2178 lượt xem

Trao Truyền và Tiếp Nhận Mười Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm Từ Tam Bảo

Chùa Pháp Nhãn

TRAO TRUYỀN VÀ TIẾP NHẬN MƯỜI PHƯƠNG PHÁP

THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TỪ TAM BẢO 

NGHI THỨC LỄ LÀM NGƯỜI CON CỦA ĐỨC PHẬT

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Chúng con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Phật Thế Tôn, Bậc A-la-hán toàn giác, Bậc tỉnh thức và giác ngộ tròn đầy. (Chuông)

Xưng Tán Phật

Xin tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc đẩu

Xin quay về nương tựa

Bậc Thầy của nhân thiên.

Kính đảnh lễ Tam Bảo

Phật là Thầy chỉ đạo,

Bậc tỉnh thức vẹn toàn,

Tướng tốt đoan trang,

Trí và bi viên mãn.

Đệ tử chúng con, chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mời phương. (1 lạy, O)

Pháp là con đường sáng,

Dẫn người thoát cõi mê,

Đưa con trở về,

Sống cuộc đời tĩnh thức.

Đệ tử chúng con, chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mời phương. (1 lạy, O)

Tăng là Đoàn thể đẹp,

Cùng đi trên đường vui,

Tu tập giải thóat,

Làm an lạc cuộc đời.

Đệ tử chúng con, chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mời phương. (1 lạy, O) 

BÀI KỆ SÁM HỐI

Tội từ tâm khởi đem tâm sám,

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu,

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không,

Thế mới thật là chơn sám hối.

Nam Mô Bồ Tát Cầu Sám Hối. (3 lần, O)

Giải Thích Những Ý Nghĩa Của Việc Sám Hối

(Thân vật lý này được ví như cái bình đựng nhiều loại nước khác nhau trong cuộc sống.

Là người thông minh, con sử dụng cái bình này để chưng hoa và để đựng nước mới và thay nước cũ bằng cách thường xuyên lâu chùi và dọn dẹp nó.

Cũng vậy, là người tỉnh thức, con khéo léo sử dụng thân vật lý này để làm đẹp cho cuộc đời, để phát triển những điều hay điều tốt cho cuộc đời, biết cách nhận diện và sám hối những lỗi làm mà mình đã phạm. Con nguyện không lập lại lỗi lầm xưa.

Ý thức rõ việc ấy, hằng ngày con tinh tấn làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành để làm lợi lạc cho quần sanh.

Nước mới trong bình tượng trưng cho những lỗi lầm đã được thanh lọc, nhận diện, và chuyển hóa.

Nước cũ trong bình tượng trưng cho những lỗi lầm đã phạm.

Bình tượng trưng cho thân vật lý. Nương vào thân vật lý để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại bằng cách áp dụng và thực hành sống đời sống đạo đức, thiền định, và trí tuệ để làm lợi ích cho số đông ngay tại thế gian này.)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con tên là ….

Con nguyện trọn đời nương tựa Đức Phật. Con nguyện trọn đời nương tựa chánh Pháp. Con nguyện trọn đời nương tựa Tăng Đoàn. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con tên là …

Con xin nương tựa Đức Phật. Con nguyện trọn đời không nương tựa trời, thần, quỷ vật, và những điều xấu ác. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con tên là ….

Con xin nương tựa chánh Pháp. Con nguyện trọn đời không nương tựa ngoại đạo và tà giáo. (O) 

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con tên là …………….

Con xin nương tựa Tăng Đoàn. Con nguyện trọn đời không nương tựa thầy tà, những lời dạy tà, người xấu, và những môi trường xấu. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con đã nương tựa Đức Phật rồi. Con không sợ rơi vào cảnh giới địa ngục. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con đã nương tựa chánh Pháp rồi. Con không sợ rơi vào cảnh giới ngạ quỷ. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con đã quy y Tăng Đoàn rồi. Con không sợ rơi vào cảnh giới súc sanh. (O)

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Con vừa phát nguyện quy y Tam Bảo xong.

Con được Sư Phụ cho Pháp danh là “………..”

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Cúi xin Đức Thế Tôn hoan hỷ tiếp nhận cho con làm đệ tử xuất gia. Từ nay cho tới trọn đời, con quyết tâm nương tựa Đức Phật, chánh Pháp, và Tăng đoàn, và phát nguyện thực hành Mười Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm trọn vẹn:

SƯ PHỤ TRUYỀN TRAO MƯỜI PHƯƠNG PHÁP TU TẬP CHÁNH NIỆM CHO CÁC VỊ ĐỆ TỬ

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ NHỨT

Bảo vệ Sự Sống của Chúng Sinh

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại từ và đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sanh mạng, không tán thành sự giết chóc, và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.

Con nguyện không tự giết mình, không tự mình giết chúng sinh, không bảo người giết chúng sinh, và không thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ nhất vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ HAI

Tôn Trọng Tài Sản Riêng Tư Của Người Khác

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức được những khổ đau do sự lường gạt, trộm cướp, và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ và đại bi để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ và năng lực của con cho những kẻ thiếu thốn. Con nguyện không lấy bất cứ tài sản nào của cá nhân hay của tập thể để làm tài sản cho riêng mình. Con nguyện tôn trọng của cải riêng tư của kẻ khác, và cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ hai vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ BA

Bảo Vệ Đức Hạnh và Tiết Hạnh của Người Tu

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức được rằng lý tưởng của người tu chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết hành động dâm dục không những làm tan vỡ cuộc đời và chí nguyện xuất gia của con, mà còn làm hại đến cuộc đời của kẻ khác, và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sanh của con.

Đối với người tại gia khi lớn lên thì họ lập gia đình, nhưng đối với những ai có chí nguyện xuất gia thì họ sống cuộc đời đơn giản và thảnh thơi, không vướng bận gia đình, không bị đời sống gia đình ràng buộc, và dành nhiều thời gian tu học Phật Pháp để làm lợi ích cho nhiều người.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ ba vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ TƯ

Thực Tập Chánh Ngữ và Lắng Nghe

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ: 

Ý thức rằng khổ đau và bất hạnh do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con nguyện học theo các hạnh chánh ngữ và lắng nghe để có thể dâng tặng niềm vui cho người và giúp người vơi bớt khổ đau. Biết rằng lời nói chánh ngữ có thể đem lại hạnh phúc cho người, và lời nói tà ngữ có thể gây khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói chánh ngữ để có thể tạo thêm niềm tin, an vui, và uy tín cho nhiều người.

Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện thực tập lắng nghe với tâm từ bi, để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Con nguyện không nói những điều bất hòa có thể gây nên chia rẽ và làm tan vỡ trong đoàn thể tu học Phật Pháp của con. Con nguyện thực tập chánh ngữ để xây dựng tình huynh đệ trong tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết, tương trợ, tương thân, tương ái, và tương kính. 

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ tư vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có. 

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ NĂM

Bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm bằng cách không sử dụng các chất say, các chất ma túy, và không tiêu thụ những sản phẩm có độc tố.

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức được rằng những khổ đau và bất hạnh do việc sử dụng các chất say, các chất ma túy, và các độc tố gây ra và làm cho con không làm chủ được thân tâm, con nguyện thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ những gì lành mạnh để đem lại an lạc cho thân tâm. Con nguyện không sử dùng các chất say, các chất ma túy, không ăn uống và tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có cả những sản phẩm sách báo và phim ảnh có chứa đựng bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù. 

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ năm vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có. 

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ SÁU

Không sử dụng mỹ phẩm và đồ trang sức.

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức được cái đẹp đích thực của người xuất gia là tính chất vững chãi và thảnh thơi, con nguyện mỗi ngày làm đẹp cho con và cho tăng thân con bằng sự thực tập chánh niệm, cụ thể qua sự hành trì giới luật và các uy nghi trong đời sống hằng ngày. Con biết các loại mỹ phẩm và trang sức mà người đời sử dụng chỉ có thể đem lại sự hào nhoáng giả tạo bên ngoài, và chỉ có tác dụng gây ra sự chìm đắm và vướng mắc, cho nên con nguyện sống giản dị, gọn gàng và sạch sẽ trong cách ăn mặc của con. Con nguyện không sử dụng các loại nước hoa, phấn son, các loại mỹ phẩm, và các thức trang sức khác.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ sáu vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có. 

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ BẢY

Không Vướng Mắc Vào Các Lối Tiêu Khiển Thế Tục

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Ý thức không tham gia và vướng mắc vào các lối tiêu khiển và giải trí thế tục, như các trò chơi điện tử trực tuyến, phim ảnh, tin tức, truyện, sách, báo chí bạo động và đồi trụy, và những bài ca áo não và sầu muộn, và ngược lại, con ý thức tiếp xúc và học hỏi các bộ phim, tin tức, truyện, sách, báo chí có tính cách giáo dục, đạo đức, và khoa học, và những bài thiền ca và đạo ca. Con có gắng dành nhiều thời gian nghiên cứu, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hàng ngày của con để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ bảy vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ TÁM

Không Sống Đời Sống Vật Chất Sang Trọng Và Xa Hoa

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Là người hành giả tốt, con ý thức rằng sống trong những điều kiện vật chất sang trọng và xa hoa, con sẽ dễ dàng khởi tâm ái dục, ngã mạn, và ham muốn. Con nguyện suốt đời chỉ sống một nếp sống giản dị, thiểu dục, tri túc, và trân quý những gì con đang có. Con nguyện không ngồi và không nằm trên những chiếc ghế và chiếc giường lộng lẫy, không sử dụng lụa là, gấm vóc, xe cộ bóng loáng và nhà cửa cao sang.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ tám vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ CHÍN

Ăn Chay và Ăn Ngoài Các Bữa Ăn Của Đại Chúng

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ:

Để giữ gìn sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật một cách hiệu quả, con nguyện không ăn cá và các loại thịt động vật. Ý thức được sự cần thiết của việc giữ gìn sức khỏe, sống hòa hợp với Tăng đoàn, nuôi dưỡng, và phát triển lòng từ và bi, tôi nguyện trọn đời ăn chay và không ăn ngoài các bữa ăn của Tăng đoàn, trừ khi có bệnh.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp chánh niệm thứ chín vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có. 

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP CHÁNH NIỆM THỨ MƯỜI

Không Tích Lũy Tiền Bạc, Của Cải, và Châu Báu

Vị đệ tử lặp lại lời hướng dẫn của Sư phụ: 

Ý thức được rằng hạnh phúc của người tu tập được làm bằng các chất liệu tu tập vững chãi và thảnh thơi, con nguyện không để cho tiền bạc, châu báu, và của cải làm vướng bận đường tu của con. Con nguyện không tích lũy tiền bạc, của cải, và châu báu, không đi tìm hạnh phúc trong sự chất chứa tiền bạc, của cải, và châu báu bởi vì chúng không thể bảo đảm và bảo hộ cho sự an ninh và an toàn của con.

Ý thức rõ việc ấy, là người tu giỏi, con quyết tâm tìm thấy hạnh phúc đích thực trong Pháp học, Pháp hành, Pháp hỷ, và Pháp lạc.

Sư Phụ hỏi:

Này quý Phật tử, quý vị có hoan hỷ và sẳn sàng tiếp nhận, thực tập, và áp dụng phương pháp thực tập chánh niệm thứ mười vào trong đời sống hằng ngày của quý vị không?

Vị đệ tử phát nguyện thực tập:        

Nam Mô Phật. Dạ thưa có.

Khi nghe tiếng chuông, xin quý vị thở vào và thở ra chánh niệm và tỉnh thức. (O)

ĐÔI LỜI SÁCH TẤN

Mười Phương Pháp Tu Tập Chánh Niệm vừa được truyền cho con xong. Từ nay cho tới trọn đời, con là đệ tử được đào tạo thuần thục của Đức Phật. Cứ mỗi nửa tháng ít nhất vài lần, con dành thời gian thích hợp của mình cho việc đọc, học, thực hành, và suy nghĩ sâu sắc về những lời dạy của Đức Phật để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Thời gian như thoi đưa, như tên bay. Nó không bao giờ dừng lại. Sức khỏe sẽ yếu dần, đời sống sẽ ngắn lại. Con hãy cố gắng tu tập Phật Pháp tốt đẹp để làm lợi ích cho quần sinh.

Nếu tu học Phật Pháp cho thuần thục và chín mùi, trong tương lai gần, con sẽ trở thành người thầy có khả năng hướng dẫn và hoằng dương chánh Pháp cho mọi người ở khắp nơi.

Tương lai nằm ngay chính ở hiện tại. Hiện tại, chúng ta tu học Phật Pháp thật tốt đẹp, thì an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

(3 lần, O)

HỒI HƯỚNG

Trì tụng Kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ơn nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Phật xin chứng nên.

Nguyện sanh về Tịnh Độ

Sen nở thấy vô sanh

Chư Phật và Bồ Tát

Là những bạn đồng hành.

Nguyện dứt hết phiền não

Cho trí tuệ phát sanh

Cho tội chướng tiêu tán

Quả giác ngộ viên thành. (O)

 Phát Nguyện Tinh Tấn và Lạy Tạ Ơn Tam Bảo

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Phật Đà. Nam Mô Phật Đà Da. (O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm chánh Pháp. Nam Mô Đạt Mạ Da. (O, 1 lạy)

Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Tăng Đoàn. Nam Mô Sanghaya. (O, 1 lạy)

Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm

Tùy theo chỗ ở thường an lạc. (3 Lần, O)

Sadhu, lành thay, excellence, and well-done. (O)

Transmitting and Receiving The Ten Methods of Mindfulness Trainings from The Triple Gem

 

Facebook Comments Box

Trả lời