KINH DẠY MƯỜI MỘT PHƯƠNG PHÁP CHĂN TRÂU
Tăng Nhất A Hàm, Tập 3, số 49.1
Trung Bộ Kinh số 33 và 34
Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn đang lưu trú ở Tinh xá Kỳ Viên do vị cư sĩ Tu-đạt Cấp-cô-độc và thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Vào một ngày đẹp trời, Đức Phật tập hợp và dạy các đệ tử các phương pháp điều phục thân tâm để làm đẹp cho tự thân và cho tha nhân qua mười một phương pháp chăn trâu như sau.
1. Những người chăn trâu giỏi phải biết nhận diện rõ các màu sắc con trâu. Cũng vậy, những người tu giỏi phải biết nhận diện rõ bốn yếu tố gồm có đất tượng trưng cho chất cứng như (xương, răng, móng), nước – chất lỏng (máu, nước miếng), lửa – chất ấm, gió – sự chuyển động (hơi thở vào, ra) và liên hệ mật thiết với năm nhóm thân tâm gồm có thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành, và thức biết để thấy rõ các bản chất của sự nóng, lạnh, bệnh tật, bất tịnh, sự sinh, sự già, sự chết, khổ đau, vô thường, duyên sinh, duyên khởi, và vô ngã.
2. Người chăn trâu giỏi phải biết phân biệt và chọn lọc các hình tướng tốt và xấu, mạnh và yếu, lành và dữ của con trâu. Cũng vậy, người tu giỏi phải biệt phân biệt và chọn lọc giữa các nghiệp tốt và xấu, nghiệp tối và sáng, nghiệp củ và mới, nghiệp thiện và ác của thân, khẩu, và ý do mình tạo ra. Những nghiệp tốt, lành, và sáng thì tiếp tục duy trì và phát triển, ngược lại, những nghiệp xấu, ác, bất thiện, và tối thì quyết tâm dừng lại, đoạn trừ, và chuyển hóa.
3. Người chăn trâu giỏi phải biết cách kỳ cọ và tắm rửa cho trâu. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết cách chăm lo sức khỏe cả vật chất lẫn tinh thần cho thân tâm, tiếp thu và chọn lọc các tin tức lành mạnh cho thân tâm, biết nhận diện và chuyển hóa các tập khí tham lam, sân giận, si mê, bạo động, hận thù, biết ăn năng, sám hối, và sửa đổi những lỗi lầm đã phạm.
4. Người chăn trâu giỏi phải biết xức thuốc và băng bó vết thương cho trâu để khỏi bị muỗi mồng cắn, đốt. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết hộ trì Sáu Căn; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý khi tiếp xúc với sáu trần (six sense objects);[1] hình dáng – màu sắc, âm thanh – thiền định, mùi hương – giải thoát, lưỡi nếm – pháp vị, xúc chạm – cảm giác, những đối tượng của tâm ý như màu sắc, hình ảnh, âm thanh để thân tâm khỏi bị tán loạn và chi phối. Sáu căn có hai loại khác nhau được gọi là sáu nội căn và sáu ngoại căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra sáu thức:
Ayatana có nghĩa là “Cơ sử giác quan” “Phương tiện giác quan, ” hay là “lãnh vực giác quan.”
Mắt / thị giác tiếp xúc với màu sắc / hình thức hoặc các đối tượng nhìn thấy (thị giác) (rapa-ayatana) sinh ra nhãn thức
Tai / thính giác tiếp xúc với âm thanh (thính giác) (abda-ayatana) sinh ra nhĩ thức
Mũi / khứu giác tiếp xúc với mùi (khứu giác) (gandha-ayatana) sinh ra tỷ thức
Lưỡi / vị giác tiếp xúc với hương vị (gustatory) (rasa-ayatana) sinh ra thiệt thức
Cơ thể / xúc chạm tiếp xúc với các đối tượng hữu hình (xúc giác) (spara-ayatana) sinh ra thân thức
Ý tiếp xúc với các đối tượng của tâm (mano-ayatana) sinh ra ý/ tâm thức.
5. Người chăn trâu giỏi phải biết cách dùng rơm xông khói để cho trâu tránh được muỗi mòng chích đốt, biết tắm rửa cho trâu, biết vắt sửa trâu, và biết cắt cỏ cho trâu ăn khi trâu bị bệnh. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết tu tập, nuôi dưỡng, và phát triển Giới Đức, Thiền Định, và Trí Tuệ để mình tránh được các điều bất hạnh và khổ đau, và tự thân tỏa hương thơm ngát để làm lợi ích cho tha nhân bằng tinh thần nhập thế, dấn thân, và phụng sự cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Dùng rơm hay các thứ khác để xông khói cho trâu
6. Người chăn trâu giỏi phải biết tìm con đường an toàn cho trâu đi. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết chọn con đường cao thượng có tám phương pháp tu tập chân chánh và an toàn cho mình đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, áp dụng, và thực hành Phật Pháp vững chãi vào trong đời sống hằng ngày nhằm hướng tới an vui và hạnh phúc đích thực ngay trong đời sống hiện tại để tránh tham gia các nơi bạo động, quán bar, quán rượu, sòng bạc, v.v…
7. Người chăn trâu giỏi phải biết thương yêu trâu bằng cách tìm chỗ thích hợp cho trâu ở. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết trân quý thân vật lý này để tu tập và làm lợi ích cho gia đình, học đường, và cho cả xã hội bằng cách nương tựa vào hơi thở chánh niệm, lời nói ái ngữ, và hành động dễ thương cho nhiều người. Hơn nữa, người tu giỏi phải biết trân quý những món quà an vui và hạnh phúc do chính mình tu học và thực hành đem lại, không do một đấng thần linh tối cao ban tặng. Trong khi học Pháp, nghe Pháp, và hiểu Pháp, mình sinh tâm hoan hỷ tin tưởng, tiếp nhận, áp dụng, và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tha nhân. Từ việc tu tập thuần thục và chín mùi, Pháp hỷ, Pháp học, Pháp hành, và Pháp lạc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.
8. Người chăn trâu giỏi phải biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, biết cách đưa những con trâu nhỏ nương tựa những con trâu lớn để qua sông an toàn và những con trâu lớn dẫn đầu làm gương cho những con trâu nhỏ noi theo. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết học hỏi, phát huy, duy trì, và phát triển Bốn Chân Lý Thánh để làm nền tảng căn bản và yếu tố then chốt cho mình sống đời sống cao thượng, thánh thiện, an vui, và hạnh phúc. Người tu giỏi biết cách nương tựa các vị thiện trí thức, các vị trưởng lão, đạo cao đức trọng để học hỏi những điều hay diều tốt nơi các vị và thỉnh cầu các vị soi sáng cho mình những điều tốt để mình phát huy và những điều lỗi lầm để mình sửa đổi. Những người lớn sống đời sống gương mẫu cho những người trẻ noi theo.
Tìm bến tốt cho trâu qua sông an toàn
Hướng dẫn trâu nhỏ nương tựa con trâu lớn
9. Người chăn trâu giỏi phải biết tìm ra những đồng ruộng nước cho trâu uống và những đồng cỏ xanh cho trâu ăn. Cũng vậy, người tu giỏi phải tìm ra Bốn lãnh vực quán niệm: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, và niệm Pháp làm những đề mục Thiền Chỉ và Thiền Quán để giúp cho mình thấy rõ được chính mình và thấy rõ được đặc tính của vạn pháp.
Tìm cánh đồng cỏ cho trâu ăn
10. Người chăn trâu giỏi phải biết vắt sữa con trâu mẹ vừa phải để con trâu mẹ còn sữa cho trâu con nó uống. Họ phải biết cách canh giữ trâu bằng dây cương, đừng để cho trâu dẫm đạp và phá phách ruộng vườn của người khác. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết cách tiếp nhận và quyên góp những phẩm vật cúng dường của người đàn việt vừa phải để người đàn việt vẫn dành tài sản và vật chất để chăm lo cho gia đình và những người thân thương của họ.
Trâu mẹ vẫn còn sửa cho trâu con bú món.
Bốn phẩm vật mà người đàn việt thường cúng dường cho người xuất sĩ thường gồm có đồ ăn thức uống, thuốc men, đồ ăn mặc và ngủ nghỉ, và các phương tiện đi lại.
Là người tu giỏi, người xuất sĩ luôn ý thức rằng nếu những phẩm vật tốt mà người đàn việt cúng dường cho người xuất sĩ thì người xuất sĩ không nên khởi tâm tham lam. Ngược lại, nếu những phẩm vật không tốt mà người đàn việt cúng dường cho người xuất sĩ thì người xuất sĩ ý thức rõ không khởi tâm chê bai.
Hơn nữa, người tu giỏi phải biết cách chăm sóc và bảo hộ thân tâm của mình đừng để làm tổn hại người khác bằng cách thực hành năm điều đạo đức trọn vẹn.
Để giữ niềm tin chân chánh cho người thí chủ, người hành giả không nên lợi dụng tín tâm của người thí chủ để trục lợi cho cá nhân. Người tu giỏi phải biết lượng sức mạnh và phúc đức của mình khi thọ nhận phẩm vật cúng dường của người đàn việt. Những gì người đàn việt cúng dường, người hành giả khéo léo sử dụng của cúng dường của người đàn việt để làm lợi ích cho nhiều người, như làm từ thiện, giúp các sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng nhà tình nghĩa, Chùa chiền, in Kinh sách, v.v…
11. Người chăn trâu giỏi biết chăn sóc những con trâu chúa đầu đàn không để cho chúng ốm yếu và tiều tụy. Cũng vậy, người tu giỏi phải biết phụng sự, cúng dường, tôn kính, và quý trọng những bậc Trưởng lão đạo cao đức trọng để học hỏi những kinh nghiệm tốt từ nơi các vị. Quý ngài là những tàng cây cổ thụ có khả năng che mát cho hàng con cháu và các hàng hậu học. Chúng ta không nên xem thường quý ngài là những người lớn tuổi ốm yếu không giúp gì cho tuổi trẻ thì chúng ta sẽ bị tổn phước và tổn đức. Nương tựa vững chãi nơi quý ngài, chúng ta có thể học hỏi những điều hay điều tốt từ nơi các vị và thỉnh cầu các vị soi sáng cho mình những điều tốt để mình phát huy và những điều lỗi lầm để mình sửa đổi. Quý ngài vừa là điểm tựa tâm linh cao thượng, vừa sống đời sống gương mẫu cho những các thế hệ trẻ noi theo.
Biết phụng sự, cúng dường, tôn kính, và quý trọng những bậc Trưởng lão đạo cao đức trọng
Những người tu giỏi học và thực hành mười một điều nêu trên tốt đẹp, thì họ chính là những kẻ chăn trâu có khả năng chăn dắt và làm chủ con trâu tâm của mình một cách thuần thục, thông minh, và khéo léo. Họ có khả năng nhận diện và chuyển hóa con trâu đen thành con trâu trắng, con trâu buông lung thành con trâu khéo huấn luyện. Khi hiểu và thực hành được như vậy, họ có khả năng gặp hái những hoa trái an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.
Mười một phương pháp chăn trâu do chính Đức Phật khéo thuyết giảng cho những kẻ chăn trâu nhằm để dạy bảo các hàng đệ tử biết chăn dắt và chăm sóc con trâu tâm của mình từ con người chưa hoàn thiện tới hoàn thiện và hoàn hảo. Thực vậy, nhờ tu học và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, nên chúng ta có thể nhận diện và chuyển hóa các loại nghiệp đen thành nghiệp trắng, nghiệp xấu thành nghiệp tốt để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tai.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mười Bức Chăn Trâu Trong Thiền Học
Tỳ Kheo Thích Trừng Sỹ biên soạn
[1] http://www.chinabuddhismencyclopedia.com/en/index.php?title=Six_sense_objects
Tham Khảo Các Websites
Trung Bộ 67/ Tăng Nhất A Hàm, Tập 3, số 49.1
Majhima Nikaya 67/ Ekottarãgama Volume 3, number 49.1
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-aham-tang/tang3-5.htm
http://www.chinabuddhismencyclopedia.com/en/index.php?title=Six_sense_objects
Discourse On Teaching The Eleven Methods Of Herding Buffaloes