1052 lượt xem

Học Phật ở Mỹ rất tốc độ

Thích Pháp Cẩn

Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo rất nhiều. Hơn nữa, những tác phẩm Phật Giáo về sau, mà đặc biệt là của các chuyên gia Phật Học viết bằng tiếng Anh hiện tại rất chất lượng, đa chiều, có phản biện, và dồi dào số lượng. Làm sao để có thể học tập một cách bài bản, có hệ thống (systematic) số lượng khổng lồ tài liệu Phật Giáo là điều quan trọng.
Trong một số tu viện (không phải tất cả tu viện), có nguy cơ học không đủ, nếu không nói là thiếu chuẩn mực tối thiểu. Một người dạy trăm người là kém hiệu quả theo quan điểm giáo dục Tây Phương, huống hồ người ấy còn lo trăm việc của trụ trì: quan hệ Phật Tử, thời khoá, nghi lễ cầu siêu cầu an… Huống hồ người ấy còn đi bốn bể. Huống hồ người ấy dạy không phải một trăm mà nhiều trăm…
Trong một số chùa có khi thầy trụ trì giảng một bộ kinh cả năm trời, có khi vài năm.
Có lần nhiều năm trước, khi học về giới luật trong một tu viện mà chỉ học được 2 trang trong cuốn sách là hết giờ trong buổi đó, mình sốt ruột thưa nếu cứ tiếp tục như thế này thì chắc phải mất 10-20 năm mới học xong cuốn này…Cơ bản là coi như không có hệ thống giáo dục. Mình đã xin đi.
Mình thích cách tiếp cận của Mỹ khi học Phật. Theo quan điểm giáo dục Mỹ thì phải tuyển đầu vào hẳn hoi. Nếu trong lớp mà 10 người giỏi và 3 người kém thì không dễ người giỏi kéo người kém lên mà người kém kéo người giỏi xuống rất dễ. Đó là lý do học đường Mỹ thường tách người giỏi ra đào tạo riêng. Chất lượng giáo dục Hoa Kỳ rất khác biệt. Có trường trung bình, rồi trường khá, rồi tốt, và cực tốt. Trong một trường, dù là trường trung bình, vẫn thường có khoa dành cho sinh viên giỏi (Honors Program–cử nhân tài năng hay kĩ sư chất lượng cao như Việt Nam gọi) Họ không tuyển kiểu ai vào cũng được như tu viện trong chùa. Đây là một khác biệt.

Khác biệt nữa là nó dạy rất nhanh và áp lực. Gần như mình không thể so sánh tốc độ học tập Phật Giáo khi mình ở một tu viện ngày trước với chương trình học Phật bên Mỹ. 100 lần? Ví dụ là vị trụ trì giảng Lâm Tế thì mất một mùa đông, 3 tháng. Đây là vị này rất giỏi và giảng nhanh chứ nhiều chùa thì còn giảng lâu hơn nữa. Còn các mùa khác thì không giảng kinh kệ. Bên Mỹ, hồi học cấp cử nhân thôi bên Florida, gs bắt đọc hết cuốn về tổ Lâm Tế bằng tiếng Anh trong 1 tuần! Kinh quan trọng và dày hơn như Pháp Bảo Đàn của ngài Huệ Năng thì gs cho 2 tuần, tuần đầu đọc bối cảnh xung quanh Kinh này và tuần sau thì đọc vào kinh. Rồi viết bài gửi cho ổng. Đây chỉ là một lớp thôi. Mỗi học kì phải học mấy lớp. Theo kiểu Mỹ thì căng thẳng stress cần phải có để tăng năng suất. Cái này có cái hay mà tu viện không có. Học mà không áp lực thì 10 năm chả dễ tiến được. Áp lực khủng nhưng nếu theo nổi thì sau này sẽ khá lên. Không theo nổi thì phiền lắm. Mặt trái của giáo dục kiểu Mỹ thì cũng rõ ràng. Năm ngoái 2018, gs có thông báo trường đã mất một sinh viên. Chàng ta tự tử. Thật buồn.

Theo cách học khủng khiếp áp lực này thì mới mong hiểu về Phật Giáo đủ rộng và sâu. Tất nhiên là cần phải bỏ ra cả thập kỉ trời học Phật kiểu Mỹ này mới tạm đủ vì như đã nói, Kinh sách Phật Giáo trùng trùng điệp điệp…

Facebook Comments Box