1781 lượt xem

Giới Thiệu Vài Cuốn về Cuộc Đời Đức Phật và Tổng Quan Phật Giáo

Thích Pháp Cẩn

Có Phật Tử người Việt hỏi muốn học Phật Giáo mà không biết bắt đầu cuốn sách nào.
Mình sống nước ngoài cũng lâu năm rồi nên thực sự không rành về nhiều sách Phật Giáo bằng tiếng Việt. Mình không thấy sách nào đủ hàn lâm và cập nhật để học tập (có thể có mà mình không biết).
Theo chuẩn của Tây Phương thì tài liệu hàn lâm có 2 đặc điểm. Thứ nhất là được viết bởi một tác giả hàn lâm, tức có bằng tiến sĩ về Phật Giáo (ở một trường khá uy tín thế giới, thí dụ trong top 300) hay chuyên ngành liên quan. Thứ hai là tài liệu ấy nên được cập nhật. Trong lĩnh vực Phật Giáo, tài liệu ít được cập nhật nên có thể châm chước học tài liệu cũ một tí so với lĩnh vực nhân văn nhìn chung (nhân văn chấp nhận tài liệu cũ hơn khoa học xã hội, lĩnh vực chấp nhận cũ hơn khoa học tự nhiên). Tuy vậy, không nên dùng tài liệu quá cũ vì có một số cập nhật, nghiên cứu mới. Trong nhân văn, thường dùng tài liệu trong khoảng 10 năm. Phật Học, tuy thuộc nhân văn, nhưng có châm chước nên trong khoảng 15-20 năm có thể chấp nhận được. Tất nhiên nếu có tài liệu mới hơn thì hay hơn. Nếu tài liệu cũ nhưng chưa có tài liệu mới hơn hay tài liệu mới không đủ độ tin cậy cao hơn thì phải dùng tài liệu cũ thôi.Sách Phật Học cơ bản tiếng Việt về cuộc đời Đức Phật có cuốn Ánh Đạo Vàng. Ưu điểm cuốn này là mỏng nên đọc nhanh. Nhược điểm là đã được viết lâu rồi. Cuốn Đường Xưa Mây Trắng có ưu điểm là diễn tả Phật giống với con người, gần gũi với người hơn thần linh. Nhược điểm là hơi dầy, đọc mệt với những ai lười đọc. Một nhược điểm nữa tuy nó mới hơn Ánh Đạo Vàng nhưng Đường Xưa Mây Trắng vẫn là cũ vì đã được viết hơn 30 năm rồi.Về tổng quan Phật Giáo cũng nên đọc một cuốn nào đó. Trong khoa học, khi học về Tâm Lý Học hay Xã Hội Học…thì trước tiên phải học về Đại Cương môn đó, thí dụ Đại Cương Tâm Lý Học (Introduction to Psychology), trong đó mô tả những lĩnh vực mà Tâm Lý Học nghiên cứu như Clinical Psychology, Psychopathology, Neuroscience, Social Psychology,…sau đó dần dần người học mới đi vào học từng môn cụ thể. Cũng như thế, trong Phật Học cần học một cuốn Đại Cương về Phật Giáo. Nói thật thì cả tiếng Việt và Tiếng Anh không dễ kiếm một cuốn kiểu này. Có lẽ phải học vài cuốn mới nắm được căn bản, tóm tắt Phật Giáo nói về những vấn đề gì.
Tiếng Việt có thể học hai cuốn là Trái Tim Của Bụt của thiền sư Nhất Hạnh. Ưu điểm cuốn này là thiền sư là nhà thần học Phật Giáo uyên thâm nên lý thuyết và thực hành ngài chuyển tải, dồn nén trong cuốn sách. Ngài dạy không chỉ lý thuyết mà còn có tính ứng dụng. Nhược điểm cuốn sách này là sách cô đọng nên người sơ cơ cần đọc nhiều lần mới tiêu hoá được. Nhược điểm thứ hai là sách phản ánh sinh hoạt, tu tập, và phương pháp Làng Mai, một truyền thống thiền nguyên thuỷ Phật Giáo. So với yêu cầu sách tổng quan Phật Giáo, cuốn này có hạn chế này vì thiền Làng Mai cũng chỉ là một nhánh của thiền thôi, trong khi đó thiền với dân Việt có lẽ chỉ 1%-10% người theo thôi. Tuyệt đại đa số dân Việt theo Tịnh Độ. Nên cuốn này hơi khó đáp ứng tiêu chí đề ra. Một nhược điểm nữa là cuốn này đã được viết gần 30 năm rồi, khá cũ. Cuốn thứ hai Phật Học Khái Luận khắc phục được yếu kém của cuốn kia là Phật Học Khái Luận trình bày khá khách quan về tổng quan Phật Giáo mà không chỉ đại diện cho một nhánh Phật Giáo nào. Cuốn này cũng không chắc mới hơn Trái Tim Của Bụt, cuốn sách chứng tỏ sự tiêu hoá Phật Pháp và sự cô đọng nhuần nhuyễn hơn Phật Học Khái Luận. Hai cuốn có thể bổ sung cho nhau. Có lẽ nên đọc Phật Học Khái Luận trước rồi mới đến Trái Tim Của Bụt. Một mặt hạn chế nữa của 2 cuốn này là cả hai đều không trình bày tổng quan Phật giáo dưới dạng lịch sử tự cổ chí kim và dạng địa lý từ Á sang Âu mà một số sách Phật Giáo tiếng Anh có đề cập (viết ở dưới). Tuy vậy, Ánh Đạo Vàng, Đường Xưa Mây Trắng và Phật Học Khái Luận lẫn Trái Tim Của Bụt là các tác phẩm tiếng Việt mình gợi ý các bạn nên học để đi vào Phật Giáo bài bản hơn, nền tảng hơn trong tương lai.
Tài liệu tiếng Anh về cuộc đời Đức Phật mình xin gợi ý các bạn đọc một số cuốn.
1. Old Path White Clouds là sách tiếng Anh của Đường Xưa Mây Trắng.2. The Buddha: A Beginner’s Guide của tác giả John Strong người đã lấy tiến sĩ Phật Học ở the University of Chicago lừng danh, nơi chuẩn mực hàn lâm được đặt lên mức cao nhất. Sách xuất bản năm 2009, vẫn còn tương đối mới.

3. From Stone to Flesh: A Short History of the Buddha là cuốn sách đáp ứng nhiều tiêu chí hàn lâm. Tác giả Donald Lopez, lấy tiến sĩ về Phật Giáo ở the University of Virginia, là chuyên gia lớn về Phật Giáo và Khoa Học, về Phật Giáo Tây Tạng… Cuốn này xuất bản năm 2013, còn mới, do nhà xuất bản Đại học Chicago (the University of Chicago Press), một nhà xuất bản uy tín hàn lâm hàng đầu thế giới. (Xin mở ngoặc đơn, sách Phật Giáo bằng tiếng Việt ít được nxb hàng đầu thế giới ấn hành lắm).

4. The Life and Teachings of the Buddha According to the Oldest Texts của Allan R. Bomhard. Đây là cuốn sách đồ sộ, đến 800 trang. Nhược điểm là tác giả tuy có học vài đại học ở Hoa Kỳ nhưng không biết có lấy bằng tiến sĩ chưa? Ưu điểm là sách này rất mới, xuất bản năm ngoái 2018. Cuốn này là cầu nối giữa cuộc đời đức Phật và tổng quan Phật Giáo vì sách trình bày cả hai.

Về tổng quan Phật Giáo, mời các bạn tìm đọc các sách sau, tạm xếp theo thời gian dù không chính xác lắm:

The Heart of the Buddha’s Teachings của Thich Nhat Hanh. Đây là cuốn sách dựa trên Trái Tim Của Bụt nhưng được trình bày logic hơn.

2. A Concise History of Buddhism của Andrew Skilton người giảng dạy ở Đại học Oxford lừng danh. Cuốn sách có nói về bối cảnh của Ấn Độ trước Phật Giáo rồi mới đến Phật Giáo ở Ấn Độ rồi chuyển qua Đại Thừa, rồi Phật Giáo nhiều nước Á Châu. Nhược điểm là sách chưa đề cập về Phật Giáo Tây Phương, mà lẽ ra cần sơ lược tóm tắt, cũng như sách hơi cũ chút xíu: xuất bản đầu tiên năm 1994, tái bản có chỉnh sửa 1997, tiếp theo là 2004. Không biết có tái bản mới hơn không?

3. The Foundations of Buddhism của Rupert Gethin. Tác giả hàn lâm này lấy tiến sĩ Phật Học ở Đại học Manchester. Bản thân mình rất thích cuốn này. Sách chỉ ra sự khác biệt giữa Đức Phật lịch sử và Đức Phật huyền thoại. Chuyện này quan trọng với Phật Tử Việt vì dân Việt có lẽ đến hơn 95% biết Đức Phật huyền thoại chứ ít ai biết Đức Phật lịch sử. Điều hay nữa là sách hướng dẫn về các pháp số thần học Phật Giáo. Chương cuối có nói về Phật Giáo vài nước Á Châu. Nhược điểm là cuốn này không còn mới cho lắm (1998). Tất nhiên là đọc vẫn rất lôi cuốn mà vẫn giữ tính hàn lâm.

4. The Story of Buddhism: A Concise Guide to Its History and Teachings của Donald Lopez, tác giả hàn lâm nổi tiếng đã giới thiệu trong bài này. ưu điểm là sách có nói về Vũ Trụ Quan. Nhược điểm là sách không dày nên không quét được nhiều chủ đề mà chỉ xoáy vào Phật, Pháp, Tăng, cư sĩ, giác ngộ. Một nhược điểm nữa là hơi cũ, viết ra năm 2001. Sách này nên đọc đầu tiên vì khá cơ bản, ngắn gọn nhưng không kém phần hàn lâm.

5. An Introduction to Buddhism của Đức Dalai Lama. Tác giả nổi tiếng nhất của thế giới Phật Giáo. Sách cũng không cũ lắm (2004) và có ưu điểm là mỏng, dưới 100 trang nên đọc đầu tiên cho ai chưa biết Phật Giáo tổng quát. Nhược điểm là tác giả tuy rất nổi tiếng và có vài chục bằng tiến sĩ danh dự nhưng chưa có bằng tiến sĩ ở trường uy tín. Hơn nữa, tác giả viết bằng tiếng Tây tạng dịch ra Anh ngữ. Cuốn này không hoàn toàn tóm tắt Phật Giáo được nhiều vì giới hạn số trang.

6. Buddhism The Ebook: An Online Introduction của Charles Prebish và Damien Keown, hai gs Đại học Mỹ. Sách này chương đầu nói về bối cảnh trước Phật Giáo như về văn minh thung lũng Indus, về văn hoá Vệ Đà (Vedic), rồi nghiệp và vũ trụ quan của người Ấn. Rồi mới đến Pcuộc đời Phật rồi tôn giáo này ở Ấn Độ với những pháp số quan trọng mà căn bản. Sách cũng nói về sự phát triển phật giáo ở Ấn Độ phân chia nhiều bộ phái ra sao. Rồi qua Đại Thừa với các trường phái quan trọng. Có một chương cho thiền khá dài kế tiếp, từ thiền nguyên thuỷ đến zen kiểu Đại Thừa. Một điều hay nữa là sách nói về Phật Giáo ở Đông Nam Á, rồi Đông Á, rồi ở Tây Tạng. Sách còn chuyển qua Phật Giáo Hiện Đại ở Tây Phương với phong trào Phật Giáo Dấn Thân. Đạo đức học Phật Giáo cũng được bàn đến. Chương cuối bàn về Phật học ở Châu Âu và ở hoa Kỳ thời kì đầu, rồi chuyển sang Phật Học Hoa Kỳ hiện tại. Sách gần 400 trang. Là cuốn sách mình rất thích vì quét nhiều chủ đề Phật Giáo đúng là tổng quan, tự cổ chí kim, từ đông sang tây, từ thần học Phật Giáo cho đến vai trò công nghệ trong nghiên cứu Phật Giáo. Sách cũng không cũ lắm (2005) nên đây là cuốn sách nói chung đáng giới thiệu. Tuy vậy, lượng thông tin hơi nhiều nên đọc một đôi cuốn trên trước khi học cuốn này cũng là cách hay.

7. What the Buddha Taught của tác giả hàn lâm Richard Gombrich, người lấy tiến sĩ Phật Học ở Oxford và giảng dạy ở đây nhiều thập kỉ. Với mình thì ông là tác giả hàng đầu của Phật Học. Sách nói về bối cảnh trước khi có Phật Giáo. Sách chú trọng vào các pháp số, và không giới thiệu đến Đại Thừa hay Phật Giáo các vùng khác. Sách mới (2009) với 250 trang nên đây là cuốn sách nên đọc đầu tiên để có khái niệm và đủ tính hàn lâm. Một lưu ý là cần phân biệt sách này với sách cùng tên nhưng khác tác giả, What the Buddha Taught của Walpola Rahula, đã xuất bản cũ rồi (năm 1959).

8. World Religions: Buddhism của tác giả hàn lâm nữ Madhu Bazaz Wangu, người đã lấy tiến sĩ và giảng dạy Phật Giáo ở University of Pittsburgh. Sách có 150 trang nên khá dễ đọc. Sách có nói ngắn về đời Phật, sự lan truyền tôn giáo này, sự đa dạng Phật Giáo, và có phần nghệ thuật Phật Giáo cũng như Phật Giáo ngày nay. Một điều hay nữa là sách có rất nhiều ảnh minh hoạ sắc màu đẹp, cứ 1 đến 2 trang là có ảnh lớn. Sách dùng cho trẻ em chắc thú vị dù không kém phần hàn lâm. Sách còn mới (2009) nên xin trân trọng giới thiệu.

9. Buddhism: the basics của Cathy Cantwell người đã lấy tiến sĩ ở University of Kent và dạy ở Oxford vài thập kỉ. Cuốn sách này có ưu điểm là khá mỏng, 180 trang. Sách chỉ có vài phần chính là Đức Phật và gốc rễ của truyền thống Phật Giáo, Giáo Pháp, di sản văn bản và truyền miệng, Tăng, và phần cuối là các truyền thống chính Phật Giáo. Cuốn xuất bản khá mới (2010) nên dành cho người chưa biết nhiều về Phật Giáo.

10. An Introduction to Buddhism: Teaching, History and practice của tác giả hàn lâm Peter Harvey, tiến sĩ Phật Giáo ở Đh Lancaster bên Anh, dạy đại học về Phật Giáo. Sách do nhà xuất bản uy tín Cambridge ấn hành. Sách nói về bối cảnh trước Phật Giáo ở Ấn Độ, rồi Phật Giáo Ấn, rồi Đại Thừa, rồi sự phát triển và lan đi của Phật Giáo ở Á Châu có Việt Nam. Có nói về sự thực hành Phật Giáo, Đạo Đức Phật Giáo, Rồi Phật Giáo ra khỏi Á Châu với sự ảnh hưởng của văn chương, triết học, và tâm lý học. Sách mới (2013), xứng đáng được giới thiệu cho nhiều người.

11. Buddhism: An Introduction của tác giả hàn lâm John Strong, đã giới thiệu trên, lấy tiến sĩ Phật Giáo ở the University of Chicago lừng danh. Không có thời gian nên mình chỉ viết là cuốn sách rất đồ sộ (900) trang này có nhiều điều tổng quan, có cả Phật Giáo Việt. Sách rất hàn lâm lại rất mới (2015) nên xin trân trọng giới thiệu. Có lẽ vì sách dầy nên người đọc nên đọc một vài sách trên trước khi vào cuốn này.

Facebook Comments Box

Trả lời