114 lượt xem

Khi tranh luận dứt bặt – Hãy thấy như mù, nghe như điếc

Cư Sĩ Nguyên Giác

Khi Tranh Luận Dứt Bặt
Nguyên Giác

Chúng ta thường bị mắc kẹt giữa những cuộc tranh luận. Sống trong cõi này mà thoát khỏi những cuộc tranh luận thì rất hy hữu. Nơi đây, không bàn chuyện tranh luận chính trị, hay tranh luận giữa các tôn giáo; những cuộc tranh luận như thế đã dẫn tới những cuộc chiến tranh đẫm máu từ nhiều ngàn năm qua. Trong cổng nhà chùa Việt Nam, chúng ta cũng gặp những cuộc tranh luận. Không chỉ tranh luận giữa các tông phái, mà còn là tranh luận trong tâm của từng người một. Thực tế, với người hiểu đạo, một cách tự nhiên sẽ thấy không cần tranh luận nữa.
Trong tâm người tu, cuộc tranh luận lớn nhất là đi tìm lộ trình để xa lìa cõi sinh tử, tức là con đường đi từ cõi luân hồi tới Niết bàn. Cách nói khác: phải biện biệt để đi từ thế giới hữu vi tới thế giới vô vi. Khi chúng ta nói rằng có một thế giới vô vi, ngôn ngữ có thể đánh lừa chúng ta, vì thế giới vô vi, hay Niết bàn không nằm ở phương nào trong bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc.
Thế giới hữu vi là những gì hiển lộ nơi sáu căn cùa chúng ta. Nó là những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, và được tư lường. Tất cả hiện tượng trong thế giới hữu vi là vô thường, là bất như ý, là vô ngã. Trong thế giới hữu vi, chúng ta thấy được các pháp sanh, già, bệnh chết. Tuy nhiên, Thiền Tông nói rằng ngay nơi đó cũng là Niết Bàn, vì sóng không rời nước, và ảnh không rời gương.
Mặt ngược lại, tuy rằng Đức Phật và các vị thánh tăng được nhìn thấy đã đi, đứng, nằm, ngồi như những người đời thường, nhưng quý ngài đã sống trong Niết bàn, trong cảnh giới vô vi. Đức Phật và các vị thánh tăng thời xa xưa tuy vẫn thuyết pháp, vẫn khất thực hàng ngày, vẫn nói, vẫn ăn và uống, nhưng quý ngài thực sự là đã sống với vô sanh.
Đức Phật đã nói trong Kinh MN 140 rằng khi người lìa xa vọng tưởng thì được gọi là ẩn sĩ tịch tịnh, và lúc đó họ tuy còn ở cõi này, nhưng họ đã không sanh, không già, và không chết. Thời sinh tiền, tuy quý ngài vẫn mọc tóc bạc, nhưng quý ngài không còn già nữa; tuy quý ngài có lúc vẫn ho, vẫn cảm cúm, vẫn đau lưng hay nhức chân, nhưng quý ngài thực sự không còn bệnh nữa; tuy quý ngài vẫn phải tắt thở, phải buông thân mạng để hỏa thiêu khi viên tịch, nhưng quý ngài thực sự không còn chết nữa.
Như thế, khi một người tu đã giải thoát, tâm của họ không còn chập chờn giữa chơn và vọng nữa. Toàn bộ sáu căn của Đức Phật và các thánh tăng là toàn chơn. Nhưng không giống như chuyện thay áo hay đổi giấy căn cước, tâm giải thoát không phải là cái gì từ cõi khác tới để thay thế tâm vọng tưởng.
Kinh Lăng Nghiêm nói rằng người tu khi thể hội cái chơn tâm, họ quán sát căn bản phiền não sẽ dứt hết các vọng tưởng. Lúc đó trong khi họ thấy, nghe và nhận biết, thì vọng tưởng đã dứt bặt trong tâm của họ, và hiển lộ sẽ là chân thường. Y hệt như trong một vở kịch, tất cả người trên sân khấu chỉ là các vai diễn. Người nào nhìn thấu suốt hậu trường vở kịch, thấy tận tường các vai diễn, người đó sẽ không còn khóc hay cười theo các diễn viên nữa.
Thiền sử Việt Nam có kể về Thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726), người đã khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm. Ngài Chân Nguyên có bài thơ bốn câu, nội dung giải thích rằng đối với người đã chứng ngộ được pháp vô vi trong tâm, tức là tự tánh của tâm, thì toàn bộ sáu căn đều hiển lộ cái sự thật thường trụ, tĩnh lặng, bất biến.
Bản phiên âm Hán-Việt là:
Hiển hách phân minh thập nhị thì,
Thử chi tự tánh nhậm thi vi.
Lục căn vận dụng chân thường kiến,
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.
Dịch nghĩa:
Bày hiện rõ ràng, minh bạch được trọn ngày,
Đây là tự-tánh-biết phô bày không bị ngăn ngại.
Sự thật thường trụ ứng dụng được thấy nơi sáu căn,
Muôn pháp dù dọc hay ngang đều được giác ngộ, biết rõ.
Thiền sư Trần Thái Tông (1218-1277) nói rằng cái tánh biết thường trực đó không phải từ ngoài chen vào thân tâm chúng ta. Cái biết thường trực đó vốn là thanh tịnh, tròn đầy, vốn không dính một hạt bụi. Trần Thái Tông viết trong sách Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi rằng chỉ vì có “Năng sở nương nhau, Phật, ta hai ngả,” nghĩa là vì chúng sanh chấp là có cái-tôi và cái-của-tôi, nên mới thấy hai đằng dị biệt là Phật và tôi.
Thiền sư này lấy hình ảnh vọng tưởng như gió làm dậy sóng trên mặt nước của tâm; tương tự, vọng tưởng cũng như bụi bám đã làm mở ảnh hiện nơi gương tâm. Trần Thái Tông viết rằng muốn cho thân và tâm thanh tịnh, thì hãy để “gió lặng, sóng dừng; bụi hết, gương sáng.”
Khi Trần Thái Tông nói Phật và ta bị nhận lầm là hai ngả, tức là Niết bàn và cõi phiền não bị nhận lầm là hai đường dị biệt. Ngài nói, thực sự không có dị biệt nào hết, bởi vì sóng chính là nước, và ảnh chính là gương.
Vị Thiền sư Trung Hoa Linh Sơn Quy Hựu (771-853) viết rằng, “Nếu người tu khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng với không tu chỉ là lời nói hai đầu.”
Nghĩa là, thấy được cội nguồn của tâm giải thoát, thì không còn bận tâm chuyện tu hay không tu nữa. Bởi vì nơi sáu căn, tất cả đều tịch lặng, đều xa lìa ngôn ngữ, đều là gương tâm hiện ảnh, mà ảnh thì lưu chuyển hoài, nhưng gương tâm vẫn bất động, trong trẻo, thanh tịnh.
Kinh Snp4.5 Sutta cũng ghi lời Phật nói rằng người nào đã buông bỏ hai đầu, buông hết mọi kiến chấp trong tâm thì họ sẽ không còn tranh cãi gì nữa trong cõi này. Lúc đó, khi người tu gặp tất cả những gì được thấy, được nghe và được nhận biết, sẽ không có một niệm nào khởi lên trong tâm nữa. Đó là thấy, nghe và biết trực tiếp, không hề qua bất kỳ diễn giải nào, ngôn ngữ nào, và cũng không hề lý luận hay mơ tưởng gì nữa. Với họ, các cuộc tranh cãi đã biến mất. Đó cũng là cốt tủy của Thiền Tông. 

Hãy thấy như mù, nghe như điếc
Nguyên Giác

Trong nhiều kinh, Đức Phật khi giải thích về vô thường đã hỏi rằng có phải mắt và cái được thấy là vô thường hay không, rồi hỏi có phải tai và cái được nghe là vô thường hay không, và rồi vân vân. Như thế, đối với nhiều người tu, quán sát nơi con mắt sẽ là bước đầu để học đạo giải thoát. Tuy nhiên, đối với Thiền Tông Việt Nam, có một số vị thầy dạy rằng hãy nhìn như một người mù nhìn, và hãy nghe như một người điếc nghe. Lời dạy về con đường giải thoát này là như thế nào?
Thiền sử Việt Nam có kể về Thiền sư Định Hương trong thế kỷ 11, thuộc dòng Vô Ngôn Thông. Thuở nhỏ, ngài Định Hương học với Thiền sư Đa Bảo tại chùa Kiến Sơ. Sau 24 năm tu học, ngài Định Hương hiểu rõ ý chỉ của dòng Thiền này. Thiền sư Đa Bảo mới dạy ngài Định Hương rằng, từ nay ngươi hãy như một kẻ mù và điếc trong việc giao tiếp với mọi người. Câu hỏi của chúng ta, những người của mười thế kỷ sau, rằng tại sao phải nhìn như kẻ mù và phải nghe như kẻ điếc.
Chỗ này, chúng ta có thể nhớ tới trong Trưởng Lão Tăng Kệ, có bài thơ của ngài Maha-Kaccana, được ghi ký số là Thag 8.1. Bài thơ này dài tám đoạn, trong đó có hai đoạn cuối như sau.
Người tu nghe tất cả bằng tai
Người tu thấy tất cả bằng mắt.
Người trí tuệ không nên xua đẩy
tất cả những gì được thấy và được nghe.
Người có mắt hãy như mù,
Người có tai hãy như điếc,
Người có trí tuệ hãy như câm,
Người có sức mạnh hãy như kẻ yếu đuối.
Sau đó, khi mục tiêu đã đạt được,
Người tu có thể nằm trên giường từ trần.
Nhà sư Maha-Kaccana là một vị A la hán, một đệ tử lớn của Đức Phật. Bài thơ rất đơn giản, nghịa rất rõ ràng, nhưng ẩn ý hẳn là rất thâm sâu. Có phải dòng Thiền của Thiền sư Đa Bảo xuất phát từ truyền thừa của ngài Maha-Kaccana? Có thể là như thế. Nhưng lịch sử không ghi rõ như thế.
Có một Thiền sư ni Việt Nam trong cuối thế kỷ 20 cũng có một bài thơ mang ý chỉ gần như y hệt bài thơ của ngài Maha-Kaccana. Đó là Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938 – 2003). Bài thơ có nhan đề là Người Gỗ, gồm ba đoạn, ghi lại như sau.
Một thây chết diệu kỳ
Biết ăn và biết ngủ
Thỉnh thoảng lại biết đi
Nhưng không tư tưởng gì.
Như người gỗ ngắm hoa
Như hồ gương chiếu nguyệt
Đá núi cũng xếp hàng
Ngắm kỳ quan diễm tuyệt.
Lúc nào thưởng thức trọn
Vũ trụ nhiệm màu này
Chính lúc tâm bất động
Như thây chết biết đi.
Trong thơ Thiền Việt Nam, hình ảnh người gỗ cũng đã từng nói tới trong thời thế kỷ 13. Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230 – 1291) cũng từng viết về người tu thiền hãy nên như người gỗ hát khúc nhạc vô sanh, và hãy như cô gái đá thổi một loại kèn xưa. Hiển nhiên, ai cũng biết rằng người gỗ không thế mở miệng, và cô gái đá không thể cử động.
Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải trong bài thơ Người Gỗ nêu trên tự kể rằng Ni trưởng sống như một thây chết, nhưng biết ăn, biết ngủ, biết đi, biết ngắm hoa, biết nhận ra tâm bất động trong khi tâm vẫn bất động. Hiển nhiên, đó là một người đang đi, đứng, nằm, ngồi trong thiền định. Có thể là Sơ thiền, khi tâm đã ly dục, ly bất thiện pháp. Cũng có thể là đã vào Nhị thiền, nơi ngôn ngữ tịch lặng. Bài phân tích này không có ý đánh giá phức tạp, chỉ là vài gợi ý cho độc giả có thể hiểu về cách tu của tiền nhân.
Chúng ta có thể nhớ tới Kinh SN 35.240 Sutta, khi Đức Phật dạy về cách tu như một con rùa. Khi bị con giả can tới quậy phá, con rùa co toàn thân, các chân và cổ, vào trong mu rùa, không để sơ hở chỗ nào. Đức Phật nói rằng, tương tự như thế, Ác ma đang rình mò không ngừng, hễ người tu sơ hở ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là sẽ bị Ác ma dẫn đi vào ba cõi và sáu đường.
Lúc đó, Đức Phật dạy rằng người tu phải hộ trì các căn. Nghĩa là khi mắt thấy cái được thấy, thì đừng nắm giữ tướng chung, và đừng nắm giữ tướng riêng; lúc đó, tham, sân, si không khởi lên. Tương tự, với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc và ý tư lường.
Tuy nhiên, các Thiền sư Việt Nam không nhìn vấn đề theo cách đối trị, như kiểu con rùa phòng thủ, chống con giả can. Trong bài thơ của Ni trưởng Trí Hải nói rằng Ni trưởng sống y hệt xác chết, nhưng tâm hiển lộ như mặt hồ nước tịch lặng đang hiện ra mặt trăng sáng, và không hề có niệm nào khởi lên.
Thêm nữa, Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng từng làm bài thơ ghi rằng, hãy tu như con trâu bùn lội qua dòng sông sinh tử. Nghĩa là, con trâu bùn với từng bước đi sẽ từ từ tan rã vào dòng sông.
Bạn cũng có thể thực tập pháp tu như ngài Maha-Kaccana và như các thiền sư Việt Nam nêu trên: hãy tỉnh thức, trong mọi thời, thường trực nhìn thấy thân và tâm của bạn như mù, câm, điếc, khờ dại, xác chết… Bạn sẽ thấy cách này là một Thiền pháp giữ sự tỉnh thức về tịch diệt, về vắng lặng, về tâm bất động, về cảnh giới khi ba cõi không còn gì để sinh khởi, và về một tâm nơi không có gì để niệm.
Bạn có thể tạm ngưng đọc vài phút, xin mời nằm (hay ngồi cũng được), rồi tự hình dung rằng bạn đang là một người gỗ (mù, câm, điếc, khờ dại, nằm chết…), toàn thân từ sợi tóc tới móng chân đang từ từ trở thành xác chết, và rồi tới một lúc toàn thân chỉ còn là một sự tịch lặng, vắng lặng. Bạn cảm nhận thấy tứ đại tan rã theo từng khoảnh khắc của vô thường. Một khoảnh khắc tịch lặng được như thế, sẽ là một khoảnh khắc an lạc, hạnh phúc. Xin nhìn kỹ, chính cái tâm đang tỉnh thức và đang cảm thọ niềm vui tịch lặng đó ngay nơi đó đã lìa tham sân si. Đó là tỉnh thức với vô niệm, chứ không phải là ngăn niệm. Tâm bạn trở thành cái lặng lẽ của người gỗ một cách tự nhiên khi cảm nhận đều tịch lặng.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, nơi Phẩm 7, tức là Phẩm Cơ Duyên, nơi Lục Tổ Huệ Năng nói với Tăng Chí Đạo, rằng Đức Phật dạy về Niết bàn chân lạc, nơi trong từng sát-na không hề có tướng sanh, và trong từng sát-na không hề có tướng diệt, và cũng không có sanh và diệt có thể diệt, và đó là tịch diệt hiện tiền.
Đúng vậy. Bạn có thể tập được như thế. Khi bạn thấy bạn là người gỗm thì tâm sẽ không có tướng sanh, cũng không có tướng diệt. Đó chính là, theo cách Ni Trưởng Trí Hải viết trong bài thơ, rằng tâm như người gỗ, tâm như mặt hồ, tâm như gương hiện ảnh, tâm như đá núi, và là tâm bất động. Đó là sống như thây chết diệu kỳ. Thấy mình như như thây chết như thế, chính là sống với cái sát na tịch diệt, sống với cái vắng lặng bất khả tư lường. Và đó chính là Niết Bàn Tâm.

Facebook Comments Box

Trả lời