1121 lượt xem

Chìa Khóa Vào Thiền – Tác giả: Sekkei Harada Roshi – Dịch giả: Nguyên Giác

Nguyên Giác

(Lời người dịch: Bài này nguyên tác là “The Key to Zen” của Đại sư Sekkei Harada, in trên tạp chí Lion’s Roar vào tháng 4/2018. Chữ “Roshi” là danh hiệu “Lão sư,” nơi đây chúng ta dịch là “Đại sư” theo truyền thống Việt Nam. Ngài Sekkei Harada Trụ trì của Hosshin-ji, một Thiền viện Tào Động (Soto Zen) tại tỉnh Fukui, ven biển miền trung Nhật Bản. Ngài Harada sinh năm 1926 tại Okazaki, gần Nagoya, thọ đại giới tại Hosshin-ji năm 1951. Năm 1953, Harada tới Hamamatsu để học dưới hướng dẫn của Thiền sư Gien Inoue (1894-1981), và được ấn khả (xác nhận đã ngộ) năm 1957. Năm 1974, Harada được phong làm Trụ trì Hosshin-ji và chính thức được Dòng Tào Động công nhận là Thiền sư năm 1976. Từ 1982, Harada thường xuyên đi hải ngoại, hướng dẫn các khóa thiền ở Đức, Pháp, Hoa Kỳ và Ấn Độ, trong khi vẫn hướng dẫn các khóa thiền trong nước Nhật. Bài này do Lion’s Roar mô phỏng từ sách The Essence of Zen (Cốt Tủy Của Thiền) của Đại sư Harada và từ nhiều bài giảng in trong các lá thư Hosshin-ji Newsletter. Bản Việt dịch nơi đây lược bớt một số chi tiết. Đại sư Harada nói rằng Thiền Tào Động là đốn ngộ, vì tu và chứng là một, không hề tiệm tiến, rằng bất kỳ ai cũng đã là Phật, vì đau khổ và vô minh chính thực là Không. Để hiểu ý đó, chúng ta có thể đối chiếu lời Đức Phật nói trong Kinh SN 35.191 (Kotthita Sutta) rằng mắt không phải là xiềng xích của cái được thấy, và cái được thấy không phải là xiếng xích của mắt, tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… Nhận ra như thế, là tức khắc Niết bàn. Tương tự, Nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời có Kinh Sn 5.14 nói rằng ai thấy cả trong và ngoài đều là không thì sẽ giải thoát. Trong và ngoài, tức là tâm và cảnh.)

— —

Chìa khóa của Thiền, theo lời Đại sư Sekkei Harada, là quăng bỏ nó [chìa khóa] đi. Bất kể nó quan trọng cỡ nào, hãy cứ quăng bỏ nó đi.

Nơi đâu là Pháp An Tâm?

Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên), người sáng lập Thiền Tào Động tại Nhật Bản, định nghĩa Thiền thế này: “Tọa Thiền không phải là thiền pháp tuần tự từng bước; nó đơn giản là Cửa Pháp của an lạc. Nó vừa là tu và chứng của sự giác ngộ toàn triệt.” Thiền tiệm tiến từng bước (Step-by-step meditation) là để tìm ngộ (satori), hay giải thoát, vào một lúc nào đó ở tương lai. Nhưng trong Thiền Tào Động, lời dạy rằng tự thân Thiền là ngộ. Bởi vì tu tập và chứng ngộ là một, tách rời tu thì không có chứng, và trong chứng đã có tu tập. Nếu bạn muốn tìm kết quả trong tương lai, thì Thiền sẽ chết. Đó là lý do vì sao ngài Dogen (1200–1253) nói, “Tọa Thiền không phải là Thiền tuần tự từng bước.”

Thiền là toàn bộ đời sống con người. Đi, đứng, ngồi và nằm — các hoạt động này tự chúng đã là ngộ. Nhưng có một khuynh hướng nghĩ rằng, trong ngôn ngữ tu tập, một hành vi này hay hành vi khác tương đối quan trọng hơn. Có một số người mang cách nhìn ngoại đạo rằng, “Chỉ ngồi thiền mới là tư thế tu tập tử tế nhất và chân thật nhất. Mọi thứ khác là thứ yếu.” Nhưng đó là sai lầm lớn. Cả ngồi thiền và làm việc đều là pháp. Không thể có chuyện có 2 pháp trong pháp. Vài người ngồi thiền với mục tiêu giữ lòng can đảm hay chữa bệnh, nhưng như thế cũng là thiền tập từng bước. Khi bạn ngồi tọa thiền, bạn phải chỉ là tọa thiền thôi. Đó là cái chúng ta gọi là shikantaza. Đừng làm cho Thiền trở nên bất tịnh. Bạn đừng nên đưa thêm ý nghĩa nào vào đó.

Nhiều người thường hỏi tôi, “Có cách nào khác bên cạnh tọa thiền để được an tâm?” Tôi trả lời, “Không.” Thiền là hội nhập toàn bộ pháp {sự thật}; nó chính là một với chính nó. Nếu trong các tôn giáo trên thế giới với các phương pháp khác nhau dạy một cách trực tiếp để hội nhập pháp bất kể dị biệt giữa giải thoát xuyên qua tự lực (jiriki) và giải thoát xuyên qua tha lực (tariki) như Phật A Di Đà hay Thượng Đế, thì phải nói cách dạy như thế là Thiền. Nếu chúng ta dính mắc vào chữ “tọa thiền” (zazen), thường có khuynh hướng nghĩ rằng đó là pháp tu nào đặc biêt, nhưng nó không phải thế. Do vậy, Thiền là cách duy nhất để an tâm.

Hoạt động của Thân, Khẩu và Ý

Một sai lầm lớn nhiều người vướng về tọa thiền là nghĩ rằng nó chỉ là trong hình thức chúng ta ngồi trong thiền định. Thực sự, tất cả chức năng hoạt động của thân, khẩu và ý phải là tọa thiền. Tọa thiền của thân là tư thế ngồi thẳng, tréo chân và đặt hai bàn tay vào nhau. Tọa thiền của khẩu là những lời nói chúng ta dùng trong ngày, lời chào hỏi buổi sáng, lời Bát Nhã Tâm Kinh chúng ta tụng trong thời kinh sáng và các bài kệ chúng ta đọc trước khi ăn, cũng như những chữ dùng khác trọn ngày. Sau cùng, tọa thiền của ý là chức năng của tâm, cái mà chúng ta không thể thấy. Những ý nghĩa khác nhau, tính toán, biện biệt và vân vân — tất cả chuyển động của tâm đều là tọa thiền.

Và rồi, khi nói tất cả chức năng thân, khẩu và ý đều là tọa thiền, sẽ dễ dàng rơi vào bẫy suy nghĩ, “Tại sao cần thiết tọa thiền, hay tìm kiếm gì qua Thiền?” Vấn đề nơi đây với suy nghĩ “tất cả hoạt động đều là tọa thiền” là điều chúng ta biết qua phương tiện học hỏi. Nó chỉ thuần túy là hiểu qua ý thức suy luận. Thực tại hiện tiền do vậy chia làm hai – chủ thể và đối thể (tâm/cảnh) — và ý nghĩ khởi lên rằng không cần tọa thiền. Chúng ta phải cẩn trọng nơi này.

Vấn Đề Về Tự Ngã Nhận Biết

Ban đầu, Thiền sư Dogen có một câu hỏi, như thế này, “Phật pháp dạy rằng thân này tự thân là Phật. Trong cốt tủy, một người là Phật, [là] pháp, và [là] Thiền. Vậy, tại sao cần tu tập?” Không vị thầy nào ở Nhật có thể trả lời câu hỏi này, nên Dogen mới sang Trung Hoa tìm câu trả lời. Sau một thời gian dài và gian nan, Dogen gặp Thiền sư Nyojo, và rồi “hãy buông bỏ thân và tâm.”

 “Liễu xanh, hoa đỏ.” Hay, “tất cả mọi người đều có Phật Tánh.” Hay, “Tất cả chúng sanh tự thân đã là Phật và tự thân đã là Thiền.” Dogen nói một cách khẳng định rằng không sai gì trong các câu nói trên, dù trước hay sau khi “thân và tâm đã buông xả.”

Từ điểm nhìn của pháp, mọi thứ đều rỗng rang trống không. Không cần gì phải “buông bỏ thân tâm.” Chúng ta đã sẵn trong trạng thái tự do. Vậy thì, tại sao bạn không chấp nhận tất cả các hiện tượng như chúng là? Vấn đề lớn duy nhất là nằm trong chỗ có phải hay không, trong các hành vi thấy, nghe, kinh nghiệm và nhận biết, tự ngã có chen vào hay là nó đã hoàn toàn biến mất. Chính vì tự ngã chen vào nên bạn không thể chấp nhận các thứ như chúng là. Đó là điều tôi thực sự muốn bạn biết tới. Chính là để quét trôi hoàn toàn sự can thiệp của tự ngã, nên mới cần tọa thiền.

Nhiều người suy nghĩ nhầm lẫn: “Cái mà tôi đang quan sát và đang kinh nghiệm là tự ngã thực của tôi. Để quên tự ngã đó hay để chấp nhận tự ngã khác thì là không cần thiết.” Đó là cách hầu hết người ta suy nghĩ. Những người khác, khi nhìn tự ngã như một vật (đối thể của chủ là khách), nghĩ: “Tôi phải buông bỏ tự ngã. Tự ngã phải bị buông xả.” Nếu bạn nghĩ như thế, cũng là một sai lầm nghiêm trọng.

Tất cả chúng sanh và tất cả hiện tượng của thế giới (núi, sông, cỏ, cây và vân vân) là hợp thể của tứ đại –đất, nước, gió, lửa. Các yếu tố này không có trung tâm cố định; chúng biến đổi tự do theo trường hợp. Tuy nhiên, nếu “cái tôi” cố định như kiểu một trung tâm hay nguồn nào, thì nó không còn có thể thay đổi nữa. Sửa chữa “cái tôi” trong cách này là cội nguồn ảo vọng. Và bởi vì “cái tôi” được nhận thức là hiện hữu, vọng niệm khởi lên [cho thấy] rằng phải có cái gì đó là cội nguồn.

Ban đầu, Đức Phật Thích Ca cũng nghĩ rằng phải có cái gì là cội nguồn của đau khổ. Đó là lý do ngài khởi sự tu tập. Nhưng khi nhìn thấy ngôi sao buổi sáng, lúc đó là chứng ngộ, ngài biết rằng không có cội nguồn đau khổ nào. Nói cách khác, tất cả các pháp khởi dậy vì nhân duyên, và tất cả biến mất cùng lý do đó. Ngài nhận ra tất cả hiện tượng sinh ra từ nhân duyên. Để giải thích về nhân duyên, Đức Phật Thích Ca dựng lên một “lâu đài ma” và gọi đó là tánh không (emptiness).

Tánh không là một giải thích của cái nhất thể (oneness), nơi không hề có một cách ngăn chút nào cho những ý kiến của tự ngã để vào. Hãy xem tánh không như một duyên khởi nơi tất cả khái niệm biến mất. Cách nhanh nhất để được giải thoát khỏi các ý kiến biện biệt sai lầm như thế là Thiền (Zen). Không cần lập lại điều này, nhưng tôi muốn bạn nhớ rằng tọa thiền (zazen) là toàn bộ hoạt động của thân, khẩu và ý. Tôi thường dùng các chữ như Thiền (Zen) hay Pháp (the dharma) hay Con Đường (the Way). Hãy nhớ rằng các chữ này là chỉ cho cùng một thứ.

Ba Yếu Tố Cốt Tủy của Thực Tập Tọa Thiền

Có ba yếu tố cần có trong tu Thiền: hỏi vị thầy về pháp, thực tập tọa thiền, và giữ gìn giới luật. Mục tiêu tu Thiền là để hoàn tất càng nhanh càng tốt trong tọa Thiền, và trở về tới thời điểm trước khi bạn biết bất cứ gì về tọa thiền.

Một vài người say mê với tọa thiền, và như thế mất cái nìn về tự ngã thực của họ. Họ nhầm lẫn rơi vào thói quen suy nghĩ rằng họ tu tập tọa thiền toàn lực. Những người như thế là xa cách với tu Thiền chân thực.

Những người khác dạy nhầm lẫn rằng tọa thiền là rất tốt cho toàn bộ cuộc đời của bạn và đơn giản yêu cầu người học phải ngồi. Tuy nhiên, nếu tọa thiền không lìa tất cả các quan điểm tư kiến, như về tốt và xấu (hay lành/dữ) thì nó không phải là thiền chân thực. Dù vậy, cũng tốt để trích một phần thời gian từ đời sống bận rộn của bạn để luyện năng lực định tâm bằng cách bạn toàn tâm toàn lực thực tập thiền.

Về yếu tố đầu tiên – hỏi một vị thầy về pháp – Thiền sư Dogen có lời khuyên cho những nười không biết làm gì nếu họ không gặp một vị thầy chân thực. Dogen cảnh giác họ nghiêm túc, “Trong trường hợp như thế, tốt nhất là tạm thời ngưng tu tập. Bỏ tập sẽ ít nguy hiểm hơn là tập sai.” Lý do là vì tu tập như thế y hệt như vượt biển mà không bản đồ–luôn luôn có cơ nguy gặp các đá ngầm chưa biết.

Về yếu tố thứ nhì, việc tu tập tọa thiền, sẽ ít nguy hiểm hơn cho những ai không có thầy để tự họ tập, thay vì tập tọa thiền trong một cách sai lầm. Hãy đơn giản toàn tâm toàn lực trong việc này.

Yếu tố cuối cùng là giữ các giới luật. Như thế này là hãy để tất cả mọi thứ như chúng là, mà không can thiệp vào hay áp đặt ý kiến của bạn vào cách các thứ đó đang là. (NG ghi chú: về ý nghĩa giới luật của Harada, hãy để cái “đang là” như là “cái đang là” và chớ can thiệp để buộc chúng phải là cái gì khác. Nghĩa là, hãy “vô tâm” hay “vô niệm” – tức là không có “cái tôi” nào xuất hiện trong “cái đang là.”) Nếu bạn không có tư kiến quan điểm nào, thì các giới luật đã được giữ hoàn thiện ngay cả trước khi bạn có ý định như thế. Tất cả mọi thứ đều có nguyên lý vận hành. Để giữ gìn giới luật là hãy tuân theo các luật đó. Giữ gìn giới luật nghĩa là tất cả mọi thứ đều là một, và không có cách nào can thiệp vào với cái một đó (oneness).  Người nào có thể sống thuận theo các luật tắc này chính là một vị Phật. Đó là một cuộc đời trong đó nguyên nhân và kết quả là một.

Tu Thiền chính là nghiên cứu khảo sát về tự ngã. Không phải là làm theo lời dạy từ một vài Thiền sư nào, dù theo chữ viết hay lời nói. Tôi muốn bạn đừng nhầm chỗ này. Đừng tìm Thiền trong Phật pháp hay trong lời của một vị thầy. Vai trò của một vi thầy là giữ cho trò đi thẳng đường nghiên cứu khảo sát về tự ngã.

Một Lần Trong Đời, Một Lần Hội Ngộ Này

Trong nghi lễ uống trà, câu nói “một lần trong đời, một lần hội ngộ này” thường được nói lên. Chỉ có nghĩa là “một lần gặp và là lần duy nhất.” Trong Thiền, câu này hiểu là: trong đời chúng ta, có một người mà chúng ta phải gặp. Bất kể chúng ta phải đi qua đồng cỏ hay phải leo núi, chúng ta phải gặp người này. Người đó trong thế giới này. Người đó là ai? Đó là tự ngã chơn thực. Bạn phải gặp cái tự ngã chơn thực đó. Khi chưa gặp, sẽ không có thể hài lòng thực sự về chiều sâu trái tim của bạn. Bạn sẽ mãi còn cảm giác là còn thiếu gì đó. Bạn cũng sẽ chưa có thể làm sáng tỏ cách mà các pháp là.

Đó là mục tiêu của đời cũng như của Phật pháp – tự gặp chính mình. Cách thực dụng nhất, nhanh nhất là xuyên qua Thiền.

Buông Bỏ Hết Các Tiêu Chuẩn Của Bạn

Chìa khóa của Thiền là bất kể thứ gì quan trọng cỡ nào, nó cũng phải bị quăng bỏ. Hãy cứ quăng bỏ mãi, quăng bỏ luôn các tiêu chuẩn của bạn.

Noh là một thể loại kịch truyền thống của Nhật Bản (NG ghi chú: kiểu như cải lương hay hát bội của VN). Câu chuyện sau đây về một diễn viên Noh có tên là Konparu Zenchiku (1405-1470?) cho thấy cách một người quăng bỏ hết mọi ý kiến mà anh trước đó từng dùng như tiêu chuẩn. Konparu Zenchiku ra sức thực tập tọa thiền, và sau đó được cấp chứng nhận ấn khả giác ngộ từ thầy. Diễn viên này mô tả về nhân duyên quên hết tự ngã (trong đó, anh đã buông bỏ hết mọi tiêu chuẩn) trong cách này: “Bất kể tôi nhìn nó cách nào, không có gì đen hơn là tuyết.” Vị thầy của diễn viên này nói, “Nếu con hiểu như thế, thì tất cả là đúng rồi,” và thầy đồng ý ấn khả [cách nhìn đó].

Tất cả quý vị nơi đây đều có văn hóa cao và kiến thức rộng. Tôi muốn các bạn quên hết tất cả tiêu chuẩn của các bạn chỉ một lần. Rồi bạn sẽ có thể sử dụng chúng trong một cách có ý nghĩa hơn. Ước muốn duy nhất của tôi là quý bạn quăng bỏ hết mọi tiêu chuẩn quý bạn đã có cho tới bây giờ, và sau đó bạn sẽ có thể dùng chúng trong một cách sinh động hơn. Nếu bạn xa lìa tất cả tư kiến quan điểm, thì đó là bạn sống thuận pháp.

Cũng Quên Luôn Cả Ngộ Đi (Also Forgetting Satori)

Tôi cũng muốn nói về kensho (kinh nghiệm nhận ra tự ngã là vô tự tánh) còn gọi là satori (ngộ), chuyện mà những người tu tập tọa thiền thắc mắc nhất về nó. Kensho, satori hay Đại Giác Ngộ là những chữ khác nhau, nhưng chúng cùng chỉ một thứ. Như dường trong vài sách có viết về các mức độ cạn  và sâu của giác ngộ, nhưng trong Thiền thì không có chia chẻ phân biệt như thế. Kensho hay satori là cái gì chỉ xảy ra một lần. Nếu nói gì về mức độ cạn sâu, nghĩa là kết quả cuối cùng chưa đạt được. Từ xa xưa, người ta nói rằng tu Thiền là rất mực nghiêm trì, nhưng thực sự sự nghiêm trì trong Thiền là liên hệ tới hay không, có phải kensho được thực sự kinh nghiệm. (NG chi chú: nghĩa là, không có chuyện ngộ cạn hay sâu, vì ngộ cạn có nghĩa là chưa là gì cả, chưa thực sự thấy tánh không.)

Kensho hay satori là trạng thái xa lìa tất cả mê mờ và ngờ vực. Dĩ nhiên, mê mờ khởi lên vì dính mắc vào tự ngã, và do vậy chỉ có nghĩa là phải buông bỏ tự ngã. Cốt tủy là, không hề có cái gì là tự ngã và cũng không hề có cái gì gọi là mê mờ. Do vậy, không có thể nói rằng kết quả tu Thiền là trở thành vô ngã, hay [nói rằng] mê mờ đã biến mất. Trong cốt tủy, những thứ đó không hề hiện hữu [có thực], nhưng rồi bạn đã nghĩ rằng chúng là hiện hữu [có thực] (rằng các pháp hiện hữu bên ngoài bạn), mà chỉ là mê mờ khởi dậy từ dính mắc vào tự ngã. Kensho là trở về trạng thái nguyên thủy nơi tất cả các pháp đều không có bản chất thực.  

Như thế không có nghĩa là nhờ kensho hay satori mà bạn trở thành một người đặc biệt. Sẽ nhầm lẫn lớn khi nghĩ rằng kensho hay satori là mục tiêu cuối cùng của tu tập. Pháp mà Đức Phật chỉ dạy là sau kinh nghiệm Đại Giác Ngộ của ngài. Do vậy, suy nghĩ về một mục tiêu cụ thể chỉ là làm thế trong Con Đường của Đức Phật. Hãy quên Thiền đi, hãy quên ngộ đi, hãy quên cả tu tập đi. Tận cùng, bạn đừng quên rằng tu tập là để quên những gì đã được quên.

Để Thực Sự Biết Rằng Năm Uẩn Là Rỗng Không

Tất cả các pháp là những dị biệt vô lượng cả với sắc uẩn hay không với sắc uẩn – mà sắc này khởi lên từ năm uẩn. Tất cả các pháp này xuất hiện vì nhân duyên, và do vậy không hề có tự tánh. Năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Uẩn có nghĩa là tập hợp. Đôi khi những thứ này xuẩt hiện riêng; đôi khi kết hợp. Tuy nhiên cần nhận thấy rằng những thứ kết hợp đều là rỗng không. Trong nghĩa rộng nhất, năm uẩn là trời và đất. Trong nghĩa hẹp hơn, chúng là thân người. Đó là tại sao chúng ta nói rằng con người là vi mô của trời và đất. Và trời và đất là vĩ mô của một thân người.

Như tôi đã nói trước đây, vật thể là gồm 4 đại: đất, nước, gió, lửa. Đất là xương và thịt, nước là máu, lửa là nhiệt độ trong thân, và gió là hơi thở. Qua tương tác nhân duyên, các đại này hình thành con người và tất cả các thứ khác. Trường hợp với người, vật thể (sắc) là thân người. Thọ là cảm giác, dẫn tới đáp ứng vô lượng cảm xúc như khổ, vui và bác bỏ (sân). Đây là cội nguồn mê mờ. Tưởng uẩn là dòng chảy bất tận của các niệm không dừng. Dựa vào cách chúng ta suy nghĩ, các niệm này có thể là vọng. Hành uẩn là lựa chọn, biện biệt những thứ khác mình, giữ mãi hình ảnh đó. Thức uẩn là toàn thể tâm, bao gồm chức năng nhận biết phân biệt. Bởi vì phán đoàn nhầm lẫn rằng chúng ta tạo ra phân biệt giữa giác ngộ và chưa giác ngộ. Thức cũng gọi là tâm, hay chỉ là tâm thôi. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu có một cái gì được nhận biết, nó chính là mê vọng; nếu không có nhận biết, nó chính là satori. (NG ghi chú: có thể nghi ngờ sự chính xác của bản tiếng Anh [In any case, if something is perceived, that is delusion; if there is no perception, that is satori] khi diễn ý nhà sư Nhật. Theo Thiền Tào Động, hễ chạy theo, sống với tâm sinh khởi ra gì, đều là mê vọng; hễ sống được tâm bất sinh, mới là giác ngộ.)

Sắc uẩn là thân người. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm, không thể được nhìn thấy. Mục tiêu Phật pháp là biết chân thực rằng 5 uẩn hoàn toàn rỗng không vô tự tánh như chúng là. Hoàn toàn rỗng không nghĩa là các thứ đều là nhân duyên hợp lại, và không có thực tánh nào. Cả sắc (các pháp hữu hình), thọ, tưởng, hành, thức (các pháp vô hình) thì vĩnh cửu hiện hữu. Chúng không thể bị tách rời, và là ý nghĩa của “Thân và tâm là một.”

Một cách căn bản, bạn phải nhận ra rằng quan điểm và ý kiến do tự ngã tạo ra khởi dậy, vì có mê vọng dính mắc vào thức-tự-ngã. Chỉ ngồi tọa thiền thôi thì không đủ. Điều quan trọng rằng bạn hiểu rõ ràng cái lý luận về pháp mà tôi nói trên. Để chứng ngộ giải thoát, điều quan trọng và cần thiết là biết những pháp như thế. Vấn đề quan trọng nhất của con người là, qua phương tiện tôn giáo, trở thành tự do xa lìa các buộc ràng về Thượng Đế và Đức Phật, để được giải thoát ra khỏi niệm nhị nguyên và sự phân biệt, kiểu như là tin và không tin, và để đánh thức dậy cái tự ngã cốt tủy.

Câu Hỏi: Người đã bỏ mất tự ngã nên được gọi là một vị Phật?

Harada Roshi: Phật chỉ là tên tạm thôi. Không thực sự có thể gắn một tên vào một cái gì không hề có trung tâm, có phải không? Tuy nhiên, chư Tổ, những người đã đạt được “vô-ngã” đã dùng nhiều tên gọi khác nhau cho trạng thái này. Để dẫn ra một thí dụ, xa xưa tại Trung Hoa có một nhà sư tên là Zuigan. Hàng ngày ông tự gọi, “Ông Chủ! Mắt người mở to phải không?” “Vâng, vâng.” Rồi nhà sư sẽ nói, “Chớ để những cái khác đánh lừa.” “Không, không,” nhà sư sẽ trả lời như thế. Thiền sư này sống một đời cứ tự thúc giục mình như thế.

Tôi nghĩ tất cả quý bạn đều có gương ở nhà. Nếu bạn có thời gian, tại sao không nhìn gương và gọi lớn, “Ông chủ” (Lão sư Harada cười).

Câu Hỏi: Tôi không hiểu câu chuyện. Nhưng bây giờ cụ thể, tôi nên sống đời mình thế nào?

Harada Roshi: Bất kể chúng ta nghĩ nhiều tới đâu về quá khứ, cũng không đổi nó được. Tương tự, dù có lo gì về tương lai, tận cùng đó là những gì chúng ta không thể biết. Do vậy, điều  quan trọng là chúng ta sống cái thực tại bây giờ, mà đừng bất mãn hay xung khắc gì.

Bởi vì chúng ta nghĩ là có một trung tâm cho cái gì mà thực sự thì nó không hề có, cho nên mê mờ và đau khổ mới khởi dậy. Do vậy, chấp nhận chân thực rằng không có gì gọi là trung tâm, hay nói cách khác là không gì có tự ngã, điều duy nhất chúng ta có thể làm là trở thành một vị Phật. Đó là cái tôi nói là sống cuộc đời không đối kháng. Và ít nhất là, điều quan trọng là một với cái bây giờ (to be one with now), và rồi quên luôn cái ý nghĩ về là một. Điều quan trọng là sống với thái độ này.

(Bản Anh văn: https://www.lionsroar.com/the-key-to-zen/amp/)

PHOTO:

Bia sách The Essence of Zen.

Đại sư Sekkei Harada.

 

Facebook Comments Box

Trả lời