Thường thì khi chưa có, thiếu thốn mọi bề thì người ta chỉ tập trung cho những vấn đề căn bản của cuộc sống như cơm áo gạo tiền. Khi đã đủ đầy, có được nhiều thứ thì người ta bắt đầu xét lại các giá trị, tinh tuyển, đánh giá xem cái gì mới thực sự hiếm có, khó được. Thế nên một vị Thiên tử hưởng phước báo sung mãn của cõi trời, khi xem xét thế gian cũng phân vân không biết những gì là khó được nhất?
Thực ra, quan niệm về ‘những gì là khó được’ tùy thuộc vào nhận thức, quan điểm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Có thể một vật hay sự việc là quý hóa, khó được với người này nhưng lại bình thường với người kia và ngược lại. Theo quan điểm của Thế Tôn thì ‘Làm chủ mà nhẫn nhục/Không của mà muốn thí/Gặp khó mà hành pháp/Phú quý tu viễn ly’ là khó làm và khó được nhất trong cuộc đời.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:
Tất cả tướng ngăn che
Biết tất cả thế gian
An úy, vui tất cả
Cúi xin Thế Tôn nói
Thế nào là thế gian
Những gì khó được nhất?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Làm chủ mà nhẫn nhục
Không của mà muốn thí
Gặp khó mà hành pháp
Phú quý tu viễn ly
Bốn pháp ấy như vậy
Thì đó là rất khó.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Mau đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1293)
Pháp thoại đã xác quyết quan điểm của Thế Tôn về những điều khó được trong cuộc đời. Thì ra những điều mà chúng ta nguyện phấn đấu cả đời để mong thành tựu như sự nghiệp, danh vọng thì cũng có giá trị đấy nhưng không phải là điều khó được.
Theo Thế Tôn, cái khó thứ nhất là ‘Làm chủ mà nhẫn nhục’. Chủ cả là bề trên nên đi liền với cái ngã to tướng, chủ thì có bao giờ sai nên không vừa ý liền phẫn nộ. Người chủ mà biết nhẫn nhịn hòa đồng, tôn trọng và yêu thương thuộc cấp, biết lắng nghe góp ý xây dựng… là khó.
Cái khó thứ hai là ‘Không của mà muốn thí’. Có của mà biết cho đi tuy đã khó nhưng còn dễ. Còn người có rất ít mà vẫn cho đi mới thực sự dõng mãnh, vĩ đại. Tâm thí xả của những vị này đã đạt đến vô lượng, cho đi quên cả bản thân mình.
‘Gặp khó mà hành pháp’ là cái khó thứ ba. Người ta thường bị hoàn cảnh chi phối ‘bần cùng sinh đạo tặc’. Khi đói khát, khốn khó, cùng quẫn thường khiến con người quên hết đạo lý và các giá trị nhân văn (người) mà chỉ còn lại cái bản năng sinh tồn (con). Trong thời loạn, mọi thứ dường như đảo ngược ấy, người nào vẫn trung kiên với các giá trị đạo đức, luân lý thật hiếm hoi và đáng trân quý.
Cái khó thư tư là ‘Phú quý tu viễn ly’. Giàu có mà không sa vào hưởng thụ các thú vui trần tục. Chỉ có những người có phúc báo lớn đồng thời có trí tuệ và từ bi mới làm được điều này. Người giàu trên đời thì rất nhiều, mỗi người hưởng cái giàu của mình một cách khác nhau. Giàu mà sống giản dị, dành thời gian và tài sản để làm lợi cho người quả là khó.
Thế nên những cái khó được ở đời nếu nhìn kỹ thì ta có cũng khá nhiều. Khó được mà người khác vẫn làm được luôn là tấm gương sáng, một bài học lớn để chúng ta kính trọng, học tập và noi theo.