2656 lượt xem

Sinh viên Trung Học Giao Lưu Phật Pháp với Thầy Trừng Sỹ

Thích Trừng Sỹ

Mời Đại Chúng đọc bài và xem những hình ảnh dưới đây cho vui

Vào ngày Chủ Nhật, một vài tuần sau đại lễ Phật Đản,[1] ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, có cô giáo Singer Beth hướng dẫn khoảng 25 em học sinh trung học lên Chùa Cổ Lâm để giao lưu văn hóa tâm linh và tìm hiểu thêm về Phật pháp dưới sự hướng dẫn của Thầy Thích Trừng Sỹ. Trong số các sinh viên ấy, có một vài em có cha mẹ đi cùng. Cô Singer Beth, một đồng giáo sĩ cao cấp Do Thái (a co-senior Rabbi) của Đền Beth Am, là một giáo viên trường trung học và cao đẳng tại Seattle. Mặc đầu là một đạo sĩ Do Thái, nhưng cô rất thích học và tìm hiểu Phật pháp. Cô nói, “Những ai có đủ duyên tiếp cận, học hỏi, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì họ có khả năng đem lại hoa trái an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. 

Kính chào Quý Thầy Cô Giáo, Phụ Huynh, và các Em Sinh Viên,

Hôm nay, với đầy đủ duyên lành, chúng ta có mặt tại Chùa Cổ Lâm để học hỏi và giao lưu Phật pháp. Trong buổi giao lưu này, mình, đạo hiệu thích Trừng Sỹ, sẽ hướng dẫn các bạn cách chào hỏi trong Phật pháp, cách đọc Ba Câu Nương Tựa[2] bằng tiếng Pāli và tiếng Anh, cách hiểu và thực hành Năm Điều Tỉnh Thức. Sau đó, mình sẽ hướng dẫn ngắn gọn cho các bạn cách hát bài hạnh phúc trong Thiền Tập.

1/ Cách chào hỏi trong Phật pháp

Trước tiên, thầy hướng dẫn các em cách chắp tay và xá chào với nhau. Ý nghĩa của chắp tay có nghĩa là “Sen búp xem tặng người, một vị Phật tương lai.” Khi hai người chắp tay xá chào với nhau, việc chắp tay đó có nghĩa là cả hai người đều có chung ước muốn tưới tẩm các hạt giống Phật pháp, an vui, và hạnh phúc nẩy mần và vươn lên tươi tốt trong tâm thức của các bạn.

2/ Đọc Ba Câu Nương Tựa bằng tiếng Pàli

1. Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Buddha là một danh từ; trong tiếng Việt, chúng ta gọi là “Phật” – Bậc Tỉnh Thức hay Bậc Giác Ngộ Viên Mãn. Sarana là một danh từ có nghĩa là quy y, nương tựa, hay quay về. Gacchami có nghĩa là con đi đến, hay là con đi tới. Trong tiếng Pāli, cả 2 danh từ Buddha(m)Sarana(m) là đối cách hay cách thứ hai làm tân ngữ cho động từ Gacchami. “Tôi hay con” (Aham) là đại từ của ngôi thứ nhất số ít được hiểu ngầm là chủ ngữ của câu Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Mi trong động từ gacchāmi. được chia theo đại từ Aham.[3] 

Vậy, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi có nghĩa là con đi đến nương tựa đức Phật Người chỉ con đường hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho pháp giới chúng sanh trên khắp hành tinh này, hoặc là, về nương tựa Phật, con đang có hướng đi chánh niệm, vững chãi, và sáng suốt cho con trong cuộc đời.

Phật (Buddha) có nghĩa là người tỉnh thức và giác ngộ viên mãn, sống đời sống chánh niệm và tĩnh giác, vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này. Trong Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhimagga, the Path of Purification),[4] đức Phật có 10 danh hiệu đặc thù được viết như sau:

Đức Phật Thế Tôn;

bậc Thầy lãnh đạo tâm linh an bình và cao thượng của chúng con;

bậc Thầy xứng đáng nhất để được cúng dường;

bậc Thầy hiểu biết và thương yêu;

bậc Thầy có đầy đủ công hạnh và tuệ giác;

bậc Thầy đã đạt được an vui và giải thoát toàn vẹn;

bậc Thầy hiểu thấu thế gian;

bậc Thầy có khả năng điều phục được con người;

bậc Thầy của cả hai giới thiên và nhân;

bậc Thầy đã giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy;

bậc Thầy đáng được thế gian tôn sùng và quý kính nhất trên đời.

Câu kệ tán dương đức Phật như sau:

Phật là Thầy chỉ đạo,

Bậc tỉnh thức vẹn toàn,

Tướng tốt đoan trang,

Trí và bi viên mãn.[5]

2. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi

Dhamma là một danh từ có nghĩa là lời Phật dạy. Sarana là một danh từ có nghĩa là quy y, nương tựa, hay quay về. Gacchami có nghĩa là con đi đến, hay là con đi tới. Trong tiếng Pāli, cả 2 danh từ Dhamma(m)Sarana(m) là đối cách hay cách thứ hai làm tân ngữ cho động từ Gacchami. “Tôi hay con” (Aham) là đại từ của ngôi thứ nhất số ít được hiểu ngầm là chủ ngữ của câu Dhamma saraṇaṃ gacchāmi. Mi trong động từ gacchāmi. được chia theo đại từ Aham.[6]

Vậy Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi có nghĩa là con về nương tựa Pháp, con đường của hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại. Hoặc là, nương tựa Pháp trong con, con đang có hướng đi chánh niệm, vững chãi, và sáng suốt cho con trong cuộc đời.

Pháp (Dhamma) có nhiều nghĩa như quy luật của vũ trụ, quy luật tự nhiên, luật nhân quả, hiện tượng … Trong bài viết này, pháp được thảo luận ở đây được hiểu là lời Phật dạy, cụ thể là Tam Vô Lậu Học (Giới, Định, và Tuệ) hay con đường thánh gồm có tám chi phần: “Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Con đường thánh có tám chi phần bao gồm Đạo đức, Thiền định, Trí tuệ, là con đường hòa bình, an vui, và hạnh phúc. Con đường này có nhiều mối tương quan và tương duyên với các giáo lý khác của Phật giáo, của các học thuyết khác và các triết lý khác ở đời. Con đường này được hiểu theo ý nghĩa bóng có nghĩa là khi chúng ta áp dụng và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì chúng ta có khả năng góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho gia đình, học đường, và cho xã hội trên khắp hành tinh này.

Trong Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhimagga, the Path of Purification),[7] chánh Pháp có những tính đặc thù được định nghĩa như sau:

Chánh Pháp của Đức Thế Tôn, do chính Ngài khéo thuyết giảng,

rất thiết thực hiện tại,

có giá trị vượt thoát thời gian,

có khả năng chuyển hóa thân tâm,

có khả năng dập tắt các phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v. v…

Nương vào Phật pháp,

người trí nào cũng có thể tự mình tu tập,

thông đạt giáo pháp,

đến để thấy,

đến để nghe,

đến để hiểu,

đến để học,

đến để thực hành, và đến để thưởng thức những hoa trái an vui và hạnh phúc

ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Câu kệ tán dương giáo pháp như sau:

Pháp là con đường sáng,

Dẫn người thoát cõi mê,

Đưa con trở về,

Sống cuộc đời tỉnh thức.[8]

3. Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi

Sangha là một danh từ chung có nghĩa là đệ tử Phật, tức là Tăng thân, Tăng nhãn, Tăng đoàn, Cộng đồng, Đoàn thể gồm bốn người trở lên, etc. Sarana là một danh từ có nghĩa là quy y, nương tựa, hay quay về. Gacchami có nghĩa là con đi đến, hay là con đi tới. Trong tiếng Pāli, cả 2 danh từ Sangha(m)Sarana(m) là đối cách hay cách thứ hai làm tân ngữ cho động từ Gacchami. “Tôi hay con” (Aham) là đại từ của ngôi thứ nhất số ít được hiểu ngầm là chủ ngữ của câu Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Mi trong động từ gacchāmi. được chia theo đại từ Aham.[9]  

Vậy, Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi có nghĩa là con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời hòa bình, hòa hợp, an vui, và tỉnh thức cho tự thân và cho tha nhân, hoặc là, nương tựa Tăng trong con, con đang có hướng tu tập, an vui, và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Tăng (Sangha) được thảo luận ở đây có liên quan tới Đoàn thể tu tập, an lạc, hòa hợp, và đoàn kết của những người xuất sĩ hoặc đoàn thể của những người cư sĩ. Cả hai đoàn thể này bổ sung và hỗ trợ với nhau như hình với bóng, như nước với sóng, và cùng nhau ứng dụng Phật pháp vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ.  

Trong Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhimagga, the Path of Purification),[10] Tăng có những tính đặc thù được định nghĩa như sau:

Tăng Bảo của Đức Thế Tôn là Đoàn thể đang đi trên đường chân thiện, chân chánh, chính trực, tốt đẹp, và thích hợp; là đoàn thể đang hướng theo Phật pháp, tu tập Phật pháp, và sống đúng với tinh thần Phật pháp. Trong Đoàn thể thánh thiện này, có những vị đã và đang chứng quả thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán, gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả, thành tựu các khía cạnh đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. Đoàn thể này xứng đáng được nương tựa, phụng sự, quy kính, quý trọng, ngưỡng mộ, và cúng dường, là ruộng phước đức tốt đẹp cho thế gian gieo trồng. [11]

Tăng được viết thành kệ như sau:

Tăng là Đoàn thể đẹp,

Cùng đi trên đường vui,

Tu tập giải thoát,

Làm an lạc cuộc đời.[12]

Qua những gì được thảo luận trên đây, chúng ta hiểu Tam Bảo (Phật, Pháp, và Tăng) được dụ như đèn tuệ giác soi sáng cho chúng con đi trên con đường hòa bình, an vui, và hạnh phúc tâm linh. Những ai có đủ duyên tu, học, hành trì, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách tinh chuyên, thì hiện tại họ sống rất an lạc, và tương lai họ sống rất an vui.

Đệ tử nương nhờ Tam Bảo

Trên con đường học đạo

Biết Tam Bảo của tự tâm

Nguyện tu học tinh cần

       Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.[13]

Bên cạnh Phật pháp, chúng ta hiểu thêm Năm Điều Tỉnh Thức mà nội dung của nó bao gồm Năm Giới hay Năm Điều Đạo Đức dưới đây như sau:

Năm điều tỉnh thức

Năm Điều Tỉnh Thức được hiểu là Năm Điều Đạo Đức, là lời Phật dạy, và là hướng đi trong sáng, vững chãi, và hòa bình cho nhân loại và xã hội ngày nay. Để người xem, người đọc, và người học dễ hiểu, dễ nắm bắt, và dễ thực hành Năm Điều Tỉnh Thức, người viết trình bày tóm lượt như sau:

Một là tôn trọng sự sống, phát triển tâm từ bi, bảo vệ môi trường thiên nhiên, và nuôi dưỡng hòa bình nội tâm bằng cách ý thức không sát hại sinh mạng.

Hai là xả bỏ tâm bỏn xén, tham lam, phát tâm bố thí, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo bằng cách ý thức không lấy của không cho.

Ba là xây dựng hạnh phúc gia đình, sống chung thủy hợp pháp với người hôn phối bằng cách ý thức không tà hạnh, ngoại tình, và không xâm phạm tình dục của trẻ em.

Bốn là nói lời chân thật, hòa hợp, ái ngữ, và dễ thương, đem lại lòng tin cậy lẫn nhau bằng cách ý thức không nói dối.

Năm là bảo vệ sức khỏe tráng kiện, tinh thần minh mẫn, đem lại an vui và hạnh phúc cho gia đình, học đường, và cho xã hội bằng cách ý thức không sử dụng các chất say, các chất ma túy, kể cả các việc hút thuốc lá, chơi cờ bạc, chơi các trò chơi game bạo động trực tuyến.” Khi ý thức tránh xa các chất độc tố này, Pháp học, pháp hành, pháp hỷ, và Pháp lạc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.

Bài Hát Hạnh Phúc trong Thiền Tập

Trong khi áp dụng thiền tập,[14] chúng ta có thể thực tập thiền ngồi, thiền thở, thiền đi, v. v … Để buổi sinh hoạt hôm nay tăng thêm phần sinh động, mình mời các bạn cùng nhau hát bài Thiền Ca cho vui.

 “Ta hạnh phúc liền giây phút này,

Lòng đã quyết dứt hết âu lo

Không đi đâu nữa

Có chi để làm

Học buông thả

Sống không vội vàng. 

Ta hạnh phúc liền giây phút này,

Lòng đã quyết dứt hết âu lo

Không đi cũng tới

Thấy chi cũng làm

Lòng thanh thản

Sống trong nhẹ nhàng.[15]

Qua những gì giao lưu Phật pháp trên đây, mặc dầu chúng ta có khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ giao lưu Phật pháp với quý thầy cô giáo, các em, và với quý phụ huynh của các em, song buổi chia sẻ pháp thoại hôm nay có khả năng nuôi dưỡng và tưới tẩm những hạt giống an lành và tươi mát thấm sâu vào trong tâm thức của chúng ta ngon lành.

Kính chúc Quý thầy cô, quý phụ huynh, và các em sinh viên an vui trong chánh Pháp.

                              By Thích Trừng Sỹ

The Buddhadharma Exchange with High School Students

 

[1]   2636 – 2012

[2]  Ba Nương Tựa này được tìm thấy trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta) thuộc Tương Ương Bộ (Samyutta Nikaya, 56: 11). Tại vườn Lộc Uyển (Sarnath, Migadāya, Deer Park), 5 anh em của tôn giả Kiều Trần Như (Kondanna) và các vị đệ tử khác có duyên lành gặp đức Phật, nghe, và thấm nhuần giáo pháp của Ngài, họ thỉnh cầu đức Phật làm Thầy bằng cách đọc lên Ba nương tựa Tam Bảo: Phật, Pháp, và Tăng. Sau đó, họ trở thành các vị đệ tử của Ngài.

[3]  http://www.urbandharma.org/pdf/paligram.pdf pp. 68 or 86-87.        

[4] http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf

Part II, Chapter VII, pp. 188 – 209.

[5] http://langmai.org/phat-duong/thien-mon-nhat-tung/cong-phu-sang-thu-hai

[6] http://www.urbandharma.org/pdf/paligram.pdf pp. 68 or 86-7.   

[7] http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf 

Part II, Chapter VII, pp. 209 – 215.

[8] http://langmai.org/phat-duong/thien-mon-nhat-tung/cong-phu-sang-thu-hai

[9]  http://www.urbandharma.org/pdf/paligram.pdf  pp. 68 or 86-7.

[10] http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf

Part II, Chapter VII, pp. 215 – 218.

[11]  http://langmai.org/phat-duong/thien-mon-nhat-tung/cong-phu-chieu-chu-nhat

[12] http://langmai.org/phat-duong/thien-mon-nhat-tung/cong-phu-sang-thu-hai

[13]  Như trên.

[14] http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/gioi-thieu/9450-Thien-tap.html

[15]  http://langmai.org/online/dai-may-tim/thien-ca/hanh-phuc-bay-gio/hanh-phuc-bay-gio/

Facebook Comments Box

Trả lời