1725 lượt xem

Nghi Thức Tụng Kinh Thiện Sinh

Thích Trừng Sỹ

TỤNG KINH THIỆN SINH

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tán Phật

Xinh tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc đẩu

Xin quay về nương tựa

Bậc Thầy của nhân thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ,

Hào quang chiếu rạng mười phương,

Trí tuệ vượt tầm pháp giới,

Từ bi thắm nhuần non sông,

Vừa thấy dung nhan Điều Ngự,

Tâm thành trọn lòng kính dâng,

Hướng về tán dương Tam Bảo,

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng. (O)

Dâng Hương 

Hương đốt khói trầm xông ngát

Kết thành một đóa tường vân,

Đệ tử đem lòng thành kính

Cúng dường chư Phật mười hương

Giới luật chuyên trì nghiêm mật

Công phu thiền định tinh cần

Tuệ giác hiện dần quả báu

Dâng thành một nén tâm hương.

Chúng con kính dâng hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến lên chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, chư hộ pháp, thiện thần, chứng minh lòng thành kính của chúng con. (O)

Đảnh Lễ Tam Bảo

Ðệ tử nương nhờ Tam Bảo

Trên con đường học đạo

Biết Tam Bảo của tự tâm

Nguyện tu học chuyên cần

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý. (Chuông)

Phật là thầy chỉ đạo

Bậc tỉnh thức vẹn toàn

Tướng tốt đoan trang

Trí và bi viên mãn.

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mười phương. (Chuông, 1 lạy)

Pháp là con đường sáng

Dẫn người thoát cõi mê

Ðưa con trở về

Sống cuộc đời tỉnh thức.

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mười phương. (Chuông, 1 lạy)

Tăng là đoàn thể đẹp

Cùng đi trên đường vui

Tu tập giải thoát

Làm an lạc cuộc đời.

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mười phương. (Chuông, 1 lạy)

KHAI KINH

Pháp Phật cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên nay được thọ trì

Xin nguyện đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (O)

TỤNG KINH THIỆN SINH

Trường A Hàm, (Dīrghāgama), Phần II, Kinh số 16, và Kinh Bộ Kinh (Dīgha Nikaya), Kinh số 31

By Thích Trừng Sỹ

Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Phật cư trú ở tu viện Trúc Lâm, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, đắp y bưng bát đi vào thành Vương Xá khất thực. Khi thấy chàng Thiện Sinh,[1] con trai của vị trưởng giả, cứ mỗi buổi sáng, vâng theo lời cha dặn, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặt chỉnh tề, chấp tay lễ lạy phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, và phương Dưới, Đức Phật ân cần dạy bảo Thiện Sinh về các ý nghĩa của việc lễ bái sáu phương như sau:

1. Phương Đông tượng trưng cho cha mẹ và con cái

I. Bổn phận con cái

Này Thiện Sinh, đối với cha mẹ, người con có năm bổn phận:

Một là cung phụng các nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết cho cha mẹ. Hai là giúp làm các việc khó nhọc cho cha mẹ. Ba là bảo vệ danh giá dòng họ và truyền thống gia đình. Bốn là bảo vệ tài sản thừa tự. Năm là có trách nhiệm lo tang lễ đúng pháp khi cha mẹ qua đời. 

II. Bổn phận cha mẹ

Đối với con cái, cha mẹ cũng có năm bổn phận:

Một là dạy con làm lành lánh ác. Hai là khuyên con thân cận với thầy lành, bạn tốt, và môi trường thiên nhiên. Ba là gợi ý và chọn nghề thích hợp cho con. Bốn là dựng vợ gã chồng tốt đẹp cho con. Năm là trao của cải thừa tự và quyền lợi cho con đúng thời.

Lễ lạy phương Đông theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là con cái có bổn phận hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ và cha mẹ cũng có trách nhiệm nuôi nấng và dạy dỗ con cái nên người tài đức. (O)

2. Phương Tây tượng trưng cho vợ và chồng

III. Bổn phận người vợ

Này Thiện Sinh, đối với chồng, người vợ có năm bổn phận: Một là chăm lo việc nhà gọn gàng và ngăn nắp. Hai là niềm nở tiếp đón bạn bè và thân quyến bên chồng. Ba là chung thủy với chồng. Bốn là giữ gìn của cải vợ chồng làm ra. Năm là làm các công việc gia đình nhanh nhẹn và khéo léo.     

IV. Bổn phận người chồng

Đối với vợ, người chồng cũng có năm bổn phận:

Một là thương yêu vợ. Hai là học hạnh lắng nghe và nói lời ái ngữ với vợ. Ba là tin tưởng vợ. Bốn là biết mua quà tặng sinh nhật cho vợ. Năm là giao quyền hành và cung cấp những thứ cần dùng cho vợ.

Lễ lạy phương Tây theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là vợ chồng sống chung thủy, biết nhường nhịn, và tin cậy lẫn nhau để xây dựng hạnh phúc và mái ấm cho gia đình. (O)    

3. Phương Nam tượng trưng cho thầy cô giáo và học trò

V. Bổn phận học trò

Này Thiện Sinh, đối với thầy cô giáo, người học trò có năm bổn phận:

Một là cung kính, lễ phép, và sẵn lòng giúp thầy cô làm những việc cần thiết. Hai là biết vâng lời thầy cô dạy bảo. Ba là biết lắng nghe và học hỏi những điều hay nơi thầy cô. Bốn là phải có tinh thần cầu học với thầy cô về những gì mình chưa biết. Năm là biết thực tập, ứng dụng, và sáng tạo những gì mình đã học.

VI. Bổn phận thầy cô giáo

Đối với học trò, thầy cô giáo cũng có năm bổn phận:

Một là giảng dạy cho học trò thấy biết chân chánh, tư duy chân chánh, nói năng chân chánh, lời nói, ý nghĩ, và việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, thiền định chân chánh. Hai là hướng dẫn phương pháp sáng tạo và giáo dục cho học trò. Ba là không che dấu kiến thức, hết lòng truyền trao kiến thức và kinh nghiệm sống cho học trò. Bốn là truyền trao thân giáo, khẩu giáo, ý giáo cho học trò. Năm là mong muốn học trò trở thành những người tài đức và giỏi hơn mình.

Lễ lạy phương Nam theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là cả thầy và trò đều là những người đạo đức và gương mẫu biết trao truyền, tiếp nối, và ứng dụng kiến thức đạo học và thế học vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi lạc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại. (O)

4. Phương Bắc tượng trưng cho bổn phận mình đối với thân quyến và bạn bè

VII. Bổn phận mình đối với thân quyến

Này Thiện Sinh, đối với thân quyến, mình có năm bổn phận: Một là khuyên thân quyến làm các việc lành. Hai là động viên thân quyến xa lánh các việc ác. Ba là dùng phương pháp tưới hoa để khen ngợi thân quyến. Bốn là viếng thăm thân quyến khi họ có bệnh. Năm là tận tình giúp đỡ thân quyến khi họ gặp hoàn cảnh nghèo khổ.

VIII. Bổn phận mình đối với bạn bè

Đối với bạn bè, mình cũng có năm bổn phận:

Một là giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn. Hai là không bỏ bạn khi gặp hoạn nạn. Ba là chơi với bạn tốt có thể giúp mình thành tựu trong cuộc sống dễ dàng. Bốn là khuyên bạn dừng lại và buông bỏ các việc bất thiện. Năm là giao lưu với bạn trong tinh thần đối thoại, góp ý, xây dựng, hoan hỷ, thông cảm, và bình đẳng.

Lễ lạy phương Bắc theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là tỏ lòng khoan dung, lân mẫn, thương yêu, và hiểu biết với thân nhân và bạn bè. (O) 

5. Phương Trên tượng trưng cho cư Sĩ và xuất Sĩ

IX. Bổn phận cư Sĩ

Này Thiện Sinh, đối với xuất Sĩ, cư Sĩ có năm bổn phận: Một là chọn Tam Bảo làm nơi nương tựa tâm linh vững chắc nhất cho đời mình. Hai là học, hiểu, thực hành, và áp dụng Năm Điều Đạo Đức vào trong đời sống hằng ngày. Ba là khéo léo phát khởi thiện tâm tạo phước, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo. Bốn là không thần tượng bất cứ một thầy hay một sư cô cá nhân nào, mà hãy xem tất cả các vị xuất Sĩ tài đức đều là thầy và sư cô của mình. Năm là biết cách quán sát và chọn lọc những lời dạy nào tốt hay không tốt sau khi đem ra áp dụng và thực hành những lời dạy đó phù hợp với số đông ngay trong đời sống hiện tại thì nên thực hành, và ngược lại, thì nên từ bỏ chúng.

X. Bổn phận xuất Sĩ

Đối với cư Sĩ, vị xuất Sĩ cũng có năm bổn phận: Một là giảng dạy Năm Điều Đạo Đức và Bát Thánh Đạo cho người cư Sĩ. Hai là hướng dẫn cho người cư Sĩ Pháp Học gồm có Đạo Đức, Thiền Định, và Trí Tuệ, và Pháp Hành gồm có Thiền Chỉ và Thiền Quán. Ba là hướng dẫn cho người cư Sĩ phát tâm hoan hỷ trước khi cúng dường, hoan hỷ trong khi cúng dường, và hoan hỷ sau khi cúng dường. Bốn là hướng dẫn cho người cư Sĩ giữ vững niềm tin chánh tín đối với Tam Bảo. Năm là hướng dẫn cho người cư Sĩ biết cách thực hành niệm ân Đức Phật, niệm ân chánh Pháp, và niệm ân Tăng đoàn.

Lễ lạy phương Trên theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là cả xuất Sĩ và cư Sĩ quyết tâm học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại hoa trái an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại. Sự hộ trì chánh pháp và hoằng dương chánh pháp giữa những người cư Sĩ và xuất Sĩ gắn kết với nhau rất mật thiết. (O) 

6. Phương Dưới tượng trưng cho nhân viên và người điều hành

XI. Bổn phận nhân viên

Này Thiện Sinh, đối với người điều hành, nhân viên có năm bổn phận:

Một là đi làm việc sớm và đúng giờ. Hai là có trách nhiệm làm xong công việc khi được giao phó. Ba là làm việc thứ tự, gọn gàng, ngăn nắp, có phương pháp, và chánh niệm. Bốn là không trộm cắp và giữ gìn tài sản chung. Năm là tôn trọng, kính mến, và bảo vệ uy tín và danh giá cho người điều hành.

XII. Bổn phận người điều hành

Đối với nhân viên, người điều hành cũng có năm bổn phận: Một là giao việc làm phù hợp với khả năng và trình độ cho nhân viên. Hai là cung cấp cho nhân viên tiền lương hoặc đồ ăn uống. Ba là chăm sóc và thăm hỏi chu đáo khi nhân viên có bệnh. Bốn là khen thưởng và đánh giá các thành tích xuất sắc cho nhân viên. Năm là cho nhân viên nghỉ phép thích hợp.

Lễ lạy phương Dưới theo lời Đức Phật dạy có nghĩa là người điều hành và nhân viên luôn có bổn phận và trách nhiệm với nhau cả vật chất lẫn tinh thần. (O) 

Sáu phương được giảng dạy trên đây, Đức Thế Tôn ân cần khuyên bảo chàng Thiện Sinh những điều tinh yếu qua bài kệ tóm tắt như sau:

Cha mẹ là phương Đông

Sư trưởng là phương Nam

Vợ chồng là phương Tây

Thân quyến là phương Bắc

Nhân viên là phương Dưới

Xuất Sĩ là phương trên

Người hành giả mẫu mực

Kính lễ các phương ấy.

Khi sống trong an lạc

Khi chết trong an vui

Người trí tu như vậy 

Sống vì mình vì người

Luôn đem lại an lành

Cho nhân gian trần thế. (O)

Trên lộ trình tu tập

Nương theo người bạn lành

Học theo người đức hạnh

Đem lợi lạc quần sanh.

Sống ở nhân gian này

Mình biết làm điều lành

Khuyên người làm điều lành

Hòa bình luôn thêm lớn.

Người Phật tử chân chánh

Thân làm các việc lành

Ý nghĩ các việc lành

Miệng nói các việc lành

Thân tâm thường tĩnh lặng. (O)

Hành giả đi vào đời

Như hoa nở khắp nơi

Trang nghiêm và tự tại

Làm an lạc cuộc đời.

Như Ong đến tìm hoa

Bám hoa để hút mật

Hút xong rồi bay đi

Hoa vẫn còn nguyên vẹn.

Siêng hộ trì chánh pháp

Siêng ủng hộ Tăng Đoàn

Cúng dường bậc Ứng Cúng

Là phước điền vô thượng.

Những việc đã nêu trên

Hành giả luôn thực hiện

Phước đức càng thêm lớn

Như nước sông về biển. (O)

Sáu Phương được Đức Phật giảng dạy trên đây là sáu mối quan hệ đạo đức tương tức với nhau rất mật thiết giữa gia đình, học đường, và xã hội, chứa đựng các giá trị nhân văn, nhập thế, nhân quả, bổn phận, và trách nhiệm thật là sâu sắc, giúp mọi người ý thức sống an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. Những lời dạy của Đức Phật mang ý nghĩa rất thiết thực và thù thắng vượt thoát thời gian và không gian. Dù sống ở đâu, nơi nào, và quốc gia nào trên thế giới, nếu mọi người khéo áp dụng Kinh Thiện Sanh này vào trong đời sống hằng ngày đúng nơi, đúng lúc, và đúng đối tượng, thì chắc chắn họ sẽ đem lại nhiều chất liệu tu tập, an vui, và hạnh phúc cho nhiều người.  

Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy xong, chàng Thiện Sanh vô cùng hoan hỷ thành kính đảnh lễ Đức Phật và nói lên những lời ý nghĩa, ca ngợi, tôn kính, và ẩn dụ như sau:

“Thật vi diệu thay, Bạch Đức Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch đức Thiện Thệ! Giáo pháp do chính Ngài khéo thuyết giảng rất thiết thực hiện tại, cụ thể, và rõ ràng, đã thấm sâu vào tâm con, làm cho tâm con mềm ra, hiền ra, và thiện ra. Phật pháp đã khai mở tâm con bừng sáng ra, như người dựng đứng dậy những gì bị ngã xuống, lật ngửa lên những gì bị úp, mở toang ra những gì bị đóng kín, phô bày ra những gì bị che giấu, chỉ đường cho những kẻ bị lạc lối, đem ánh sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể nhìn thấy rõ mọi sự vật tường tận, như đi trong đêm tối gặp được ánh sáng, như người mù, mắt được sáng ra. Bằng nhiều phương pháp giảng dạy khéo léo, Đức Thế Tôn đã giúp cho con nhìn thấy rõ mọi sự vật sáng tỏ như ánh sáng ban ngày. (O)

Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi tiếp nhận cho con làm đệ tử tại gia. Từ này cho tới trọn đời, con quyết tâm nương tựa Đức Phật, chánh Pháp, và Tăng đoàn, và phát nguyện thực hành Năm Điều Đạo Đức trọn vẹn: Một là tôn trọng sự sống, phát triển tâm từ bi, bảo vệ môi trường thiên nhiên, và nuôi dưỡng hòa bình nội tâm bằng cách ý thức không sát hại sinh mạng. Hai là xả bỏ tâm bỏn xẻn, tham lam, phát tâm bố thí, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo bằng cách ý thức không lấy của không cho. Ba là xây dựng hạnh phúc gia đình, sống chung thủy hợp pháp với người hôn phối bằng cách ý thức không tà hạnh, ngoại tình, và không xâm phạm tình dục của trẻ em. Bốn là nói lời chân thật, hòa hợp, ái ngữ, và dễ thương, đem lại lòng tin cậy và uy tín lẫn nhau bằng cách ý thức không nói dối. Năm là bảo vệ sức khỏe tráng kiện, tinh thần minh mẫn, đem lại an vui và hạnh phúc cho gia đình, học đường, và cho xã hội bằng cách ý thức không sử dụng các chất say, các chất ma túy, kể cả các việc hút thuốc lá, chơi cờ bạc, chơi các trò chơi game bạo động trực tuyến.”

Khi ý thức tránh xa các chất độc tố này, Pháp học, pháp hành, pháp hỷ, và Pháp lạc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm. Sau khi chính thức trở thành người đệ tử thuần thành của Đức Phật, cư sĩ Thiện Sinh vô cùng hoan hỷ giữ vững niềm tin nương tựa Tam Bảo, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại nhiều lợi lạc cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này. 

Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ

Avalokita, khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.
Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức.
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt.

Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng

Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;

Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;

Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (O)
Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo.
Chư Phật trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn.

Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.

Là tuệ giác chân thực

Có khả năng diệt trừ

Tất cả mọi khổ nạn.

Vậy ta hãy tuyên thuyết

Câu linh chú qua bờ:

Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha.” (3 lần, O)

“Vượt qua, vượt qua, khéo vượt qua, vượt qua tới bờ bên kia, đạt giác ngộ vui lắm thay.” (3 lần, O)

NƯƠNG TỰA TAM BẢO

Nương Tựa Phật Bảo

Con về nương tựa Phật, Người đưa đường chỉ lối từ, bi, và trí huệ cho con trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp cho con trong cuộc đời.

Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ-đề. (O)

Nương Tựa Pháp Bảo

Con về nương tựa Pháp, con đường của thực tập hòa bình, an vui, hạnh phúc, thương yêu, và hiểu biết cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Đã về nương tựa Pháp, con đang học hỏi và tu tập con đường Thánh gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa. (O) 

Nương Tựa Tăng Bảo

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người tu tập nguyện sống cuộc đời đạo đức, hòa hợp, và tỉnh thức cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được Tăng thân soi sáng, dìu dắt, và nâng đỡ trên con đường thực tập.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (O)

Hồi Hướng

Trì tụng Kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ơn nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Phật xin chứng nên.

Nguyện sanh về Tịnh Độ

Sen nở thấy vô sanh

Chư Bụt và Bồ Tát

Là những bạn đồng hành.

Nguyện dứt hết phiền não

Cho trí tuệ phát sanh

Cho tội chướng tiêu tán

Quả giác ngộ viên thành. (O)

Phát nguyện tinh tấn và lạy tạ ơn Tam Bảo 

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Phật Đà. Nam Mô Phật Đà Da.  (O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Chánh Pháp. Nam Mô Đạt Mạ Da(O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Tăng Đoàn. Nam Mô Sanghaya. (O, 1 lạy)

 

Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm.

Tùy theo chỗ ở thường an lạc.

Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo. (O)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

(3 lần, O)

Biên soạn và chuyển ngữ – Thích Trừng Sỹ

 

[1] Xem Trường A Hàm, (Dīrghāgama), Phần II, Kinh số 16, và Kinh Bộ Kinh (Dīgha Nikaya), Kinh số 31.

Rite of Chanting Thiện Sinh Sutra

Facebook Comments Box

Trả lời