NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. (Chuông)
TỤNG KINH VÀ NGUYỆN HƯƠNG
Xin tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc đẩu
Xin quay về nương tựa
Bậc Thầy của nhân thiên.
Hương đốt khói trầm xông ngát
Kết thành một đóa tường vân,
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Phật mười phương
Giới luật chuyên trì nghiêm mật
Công phu thiền định tinh cần
Tuệ giác hiện dần quả báu
Dâng thành một nén tâm hương.
Chúng con kính dâng hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến lên chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, chư hộ pháp, thiện thần, chứng minh lòng thành kính của chúng con. (C)
Kính Đảnh Lễ Tam Bảo
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy, C)
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy, C)
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mười phương. (1 lạy, C)
(Thiền tập khoảng 15 phút)
KHAI KINH
Pháp Phật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
NIỆM ÂN ĐỨC PHẬT
“Đức Phật Thế Tôn; bậc Thầy lãnh đạo tâm linh an bình và cao thượng của chúng con; bậc Thầy xứng đáng nhất để được cúng dường; bậc Thầy hiểu biết và thương yêu; bậc Thầy có đầy đủ công hạnh và tuệ giác; bậc Thầy đã đạt được an vui và giải thoát toàn vẹn; bậc Thầy hiểu thấu thế gian; bậc Thầy có khả năng điều phục được con người; bậc Thầy của cả hai giới thiên và nhân; bậc Thầy đã giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy; bậc Thầy đáng được thế gian tôn sùng và quý kính nhất trên đời.” (C)
NIỆM ÂN CHÁNH PHÁP
“Chánh Pháp của Đức Thế Tôn, do chính Ngài khéo thuyết giảng, rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng dập tắt các phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v. v… Nương vào Phật pháp, người trí nào cũng có thể tự mình tu tập, thông đạt giáo pháp, đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu, đến để học, đến để thực hành, và đến để thưởng thức những hoa trái an vui và giải thoát ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.” (C)
NIỆM ÂN TĂNG THÂN
“Tăng thân của Đức Thế Tôn là Đoàn thể đang đi trên đường chân thiện, chân chánh, chính trực, tốt đẹp, và thích hợp; là đoàn thể đang hướng theo Phật pháp, tu tập Phật pháp, và sống đúng với tinh thần Phật pháp. Trong Đoàn thể thánh thiện này, có những vị đã và đang chứng quả thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán, gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả,[1] thành tựu các khía cạnh đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. Đoàn thể này xứng đáng được nương tựa, phụng sự, quy kính, quý trọng, ngưỡng mộ, và cúng dường, là ruộng phước đức tốt đẹp cho thế gian gieo trồng.”[2] (C)
NIỆM ÂN GIỚI PHÁP
“Giới pháp của đức Thế Tôn, Luật nghi và Chánh niệm Tăng thân đang tiếp nhận, thực tập, truyền bá, và hộ trì, là giới thân nguyên vẹn, là giới thân không bao giờ bị sứt mẻ, là giới thân không bao giờ bị nhiễm ô, là giới thân không bao giờ bị tỳ vết, là giới thân không bao giờ bị hỗn tạp, là giới thân được người trí khen ngợi và ngưỡng mộ, là giới thân có công năng bảo vệ tự do, là giới thân đưa tới không sợ hãi, là giới thân đưa tới đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến, là giới thân đưa tới an vui và hạnh phúc đời đời.” (C)
KINH HẠNH PHÚC[3]
Đức Phật dạy mười phương pháp sống hạnh phúc như sau:
1/ Lánh xa kẻ xấu ác
luôn gần gũi người lành
Tôn kính bậc đáng kính
Là hạnh phúc lớn nhất.
2/ Biết chọn môi trường tốt
Để làm các việc lành
Đi trên đường chân thiện
Là hạnh phúc lớn nhất.
3/ Siêng học nghề thiện lành
Biết sống đời đức hạnh
Biết nói lời ái ngữ
Là hạnh phúc lớn nhất.
4/ Biết phụng dưỡng mẹ cha
Thương chăm sóc gia đình
Biết làm nghề thích hợp
Là hạnh phúc lớn nhất.
5/ Sống vui vẻ bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Ứng xử không tỳ vết
Là hạnh phúc lớn nhất.
6/ Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là hạnh phúc lớn nhất.
7/ Biết khiêm cung lễ độ
Để học hỏi điều hay
Nhớ ơn và biết đủ
Là hạnh phúc lớn nhất.
8/ Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận người tài đức
Siêng năng cùng tu học
Là hạnh phúc lớn nhất.
9/ Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thưởng thức được Pháp vui
Là hạnh phúc lớn nhất.
10/ Sống trong nhân gian này
Tâm không hề lay chuyển
Dứt phiền não an nhiên,
Là hạnh phúc lớn nhất.
Ai thực hành như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Hạnh phúc cho tha nhân. (O)
KINH TỪ BI[4]
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết xử dụng ngôn ngữ từ ái. Họ là những người biết sống cuộc đời đơn giản và hạnh phúc, sống đời sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi chạy theo đám đông.
Những người ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được an lành, những loài yếu, loài mạnh, những loài cao, loài thấp, những loài lớn, loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh, và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng vì ai giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng của mình che chở cho đứa con duy nhất. Ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta bao trùm tất cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ điều gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút oán hờn hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào ta đi, đứng, nằm, ngồi, miễn là ta còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống hòa bình và cao đẹp nhất.
Với tuệ giác chân chính, khi thực hành từ bi, hành giả không rơi vào tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, và tà định, chuyển hóa dần ham muốn, sống đời sống lành mạnh, đạt thành trí giác, và chắc chắn sẽ vượt qua khỏi sinh tử luân hồi. (O)
XUÂN DI LẶC
Mùng Một đầu Xuân Di-lặc sanh,
Đức Phật Di-lặc thật an lành,
Ngài hoan hỷ hiện thân Bồ Tát,
Chúng con cầu nguyện với lòng thành.
Ngày mới đầu năm Di Lặc sanh,
Với nhiều hạnh tốt, tâm an lành,
Chúng con thành kính dâng lên Phật,
Cầu nguyện bình an khắp chúng sanh.
Xuân mới cho đời thêm sắc tươi,
Già trẻ hân hoan nở nụ cười.
Người người nhà nhà cùng tu tập,
Đón mừng Xuân Mới tâm an vui.
An trú niềm tin trong chánh pháp,
Hành giả an nhiên nở nụ cười,
Vững chãi thảnh thơi trong tu tập.
Mừng Xuân Hiện tại thế là vui.
Ánh Xuân tỏa sáng khắp chúng sinh
Cho đàn em trẻ sống an bình
Cho quê hương mình luôn hạnh phúc
Thành thị thôn quê được thái bình.
Hôm nay, Xuân về nụ hoa nở
Hôm mai, Xuân đến nụ hoa tàn.
Giấc mộng đời người trong chốc lát
Buông bỏ tranh giành sống bình an.
Xuân đến nhắn nhủ lời tiên tri,
Như thầm ước nguyện tiễn Đông đi,
Vạn vật vô thường đều chuyển biến,
Chỉ có Xuân Tâm đẹp trường kỳ.
Xuân về trên khắp quê hương
Cho nhà hạnh phúc cho người thảnh thơi.
Tâm xuân hiển hiện muôn nơi,
Tỏa sáng ánh đạo cho đời thêm Xuân.
Xuân An Vui mang nghĩa thiên thu,
Hành trì Phật pháp với tâm tu,
Chúng con thành kính và quy ngưỡng,
Trải rộng tình thương Đấng Phụ từ.
Xuân Như Lai có mặt trong ta,
Bằng hạnh tu tập, nguyện độ tha,
Hoằng Pháp khắp nơi không ngăn ngại,
Đem niềm hỷ lạc đến từng nhà.
Năm Mới tới rồi lòng thảnh thơi
Năm nay mọi việc đã qua rồi
Pháp học, pháp hành luôn tinh tấn
Trang trải yêu thương đến cuộc đời.
Con Đường Bát Chánh rất thậm thâm
Siêng năng thực tập với nhất tâm
Những lời Phật dạy luôn ghi nhớ
Chúng con ứng dụng với lòng thành.
NAM MÔ ĐỨC PHẬT DI LẶC HOAN HỶ, AN VUI, VÀ HẠNH PHÚC. (C)
NGÀY ĐÊM AN LÀNH
Nguyện ngày an lành đêm an lành.
Đêm ngày sáu thời thường an lành.
Tất cả các thời đều an lành.
Xin nguyện từ bi thường gia hộ.
Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt
Lại như mặt nhật phóng quang minh
Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương
Hỷ Xả Từ Bi đều thấm nhuần.
Nam Mô Phật Thích Ca Mâu Ni. (C)
Thực tập các việc lành hằng ngày
Buổi sáng nói điều lành, buổi trưa nói điều lành, buổi tối nói điều lành, ta có một ngày vui.
Buổi sáng nghĩ điều lành, buổi trưa nghĩ điều lành, buổi tối nghĩ điều lành, ta có một ngày vui.
Buổi sáng làm điều lành, buổi trưa làm điều lành, buổi tối làm điều lành, ta có một ngày vui, ta có một năm vui, và ta có cuộc đời vui.
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm (C)
Bốn Lời Thệ Nguyện của Hành Giả
Chúng sanh không số lượng
Thệ nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận
Thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp tu không kể xiết.
Thệ nguyện đều thực hành.
Phật đạo không gì hơn
Thệ nguyện đều viên thành.
Nương Tựa Phật
Con về nương tựa Phật, Người đưa đường chỉ lối từ, bi, và trí huệ cho con trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp cho con trong cuộc đời.
Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ-đề. (O)
Nương Tựa Pháp
Con về nương tựa Pháp, con đường của thực tập hòa bình, an vui, hạnh phúc, thương yêu, và hiểu biết cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Đã về nương tựa Pháp, con đang học hỏi và tu tập con đường Thánh gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa. (O)
Nương Tựa Tăng
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người tu tập nguyện sống cuộc đời đạo đức, hòa hợp, và tỉnh thức cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được Tăng thân soi sáng, dìu dắt, và nâng đỡ trên con đường thực tập.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (O)
Phát Nguyện Tinh Tấn và Đảnh Lễ Tam Bảo
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Phật Đà. Nam Mô Phật Đà Da. (C, 1 lạy).
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Chánh Pháp. Nam Mô Đạt Mạ Da (C, 1 lạy).
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Tăng Đoàn. Nam Mô Sanghaya (C, 1 lạy).
HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Nguyện đem công đức này,
hướng về khắp tất cả,
đệ tử và chúng sinh
đều trọn thành Phật đạo. (C,C,C)
Chùa Pháp Nhãn biên soạn
[1] Tu Đà Hoàn (Sotāpanna) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ nhất gọi là dự lưu hay vị dự lưu. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (i) và Quả (Phala) (ii) của Tu Đà Hoàn (Sotāpanna). Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ hai gọi là vị nhất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (iii) và Quả (Phala) (iv) của Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī). A Na Hàm (Anāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ ba gọi là vị bất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (v) và Quả (Phala) (vi) của A Ha Hàm (Anāgāmī). A La Hán (S. Arahanta/ P. Arahant) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ tư gọi là vị xứng đáng được cúng dường (1/ ứng cúng), vị giết giặt phiền não (2/ sát tặc), vị phá tan các điều ác (3/ phá ác), vị làm cho ma phiền não khiếp sợ (4/ bố ma), vị chấm dứt vòng luân hồi sinh tử (5/ vô sinh). Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (vii) và Quả (Phala) (viii) của A La Hán (Arahanta).
(i) và (ii) là một đôi, (iii) và (iv) là một đôi, (v) và (vi) là một đôi, (vii) và (viii) là một đôi, tất cả gồm bốn đôi. Tính từ Đạo và Quả của (i) tới Đạo và Quả của (viii), ta có tổng cộng là bốn đôi và tám vị Thánh Đạo và Quả (Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā).
[2] See http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf Part II, Chapter VII, pp. 215 – 218.
[3] Mahamangala Sutta (Sutta Nipata II) Kinh Tập, Tiểu Bộ Kinh trong tạng Pali.
[4] Kinh Tập, 143 – 152. Tiểu Bộ Kinh trong tạng Pali.