1766 lượt xem

Đối Mặt Với Tử Sinh

Thích Tánh Tuệ

ĐỐI MẶT VỚI TỬ SINH

Quán sát vô thường, nhân duyên, có sinh ắt có diệt là một trong những pháp hành quan trọng của giáo pháp Thế Tôn. Thấy được vô thường để bình thường, an nhiên chấp nhận với mọi biến động thường trực trong cuộc sống là một tuệ giác lớn.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc có bà nội, người mà vua rất kính trọng, bỗng nhiên mạng chung. Vua đưa ra ngoài thành hỏa táng, cúng dường xá-lợi xong, mặc áo tang, tóc bù xù, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.

Thế Tôn hỏi vua Ba-tư-nặc:

-Đại vương từ đâu lại, mặc đồ tang, tóc bù xù vậy?

Vua Ba-tư-nặc thưa:

-Bạch Thế Tôn, con đã mất bà nội mà con rất kính trọng. Bà đã bỏ con ra đi. Con đã đưa ra ngoài thành để hỏa táng, cúng dường xong, rồi đến Thế Tôn.

Phật bảo:

-Đại vương thương kính bà nội lắm phải không?

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, rất kính trọng thương mến. Bạch Thế Tôn, nếu đem những gì có được ở trong nước như voi, ngựa, bảy báu, cho đến ngai vàng đem bố thí hết cho người mà có thể cứu sống bà nội thì con sẽ bố thí hết. Nhưng vĩnh viễn đã không thể cứu được; kẻ sống người chết mãi mãi xa lìa; nhớ thương, buồn khổ, không tự mình vượt nổi. Con đã từng nghe Thế Tôn nói: ‘Tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết’. Hôm nay con mới nhận thấy lời Thế Tôn nói đúng.

Phật bảo Đại vương:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết.”

Phật bảo Đại vương tiếp:

-Cho dù dòng họ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, hay gia chủ, nếu có sinh đều phải chết, không ai không chết. Cho dù là Đại vương Sát-đế-lợi, ở ngôi quán đảnh, làm vua bốn thiên hạ, được sức tự tại; đối với các địch quốc đều hàng phục, cuối cùng không ai là không chết.

Lại nữa, Đại vương, dù sinh trời Trường thọ, làm vua Thiên cung, tự tại khoái lạc, cuối cùng cũng phải chấm dứt. Lại nữa, Đại vương, Tỳ-kheo A-la-hán các lậu đã hết, đã lìa các gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đã được lợi mình, hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng phải chấm dứt, xả thân vào Niết-bàn.

Lại nữa, hàng Duyên giác, khéo điều phục, khéo tịch tĩnh, khi hết thân mạng này, cuối cùng cũng vào Niết-bàn. Chư Phật Thế Tôn đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, hơn tiếng rống sư tử, cuối cùng cũng xả thân vào Bát-niết-bàn. Vì vậy, Đại vương nên biết, tất cả chúng sinh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sinh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sinh ra mà không chết.

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

 Tất cả loài chúng sinh/Có mạng đều phải chết/

Chúng đi theo nghiệp mình/ Tự nhận quả thiện ác/

Nghiệp ác vào địa ngục/ Làm lành lên trên trời/

Tu tập đạo thắng diệu/ Lậu hết, Bát-niết-bàn/

 Như Lai và Duyên giác/ Thanh văn đệ tử Phật/

Đều phải bỏ thân mạng/Huống là người phàm phu.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1227)

– Không ai sinh ra đời mà không chết, có sinh ắt có diệt, hữu hình thì hữu hoại. Mọi người, kể cả các bậc Thánh cũng đều tùy thuận nhân duyên mà bỏ tấm thân tứ đại vô thường. Chỉ có khác biệt là tùy theo hạnh nghiệp lúc sống mà tái sinh vào những cõi vui khổ khác nhau.

Người đệ tử Phật quan tâm đến sự chết mà không hề sợ hãi. Hiểu về sự chết là lẽ thường nhiên để sống tốt, buông bỏ, hỷ xả và làm lợi ích cho cuộc đời.

Thành kính tiễn biệt Thầy Đại Đăng.

NGUYỆN GIÁC LINH THẦY: ”BUÔNG THÂN XẢ NIỆM THẲNG VÔ SANH”

– Chia sẻ cùng cả chùa một bài thơ của vị Thầy vừa nằm xuống…

ĐỜI TĂNG LỮ 

Ta hãy sống cho những ngày đáng sống,

Không giận mừng, không oán ghét buồn thương,

Để cho lòng chan rải khăp mười phương,

Như gió lộng mây ngàn trôi vạn hướng.

Đời tăng lữ từ khi chân dấn bước,

Bỏ sau lưng bao thế trược phiền hà,

Bước vân du trong khắp cõi Ta Bà,

Chúng sanh bạn, vũ trụ nhà ta đó.

Đời giải thoát sạch không bao cái có,

Sống tiêu dao tự tại chẳng buồn lo,

Lòng thanh lương đâu quản đói cùng no,

 Tâm lặng lẽ bao ưu phiền dứt hết.

Bạn sẽ sống muôn đời khi biết chết,

Mảnh thân nầy huyễn mộng bụi trần ai,

 Dù tan xương thịt nát mảnh hình hài,

 Miệng vẫn mỉm nụ cười vui giải thoát.

Và bạn hỡi cành cao chim vẫn hót,

Hoa vẫn cười trong nắng ấm xuân mai,

Chồi vẫn xanh qua nhựa sống tràn trề,

Ta vẫn sống trong muôn loài vạn vật.

Ta vẫn sống với mùa xuân bất tận.

Thích Tuệ Giác 

Một lần nữa, xin hân hạnh chia sẻ cùng cả Chùa một ca khúc được phổ nhạc từ thơ của thầy Như Nhiên. Điều đặc biệt, người tạo nên ca khúc này là một tu sỹ, kiêm luôn ”ca sỹ” trình bày ca khúc. Nét nhạc của thầy đằm thắm, hiền hòa như lời kinh tiếng kệ chốn thiền môn…

– Xin kính mời đại chúng thư giản qua từng nốt nhạc được vọng ra từ cửa thiền thanh thoát.. do thầy Thích Khải Đạo trình bày.

THIỀN TRÀ

Núi là núi, sông là sông

Thiền là một tách trà nồng trên tay

Nước là nước, mây là mây

Thiền là hiện hữu phút giây đang là.

Tây phương vốn giữa ta bà

Cách nhau một niệm Phật, ma đổi dời .

Đạo là đạo, đời là đời

Nhịp nhàng song vận không rời khỏi nhau

Nơi hạnh phúc ẩn niềm đau

Bên dòng lệ khổ có câu kinh huyền.

Động là động, thiền là thiền

Cái nhìn Như Thị thôi phiền nắng, mưa…

Thực tại trôi giữa đời mơ

Một dòng sương khói đôi bờ nhị nguyên.

Trăng rơi xuống tách trà thiền

Ai cười vỡ mộng nơi miền tử, sinh..

Như Nhiên -TTT

Namo Buddhaya   

PT QA diễn đọc bài Pháp và diễn ngâm thơ

“Đối Mặt Với Tử Sinh” của tác giả Thích Tánh Tuệ

.

.

 

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời