3092 lượt xem

Ánh Sáng Giác Ngộ Qua Cái Nhìn của Bồ-tát Tất-đạt-đa

Thích Trừng Sỹ

ÁNH SÁNG GIÁC NGỘ QUA CÁI NHÌN CỦA BỒ-TẤT TẤT-ĐẠT-ĐA

Xưa và nay, trong lịch sử của nhân loại, tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân. Nhờ trải qua các quá trình kham nhẫn, tu, học, và giúp đỡ cho tự thân và tha nhân như vậy, thì họ mới có thể trở thành những nhà khoa học, toán học, văn học, triết học, đạo học, v. v… Bồ-tát Tất-đạt-đa Gautama,[1] một vị đạo Sư tâm linh hoàn hảo, có đầy đủ đức hạnh, từ bi, và trí tuệ, trải qua 6 năm tu khổ hạnh rừng già với năm anh em Ông A-nhã Kiều-trần-như. Sau một thời gian tầm sư học đạo, Bồ-tát, một con người xuất chúng bằng xương bằng thịt, đã tìm ra chân lý bằng cách thiền định tại Bồ-đề-đạo-tràng suốt 49 ngày đêm, và chứng ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-đề. Lúc đó, Bồ-tát trở thành Phật hiệu là Thích-ca-mâu-ni, một đức Phật lịch sử, có mặt trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, được chư thiên và loài người tôn kính, có khả năng đem ánh sáng giác ngộ, tình thương, và hòa bình đích thực cho pháp giới chúng sanh trên khắp hành tinh này.   

Qua những ý nghĩa tổng quát được đề cập ở trên, người viết mạnh dạn đặt tựa đề cho bài viết này là “Ánh Sáng Giác Ngộ qua Cái Nhìn Tuệ Giác của Bồ-tát Tất-đạt-đa.” Cái nhìn ở đây được hiểu là cái nhìn kết quả của việc thực tập thiền quán và tuệ giác, có khả năng thấy rõ tiến trình kham nhẫn, tinh tấn, tu tập thiền định, thành đạo, hoằng pháp, và giáo hóa chúng sanh của Bồ-tát Tất-đạt-đa (Bodhisattva Siddhārtha). Trong chủ đề của bài viết này, chúng ta bắt gặp các cụm từ như “Ánh Sáng, Giác Ngộ, Bồ-tát, Tất-đạt-đa.” Sau đây, người viết lần lượt giải thích từng thuật ngữ một và tìm hiểu ý nghĩa và nội dung của các thuật ngữ trên.

Thông thường, khi đề cập tới ánh sáng, người ta nghĩ tới ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, ánh sáng sao hôm, sao mai; áng sáng đèn điện, đèn xe, đèn ne-on, v. v … Các loại ánh sáng này là ánh sáng thiên nhiên, ánh sáng vật chất, hay ánh sáng nhân tạo mà thôi. Khác với các loại ánh sáng trên, ánh sáng được thảo luận ở đây chính là ánh sáng giác ngộ, xuất phát từ sự tu tập thiền định, kham nhẫn, tinh tiến, thanh lọc, và chuyển hóa phiền não thành giác ngộ của Bồ-tát Tất-đạt-đa. Nhờ tu tập thiền định thuần tịnh, chánh niệm, và tỉnh thức, Bồ-tát có khả năng đoạn tận vô minh, phiền não, lậu hoặc, chấp thủ, v.v… thành tựu giác ngộ, và chấm dứt vòng tái sinh luân hồi.

Như vậy, ánh sáng giác ngộ được đề cập ở đây tượng trưng cho đạo Phật, đức Phật, chánh pháp, và các vị đệ tử (Tăng đoàn). Đạo Phật là đạo hòa bình, đức Phật là vị Vua hòa bình, chánh pháp là con đường hòa bình, và các vị đệ tử là những vị sứ giả hòa bình.[2] Hòa bình thực sự có mặt khi nào chúng ta học, hiểu, hành trì, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách thích hợp trong các địa phương, trú xứ, và quốc độ khác nhau. Khi chúng ta hiểu và thực hành được như vậy, thì ánh sáng giác ngộ của đức Thế Tôn có khả năng chiếu sáng trên khắp thế gian này. Hơn nữa, chúng ta biết trong yếu tố giác ngộ còn có các chất liệu khác như chánh niệm, tỉnh thức, vững chãi, thảnh thơi, thong dong, và tự tại. Thành tựu được các chất liệu ấy, hành giả chắc chắn sẽ có an lạc ngay bây giờ và ở đây trong giờ phút hiện tại. Giác ngộ có nhiều ý nghĩa và giai đoạn khác nhau như sau:

Giác ngộ của hành giả phàm phu, qua quá trình tu tập, chuyển hóa phiền não, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình, chúng ta có thể đạt được giác ngộ từng phần và dần dần. Giác ngộ của hành giả Bồ-tát, qua quá trình tu tập, đoạn tận hết các phiền não, và khám phá được khổ (Dukkha), khổ tập (Dukkha Samudaya), khổ diệt (Dukkha Nirodha), và con đường đưa đến khổ diệt (Dukkha Nirodha Gāminī Patipadā),[3] Bồ-tát Tất-đạt-đa có khả năng đạt được giác ngộ toàn phần và toàn hảo.

Trong quá trình tu tập của Bồ-tát Tất-đạt-đa, với chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi, Bồ-tát không những thành tựu giác ngộ giải thoát trong nhiều đời sống quá khứ, mà ngay trong hiện đời, ngài là hiện thân một đức Phật sơ sinh, và cũng là đức Phật Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni Buddha) sau này. Có lần nọ, vua Tịnh Phạn, thân phụ của Ngài, đã hai lần chắp tay chào xá con mình và một lần đảnh lễ đức Phật; đó là,  

1. Vua chắp tay xá chào con mình trong lúc đạo Sĩ A-tư-đà (Asita) đang xem tướng cho thái tử sơ sinh. Sau này, thái tử sẽ đi tu và trở thành một Bậc tỉnh thức và giác ngộ viên mãn, có khả năng đưa đường và chỉ lối hòa bình, an lạc và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.

2. Trong buổi lễ cày cấy, vua chắp tay xá chào con mình trong lúc thái tử 9 tuổi đang ngồi thiền dưới cây hồng táo, chiêm nghiệm, và thấy chúng sanh đang tranh giành, giết, và ăn thịt lẫn nhau. Với tâm từ sẵn có, thái tử khởi tâm thương yêu đến tất cả chúng sinh muôn loài.

3. Vua đảnh lễ đức Phật trong khi đức Phật đang đi khất thực trên đường về thăm thành Ca-tỳ-la-vệ, nơi đây các vị hoàng thân quốc thích trưởng thượng trong hoàng cung sinh tâm cao ngạo và cho rằng đức Phật chỉ là con cháu của họ mà thôi. Lúc ấy, đọc được tư tưởng của các vị, đức Phật liền dùng năng lực nước từ bi và lửa trí tuệ nhiếp phục để cảm hóa họ. Lúc đó, những người này sinh tâm cung kính và đảnh lễ đức Phật và Tăng đoàn.

Như vậy, chúng ta thấy rằng khả năng giác ngộ bao gồm chất phàm và chất thánh luôn có mặt trong thân tâm của họ. Trong chất phàm có chất thánh; trong chất thánh có chất giác ngộ và giải thoát. Chất thánh trong Phật giáo được hiểu là Phật tánh hay chất Phật. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tuyệt đối, chúng ta thấy khả năng giác ngộ trong họ, ở thánh Phật tánh không tăng, ở phàm Phật tánh không giảm.

Hiểu rộng thêm nữa là, theo quan điểm từ bi của Phật giáo, ở trong con người và con vật, Phật tánh đều có, và ngay cả ở trong các loài vô tình, Phật tánh cũng đều có mặt. Hiểu rõ được ý nghĩa như vậy, thì chúng ta có thể vun trồng và tưới tẩm Phật tánh trong ta và trong các loài hữu tình và vô tình bằng cách bảo vệ môi sinh, tôn trọng sự sống của muôn sự và muôn vật bằng cách thực hành điều đạo đức thức thứ nhất của đạo giác ngộ. Dù ở địa vị phàm phu hay thánh quả, dù ở các loài vô tình hay hữu tình, nếu chúng ta tu tập tâm từ bi và trí tuệ tốt đẹp, thì ánh sáng Phật tánh trong ta hiển bày.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh tương đối, chúng ta biết sự biểu hiện Phật tánh tùy theo mức độ tu tập của mỗi hành giả phàm phu và hành giả Bồ-tát. Ở thánh, Phật tánh tỏa sáng như ánh trăng Rằm, ở phàm, Phật tánh tỏa sáng như ánh trăng khuyết. Đối với hành giả Bồ-tát, qua quá trình tu tập và chứng ngộ, Phật tánh có thể tỏa sáng 100%, vì phiền não và lậu hoặc đã được đoạn diệt. Đối với hành giả phàm phu, qua quá trình tu tập, thanh lọc và chuyển hóa, Phật tánh có thể tỏa sáng khoảng …40, 60, 80…%, vì phiền não và lậu hoặc đang và cuối cùng sẽ được đoạn diệt hoàn toàn.

Trăng mờ vì mây, Phật tánh mờ vì phiền não; mây tan nhờ gió, phiền não tham, sân, si… đoạn diệt nhờ tu tập và chuyển hóa. Tu tập có nghĩa là quá trình nhận diện và chuyển hóa các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Khi các phiền não đã được chuyển hóa và đoạn diệt, thì ánh sáng giác ngộ của hành giả Bồ-tát tròn sáng và hiển bày. Ở điểm này, Bồ-tát Tất-đạt-đa, người đã làm được, đã chứng ngộ viên mãn, và đáng được thế gian quy ngưỡng và tôn kính.

Khi thảo luận ở đây, ánh sáng giác ngộ được hiểu là ánh sáng thiền định, ánh sáng tuệ giác, ánh sáng hòa bình, ánh sáng đại hùng, đại lực, và đại từ bi do chính Bồ-tát Tất-đạt-đa khám phá và chứng ngộ. Nó không từ trên trời rơi xuống, nó không phải một món quà do một đấng thần linh ban tặng. Nó do chính Bồ-tát nếm và trải nghiệm qua sự tu tập, thực hành, và chứng ngộ tâm linh. Nó rất vi diệu, thù thắng, và thiết thực hiện tại, dành cho những ai quan tâm, học hỏi, hành trì, và ứng dụng tới Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình để đem lại hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho tha nhân ngay tại thế gian này.

Thực vậy, ánh sáng giác ngộ không chế tác bằng tham, sân, si, vô minh, tà kiến, hận thù, và chiến tranh. Nó được chế tác bằng chánh kham nhẫn, tinh tấn, nỗ lực, tinh thần tự tu, tự độ, tự ngộ và tự giải thoát qua việc thực tập và ứng dụng các chất liệu từ bi, trí tuệ, hòa bình, thiền định, và tuệ giác cho số đông ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Các chất liệu an lạc này có khả năng khơi dậy và đánh thức những hoa trái tuệ giác trong thân tâm của Bồ-tát trở nên bừng sáng.

Bồ-tát trong tiếng Phạn (Sanskrit) được viết là Bodhisattva; Bồ-đề (Bodhi) có nghĩa là lớn, là giác ngộ, hay là tỉnh thức; Sattva có nghĩa là một chúng sanh, một hữu tình, hay là một con người giác ngộ. Vậy Bồ-tát (Bodhisattva) có nghĩa là một chúng sinh đã đạt được sự giác ngộ và tỉnh thức nguyện đi trên đường vui, tu tập, và giải thoát để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

Trên lộ trình hướng đến giác ngộ và giải thoát, Tất-đạt-đa là một vị Bồ-tát bằng xương bằng thịt có thật trong lịch sử tư tưởng nhân loại có đầy đủ phúc đức và trí tuệ, dũng mãnh và tinh tấn, nghị lực và kham nhẫn, tìm ra chân lý và ánh sáng giác ngộ sau này. Chính vị Bồ-tát này đã tu tập thiền định hoàn hảo, trở thành một bậc đạo Sư tâm linh cao thượng, dẫn dường chỉ lối an vui và hòa bình cho pháp giới chúng sanh trên khắp hành tinh.  

Phàm phu chúng ta, vì nghiệp lực, mà sinh ra nơi đời, nên mỗi người gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, căn tánh khác nhau, gia đình khác nhau, mức độ giàu nghèo khác nhau… không ai giống ai cả. Thái tử Tất-đạt-đa, một vị Bồ-tát đích thực, vì nguyện lực, mà sinh ra nơi đời trong một gia đình hoàng tộc, giàu sang, và quyền quý ở thành Ca-tỳ-la-vệ (P. Kapilavatthu S. Kapilavastu), một phần của Nê-pan ngày nay.[4]

Lớn lên, thái tử lập gia đình với công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā), và có người con trai duy nhất là La-hầu-la (Rāhula). Cùng với người hầu cận tên là Sa Nặc, một hôm thái tử đi viếng thăm bốn cửa thành, thấy bốn cảnh thật của cuộc đời; đó là, người già, người bệnh, người chết, và vị ẩn sĩ. Cảnh thật thứ tư là vị khất sĩ tượng trưng cho cách sống thong dong và tự tại, tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của thái tử, và tạo nguồn cảm hứng cho thái tử sau này trở thành một vị xuất sĩ không nhà sống trong môi trường thiên nhiên và núi rừng.

Thực hành và trải qua 6 năm khổ hạnh tại hang động Mahakala trên núi núi Tượng Đầu (Dhungeshwari), mỗi ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa chỉ ăn một ít hoa quả, và dần dần thân thể của ngài chỉ còn da bọc xương mà thôi. Khi khám phá lối tu khổ hạnh này không đưa đến kết quả an lạc và giải thoát, Bồ-tát quyết tâm thực hành theo phương pháp Trung Đạo: (không tham đắm dục lạc, và không khổ hạnh ép xác) bằng cách thọ nhận và dùng bát cháo sữa của nàng Su-dà-ta (Sujata) cúng dường. Sức khỏe của Bồ-tát trở nên bình phục. Sau đó, Bồ-tát thọ nhận một bó cỏ cúng dường của người nông phu, đi thẳng tới Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya), trải qua nhiều ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ-đề. Cuối cùng, ngài chiến thắng ma quân (Ma quân tượng trưng cho các tập khí tham ái, sân giận, si mê, chấp thủ, v.v… trong nội tâm), và giác ngộ viên mãn.

Trong quá trình tu tập và hướng tới giác ngộ, Bồ-tát đã trải qua không chỉ sự kham nhẫn của nội tâm, mà còn sự kham nhẫn của ngoại cảnh; ngoại cảnh là cảnh bên ngoài, cụ thể là thời tiết và môi trường thiên nhiên. Ở Ấn Độ, vào mùa nóng, nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C. (45% C. = Celsius/ Centigrade = 120 degrees F. / Fehrenheit), và vào mùa lạnh, nhiệt độ có thể dưới 0 độ C. (0% C. = 0 degrees C. Celsius/ Centigrade = 32 degrees F. Fehrenheit). Trong thời đại ngày nay, sống ở trong nhà, chúng ta có đủ quần áo, chăn, gối, nệm, lò sưởi, máy điều hòa… để bảo vệ chúng ta rất ấm áp, nhưng đôi lúc chúng ta còn cảm thấy lạnh, nóng, và khó chịu.  

Bây giờ, chúng ta hãy suy nghĩ tiếp về Bồ-tát Tất-đạt-đa (Bodhisattva Siddhārtha), người đã sống đời sống không gia đình, ăn hoa quả, uống nước mưa, nước suối để nuôi thân, và đã dùng tỉnh thức, chánh niệm, và thiền định để nuôi tâm… Ban đêm, ngài ngủ dưới gốc cây, ban ngày, ngài đi khất thực. Ngài luôn dùng môi trường thiên nhiên làm nhà, dùng cây và lá rừng làm giường chiếu, dùng trăng sao làm đèn, dùng sự tu tập thiền, định, chánh niệm, và tỉnh giác làm món ăn tinh thần cho thân tâm, và dùng việc hoằng dương chánh pháp làm lợi ích cho tha nhân.

Tiếp đến là nội tâm, phần quan trọng và sâu kín nhất của con người, được hiểu là tàng thức (Ālaya Vijñāna), hàm chứa các hạt giống thiện và bất thiện. Các hạt giống thiện gồm có chánh kham nhẫn, chịu đựng, khắc phục, chọn lọc, vững chãi, tinh tiến, nghị lực, sức mạnh tinh thần, niềm tin bất thoái, ánh sáng giác ngộ, tuệ giác… Các hạt giống bất thiện gồm có giải đãi, biếng nhác, thoái lui, do dự, lưỡng lự, nhu nhược, yếu đuối, si mê, vô minh, v.v…

Tu tập là quá trình thực tập kham nhẫn, nuôi dưỡng, chọn lọc, thăng tiến, và chuyển hóa từ khó khăn thành an vui, khổ đau thành hạnh phúc, vô minh thành minh…. Tuy nhiên, con người chúng ta, khi gặp thời tiết khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, ngủ nghỉ lạnh lẽo. v. v…, thường thì chúng ta có xu hướng sống chán nản và thoái lui. Nhưng, Bồ-tát Tất-đạt-đa luôn hoan hỷ đón nhận những cảnh khó khăn, khổ hạnh, và kham nhẫn, xem những nghịch cảnh này tạo thành sức mạnh tinh thần, ý chí dũng mãnh, tinh tiến, và nghị lực phi thường, và hướng Bồ-tát tới giác ngộ và giải thoát tâm linh sau này.

Với tinh thần đại hùng, đại lực, đại bi, và đại trí, khi đạt được giác ngộ và giải thoát, thì Bồ-tát Tất-đạt-đa đã thực hành chánh tinh tấn, kham nhẫn và kiên nhẫn. Muốn đạt giác ngộ và thành Phật, Bồ-tát phải bắt đầu từ con người duyên sinh (S. pratītyasamutpāda; P. paticcasamuppāda). Nương vào con người này, Bồ-tát tu tập và tìm ra chất thánh, chất vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc. Lìa con người này ra, Bồ-tát không tìm được các chất liệu ấy. Là hành giả giác ngộ và tỉnh thức, Bồ-tát đã tìm ra ánh sáng chân lý qua việc áp dụng và thực tập chánh kiến, chánh tư duy, chánh kham nhẫn, thanh lọc, và chuyển hóa các phiền não tham, sân, si…

Chính vì vậy, đạo Phật luôn dạy con người tu tập, chuyển hóa, và chuyển nghiệp là yếu tố then chốt hướng tới giác ngộ. Nương vào một đấng tối cao nào đó để tìm kiếm giác ngộ nơi vị ấy, thì hành giả không bao giờ tìm thấy. Nương vào con người duyên sinh để tu tập, để thanh lọc, và để chuyển hóa phiền não và lậu hoặc, thì hành giả có thể tìm thấy giác ngộ, giải thoát, và Phật tánh nơi chính mình.

Bồ-tát Tất-đạt-đa, người tu giỏi, tìm thấy ánh sáng giác ngộ và tuệ giác trong vô minh và tà kiến, thấy Bồ đề trong phiền não, hạnh phúc trong khổ đau, sen trong bùn, và hoa trong rác, và thấy con đường Trung Đạo trong khổ hạnh ép xác và trong tham đắm dục lạc. Ngược lại, cùng tu khổ hạnh với Bồ-tát, 5 anh em của A-nhã Kiều-trần-như, những người tu không giỏi, không tìm thấy được con đường Trung Đạo, không thực hành thiền định hoàn hảo như Bồ-tát, và không tìm thấy giác ngộ và giải thoát nơi tự thân.

Với sự kham nhẫn và nỗ lực, với tinh thần đại hạnh và đại nguyện, Bồ-tát đã tìm ra ánh sáng giác ngộ, chân lý Khổ (Dukkha), và con đường đưa tới chuyển hóa khổ đau (Dukkha nirodha gāmini patipadā ariya sacca). Con đường này là con đường Trung Đạo (Majjhimā paṭipadā) bao gồm đạo đức, thiền định, và trí tuệ, tương tức mật thiết với Thấy Biết Chân Chánh, Tư Duy Chân Chánh, Nói Năng Chân Chánh, Hành Động Chân Chánh, Nghề Nghiệp Chân Chánh, Siêng Năng Chân Chánh, Nhớ Nghĩ Chân Chánh, và Chuyên Tâm Chân Chánh. Ở khía cạnh nghĩa đen, con đường này được ví như con đường xa lộ có tám làn xe hỗ tương với nhau như hình với bóng tạo thành một phương tiện giao thông hữu ích giúp người ta đi lại dễ dàng. Ở khía cạnh nghĩa bóng, đó là con đường hòa bình bao gồm tám phương pháp thực tập rất thiết thực cho gia đình, học đường, và cho cả xã hội. Nếu mọi người cùng nhau áp dụng và thực hành con đường này vào trong đời sống hằng ngày đúng pháp, thì họ có thể đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.

Trên đây, nội tâm và ngoại cảnh đã được trình bày. Tiếp theo, chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa ma quân. Khác với cảnh giới hữu hình của con người, ma thuộc cảnh giới vô hình; quân có nghĩa là một nhóm số đông. Theo giáo lý ẩn dụ của Phật giáo, ma quân dụ cho những hạt giống tiêu cực trong thân và trong tâm ta. Chẳng hạn như, mỏi mệt, biếng nhác, giải đãi, phóng túng, buông lung, do dự, nãn chí, thoái lui, tham lam, sân giận, si mê, bạo động, hận thù, v.v…, là những tập khí tiêu cực. Chánh kham nhẫn, tinh tấn, dõng mãnh, nghị lực, sức sống, khoan dung, độ lượng, an lạc, hạnh phúc, hòa bình, tuệ giác, v.v… đều là những tập khí tích cực.

Là người tỉnh thức, chúng ta nhận diện rằng các hạt giống tiêu cực và tích cực luôn có mặt trong ta từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác, từ tuần này sang tuần khác, từ tháng này sang tháng khác, và từ năm này sang năm khác. Tu tập là quá trình giúp chúng ta thanh lọc và chuyển hóa các hạt giống tiêu cực thành các hạt giống tích cực bằng cách áp dụng và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình một cách tinh chuyên, chánh niệm và tỉnh giác. Khi chúng ta thực tập được như vậy, thì các hạt giống tiêu cực trong ta dần dần sẽ được chuyển hóa, các hạt giống tích cực trong ta sẽ được phát triển, và ánh sáng giác ngộ trong ta sẽ được hiển bày.  

Ngược lại, khi chúng ta tu tập Phật pháp không giỏi, hạt giống tích cực trong ta sẽ bị giảm và mất dần, hạt giống tiêu cực trong ta tăng trưởng và tăng nhanh, Phật tánh và ánh sáng giác ngộ trong ta sẽ bị lu mờ và che khuất. Người tu tập Phật pháp giỏi thì họ sẽ gặt hái hoa trái an vui và hạnh phúc rất nhiều. Người tu học Phật pháp không giỏi hoặc tu học Phật pháp lai rai thì họ sẽ gặt hái hoa trái an vui và hạnh phúc rất ít. Quá trình tu tập là quá trình giúp chúng ta đạt tới ánh sáng giác ngộ, an vui, và hạnh phúc trong từng phút, từng giờ, từng ngày, và trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

Theo ý nghĩa ẩn dụ, ma quân chỉ cho cái tâm đố kỵ, kỳ thị, sợ hãi, thấp kém, không giỏi bằng người, và sợ người khác giỏi hơn mình. Nếu một người không tu tập hoặc tu tập chút chút, thì ma quân trong vị ấy dễ dàng xuất hiện, và ngược lại, nếu một người tu tập tinh chuyên, thì ma quân trong vị ấy biến mất dần dần.

Khi sao Mai vừa mọc, Bồ-tát Tất-đạt-đa, người tu tập tinh chuyên, hoàn toàn chiến thắng ma quân bằng cách đoạn tận các phiền não và tập khí tiêu cực trong Ngài. Lúc đó, tâm Bồ-tát trở nên bừng sáng, ánh sáng giác ngộ, hòa bình, an lạc và hạnh phúc trong ngài có khả năng chiếu sáng khắp nơi tự thân và tha nhân ngay tại thế gian này.

Qua các ý nghĩa đề cập ở trên, chúng ta thấy rằng ánh sáng giác ngộ và tỉnh thức đều bắt nguồn từ pháp hành; vững chãi và thảnh thơi đều bắt nguồn từ pháp hành; an lạc và hạnh phúc cũng đều bắt nguồn từ pháp hành. Cùng với pháp hành là pháp hiểu, pháp học, pháp thiền, pháp định, pháp lạc, pháp hoằng, và pháp hộ đi cùng với Bồ-tát Tất-đạt-đa. Xuyên qua pháp hành, ngài hoàn toàn có đủ các chất liệu ấy.

Ở điểm này, chúng ta nên hiểu thêm rằng, khi một con người sinh ra đời, vị ấy có đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, thì cả gia đình của vị ấy đều vui. Khi vị ấy lớn lên, học hành, đỗ đạt, thành tài, có công việc làm ăn ổn định, và lập gia thất, thì tự thân của vị ấy không những vui, mà gia đình nội ngoại hai bên của vị ấy cũng đều vui. Những ý nghĩa trên đây được nói đến con người thế gian. Khác với con người thế gian, Bồ-tát Tất-đạt-đa, con xuất thế gian, đã tìm ra ánh sáng giác ngộ, chân lý khổ đau, và con đường chuyển hóa khổ đau dưới cội cây Bồ-đề (Bodhi) tại Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya) khoảng năm 589 trước thường lịch. Ở thế giới này, không những các loài hữu tình, mà các loài vô tình trên quả địa cầu đều được thấm nhuần ánh sáng tuệ giác, từ bi, trí tuệ, hòa bình, và an lạc từ nơi ngài.

 “Bồ-tát Tất-đạt-đa,

quyết tâm đi xuất gia,

an trú vui thiền định,

chứng ngộ đạo tỉnh thức,

chứng ngộ đạo hòa bình,

chứng ngộ đạo giải thoát,

chỉ dạy cho chúng sanh,

đi trên đường chân chánh

bằng ánh sáng giác ngộ,

bằng ánh sáng Phật pháp,

bằng ánh sáng Tăng đoàn

của đức Phật Thế Tôn.

Người người cùng tu tập,

nhà nhà được an vui.”

Theo cái nhìn tương tức của Phật giáo, đức Phật sơ sinh, thái tử Tất-đạt-đa, hay Bồ-tát Tất-đạt-đa, đều bắt nguồn từ con người duyên sinh và giả hợp (Sanskrit pratītyasamutpāda; Pali paticcasamuppāda). Xuyên qua việc tu tập chánh tinh tấn, kham nhẫn, và thiền định, nương vào con người này, Bồ-tát Tất-đạt-đa tìm ra ánh sáng giác ngộ nơi tự thân, giáo hóa, và làm lợi ích cho tha nhân. Do vậy, khi con người này sinh ra, không những dân chúng và dòng dõi hoàng gia tại thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc Ấn Độ cổ đại, một phần của nước Nê-pan (Nepal) ngày nay, vui mừng, mà cả pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh cũng đều vui mừng.

Có hai lý do chính sau đây: Thứ nhất, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Māyādevī), lúc trên 40 tuổi, mới có con đầu lòng đặt tên là Tất-đạt-đa, con người toại nguyện, có đầy đủ phước đức và trí tuệ. Cả vua và hoàng hậu đều hiến tặng cho trái đất này một con người quý nhất trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Thực vậy, con người toại nguyện này luôn luôn có tâm niệm lành, ý nghĩ lành, và lời nói lành để đem ánh sáng hòa bình, từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, an vui, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.

Ngày nay, với niềm tin chánh tín đối với Tam Bảo, những ai có đủ duyên lành học, hiểu, dạy dỗ, hành trì, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, thì họ có khả năng hiến tặng đức hạnh và trí tuệ cho gia đình, cho tự viện, cho dòng họ, và cho cả xã hội. Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì họ có khả năng góp phần xây dựng một quê hương thanh bình, các gia đình hạnh phúc, và cõi cực lạc ngay tại thế gian này.

Thứ hai, sau khi thái tử Tất-đạt-đa sinh ra, nhận lời mời của vua Tịnh-phạn (Suddhodana), tiên A-tư-đà (Asita) và nhà hiền triết Kiều-trần-như, hai vị ẩn sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, thỉnh vào triều đình Ca-tỳ-la-vệ (Pàli. Kapilavatthu Phạn. Kapilavastu) để xem tương lai cho thái tử. Cả hai vị cùng tiên đoán rằng khi lớn lên, thái tử chắc chắn sẽ từ bỏ con đường làm vua, quyết định chọn con đường xuất gia, ngộ lý vô thường, tu tập thiền định, trở thành Người giác ngộ toàn hảo, và đem lại an lạc và lợi ích cho nhân sinh.

Thật vậy, những lời tiên đoán của tiên A-tư-đà và A-nhã Kiều-trần-như là những lời tiên tri duy nhất trong lịch sử Phật giáo và nhân loại, sau này trở thành sự thật. Với tinh thần tự tu, tự giải thoát, tự ngộ, tự độ, và độ tha, thái tử Tất-đạt-đa lớn lên, ngộ lý vô thường, từ giả hoàng cung, quyết tâm xuất gia, trở thành Phật, hiệu là Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni Buddha). Trong tiếng Phạn, Muni có nghĩa là nhà hiền triết tĩnh lặng, Sakya thuộc dòng tộc hoàng gia; Sakyamuni có nghĩa là vị hiền triết tĩnh lặng của dòng họ Thích-ca.  Buddha có nghĩa là Người giác ngộ và tỉnh thức viên mãn. Vậy Sakyamuni Buddha có nghĩa là Người giác ngộ viên mãn có khả năng đoạn tận các phiền não và vô minh, sáng lập ra đạo Phật, đem hoa trái tình thương và hòa bình cho pháp giới chúng sinh trên quả địa cầu này.

Với hạt giống giác ngộ trong nhiều đời, với dòng dõi của các bậc thánh trong nhiều kiếp, khi Bồ -tát Tất-đạt-đa thành Phật, ánh sáng giác ngộ, từ bi, và hòa bình của ngài được truyền bá rộng rãi trong khắp nhân gian. Ánh sáng này bình đẳng, không kỳ thị, và không ngăn cản bất cứ ai cả. Những ai có đủ duyên lành học hỏi, hành trì, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách chuyên cần, chánh niệm, và tỉnh giác, thì họ có khả năng gặt hái những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Đây là điểm đặc thù của đạo Phật hiếm thấy hoặc không tìm thấy trong các tôn giáo bạn.

Tóm lại, qua những gì đề cập ở trên, chúng ta biết rằng ánh sáng giác ngộ được xuất phát từ sự tu chứng của Bồ-tát Tất-đạt-đa. Khi Bồ-tát trở thành Phật, bậc giác ngộ viên mãn, cùng với các vị đệ tử, những vị sứ giả hòa bình, tiếp tục lên đường vận chuyển bánh xe chánh pháp để truyền bá ánh sáng giác ngộ và hòa bình cho số đông khắp cõi Ấn Độ.

Ngày nay, ánh sáng giác ngộ và hòa bình không những truyền bá ở Ấn Độ, mà còn truyền bá khắp nơi trên thế giới. Nơi nào ánh sáng giác ngộ được truyền bá, thì nơi đó con người an trú vững chãi trong đạo tỉnh thức và giác ngộ, họ không bao giờ gặp sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, và phân chia giai cấp. Nơi nào đạo Phật được truyền bá, thì nơi đó, với sự tu tập và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, con người sẽ sống hiền và thiện ra. Nơi nào đạo Phật có mặt, thì nơi đó đạo Phật, đạo hòa bình, không bao giờ gây ra chiến tranh tôn giáo cho bất cứ ai. Cũng vậy, nơi nào đạo Phật có mặt, thì nơi đó quê hương, dân chúng, làng xóm không những được thanh bình, mà thiên nhiên và muôn thú đều được yên vui, bởi lẽ các loài hữu tình và vô tình đều thấm nhuần giáo lý giác ngộ, từ, bi, và trí tuệ của đạo hòa bình. Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta cùng nhau góp phần đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.

Kính chúc Quý vị nhiều an vui và hạnh phúc trong ánh sáng giác ngộ và hòa bình của đức Phật Thế Tôn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

By Thích Trừng Sỹ

The Light of Enlightenment through Bodhisattva Siddhārtha’s vision

[1] Xem từ Bồ-tát (Bodhisattva) được thấy trong Trường Bộ (Dighā Nikāya), Kinh Đại Bổn (Mahāpadāna Sutta),  Phần I, số 18, 19, 20… 30. 

[2] http://dhammacakkhu.blogspot.com/p/uc-phat-hien-than-cua-hoa-binh-nguoc.html

[3]http://en.wikipedia.org/wiki/Four_Noble_Truths#Fourth_truth:_path_to_the_cessation_of_dukkha

[4]  http://dhammacakkhu.blogspot.com/p/lich-su-uc-phat-thich-ca-mau-ni-tom-tat.html

.

 

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời