2038 lượt xem

Sự Phát Triển Của Ni Giới Việt Nam tại Hoa Kỳ Trong Thế Kỷ XXI

Thích Đồng Trí

 

I. Đất nước và Phật Giáo tại Hoa Kỳ còn non trẻ

Đất nước Hoa Kỳ tồn tại đã lâu nhưng những thổ dân Hoa Kỳ thời xa xưa ấy sống rời rạc và chưa phát triển. Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, Cristoforo Colombo đã thực hiện bốn chuyến thám hiểm nổi tiếng từ châu Âu sang châu Mỹ, vào các năm 1492, 1493, 1498 và 1502. Trong những thế kỷ tiếp sau đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Vương Quốc Anh, Pháp, cũng như các cường quốc châu Âu khác, đã ra sức cạnh tranh để khám phá, chinh phục và thực dân hóa châu Mỹ; từ đó dẫn đến sự hình thành của nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và quốc gia mới. Mỹ cũng từng là thuộc địa hóa của người Anh. Chế độ thuộc địa thiết lập từ năm 1607 trên dòng sông Jamees. Tới ngày 04/07/1776, các thuộc địa đã được tuyên bố độc lập và trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington.
Vào đầu thế kỷ XIX, cũng đã xuất hiện những nhân vật trí thức người Mỹ nghiên cứu về Phật Giáo, nhưng Phật Giáo được xem chính thức đến với Hoa Kỳ qua sự kiện đặc biệt vào ngày 8 tháng 9 năm 1893 khi Ðại Hội Ðồng Tôn Giáo Thế Giới (World Parliament of Religions) được khai mạc tại Chicago, với sự tham dự của các đoàn đại biểu của trên 10 truyền thống tín ngưỡng thế giới. Ngoài các truyền thống Thiên chúa giáo và Do thái giáo, các tôn giáo Á châu, như Ấn Ðộ giáo (Bà La Môn, Parsis, Sikhs, Jains), Hồi giáo và Phật giáo cũng đều có mặt. Riêng Phật giáo Á Châu, đại biểu Phật giáo Nguyên Thủy từ Tích Lan, Thái Lan, Phật giáo Bắc Truyền từ Nhật Bản (ngành Thiền Lâm Tế, Tào Ðộng, và Liên Hoa Tông) và Phật Giáo Trung Hoa đã tích cực đóng góp để Ðại Hội đạt được “một thành quả cao cả và đáng vinh danh nhất của thế kỷ” được tổ chức tại Nhà Triển lãm Columbian.
Những nỗ lực đáng kể để phát triển Phật Giáo tại Hoa Kỳ phải kể đến hai đạo hữu người Mỹ ông Henry Steel Olcott và bà Phật tử người Nga Petrova Blavatsky. Hai vị này đã thành lập Hội Thông Thiên Học Phật giáo (Buddhist Theosophical Society) vào năm 1875 tại New York. Đó là tổ chức Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ và đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới trí thức Mỹ, cùng với sự nỗ lực của Olcott và Blavatsky, các thành viên quan trọng khác có công truyền bá trong giai đoạn đầu ở đất nước này, nổi bậc là R. W. Emerson, W. Whitman (người Mỹ); A. Dharmapala (người Tích Lan); Soyen Shaku (người Nhật); Paul Carus (người Đức),…
Kể từ sau Ðại hội tôn giáo thế giới 09/1893, nhiều nhà truyền giáo và lãnh tụ Phật giáo đã lần lượt đến Hoa Kỳ hoằng hóa, thiết lập nhiều tu viện, chùa chiền, thuộc nhiều giáo phái khác nhau, chuyển hóa nhiều người trở thành phật tử, hình thành một nền Phật giáo của Hoa Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đầy triển vọng.
Hai vị tu sỹ Việt Nam đầu tiên góp phần tích cực cho sự phát triển Phật Giáo tại Hoa Kỳ là Hòa Thượng Thích Thiên Ân và Thiền Sư Nhất Hạnh. Năm Bính Ngọ 1966, HT Thích Thiên Ân, nguyên là Giáo Thọ Trưởng của Cao Đẳng Phật Học Saigon, được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên Hiệp Quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học UCLA, Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên. Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học.Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học. Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông. Ngài Thiên Ân và Chùa Việt Nam tại Los Angeles bảo lãnh nhiều tu sỹ Việt Nam sang hoằng Pháp tại Hoa Kỳ.
Tuy có những tu sỹ du học tại Hoa Kỳ như Hòa Thượng Quảng Liên, Hòa Thượng Đức Nghiệp, Hòa Thượng Chơn Thiện, Thượng Tọa Trí Siêu ( Lê Mạnh Thát),… nhưng Thiền Sư Nhất Hạnh du học ở Hoa Kỳ và có những cống hiến đặc biệt. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh du học năm 1962 tại Đại Học Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ về ngành Tôn Giáo Tỷ Giáo. Sau khi học xong tại Princeton, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được mời dạy tại Đại Học Columbia, New York. Tháng 12 năm 1963 Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về nước. Tháng 5 năm 1966, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh qua Mỹ trở lại và dạy tại Đại Học Cornell, New York. Ông kêu gọi Martin Luther King, Jr – nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi nổi tiếng thế giới – cũng như đi thuyết trình nhiều nơi ở Hoa Kỳ để tìm biện pháp sớm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Năm 1967, mục sư Martin Luther King đã đề cử ông giải Nobel Hòa bình. Thiền Sư Nhất Hạnh lập ra làng Mai và định cư ở Pháp nhưng có nhiều chuyến hoằng Pháp tại Hoa Kỳ, giảng Pháp Thoại cho quần chúng Hoa Kỳ tại các Sân Vận Động của các thành phố lớn và lập ra Tăng Thân theo dòng Tiếp Hiện ở Tu Viện Lộc Uyển, phía Tây Bắc thành phố Escondido, thuộc quận San Diego, tiểu bang California.

II. Những vị Ni Việt Nam đặt nền tảng đầu tiên cho Ni Giới hoằng Pháp tại Hoa Kỳ :

1. Ni Trường Đàm Lựu :

Vị Trưởng Lão Ni đầu tiên phải nhắc đến đó là Ni Trưởng Đàm Lựu. Ni Trưởng xuất gia năm 16 tuổi và làm giám đốc cô nhi viện tại Sài gòn. Năm 1984, Ni Trưởng đến định cư tại Mỹ và thành lập Chùa Đức Viên, tại San Jose, California. Ni trưởng nỗ lực không mệt mỏi với hạnh dấn thân vô ngã, vị tha, tổ chức bán cơm chay hàng tuần và lượm lon, ve chai, thùng giấy, giấy bán,… để gom góp lại cho việc chi phí thành lập Chùa Đức Viên. Người có một đức tính khiêm cung, giới hạnh kiêm ưu, cần mẫn tận tụy phục vụ đạo và đời, tạo dựng một đạo tràng Đức Viên mang mầu sắc văn hóa đặc thù dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, Ni Trưởng còn đặc biệt lưu tâm mở các khoá tu học, hướng dẫn Phật tử huân tu Tịnh độ chuyên chú niệm Phật. Dù Phật sự đa đoan nhưng lúc nào Ni Trưởng cũng thâm hành tri danh niệm Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi, trong mọi thời gian, mọi hoàn cảnh. Năm 1999, Ni Trưởng viên tịch, thọ thế 67 năm, 48 hạ lạp. Ni chúng và Phật tử già, trẻ đến vân tập tu học tại Chùa Đức Viên ngày càng nhiều. Công nghiệp của Ni Trưởng đã in sâu vào giáo sử truyền bá Phật Giáo của đoàn sứ giả Như Lai tại Hoa Kỳ.

2. Ni Trường Như Nguyện:

 

Ni Trường Như Nguyện ( 1947-2017) được Hòa Thượng thượng Mãn hạ Giác, Hội chủ Tổng Hội và trụ trì Chùa Phật Giáo Việt Nam bảo lãnh định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1984. Trải qua quá trình Trụ Trì và hoạt động Phật sự nhiều tiểu bang, cuối cùng Ni Trưởng về Trụ Trì Chùa Xá Lợi, Năm 2008, Ni Trưởng được đại hội cung thỉnh vào thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm và đảm nhiệm chức vụ Tổng Vụ Trưởng, Tổng Vụ Ni Bộ Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) cho đến ngày viên tịch.Hơn 30 năm hành đạo tại Hoa Kỳ, Ni Trưởng nhiều lần được mời làm Tôn Chứng Ni cho các giới đàn Ni tại các Chùa Phật Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ. Ni Trưởng lúc nào cũng giữ bổn phận khiêm cung và hết lòng vì Giáo hội vì đạo pháp. Ni Trưởng nhiều lần muốn tổ chức đại hội Ni bộ, vận động kêu gọi chư Ni trẻ cùng nương về Giáo Hội, gom kết chung lại thành đoàn thể chư Ni có tổ chức có Tăng đoàn.

3. Ni Trưởng Diệu Từ :

Ni Trưởng Diệu Từ (1943 – 2018), Trụ trì chùa Diệu Quang California, Hoa Kỳ. Ni Trưởng xuất gia từ khi mới 13 tuổi, là đệ tử của đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Hành Đạo tại Hoa Kỳ, Ni Trưởng đã có công thành lập hai ngôi chùa Diệu Quang, một tại miền Bắc , một tại miền Nam California giúp cho các đệ tử và tín đồ có nơi thờ phượng, tu học để có được đời sống Phật đạo tinh nghiêm giới luật, thân thương trong đối đãi với nhau Ni Trưởng luôn thể hiện tấm lòng thương yêu, nâng đỡ các Ni trẻ và hết lòng hướng dẫn Phật tử trên con đường tu học theo chánh Pháp.

4. Ni Trưởng Nguyên Thanh:

Ni Trưởng Nguyên Thanh sanh năm 1944, tại làng Phú Nhơn, xã Cát Trinh, khuyện Phù cát, tỉnh Bình Định, xuất gia năm 14 tuổi (1057) với Cố Ni Trưởng Tâm Hoa, Chùa Tâm Ấn, Quy Nhơn. Ni Trưởng từng là giáo thọ các Chùa Ni ở Bình Định và lập ra Chùa Lộc Uyển, Saigon. Năm 1984, Ni Trưởng định cư tại Hoa Kỳ, ban đầu đến ở Chùa Đức Viên với Ni Trưởng Đàm Lựu hai năm (1984-1986). Năm 1986, Ni Trưởng lập Chùa Ưu Đàm tại Montary, thành phố Marina, Cali. Năm 1988, Ni Trưởng mua căn nhà bốn phòng tại San Jose thành lập thành Tịnh Thất An Lạc, sau đó từng bước củng cố, xây dựng phát triển trở thành Chùa An Lạc to lớn, huy hoàng tại San Jose, Bắc Cali.
Ni Trưởng Nguyên Thanh là Thủ Quỹ nhiều năm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại Hoa Kỳ. Chùa An Lạc là nơi tổ chức an cư kiết hạ cho Ni Giới, các giới đàn Thập Thiện, Bồ Tát Giới, Sa Di Ni, trường Việt Ngữ cho lớp trẻ gốc Việt Nam tại Hoa Kỳ, sinh hoạt tu học của Ni chúng và các khóa tu của Phật Tử, lo việc độ sanh và độ tử, tổ chức quản lý nghĩa trang Phật Giáo của Chùa An Lạc tạo duyên an ổn, trang nghiêm cho tang lễ Phật tử. Chùa An Lạc cùng là nơi ghi dấu ấn lịch sử về các cuộc Đại Hội Khoàng của Giáo Hội. Ni Trưởng quan tâm việc đào tạo Tăng Tài và kêu gọi đóng góp cho Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều Bình Định và nhiều chương trình từ thiện cho dân nghèo nước Việt Nam. Ni Trưởng rất tận tình thân lâm chứng minh, tham dự, chia sẻ trong các khóa Lễ, Giới Đàn, khóa tu tập do các vị Ni trẻ trụ trì để tán trợ, sách tấn cho sự phát triển vững vàng hơn.

5. Ni Trưởng Giác Hương :

Sinh năm 1944, 15 tuổi, vào năm 1959, Ni trưởng vào hành điệu ở Chùa Vạn Đức, Thủ Đức, nương Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Thầy Bổn Sư và được Ngài đặt pháp danh là Viên Luận. Ni Trưởng từng tham gia biểu tình và chứng kiến giây phút lịch sử Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Ngã Tư Phan Đình Phùng. Đến năm 1964, y chỉ Hòa Thượng Thích Tâm Châu và được Ngài đặt pháp hiệu là Thích Nữ Giác Hương. Năm 1972, Ni Trưởng tốt nghiệp Cử Nhân Phật Khoa tại Trường Đại Học Vạn Hạnh. Năm 1984 Ni Trưởng đến định cư ở Mỹ, được Hòa Thượng Tâm Châu bổ nhiệm làm Trụ Trì Chùa Nam Quang (Oregon) 5 năm và sau đó từ năm 1990, được cử làm Trụ Trì Chùa Vạn Hạnh (Seattle, Washington state) vùng Tây Bắc Hoa kỳ, cho tới ngày nay. Ni Trưởng là người khiêm cung, sống khép mình trong Pháp và Luật của Đức Phật, nói năng như Chánh Pháp, im lặng như Chánh Pháp nhưng hương của người đức hạnh lan xa. Với Thân Giáo, Khẩu Giáo, Ý Giáo viên dung, Ni Trường làm gương cho đàn hậu học và đại chúng.
Ngoài 5 vị Ni Trưởng thuộc hàng đại thọ Bồ Đề, bậc lương đống Ni Giới Việt Nam trong thời kỳ đầu hội nhập xứ cờ hoa, theo thời gian, số lượng Ni giới ngày càng đông và có thể phân chia ra làm 4 hạng như sau :
– Ni Giới đủ cơ duyên hấp thụ giáo dục vững vàng và chuyên sâu : nhiều vị đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ Phật Học, Triết Học, Tôn Giáo Học, Giáo Dục Học và các ngành liên quan, như là Sư Bà Tịnh Thường, Sư Bà Giới Châu, Ni Sư : Giới Hương, SC Ngọc Liên ( Hoa Hậu Bích Liên), NS Tiến Liên, NS Minh Huệ, NS Nguyên Hiếu,…
– Ni Giới chỉ trang bị vừa đủ hành trang đến Hoa Kỳ, chưa được thấm nhuần, chuyên sâu như là số lượng hầu hết các vị Ni được bảo lãnh từ Việt Nam qua khi vừa tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học tại Việt Nam.
– Ni Giới non trẻ cần được đầu tư : những vị Ni trẻ tốt nghiệp từ Trung Cấp Phật Học trở xuống từ Việt Nam và những người mới xuất gia chưa được 10 năm tại Hoa Kỳ.

III. Những khó khăn trong tu học và hành Đạo của Ni giới tại Hoa Kỳ :

Có câu : “vạn sự khởi đầu nan”, đặc biệt trong giai đoạn Phật Giáo tại Hoa Kỳ còn non trẻ, hơn 40 năm qua là giai đoạn Ni giới Việt Nam đặt nền móng cho việc du nhập, hiện diện và hoằng Pháp tai Hoa Kỳ. Sinh hoạt Phật Giáo có tính tùy duyên bất biến, uyển chuyển và khế hợp – khế thời, khế lý, khế cơ – và đáp ứng được sự tương thích với Xứ – Cơ – Thời – Giáo. Chúng ta hãy nhìn lại, chiêm nghiệm và phân tích những khó khăn mà Ni giới Việt Nam gặp phải khi hành Đạo tại Hoa Kỳ :

1. Hội nhập ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống Hoa Kỳ

Thật không dễ dàng để hội nhập ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống của bất cứ quốc gia nào. Riêng về ngôn ngữ – Anh Ngữ – một người khá thì phải học 2 năm mới giao tiếp căn bản được, 5 năm thì giao tiếp được hầu hết trường hợp phổ thông. Nhưng âm giọng của người Việt nói tiếng Anh thường khác với người bản xứ, nhiều trường hợp phát âm sai. Hơn nữa, về Anh văn chuyên môn Phật Pháp, có người đã học Anh Văn : 4 năm Cử Nhân, 2 năm cao học, 5 năm Tiến sỹ, tổng cọng 11 năm với Anh Văn Phật Pháp như vậy mà cũng không thể dạy Anh Văn Phật Pháp cho trẻ em hoặc người bản xứ. Thâm nhập vào nếp sống, văn hóa lại càng khó hơn ngôn ngữ nữa. Nhưng nếu không hiểu được căn cơ, nếp suy nghĩ, văn hóa của họ thì làm sao giáo hóa được họ?

2. Tôn Giáo chính ảnh hưởng Hoa Kỳ là Ky Tô Giáo :

Theo các cuộc khảo sát gần đây, 76% tổng số dân Hoa Kỳ nhận họ theo Kitô giáo. Đám cưới, các ngày Hội Lễ, đám tang,… hầu hết tổ chức trong nhà thờ. Pháp Thoại của các cha nhà thờ được truyền trực tiếp qua tivi, radio. Nhiều trường học, đại học, bệnh viện,… thuộc về Ky Tô Giáo. Ngay cả Tổng Thống Hoa Kỳ khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức thì đặt tay trên Kinh Thánh thề, khi đọc xong bài diễn văn luôn có câu : Cầu Chúa ban phúc lành cho Hoa Kỳ (God bless America),…Ví dụ các nhà truyền giáo muốn mang Phật Giáo đến Brazil hoặc Châu Phi thì không phải dễ dàng chút nào! Cho nên nói các sứ giá Như Lai ở xứ cờ hoa đang làm việc : trồng Bồ Đề trên cây Thánh Giá, bao gồm cả nghĩa đen là mua nhà thờ rồi sửa lại thành Chùa Phật Giáo. Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ ra những điểm tương đồng giữa Phật Giáo và Ky Tô Giáo qua cuốn sách : “Living Buddha, Living Christ” ( Phật trong Ta, Chúa trong Ta).
Vậy có cách truyền giáo nào giúp người Mỹ chấp nhận Phật Giáo và ngày càng có nhiều người hơn theo Phật Giáo và thực hành Pháp Phật trong khi xã hội và truyền thống niềm tin gia đình qua các đời của họ vốn là Ky tô giáo?

3/ Ni giới nên nương tựa Giáo Hội – Tăng Đoàn nào tại Hoa Kỳ?
Trường hợp ở Việt Nam thì đơn giản hơn, hiện nay chỉ có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động, nhưng ở nước ngoài tự do thì có nhiêu Giáo Hội Phật Giáo cùng tồn tại, sinh hoạt vậy Ni giới nên chọn Giáo Hội nào để nương tựa đây? Những vị Ni có cơ duyên hoặc chọn lựa gia nhập và các Giáo Hội Phật Giáo khác nhau. Chư Tăng và Chư Ni trong cùng một Giáo Hội sinh hoạt “bất tức, bất ly” (không phải một, cũng không phải khác), gần gũi, song hành, hỗ tương nhau…. Chư Ni khi đã theo các Giáo Hội khác nhau thì việc Bố Tát, an cư, thọ giới, lễ hội, khóa tu học thường là mời chư Tôn Đức thuộc Giáo Hội đó chứng minh, thuyết giảng, tham dự,….mà ít tham gia sinh hoạt với các chư Ni thuộc Giáo Hội khác. Vậy có nhiều Giáo Hội khác nhau cùng tồn tại trên một quốc gia, liệu Ni giới có thể thống nhất, siêu Giáo Hội được không?

4/ Chưa hình thành được nền nếp bài bản cho sinh hoạt Ni giới :
Phật Giáo đã truyền vào Việt Nam hơn 2000 năm và nhiều Chùa hiện diện tại Việt Nam vài trăm năm nên dù sao Phật Giáo tại các nước Á Châu cũng đã định hình, có truyền thống, nền nếp nào đó. Các Chùa, các tông phái cũng có nội quy, quy chế, thanh quy, tông phong cho mình. Còn bây giờ ở Hoa Kỳ, xứ “trăm hoa đua nở”, mỗi vị Trụ Trì tự chọn hoặc đặt ra những thanh quy cho tự viện của mình, như vậy sự sai khác nhau trong thanh quy sinh hoạt khá nhiều. Ví dụ : thọ trai theo cách thức thế nào, mỗi ngày có bao nhiêu thời công phu, theo cách thức thế nào, ai được tiếp khách, có được đi học và đi làm ngoài xã hội nhiều không, cách thọ nhận cúng dường thế nào,…, có rất nhiều sự khác nhau chi tiết. Ở trong hoàn cảnh, môi trường mới, vị trụ trì và ni chúng phải làm sao chọn ra được, xây dựng nên thanh quy thích hợp nhất cho tự viện của mình để đại chúng sinh hoạt an hòa, lợi lạc, thăng hoa.

5/ Khuynh hướng nhất Tăng nhất tự :

Sinh hoạt trong Chùa chịu ảnh hưởng nếp sống và pháp luật xã hội. Có 4 lý do khiến cho chư Ni muốn ra chùa riêng làm trụ trì hoặc không cần ghép mình vào Ni Đoàn – Tăng Đoàn :
– Luật Pháp của Hoa Kỳ cho phép “trăm hoa đua nở” không giới hạn gì về khu vực địa lý hoặc là sự phê duyệt của Giáo Hội Phật Giáo. Ở Việt Nam thì chỉ trừ vùng Tây Nguyên, cả xã hoặc cả phường chưa có một chùa thì có thể ưu tiên lập chùa mới, còn các tình khác ổn định rồi thì chỉ có thể trùng tu, phát triển chùa cũ chứ không được phép lập chùa mới và mọi chùa đều phải chịu sự quản lý của Giáo Hội Phật Giáo còn ở Hoa Kỳ thì muốn hình thành nên bao nhiêu chùa mới cũng được miễn là đủ tiêu chuẩn và không ảnh hưởng gì đến khu dân cư và sinh hoạt xã hội xung quanh và Ban Quản Trị của một chùa liên hệ trực tiếp và nhận được sự cho phép sinh hoạt tôn giáo tại tự viện đó từ Bộ Nội Vụ và Tôn Giáo mà không cần phải vao một Giáo Hội hoặc thông qua sự phê duyệt của Giáo Hội.
– Phong trào, nhìn xem chung quanh Huynh Đệ, pháp hữu cùa mình đã ra chùa rồi, “ho đã là trượng phu, Ta há chẳng phải là trượng phu hay sao?”, nên cũng ra chùa riêng và trụ trì để được xem, công nhận là: có cống hiến đáng kể và xứng tầm với họ. Đôi khi lấy cái chùa to nhỏ và số lượng quần chúng theo mình làm thước đo thành tựu đạo nghiệp và mức độ cống hiến cho Đạo Pháp. Việc tự do phát triển chùa đó, nếu khéo vận dụng và nếu đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu thì lợi lạc, ngược lại, nếu đó là sự “chạy đua” theo hình tướng với Danh, Ngã, Sở Hữu thì trở nên khủng hoảng thừa, rối rắm, tai hại, thêm hoang mang trong lòng Phật tử.
– Nếp sống Hải Ngoại cổ xúy tự do, dân chủ: người con lớn lên 17, 18 tuổi thì không muốn sống lệ thuộc với cha mẹ nữa mà ra thuê nhà ở riêng và quyền của trẻ em rất được bảo vệ. Cũng vậy, tu sỹ trẻ không muốn “lệ thuộc” hoặc “phục tùng” theo vị trụ trì nữa, nhiều lúc họ nghĩ “gặp thời thế, thế thời phải thế” chứ còn “trên trần ai, ai dễ biết ai”. Nghĩa là nhìn một vấn đề có nhiều khía cạnh, đúng hay sai, phải hay trái chủ yếu là do vị Trụ Trì hoặc Ban Quản Trị phán quyết, ai thuận theo họ thì ở, ai cãi và trái với họ thì xách gói ra đi, khỏi cần ý kiến, bàn cãi. Nghĩa là, với xứ sở Hoa Kỳ và Hải Ngoại tự do thì thế hệ trẻ và thành viên của Ni chúng không phải một mực cúi đầu vâng theo : “Y Giáo phụng hành” mà họ có chủ kiến của họ và những lúc bất đồng ý kiến họ ra đi, xây dựng nên cơ sở và lối đi riêng, rồi thời gian và kết quả sẽ là câu trả lời cho tất cả cho mọi vấn đề hoài nghi về : đúng – sai, phải – trái, tốt – xấu….
– Có những vị ni trẻ trong chúng cảm thấy chúng thì đông, công việc chia ra hết, cũng chẳng có gì bất hòa nhưng cái chính là cảm thấy mình không được tin tưởng, không được đặt đúng chỗ, không trọng dụng,… cho nên ra lập chùa riêng để có thể triển khai hết những tiềm năng, khả năng, tài năng, sáng tạo độc đáo cùa mình, để có “đất dụng võ”.
6/ Chánh mạng để tồn tại – một thách thức thực sự :

Một vị tu sỹ ở đất nước Nam Truyền như Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Cam Pu Chia, … thì sinh hoạt quá thuận tiện rồi vì nhân dân tôn kính và cúng dường mọi thứ sẵn sàng. Ở Việt Nam thì có một số tu sỹ cũng làm kinh tế nhà chùa lai rai như làm nhang, đồ ăn chay, may Pháp Phục, còn tu sỹ sống ở Hải Ngoại thì khó mà đi khất thực và ít mong đợi, nương cậy hết vào sự cúng dường cung phụng của Phật tử mà tự mình đi làm kinh tế trong chùa hoặc ngoài xã hội. Lý do đơn giản là sống ở nước ngoài, mức sống cao, chi phí lớn nên hầu hết đều mượn nợ sử dụng trước, trả sau, chẳng hạn như : xe hơi, máy lạnh, tủ lạnh, bảo hiểm sức khỏe, nhiều loại bảo hiểm và các khoản chi phí (bills) khác. Nếu ra chùa riêng, mua nhà đất lập nên chùa thì thông thường là phải mượn nợ hoặc vay rồi lo làm sao có thu nhập đều đặn mỗi tháng để trả, kéo dài đến hơn 15 năm mới hết. Hơn nữa, không phải như Việt Nam, ngày nào, đêm nào cũng có người viếng chùa, lễ chùa, tụng niệm tu tập tại chùa, ở Hải ngoại thì chủ yếu là tập trung sinh hoạt vào cuối tuần ( thứ 7 và chủ nhật), lúc đó Phật tử nghỉ làm đi chùa, Las Vegas là ngoại lệ vì Phật tử bận làm các việc trong Casino hoặc các dịch vụ cung cấp cho khách hàng cuối tuần mà được thư giãn giữa tuần. Thế thì mỗi tuần vị tu sỹ chỉ bận rộn giúp hướng dẫn cho Phật tử tu tập 1-2 ngày cuối tuần, vậy các ngày thường trong tuần đâu có thể yên tâm luẩn quẩn ở chùa trong khi nợ nần chưa trả xong? Thế là hầu hết tu sỹ trẻ (dưới 62 tuổi) phải tìm công việc đi làm kinh tế ngoài xã hội và xem đó là Chánh Mạng để duy trì sự hiện hữu của mình và tự viện một cách chủ động, về lâu về dài.
Từ việc theo phong trào “nhất Tăng nhất Tự” như thế mà vị tu sỹ bận rộn và đóng nhiều vai : tri khách, tri viên, tri sự, hương đăng, hành đường, thư ký, thủ quỹ,…vừa lo công việc kinh tế bên ngoài, vừa lo quán xuyến trong Chùa, vừa tiếp khách và đáp ứng nhu cầu tu học Phật tử,… khiến cho vị ấy mỏi mệt, không đủ thời gian và sức lực cho việc trau dồi, nghiên tầm sâu Thánh Điển, thực hành tinh chuyên, tu tập chuyển hóa chính mình cho được vững chãi, thảnh thời trên đường Đạo.

7/ Thiếu các lớp gia giáo, sự quan tâm đào tạo của chư Tôn Túc :

Như trên đã phân tích, chư vị Tôn Túc và trụ trì quá bận rộn và đóng nhiều vai khác nhau, khác với nếp sống tu học của tu sỹ sống trong Đại chúng ở các nước Á Châu cho nên họ đâu còn đủ thời gian và tâm sức để chăm lo giáo dưỡng thế hệ Ni trẻ? Ở Việt Nam có các lớp gia giáo, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học Phật Giáo, hoặc các vị Ni Trưởng Hải Triều Âm, … các Thiền Viện Trúc Lâm có lớp học bài bản hằng ngày cho Ni trẻ, còn ở Hoa Kỳ làm sao tìm ra được môi trường giáo dục Phật Giáo đó? Ngay cả việc Ni điệu trẻ xin đi tham dự khóa an cư chỉ có 10 ngày mà vị trụ trì cân nhắc xem có thể cho đi được hay không? Sự hun đúc, bồi đưỡng, rèn luyện, đào tạo rất là cần thiết có như vậy đàn hậu học mới có thế thấm nhuần Thiền vị.

IV. Những thuận lợi trong việc tu học và hoằng Pháp tại Hoa Kỳ :
Phần trên đã chỉ ra 7 loại khó khăn, thử thách chờ đón Sứ Giả Như Lai ở Hoa Kỳ, vậy thì tại sao ngày càng có nhiều hơn tu sỹ xin visa đến và muốn thường trú tại Hoa Kỳ? Cái gì cũng có hai mặt của nó, xứ Hoa Kỳ có không ít khó khăn nhưng cũng có nhiều điều thuận tiện cho chư Ni tu học và hoằng Pháp, nổi bậc là :
1. Quyền tự do tôn giáo và mọi nhân quyền được đề cao :
Như trên đã nói : ai đủ điều kiện muốn lập chùa mới thì lập, muốn lập ra bao nhiêu Giáo Hội thì tùy thích, sinh hoạt trong tự viện hoặc trong đoàn thể Giáo Hội : Lễ Hội, khóa tu, giảng dạy, đại hội, thọ giới,… muốn tổ chức làm gì thì làm miễn là không náo động, ảnh hướng xung quanh, không phạm pháp luật, chứ không cần phải xin phép gì cả. Lãnh đạo chính quyền tôn kính các nhà hoạt động tôn giáo, xem họ là những vị lãnh đạo tinh thần của các tín đồ và quần chúng trong xã hội và họ biết về nhân cách và tâm linh có nhiều điều họ chưa làm được như các nhà truyền giáo chứ không phải xem mình là anh cả là người có quyền lực trị vì còn các nhà hoạt động tôn giáo chẳng qua cũng là con em của mình, đang chờ ân huệ và sự đồng ý của mình cho việc nọ, việc kia,…Ngoài ra, họ có nhiều chính sách giúp cho tự viện như là miễn thuế khi đi mua sắm, hoặc các công ty, xí nghiệp cá nhân cúng dường cho tự viện có thể lấy biên nhận đó để khai thuế ( thay vì đóng thuế, thôi thì đem đi cúng chùa cũng vậy).
2. Quyền lợi được bảo đảm : Ai chủ sở hữu đất hay nhà lập chùa đó thì họ mãi mãi là chủ sở hữu cho đến khi họ chuyển nhượng cho người khác chứ không phải buộc cúng dường cho Giáo Hội quản lý mới được lên chùa. Các chế độ hưởng tiền già, bảo hiểm sức khỏe được cung cấp đầy đủ. Tu sỹ được phép làm hầu hết các việc trong xã hội, kể cả việc đứng lớp dạy đại học chính quy với Pháp Phục tu sỹ (điều này không làm được ở Việt Nam với các trường công lập). Do hệ thống pháp luật rõ ràng, chặt chẽ cho nên mọi người yên tâm đầu tư trong mọi lĩnh vực, kể cả sinh hoạt tôn giáo, không lo sợ ai chèn ép, gây khó dễ hay tước đi quyền sở hữu hợp pháp của mình. Nhân phẩm, giá trị của mỗi cá nhân con người được đề cao, bảo đảm, không ai có quyền xâm phạm, lên mặt, chèn ép ai một cách bất công, phi lý.
3. Môi trường trọng lành, an toàn thực phẩm : Dù sao thì người sống gắn bó với môi trường, thời tiết nóng lạnh ở các nước châu á đang phát triển, ô nhiễm môi trưởng, vệ sinh công cộng chưa bảo đảm, khói bụi mit mù,…ảnh hưởng đến sức khỏe, cảm giác và sự tu tập. Chẳng phải là nhiều người muốn đến các cõi Trời và Tây Phương Cực Lạc vì những nơi ấy thanh tịnh hơn sao? Do đó, ở Hoa Kỳ, mọi người được hưởng bầu không khí trong lành, dễ chịu, an toàn thực phẩm.
4. Hoa Kỳ là xứ sở của những cơ hội, mọi người đều được tiến triển thăng hoa trên mọi lĩnh vực tùy theo khả năng và sự nỗ lực đúng hướng của mình. Vị tu sỹ có thể trợ cấp, vay mượn tiền để học Cử Nhân, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ, sở làm đón nhận tùy theo khả năng, … Những vị có năng lực ưu việt có nguồn tài liệu Phật Giáo từ Pali, Sanskrit, tiếng Anh dồi dào tử các đại học nổi tiếng để nghiên cứu : Berkeley, Yale, Princeton, Standford, Havard, University of the West, UCLA, Columbia, Cornell, Chicago,…Tu sỹ Việt Nam có thể tham học và trở thành Thiền Sư hướng dẫn các trường Thiền quốc tế tại Hoa Kỳ. Nếu đủ khả năng, tu sỹ có nhiều điều kiện giảng dạy Phật Pháp tại nhiều đạo tràng khắp Hoa Kỳ, giảng dạy cho các khóa tu trẻ, cho sinh viên, học sinh, cho người bản xứ. Với hộ chiếu Hoa Kỳ cũng như các nguồn tài chính dành dụm được, tu sỹ có thể hành hương, tham quan, du học, tham dự Hội thảo, khóa tu hoặc sinh hoạt Phật sự nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam.
5. Bình đẳng giới tính và quyền lợi của nữ giới : Hoa Kỳ là xứ văn minh, tiến bộ cho nên phái nữ được trân trọng và bảo vệ, thậm chí còn được ưu tiên hơn nam giới “lady first”. Ni giới trong sinh hoạt Phật sự cũng vậy, sẽ được yêu thương, quý trọng và nâng đỡ. Hơn nữa, các phương tiện công nghệ hiện đại máy móc đã áp dụng vào công việc rồi thì ni giới chỉ cần sử dụng công nghệ, máy móc và tiện nghi không kém chư Tăng, như việc làm vườn, xây chùa, …Với sự khuyến khích và hỗ trợ từ xã hội, ni giới sẽ nỗ lực, ở thế chủ động và phát huy sáng tạo tối đa, có nhiều thành tựu đáng kể không thua kém gì chư Tăng, như tấm gương của 5 vị Ni Trưởng trên, như hoạt động xã hội và từ thiện cùa SC Ngọc Liên, học tập, nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác của NS Giới Hương, Tiến Liên, Giới Châu,….

Ni Sư Giới Hương

6. Ni giới được chủ động, không quá lệ thuộc vào Giáo Hội, Tăng Đoàn:
Ở Việt Nam chẳng hạn, Ni Bộ muốn làm gì cũng phải trình qua Ban Trị Sự Huyện, Tỉnh, Trung Ướng Giáo Hội để được cho phép và chỉ đạo, còn Ni giới Phật Giáo Hoa Kỳ được toàn quyền quyết định về Khóa Lễ, Khóa Tu Học, tổ chức Giới Đàn, Đại Hội Ni Bộ, Hội Thảo, An cư, tham gia hoạt động xã hội,…Như vậy Ni giới có thể có những bước tiến nhảy vọt mà không cần phải chờ đợi, gò bó vào hinh thức, vỏ bọc nào.

V. Những việc cần làm cho sự phát triển bền vững Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ

1. Lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Kiều Đàm Di và các mô thức đại hội Ni Bộ toàn quốc
Ni giới hoàn toàn có thể tổ chức Lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Kiều Đàm Di, một mô thức đại hội Ni Bộ toàn quốc hàng năm luân lưu qua các tự viện, thành phố khác nhau. Ôn cố tri tân, trong Lễ Tưởng Niệm này có kèm theo các chương trình Tọa Đàm, Thuyết trình, Hội Nghị để chư Ni hiểu và thương, trợ duyên cho nhau, tạo thành một khối hòa hợp, vững chắc, đức chúng như hải sẽ tạo động lực vô biên cho mỗi vị Ni nơi các trú xứ của mình nỗ lực liên tục vì biết phía sau lưng mình có sự hậu thuẫn và kỳ vọng của Ni bộ. Ni giới hoàn toàn có thể lập ra Ban Thư Ký và Ban Liên Lạc các vùng miền để tạo mối dây liên hệ thường xuyên, hỗ trợ Phật sự cho nhau thành tựu

Ni Sư Tiến Liên

2. Tổ chức Hội Thảo, Thuyết Trình về các vấn đề quan trọng, cùng quan tâm : Trí tuệ đoàn thể sẽ bổ sung cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm về việc di trú, bảo lãnh, thủ tục pháp lý, xây dựng cơ sở tự viện, tổ chức sinh hoạt nơi tự viện, nghệ thuật Hoằng Pháp, sinh hoạt kinh tế, từ thiện xã hội, những điểm cốt yếu trong Giáo Lý Phật Pháp, các pháp môn tu tập, tâm gương Tổ Sư Ni Việt Nam, phương cách cảm hóa độ sinh, cách nuôi dạy chúng, lớp Gia Giáo, Trường Lớp Phật Học cho Ni giới, quý khuyến khích đào tạo Tăng tài, những thách thức và cơ hội cho Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai.
3. Tham dự và sinh hoạt đều đặn với các tổ chức Phật Giáo quốc tế như Sanghadita ( Những người con gái Đức Phật), American Buddhist Women (Sakyadhita USA) the World Buddhism Bhikkhuni Association ( Tổ chức Tỳ Kheo Ni Phật Giáo Thế Giới, https://www.wbba2017.org/eng/p1_about.php),

International Bhikkhuni Day (Ngày Ni Giới Quốc Tế), The Alliance for Bhikkhunis (Hiệp Hội Ni Giới), Women’s Human Rights Institute (Viện Nghiên Cứu Nhân Quyền Nữ Giới), tham dự Hội Thảo Phật Giáo thế giới, Vesak, hành hương và tu tập tại Ấn Độ, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau với Ni Bộ Việt Nam,…

Ni Sư Giới Châu

4. Đầy mạnh khâu truyền thông và văn hóa : Ban liên lạc Ni Bộ Việt Nam Hoa Kỳ nên lập danh sách các tự viện Ni thành viên, địa chỉ, email, facebook, viber, zalo, phone, website … liên hệ, có thể lập một website hoặc là tạo một chuyên mục : Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ trong một website của Chùa Ni nào đó có sẵn để cập nhật về những sinh hoạt, phát triển mở rộng các tự viện Ni toàn quốc. SC Ngọc Liên đã có sẵn phương tiện truyền thông qua Tivi, radio, Ni giới Hoa Kỳ có thể liên hệ, phối hợp tận dụng. Ngoài ra, Ni giới có thể ấn hành các kỷ yếu, đặc san, nguyệt san Phật Pháp, có nhóm liên kết group zalo, viber, Zoom để cập nhật tin tức sinh hoạt và chia sẻ ý kiến.

6. Phối hợp tổ chức sinh hoạt với các sự kiện đặc biệt của các Giáo Hội

Các khóa an cư 10 ngày, các khóa tu tập 3 ngày, các cuộc hội thảo, các kỳ lễ Phật Đản tập trung, Ngày Về Nguồn, Húy Kỵ các bậc cao Tăng, ắt hẳn Ban Tổ Chức và các vị lãnh đạo các Giáo Hội cũng mở rộng lòng ra chào đón sự nhiệt tình tham dự của Chư Ni càng đông, càng thêm sum tựu và viên mãn. Những ngày đó, bên cạnh những sinh hoạt theo chương trình của Ban Tổ Chức, chư Ni gặp gỡ có thể hội thảo, chia sẻ với nhau những vấn đề cần thiết, cùng quan tâm.

7. Hướng đến việc bám rễ và ảnh hưởng lâu dài sâu rộng trong quần chúng Hoa Kỳ :

Tạo chùa tuy khó nhưng nhiều người làm được, tạo Tăng lại khó hơn, xây dụng xong thì phải duy trì chứ không phải như nhiều chùa Tàu, xây xong rồi sau đó bỏ trống. Cần phải dấn thân vào các hoạt động ảnh hưởng đến xã hội và thượng tầng kiến trúc Hoa Kỳ và ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng Hoa Kỳ như : hướng dẫn và giúp đỡ tù nhân, những người già ở viện dưỡng lão, bệnh viện, người sắp chết, các lớp dạy tiếng Việt, giảng dạy Phật Pháp bằng Anh Văn cho trẻ em và người bản xứ, tổ chức các lớp Chánh niệm và Thiền, giảng dạy ra nhiều DVD Pháp Thoại bằng tiếng Anh có phụ đề (subtitiles) bằng tiếng Anh để họ dễ theo dõi đối chiếu, dich sách Phật Pháp từ tiếng Việt qua tiếng Anh, viết sách bằng tiếng Anh, có tivi và đài Phật Pháp bằng tiếng Anh, website Phật Pháp, facebook và giảng livestream bằng tiếng Anh, có nhiều tu sỹ đứng trên giảng đường đại học Hoa Kỳ thì tốt. Khi bảo lãnh Ni trẻ từ Việt Nam qua phải cân nhắc đối tượng đó về hạnh nguyện, khả năng, lứa tuổi, thâm nhập ngôn ngữ văn hóa, tổ chức, hoằng Pháp. Phải nên có pháp Học thâm sâu và luôn dồi trau, nâng cấp, Pháp Hành vững vàng, đều đặn, hướng đến việc ảnh hưởng Phật Pháp chứ không đơn giản nghĩ đến lợi ích ngắn hạn, chấp nhận hy sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thế hệ sau kế thừa và phát huy tốt hơn mình, chỉ bảo họ những gì cần né tránh, những gì cần tập trung để họ không tốn thời gian lòng vòng mà đi vào những trọng yếu nhất, cần biết tập trung, tổ chức, phân công, đặt đúng người đúng việc và sử dụng nhân sự một cách tốt nhất để mỗi người phát triển hết tiềm năng của mình, cống hiến tốt nhất, phát huy tối đa khả năng, sở trường của họ. Cái gì thuộc về lõi cây thì sẽ tồn tại, còn những hình thức mà không có nội dung thì như “thùng rỗng kêu to” rồi sẽ bào mòn, hủy hoại theo thời gian. Chúng ta hãy xem tấm gương hoằng Pháp của các Ngài Suzuki, Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Nhất Hạnh, Thiền Sư Hàn Quốc, Miến Điện, Chùa và đại học Tây Lai phương thức và ảnh hưởng thế nào thì có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và cách hành Đạo cho bản thân mình, tự viện của mình và đường hướng chung để Ni giới suy gẫm, hỗ trợ nhau, dắt dìu nhau và tổ chức nhân sự từng bước làm cho được những việc như vậy để hoằng Pháp sâu rộng đến quần chúng và phát triểu lâu dài về sau.

PHẦN KẾT LUẬN :

Thừa hưởng ân đức của Kiều Đàm Di Mẫu và các vị Thánh Tổ Ni trong đó có các vị Ni Trưởng tiền bối khả kính như Ni Trưởng Như Thanh, Hải Triều Âm, Diệu Không, Huỳnh Liên, Tâm Hoa, Trí Hải,…Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ đang là những sứ giả như Lai, “mang chuông đi đánh xứ người” hoằng truyền chánh Pháp, đối diện với nhiều khó khăn thử thách thì hãy chung sức chung lòng Truyền Đăng Tục Diệm, kế vãng khai lai. Phần đóng góp của tập sách này là ôn lại hành trạng công đức, gương sáng Chư Vị Ni Việt Nam thời cận đại và hiện đại, những vị đã và đang tô điểm những nét son cho trang sử vàng Phật Giáo Hoa Kỳ. Vì Tâm vì Tình với nhau mà đến, chư Ni đến với nhau để hiểu, cảm thông, tạo nên sự hòa hợp, nguồn thương và lẽ sống, hành Bồ Tát Đạo, hoằng Pháp độ sanh. Bát Kỉnh Pháp, Bày Pháp Bất Thối, Lục Hòa là những yếu tố cần thiết cho sự kết nối Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ, hỗ tương nhau trong tu học, sinh hoạt và hành Đạo để đạt đến những thành tựu viên mãn.Thừa hưởng những kết quả đạt được hơn 40 năm qua tại Hoa Kỳ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chọn ra hướng đi đúng nhất, khéo kết hợp khả năng, sở trường của mỗi người khác nhau, hỗ tương giữa các thế hệ về tài chánh kinh nghiệm, cơ sở với nguồn năng lực dồi dào để tạo nên những bước tiến vượt bậc cho Ni Giới Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhưng thực ra sau này là Ni Giới Phật Giáo Hoa Kỳ, Với những vị tôi đã từng tiếp xúc, chứng kiến những gì quý vị đã đạt được cùng với Tâm Đạo sắt son, xin đặt trọn vẹn niềm tin đến thế hệ chư Ni Việt Nam đang hiện diện tại Hoa Kỳ, những đoa hoa thơm ngát vườn Thiền, có đủ điều kiện để nở rộ, mang hương thơm trái ngọt cho đời. Trang lich sư Phật Giáo Hoa Kỳ sau này sẽ trân trọng khắc ghi những cống hiến lớn lao của quý vị, là những bậc trượng phu, vượt nửa vòng Trái Đất để mang ánh sáng Giáo Pháp đến cho những ai hữu duyên, đặt trọn niềm tin tưởng. Cầu hồng ân Tam Bảo gia bị cho Chư Ni thân tâm an lạc, chư duyên thù thắng, phước trí trang nghiêm, Bồ Đề tâm bất thối, Ni Bộ Phật Giáo Hoa Kỳ ngày một phát triển hưng thịnh để trang nghiêm Tăng Già Phật Giáo Hoa Kỳ, thành tựu hạnh lành, pháp luân thường chuyển làm tốt Đạo, đẹp Đời.

Mùa Phật Đản PL 2564` (05/2020)
Thích Đồng Trí
(Thích Minh Tuệ)

 

Facebook Comments Box

Trả lời