1978 lượt xem

Ba thành tựu siêu việt của Đức Phật trong đêm Ngài Thành Đạo

Thích Tánh Tuệ

Namo Sakya Muni Buddha

Kính mừng Đại Lễ Phật Thành Đạo

8/12 AL Phật Lịch 2564 (20 Jan 2021)

3 thành tựu siêu việt của Đức Phật trong đêm Ngài Thành Đạo 

Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca (theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch). Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự thành đạo.                

Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.

Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.

Sau 49 ngày đêm chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, Đức Phật Thích Ca đã chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, nào tham luyến, dục vọng, phiền não, sân hận, đói khát, cô đơn… luôn hiện đến quấy nhiễu. Trong Tăng chi bộ kinh III, phẩm IX pháp, đức Phật đã kể lại cho gia chủ Tapussa và tôn giả A-nan về tiến trình chứng ngộ trong đêm thành đạo. Tiến trình giải thoát của Đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự qua 9 cấp bậc thiền chứng, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chính Đẳng Chính Giác. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng kiên trì lâu dài bền bỉ, luôn luôn hướng thượng như trong Kinh đã diễn tả.

Bồ tát Tất Đạt Đa sau khi chiến thắng nội ngoại ma, Ngài ngồi yên tĩnh theo dõi hơi thở với tâm và trí hoàn toàn tỉnh thức và thanh khiết…

BỒ-TÁT CHỨNG ĐẮC TAM MINH

  1. Canh một: Đức Phật chứng đắc Túc mạng minh

Bây giờ, cả một khối thân tâm đã trở nên thuần nhất, được giác niệm lung linh soi chiếu; không thấy trong, không thấy ngoài, không thấy ngã, không thấy ngã sở; ngài chỉ thấy hơi gió vào ra, càng lúc càng nhẹ, càng mỏng… Rồi dần dần, làn gió ấy chợt trở nên trong vắt, sáng như ánh trăng rằm vừa ra khỏi sương mù… Bồ tát Tất Đạt Đa lần lượt đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách dễ dàng, không có một gắng sức nào… Với năng lực của tâm định hoàn toàn vững chắc, kiên cố, Bồ tát Tất Đạt Đa xuống cận hành, sử dụng tầm và tứ hướng tâm đến tiền kiếp…

Chỉ một sát-na sau, Ngài lần lượt thấy rõ các kiếp sống quá khứ của mình. Từ một kiếp, hai kiếp,… mười kiếp, hai mươi kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, kiếp quả đất, nhiều đại kiếp quả đất vô giới hạn… Ngài thấy rõ mỗi kiếp, với hình ảnh rõ ràng, với vóc dáng như vậy, dòng họ như vậy, tuổi tên như vậy, y báo, chính báo như vậy, khổ vui như vậy, nghiệp đến đây như vậy,  nghiệp ra đi như vậy… Nhờ định tĩnh sâu xa, và cũng nhờ nội tâm đã lắng dứt mọi tùy miên kiết sử nên Bồ tát Tất Đạt Đa không hề khởi lên kinh cảm khi thấy mình từng mang lốt nhiều kiếp thú như chó, ngựa, voi, chim, chuột… Còn làm cả dạ-xoa, A-tu-la, thọ thần, chư thiên, phạm thiên… cũng rất nhiều kiếp nữa. Nhưng nhiều nhất là làm người: thương gia, triệu phú, nông dân, tiều phu, giáo sư, vua chúa, quan đại thần, quốc sư… Và vô lượng kiếp tu tập, xuất gia, hành các pháp ba-la-mật…

Chỉ một sát-na sau, Ngài lần lượt thấy rõ các kiếp sống quá khứ của mình . Trong vô lượng vô biên kiếp sống ấy, Ngài không tìm thấy đâu là con người thực của mình. Tất cả chúng đều do dòng nghiệp vẽ ra, tạo nên. Sự sinh, sự diệt trùng trùng, hóa thân trùng trùng, sầu bi khổ ưu não cũng trùng trùng… Tất cả chúng đều như từ sương khói mà hiện ra, từ sương khói mà diệt mất, dường như vô căn, vô cội nhưng chỉ có một dòng chảy, dòng chảy của sinh mệnh, nghiệp lực là liên lỉ từ vô thủy đến vô chung… Tuy liên lỉ nhưng không phải hằng hữu. Chúng chuyển biến, dịch hóa, thay đổi liên tục, mới mẻ liên tục…

Chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì thường tại… Bồ tát Tất Đạt Đa xả thiền, lúc ấy chỉ vừa qua canh một. Thế là Ngài đã chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiññāṇa) khi mặt trăng từ hướng Đông mới lên đến đầu tàn cây Assattha.

  1. Canh hai: Đức Phật chứng đắc Thiên nhãn minh

Mỉm nụ cười vi diệu như nụ hoa hàm tiếu ở trong tâm, rồi không để uổng phí một sát-na nào, Bồ tát Tất Đạt Đa lại nhiếp niệm đi vào tứ thiền sắc giới, kiên trú định; trở lại cận hành, dùng tầm và tứ, hướng tâm đến sự sinh tử của chúng sinh. Thế rồi, như cuốn phim quay nhân quả hiển hiện rõ ràng trong nội tâm, Ngài thấy sự đi về, tới lui, thấp hèn, cao thượng, xấu đẹp, khổ vui của tất cả chúng sinh từ quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nếu thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác thì rơi vào bốn cảnh khổ. Ngược lại, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì được sinh thú cõi người, cõi trời nào đó tương ứng với hành nghiệp ấy.

Tiếp tục đi sâu, đi xa, theo dõi dòng nghiệp của chúng sinh, Bồ tát Tất Đạt Đa còn thấy được tâm hướng của từng chúng sinh một, với quả báo vị lai xa xăm cho đến hằng sa sinh diệt của quả địa cầu! Vậy là tất cả tác nhân, quả báo tạo nên sinh thú của tất cả chúng sinh đều được Ngài nhìn thấy rõ như các đường chỉ trong lòng bàn tay của mình.

Như thế là vào cuối canh hai, khi mặt trăng vừa chênh xế cội cây Assattha, Bồ tát Tất Đạt Đa chứng đắc Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuññāṇa).

  1. Canh ba: Đức Phật chứng đắc Lậu tận minh

Trở lại tứ thiền, nuôi dưỡng phỉ lạc thâm sâu, vào an chỉ định, trở lại cận hành, dùng tuệ minh sát quán chiếu tự thân; ngài thấy rõ rằng, chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến ngũ trần (kāmasavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những chấp thủ ta, của ta, người và chúng sinh (diṭṭhāsavakilesa),  chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu (bhavāsavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến si mê, vô minh (avijjāsavakilesa).

Khởi chính tư duy, Bồ tát Tất Đạt Đa tự nghĩ: Tất cả những phiền não ngủ ngầm, vi tế ấy chẳng có ai hay biết dẫu loài người thông tuệ hoặc chư thiên, phạm thiên có nhiều năng lực. Cho chí những đạo sĩ tuyệt luân đắc bát thiền và ngũ thông như Kāḷadevila cũng đành chịu. Hai vị đạo sư nổi danh về chứng đắc cùng với sự chấp thủ của họ cũng chỉ làm duyên nối dài cho sự sinh tử, luân hồi vô tận mà thôi!

Thế rồi, với tuệ giác vô nhiễm, rạng ngời, trong sáng như pha lê, Bồ tát Tất Đạt Đa thấy rõ gốc nguồn căn cội của mọi khổ đau, phiền não là vô minh và ái dục. Nó tạo ra tất thảy thế gian sinh tử. Vì vô minh, si mê, lầm lạc nên chúng sinh tạo tác các nghiệp trắng, nghiệp đen, nghiệp không trắng không đen. Duyên các nghiệp ấy, và cũng do năng lực của nghiệp ấy, một thức tâm tái sinh đi tìm kiếm cảnh giới tương thích. Nó nương gá tinh cha và huyết mẹ để tượng thành một thai bào, ở đấy có sự sống và ẩn tiềm dòng nghiệp riêng biệt của chính mình. Khổ vui, hèn sang, giàu nghèo, trí ngu, thọ yểu… kể cả di truyền, cá tính, thói quen, văn hóa, tín ngưỡng… đều được hạt giống ấy mang theo, bất ly, bất hoại để hình thành một chúng sinh mới, đời sống mới. Những danh tâm và sắc tướng với đầy đủ chủng nghiệp sẽ tượng hình nên mắt tai mũi lưỡi thân ý.

Rồi với thời gian, trong tương quan xúc đối với ngoại giới, chúng sẽ xuất hiện cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức. Cái gì vừa lòng, thích thú thì ôm nắm, níu giữ; cái gì không vừa ý, bất toại nguyện thì ghét bỏ, chối từ, phủ nhận. Tham sân khởi sinh để tạo tác những nghiệp hữu trong ba cõi, sáu đường. Rồi sinh, rồi già, rồi chết, rồi sầu, bi, khổ, ưu, não… như một vòng quay tất định không bao giờ ra khỏi. Vòng luân hồi luẩn quẩn loanh quanh ấy được kết nối với nhau bởi những chiếc khoen trong sợi xích sắt vĩ đại…

Vào giữa canh ba, Bồ tát Tất Đạt Đa đã thấy rõ chúng. Muốn chấm dứt luân hồi sinh tử, khổ đau, phiền não thì phải biết tháo gỡ những chiếc khoen – mà chiếc khoen vô minh, si mê, lầm lạc là quan trọng nhất. Nếu sáng suốt, tỉnh giác, tỉnh thức, tuệ minh chiếu soi thì sẽ không có hành nghiệp, tạo tác nhân để mai sau gặt quả. Thức tìm kiếm tái sinh không còn thì ước vọng trở thành sẽ không có cơ hội nẩy mầm. Và nếu không tham đắm, mê say các cảm thọ thì các chấp thủ làm sao hiện hữu được? Thủ không có thì hữu, tái sinh, già lão, sầu bi khổ ưu não sẽ rã tan như những hạt sương treo trên đầu nắng…

Khi thấy rõ toàn bộ sự vận hành duyên khởi ấy, tâm và tuệ của Bồ tát Tất Đạt Đa sáng trong như viên ngọc maṇi không tì vết. Ngài trú vào miền tĩnh lặng thâm sâu với sự hoan hỷ, lạc phúc như tràn đầy nội tâm và cả hư không giới. Như ai ăn người ấy no, như uống nước, nóng lạnh tự biết,  Bồ tát Tất Đạt Đa chứng nghiệm được điều mà thế gian chưa từng ai chứng nghiệm.

Sự sinh, sự diệt của từng sát-na duyên khởi vô ngã tính giải thích toàn bộ khối khổ đau, nguyên nhân của nó, và con đường dập tắt mọi ảo tưởng, ảogiác của chúng hữu tình. Khi ảo tưởng, ảo giác không còn thì những sinh niệm trôi lăn sẽ tự động chấm dứt. Sự chấp thủ các uẩn, các hữu chợt rã tan như những đốm hoa, không thực hữu – khi có tuệ nhãn, trí thông, trí minh chiếu soi. Mọi tham muốn lầm lạc, sai biệt với các định luật của nhiên giới, tâm giới, pháp giới sẽ không còn ảo ảnh để đeo níu, mê đắm nữa.

Tất cả đều được trả về nguyên trạng khi nó chưa từ biệt cố hương, chưa bị vấy bẩn bởi bụi đỏ, bùn đen và cát tía. Trăng sáng. Hoa nở. Chim hót. Sương mù. Lá rơi. Suối chảy. Nhận biết. Lắng nghe. Cảm giác… Tất thảy chúng đều hiện ra như chân như thực. Không cái gì bị che kín. Không cái gì bị mất đi. Không cái gì thường còn. Bất tử là vậy. Giá trị hằng cửu và ý nghĩa tối thắng của cuộc đời này phải được lập cước từ cái thấy biết toàn diện và chân chánh  ấy. Và đó là chánh kiến. Có cái thấy đúng ấy mới có cái suy nghĩ đúng – chánh tư duy. Có cái suy nghĩ đúng mới có nói  năng đúng – chánh ngữ. Có nói năng đúng mới có hành động đúng – chánh  nghiệp. Có hành động đúng mới có nuôi mạng đúng – chánh  mạng. Có nuôi mạng đúng mới có nhiệt tâm, nỗ lực, tinh cần đúng – chánh tinh tấn. Có nỗ lực, tinh cần đúng mới có chú tâm, ghi nhận đúng – chánh niệm. Có chú tâm, ghi nhận đúng mới có được yên tĩnh, bình tĩnh, định tĩnh, trạm nhiên bất động trước mọi cơn gió bão của nội ngoại ma – chánh  định.

Đấy là con đường. Là đạo lộ diệt tận khổ đau, phiền não. Là yếu chỉ, bí quyết giải thoát tất cả mọi bộc lưu, mọi triền phược, mọi kiết sử… ngủ ngầm trong hố thẳm vô thức từ vô lượng kiếp. Là giáo pháp vô năng thắng. Là cái mà từ quá khứ, hiện tại, vị lai chưa có mặt trên cuộc đời… Như vậy là cái thấy của Bồ tát Tất Đạt Đa đã ở ngoài sinh tử, đã vượt thoát sinh tử. Chẳng còn cái lưới nào bủa vây, nhốt kín tuệ giác của Ngài được nữa. Sáng trong vằng vặc. Ngài mỉm cười như nụ hoa sen hàm tiếu. Hào quang từ nơi vầng trán của Ngài chợt tỏa ra, vừa rực rỡ, ấm áp như tia nắng mặt trời, vừa dịu dàng mát mẻ như ánh sáng mặt trăng…

  1. Canh tư: Đức Phật chứng đắc ngôi Chính Đẳng Chính Giác

Thế là vào canh cuối, trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā, Bồ tát Tất Đạt Đa đã chứng đắc quả vị Đại A-la-hán, Chính Đẳng Giác;

Khi đức Bồ-tát chứng đắc quả Chánh đẳng giác, có nhiều hiện tượng phi thường, kỳ diệu đã xảy ra như ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đã được mô tả trong sự kiện Bồ-tát đản sanh. Ngoài ra đó, tất cả những loại cây ra hoa ở trong mười ngàn thế giới đều đồng loạt nở hoa. Tất cả những loại cây cho trái cùng đồng loạt ra trái trĩu cành. Các loại hoa cũng nở ra một cách khác thường trên thân, cành và trên những cây leo. Những chùm hoa hiện ra lủng lẳng trong không trung. Các loại hoa sen nở hoa một cách kỳ diệu trên thân không lá, mỗi bông hoa có bảy tầng, xuyên qua những tảng đá lớn và mọc ra thành những dãi hoa. Đúng như vậy, mười ngàn thế giới của sanh đản sát thổ đều chuyển động nhẹ vào lúc ấy và trông như khối hoa khổng lồ được thổi tung lên hoặc như những luống hoa được khéo sắp đặt.

Đặc biệt nhất, ở địa ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 thế giới, dành cho những chúng sinh có tà kiến cố định (niyatamicchāditthi) hoàn toàn không tin nghiệp – quả. Ở địa ngục rất tối tăm đó, dầu ánh sáng của bảy mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu đến tận nơi; nhưng ánh sáng hào quang của Đức Phật tỏa khắp mười ngàn thế giới, chiếu sáng đến tận địa ngục Lokantarika. Cho nên, những chúng sinh ở nơi đó có thể nhìn thấy lẫn nhau.

Khi ấy, Ðức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm với hai bài kệ, xem như là khúc Khải hoàn ca:

Ôi! Người làm nhà kia, nay Ta đã thấy ngươi!

Người không làm nhà nữa, đòn tay ngươi bị gẫy,

Kèo cột ngươi bị tan, tâm Ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.

Hai bài kệ cảm hứng tự thuyết chính là Phật ngôn đầu tiên của đức Phật (Paṭhamabuddhavacana).

Ngài thành đạo ngày mồng 8 tháng 12 Âm Lịch.

 Lúc đó Ngài vừa 35 tuổi….

Đêm con thức cùng Người.

Đêm nay con thức cùng Người

 Nghìn mắt sao trời cũng thức,

 Chắp đôi bàn tay trước ngực

 Lặng nhìn Đại Tháp thiêng liêng …

.

 ” Thế Tôn !”, con thầm gọi tên

 Cõi lòng tràn dâng khát ngưỡng .

 Trong thế hoa sen tọa thiền

 Con tìm Người trong tâm tưởng .

.

 Gió khuya, sương mù buốt lạnh

 Muỗi vo ve.. loài ong đêm .

 Người ơi ! tháng ngày khổ hạnh

 của Người, ai dễ làm nên .

.

 Bóng đêm phủ trùm vạn vật

 Muôn loài chìm giấc mộng say

 Người đã mang về Sự Thật

 Rạng ngời đuốc Tuệ trên tay.

.

 Nhân loại nghìn đời quy ngưỡng

 Muôn sinh từ độ nương nhờ .

Người đến khơi nguồn chân phúc

 Cuộc đời đẹp tựa bài thơ .

.

Nghìn thu.. dẫu khô dòng mực

 Cũng không cùng tận ơn Người .

Đêm nay con về thức trọn

 Dâng niềm Tôn Kính đầy vơi …. 

 Như Nhiên – TTT

 Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân Nhứt Đổ Minh Tinh

Đạt Thành Chánh Giác BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT..

 

Phật tử Quảng An diễn ngâm bài “Ba Thành Tựu Siêu Việt Của Đức Phật Trong Đêm Ngài Thành Đạo” của  Thầy  Tánh  Tuệ.

.

 

Facebook Comments Box

Trả lời