843 lượt xem

Việc Học Kinh Phật Nikayas–A Hàm Của Mình

Thích Pháp Cẩn

Hai giáo sư dạy Kinh Nikayas cho mình: Diana Clark và Gil Fronsdal
Hôm nay có anh Phật Tử nói chuyện hỏi thăm sức khoẻ mình thời gian này. Anh cũng nói rằng anh đang cách ly, không đi làm nên cũng có thời gian tu học thêm. Mình tán thán. Trong câu chuyện, anh hỏi mình học Kinh Điển bên Mỹ ra sao. Mình trả lời là anh thích Kinh Phật nào để mình lấy ví dụ trả lời. Anh bảo thích Kinh Nikayas, hiện có đang học với một sư. Mình tán thán.
Mình kể mình đã học kinh Nikayas với nhiều nguồn, cộng thêm tự học. Mình có học từ ngài thiền sư Thanh Từ qua sách, ngài có so sánh hai hệ thống Nikayas và A Hàm, nhưng cũng chọn một số kinh điển thôi chứ không nhiều. Hoà Thượng Minh Châu và Chơn Thiện thì đi sâu hơn về Trung Bộ Kinh. Ngài thiền sư Nhất Hạnh thì mình không đọc sách nhưng lại nghe mp3 ngài giảng về Kinh Nikayas và A Hàm. Ngài giảng rất tự tại.
Về tiếng Anh thì mấy năm trước mình học với hai giáo sư Mỹ. Hai giáo sư Diana Clark và Gil Fronsdal đồng giảng một lớp về Nikayas. Giáo sư Fronsdal là một trong những số ít nhân vật lỗi lạc về Nikayas theo hướng cả lý thuyết lẫn thực hành. Ông ấy lãnh đạo và giảng dạy một trung tâm thiền ở bắc California và những khoá tu, lớp học của ông ấy phần lớn người Mỹ và nước ngoài không thu tiền. Ở Mỹ, Làng Mai hay những khoá tu những nơi khác phần lớn phải thu tiền nhưng ông ấy không thu mà vẫn ổn chứng tỏ người học với ông ấy có đức tin đủ mạnh nơi ông. Việc giảng dạy trong khoá tu và trong lớp học cho sinh viên cao học Phật Giáo (lớp mình học ở Graduate Theological Union) làm ông ấy không có nhiều thời gian để viết nhiều sách nên ít người biết ông ấy. Giáo sư Fronsdal này đã lấy tiến sĩ Phật Học ở Stanford lừng danh. Thường thì mình thấy có may mắn phước đức mới được học hỏi với những giáo sư cực giỏi, người lấy tiến sĩ ở những trường hàng đầu nhân loại. Cách các giáo sư ngoại hạng này chọn tài liệu, phân tích tài liệu, viết thêm sách/tài liệu về vấn đề đó thật xuất chúng mà sinh viên kém năng lực thường không thích học hay không thấy hay (kiểu nhưng Bờm thì chỉ thích cục xôi chứ 3 bò 9 trâu quá trừu tượng nó không thích). Học với những giáo sư hàng đầu rất mệt mỏi vì yêu cầu cao. Thường sinh viên trung bình hay tránh vì sợ học không nổi. Nhưng nếu sinh viên nào khá thì học sẽ được nhiều lợi lạc. Lớp Nikayas dạy bằng tiếng Anh nhưng thi thoảng ông ấy trích dẫn từ A Hàm vì ông ấy biết chữ Hán.
Giáo sư Diana Clark thì có tiến sĩ về khoa học tự nhiên (Sinh Học) và Cao Học Phật Giáo. Cái hay của lớp này là trường muốn cấy óc khoa học vào cho sinh viên khi học kinh điển. Người học Phật cũng cần óc khoa học, óc phân tích, óc phản biện phán xét, óc tổng hợp mà Phật Giáo nói chung ít cung cấp. Một số người không đồng tình, họ bảo học Phật Giáo là học khoa học rồi, cần gì cấy thêm óc khoa học cho dư thừa. Thực ra không hẳn vậy đâu. Phật Giáo thuộc tôn giáo (religion) mà tôn giáo thuộc nhân văn (humanity) mà nhân văn thì không phải khoa học—gồm có khoa học tự nhiên (natural science) và khoa học xã hội (social science). Theo cách phân loại hiện nay trên Đại học thì Phật Giáo không phải khoa học. Nên cấy óc khoa học vào thêm rất quan trọng: tôn giáo mà không khoa học là mù quáng. Chuyện này quan trọng đến nỗi nhiều năm trước khi gặp Hoà Thượng Phước Tịnh, mình xin tham vấn ngài bằng câu hỏi con sau này nên học ngành gì? Ngài bảo nên học một ngành ngoài đời và dùng hiểu biết ấy rọi vào kinh điển. Xin nói thêm, phần lớn người học về Phật Giáo ở trường Mỹ đã có nền tảng vững chải về toán và khoa học rồi. Thực vậy, Phật Giáo chỉ được học sau khi học xong chương trình Đại Cương trên Đại Học. Mà Đại Cương thì phải học nhiều lĩnh vực, trong đó có học những môn toán và khoa học tự nhiên, lẫn khoa học xã hội. Điều này khác với một số nước Á Châu truyền thống, có Việt Nam là tăng ni phần lớn, không phải tất cả, vào các viện Phật Học mà không biết về toán cao cấp và các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trên Đại Học (họ cũng biết toán và khoa học nhưng chỉ ở phổ thông). Mỗi bên đều có hay dở riêng nhưng nói chung là có khác biệt. Trong tự nhiên có hoa đào màu hồng rất đẹp, cũng có hoa đào màu trắng rất đẹp. Nhưng nếu ghép cành màu trắng lên cây đào hồng thì kết quả ta sẽ được một cây hoa đào ra hoa vừa trắng vừa hồng rất đặc sắc. Dù vẫn là hoa đào, nó là một sản phẩm không có trong tự nhiên. Giáo sư Clark này còn dạy Pali nên bà ấy có sử dụng Pali đưa vào lớp học. Nói chung học lớp Nikayas này thì bằng tiếng Anh nhưng có trích dẫn từ Pali và Hán. Đồng thời, óc khoa học cho cô Clark gợi ý thêm những vấn đề phức tạp trong nghiên cứu kinh điển. Cô Clark cũng đồng thời là giáo thọ giảng dạy về thiền và Phật Giáo cho những khoá tu ở Mỹ. Rồi cả hai giáo sư đem ứng dụng những chủ đề, những lời dạy trong Nikayas vào thế giới đương đại, Mỹ hay Tây Phương, trong thế kỉ 21 này. Không phải những lời Phật dạy trong Nikayas là đúng đắn có thể áp dụng trong thế giới ngày nay cả đâu. Có những vấn đề phải xem lại. Thí dụ, chỉ một thí dụ thôi vì không có thời gian chia sẻ thêm, là có bài kinh về tiền thân Phật đã tu hạnh bố thí nhiều và dõng mãnh đến mức người ta xin vợ, xin con ngài, ngài cũng cho đi luôn. Đại ý ca ngợi hạnh bố thí và đối trị với thính chúng keo kiệt bủn xỉn. Nhưng nếu bài kinh này mà đem ra giảng dạy ở thính chúng ở Mỹ ngày nay, nơi nữ quyền đã rất cao và nhi quyền cũng được xã hội bảo vệ rất cao, thì liệu có ổn? Cô Diana Clark đưa ra câu hỏi gợi ý. Không khéo người học nghĩ Phật Giáo quá xem thường phụ nữ và trẻ em, coi họ như món hàng muốn cho muốn vất cũng được. Một lần nữa, tôn giáo không khoa học là mù quáng. Đây chỉ là ví dụ thôi. Thực ra thì hai chân lý trong Phật Giáo còn là Vị Nhân Tất Đàn và Đối Trị Tất Đàn. Nếu ông bác sĩ cứ bê nguyên toa thuốc cao huyết áp của bịnh nhân này cho bịnh nhân khác uống thì lầm to. Khi cấy óc khoa học vào học kinh điển thì như hoa đào ghép hồng trắng, người học ấy sau này giảng dạy cũng giảng Kinh Nikayas nhưng cách giảng nó có một số khác đi mà cách truyền thống không có…
Anh Phật Tử bảo anh không biết Kinh A Hàm vì sư chỉ giảng kinh Nikayas. Mình bảo có duyên nên học thêm Kinh A Hàm vì nội dung cũng tương đương nhưng từ nguồn Hán Tạng. Cả hai bổ sung cho nhau làm mình gần với lời Phật dạy hơn…

Facebook Comments Box

Trả lời