1484 lượt xem

Ý kiến và nhận định trên con đường hoằng pháp nơi Hải Ngoại

HT. Thích Nguyên Siêu

Ban Truyền Bá Giáo lý Hoa Kỳ: Ý kiến và nhận định trên con đường hoằng pháp nơi Hải Ngoại

Sau khi thành đạo dưới gốc cây Giác ngộ, Đức Thế Tôn đã dùng Phật nhãn quán chiếu khắp căn cơ của con người. Có người thuộc hạ căn hạ trí. Có người thuộc trung căn trung trí. Có người thuộc thượng căn thượng trí. Nhưng cuối cùng căn nào có tu thì đều thành Phật. Như ao sen xanh, vàng, trắng có nụ sen còn ở trong bùn. Có nụ sen còn ở trong nước. Có nụ sen đã thành hoa ra khỏi nước, vượt lên khỏi nước hít thở không khí trời và khoe hương tỏa sắc làm đẹp cuộc đời.

Sau khi hứa khả lời thỉnh cầu của vị Thiên Sahampati, Đức Thế tôn đã lên đường hóa độ, và kể từ thời gian ấy, trên thân ba tấm y, một chiếc bình bát, một đẩy lọc nước, một túi kim chỉ, một cây tích trượng để dò nước nong sâu mà đi. Đức Thế tôn đã lên đường hóa độ. Hóa độ từ thị thành đến thôn quê. Từ phố xá đến làng mạc xa xôi hẻo lánh. Đi để làm an lạc, lợi ích cho con người và chư thiên, cho các loài bàng sanh, địa ngục. Không từ nan bất cứ nơi nào, không chọn lựa bất cứ ai, con người hay loài vật, đều được hóa độ, để quay về con đường chánh pháp. Có duyên lành. Có thiện tâm. Có tâm tưởng Phật. Nhớ nghĩ về Phật thì tánh giác ngộ đều được hiển bày.

Hôm nay, Hội Đồng Hoằng Pháp có một cơ chế là Ban Truyền Bá Giáo lý được thiết lập để nương tựa cùng nhau mà đẩy bánh xe pháp lăn trên mọi nẻo đường đất nước, đến với mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia xã hội, làm lợi lạc quần sanh. Để thấy được tính nhu yếu thiết thực mà hạ thủ công phu, không chần chừ, không lãng đãng, mà phải tập chú vào các phần việc như sau:

Thứ nhất: Bố tát chung mỗi tháng của cộng đồng Tăng già địa phương.

Đây là hình ảnh đẹp, đồng thời là cơ hội để chư Tăng gặp nhau mà trùng tuyên giới luật, thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm Phật sự bản thân cũng như nơi tự viện của mình với chư Tăng, nhờ vậy mà cái tình Tăng lữ được thắt chặt, bền vững, bằng ngược lại thì như ông bà mình nói: “cách mặt xa lòng”. Do vậy mà Ban Truyền Bá Giáo lý Hoa Kỳ xin được đề đạt ý kiến này đến với Hội Đồng Hoằng Pháp và kính xin Chư Tôn Đức Tăng Ni các quốc gia, châu lục… Từ bi hứa khả cho.

Thứ hai: Phật Đản chung, Chư Tăng Ni, Phật tử đứng ra đồng tổ chức.

Phật Đản là ngày thiêng liêng trọng đại đối với tất cả người con Phật khắp năm châu bốn biển. Đức Phật thị hiện vào đời để chỉ bày phương pháp tu tập, giác ngộ giải thoát cho con người, hay nói rộng ra là khắp pháp giới chúng sanh, từ chư thiên trên các cõi trời cho đến ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nơi nào cũng có ánh sáng giác ngộ chiếu tới để hóa độ chúng sanh, làm tăng thượng duyên mà được an vui hạnh phúc, hay thể chứng con đường Thánh quả chấm dứt sanh tử luân hồi. Lòng từ bi của Phật là vậy. Trí tuệ của Phật là vậy. Cho nên là con Phật phải biết nhớ ơn và đền ơn đối với Đức Thế Tôn trong muôn một. Biểu hiện sự nhớ ơn này ngoài tinh thần tu tập nơi tự thân, nơi chùa viện, nơi mỗi cộng đồng Phật tử, chúng ta phải thành thiết, nhất tâm tổ chức Phật Đản chung tại mỗi cộng đồng Phật tử địa phương, nhằm nhắc nhở tấm lòng hộ pháp, Cũng như công huân tu tập để nhớ ơn ngày Đức Phật Đản sanh nơi hành tinh – cõi Diêm Phù Đề này. Phật Đản chung được tổ chức khắp mọi nơi, thật là điều vô vàn cao quý. Mong lắm thay!

Thứ ba: An cư chung của các Tự viện.

Mỗi mùa An cư là mỗi lần chúng tăng có dịp để tu học với nhau trong một trú xứ từ 10 ngày hay hơn thế nữa. Trong thời gian 10 ngày này đã biểu tỏ được đức tính hòa hiệp, thanh tịnh của Tăng, mà kinh nghiệm nhiều thập niên về trước đã cho thấy bản thể trong sáng của Tăng hiển lộ trong thời gian An cư này. Hình ảnh quá đường thiền hành. Hình ảnh tụng kinh bái sám. Hình ảnh hô canh tọa thiền đã làm sống lại dòng lịch sử lịch đại Tổ Sư 2000 năm qua trên quê hương, và gần 3000 năm từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế. 

Hình ảnh chư tăng ni an cư, có cùng một trụ xứ – Thân hòa đồng trụ. Có cùng lợi dưỡng xin cùng chia đều – Lợi hòa đồng quân. Thời gian an cư giới Đức được nghiêm minh thanh tịnh – Giới hòa đồng tu. Chỉ có an tâm tu tập, một niềm tịnh lạc, tươi mát rạt rào trong lòng, vô phiền, vô nhiệt – Ý hòa đồng duyệt. Và chắc hẳn trong thời gian An cư này, Chư Tăng Ni ai cũng đều thể hiện tinh thần thân giáo, khẩu giáo nhầm kính trọng nhau để vun bồi phước đức – Khẩu hoà vô tranh. Và trong thời gian An cư, đang tu, đang học, nhằm học hỏi với nhau, chỉ bày kinh nghiệm tu tập cho nhau, nên chẳng ai tiếc chi lời sách tấn, ý khuyên răng và giải tỏa mọi điều thắc mắc trong khi đang tu học – Kiến hòa đồng giải. Đây chỉ là vài ý kiến thô thiển, mạo muội kính trình lên quý Ôn, gia tâm mà tổ chức An cư Kiết hạ chung cho Chư Tăng Ni tại mỗi địa phương chung.

Thứ tư: Tổ chức các đạo tràng tu học cho quý Phật tử:

Cuộc sống ở Hải ngoại, là một cuộc chạy đua với thời gian. Cuộc sống vật chất phải làm bằng đôi tay, bằng công sức của mình mới có đủ phương tiện để chi dụng cho gia đình, cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe đi … Nếu không khéo con người sống trong xã hội sẽ bị cuốn phăng theo lực hút tài, sắc, danh, thực, thuỳ… Và rồi người Phật tử sẽ quên đi tánh đức tu trì, mà nhất là quên đi dòng lịch sử của tổ tiên, bao đời hộ pháp, bao đời ăn chay, niệm Phật, bao đời sắc son với Đạo, giờ đến đời con cháu thì bị xói mòn, rệu rã. Do vậy, Chư Tăng Ni phải tổ chức những khóa tu học dài hạn hay ngắn hạn cho quý Phật tử tham dự, để đánh thức lại chính mình trong thời gian khóa tu học này mà luôn nhớ mình là Phật tử, là con của Phật, là đệ tử của Thầy, là người hộ pháp, để Phật pháp được trường tồn, lợi lạc quần sanh. 

Thứ năm: Thuyết pháp chuyên đề, những lời Phật dạy trên con đường giáo dục toàn diện:

Giáo dục con người là con đường giáo dục vô cùng quan trọng. Con đường giáo dục tối thắng. Con đường giáo dục trên hết. Đã có tầm quan trọng như vậy thì Chư Tôn Đức Tăng Ni hãy lấy đó như là bổn phận trách nhiệm của mình. Phải giáo dục qua con đường hoằng pháp, qua con đường truyền bá, mà qua nhiều thập kỷ, thập niên hay thời gian hôm nay đã có các bậc Tôn Túc cha ông của chúng ta đã thi thiết, đã có các bậc giảng sư danh tiếng đã làm và đang làm. Ước mong tinh thần thuyết pháp chuyên đề này luôn được thực hiện. Thực hiện để tất cả chúng ta đều được nghe lời Phật dạy. Nếu ai đã nghe rồi thì nỗ lực tu tập. Nếu ai chưa nghe thì bây giờ nghe để hành trì.

Phật dạy:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.

Dịch:
“Chớ làm các điều ác
Nguyện làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy”.

Đây là tiêu đích, là điểm cứu cánh của Ban Truyền Bá Giáo lý, ngõ hầu hướng dẫn, sách tấn con người đến chân trời thánh thiện.

Thứ sáu: Tổ chức các lớp học Phật pháp song ngữ, tiếng Việt cho các em thiếu nhi. 

Tuổi trẻ là tuổi của tương lai, một thế hệ người cần phải quan tâm để ý. Nếu hôm nay, Chư Tăng Ni không mở lớp dạy Phật pháp song ngữ, tiếng Việt thì trong tương lai con em của quý Phật tử lớn lên làm sao chúng biết nói tiếng Việt, làm sao chúng hiểu Phật pháp cơ bản bằng tín tâm của người Phật tử tại gia, mà đã không như vậy, thì có nghĩa là chúng ta đã đánh mất một thế hệ người hộ pháp trong tương lai, một lỗ hổng lớn mà khó có thể cái gì trám vào được, điền khuyết vào được, thay thế cho xứng hợp được. Dẫu biết rằng hôm nay cũng có những trung tâm dạy Việt ngữ. Những ngôi chùa cho các em học Phật pháp song ngữ, Việt ngữ, nhưng vẫn chưa đủ, cần phải đồng hành dưới các mái Tự Viện hiện có khắp các nơi hôm nay. Do vậy, Chư Tăng Ni trẻ phải học Anh ngữ cho giỏi. Nói tiếng Anh lưu loát, để tiếp cận với các em, gần gũi với chúng nó để dạy dỗ chúng nó. Ăn cơm trong chánh niệm. Kinh hành trong tỉnh thức. Gặp quý thầy cô, các em biết chấp tay: Nam Mô Phật chào hỏi lễ phép. Từ đó, tạo cho các em một sự sinh hoạt nơi chùa viện, dần dần trở thành người Phật tử thuần thành, biết phụng sự, hiến dâng, làm đẹp cuộc đời. Đây là những bông hoa xinh xắn, tươi mát cần có trong tương lai mà hôm nay chúng ta phải chăm sóc, tưới nước, bón phân để ngày mai kia có được một vườn hoa đẹp. Vườn hoa người đức hạnh hộ pháp mến thương. Kính mong Chư Tôn Đức Tăng Ni từ bi lân mẫn. 

Thứ bảy: Các khóa tu học 3 ngày cuối tuần cho các em thanh thiếu:

Các khóa tu học này, dành cho thanh thiếu niên, là tinh thần giáo dục đánh thức chính nó. Có đánh thức được chính nó thì nó mới nhớ bằng không là quên bẵng và xuôi dòng. Đối với thế hệ thanh thiếu niên Phật tử, cần phải được tiếp cận nhiều hơn, trao truyền đạo đức, lễ nghi nhiều hơn, bằng không sẽ bị nhuốm màu thế tục nơi nền văn hóa này. Chúng ta phải coi trọng tư cách làm người của thế hệ trẻ: Đạo đức. Hiếu thảo. Truyền thống Tổ tiên. Tự ái dân tộc. Tất cả điều này cần phải đánh động, gây ý thức. Do vậy, tổ chức khóa tu ba ngày như: Xuất gia gieo duyên. Tập làm người Phật tử đúng nghĩa như trong Kinh Pháp Hoa đã dạy:

“Tùng Phật khẩu sanh
Tùng pháp hóa sanh
Đắc Phật pháp phần
Thị danh Phật tử”.

Hay trong Kinh Tương Ưng Bộ định nghĩa về hai chữ cư sĩ:

1 – Có quy y Tam Bảo.
2 – Có giữ gìn năm giới cấm.
3 – Có niềm tin yêu sâu xa trong Phật pháp.
4 – Lòng tin Phật bất hoại. Vì Phật là Bậc Trí Giác vẹn toàn. Chánh biến tri. Minh Hạnh Túc.
5 – Có trí tuệ để biết đâu là chân chánh và đâu là không chân chánh, để tu tập cho mình và lợi ích cho người. Cả hai cùng lợi ích cả đời này và đời sau. 

Do vậy khóa tu 3 ngày cho thanh thiếu niên, có thể tổ chức vào mùa hè là thời gian tiện nhất, vì hè là thời gian nghỉ học, có thể tham dự được. Dĩ nhiên lúc đầu là khó tập hợp đông đảo – vạn sự khởi đầu nan, nhưng rồi lâu dần sẽ thành quen và dễ hơn. Chư Tăng Ni thật sự có nghĩ đến điều này, thì có dự án và hành động như bao lần có các Tự Viện đã tổ chức. Có dự án có tổ chức thì có thành quả, bằng không thì chẳng có gì cả. Tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Chúng ta phải ý thức để nuôi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ kế thừa. Thế hệ truyền thừa tài sản, sự nghiệp của cha ông. Nếu như hôm nay, Chư Tăng Ni không làm được điều này thì một mai kia con đường truyền bá sẽ bị giảm thiểu số lượng người tham dự, thính chúng không còn đông. Như vậy hãy thận trọng không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài. Người có khả năng truyền bá đã ít và người tiếp nhận sự truyền bá không là con số đáng kể thì quả thật là khốn cùng. Bằng viễn kiến ấy, một cái nhìn xuyên suốt, ước mong Chư Tôn Đức Tăng Ni hãy thương hàng hậu học và tương lai của Phật pháp mà gia tâm phụng sự, để Phật pháp được trường lưu, con đường truyền bá được rộng mở.

Thứ tám: Con đường truyền bá chánh Pháp là con đường vị tha hướng thượng, đưa người vượt bờ.

Chúng ta thường nghe:

“Hoằng pháp thị gia vụ
Lợi sanh vi sự nghiệp”.

Đã là việc nhà của mình, đã là sự nghiệp của mình, thì phải làm, thì phải trông coi, thì phải sống chết với nó. Có sống chết với nó thì nó mới sống chết với mình. Cả hai cùng sống chết thì có nghĩa là thành công trong sự nghiệp, công việc nhà. Đây là một thái độ tích cực phụng sự. Được vậy việc nhà mỗi ngày mỗi phát triển, mỗi tiến tới để thành đạt nhà cao cửa rộng, lịch sự khang trang, bày biện đủ thứ, thất bảo không thiếu, đồ quý giá có thừa. Do đó mà sự nghiệp mỗi ngày càng to, để lại cho hàng cháu con lâu dài không thiếu. Do vậy mà hoằng pháp hay truyền bá, lợi sanh hay vị tha là việc làm của Chư Tăng Ni. Việc làm phụng sự cho Phật pháp, truyền bá giáo pháp đến cho mọi người. Giáo pháp ấy là học Phật. Hành trì Phật. Tu tập Phật. Chứng đắc Phật. Giáo pháp ấy là pháp học và pháp hành trình bày cho người Phật tử hiểu rõ để học và hành song song với nhau. Việc làm của Ban Truyền Bá Giáo lý là làm sao cho người Phật tử có phương tiện để nghe giáo lý, có phương tiện để học Phật pháp, có phương tiện để hiểu Phật pháp, được vậy thì mới gọi là truyền bá giáo lý. Một khi đã hiểu được thì mong rằng Chư Tăng Ni nguyện dấn thân. Dấn thân trên mọi nẻo đường. Dấn thân trên mọi Phật sự cấp thiết, để chấn chỉnh, ổn định các Phật sự tại địa phương. Mặc dù, hôm nay chúng ta chưa có khả năng để cung ứng như phương châm của các bậc Tôn Túc thời xưa: 

“Đạo pháp cần ta đến
Phật sự thành ta đi
Không ngại gian lao
Chẳng từ khó nhọc”.

Nhưng dẫu sao, Chư Tăng Ni hãy bắt chước chí nguyện ấy. Chí nguyện của các bậc tiền bối, kỳ túc trên dòng lịch sử lịch Đại Tổ Sư, để không cô phụ sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, từ thời sơ tâm xuất gia, cắt mái tóc xanh, mặc áo nâu sòng, tương chua muối mặn. Chư Tăng Ni có được ngày nay là nhờ có Phật. Là nhờ có Thầy Tổ. Là nhờ có cha mẹ. Là nhờ có đàn na tín thí, quốc gia, xã hội. Vậy, Chư Tăng Ni hãy truyền bá chánh pháp, xin đừng chần chờ, dễ duôi rồi thời gian trôi qua mà không bắt kịp. 

Ban Truyền Bá Giáo lý Hoa Kỳ nguyện sẽ truyền bá hết khả năng của mình. Kính mong Chư Tôn Đức trưởng thượng từ bi gia hộ, khuyến tấn để các Phật sự của Hội Đồng Hoằng Pháp được hanh thông thành tựu viên mãn. Là việc chung, mỗi người một bàn tay, góp phần vỗ nên kêu. Mỗi người một sức góp lại để đẩy tảng đá ngàn cân lấy đường tiến tới. Đưa người vượt bờ. Được vậy là đền ơn Chư Phật, Thầy Tổ, cha mẹ và pháp giới chúng sanh.

Ngày hết tết đến, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, toàn thể Ban Truyền Bá Giáo lý Hoa Kỳ nhất tâm kính đảnh lễ Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni luôn được khỏe mạnh và an lạc để hoàn thành các Phật sự đã và đang tiến hành được thành tựu viên mãn. Cầu nguyện chư vị cư sĩ thức giả, quý Phật tử được bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay.

San Diego, ngày 24 tháng 12 năm 2022.
Ban Truyền Bá Giáo lý Hoa Kỳ
Trưởng Ban
Thích Nguyên Siêu

Facebook Comments Box

Trả lời