1098 lượt xem

Hai Đặc Điểm của Phật Giáo Tây Phương mà Ngược với Phật Giáo Á Đông

Thích Pháp Cẩn

2 đặc điểm Phật Giáo Tây Phương là chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiến bộ. Điều này ngược với Phật Giáo Á Đông với chủ nghĩa cộng đồng và chủ nghĩa giật lùi.
Chủ nghĩa giật lùi tức nghĩ rằng đỉnh cao huy hoàng của Phật Giáo đã ở quá khứ, là dĩ vãng tuyệt đẹp nhưng nhạt nhoà. Phật và thánh chúng hay các thiền sư và pháp sư cự phách đã trong quá khứ. Quan niệm này bén rễ từ khái niệm mạt pháp. Hiện tại kém nhiều và tương lai còn kém nữa. Trong tôn giáo nhìn chung hay tư duy về quá khứ kiểu này. Rồi mẫu số chung là đi kèm sự kém đi của tôn giáo thì xã hội càng lúc càng suy đồi đạo đức và thác loạn. Rồi vật cùng tất phản, sẽ có điều gì đó đột phá mang đến niềm tin và hy vọng lớn. Trong Đạo Phật thì đó là sự ra đời của vị Phật tương lai Di Lặc.
Người Tây Phương theo Phật Giáo nghĩ lạc quan hơn về tương lai tôn giáo này, chủ nghĩa tiến bộ. Nào là công nghệ ứng dụng vào Phật Giáo làm nghe Pháp hay đọc sách dễ hơn rất nhiều. Nhân loại đi về hướng một ngôn ngữ thống trị làm việc học Phật dễ hơn ngày xưa với việc phải biết vài ngôn ngữ. Ngày xưa Phật chỉ giáo hoá quanh quẩn hai bên bờ sông Hằng, Buddha chưa từng thấy biển trong khi toàn cầu hoá và công nghệ hoá làm các vị thầy giỏi thời nay có thể đi khắp nơi dễ dàng giảng dạy…
Chủ nghĩa cộng đồng mình có trải nghiệm. Hồi còn ở trong tu viện, vị thiền sư dạy các anh chị em xuất sĩ phải thương yêu nhau, phải chăm sóc nhau, phải lắng nghe nhau. Lấy nỗi khổ niềm đau của người làm nỗi khổ niềm đau của mình. Mỗi tuần có 4-5 buổi họp, 1.5-2 tiếng mỗi buổi.
Chủ nghĩa cá nhân đã vươn cao ở Tây Phương và Hoa Kỳ trong nhóm cao nhất. Xứ này quan niệm không giống thế. Rằng mỗi người phải nỗ lực và phát triển khả năng của mình lên tối đã và xã hội có trách nhiệm phần nào hỗ trợ cho thành công cá nhân đó. Mình kinh nghiệm điều này khi vài năm trước mình có học ở khoa cử nhân tài năng. Thường thì người Mỹ lọc ra các người học giỏi khác nhau tuỳ năng lực để vào các trường khác nhau. Nếu giỏi nhất thì vào trường cực tốt, rồi trường tốt, trường khá, trung bình. Trong một trường thì dù đầu vào kha khá giống nhau nhưng nếu sau 1-2 học kì mà học giỏi lên thì có thể thi vào khoa cử nhân tài năng để được học với bạn giỏi và giáo sư giỏi cùng các tiện ích khác như giáo trình khác và cơ sở vật chất khác cũng như có học bổng cao. Vấn đề là sự cách ly. Chủ nghĩa cá nhân quan niệm nếu một người trẻ có tố chất giỏi mà đặt chung với cộng đồng thì cộng đồng ấy sẽ kéo cá nhân ấy thụt lùi hay không phát triển nhanh đúng mức. Phải cách ly! Phải đưa vào nơi khác đào tạo với những người giỏi. Còn những người vào đh nhưng sau 1-2 học kì học kém thì mất học bổng, đóng tiền học lại hay bị đuổi học. Họ phải loại ra những người yếu kém. Họ không bảo người kha khá hay có triển vọng phải lắng nghe người kém, phải tới chơi với người kém, phải tìm cách giúp người kém và lấy sự thất bại của người kém làm sự thất bại của chính họ hay của toàn trường, của “chúng ta.”
Cái khác nhau dễ nhớ là người theo chủ nghĩa cộng đồng đặt câu hỏi cái gì tốt cho chúng ta? Trong khi đó, người theo chủ nghĩa cá nhân thì hỏi cái gì tốt cho chính ta?

Facebook Comments Box