hướng về con đường thành tựu quả Phật) để rồi những hoa trái ngọt ngào trong cuộc sống luôn đón chào thì lời Đức Phật dạy quả thật là kim chỉ nam định hướng cho giới trẻ trong mọi nẻo đường và từng giai đoạn xây dựng sự nghiệp. Các cặp vợ chồng mà được tư vấn, thực tập những nguyên tắc sống chung; học cách gìn giữ mái ấm gia đình; học cách nhường nhịn, tương kính nhau; học cách ý thức được rằng hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân để mỗi thành viên trong gia đình đều là nhân vật chính, đều có trách nhiệm như nhau nhằm xây dựng đời sống hạnh phúc, thành công thì lời Phật dạy quả là hướng đi chính xác cho cuộc sống hôn nhân gia đình. Tất cả những nội dung liệt kê đại khái trên đây nếu được soạn thảo (tập hợp nhiều nguồn lực trí tuệ Phật giáo) theo từng chủ đề có hệ thống, học thuật, chọn lọc và thuyết phục (từ tiếng Việt, chuyển ngữ sang những ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh) để làm tư liệu giảng dạy, làm giáo trình hướng dẫn, tu tập cho nhiều đạo tràng thì không những người con Phật Việt được hưởng tinh hoa pháp bảo vô giá mà người dân bản xứ (người Mỹ) và các sắc dân trên thế giới (người nước ngoài đang sống tại Mỹ – có tấm lòng quan quan tâm đến Phật Giáo) cũng được lợi lạc không thể nghĩ bàn. Khi có giáo trình song ngữ Anh – Việt với những nội dung tương đối tốt này, các Phật tử giỏi về trình độ Anh ngữ sẽ có rất nhiều môi trường trợ giúp chư Tăng, Ni trong việc giảng dạy, chia sẻ Phật Pháp.

Các chùa viện có tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử thì các chư vị Tăng, Ni trụ trì trú xứ đó nên quan tâm đặc biệt đến nội dung hướng dẫn, sinh hoạt của tổ chức này. Vào những năm giữa thập niên từ 1930 – 1950 (từ Phật tử đồng ấu đến gia đình Phật hóa phổ đến đoàn Phật học đức dục đến gia đình Phật tử), các vị cư sĩ tiền bối (Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là người đứng đầu tổng hợp và sáng lập tổ chức gia đình Phật tử) muốn xây dựng lý tưởng đạo pháp và dân tộc hùng mạnh trong hàng ngũ thanh niên trí thức đặt niềm tin chơn chánh nơi Tam Bảo cũng như để chống lại sự đồng hóa nền văn hóa ngoại lai cùng với việc khắc phục hiện trạng đạo đức suy đồi với lối sống buông thả của đa số thanh niên chạy theo trào lưu Tây hóa thời bấy giờ nên các chư vị đã dày công thiết lập nên tổ chức gia đình Phật tử. Như vậy, tổ chức gia đình Phật tử là môi trường sinh hoạt tốt để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người hữu dụng giúp ích cho đời sống cá nhân, đời sống tập thể và xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo. Những mầm non tương lai của Phật Pháp xuất thân từ gia đình Phật tử mà sau này các vị đó đã trở thành những bậc xuất trần thượng sĩ cũng không ít trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây. Nội dung các huynh trưởng được học tập, truyền trao cho các em đoàn sinh nên chú trọng về mặt thực tiễn, sinh động, súc tích, mang tính cập nhật, thời đại dựa trên nền tảng giáo lý gốc mà không quá sa đà vào những lý thuyết kinh viện bởi vì có những triết lý quá cao siêu, học mà không bao giờ thực hành được ngay cả những vị xuất gia cả một cuộc đời tu tập còn chưa thể dám khẳng định về những trải nghiệm tâm linh đó huống gì là Phật tử. Nếu gia đình Phật tử vừa được học những nền tảng rất căn bản cho đến mở rộng, chuyên sâu mà vừa tham dự thêm các chương trình tu học, thực nghiệm do các chư vị Tăng, Ni hướng dẫn thì gia đình Phật tử đó sẽ có rất nhiều chất liệu tươi mát trong đời sống đạo. Bên cạnh được học hỏi từ các anh chị trưởng, được sự giáo dưỡng của chư vị Tăng, Ni qua nhiều bài học đạo lý vô cùng ý nghĩa, hổ trợ cho việc học tập tại trường lớp, xây dựng tương lai tươi sáng; các em lại vừa có sân chơi lành mạnh trong tổ chức thì các em sẽ không buồn bả, chán nản với tổ chức mà các em đang tham dự. Môi trường cuộc sống bên ngoài có quá nhiều thú vui lôi cuốn, hấp dẫn; tổ chức gia đình Phật tử hay các tổ chức hướng dẫn giới trẻ Phật Giáo không kịp thời và nhanh chóng tìm hướng đi cho thích hợp cho mình để gia tăng chất – số lượng tín đồ thì chẳng khác nào mình có sẳn kim cương ngọc báu trong nhà mình mà mình không nhận thấy được nó và không đem ra sử dụng. Trên đời này không có cái gì là trễ, là muộn, là tuyệt vọng; vấn đề là chúng ta có đủ tầm nhìn để thấy được tổng quan của từng câu chuyện để rồi những tâm hồn cao thượng, những bậc cao minh thức giả, những người đệ tử chân thành, nhiệt huyết của Đức Phật cùng khởi xướng, cùng bắt tay vào thực hiện những sứ mệnh thiêng liêng này thì đó quả là phúc báu lớn lao cho Phật Giáo chúng ta.

Khi nền văn minh khoa học khai sáng và phát triển thì Thiên Chúa giáo không còn là chỗ đứng duy nhất ở Âu Châu, từ đó niềm tin vào Thiên Chúa cũng ngày càng giảm thiểu, nhiều người bỏ đạo và không đi nhà thờ. Trong khi đó, đạo Tin Lành đã và đang đầu tư nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu cặn kẻ tâm lý từng địa phương, vùng miền, văn hóa tập quán… nhằm truyền bá đức tin Thiên Chúa. Thế hệ trẻ Á Châu là những miếng mồi ngon, Châu Á là mảnh đất mầu mở để các giáo phái này tìm cách thuyết phục, cải đạo những con người mới lớn lên đi theo con đường của họ mà chính thế hệ trẻ này cũng rất khó để phân biệt được đâu là chánh đâu là tà. Các thế hệ trẻ bị bỏ rơi, đói khát sự thương yêu từ trong gia đình hay họ chưa được hướng dẫn theo niềm tin tôn giáo nào mà nay họ được các giáo phái này quan tâm, an ủi, động viên, khuyến khích, (thậm chí nhồi sọ, tẩy não về tư tưởng cuồng nhiệt, mù quáng trong niềm tin tôn giáo) thì cũng giống như những người đang trôi dạt trên biển cả mà có tấm phao để bám vào thì họ đành phải ôm nó mà không còn sự lựa chọn nào khác. Nam Hàn là một nước Phật Giáo rất thịnh hành trong quá khứ nhưng giờ đây các giáo phái thuộc Tin lành đã hầu như chiếm ngự đất nước này. Được biết, khi hỏi đến Phật Giáo thì có nhiều người Hàn Quốc cho hay rằng: các Chùa Phật Giáo rất là đẹp, uy nghi, cổ kính nhưng chủ trương của các nhà Sư là muốn thanh tịnh, an nhàn nên phần lớn các Chùa đều nằm vị trí trên núi cao, xa hẳn phố thị. Hơn nữa, người dân không có nhiều thời gian mà khi đến sinh hoạt tại Chùa Phật Giáo thì Kinh điển quá dài, triết lý cao siêu, họ không có khả năng hiểu được. Trong khi đó, Kinh của Tin lành được chọn lọc theo ngôn ngữ hiện đại, gọn gàng, đơn giản, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Người Tin lành họ biết lặn lội tìm đến những ngỏ ngách của người dân, họ biết người dân muốn gì, đang cần điều gì, họ hiểu tâm lý, họ chia sẻ nổi niềm, họ biết lắng nghe, đồng hành cho nên họ đã “vặn trúng đài, đá trúng lưới, đánh trúng huyệt” của người dân và thế là Phật Giáo từ vị trí đa số trở thành thiểu số ở xứ sở Kim chi này. Đây là bài học vô cùng thấm thía để giới Phật Giáo tham khảo nhằm nhìn lại và vạch ra những hướng đi đích thực cho sự phát triển nền Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

#5, đúc kết:

Chư vị Thầy Tổ thế hệ đi trước đã từng nói: “Phật Giáo Việt Nam còn là dân tộc Việt Nam còn, tiếng Việt còn là nền văn hóa Việt Nam vẫn còn”. Tạo dựng những ngôi tự viện, trung tâm tu học để đào tạo những con người có phẩm chất đời sống và năng lực trí tuệ nhằm góp phần vào sự ổn định, xây dựng và phát triển cho xã hội nước Mỹ nói riêng, cho nền hòa bình thế giới nói chung, cho sự nghiệp bảo tồn nền văn hóa Phật Giáo là mục tiêu cao quý, ý nghĩa, cần thiết và vô cùng cấp bách của Tăng – tín đồ Phật Giáo người Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Mỹ. Người Việt định cư nơi đất khách quê người mà đứng vững được đã là điều khó, xây dựng được một ngôi chùa còn khó hơn, đem hình ảnh ngôi chùa, đem giáo pháp Phật dạy vào trong trái tim của mọi người để họ gởi gắm tâm hồn họ vào đó lại là điều vô cùng khó khăn. Tuy vậy, hàng tứ chúng đệ tử Phật mà có nhiều chư vị có tầm nhìn xa thấy rộng, có tâm huyết, năng động dấn thân vào sự nghiệp hoằng hóa, gìn giữ thế hệ trẻ Phật Giáo, truyền trao ngọn đèn Chánh Pháp thì Phật Giáo Việt Nam tại nước Mỹ nói riêng, Phật Giáo trên thế giới nói chung luôn thể hiện được tinh thần nhập thế tích cực của mình, luôn nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp trong xã hội, luôn đóng vai trò gìn giữ nền đạo đức thực thụ và thay thế Đức Phật đem đến cho cuộc đời niềm an lạc hạnh phúc mà Kinh tạng đã ghi lại sự tán dương ngài: “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác.”

 

Facebook Comments Box

Trả lời