3753 lượt xem

Diễn Văn Khai Mạc ở Chùa Pháp Nhãn Nhân Ngày Đón Mừng Đại Lễ Vesak

Thích Trừng Sỹ

DIỄN VĂN KHAI MẠC Ở CHÙA PHÁP NHÃN NHÂN NGÀY ĐÓN MỪNG ĐẠI LỄ VESAK

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý nhân Sĩ trí thức và quý Phật tử đồng hương,

Con xin tuyên đọc bài diễn văn khai mạc và tuyên bố lý do hôm nay.

Bồ-tát Tất-đạt-đa, con người hoàn hảo và toại nguyện có đầy đủ phước đức và trí tuệ, một con người lịch sử, sinh vào ngày Rằm Trăng Tròn tháng Vesak, tương ứng với ngày Rằm tháng Năm thường lịch, năm 624 dưới gốc cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni, nước Nepal ngày nay.

Vì nguyện lực độ sinh, Bồ-tát Tất-đạt-đa thị hiện ra đời. Sau khi thực hiện một chuyến đi ra khỏi 4 cửa thành hoàng cung để thấy cảnh thật bên ngoài, đi về hướng Đông, Ngài thấy người già; đi về hướng Tây, Ngài thấy người bệnh; đi về hướng Nam, Ngài thấy người chết; và đi về hướng Bắc, Ngài thấy vị Khất sĩ. Cảnh thật thứ tư, hình ảnh của vị khất Sĩ không những là đề tài thiền quán, mà còn là nguồn cảm hứng giúp cho Tất-đạt-đa Gô-ta-ma trở thành vị ẩn sĩ không gia đình.

Xuất gia năm 29 tuổi, Tất-đạt-đa Gô-ta-ma học đạo và vượt trội hơn hai thầy Ālāra Kalāma và thầy Uddaka Rāmaputta. Trải qua 6 năm tu khổ hạnh với nhóm tu sĩ 5 vị bao gồm A-nhã Kiều-trần-như, Tất-đạt-đa Gô-ta-ma quyết định chọn cho mình lối tu TRUNG ĐẠO, tránh xa khổ hạnh ép xác và tránh xa tham đắm dục lạc bằng cách thọ dùng bát cháo sữa của nàng Sujata, sức khỏe của Ngài trở nên bình phục.

Nhận bó cỏ Kiết tường Kusa của người nông phu cúng dường, Tất-đạt-đa Gô-ta-ma đi đến Bồ Đề Đạo Tràng thiền định 49 ngày đêm ở đó, cuối cùng thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni dưới cội cây Bồ-đề lúc 35 tuổi.

Theo 3 lần thỉnh cầu của vị vua trời, Phạm thiên Sahampati, Đức Phật lên đường thuyết Pháp đầu tiên cho nhóm tu sĩ 5 người ở Vườn Nai, Sanarth. Với Pháp Nhãn thanh tịnh, cả 5 vị này lần lượt chứng được A-la-hán. Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo chính thức được hình thành tại đây.

Sống đời sống không gia đình, Đức Phật và Tăng Đoàn có nhiều thời gian để tu tập và phục vụ chúng sanh, nương vào tình thầy trò, tình Pháp lữ, tình đồng tu, tình hộ Pháp và hoằng Pháp để làm lợi lạc cho quần sanh trên khắp hành tinh này.

Khi các đệ tử của Đức Phật càng ngày càng đông, trong Phẩm Mahavagga số 19, 20, Đức Phật dạy như sau: “Này các đệ tử thân thương, đừng đi cùng nơi và cùng hướng giống nhau, hãy ra đi nhiều nơi và nhiều hướng khác nhau để hoằng dương chánh Pháp và cứu độ chúng sanh, hãy đem sự tu tập, an lạc, và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha nhân. Vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an vui và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, các vị hãy ra đi và truyền bá chánh Pháp cho số đông. Chánh Pháp của Như Lai toàn hảo ở chặn đầu, toàn hảo ở chặn giữa, và toàn hảo ở chặn cuối, cả ý nghĩa lẫn văn tự. các vị hãy công bố đời sống thánh thiện và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh này.”

Trong suốt 80 năm trụ thế ở đời, Đức Phật giáo hóa rất nhiều hạng người khác nhau trong nhiều tầng lớp xã hội, như vua quan, quần thần, thương gia, tôi tớ, thậm chí những kẻ hốt phân, kẻ sát nhân, kỷ nữ, v.vv… Chánh Pháp và Tăng đoàn của đức Thế Tôn đều có khả năng dung nhiếp những người đến từ các giai cấp, tôn giáo, màu da, và chủng tộc khác nhau. Những ai có đủ duyên lành tu, học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình một cách tinh chuyên, chánh niệm, và tỉnh giác, thì họ có thể đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Hoằng dương chánh Pháp trong 45 năm, tất cả những gì đức Phật dạy như nắm lá cây trong lòng bàn tay nhằm giúp con người nhận diện và chuyển hóa khổ đau, và giúp họ sống đời sống an vui và hạnh phúc ngay tại thế gian này.

Trước khi nhập Niết Bàn, trong Trường Bộ, Kinh Đại-bát Niết-bàn Số 16, Đức Phật dạy rằng: “Hỡi các đệ tử, các Pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực hành phật Pháp nhiều hơn nữa, để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này. Đây là những lời giáo huấn thiết thực và tối hậu của Ta cho các người.”

Năm 544 trước Công nguyên, (624 B.C.E. – 80 = 544 +2024 = 2568) lúc 80 tuổi, Đức Phật nhập diệt tĩnh lặng, nằm nghiêng mình về hông bên phải, chân trái duỗi thẳng trên chân phải, đầu quay về hướng Bắc dưới hai cây song thọ ở rừng Sa-la, quận Kusinagar, Ấn Độ ngày nay.

Để tỏ lòng tôn kính và tri ân sâu sắc đối với Đức Thế Tôn, hôm nay tại Chùa Pháp Nhãn, ngày Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2648, là những vị đệ tử của Đức Phật, chúng con nguyện sống đúng với chánh Pháp bằng cách ý thức nguyện không làm các việc ác, nguyện làm các việc lành, giữ thân tâm thanh tịnh, đây là lời Phật dạy để làm lợi lạc và hữu ích cho quần sanh. Đó là lý do của buổi Lễ Phật Đản hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

By Thích Trừng Sỹ

The Opening Speech at Phap Nhan Temple on the Buddha Vesak Celebration Day

Facebook Comments Box

Trả lời