881 lượt xem

Ích lợi và thách thức khi học với giáo sư giỏi.

Thích Pháp Cẩn

Mấy năm qua, mình cũng có tìm đăng kí học với một số giáo sư giỏi. Ích lợi thứ nhất là được học với người giỏi thì mình dễ giỏi lên, được học hỏi những điều sâu xa u uẩn mà những người rất giỏi mới có thể truyền đạt lại được từ tuyến đầu của chân trời tri thức. Lợi ích nữa là khi được những gs này viết thư giới thiệu thì lá thư ấy có trọng lượng cao hơn. Nhìn chung là như thế.
Thách thức là giáo sư giỏi thì nhiều người học đăng kí nên gs ấy không chăm lo cho mình cẩn trọng bằng gs thường. Một khó khăn nữa là gs giỏi hay yêu cầu học rất nhiều với một số tài liệu rất khó. Cách chấm điểm cũng khắt khe nên học rất cực mà thi cũng rất khổ sở.
Mình xin kể 4 ví dụ học với gs giỏi mà nhìn chung thì khó khăn nhỉnh hơn thuận lợi.
Gs thứ nhất Mario D’Amato, lấy tiến sĩ Phật Học ở the University of Chicago, một trường hàng đầu nhân loại. Tài liệu ông ấy bắt mua đã nhiều, có lớp 4 cuốn sách, có lớp 6 cuốn sách; tài liệu ông ấy cung cấp qua một phần mềm cũng rất nhiều. Có một số tài liệu là luận án tiến sĩ ở Columbia nên đọc rất khó. Mình tổng cộng học 3 lớp với gs này và thấy rằng lớp ông dạy luôn luôn đông sv. Khi nào cũng cỡ 25–một con số đông nhất trong một trường tư Rollins College. Mình đã nhận con điểm B+ duy nhất trong một lớp học của ông ấy: áp lực học tập và thi cử rất cao.
Gs thứ hai, Todd Grench, lấy tiến sĩ ở Columbia university, cũng trường hàng đầu nhân loại. Gs này dạy về Tôn Giáo. Cả hai gs đều rất vui vẻ hài hước nhưng học rất nặng. Mình nhớ có một số tài liệu đọc vào gần như chả hiểu gì, thí dụ cuốn Gender Trouble của Judith Butler. Mình đã gần như khóc khi đọc các tài liệu ấy. Ấy vậy mà gần như tuần nào ông ấy cũng bắt thi 5 phút bằng viết ra giấy. Mục đích kiểm tra mình có đọc bài trước khi lên lớp, có hiểu và nhớ không? Học lớp ấy cảm thấy áp lực và khủng hoảng tinh thần lắm. May mà cả hai lớp học với ông ấy cuối cùng cũng qua và đạt kết quả cao. Thở phù như trút được gánh nặng. Thực ra thì cả hai lớp của ông ấy mình đều bảo ông ấy gửi tài liệu trước khi học kì bắt đầu và mình đã đọc trước một số rồi để khi học chính thức thì đỡ áp lực…
Gs thứ 3 tên Matilde Mésavage. Bà lấy tiến sĩ ở Yale, cũng là trường hàng đầu thế giới. Mình học tiếng Pháp với bà. Một tuần đi học 5 ngày! Khối lượng từ vựng quá nhiều và thi cử thì thường xuyên liên tục. Mình thường muốn học môn gì mà có thể lấy điểm cao nhất, điểm A. Nếu môn ấy dù quan trọng cho tương lai mà nhắm không được điểm A thì mình cũng chẳng học. Bởi vì đơn giản mình học cũng có phần từ học bổng mà học bổng thì yêu cầu vài tiêu chí trong đó có GPA cao. May trường mình cho học thử 2 tuần. Thế là sau 2 tuần mình đổi lớp khác, bỏ lớp này. Đây là lớp duy nhất mình phải bỏ để đổi lớp khác. Nếu cố học thì không biết mình sẽ được điểm gì nhưng chắc chắn là chả được điểm A đâu. Nói chung là 2 tuần khủng hoảng.
Gs thứ 4, John Houston, lấy tiến sĩ ở New York university, một trường trong top 20 thế giới. Anh bạn mình đã bảo lớp Tâm Lý Học Xã Hội với gs ấy anh đã nhận điểm B dù trước đó anh ấy hoàn toàn điểm A. Lớp ấy khó lắm. Mình cũng ngán nhưng lại thích vì chủ đề này nó bổ túc cho Tâm Lý Học Phật Giáo vốn chỉ là tâm lý học cá nhân mà thôi. Thế rồi mình có gặp gs này và bảo rằng nghe nói ông dạy sv kêu khó lắm, được điểm thấp lắm? Ông có cách nào nâng đỡ sv quốc tế như tôi không chứ thi cử mà không cho dở sách thì sv quốc tế đua đâu dễ với dân bản xứ. Ông ấy trấn an là ổn thôi, ổn thôi. Thế ồi mình cũng đăng kí dù rằng gs Stacey Dunn đã không gợi ý mình học lớp này mà chỉ gợi ý học những lớp khác.Sau này mình mới hiểu là ông gs này dạy khó quá…Lớp học rất hay và hấp dẫn. Đây là một trong vài môn mình thích nhất. Nhưng việc học thì rất mệt mỏi. Ông ấy toàn bắt thi trên lớp mà không cho mở sách. Tài liệu là cuốn sách to dày khổ A4 hơn 400 trang. Ông ấy chỉ miễn cho 1 chương thôi. Còn lại là phải thuộc lòng 370 trang, một việc rất mệt mỏi với sv quốc tế. Vả lại trong một học kì thì còn học mấy môn khác nữa chứ đâu phải học một môn này. Kì thi cuối kì là ông ấy bắt học hết cuốn sách thi từ đầu tới cuối không chừa. Mình đã cố hết sức nhưng cuối cùng được điểm A-. Nhiều năm học mình chỉ có 2 điểm A- là lớp này và một lớp học kì 2 của năm đầu tiên tự nhiên vào lớp mà học với toàn là sv năm cuối. Lớp này có dùng những công thức mình chưa học đến nên đành chịu.
Nhìn chung, mình thấy hứng thú và lợi lạc khi học với gs giỏi nhưng cái giá phải trả là như đã nói quá áp lực và hay bị khủng hoảng tinh thần. Câu hỏi đặt ra là có đáng để mình như thế hay không?

 

Facebook Comments Box

Trả lời