NHÌN PHẬT ĐẢN QUA CON MẮT THIỀN QUÁN
Khi chúng ta nghĩ về sự ra đời của một con người, một bậc Thánh, hay của một đức Phật, thì chúng ta xem nó là sự hình thành, sự bắt đầu, sự chuyển tiếp, sự tiếp nối … của một đời sống mới. Thông thường, cái ngày đầu tiên mà con người phàm phu, vị Thánh, hoặc vị Phật sinh ra đời thì gọi chung là ngày sinh, ngày chào đời, hay ngày sinh nhật; sinh nhật của một con người thì gọi là phàm sinh, sinh nhật của một vị Thánh gọi là Thánh Đản, hoặc sinh nhật của một đức Phật gọi là Phật Đản. Vì nghiệp lực tái sinh, một vị phàm phu sinh ra đời; vì nguyện lực cứu độ chúng sinh, một vị Thánh hay một vị Phật thị hiện ra đời. Đạo Phật, đạo tỉnh thức, từ bi, trí huệ, bình đẳng, và hòa bình, có nguồn gốc từ Phật đản sinh và Phật giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một con người lịch sử bằng xương bằng thịt, sinh ra đời cách đây gần ba nghìn năm dưới cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), một phần của nước Nê-pan (Nepal) ngày nay. Năm 249 trước thường lịch, sự kiện này[1] được vua A Dục (Ashoka) khắc ghi, đánh dấu kỷ niệm, và ghi rõ trong Kinh A Hàm như sau: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chúng sinh đó chính là con người lịch sử – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.”[2]
Trong bài viết này, có 9 cái nhìn khác nhau về Phật đản sẽ được thảo luận dưới đây như sau:
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người lịch sử
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh ẩn dụ, huyền thoại, và nhấn mạnh
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh biểu tượng hoa sen
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người tối thắng
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người bình thường
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người kham nhẫn, trí tuệ, hướng thượng, hướng thiện, giác ngộ, an vui, và giải thoát
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh tưới tẩm, nuôi dưỡng, khơi dậy, và đánh thức Phật tánh trong tất cả chúng sanh.
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh bình đẳng
- Nhìn Phật đản qua khía cạnh hòa bình
1.1. Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người lịch sử
Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhārtha Gautama), con người có thật trong lịch sử, đã từng sống trên trái đất của chúng ta cách đây gần 3 nghìn năm. Khi Ngài sinh ra được 7 ngày, thì mẹ Ngài, tức thánh Mẫu Ma Da (Māyādevī) qua đời. Người mẹ kế của thái tử là Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahāpajāpatī Gotamī) chăm lo thái tử rất tận tình và chu đáo. Thân phụ của thái tử tên là vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Khi lớn lên, thái tử kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodharā), và có một người con trai duy nhất tên là La Hầu La (Rāhula).
Mặc dầu sống trong cảnh nhung lụa, giàu sang, và sung sướng, nhưng thái tử cảm thấy bị ràng buộc, không tự do, và thoái mái, cùng với người hậu cận của mình tên là Sa Nặc, thực hiện một chuyến đi ra khỏi bốn cửa thành để thăm các cảnh thật bên ngoài. Ra khỏi cửa thành cung điện, đi về hướng Đông, thái tử và Sa Nặc gặp người già; đi về hướng Tây, hai người gặp người bệnh; đi về hướng Nam, gặp người chết; và đi về hướng Bắc, gặp vị Khất sĩ.
Trong bốn cảnh thật mà thái tử chứng kiến, cảnh thật thứ tư là hình ảnh thái tử thích nhất; hình ảnh của vị khất sĩ thong dong, khoang thai, ung dung, nhẹ nhàng, và thư thới. Hình ảnh này khắc sâu vào trong tâm trí của thái tử, đưa thái tử tới một cuộc đời thiền quán sau này, giúp thái tử trở thành vị tu sĩ không nhà, sống không có gia đình, và không bị ràng buộc bởi các ràng buộc gia đình và con cháu.
Xuất gia lúc 29 tuổi, nhà tu Tất Đạt Đa (Siddhārtha), học đạo với hai vị đạo sĩ: Alara-Kalama và Uddaka-Ramaputta, trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em Tôn giả Kiều Trần Như (Kondañña), và thấy lối tu khổ hạnh và sự chứng đạo của họ bị thiên kiến, sai lệch, và không hoàn hảo. Ngài quyết định rời họ và chọn cho mình con đường Trung Đạo (majjhimāpaṭipadā) bằng cách thực tập lối không khổ hạnh ép xác và không tham đắm dục lạc. Sau khi dùng bát cháo sữa của nàng Su Dà Ta (Sujata), Bồ tát Tất Đạt Đa nhận bó cỏ Kiết tường (Kusa) của người nông phu, đi thẳng tới Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), và ngồi thiền định 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề ở các chỗ khác nhau. Cuối cùng, Bồ tát giác ngộ và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) lúc 35 tuổi.
Tính theo Phật đản hay sự ra đời của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) vào khoảng năm 624 trước công nguyên, lấy năm 624 cộng với năm nay, tức năm 2024, ta có Phật đản lần thứ 2648. Siddhartha có nghĩa là con Người toại nguyện, hoàn hảo, và tốt đẹp có đầy đủ phước đức và trí tuệ. Tính theo Phật lịch hay sự nhập niết bàn của đức Phật năm 544 (624 – 80 = 544) trước công nguyên, lấy năm 544 cộng với năm nay – 2024, ta có năm Phật lịch 2568. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Người sáng lập ra đạo Phật – đạo tỉnh thức, hòa bình, bình đẳng, từ bi, và đạo trí tuệ.
Thích Ca (Sakya) là cái họ; Mâu Ni (Muni) là vị xuất Sĩ an lạc và tự do. Vậy Thích Ca Mâu Ni, người con dòng họ Thích Ca (Sakya) tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), có nhiều an lạc và hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi, thương yêu và hiểu biết, xuất gia tu tập, thành đạo, hướng tới tự tại và giải thoát, và đem lại hòa bình, an lạc, và hạnh phúc đích thực cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.
Hoằng dương chánh pháp trong suốt 45 năm, nhập diệt lúc tuổi 80, đức Phật giáo hóa rất nhiều hạng người khác nhau như vua, quan, quần thần, thương gia, tôi tớ, thậm chí người hốt phân, kẻ cướp, và kỷ nữ. Những ai có đủ duyên học Phật, nghe pháp, thực tập giáo pháp của đức Phật, và sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, và sau đó, an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.
Theo cái nhìn tương quan và tương duyên, chúng ta thấy con người lịch sử có thật, con người thành Phật, nói Pháp, và nhập Niếi-bàn, tuy hai là một, và tuy một là hai, tương tự như nước với sóng, và sóng với nước; cả hai hạng người này nương vào nhau không thể tách rời nhau được.
Sống suốt cuộc đời hòa hợp vào môi trường thiên nhiên, thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh, tức đức Phật sơ sinh, sinh ra dưới cây Vô Ưu ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành đạo dưới cội cây Bồ Đề (Bodhi tree) tại Bồ-đề Đạo-tràng (Bodhgaya), nói bài Pháp đầu tiên – Tứ Diệu Đế cho 5 anh em ông Kiều Trần Như ở vườn Nai – Sarnath, nhập diệt dưới 2 cây song thọ tại rừng Sa La (Sala) tại thành Câu-thi-la (Kusinagar). Đây là 4 Thánh địa quan trọng nhất của Phật giáo nhằm tiêu biểu cho đức Phật và cuộc đời của Người luôn luôn sống để bảo vệ môi trường thiên nhiên rất chu đáo, an lạc, tự tại, và thảnh thơi.
“Như ong đến tìm hoa,
nương hoa để hút mật,
hút mật rồi bay đi,
nhưng chúng không làm tổn thương hương sắc của hoa.”[3]
Hoa dụ cho môi trường thiên nhiên; mật là biểu tượng cho Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp lạc và Pháp vị; con ong dụ cho đức Phật và các đệ tử của Ngài biết cách nương vào môi trường thiên nhiên để sống, để vui, để tu tập, để làm đạo, và nương vào Phật, Pháp, Tăng để xây dựng hạnh phúc, tình thương, và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh này.
Nhìn Phật đản tóm lượt xong qua khía cạnh con người lịch sử,[4] kế đến chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tính đặc thù tiếp theo của ngày Phật đản.
2.2. Nhìn Phật đản qua khía cạnh ẩn dụ, huyền thoại, nhấn mạnh…
Khi nhìn sâu vào sự ra đời của đức Phật, chúng ta thấy rằng những tính đặc thù của Phật giáo mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta học hỏi. Bổn sanh truyện (Jàtaka)[5] ghi rằng: Thánh Mẫu Ma-da (Mayadevi) và vua Tịnh Phạn (Suddhodana) hơn 40 tuổi mới có người con trai đầu lòng duy nhất. Thông thường, vợ chồng sống chung và ăn ở với nhau một năm hay nhiều năm, dù trai hay gái, họ rất mong có một hay hai người con để nối dõi tông đường và nối dõi sự nghiệp Tổ tiên tâm linh và Tổ tiên huyết thống. Khi có đứa con đầu lòng chào đời, thì vợ chồng và gia đình hai bên nội ngoại của họ rất ư là sung sướng vì đứa con là kết quả của tình yêu đôi lứa.
Hoàng hậu Ma-da và vua Tịnh-phạn (Suddhodana) mong muốn có con để tiếp nối sự nghiệp hoàng cung của dòng họ Thích-ca (Sakya). Sự mong muốn của họ đã được thành tựu, tức là hai người đã có đứa con đầu lòng. Khoảng ba ngày sau khi thái tử được sinh ra, tiên A-tư-đà (Asita) và A-nhã Kiều-trần-như được triệu vào cung và làm lễ đặt tên cho thái tử là Tất-đạt-đa (Siddhartha); Tất-đạt-đa, có nghĩa là con người toại nguyện có đầy đủ phước đức và trí tuệ có khả năng trở thành vị xuất Sĩ an lạc, tỉnh thức và thảnh thơi, đem đạo vào đời và giúp đời thêm vui, bớt khổ.
Trong thời gian mang thánh thai, vua và hoàng hậu, cùng các người hoàng tộc trong triều đình, luôn làm các việc thiện, nói việc thiện, và suy nghĩ việc thiện để huân tập, xông ướp, và tưới tẩm vào tâm thức trong trắng của thai nhi. Các việc thiện này có khả năng thấm sâu vào tâm thức của thai nhi, giúp thai nhi có khả năng nuôi dưỡng, phát triển, và tạo thành những chất liệu bình đẳng, hòa bình, từ bi, và trí tuệ về sau. Những ý nghĩ và việc làm của họ mang nhiều ý nghĩa rất tích cực và thiết thực đem lại nhiều an lạc và hạnh phúc cho tự thân, cho thai nhi, và cho số đông. Đây là bài giáo dục thai nhi đầu tiên vô cùng giá trị và quý báu cho nhân thế.[6]
Như vậy, chúng ta thấy trong thời gian mang thai, cả vua Tịnh-phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma-da (Maya) cùng quần thần trong hoàng tộc đều nỗ lực tu tập bằng cách làm những điều phước thiện, và đem lại nhiều điều lợi ích cho tự thân và cho tha nhân. Thực hiện được như vậy, hoàng tộc trong triều đình của họ không những đạt được hạnh phúc, mà thai nhi còn đạt được an vui. Đây là những chất xúc tác mạnh mẽ, an lạc, và hạnh phúc tạo thành và nuôi dưỡng hạt giống thánh thai nẩy mần, đức Phật sơ sinh ra đời.[7] Kinh Pháp cú kệ số 194 ghi:
“Hạnh phúc thay đức Phật giáng sinh,
Hạnh phúc thay chánh Pháp cao minh,
Hạnh phúc thay Tăng đoàn an lạc,
Hạnh phúc thay Tứ chúng đồng tu.”
Dịch thơ:
“Vui thay đức Phật ra đời
Vui thay chánh Pháp sáng ngời nhân thiên
Vui thay Tăng chúng phước điền
Vui thay bốn chúng khắp miền cùng tu.”
Trong một vài Kinh văn Phật giáo, để diễn tả sự ra đời kỳ diệu của một đức Phật, cụ thể là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người viết sử sau này thường thêm thắt những khía cạnh huyền thoại, trang trọng, tôn kính, thiêng liêng, và mầu nhiệm của Ngài. Những khía cạnh này bao gồm nhiều ý nghĩa ẩn dụ dùng để diễn tả khi hoàng hậu Ma-da (Maya) mang thánh thai; người ta nói rằng bà nằm mộng thấy Bồ-tát Hộ Minh (Vessantara, Sumedha) từ trên cung trời Đâu-xuất (Tusita), cỡi voi trắng sáu ngà, và đi vào hông bên phải của bà, từ đó bà mang thai.[8]
Cung trời Đâu Suất là nơi Bồ tát Hộ Minh (Vessantara)[9] xuất phát và giáng trần; Ở điểm này, chúng ta thấy rằng Phật giáo cũng chấp nhận các khái niệm cõi trời và chư thiên.[10]
Theo quan điểm đặc thù của Phật giáo, trời cũng là một chúng sanh ở dạng phước báo lớn. Tùy theo nghiệp tạo tác thiện và bất thiện, chúng sanh có thể sanh về cõi trời, cõi người, A Tu La (Asura), địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
Ở cõi trời, chúng sinh chỉ trải nghiệm qua sự sung sướng mà thôi. Điều đó thật là khó cho họ để tu tập. vì họ chỉ biết việc hưởng thụ, nên họ không có động lực để thoát khỏi khổ đau.
Ở cõi người, chúng sinh có khổ có sướng. Đó là cơ hội tốt nhất cho họ tu tập, hướng tới giác ngộ và giải thoát, giúp mình, và giúp người.
Ở cõi A Tu La, chúng sanh rất sân giận và nóng nảy thường xuyên gây chiến tranh.
Ở cõi địa ngục, chúng sinh bị hành hình, tù tội, và bị tra tấn.
Ở cõi ngạ quỷ, chúng sinh luôn bị run lạnh, đói, khát, tham lam, và chấp thủ.
Ở cõi súc sanh, chúng sanh ăn tươi và nuốt sống.
Trong ba cõi địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, chúng sanh luôn bị hành hạ và khổ sở, chúng hiếm có hoặc không có cơ hội và thời gian để tu tập.
Thật vậy, theo giáo lý thiết thực của Phật giáo, các chúng sanh trong sáu cõi đều do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp tạo tác ngay trong cuộc sống hiện tại. Tạo nghiệp thiện, chúng sinh tái sinh vào cõi trời hoặc cõi người; tạo nghiệp bất thiện, chúng sinh tái sinh vào các cõi A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh. Chúng sinh ở cõi trời có phước báo hơn chúng sinh ở các cõi khác. Vì hạnh nguyện độ sinh, từ cõi trời Đâu-suất (Tusita), Bồ Tát Hộ Minh (Vessantara) thị hiện nơi cõi Ta bà này bằng cách đầu thai làm con của vua Tịnh-phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma-da (Maya), tức thái tử Tất Đạt Đa.
Theo triết lý tương tức và duyên sinh của Phật giáo, tinh cha, noãn sào của mẹ, tử cung, sự ân ái và giao hợp của cha mẹ, thời gian thụ thai, mang thai, v.v… của người mẹ đều là những yếu tố rất quan trọng và cần thiết để hình thành thai nhi. Bên cạnh các yếu tố ấy, trong quá trình hình thành và phát triển, thai nhi còn phải phụ thuộc vào các yếu tố cần thiết khác nữa như ánh sáng, không khí, hơi ấm, sự chuyển động, chất bổ dưỡng, v. v., đặc biệt là phụ thuộc vào sự có mặt và sự liên kết lại với thức tái sinh (Patisandhi)[11] hay hương ấm (Gandhabha).[12]
Trong nhiều đời quá khứ, hiện tại, và tương lai, tùy theo nguyện lực và nghiệp lực của mỗi người, thức này kết nối, hòa nhập, vây mượn, và gá vào năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức) của cha và của mẹ để hình thành một thai nhi. Trong chu kỳ sinh, tử, và tái sinh, khoảng chín tháng và mười ngày, thai nhi được hình thành, tiếp nối, lớn lên, già, chết, và tiếp tục chuyển tiếp sang một đời khác, và cuối cùng được sinh vào một đời sống mới.
Trong trường hợp ra đời của Bồ-tát Tất-đạt-đa (Bodhisattva Siddhārtha), với đời sống chuyển tiếp cuối cùng của Bồ tát Hộ Minh (Vessantara),[13] vì nguyện lực giáo hóa và cứu độ chúng sinh, từ cung trời Đâu-suất (Tusita), Bồ tát Hộ Minh hiện thân làm đức Phật hài nhi. Để thực tập và tưởng nhớ công hạnh giáo hóa chúng sinh của Ngài, trong mùa lễ Phật đản hằng năm, chư vị xuất sĩ và cư sĩ thường xưng tán và lễ lạy Ngài như sau:
“Bồ tát Hộ Minh, từ trên cung trời Đâu Suất, báo mộng hoàng hậu Ma Da, cỡi voi trắng sáu ngà, và đi vào hông bên phải của mẹ. Hoặc, cậu bé sơ sinh Tất-đạt-đa, sinh ra ở dưới cây Vô Ưu, thị hiện ra đời để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông, được chín rồng phun nước, Ngài đi bảy bước, trên bảy đóa hoa sen, và dõng dạc nói rằng: Trên trời dưới đất, chỉ có con Người giác ngộ và tỉnh thức là tôn quý. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”[14]
Tất cả những từ ngữ đề cập ở trên, như voi, màu trắng, sáu ngà, bên phải, cây, vô ưu, con số 9, rồng, nước, con số 7, bước, hoa sen, con người, đều là những biểu tượng ẩn dụ và nhấn mạnh. Hông bên phải là biểu tượng huyền thoại; huyền thoại ở đây có nghĩa là câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa trang trọng, tôn kính, thiêng liêng, vi diệu, và mầu nhiệm.
Voi tượng trưng cho sức mạnh, vững chãi, thảnh thơi, thong dong, và tự tại; màu trắng chỉ cho sự tinh khiết, trong sạch, không ô nhiễm; sáu ngà tượng trưng cho sáu hạnh nguyện đích thực “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ” của một vị Bồ tát đi vào đời để cứu độ chúng sanh. Bên phải là bên thuận theo chiều kim đồng hồ, đi từ hướng Đông sang hướng Nam, hướng Tây, và hướng Bắc. Bên phải chỉ cho hướng đi thuận duyên, hướng đi đem đạo vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ. Bên phải có nghĩa là bên tốt, là lẽ phải, là chân lý… Sinh ra hông bên phải của hoàng hậu Ma-da mang ý nghĩa tượng trưng huyền thoại; thực ra, thái tử Tất-đạt-đa sinh ra bình thường như bao nhiêu người khác trên thế gian này.[15]
Chúng ta biết hông bên phải là có thật đối lại với hông bên trái mang ý nghĩa tượng trưng chỉ cho sự thuận duyên, hợp với chân lý, và lẽ phải. Điểm này được nhấn mạnh và nhắc nhở chúng ta rằng là con người tứ đại (đất – chất cứng, nước – chất lưu chuyển, lửa – chất nóng, và gió – chất chuyển động) và năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức) như thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha), mỗi chúng ta đều có khả năng tu tập, giác ngộ, và giải thoát như Ngài nếu mỗi người cố gắng sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi trong đời sống hằng ngày. Ngoài con người ra, không có một đấng thần linh nào có thể thay thế con người được.
Vị Bồ tát Hộ Minh (Vessantara)[16] cỡi voi trắng sáu ngà đi vào hông bên phải của hoàng hậu Ma Da; hông bên phải mang ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ, và nhấn mạnh rằng người giác ngộ và tỉnh thức nào muốn đem đạo vào đời để giáo hóa chúng sanh, thì phải thực tập sáu hạnh nguyện độ sanh: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ.” Khi sáu hạnh nguyện độ sanh được thực hiện hoàn hảo và đầy đủ, vị Bồ tát có khả năng đem đạo vào đời để giúp đời thêm vui và thêm phúc.
Vị Bồ tát ở đây cụ thể chỉ cho thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha), sinh ra, lớn lên, xuất gia, tu hành, đắc đạo, hoằng pháp, và độ sanh ngay tại đời này. Hòa nhập vào đời để giáo hóa chúng sanh, nhưng Ngài không bị đời làm ô nhiễm, thân và tâm của Ngài luôn giữ thanh thản, chánh niệm, vững chãi, trong sạch, và tinh khiết. Để noi gương, áp dụng, và thực hành hạnh nguyện giáo hóa chúng sanh của đức Thế Tôn, thì mỗi chúng ta phải là mỗi hành giả an lạc, mỗi chúng ta là mỗi vị Bồ tát đích thực, cùng nhau đem đạo vào đời để giúp đời an vui và hạnh phúc.
(Bồ tát Hộ Minh[17] – Vessantara – tiền thân đức Phật Thích Ca)
Nhìn ý nghĩa phân tích, chúng ta biết Bồ-tát tiếng Phạn là Bodhisattva gồm có hai từ Bodhi và Sattva; Bodhi có nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ, và Sattva có nghĩa là con người. Vậy Bồ-tát hay Bodhisattva có nghĩa là con người tỉnh thức và giác ngộ có khả năng khơi dạy và đánh thức Phật tánh của tự thân và tha nhân tỏa sáng, có khả năng khơi dạy và tưới tẩm hạt giống giác ngộ của người khác nẩy mần, và có khả năng hướng dẫn người khác tu tập, và hướng tới giác ngộ và giải thoát như mình. Đây là điểm đặc thù của đạo Phật. Xưa cũng như nay, hễ ai có đầy đủ duyên lành tu tập Phật pháp thì chính họ có thể đạt được an vui, hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát, và bình đẳng như nhau. Thực vậy, đạo Phật luôn nhấn mạnh và khẳng định rằng: Con người là tối thắng.
Trong âm Hán Việt, chữ “Hộ” trong “Hộ Minh” là động từ có nghĩa là giữ gìn, bảo hộ, duy trì, phát triển… ; chữ “Minh” trong “Hộ Minh” là danh từ có nghĩa là sáng suốt, sáng tỏ, sáng rõ, trong sạch, tinh khiết, tuệ giác, chiếu sáng, tỏa sáng…Hộ Minh (Vessantara)[18] là đạo hiệu của một vị Bồ tát giáng trần, có nghĩa là Người có khả năng giữ gìn ngọn đèn tuệ giác để soi sáng cho thế gian, để đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho thế gian. Người này là hiện thân của thái tử Tất Đạt Đa, tức là hiện thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có khả năng đem lại trí tuệ, tình thương, bình đẳng, và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh này.
Nhân tiện đây, chúng ta cũng tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ Hán Việt “thị hiện đản sanh”; “thị hiện” có nghĩa là có mặt ở đây; “đản sanh” có nghĩa là sự ra đời của một vị Thánh, cụ thể là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Ở đây” dụ cho thế giới Ta bà này, nơi mà chúng ta đang sống có nhiều thiên tai, chiến tranh, cướp bóc, tranh giành …xảy ra. Tất cả các điều ấy đều do lòng tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… của con người tạo ra. Đức Phật và đạo Phật có mặt trên cuộc đời này là để giảng dạy và giáo hóa cho con người biết tu tập, biết chuyển hóa tham, sân, si…, biết bỏ ác làm lành, biết hướng thượng và hướng thiện bằng cách áp dụng và thực hành lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày của mình, sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông ngay tại thế gian này.
Cũng vậy, vì thương chúng sanh, vì đem lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ra cõi Ta bà này, tức là có mặt ở đây và bây giờ để lắng nghe và chia sẻ tiếng đau thương, than khóc, và khổ đau của chúng sinh do vì chiến tranh và tội phạm. Người giúp cho chúng sanh thấy rõ hướng đi hòa bình, bình đẳng, thương yêu, và tôn trọng lẫn nhau bằng cách thực hành con đường thánh có tám làn xe (the noble eightfold path), cụ thể là “cái thấy chân chánh, suy nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, siêng năng chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, tập trung và duy trì thân tâm an lạc chân chánh.”[19]
Tám làn xe chạy này hỗ trợ với nhau và có nhiều mối tương quan và tương duyên với nhau rất mật thiết; một là tám và tám là một. Thực vậy, con đường thánh có tám lane này có khả năng xây dựng trí tuệ, tình thương và hòa bình đích thực cho số đông, và có khả năng đưa chúng sanh tới bờ an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Qua những gì thảo luận trên đây, chúng ta thấy các cụm từ Bồ tát Hộ Minh (Vessantara), cõi trời Đâu Suất, voi trắng sáu ngà, hông bên phải, và thị hiện được trình bày xong. Tiếp đến, kính mời quý vị cùng nhau tìm hiểu những từ ngữ tiếp theo như cây Vô Ưu, chín rồng, phun nước, bảy bước, hoa sen, dõng dạc nói rằng, và cái ta.
Khi sinh ra dưới cây Vô Ưu (Ashoka, Sorrowless Tree), Tất Đạt Đa (Siddhārtha) sơ sinh hay đức Phật sơ sinh liền đi 7 bước trên 7 hoa sen, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, dõng dạt nói rằng: “Trên trời dưới đất chỉ có cái Ta (Con người –Manussa), Phật tánh, tức con người giác ngộ là tôn kính và quý trọng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.”[20]
Như quý vị biết tất cả các từ và cụm từ cây, Vô Ưu, chín, rồng, phun, nước, bảy bước, hoa sen, dõng dạc nói rằng, cái ta,… đều hàm chứa các ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ, và nhấn mạnh.
Cây ở đây được ẩn dụ cho hoàng hậu Ma Da hoan hỷ, trên 40 tuổi rồi mới sanh con,[21] vị thánh hài nhi, tức đức Phật sơ sinh, con người toại nguyện có đầy đủ phước đức và trí tuệ; Vô trong vô ưu có nghĩa là không; Ưu có nghĩa là ưu phiền, buồn phiền, phiền muộn, phiền não, …Vô Ưu có nghĩa là không phiền muộn, không phiền não, không ưu phiền… Như vậy, cây vô ưu có nghĩa là cây không phiền muộn, không phiền não, và không ưu phiền, được minh họa cho hai mẹ con thánh Mẫu Ma Da và thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) sơ sinh.
Vì không bị phiền não và ưu phiền chế ngự, nên thánh Mẫu Ma Da có khả năng hiến tặng cho trái đất này một con người tỉnh thức, giác ngộ, và giải thoát trọn vẹn, tức đức Phật lịch sử hiệu là Thích Ca Mâu Ni sau này. Vì không bị phiền não và ưu phiền chế ngự, nên thái tử Tất Đạt Đa đủ duyên sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, xuất gia, tu tập, giác ngộ, và đem lại an lạc và hạnh phúc cho muôn loài.
Theo cái nhìn thiền quán và tương tức, hạnh phúc của người mẹ chính là hạnh phúc của người con, và hoan hỷ của người mẹ chính là hoan hỷ của người con, của hoàng thân quốc thích, và của bá dân thiên hạ…Thánh Mẫu Ma Da hoan hỷ, nuôi dưỡng thánh thai, sinh ra một Thánh hài nhi từ bi, không ưu phiền,[22] có mặt trên thế gian này để đem lại tình thương và hòa bình cho pháp giới chúng sinh. Một khi hạt giống thánh, hạt giống an vui, và hạnh phúc có trong con người thánh, con người an vui và hạnh phúc, thì các hạt giống này và con người này có thể đem lại an vui và hạnh phúc đích thực cho nhân loại trên khắp hành tinh này.
Phần số 2 này sẽ được trình bày ở phần số 9: Nhìn Phật đản qua khía cạnh hòa bình, mời quý vị theo dõi phần dưới.
3.3. Nhìn Phật đản qua khía cạnh biểu tượng hoa sen
Sinh ra dưới cây Vô Ưu, đức Phật sơ sinh bước đi 7 bước trên 7 hoa sen.[23] Các bước chân đi của Ngài đều có các đóa hoa sen nâng đỡ. Những bước đi này đích thực là những bước đi an lạc và hạnh phúc cho số đông nhằm báo hiệu đức Thế Tôn xuất hiện ra đời.
“Bảy đóa sen hồng nâng bước tịnh,
Nở giữa đầm sen đấng từ bi.”[24]
Sen hồng ở đây tượng trưng cho sự tinh khiết, trong sạch, tỉnh thức, tỉnh giác, chánh niệm, vững chãi, và thảnh thơi. Ở ngữ cảnh này, sen tượng trưng cho đức Phật và các đức tính của Ngài. Bảy đóa sen hồng tượng trưng cho bảy đức Phật:[25] Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì Buddha), đức Phật Thi Khí (Sikhì Buddha), đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhù Buddha), đức Phật Câu Lưu Tôn (Kankusandha Buddha), đức Phật Câu Na Hàm (Konàgamana Buddha), đức Phật Ca Diếp (Kassapa Buddha), và đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha). Trước sau như một, bảy đức Phật này đều có đầy đủ các đức tính đặc thù trên.
“Bước tịnh” có nghĩa là bước đi an lạc, thanh tịnh, bình đẳng, tình thương, và hòa bình, tiêu biểu cho bước đi an vui và hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi của đức Phật, đạo Phật, và các đệ tử của Ngài.
Ở câu thơ thứ hai, ta bắt gặp các từ đầm sen, sen, Đấng từ bi; đầm được hiểu là thế gian; sen được ẩn dụ cho Đấng từ bi, tức đức Phật, Người có tình thương yêu bao la và rộng lớn của Ngài đối với chúng sanh muôn loài.
Khi đề cập tới đầm sen, chúng ta nghĩ tới đất, nước, không khí, ánh sáng…đặc biệt là bùn trong ao. Sen mọc trong đầm, trong bùn, thì sen mới có giá trị, trong sạch, và tinh khiết mặc dầu sen không bao giờ mọc trong nước sạch và đất sạch. Sen ở đây tượng trưng cho sự tinh khiết của đức Phật, cụ thể là thái tử Tất Đạt Đạ. Sinh ở thế gian, thái tử xuất gia, tu tập, giác ngộ, và thành Phật.
Vì an lạc và hạnh phúc cho số đông, vì tình thương bao la rộng lớn của Ngài đối với chúng sanh, những chúng sanh nào có duyên với Ngài, học Phật, nghe pháp, và kính Tăng, thì Ngài có khả năng nhiếp hóa được chúng, và vượt thoát các tiếng khen, chê, và chỉ trích của thế gian. Nương vào thế gian để hoằng pháp, để giáo hóa chúng sanh, để đem lại an vui và hạnh phúc cho chúng sanh, đức Phật sống đời sống chánh niệm và tỉnh thức, vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc, phản chiếu trong cử chỉ, lời nói, ý nghĩ, và việc làm của Ngài hoàn hảo và trọn vẹn đáng được thế gian tôn kính. Nếu Ngài sinh và sống ở cõi trời, thì chúng sinh ở cõi ta bà này không biết Ngài và họ không có cơ hội để tôn sùng và tôn kính Ngài.
Theo giáo lý Duyên sinh, sen được làm bằng các yếu tố không phải sen như bùn, nước, không khí, ánh sáng…Sống trong bùn, nhưng sen không bị bùn làm ô nhiễm; nó vươn lên tới mặt nước, vượt ra khỏi mặt nước xinh tốt, nở hoa tươi đẹp, và kết hạt tròn trịa. Cũng vậy, sống và hoằng dương chánh pháp trong đời trong suốt 80 năm, nhưng đức Phật không bị đời làm hoen ố, không bị vô minh và phiền não chế ngự, vẫn an trú vững chãi trong chánh niệm, chánh định, và chánh tri kiến để đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Ở điểm này, bùn dụ cho phiền não tham, sân, si, các tiếng thị phi, khen chê của thế gian; sen dụ cho kết quả công phu tu tập thiền quán của đức Phật. Quá trình tu tập và hoằng dương chánh pháp là quá trình giúp hành giả nhận diện và chuyển hóa bùn thành sen, phiền não thành Bồ đề, khổ đau thành an vui và hạnh phúc… Đức Phật đã từng làm như vậy, và các đệ tử của Phật cũng từng bắt chước học và làm theo hạnh của đức Phật như vậy.
Học và thực hành Phật pháp càng nhiều, thì chúng ta càng đạt được nhiều an vui và hạnh phúc. Học và hành Phật pháp càng ít, thì ta gặt hái kết quả an vui và hạnh phúc càng ít cho tự thân và cho tha nhân. Không học Phật pháp, ta không biết đâu là con đường tốt để thực hành. Do vậy, mỗi chúng ta hãy cố gắng tu học và thực hành Phật pháp ngon lành để đem lại hoa trái an lạc và hạnh phúc cho nhiều người.
Thật vậy, sinh trong thế giới loài người, thái tử Tất Đạt Đa có đủ duyên lành xuất gia, tu tập, giác ngộ, và thành Phật. Ở điểm này, thái tử được xem là con người hướng thượng, hướng thiện, hướng tới an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. Bắt đầu từ con người bình thường, thái tử nỗ lực tu tập hướng tới con người phi thường, tức con người giác ngộ và tỉnh thức. Sống chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi bằng cách thực hành và an trú sâu vào thiền định, cuối cùng, Ngài trở thành bậc đạo Sư tâm linh hoàn hảo đáng được thế gian tôn sùng và quý kính.
“Xinh tốt như hoa sen,
Rạng ngời như Bắc đẩu,
Xin quay về nương nấu,
Bậc Thầy của nhân thiên.”[26]
Hơn nữa, sen tượng trưng cho sự tinh khiết, trong sạch, không ô nhiễm…Bùn tượng trưng cho phiền não, khổ đau, bất hạnh, nhiễm ô, hoen ố, tham, sân, … Từng bước hướng thượng và hướng thiện; tu tập là quá trình thanh lọc và chuyển hóa phiền não thành Bồ đề; khổ đau và bất hạnh thành an vui và hạnh phúc; nhiễm ô và hoen ố thành tinh khiết và trong sạch. Nếu chúng ta hiểu và thực hành như vậy, thì an lạc và hạnh phúc thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.
“Sen quý nở đài giác ngộ,
Hào quang chiếu rạng mười phương,
Trí tuệ vượt tầm pháp giới,
Từ bi thắm nhuần non sông,
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự,
Tâm thành trọn lòng kính dâng,
Hướng về tán dương Tam Bảo,
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.”[27]
Ở trong ngữ cảnh đức Phật đản sinh, hoa sen được mô tả ở đây là những ẩn dụ rất đẹp và rất ý nghĩa nhằm báo hiệu cho mọi người biết rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Người sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời bằng cách đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông, nhưng Ngài không bao giờ bị đời làm ô nhiễm. Cuộc đời của Ngài là bài học vô cùng giá trị và quý báu để cho các dân tộc trên thế giới học hỏi và noi theo.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng hình ảnh đức Phật sơ sinh bước đi 7 bước trên 7 hoa sen, và những lời nói khẳng định mạnh mẽ của Ngài được các nhà viết sử mô tả bao gồm nhiều ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ thiết thực và nhấn mạnh. Hình ảnh này chỉ được tìm thấy trong đạo Phật nhằm để tôn vinh và xác nhận rằng con người tỉnh thức và giác ngộ là trên hết.
4.4. Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người tối thắng
Lúc sinh ra, một tay phải chỉ lên trời, một tay trái chỉ xuống đất, đức Phật sơ sinh dõng dạc nói rằng: “Trên trời dưới đất, chỉ có con người là tôn quý. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”[28]
Con người (Mānusa) ở đây chỉ chung cho con người tỉnh thức, cụ thể là đức Phật (Buddha) – Bậc tỉnh thức và giác ngộ vẹn toàn. Theo tư tưởng của đạo Phật, con người là tối thắng; ngoài con người ra, không có một đấng thần linh có thể thay thế.
Theo tư tưởng của Bà La môn giáo (Brahmanism) hay các tôn giáo khác, Phạm thiên (Brahma) hay đấng sáng tạo là tối cao. Con người được xem là con người tôn giáo ở vị trí thấp lắm. Vì con người ở vị trí thấp, nên đôi lúc họ chỉ biết phục tùng, vâng lệnh, và tin theo bề trên. Ví dụ, nếu bề trên nói rằng người nào làm thiện thì được lên thiên đàng mãi mãi, và người nào làm điều bất thiện thì đọa địa ngục mãi mãi; những lời nói này đầy hăm dọa thiếu chánh kiến, chánh tuy duy, chánh ngữ…
Là người tu học Phật pháp ngon lành, chúng ta phải quán chiếu những lời nói đó đúng hay sai. Nếu những lời nói đó không đúng chúng ta loại bỏ ngay, hoặc nếu những lời nói đó đúng chúng ta mạnh dạn duy trì, phát triển, áp dụng, và thực hành nó vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông.
Theo quan điểm của đạo Phật, dù bạn làm thiện được phước sinh lên cõi trời, nhưng nếu bạn không nỗ lực tu tập để tích lũy thêm điều phước thiện, bạn sẽ gặp khổ đau như thường; hoặc dù bạn làm điều bất thiện đọa xuống địa ngục, nhưng nếu bạn cố gắng tu tập để chuyển hóa thân tâm, phước đức của bạn tăng dần, bạn sẽ sinh lên cõi trời và cõi người.
Khi phúc đức của bạn tăng trưởng, bạn phải biết cách nuôi dưỡng, vun trồng, và phát triển phúc đức của bạn bằng cách làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chánh niệm, và tỉnh giác. Nếu bạn hiểu và làm được như vậy, Phật tánh trong bạn dần dần trở nên bừng sáng.
Dĩ nhiên, trong quá trình tu tập và chuyển hóa thân tâm, bạn phải tinh tấn dõng mãnh trong một thời gian dài, thì bạn mới đạt được an vui và giải thoát. Nhưng bạn nên nhớ rằng thực tập Phật pháp càng vững chãi, thì bạn sẽ càng đạt được nhiều an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.
Thực vậy, theo cái nhìn của đạo Phật, con người đối với Phật giáo là con người chuyển hóa và chuyển nghiệp ở vị trí rất quan trọng và tối thắng; Phạm thiên hay đấng sáng tạo chỉ ở vị trí bình thường mà thôi bởi vì con người có đầy đủ Phật tánh, Phạm thiên tánh, và Thượng đế tánh nếu con người biết tu tập, chuyển hóa phiền não thành Bồ đề, khổ đau thành an vui, hạnh phúc, và hướng đến giác ngộ và giải thoát; lúc bấy giờ, Phật tánh của con người và của vị giác ngộ đều bình đẳng như nhau.
Phật giáo xem con người giác ngộ là tối thắng; con người giác ngộ có nghĩa là con người hướng thượng và hướng thiện, hướng tới an vui và giải thoát đích thực, cụ thể là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thực vậy, đạo Phật luôn đề cao và nhấn mạnh rằng chỉ có con người mới có khả năng tu tập và chuyển nghiệp – chuyển phàm phu thành thánh quả; chỉ có con người tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát mới có khả năng đem lại an lạc, hạnh phúc, tình thương, và hòa bình cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Ngoài con người này ra, không có một Phạm thiên hay đấng thần linh nào có đảm trách và thay thế.
Để nhấn mạnh và diễn tả con người tối thắng, chúng ta biết lúc thành đạo dưới cội cây Bồ đề, đức Phật an trú vững chãi trong thiền định và quán chiếu rằng chưa đúng lúc để cho Ngài đi thuyết pháp. Lúc đó, sau 3 lần Phạm thiên Sahampati[29] thưa thỉnh đức Phật để đi thuyết pháp cho chúng sanh, đức Phật đồng ý lên đường vận chuyển bánh xe chánh pháp.
Theo tư tưởng của Bà-la-môn (Brahmanism) và Ấn Độ giáo (Hinduism), Phạm thiên được xem là đấng tối cao của tôn giáo của họ, là vị vua trời cao nhất của các chư thiên, được tin tưởng một cách triệt để mặc dù Phạm thiên chỉ do con người suy nghĩ và tưởng tượng mà ra, và không có ai thấy đấng Phạm thiên nào cả.
Tuy nhiên, Kinh điển Phật giáo, đặc biệt là Tương Ưng Bộ, Kinh Tôn Kính, Chương VI, phần II,[30] (Samyutta Nikaya VI.2- Garava Sutta- Reverence) có đề cập rằng Vị Phạm thiên này đích thân tới gặp đức Phật và thỉnh Phật trụ thế ở đời lâu dài để đem đạo và ánh sáng tuệ giác, từ bi, và trí tuệ đến cho pháp giới chúng sinh muôn loài.
Ở điểm này, chúng ta thấy có các điểm đặc thù được nhấn mạnh dưới đây như sau:
- Phật pháp vi diệu, thiết thực hiện tại, vượt thoát thời gian, đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu …
- Phật pháp có giá trị đúng lúc khi đức Phật được vị Phạm thiên này cung thỉnh.
- Đề cao và tôn kính Phật pháp, con Người tối thắng – đức Phật Thế Tôn – Người nói pháp
- Thời gian thích hợp cho đức Phật để đi hoằng Pháp
- Thỉnh và giảng pháp đúng thời, đúng nơi, và đúng đối tượng, pháp trở nên có giá trị, người nói pháp có thêm uy lực, và người nghe pháp có thêm tín tâm.
- Có tinh thần tự độ và độ tha.
Thực vậy, pháp thoại được người thành tâm thưa thỉnh, được khéo thuyết giảng đúng lúc, đúng nơi, và đúng đối tượng, thì pháp thoại và người nói pháp đều có thêm uy lực, sức mạnh, và giá trị tâm linh rất nhiều; ngược lại, Pháp thoại không do người thưa thỉnh, nói không đúng lúc, không đúng chỗ, và không đứng đối tượng, thì đôi lúc Pháp thoại và người nói Pháp trở nên có ý nghĩa và giá trị một chút mà thôi.
Trên đây, nhìn Phật đản qua khía cạnh con người tối thắng vừa được trình bày xong. Tiếp đến, chúng ta nhìn Phật đản qua khía cạnh con người bình thường.
5.5. Nhìn Phật đản qua khía cạnh con người bình thường
Con người bình thường, trước hết, phải là con người 5 uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, và thức được chia làm 2 phần: đó là Danh và sắc (Nāma and rūpa = name and form, or mind and body).[31] Danh (Nāma) thuộc về tâm gồm có thọ, tưởng, hành và thức; và sắc (Rūpa) thuộc về thân gồm có yếu tố đất – chất cứng, yếu tố nước – chất lỏng, yếu tố lửa – chất nóng, và yếu tố gió – sự chuyển động. Danh và sắc, hay thân và tâm tạm được chia ra như vậy là để cho người học dễ hiểu, chứ thật ra, cả hai chỉ là một mà thôi, đó là con người năm uẩn.
Yếu tố đất – chất cứng gồm có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, nội tạng, ruột…
Yếu tố nước – chất lỏng gồm có mật, đờm, máu, mủ, mồi hôi, chất béo, nước mắt, mũi nhầy, nước tiểu…
Yếu tố lửa – chất nóng gồm có cơ cấu thân thể tạo ra hơi ấm vật lý, lão hóa, tiêu hóa…
Yếu tố gió – sự chuyển động gồm có không khí liên quan với hệ thống phổi, hơi thở, gió trong bụng và đường ruột…
Danh và sắc, hay tâm và thân tương thuộc với nhau, và không thể tách rời nhau.
Thật vậy, con người bình thường được gọi là con người duyên sinh (Pali: paticcasamuppāda) (ta/ Atta), con người tương thuộc (không ta/ Anatta), hay con người vô ngã; vô ngã (Pali: anattā) có nghĩa là các yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, và thức không tồn tại độc lập và riêng biệt; ta và không ta là một, con người duyên sinh và con người tương thuộc là một, và một là tất cả.
Theo cái nhìn thiền quán của đạo Phật, con người này không chấp một duyên duy nhứt, một chủ thể tuyệt đối, một linh hồn bất biến, và một đấng sáng tạo vĩnh cửu. Con người bình thường, năm uẩn, duyên sinh, hay vô ngã đều được gọi là con người vô thường, phàm phu, hoặc thánh nhân. Con người này sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời đều phải trải qua các giai đoạn già, bệnh, chết, nghiệp lực, chuyển biến…
Học sử Phật giáo, chúng ta biết khi tham quan bên ngoài 4 cửa thành, thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) và người hầu cận tên là Sa Nặc (Channa) thấy rõ các cảnh tượng thật, đó là người già, người bệnh, người chết, và vị Khất sĩ. Khi nhìn thấy các cảnh tượng đó, thái tử liền có những dòng suy tư và quán chiếu đời sống của mình và của con người như thế này; là con người, ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh, già, bệnh, và chết; là con người, ai cũng phải tạo ra các nghiệp thiện và nghiệp bất thiện; là con người, ai cũng phải có Phật tính, etc.
Thật vậy, để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân trên thế gian này, để đem lại tình thương và hòa bình đích thực cho muôn loài chúng sanh, nương vào con người duyên sinh và vô thường này, Bồ tát Tất Đạt Đa (Bodhisattva Siddhārtha) quyết định chọn con đường xuất gia, con đường tu tập, con đường hướng thượng và hướng thiện, hướng tới giác ngộ, an vui, giải thoát, và Bồ tát quán chiếu rằng:
“Thế nào tôi cũng phải già nua, tôi không thể nào tránh thoát khỏi già nua;
Thế nào tôi cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh thoát khỏi bệnh;
Thế nào tôi cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát khỏi cái chết;
Tất cả những gì do nghiệp thân, nghiệp khẩu, và nghiệp ý của tôi tạo tác và gây ra, tôi không thể nào xa lìa và tránh khỏi dù đó là nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện;
Tất cả những nghiệp thiện và bất thiện do tôi tạo tác; ý thức rằng nghiệp thiện tôi tiếp tục phát huy, duy trì, và phát triển; nghiệp bất thiện tôi cố gắng buông bỏ, loại trừ, và chuyển hóa;
Tất cả những người thân, người thương, và những gì tôi trân quý hôm nay, một mai này chắc chắn tôi sẽ xa lìa và buông bỏ, tôi không thể nào tránh khỏi sự xa lìa và buông bỏ ấy.”[32]
Quán chiếu con người bình thường như vậy bằng cách học hạnh xả ly và buông bỏ chấp thủ, Bồ tát quyết chí xuất gia, nỗ lực tu tập, và an trú vững chãi vào thiền định. Cuối cùng, Ngài giác ngộ viên mãn, và thành Phật – Bậc tỉnh thức vẹn toàn, đem tình thương và ánh sáng hòa bình đích thực cho nhân thế.
Thực vậy, những điều quán chiếu trên đây rất thiết thực hiện tại mang nhiều ý nghĩa chuyển hóa và tu tập, an vui và hạnh phúc. Là con người bình thường, là đệ tử của đức Thế Tôn, khi chúng ta khéo biết tu tập và chuyển hóa nghiệp bằng cách quán chiếu, áp dụng, và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn vào trong cuộc sống hằng ngày của mình, thì hiện tại ta sống rất an lạc, và tương lai ta sống rất an vui; chúng ta hiểu và thực hành Phật pháp được như vậy, thì an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.
6.6. Nhìn Phật đản qua khía cạnh kham nhẫn, trí tuệ, hướng thượng, hướng thiện, an vui, và giải thoát
Trải qua 6 năm tu khổ hạnh với 5 anh em Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như, nhà tu Tất Đạt Đa chỉ ăn lá và trái cây rừng để nuôi thân. Cuối cùng, xét thấy lối tu khổ hạnh ép xác này không đem lại an lạc và lợi ích cho thân tâm, Ngài quyết định rời 5 người bạn đồng tu và bỏ lối tu ấy bằng cách thọ nhận bát cháo sữa của nàng Su-dà-ta (Sujata) và chọn con đường Trung Đạo (Majjhimāpaṭipadā): “không tu khổ hạnh ép xác và không tham đắm dục lạc.” Ở điểm này, các vị cổ Đức thường nói: “Có thực mới vực được đạo.” Nhờ thọ dụng bát cháo sữa của nàng cúng, nên sức khỏe của Ngài dần dần trở nên bình phục. Sau khi thọ dụng xong, Ngài đem bát không quăng xuống sông Ni Liên Thiền (Neranjara), phát nguyện, và nói rằng: “Nếu cái bát này trôi ngược dòng nước, thì việc tu tập của Ta chắc chắn sẽ đạt thành đạo quả.” Quả thật, chọn con đường Trung đạo để tu tập và hướng tới giác ngộ, cuối cùng, Ngài thành tựu được đạo quả tốt đẹp.
Như quý vị biết cái bát này là một ví dụ cụ thể minh họa cho “đời sống chánh niệm, giác ngộ, và tỉnh thức” của hành giả Tất Đạt Đa (Siddhārtha). Trôi ngược dòng có ý nghĩa ngược lại với trôi xuôi dòng; trôi xuôi dòng có nghĩa là mọi người sống ở đời đều phải bị vướng bận gia đình và con cháu; trôi ngược dòng có nghĩa là hành giả sống ở đời, nhưng không bị vướng bận gia đình và con cháu. Nước dụ cho tham ái, ràng buộc, bận bịu, bám víu … Ta ở đây là đại từ ngôi thứ nhất được hiểu là “hành giả.”
Vậy, trôi ngược dòng sông có ý nghĩa tổng quát là mọi người ở đời sống đời sống có gia đình, hành giả sống đời sống không có gia đình, không bị ràng buộc bởi các ràng buộc gia đình, vợ chồng, và con cái, sống đời sống có nhiều tự do, thong dong và tự tại, có nhiều thời gian để tu tập và để hướng dẫn người khác, đi trên con đường hướng thượng và hướng thiện, hướng tới an vui và hạnh phúc cho số đông.
Câu trên vừa đề cập có thể viết lại là: “Nếu hành giả an trú vững chãi trong niệm, trong định, và trong tuệ, thì hành giả chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.” Đây là mệnh đề điều kiện thứ nhứt, nếu áp dụng và thực tập Phật pháp ngon lành vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì hành giả chắc chắn có thể gặt hái những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Thật vậy, vun trồng, nuôi dưỡng, và phát triển việc làm thiện, ý nghĩ thiện, và lời nói thiện, thì chắc chắn hành giả sẽ đạt được an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Từ đó, Bồ tát Tất-đạt-đa nhận bó cỏ Kiết tường (Kusa) của người nông phu cúng dường để làm bồ đoàn, đi tới Bồ đề đạo tràng, ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề, và thệ nguyện rằng: “Dù xương tan thịt nát, nếu chưa thành chánh giác, Ta quyết không rời chỗ này.” Nhờ lời nguyện dõng mãnh ấy, cuối cùng, Ngài đạt thành đạo quả giác ngộ và trở thành Phật.
Vậy, trên lộ trình tu tập, hướng thượng và hướng thiện, trước khi thành Phật, Bồ tát Tất Đạt Đa (Siddhartha) luôn thực tập hạnh kham nhẫn và trí tuệ; kham nhẫn là lối tu tập vững chãi; trí tuệ là lối tu tập sáng suốt. Nhờ chọn lọc lối tu đúng đắn, Bồ tát khéo vận dụng chánh kham nhẫn, chánh trí tuệ, và chánh tri kiến vào đời sống tu tập hằng ngày của mình để không rơi vào các lối tu cực đoan như đứng một chân như cò, bò vòng quanh đóng lửa, phơi thân suốt ngày đêm ngoài nắng và trong sương, để râu, tóc, lông, móng thật dài… Cuối cùng, Bồ tát đoạn tận phiền não, vô minh, lậu hoặc, và đích thực trở thành con người tỉnh thức và giác ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ ngày nay.
Từ thời gian đó cho tới bây giờ, đạo Phật không những được truyền bá trong nước Ấn Độ, mà còn truyền bá trong nhiều nước trên thế giới cổ đại và hiện đại.
7.7. Nhìn Phật đản qua khía cạnh tưới tẩm, khơi dậy, và đánh thức Phật tánh trong tất cả chúng sanh
Khi đản sinh, đức Phật sơ sinh nói một câu bất hữu trong lịch sử tư tưởng của nhân loại: “Trên trời dưới đất, chỉ có con Người (Ta) là tôn quý, tất cả chúng sinh đều có Phật tính.” (Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.”[33] Con người được nhấn mạnh ở đây là một đại từ vừa chỉ cho đức Phật, vừa chỉ cho con người bình thường, không phải là một đấng thần linh tối cao nào. Như vậy, câu nói lịch sử này chỉ được tìm thấy trong đạo Phật – đạo tỉnh thức, ngoài đạo tỉnh thức ra, không được tìm thấy trong các tôn giáo khác.
Theo tư tưởng của đạo Phật, Phật tính trong con người và trong chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Ở thánh Phật tánh không tăng, và ở phàm Phật tánh không giảm. Quá trình tu tập là quá trình để tự mình làm Phật tánh của mình sáng dần ra, là quá trình nhận diện và chuyển hóa vô minh, phiền não, và khổ đau thành minh, an vui và hạnh phúc bằng cách thực hành và áp dụng những lời nói thiện, ý nghĩ thiện, và việc làm thiện vào trong đời sống hằng ngày của mình để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Bằng phương pháp khơi dậy, đánh thức và tưới tẩm Phật tánh của tất cả chúng sanh, đức Phật quán chiếu và đưa ra những ví dụ sinh động và cụ thể như sau: “Có các chúng sanh có nhiều bụi phiền não trong tâm, có ít bụi phiền não trong tâm, và không có bụi phiền não trong tâm. Cũng vậy, có các loại sen hồng, sen đỏ, và sen trắng đang mọc trong nước, lớn lên trong nước, vươn ngang mặt nước, và vượt ra khỏi mặt nước, song qua quá trình mọc và sống trong ao nước, tất cả các loại hoa sen đều lần lượt nở hoa tươi tốt.”[34]
Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo dụ thứ V,[35] đức Phật đưa ra các hình ảnh ẩn dụ của một trận mưa, cây lớn hút nước mưa nhiều, cây vừa vừa hút nước mưa vừa vừa, cây nhỏ hút nước mưa ít; song qua quá trình hút nước, tất cả các loại cây lớn, cây vừa, và cây nhỏ đều trở nên xanh tốt. Cũng vậy, có các chúng sanh có nhiều trí tuệ, có các chúng sanh có trí tuệ vừa vừa, và có các chúng sanh có ít trí tuệ; song qua quá trình đủ duyên tiếp thu, học hỏi, áp dụng, và hành trì Phật pháp vào đời sống hằng ngày, tất cả các loại chúng sanh đó đều thấm nhuần Phật pháp và dần dần đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.
8.8. Nhìn Phật đản qua khía cạnh bình đẳng
Bình đẳng là một âm tiếng Hán Việt; bình có nghĩa là an bình, hòa bình, bằng phẳng, đồng đều, bao dung, rộng lượng, đón nhận, tiếp nhận, chấp nhận …; đẳng có nghĩa là sai khác, sai biệt, khác biệt, không giống nhau, không kỳ thị… Vậy, bình đẳng có nghĩa là chấp nhận sự khác nhau với tâm bao dung, rộng lượng, không kỳ thị, và không chống trái. Nó không những bao hàm những ý nghĩa tình thương, tình huynh đệ, tình đồng loại, hòa hợp, đoàn kết, che chở, bảo hộ, tha thứ…, mà còn bao hàm những ý nghĩa không kỳ thị, không phân biệt, và chấp nhận sự khác biệt. Ngược với Bình đẳng là bất bình đẳng; bất bình đẳng có nghĩa là kỳ thị, phân biệt, phân chia, không chấp nhận sự khác biệt…
Chúng ta biết đạo Phật có mặt trên thế gian này gần ba nghìn năm; thời gian trước đạo Phật, sau đạo Phật, và cho tới bây giờ, trong xã hội Ấn Độ, hầu hết người dân Ấn theo Ấn giáo (Hinduism) hay Bà La Môn giáo (Brahmanism), được chia thành 4 giai cấp khác nhau rõ rệt; sự phân giai cấp của người Ấn ngày xưa có thể thấm vào máu thịt của họ không dễ mà thay đổi; tuy nhiên, sự phân chia giai cấp của người Ấn ngày nay có phần thay đổi tư tưởng và cái nhìn của họ, nhưng không nhiều kể từ khi người Ấn có cơ hội mở cửa và tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Theo luật Mã Nỗ (Mānu) của Bà La Môn giáo (Brahmanism), Ấn giáo được chia làm 4 giai cấp[36] khác nhau do đấng Phạm thiên (Brahma) tạo ra:
- Giai cấp tu sĩ tế lễ Bà La Môn (Brahman)
- Giai cấp dũng sĩ Sát Đế Lợi (Ksatriya)
- Giai cấp buôn bán Phệ Xá (Vaisya), và
- Giai cấp lao động thấp kém Thủ Đà La (Sudra)
Bà La Môn (Brahman) có nghĩa là thanh tịnh và tịnh hạnh. Những người theo giai cấp này là những vị đạo Sĩ, được sanh ra từ miệng Phạm thiên, đứng vị trí thứ nhứt trong xã hội, chăm lo nghi lễ, tế tự, cúng tế, giao tiếp thần linh, và nắm giữ quyền lực thần quyền.
Sát Đế Lợi (Ksatriya) có nghĩa là mạnh mẽ và hùng mạnh. Những người theo giai cấp này là những dũng sĩ, quan quyền và vua chúa, được sanh ra từ vai Phạm thiên, đứng vị trí thứ hai trong xã hội, chăm lo việc nắm giữ quyền lực chính trị để giữ gìn đất nước, dòng dõi vua chúa, và chống giặc nội ngoại xâm.
Phệ Xá (Vaisya) có nghĩa là buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi… Những người theo giai cấp này là những người buôn bán, nông dân, công dân… được sanh ra từ hông Phạm thiên, đứng vị trí thứ ba trong xã hội, chuyên lo việc mua bán, đổi chác, làm rẫy, làm ruộng, làm vườn… tạo ra tài sản, và phục dịch cho hai giai cấp trên.
Thủ Đà La (Sudra) có nghĩa là bần cùng, thấp kém, và hạ tiện. Những người theo giai cấp này là những đầy tớ, tôi tớ, nô lệ… được sanh ra từ bàn chân Phạm thiên, đứng vị trí thứ tư trong xã hội, luôn rụt rè, sợ sệt, cúi đầu, khép nép…, và phục dịch cho 3 giai cấp trên.
Bốn giai cấp này được luật Mã Nỗ (Mānu) phân chia rõ ràng. Tuy nhiên, ngoài bốn giai cấp ấy ra, xưa cũng như nay xã hội Ấn Độ vẫn còn có hạng người cùng đinh không liệt kê vào bốn giai cấp trên; họ là hạng người bần cùng trong xã hội, họ không có nhà để ở, họ ngủ ở vỉa hè, trên lòng lề đường, thậm chí họ không có quần áo để che thân, không có cơm để ăn, không có nước sạch để uống, v. v. và v. v. Ai cho gì thì họ ăn cái nấy. Họ dễ bị chết cóng vào mùa đông, chết nóng vào mùa hè, chết đói vào mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Hạng người cùng đinh (Dalits)[37] này không được liệt kê trong bốn giai cấp được thảo luận ở trên.
Thật vậy, theo Luật Mã Nỗ (Manu), người theo giai cấp nào thì sinh hoạt theo giai cấp nấy. Ví dụ, người theo giai cấp Bà La Môn (Brahman), thì họ chỉ sinh hoạt và giao tiếp với những người cùng giai cấp của họ mà thôi. Người theo giai cấp dũng sĩ (Sát Đế Lợi/ Ksatriya), thì họ chỉ sinh hoạt và giao tiếp với những người cùng giai cấp của họ mà thôi. Người theo giai cấp buôn bán (Phệ Xá/ Vaisya), thì họ chỉ sinh hoạt và giao tiếp với những người cùng giai cấp của họ mà thôi. Người theo giai cấp lao động thấp kém (Thủ Đà La/ Sudra), thì họ chỉ sinh hoạt và giao tiếp với những người cùng giai cấp của họ mà thôi. Họ rất hạn chế trong việc làm ăn, giao tiếp, đặc biệt trong việc cưới hỏi và hôn nhân ngoài giai cấp.
Khi gặp những người theo hai giai cấp Bà La Môn (Brahman) và Sát Đế Lợi (Ksatriya), thì những người theo hai giai cấp Phệ Xá (Vaisya) và Thủ Đà La (Sudra) phải khiêm nhường, khúm núm, và tránh né. Những ai không tuân thủ vào Luật Mã-nỗ này thì họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Do vậy, những người theo hai giai cấp dưới không có hoặc hiếm có cơ hội học tập, phấn đấu, tiến thân, thành tài như hai giai cấp trên. Những lý do đó đưa tới bất bình đẳng trong xã hội tạo ra các cá nhân bất ổn, gia đình bất an, và xã hội xáo trộn không ít vì sự phân chia giai cấp, kỳ thị giàu nghèo, màu da, chủng tộc, tôn giáo, vân vân…
Hơn nữa, theo quan điểm Bà La Môn giáo (Brahmanism), Bà La Môn cho rằng những ai theo giai cấp Bà La Môn (Brahman), thì họ là người giai cấp Bà La Môn suốt đời; những ai theo giai cấp dũng sĩ (Sát Đế Lợi/ Ksatriya), thì họ là người giai cấp dũng sĩ suốt đời; những ai theo giai cấp buôn bán (Phệ Xá/ Vaisya), thì họ là người giai cấp buôn bán suốt đời; những ai theo giai cấp lao động thấp kém (Thủ Đà La/ Sudra), thì họ là người giai cấp lao động thấp kém suốt đời.
Theo quan điểm Phật giáo, đạo Phật đề cao và tôn trọng mọi người đều có Phật tính, bình đẳng không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và trong giọt nước mắt cùng mặn. Đạo Phật không chấp nhận các quan điểm của Bà La Môn giáo (Brahmanism), chỉ chấp nhận các nghiệp thân, nghiệp khẩu, và nghiệp ý do họ tạo tác ra ở đời trước, đời này, hoặc ở đời sau mà thôi.
Nếu bạn là con người có dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn, bạn có phúc sinh ra trong một gia đình giàu có của Bà La Môn hay của Sát Đế Lợi. Nếu bạn sống trong gia đình ấy, bạn không biết làm những điều phúc thiện, sát sinh hại vật, khinh chê, và khinh thường người khác, thì hiện tại phúc đức của bạn giảm dần, bạn sẽ bị nhiều người oán trách, và tương lai, chắc chắn bạn sẽ bị tái sinh vào trong gia đình nghèo khổ.
Ngược lại, nếu bạn là người thiếu phúc đức và thiếu may mắn, bạn sinh ra trong một gia đình Phệ Sá (Vaisya) hay Thủ Đà La (Sudra) nghèo khổ, nhưng bạn có duyên lành tiếp xúc với ánh sáng giáo lý Phật đà, bạn nỗ lực tu học Phật pháp thật giỏi, bạn có thể trở thành người đạo đức và gương mẫu trong gia đình và trong xã hội. Mặc dầu bạn sinh trong một gia đình nghèo khổ, phương tiện vật chất và tinh thần đối với bạn không dễ dàng thành tựu và vươn lên trong cuộc sống, nhưng nhờ thân tâm nỗ lực, hướng thượng và hướng thiện, bạn có thể vun trồng và tích lũy công đức bằng cách giúp người nghèo khổ, bố thí, và phóng sinh. Khi bạn hiểu và thực hành được như vậy, trong hiện tại, phúc đức của bạn tăng trưởng, gia đình của bạn hạnh phúc, trong tương lai, bạn và gia đình của bạn được nhiều người tôn trọng và quý kính. Nếu tái sinh làm người, bạn sẽ sinh trong gia đình giàu có, an vui, và hạnh phúc trong Phật pháp.
Trong thời đức Phật, cách đây hơn 2600 năm, có những vị đệ tử của Phật như nhà đạo đức học Phật giáo, Tôn giả luật sư Ưu Ba Li (Upali),[38] người thợ hớt tóc, giai cấp hạ tiện; Tôn giả Sunita (Ni-đề),[39] người gánh phân, không được liệt kê vào bốn giai cấp trên. Hoặc khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, có một vị Phật tử rất nổi tiếng tên là tiến sĩ Ambedka,[40] người thuộc giai cấp hạ tiện; cả ba người đều là người Ấn Độ sống cách nhau hơn nghìn năm. Song cả ba người có đủ duyên lành học, hiểu, áp dụng, và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn vào đời sống hằng ngày, đều trở thành những người Phật tử thuần thành, có khả năng giúp cho đạo Pháp và dân tộc, cho tự thân và tha nhân sống an vui và hạnh phúc ngay tại thế gian này.
Thực vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người sáng lập ra đạo Phật, có khả năng đem lại bình đẳng, an vui, hạnh phúc, ánh sáng giác ngộ, từ bi, và trí huệ không những cho xã hội Ấn Độ, mà còn cho cả thế giới nhân loại ngày nay.
Theo cái nhìn bình đẳng của đạo tỉnh thức, đạo Phật không bao giờ phân chia giai cấp và không chấp nhận những người theo giai cấp Bà La Môn là hoàn toàn thông minh và thanh tịnh; những người theo giai cấp Thủ Đà La (Sudra) hoàn toàn là ngu dốt và ô uế. Thông minh hay không thông minh, thanh tịnh hay không thanh tịnh, giai cấp hay không giai cấp đều do các hành động thiện và bất thiện của mình tạo tác mà hình thành.
“Tự mình điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Thanh tịnh không thanh tịnh
Điều do tự chính mình
Không ai thanh tịnh ai.”
(Pháp Cú, kệ 165)
Sở dĩ các giai cấp được phân chia như vậy là vì Bà La Môn giáo muốn thống trị thiên hạ, muốn thiên hạ coi mình là trên hết, và bắt buộc mọi người phải tuân thủ làm theo. Nếu ai không làm theo luật Mã-nỗ (Manu) thì họ sẽ bị khiển trách và trừng phạt; ngược lại, đạo Phật hoàn toàn không đồng ý các quan điểm trên.
Để chứng minh tinh thần bình đẳng trong đạo Phật, Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna), chương V, phẩm Trưởng Lão Sona thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikàya) ghi rõ: “…Ví như khi các con sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, và sông Mahi chảy đến biển, chúng liền bỏ tên họ trước, và sau này trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo! Có những hạng người trong bốn giai cấp Sát Đế Lợi (Ksatriya), Bà La Môn (Brahman), Phệ Xá (Vaisya), và Thủ Đà La (Sudra); Sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng trước, và sau trở thành những đệ tử của đức Thế Tôn.”[41]
Qua đoạn trích dẫn trên đây, chúng ta thấy rằng trong giáo pháp của đức Thế Tôn và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của Tăng đoàn không có giai cấp; ở điểm này, tinh thần bình đẳng trong đạo Phật đã hiện ra rõ ràng. Thật vậy, dù các bạn đã mang hàng trăm tộc họ khác nhau, dù các bạn là những người da trắng, da đen, da vàng, và da đỏ, dù các bạn là những người không có cùng giai cấp và tôn giáo, nhưng một khi có đủ duyên tu học và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn, các bạn đều trở thành các đệ tử của Ngài, lần lượt nếm được pháp lạc, và tiến đến an lạc và giải thoát như nhau.
Chúng ta đều biết ngược dòng thời gian cách đây hơn 26 thế kỷ qua, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người sáng lập ra đạo Phật, đạo tỉnh thức và giác ngộ, đem an lạc, hạnh phúc, và bình đẳng cho mọi người và mọi giai cấp. Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp bình đẳng; đức Phật là bậc Thầy bình đẳng, vị Vua bình đẳng; sự phân biệt và kỳ thị giai cấp và chủng tộc không bao giờ tìm thấy trong lời dạy của Thầy. Thầy nhấn mạnh rằng:
“Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn. Những ai có đủ duyên lành thực hành và áp dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách chánh niệm và tỉnh giác, vững chãi và thảnh thơi, thì họ đều thưởng thức và nếm được pháp lạc như nhau ngay trong giờ phút hiện tại. Thực vậy, mọi người sinh ra trên hành tinh này, ai cũng có giọt nước mắt cùng mặn, giọt máu cùng đỏ, ai cũng sợ gươm đao, ham sống và sợ chết, và ai cũng muốn có đời sống an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.”[42]
Với những ý nghĩa thiết thực nêu trên, chúng ta biết trong Tăng đoàn của đạo Phật, và trong giáo pháp của đức Phật không có giai cấp. Trong tinh thần bình đẳng của đạo Phật không bao giờ có sự kỳ thị chủng tộc và phân chia giai cấp; hễ những ai có đủ duyên tu tập, thực hành lời dạy của đức Phật, không làm các điều ác, làm các việc lành, giữ thân tâm thanh tịnh và an lạc, sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác trong đời sống hằng ngày của mình, thì họ là những người có khả năng đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.
Để hiểu rõ và xác nhận những điều thảo luận ở trên, học lịch sử Phật giáo, chúng ta biết trong đạo Phật có rất nhiều hạng người ở nhiều giai cấp và tôn giáo khác nhau; trước khi là một người cư sĩ, Tôn giả Ni Đề (Sunita) là người hốt phân không thuộc bốn giai cấp trên; Tôn giả Ưu ba li (Upali) là người thợ hớt tóc ở giai cấp thấp thứ tư (Sudra); Tôn giả Thuần Đà (Chunda) là người thợ rèn ở giai cấp thứ ba (Vaisya); Tôn giả A Nan Đa (Ananda) là người giai cấp dũng sĩ (Ksatriya); Tôn giả Xá lợi Phất (Sariputta) và Tôn giả Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna) là những người giai cấp Bà-la-môn (Brahman); Tôn giả Vô Não (Angulimala) là vị tướng cướp khét tiếng; Am Ba Ba Li (Ambapàli) là một kỉ nữ hạng sang, v. v….. Song qua quá trình tiếp xúc, học hỏi, áp dụng, và hành trì Phật pháp, chư vị đều trở thành những người đệ tử an vui và hạnh phúc đích thực của đức Thế Tôn.
Cũng vậy, các loại nước sạch, nước dơ, nước ngọt, nước lợ … của trăm ngàn con sông, suối, ao, hồ… chảy ra biển cả đều trở thành nước mặn. Tất cả các hạng người ở nhiều giai cấp và chủng tộc khác nhau, song họ có đủ duyên theo Phật, nghe pháp, thực hành lời Phật dạy, họ có khả năng thưởng thức và nếm được pháp lạc ngay trong đời sống hằng ngày, và sống đời sống an vui và giải thoát đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.
Thật vậy, tinh thần bình đẳng của đạo Phật, đã được thấm nhuần qua các triều đại vua chúa, dòng dõi, thế hệ, và giai cấp khác nhau, đã được truyền bá không những ở trong nước Ấn Độ, mà còn ở ngoài nước khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Thái, Úc, Pháp, Đức, Mỹ…Tinh thần đó rất thiết thực và giá trị vượt thoát biên cương, thời gian, và không gian.
Trên đây, tinh thần bình đẳng đã được trình bày xong; tiếp đến, người viết tiếp tục trình bày và tìm hiểu nhìn Phật đản qua khía cạnh hòa bình.
9.9. Nhìn Phật đản qua khía cạnh hòa bình
Tiếp theo phần số 2 vừa thảo luận ở trên, phần số 9 sẽ được trình bày cho chúng ta biết cái nhìn Phật đản qua các khía cạnh ẩn dụ, huyền thoại, nhấn mạnh…, đặc biệt qua khía cạnh hòa bình bằng cách tu tập và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn.
Con số 7 và con số 9 trong đạo Phật được đề cập và nhấn mạnh rất nhiều; trong bài viết này, người viết chỉ thảo luận hai khía cạnh đặc thù có liên quan tới hai con số này mà thôi, đó là khía cạnh thời gian và không gian.
Về khía cạnh thời gian, con số 7 gồm có quá khứ – hôm qua (1), hiện tại – ngày nay (2), và vị lai – ngày mai (3). Về khía cạnh không gian, con số 7 gồm có phương Đông (4), phương Tây (5), phương Nam (6), phương Bắc (7); con số 9 gồm có hai phương nữa, đó là phương Trên (8) và phương Dưới (9).
Phương Trên chỉ cho thời gian, phương Dưới chỉ cho không gian; phương Trên có nghĩa là phương hướng thượng, hướng tới việc tu học, chuyển hóa phiền não, giác ngộ, và giải thoát để làm lợi ích cho tự thân; và phương Dưới có nghĩa là phương hướng tới việc hoằng pháp để làm lợi ích cho tha nhân (trên thỉnh cầu Phật pháp để tu học, dưới hóa độ chúng sanh).
Về thời gian, trong quá khứ, hiện tại, và vị lai, tức ngày hôm qua, ngày nay và ngày mai; về không gian, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, và phương Dưới; hay ở Châu Á, Châu Âu, Châu Úc, Châu Phi, và Châu Mỹ, bất cứ thời gian nào hay nơi nào đạo Phật được truyền bá, thì thời gian đó hay nơi đó dân chúng địa phương sống hiền ra và thiện ra nếu mọi người cùng nhau học, hiểu, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hàng ngày.
Xưa và nay, đạo Phật không bao giờ có chiến tranh tôn giáo bởi vì giáo pháp của đức Thế Tôn là giáo pháp tỉnh thức, giác ngộ, hòa bình, từ bi, và trí tuệ, không bao giờ dung chứa các hạt giống hận thù, tham, sân, si, sầu bi, khổ, ưu não… Giáo pháp không bao giờ khuyên người giết, bảo người giết, và thấy người khác giết để vui mừng theo. Ngược lại, giáo pháp khuyên người làm lành, bảo người làm lành, và thấy người khác làm lành để vui mừng theo trong pháp học, pháp hành, pháp hiểu, pháp thí, và pháp lạc; đây là những điểm đặc thù của Phật giáo mà các tôn giáo bạn hiếm thấy hoặc không được tìm thấy.
Qua các ý nghĩa được đề cập ở trên, chúng ta biết rằng đạo Phật là con đường hòa bình, là tôn giáo hòa bình, luôn luôn dạy người ta ý thức thực hành những lời nói hòa bình, ý nghĩ hòa bình, và các hành động hòa bình ở khắp nơi và khắp chốn để đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.
Thực vậy, dù bạn là Phật tử hay không phải Phật tử, dù bạn theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, nếu bạn khéo ứng dụng và thực hành những lời dạy hòa bình – Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của bạn bằng cách ý thức bảo vệ và tôn trọng sự sống của mọi loài, nuôi dưỡng tâm từ bi đối với chúng sanh, khởi tâm bố thí, và cứu giúp cả vật chất lẫn tinh thần cho số đông, tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người khác, nói những điều lợi ích cho số đông, bảo vệ thân tâm an lạc và minh mẫn, v. v… và v. v…. Khi hiểu và thực hành được như vậy, bạn là hành giả và sứ giả hòa bình, và có khả năng hiến tặng món quà tu tập và hành trì, an vui và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.
Hơn nữa, dù bạn theo Phật giáo Nam tông hoặc Bắc tông; dù bạn theo Thiền tông, Tịnh độ tông, hay Mật tông, bạn vẫn sống bình an trong cuộc sống, và hành trì đúng hướng đi và pháp môn tu tập thích hợp mà bạn đã chọn. Tuy nhiên, các vị xuất sĩ và cư sĩ đều tôn trọng, quý kính, và xem đức Phật, giáo Pháp, và Tăng đoàn là những nơi nương tựa tâm linh an bình và vững chãi nhất của đời mình.
Xưa cũng như nay, đạo Phật không bao giờ gây ra một chiến tranh tôn giáo, luôn tôn trọng tinh thần bất bạo động, và luôn xây dựng tinh thần từ bi, trí tuệ, tình thương, và hòa bình cho pháp giới chúng sanh muôn loài. Điều tỉnh thức thứ nhất trong đạo Phật luôn đề cao và tôn trọng tình thương và sự sống hòa bình cho tự thân và cho tha nhân, khuyên dạy mọi người chớ giết, chớ bảo người giết, và chớ thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo. Những điểm đặc thù này chỉ được tìm thấy trong đạo Phật, hiếm được tìm thấy trong các tôn giáo bạn.
Đến đây, con số 7 và con số 9 trong đạo Phật hàm chứa các ý nghĩa vừa được trình bày ở trên; tiếp đến, xin mời quý vị tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa rồng; rồng chỉ là con vật tưởng tượng và tượng trưng, không có thật. Tuy nhiên, để nhấn mạnh sự ra đời của đức Phật một cách linh thiêng, mầu nhiệm, và tôn kính, người ta mới đề cập tới rồng; rồng khác với rắn; rắn là loài bò sát không chân, không vẩy, không mồng, không thể bay và phun lửa được.
Theo những hình ảnh mà chúng ta thấy, rồng là con vật có chân, có vẩy, có mồng, có thể bay được, và phun lửa; trong ngữ cảnh này, lúc đức Phật ra đời, địa cầu chuyển động,[43] trăm hoa đua nở, rồng có trách nhiệm phun nước – nước từ bi, chứ không phun lửa – lửa tham, sân, si… Nước từ bi này được bắt nguồn từ việc tu tập và hành trì giới, định, và tuệ của chúng ta, có khả năng dập tắt các lửa tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…
Phun khác với mưa; động từ phun dùng để diễn tả sự tưới tẩm, thấm nhuần, và sự mát dịu thân tâm qua nhiều khía cạnh và gốc độ khác nhau, đặc biệt khía cạnh tu tập, giác ngộ, giải thoát, hoằng pháp, và độ sanh của đạo Phật, đức Phật, và đệ tử của đức Phật đối với vạn vật chúng sanh trên khắp hành tinh này; nước trong cụm từ phun nước là danh từ làm tân ngữ bổ nghĩa cho động từ phun; phun cái gì, phun nước; nước gồm có hydrô (hydrogen) và oxy (oxygen), viết tắt là H2O; ở trong ngữ cảnh này, nước không có nghĩa là nước mưa, nước sông, nước suối, mà là nước từ bi.
Song hành với trí tuệ, nước từ bi chứa đầy các chất liệu thương yêu và hiểu biết, an lạc và hòa bình có khả năng dập tắt các ngọn lửa tham, sân, và si do con người tạo tác. Thế giới ngày nay đang thiêu đốt, bốc cháy, chiến tranh, thiên tai, lũ lụt… là do tâm tham, sân, si, tà kiến… của con người tạo ra; nước từ bi xuất phát từ thân tâm tu tập, an lạc, và mát mẻ qua việc ứng dụng và hành trì Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày. Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, xã hội thanh bình, gia đình an vui và hạnh phúc cũng đều bắt đầu từ thân làm thiện, ý nghĩ thiện, và lời nói thiện; nếu chúng ta hiểu và thực tập được như vậy, thì nước từ bi có khả năng tưới tẩm, thấm nhuần, và làm mát dịu thân tâm.
Như vậy, chúng ta thấy 1/ Tư tưởng nuôi dưỡng từ bi và giáo dục hòa bình trong đạo Phật bắt nguồn từ khi thái tử Tất Đạt Đa còn nằm trong thai mẹ,[44] 2/ Từ xưa cho tới nay, đạo Phật là đạo hòa bình dành cho những ai tu tập, hành trì, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Khi đức Phật hài nhi đản sinh, không những phạm thiên, chư thiên, loài người, mà còn các loài động vật, thực vật, và môi trường thiên nhiên, đều hân hoan chào đón sự ra đời kỳ diệu của Ngài như trăm hoa đua nở, chim vui mừng hót, đặc biệt các loài chúng sinh không bị sát hại. Mặc khác, nhìn vào khía cạnh giáng sinh của nhà sáng lập tôn giáo khác, và ngay trong đời sống hàng ngày và hàng năm, mỗi khi tới ngày giáng sinh hay sinh nhật của tôn giáo đó, chúng ta biết có không ít chúng sinh bị sát hại và làm thịt.
Đối với Phật giáo, nhìn toàn cảnh đức Phật đản sinh, kể từ khi đức Phật ra đời, trụ thế trên cõi Ta Bà này suốt 80 năm, ngay cả sau khi đức Phật nhập diệt cho tới ngày hôm nay, hễ tới mùa Phật đản và những mùa lễ hội khác, đức Phật và các hàng đệ tử của Phật không bao giờ giết và khuyên bảo người khác giết hại sinh vật để cúng tế, để làm thịt, và để tế thần.
Trong các mùa lễ hội của đạo Phật, các vị đệ tử của đức Phật không sát hại chúng sinh; ngược lại, các vị phát khởi thiện tâm bằng cách ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền, phóng sinh, bố thí, và giúp người nghèo khổ. Những việc làm này của các vị mang đậm chất liệu từ bi và trí tuệ theo đúng tinh thần tự tu, tự độ, tự ngộ, và tự giải thoát. Chúng ta hiểu và thực tập được Phật pháp như vậy, thì phúc đức và tuổi thọ của chúng ta càng ngày càng tăng trưởng. Các loài chúng sinh đều được an vui bởi vì chúng ta khéo biết ứng dụng và hành trì giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật và trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Qua những gì thảo luận ở trên, hòa bình trong đạo Phật được bắt nguồn từ trong trứng nước, tức thai nhi (giáo dục thai nhi),[45] đặc biệt là trong các ý nghĩ, lời nói, và việc làm thiện của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Là người tiếp nối và kế thừa ánh sáng của chánh pháp, chúng ta có trách nhiệm phát huy và nuôi dưỡng tinh thần giáo dục hòa bình và bất bạo động để đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhiều người.
Học và hiểu rõ Phật pháp, chúng biết đức Phật là vị Vua hòa bình, vị Sứ giả hòa bình, vị đạo Sư tâm linh của hòa bình, và là vị hành Giả đích thực của hòa bình. Do vậy, đạo Phật được mệnh danh là đạo tỉnh thức, đạo hòa bình, đạo của tình thương và trí tuệ; các bước chân đi của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài là các bước chân hòa bình, tỉnh thức, an lạc, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.
Nhìn suốt cuộc đời của Ngài, chúng ta thấy rằng đức Phật sinh ra dưới gốc cây Vô Ưu ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạo dưới gốc cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), nói bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu đế cho năm anh em của ông Kiều Trần Như (Anna Kondanna) ở vườn Lộc Uyển (Deer park, Sarnarth), và nhập diệt dưới 2 cây Ta la (Sala) ở Câu Thi La (Kushinagar). Tất cả những nơi đó đều là môi trường thiên nhiên, môi trường hòa bình, môi trường tu tập và hành đạo được đức Phật và các đệ tử của Ngài bảo vệ và chăm sóc chu đáo. Kinh Pháp Cú, kệ số 98 ghi:
“Hoặc trong làng mạc hoặc trong núi rừng,
Hoặc trong thung lũng hoặc trên đồi cao,
Bất cứ nơi nào A La Hán trú,
Nơi đó vô vàn vui sướng biết bao.”[46]
Thật vậy, dựa vào các môi trường thiên nhiên, đức Phật và các đệ tử của Ngài tu tập và giáo hóa chúng sanh để đem lại hòa bình, an lạc, và hạnh phúc đích thực cho số đông. Trong 45 năm hoằng dương chánh Pháp, Ngài hóa độ rất nhiều hạng người giàu, nghèo, giặc cướp, kỉ nữ, vua quan, quần thần khác nhau… Những người nào có đủ duyên học pháp, hiểu pháp, hành pháp, hoằng pháp, hộ pháp, và nếm được pháp lạc thì họ đều trở thành những người an lạc, hạnh phúc, hiền, và thiện ra.
Quý vị biết trong cuộc sống thường ngày, đức Phật không những đề cao và tôn trọng sự sống của con người, mà còn đời sống của con vật, con sâu, con kiến, cỏ, cây, rừng, núi, đất đá, thậm chí con vi trùng ở trong bát nước… Với tinh thần thực tập từ bi, trí tuệ, chánh niệm, và tỉnh giác trong từng cử chỉ nói năng, suy nghĩ, và hành động của Ngài, khi uống nước, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức…, Ngài và các đệ tử của Ngài luôn giữ thân tâm chánh niệm và tỉnh giác cho tự thân và cho tha nhân. Do vậy, các việc làm tỉnh thức và chánh niệm của quý Ngài đều có khả năng nuôi dưỡng tinh thần hòa bình, tình thương yêu, tình huynh đệ, tình tương thân, tương ái, tương kính… cho nhiều người.
Như vậy, trên đây, hòa bình được đề cập trong ẩn dụ, nhấn mạnh, trong đời sống tu tập, trong giáo pháp, và trong việc hoằng pháp của đức Phật và các đệ tử của Ngài; tiếp đến, hòa bình được trình bày trong lời dạy của Ngài, cụ thể là “Cái thấy hòa bình, suy nghĩ hòa bình, lời nói hòa bình, hành động hòa bình, việc kiếm sống hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, và tập trung hòa bình.” Đây là những lời Phật dạy nhấn mạnh về hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này. Những ai thực tập và an trú thấm nhuần những lời dạy hòa bình này một cách đều đặn, chánh niệm, và tỉnh giác thì họ là những hành giả đích thực có khả năng đem đạo Phật đi về tương lai một cách vững chãi và tươi sáng.
Hòa bình trong giáo pháp của Ngài rất thiết thực hiện tại, vượt thoát thời gian, các bạn đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu biết, đến để thực hành Phật pháp trong từng hơi thở, ý nghĩ, và việc làm ý thức và chánh niệm của mình, và đến để góp phần đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Với những ý nghĩa thiết thực được trình bày ở trên, chúng ta có thể khẳng định và tự hào rằng ngày nay đạo Phật được thế giới tôn vinh là tôn giáo hòa bình, con đường hòa bình vạch ra nhiều hướng đi an lạc và trong sáng cho thời đại.
Tóm lại, qua những gì thảo luận ở trên, từ cái nhìn thứ nhứt đến cái nhìn thứ chín, tác giả viết và chia ra như vậy là để người đọc, người học dễ hiểu, dễ nắm bắt các ý nghĩa thiết thực của chúng, dễ áp dụng, và dễ thực hành Phật pháp vào trong đời sống tu tập hằng ngày của mình.
Chín cái nhìn cơ bản này được đề cập ở trên đều có các mối tương quan và tương duyên với nhau rất mật thiết qua nhiều phương diện, khía cạnh, và gốc độ khác nhau để hình thành đức Phật lịch sử, đạo Phật bình đẳng, giáo pháp bình đẳng, tôn giáo bình đẳng; đạo Phật hòa bình, giáo pháp hòa bình, tôn giáo hòa bình, con đường hòa bình, hành giả hòa bình… Chín cái nhìn này đều có khả năng giúp chúng ta có cái nhìn chân chánh, cái thấy chân chánh, cái biết chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh… về đạo Phật, đức Phật, các đệ tử của đức Phật, pháp Phật, pháp học, pháp tu, pháp hành, pháp lạc, và pháp chứng.
Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta dũng mãnh phát nguyện học pháp, hiểu pháp, hành pháp, nếm pháp, hoằng pháp, và hộ pháp một cách vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Từ đây, chúng ta là những món quà tu tập, hòa bình, an vui và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.
Kính chúc quý vị an trú vững chãi và thấm nhuần giáo pháp của đức Thế Tôn.
By Thích Trừng Sỹ
Looking at the Buddha’s Birthday through the Contemplative Eyes
[1]http://www.buddhanet.net/e-learning/buddhistworld/lumbini.htm http://en.wikipedia.org/wiki/Lumbini
[2] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Trường Bộ – Kinh Đại Bổn 14, Phẩm III – 22 – 23 (Dìgha Nikàya – Mahàpadàna sutta 14, Part 22 – 23).
[3] Pháp Cú, kệ 49.
[4] http://dhammacakkhu.blogspot.com/p/lich-su-uc-phat-thich-ca-mau-ni-tom-tat.html
[5] http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo4/tb4-00.htm http://anhnhiendang.com/Thu-Vien-Chanh-Phap/2/5-Nikaya—4-A-Ham.html
[6] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 18, 19, 20…
Xem D. 14. I.
[7] Như trên.
[8] http://www.ignca.nic.in/jatak072.htm
[9]http://ue.vnweblogs.com/mobile.php?op=ViewArticle&blogId=18513&articleId=335969
[10]http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-3897_5-50_6-1_17-50_14-1_15-1/ Xem Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammcakkappavattana Sutta).
[11] III. Thức (viññana), http://daitangkinhvietnam.org/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-tong-quat/665-thp-nh-nhan-duyen.html
[12] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-811_5-50_6-1_17-56_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark Or xem Assalayana
Sutta No. 93 in Majjhima Nikāya.
[13]http://ue.vnweblogs.com/mobile.php?op=ViewArticle&blogId=18513&articleId=335969
http://www.indianetzone.com/56/vessantara_jataka.htm
[14] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Kinh Trường A Hàm, Phần I – 1. Kinh Đại Bản Duyên 4c http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 17, 18, 19…
Xem Dìgha Nikàya – Mahàpadàna sutta / Trường Bộ – Đại Bổn Kinh số 14.
[15] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 29
[16]http://www.quangduc.com/DucPhat/82sutichducphat01.html#_ftnref7
[17]http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenanhtu_22_01_1995/photo?pid=12&fid=2
[18]http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenanhtu_22_01_1995/photo?pid=12&fid=2
[19] Tương Ương Bộ (Samyutta Nikaya, V – 420), Kinh Chuyển Pháp Luân[1] (Dhammacakkappavattana Sutta) – Bài Pháp đầu tiên mà đức Phật thuyết giảng cho 5 anh em Trưởng lão A Nhã Kiều Trần Như (Aññakoṇḍañña) tại Vườn Lộc Uyển – Sarnath, Ấn Độ. http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-3897_5-50_6-1_17-22_14-1_15-1/
[20] http://quangduc.com/kinhdien/223truongaham01.html / hoặc xem Trường A Hàm – Sơ Đại Bản Duyên Kinh
[21]http://www.quangduc.com/DucPhat/82sutichducphat01.html#_ftnref25
[22] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Xem Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 27
Xem D. 14, I. 27.
[23]Pháp Môn Tịnh Hạnh – Phẩm Thuỵ Ứng của Kinh Ưu Bà Di
[24]http://eiab.eu/community-vi/eiab-news/thong-tin-sinh-hoat-1/ngay-but-bieu-hien
http://www.daophatngaynay.com/vn/duc-phat/phat-dan/7457-That-Bo-De-Phan.html
[25]http://www.quangduc.com/DucPhat/82sutichducphat01.html#_ftn8 Hoặc xem Trường A Hàm – Sơ Đại Bản Duyên Kinh
[26] http://langmai.org/phat-duong/tung-gioi/nghi-thuc-tung-10-gioi
[27] Như trên.
[28]http://www.phatviet.com/dichthuat/kinhtang/Truong_A_ham/Tr_001.htm
Xem Kinh Trường A Hàm, Phần I – 1. Kinh Đại Bản Duyên 4c
Xem http://www.thuvienhoasen.org
Xem Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 29
Xem D. 14 I. 29
[29] http://www.phattue.org/node/544
http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn06/sn06.001.than.html or Xem Samyutta Nikaya 6
[30]http://buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tuongungbo/tu1-06.htm
[31]https://en.wikipedia.org/wiki/Mah%C4%81bh%C5%ABta#cite_ref-8
http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.028.than.html
[32]Anguttara Nikaya III. 71 http://www.buddhanet.net/budsas/ebud/budtch/budteach06.htm#_ednref17 → Anattalakkhana Sutta – Kinh Vô Ngã tướng. Or xem Mahāvagga, p. 13; Samyutta Nikāya pt. iii, p. 66.
[33] Kinh Trường A Hàm, Phần I – 1. Kinh Đại Bản Duyên 4c http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – 14 Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta), Phẩm I – 29
D. 14 I. 29.
[34] http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-121_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Trường Bộ – Kinh Đại Bổn 14, Phẩm III – 22, 23, 24… (Dìgha Nikàya – Mahàpadàna sutta 14, Part 22, 23, 24, etc.).
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-707_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Trung Bộ – Kinh Thánh Cầu 26 (Majhima Nikàya – Ariyapariyesanà Sutta 26)
[35]http://www.quangduc.com/kinhdien/240phaphoahn3.html#PH%E1%BA%A8M%20TH%E1%BB%A8%20N%C4%82M
[36]Textual Sources for the Studies of Hinduism, Wendy Doniger O’Flaherty dịch, Manchester: Manchester University Press, 1988, tr. 28. Trong Rg-Veda, hệ thống đẳng cấp bốn bậc này chỉ được đề cập một lần duy nhất; và đoạn kinh văn này được cho là được bổ sung về sau. http://www.hoavouu.com/D_1-2_2-86_4-17687_15-2/
[37] S. Radhakrishnan. Indian Philosophy., Vol. I, Oxford University Press, 2008, trang 111 – 3.
[38]http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-83_5-50_6-1_17-60_4-11046_14-1_15-1/
http://www.buddhanet.net/e-learning/history/db_06s.htm
[39]http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/duong-xua-may-trang/chuong-43-mau-ai-cung-do-nuoc-mat-ai-cung-man?set_language=vi http://chandawimala.blogspot.com/2010/09/buddhist-pantings-life-of-buddha.html
[40] http://www.freewebs.com/kjagtap/buddha.pdf http://en.wikipedia.org/wiki/B._R._Ambedkar
[41]http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt2.htm
[42] http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/duong-xua-may-trang/chuong-43-mau-ai-cung-do-nuoc-mat-ai-cung-man
[43] Tăng Nhất A Hàm – Tám Pháp → 42. Phẩm Tám Nạn → Kinh Số 5
http://www.phatviet.com/dichthuat/kinhtang/Tangnhat_A_ham/Tn_00.htm
[44] http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan/3976-Nhin-Xuan-Qua-Con-Mat-Thien-Quan.html
[45] Phần số hai được trình bày ở trên
[46]http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/buoc-dau-hoc-phat/duc-phat-la-ai/4732-Duc-Phat-Hien-Than-cua-Hoa- Binh.html