2589 lượt xem

Nghi thức tụng Kinh và cầu nguyện hằng ngày

Thích Trừng Sỹ

Nhất tâm cầu nguyện cho virus corona toàn cầu sớm được chấm dứt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Dâng Hương

Xin tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc đẩu

Xin quay về nương tựa

Bậc Thầy của nhân thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ,

Hào quang chiếu rạng mười phương,

Trí tuệ vượt tầm pháp giới,

Từ bi thắm nhuần non sông,

Vừa thấy dung nhan Điều Ngự,

Tâm thành trọn lòng kính dâng,

Hướng về tán dương Tam Bảo,

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

Hương đốt khói trầm xông ngát

Kết thành một đóa tường vân,

Đệ tử đem lòng thành kính

Cúng dường chư Phật mười hương

Giới luật chuyên trì nghiêm mật

Công phu thiền định tinh cần

Tuệ giác hiện dần quả báu

Dâng thành một nén tâm hương.

Chúng con kính dâng hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến lên chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, chư hộ pháp, thiện thần, chứng minh lòng thành kính của chúng con. (O)

Kính đảnh lễ Tam Bảo

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)

Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)

(Thiền tập 10 phút)

Khai Kinh

Pháp Phật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên nay được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (O)

NIỆM ÂN PHẬT BẢO

Đức Phật Thế Tôn; bậc Thầy lãnh đạo tâm linh an bình và cao thượng của chúng con; bậc Thầy xứng đáng nhất để được cúng dường; bậc Thầy hiểu biết và thương yêu; bậc Thầy có đầy đủ công hạnh và tuệ giác; bậc Thầy đã đạt được an vui và giải thoát toàn vẹn; bậc Thầy hiểu thấu thế gian; bậc Thầy có khả năng điều phục được con người; bậc Thầy của cả hai giới thiên và nhân; bậc Thầy đã giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy; bậc Thầy đáng được thế gian tôn sùng và quý kính nhất trên đời.(O)

NIỆM ÂN PHÁP BẢO

Chánh Pháp của Đức Thế Tôn, do chính Ngài khéo thuyết giảng, rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng dập tắt các phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v. v… Nương vào Phật pháp, người trí nào cũng có thể tự mình tu tập, thông đạt giáo pháp, đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu, đến để học, đến để thực hành, và đến để thưởng thức những hoa trái an vui và giải thoát ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. (O)

NIỆM ÂN TĂNG BẢO

Tăng bảo của Đức Thế Tôn là Đoàn thể đang đi trên đường chân thiện, chân chánh, chính trực, tốt đẹp, và thích hợp; là đoàn thể đang hướng theo Phật pháp, tu tập Phật pháp, và sống đúng với tinh thần Phật pháp. Trong Đoàn thể thánh thiện này, có những vị đã và đang chứng quả thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán, gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả,[1] thành tựu các khía cạnh đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. Đoàn thể này xứng đáng được nương tựa, phụng sự, quy kính, quý trọng, ngưỡng mộ, và cúng dường, là ruộng phước đức tốt đẹp cho thế gian gieo trồng.[2](O)

NIỆM ÂN GIỚI PHÁP

Giới pháp của đức Thế Tôn, Luật nghi (Vinaya), Chánh niệm Tăng thân đang tiếp nhận, thực tập, truyền bá, và hộ trì, là giới thân (sīla-kaya) nguyên vẹn, là giới thân không bao giờ bị sứt mẻ, là giới thân không bao giờ bị nhiễm ô, là giới thân không bao giờ bị tỳ vết, là giới thân không bao giờ bị hỗn tạp, là giới thân được người trí khen ngợi và ngưỡng mộ, là giới thân có công năng bảo vệ tự do, là giới thân đưa tới không sợ hãi, là giới thân đưa tới đạo đức, là giới thân đưa tới thiền định, là giới thân đưa tới tuệ giác, là giới thân đưa tới an vui, giải thoát, và hạnh phúc đời đời.(O)

 Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ

Avalokita, khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.
Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức.
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt.

Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng

Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;

Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;

Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (O)
Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo.
Chư Phật trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn.

Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.

Là tuệ giác chân thực

Có khả năng diệt trừ

Tất cả mọi khổ nạn.

Vậy ta hãy tuyên thuyết

Câu linh chú qua bờ:

Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!” (3 lần) 

“Vượt qua, vượt qua, khéo vượt qua, giác ngộ rồi, vui lắm thay!” (3 lần, O)

 Quán chiếu Thân, Tâm, và Nghiệp

Tôi phải già, tôi không thể nào tránh khỏi cái già;

Tôi phải bệnh, tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh;

Tôi phải chết, tôi không thể nào tránh khỏi cái chết;

Tất cả những gì do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của tôi tạo tác và gây ra, tôi không thể nào xa lìa và buông bỏ chúng, dù đó là nghiệp thiện, hay nghiệp bất thiện;

Ý thức rằng nghiệp thiện tôi tiếp tục duy trì và phát triển; nghiệp bất thiện tôi cố gắng nhận diện và chuyển hóa;

Tất cả những người thân, người thương, và những gì tôi trân quý hôm nay, một mai này tôi chắc chắn sẽ phải xa lìa và buông bỏ, tôi không thể nào tránh thoát khỏi sự xa lìa và buông bỏ ấy.

Tôi là kẻ thừa tự của những nghiệp quả, những cái duy nhất mà tôi có thể mang theo với tôi sau này.[3](O)

Thân Tâm tự tại

Thân này không phải là tôi,

Tôi không kẹt vào nơi thân ấy,

Tôi là sự sống thênh thang,

Chưa bao giờ từng sinh,

Cũng chưa bao giờ từng diệt.

Nhìn kia! Biển rộng trời cao,

Muôn vàn tinh tú lao xao.

Tất cả biểu hiện cùng tôi

từ nguồn linh tâm thức,

từ muôn đời tôi vẫn tự do.

Tử sinh là cửa ngõ ra vào,

tử sinh là trò chơi cút bắt.

Hãy mỉm cười cùng tôi,

Hãy thở nhẹ cùng tôi,

Hãy niệm Phật cùng tôi,

Hãy thiền tập cùng tôi.[4]

NAM MÔ BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM (O)

Kinh Người Biết Sống Một Mình[5]

Đức Thế Tôn dạy rằng

Đừng tìm về quá khứ,

Đừng lo lắng tương lai.

Quá khứ đã qua rồi,

Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú,

Vững chãi và thảnh thơi.

Hãy tinh tiến hôm nay,

Đừng đợi đến ngày mai

Sức khỏe sẽ yếu dần

Không thể nào thực tập

Cái chết đến bất ngờ,

Không thể nào biết trước.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm,

Thì Mâu Ni gọi là:

Người biết sống một mình.

NAM MÔ PHậT THÍCH CA MÂU NI (O)

Nương Tựa Phật

Con về nương tựa Phật, Người đưa đường chỉ lối từ, bi, và trí huệ cho con trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp cho con trong cuộc đời.

Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ-đề.(O)

 Nương Tựa Pháp

Con về nương tựa Pháp, con đường của thực tập hòa bình, an vui, hạnh phúc, thương yêu, và hiểu biết cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Đã về nương tựa Pháp, con đang học hỏi và tu tập con đường Thánh, gồm có đạo đức, thiền định, trí tuệ, tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.(O)

 Nương Tựa Tăng

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người tu tập nguyện sống cuộc đời đạo đức, hòa hợp, và tỉnh thức cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được Tăng thân soi sáng, dìu dắt, và nâng đỡ trên con đường thực tập.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (O)

Hồi Hướng

Trì tụng Kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ơn nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Phật xin chứng nên.

Nguyện sanh về Tịnh Độ

Sen nở thấy vô sanh

Chư Bụt và Bồ Tát

Là những bạn đồng hành.

Nguyện dứt hết phiền não

Cho trí tuệ phát sanh

Cho tội chướng tiêu tán

Quả giác ngộ viên thành. (O)

Phát nguyện tinh tấn và lạy tạ ơn Tam Bảo

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Phật Đà. Nam Mô Phật Đà Da. (O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Chánh Pháp. Nam Mô Đạt Mạ Da. (O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Tăng Đoàn. Nam Mô Sanghaya. (O, 1 lạy)

Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm.

Tùy theo chỗ ở thường an lạc.

(3 lần, O, O, O).

[1]  Tu Đà Hoàn (Sotāpanna) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ nhất gọi là dự lưu hay vị dự lưu. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (i) và Quả (Phala) (ii) của Tu Đà Hoàn (Sotāpanna). Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ hai gọi là vị nhất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (iii) và Quả (Phala) (iv) của Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī). A Na Hàm (Anāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ ba gọi là vị bất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (v) và Quả (Phala) (vi) của A Ha Hàm (Anāgāmī). A La Hán (S. Arahanta/ P. Arahant) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ tư gọi là vị xứng đáng được cúng dường (1/ ứng cúng), vị giết giặt phiền não (2/ sát tặc), vị phá tan các điều ác (3/ phá ác), vị làm cho ma phiền não khiếp sợ (4/ bố ma), vị chấm dứt vòng luân hồi sinh tử (5/ vô sinh). Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (vii) và Quả (Phala) (viii) của A La Hán (Arahanta).

(i) và (ii) là một đôi, (iii) và (iv) là một đôi, (v) và (vi) là một đôi, (vii) và (viii) là một đôi, tất cả gồm bốn đôi. Tính từ Đạo và Quả của (i) tới Đạo và Quả của (viii), ta có tổng cộng là bốn đôi và tám vị Thánh Đạo và Quả (Cattāri purisayugāni aṭṭha     purisapuggalā).

[2] http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf Part II, Chapter VII, pp. 215 – 218.

[3]Xem Anguttara Nikaya III. 71     http://www.buddhanet.net/budsas/ebud/budtch/budteach06.htm#_ednref17     → Anattalakkhana Sutta – Kinh Vô Ngã tướng. Or xem Mahāvagga, p. 13; Samyutta Nikāya pt. iii, p. 66.

[4] Xem Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta)

http://phathoc.net/thu-vien/kinh/nam-truyen/7EC203_kinh_vo_nga_tuong/p1.aspx

http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/nghe-audio/131-thin-ca/1036-hnh-phuc-bay-gi?start=7

[5][5]  Kinh Trung Bộ 131. Kinh Người Biết Sống Một Mình

Facebook Comments Box

Trả lời