633 lượt xem

Xin giới thiệu cuốn sách Ngày Xửa Ngày Mai: Nghiên Cứu về Những Tiên Đoán trong Phật Giáo về Chuyện Mạt Pháp

Thích Pháp Cẩn

Tác giả Jan Nattier, tiến sĩ Phật Học Harvard, là giáo sư giảng dạy ở nhiều Đại học Hoa Kỳ như Stanford, Indiana University,…hình như giờ thì đang dạy ở UC Berkeley (năm ngoái mình có đăng kí 1 lớp học với bà nhưng cuối cùng không học vì trùng thời gian với một lớp bắt buộc khác).
Chuyện mạt pháp (decline of the Dharma hay declining Dharma) là chuyện người đời sau đưa vào. Manh nha trong Phật Giáo từ ba Đặc Tính của Hiện Hữu (có thể gọi là Tam Pháp Ấn) là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Theo thời gian một vài trăm năm sau thời Phật thì Phật Giáo quan niệm rằng chính Đạo Phật cũng chịu quy luật vô thường tàn hoại này để đến một thời gian nào đó trong tương lai thì Giáo Pháp của Phật sẽ bị con người quên lãng. Rồi có một vị Phật tương lai hạ sanh chuyển bánh xe Pháp tiếp tục.
Chuyện mạt pháp còn có ảnh hưởng từ các tôn giáo ở xứ Phật Giáo thời đó như Ấn Độ Giáo, Kỳ Na Giáo. Các tôn giáo này nghĩ rằng vũ trụ, sau khi đi qua đỉnh điểm như bánh xe quay, thì hiện đang đến lúc đi xuống, tức là vào chu kì dần suy tàn, hoại diệt. Vũ trụ quan ngày xưa của người Ấn là thế.
Khoảng 100 năm sau thời Phật, trong Phật Giáo xuất hiện nhận định nói về việc này. Nhận định/tiên đoán đầu tiên là 1000 năm sau thời Phật Thích Ca thì Giáo Pháp sẽ bị diệt vong nhưng vì Phật đã cho phép phụ nữ xuất gia nên Giáo Pháp đã bị chấm dứt một nửa thời gian, tức chỉ sau 500 năm Giáo Pháp của Phật sẽ bị mất đi. Đến khoảng đầu Tây Lịch, sau 500 năm, Phật Giáo vẫn sống “khoẻ, có chi mô!?” Thế là tiếp tục từ đó về sau lại có thêm những nhận định/tiên đoán là mạt pháp sẽ xảy ra. 1000 năm từ thời Phật được thấy phổ biến trong vùng của Hữu Bộ (Sarvastivada): Kinh, Luật và một số nơi khác. Con số 1000 năm này cũng thấy trong một số tác phẩm Phật Giáo Đại Thừa như bình giảng về kinh Bát Nhã.
Tiếp theo, một số nhận định/tiên đoán về mạt pháp tiếp tục ra đời. Trong Đại Thừa sau này tiếp tục xuất hiện thời gian mạt pháp là 1500 năm, rồi 2000 năm, rồi 2500 năm. Con số sau cùng này ảnh hưởng lớn đến văn hoá Phật Giáo Đông Á (tới khi người đọc trên Facebook những dòng này thì đã qua 2500 năm rồi mà Phật Giáo vẫn sống “khoẻ, có chi mô!”)
Nam Tông thì có thời gian mạt pháp lâu hơn, là 5000 năm, được xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 5 trong chú giải của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) trong Tương Ưng Bộ (Aṅguttaranikāya). Con số 5000 năm này được thấy trong Phật Giáo Tây Tạng, trong Kinh Di Lặc. Có số năm sai chút xíu là 5104 năm, trong Chú Thời Luân (Kālacakra Tantra)…
Tất nhiên là còn có những tiên đoán khác nữa, như 700 năm, 10000 năm, nhưng mình không đủ thời giờ viết ra.
Một tuyên bố trong tôn giáo, kể cả Phật Giáo, không có nghĩa nó hoàn toàn đúng. Nếu bạn tin thuyết Mạt Pháp này thì cứ tin. Không tin quan niệm Mạt Pháp này thì cũng chả sao.
Xin giới thiệu cuốn sách Phật Giáo hay. Có duyên ai dịch Việt thì quý lắm!

 

 

Facebook Comments Box

Trả lời