1176 lượt xem

Có bảy loại vợ và bảy loại chồng trong lời Phật dạy

Thích Trừng Sỹ

CÓ BẢY LOẠI VỢ HAY CHỒNG TRONG LỜI PHẬT DẠY
Xem Kinh Bhariyā, thuộc Abyākatavaggo (phẩm Không tuyên bố) trong Anguttara Nikāya (Tăng chi bộ kinh) và chuyện tiền thân của nàng Sujāta trong Khuddaka Nikāya (Tiểu bộ kinh).
Một là vợ / chồng như kẻ sát nhân.
Hai là vợ / chồng như người ăn trộm.
Ba là vợ / chồng như người chủ.
Bốn là vợ / chồng như người mẹ.
Năm là vợ / chồng như người em gái / em trai.
Sáu là vợ / chồng như người bạn.
Bảy là vợ / chồng như người phục vụ.
Thứ nhất là, người vợ nào có tâm địa hiểm độc, không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và có tình luyến ái và quyến rũ với người khác. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như kẻ sát nhân.
Tương tự như vậy, thứ nhất là, người chồng nào có tâm địa hiểm độc, không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi vợ mình, quan hệ bất chính với các đàn bà khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh thường vợ, có tình luyến ái, và quyến rũ với người khác. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như kẻ sát nhân.
Thứ hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại, cô ta còn tiêu xài hoang phí tài sản của chồng tạo ra. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như kẻ trộm cướp.
Tương tự như vậy, thứ hai là, người chồng nào không chung lo kinh tế gia đình. Trái lại, anh ta còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của vợ tạo ra. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như kẻ trộm cướp.
Thứ ba là, người vợ nào sống ỷ tiền, tài sản, sắc đẹp, và tài năng của mình, cô ta lười biếng, không có lời từ ái, không có nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, và lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ như người chủ.
Tương tự như vậy, thứ ba là, người chồng nào sống ỷ tiền, tài sản, sắc đẹp, và tài năng của mình, anh lười biếng, không có lời từ ái, không có nhu hòa với vợ mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, và lấn lướt vợ. Người chồng như vậy Như Lai gọi là chồng như người chủ.
Thứ tư là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu toàn cho gia đình và con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người mẹ.
Tương tự như vậy, thứ tư là, người chồng nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ vợ, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của vợ như một người cha lo lắng chu toàn cho gia đình và con cái. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như người cha.
Thứ năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và nâng niu chồng mình như một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em/ chị gái.
Tương tự như vậy, thứ năm là, người chồng nào linh động, năng nỗ, khiêm tốn, và khéo léo, biết chiều chuộng và nâng niu vợ mình như một người em trong gia đình. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như em trai / anh trai.
Thứ sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Cô ta luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người bạn.
Tương tự như vậy, thứ sáu là, người chồng nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, thân mật, hòa thuận với vợ như khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp nhau. Anh ta luôn giữ đức hạnh và thủy chung với vợ. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như người bạn.
Thứ bảy là, người vợ nào luôn mềm dẻo, không nóng tánh, không sân hận. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại, cô ta còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người phục vụ.
Tương tự như vậy, thứ bảy là, người chồng nào luôn mềm dẻo, không nóng tánh, và không sân hận. Dù bị vợ đối xử không đẹp nhưng không nhượng bộ, không tỏ thái độ lỗ mãng và lớn tiếng. Trái lại, người chồng còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục vợ mình. Người chồng như vậy, Như Lai gọi là loại chồng như người phục vụ.
Thông qua những gì chúng ta đã học ngày hôm nay, chúng ta thấy và nhận ra rằng tinh thần giáo dục bình đẳng giữa chồng và vợ trong giáo lý của Đức Phật. Mặc dù những giáo lý này đã được Đức Phật dạy trong một thời gian dài, nhưng chúng có giá trị thực tế vượt quá thời gian cho đến ngày hôm nay.
Nếu vợ và chồng trên thế giới có đủ điều kiện lành mạnh để dành thời gian thích hợp, hiểu, thực hành và áp dụng những lời dạy giáo dục về hôn nhân, cuộc sống của cặp vợ chồng, cuộc sống của người chồng và người vợ, và cuộc sống của gia đình sẽ tràn ngập hạnh phúc.
Thậy vậy, những người đàn ông hay người đàn bà thông minh nên thực tập đức hạnh của những người vợ hay người chồng thứ tư, thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy, nên tránh xa các loại người vợ hay người chồng thứ nhất, thứ hai, và thứ ba. 
Khi thực tâp những lời Phật dạy thuần thục, thì họ chắc chắn sẽ xây dựng hạnh phúc cho gia đình và xã hội tốt đẹp.
Hơn nữa, KINH THIỆN SINH thuộc Trường A Hàm, Phần II, Kinh số 16 tương đương với Trường Bộ Kinh, Kinh số 31 ghi rằng:
Theo lời Đức Phật dạy,
2. Phương Tây tượng trưng cho vợ và chồng
III. Bổn phận người vợ
Này Thiện Sinh, đối với chồng, người vợ có năm bổn phận: 
Một là chăm lo việc nhà gọn gàng và ngăn nắp. 
Hai là niềm nở tiếp đón bạn bè và thân quyến bên chồng. 
Ba là chung thủy với chồng. 
Bốn là giữ gìn của cải vợ chồng làm ra. 
Năm là làm các công việc gia đình nhanh nhẹn và khéo léo. 
IV. Bổn phận người chồng
Đối với vợ, người chồng cũng có năm bổn phận:
Một là thương yêu vợ. 
Hai là học hạnh lắng nghe và nói lời ái ngữ với vợ. 
Ba là tin tưởng vợ. 
Bốn là biết mua quà tặng sinh nhật cho vợ. 
Năm là giao quyền hành và cung cấp những thứ cần dùng cho vợ.
Lễ lạy phương Tây theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là vợ chồng sống chung thủy, biết nhường nhịn, và tin cậy lẫn nhau để xây dựng hạnh phúc và mái ấm cho gia đình. (O)
Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.
.
.
.
Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời