ĐỂ CÓ THỂ BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN VĂN THẠC SỸ PHẬT HỌC
Cấp Thạc sỹ và Tiến sỹ Phật học đã được nhà nước Việt Nam công nhận theo Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học ban hành ngày 09/11/2017, nghĩa là người tốt nghiệp Thạc sỹ Phật học tại các Học Viện Phật Giáo Việt Nam có thể tiếp tục học Tiến sỹ các ngành tương ứng ( triết học, tôn giáo, tâm lý học, quản trị học, văn hóa học, …) ở đại học nước ngoài, người tốt nghiệp Tiến sỹ Phật học có thể giảng dạy các cấp đại học và sau đại học ở đại học bên ngoài dễ hơn. Khi uy tín và đẳng cấp được nâng lên cao hơn thì tiêu chuẩn theo đó cũng phải đặt ra cao hơn. Để có thể bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ, học viên cần phải lưu ý cẩn thận những điều sau :
1/ Khi chọn đề tài để viết nên phù hợp với sở trường, tâm đắc và nằm trong tầm với, trong điều kiện cho phép của mình:
Chọn đề tài thích hợp là yếu tố quan trọng đầu tiên. Phải chọn đề tài làm sao càng đi sâu nghiên cứu, càng viết càng thích thú chứ đừng chọn kiểu lỡ leo lưng cọp, đi tiếp cũng khó mà dừng lại thì không được.
Hơn nữa phải biết giới hạn trọng tâm đề tài cách nào đó để có thể hoàn thành trong vòng 1- 1,5 năm. Nhất là phải cân nhắc tài liệu tham khảo nghiên cứu cho đề tài có thể tìm, sưu tập được.
2/ Về tài liệu tham khảo và trích dẫn, cước chú :
Nên hiểu rõ đâu là tài liệu tham khảo bậc 1, bậc 2, bậc 3. Tài liệu tham khảo bậc 1 là tài liệu gốc, có uy tín nhất đối với đề tài và lĩnh vực nghiên cứu đó. Chẳng hạn đối với đề tài Phật học thì Kinh Luật Luận là tài liệu nghiên cứu bậc 1. Điều này còn tùy thuộc khi chọn đề tài và nghiên cứu với Tạng Pali, Sanskrit hay là Hoa – Hán nữa. Với những khái niệm căn bản, nên để kèm thuật ngữ Pali, Sanskrit, Hán đối chiếu. Đối với luận văn Thạc sỹ thì nên có khoảng 70-75 % là văn của mình tự viết ra, còn lại 25-30% là dẫn chứng. Bởi vì để bảo đảm tính chặt chẽ, thuyết phục thì luận điểm cần có luận chứng, luận cứ đi kèm theo, hoặc “nói có sách, mách có chứng”. Cách ghi tài liệu tham khảo ( tên tác giả, tên sách, năm xuất bản, thành phố, nhà xuất bản,…) như thế nào đó thì căn cứ theo quy định của Trường và Viện đó, cước chú thì ghi rõ số trang xác định vị trí đoạn trích dẫn đó trong bản gốc. Nếu mỗi trang có khoảng 2 dẫn chứng thì cả luận văn (90 – 200 trang) thì cũng có đến khoảng 200 dẫn chứng chứ không ít. Đoạn trích dẫn cần phải sát với luận điểm trước đó, đi vào trọng tâm và không quá dài.
3/ Phương pháp nghiên cứu :
Không phải ghi mục này vào cho có theo thủ tục mà mỗi Luận Văn sử dụng những phương pháp khác nhau để khai triển, nghiên cứu và trình bày cho hiệu quả nhất. Ví đụ đó là phương pháp văn bản học ( sử dụng nhiều văn bản khác nhau), phương pháp phân tích thì sử dụng thường xuyên cách phân tích, phương pháp so sánh thì có nhiều sự so sánh trong luận văn,… Giám khảo trong Hội Đồng bảo vệ Luận Văn Thạc Sỹ sẽ hỏi nghiên cứu sinh đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như thế nào?
4/ Bố cục chặt chẽ, hợp lý:
Trong phần nội dung của Luận Văn có phân ra các chương, thường từ 3-5 chương, các chương này liên kết chặt chẽ với nhau để cùng làm sáng tỏ nội dung đề tài. Tất cả đều có chức năng khác nhau, hỗ trợ cho nhau để cùng hoàn thành chức năng của Luận Văn. Hãy để cho người đọc thấy rõ sự liên kết hữu cơ đó, đừng để chương nào lủng lẳng, tách rời, không ăn nhập với các chương kia và với đề tài.
5/ Văn chương diễn đạt và các biện pháp tu từ :
“Văn dĩ tải đạo”, dùng văn chương để diễn đạt tư tưởng của mình thì phải dùng cho đúng cách và hiệu quả, nhất là phải đúng văn phạm và chính tả, câu thì phải có đủ chủ ngữ, vị ngữ,…phải dùng các biện pháp tu từ để người đọc cảm thấy hay, lôi cuốn và thuyết phục. Những câu cụt, câu què và lỗi chính tả lồ lộ sẽ gây phản cảm và khiến luận văn không đủ tiêu chuẩn.
6/ Tránh “đạo văn”
Bài viết của người khác là tài sản của họ, nếu lấy của họ làm của mình mà không nêu rõ là đang trích dẫn trực tiếp hay gián tiếp thì đó là “đạo văn”, trộm văn người khác làm của mình. Phần câu chữ bị tô đỏ trong phần mềm chống đạo văn, như turnitin chẳng hạn, chỉ là những từ trùng lặp ngẫu nhiên hoặc là những đoạn trích dẫn, thông thường thì tỷ lệ phần trùng lắp ( tô đỏ) dưới 20 %.
7/ Khi trình bày về đề tài trước Hội Đồng để bảo vệ luận văn với giới hạn 20 phút thì nên chuẩn bị chia khung thời gian chặt chẽ :
Lý do chọn đề tài : 1,5 phút
Những công trình khác đã công bố liên quan đề tài : 1 phút
Phương pháp nghiên cứu, những nội dung chính trong luận văn : 1 phút
Kết luận : 1,5 phút
Như vậy là đã cần đến 5 phút rồi, thế thì 15 phút còn lại chia đều cho các chương trong phần nội dung ( mỗi chương trình bày 3-5 phút)
Tuy rằng có chiếu powerpoint trên bảng, nhưng nghiên cứu sinh nên nói thuộc lòng trong vòng 20 phút chứ không nên đứng đọc răm rắp theo powerpoint. Làm sao để có vốn liếng nói về đề tài mình trong vòng 20 phút, vậy đâu phải là quá khó, các giảng sư, giảng viên thường tự giảng tự nói trong 90 phút thì sao?
8/ Khi trả lời câu hỏi :
Nên nhanh chóng kịp thời nghĩ ra ý chính để trả lời chính xác theo câu hỏi giám khảo đưa ra, theo quan điểm, kinh nghiệm và những gì học hỏi, nghiên cứu được trong tầm kiến thức của mình. Nhiều khi giám khảo muốn nghiên cứu sinh phản ứng làm sao trước những câu hỏi bất ngờ để xem đã nghiên cứu chín muồi về đề tài và có vốn kiến thức vững vàng về những gì đang trình bày chưa?
9/ Lời kết thúc của nghiên cứu sinh:
Cho dù là đậu hay rớt, học viên vẫn nên cảm ơn Hội Đồng Giám Khảo đã đóng góp những ý kiến quý báu. Càng góp ý chỉ ra nhiều chỗ sai, chứng tỏ Giám Khảo càng quan tâm đầu tư đọc, suy tư nhiều về sách luận văn của mình. Thà rằng nghiên cứu sinh bị làm khó trong khi bảo vệ luận văn còn hơn là luận văn sau này tồn tại lâu dài và bị độc giả nhiều thế hệ chê bai.
Hãy cảm thông với tư thế giám khảo, ai cũng thương nghiên cứu sinh cả nhưng lương tâm trách nhiệm và bổn phận phải cầm cân nảy mực, giữ đúng tiêu chuẩn, uy tín của nhà Trường, chất lượng phải đi song song với số lượng, buộc giám khảo phải đóng vai “Bao Thanh Thiên”, “công pháp bất vị thân” và “thương cho roi cho vọt”. Nếu giám khảo cho ít điểm hoặc cho rớt đi nữa, tất cả cũng vì thiên chức, vì nhà trường và vì học viên cũng như muốn cho học viên sửa đổi tốt hơn,có những sản phẩm khoa học tốt nhất, truyền bá cái hay, làm tốt Đạo, đẹp Đời.
Tư thế người hướng dẫn như cha mẹ, đàn anh của Học Viên. Họ sẽ thương cảm Học Viên trong những lúc “ lực bất tòng tâm” hoặc họ tự trách mình : tại sao lúc hướng dẫn mình không chỉ ra những chỗ đó cho học viên sửa lại, nếu như vậy thì học viên đâu có khổ sở và rớt như bây giờ. Cái tâm trạng này giống như cha mẹ dắt con cái đi thi. “Thắng không kiêu, bại không nản”, họ sẵn sàng cổ võ tinh thần cho học viên và tiếp tục hướng dẫn cho nghiên cứu sinh sửa luận văn lại theo những chỗ đã được góp ý trong Hội Đồng cho đến khi Luận văn đạt yêu cầu và bảo vệ thành công.
Đây là công việc nghiêm túc, lao động trí óc, đã từng có những luận văn cho dù được duyệt là “đậu” nhưng lại bị quần chúng phê phán và có những tư tưởng lệch lạc, sai trái cho nên việc nghiêm túc và “khó khăn” trong Hội Đồng bảo vệ luận văn thạc sỹ là điều đương nhiên. Nghiên cứu sinh hãy nghiên cứu say mê nghiêm túc, có nhiều sáng tạo, hãy tự tin, hãy có những đóng góp trên lĩnh vực nghiên cứu học thuật, hãy biết chấp nhận những lời phê bình đóng góp, nếu có ngã cũng nên vươn vai đứng dậy. Tất cả chưa phải là kết thúc mà là bắt đầu mở ra trang sử mới đời mình với sự trưởng thành, hội nhập vào dòng đời, để sống tốt hơn và góp phần bồi đắp cho thế giới này thêm Chân Thiện Mỹ.
23/03/2021
Thích Đồng Trí
HỌC ĐẠO VÀ THI CỬ
Nếu Bạn hỏi : học Đạo sao thi cử?
Học Đạo sao còn phải bị kiểm tra?
Sao hành hạ thuộc từng câu từng chữ?
Thầy từ bi xin buông nhẹ, thứ tha.
.
Nếu Bạn nghĩ xuất gia nay dễ dãi
Bạn nhìn xem họ bó gối, gãi đầu
Khi xuất gia, mọi Tăng Ni đều phải
Học và Tu, nào có phải chơi đâu?
.
Nếu Bạn nói : Tu cần chi Học Vị?
Tu cần chi qua trường lớp cho nhiều?
Nhưng người tu cần nên huấn luyện kỹ
Nếu lơ mơ thì lợi ích bao nhiêu?
.
Nếu Bạn trách giảng viên sao khó chịu
Ra bài nhiều, ôn học thức thâu đêm
Khi làm Thầy, một mai kia, Bạn hiểu
Phương tiện nào cho đệ tử tiến thân.
.
Có Từ Bi phải đi đôi Trí Tuệ
Giáo bất nghiêm Sư chi đọa – rành rành
Dễ dãi quá khiến học trò sinh tệ
Vậy làm sao cho Đạo Pháp xương minh?
.
Học và Ôn, kiểm tra cho thấu đáo
Kiến thức này cho Bạn, chứ cho ai?
Văn Tư Tu, làm sao cho tỏ Đạo
Đâu dễ duôi, cần bền chí miệt mài.
.
Khi họ muốn làm Kỹ Sư, Bác Sỹ
Bao công phu tích tụ tháng năm ròng
Muốn giác ngộ, vượt luân hồi sanh tử
Đâu thể nào dễ dãi chút là xong?
.
Bạn nhìn thấy bao Giảng Sư Học Viện
Đều trải qua trường lớp, học và thi
Vì đại nguyện hãy dốc mình tinh tiến
Bạn viết nên những câu chuyện thần kỳ.
.
Có mài giũa thì ngọc kia mới sáng
Tôi luyện nhiều, thép cứng cáp tuyệt vời
Bao thử thách, hãy vươn lên, đừng nản
Qua mùa đông, hoa khoe sắc thắm tươi.
.
Khổ Hạnh Lâm còn nêu gương Đức Phật
Bao Tổ Sư thân mạng chẳng xá gì
Thà chịu đổ mồ hồi trong học tập
Còn hơn là rơi lệ giữa phòng thi.
Thích Đồng Trí