1433 lượt xem

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phước Sơn

Thích Trừng Sỹ

TIN VIÊN TỊCH

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phước Sơn

 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Theo giờ Texas, lúc 14 giờ 56 phút ngày 6 tháng 6 năm 2020, từ Hoa Kỳ, chúng con nghe tin Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phước Sơn viên tịch tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Quận Phú Nhuận, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. 

Chúng con nhớ rõ Trưởng lão Hòa thượng là bậc Thầy giáo thọ mô phạm giảng dạy về Luật học rất sống động và dễ hiểu. Chúng con thành kính tri ơn Trưởng Lão đã hiến dâng cuộc đời giáo dục và đào tạo con người tài đức.

Là những Tăng Ni Khóa IV (1997-2001) và các Khóa đang hành đạo tại đất nước Hoa Kỳ, chúng con xin nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Trưởng Lão nhẹ nhàng đi về cõi Phật, sớm trở lại cõi Ta Bà này tiếp tục sự nghiệp giáo dục độ sinh.

Kính chúc Chư vị xuất Sĩ, cư Sĩ, quý Thầy giáo thọ, các bạn đồng học, và các bạn đồng tu tại Thiền Viện Vạn Hạnh cũng như Học Viện Phật Giáo Việt Nam nhiều vui khỏe để lo tang lễ của Trưởng lão chu toàn.

 Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính Lễ Giác Linh Trưởng Lão

Con, học trò cũ của Trưởng Lão

 

Thích Trừng Sỹ

Chùa Pháp Nhãn

Website: dharmaeye.net

 

 

Thơ Tri Ơn Hòa Thượng Thích Phước Sơn

 

Trước đây còn học mái trường xưa

Vẫn thấy chân Thầy nơi của Chùa

Vạn Hạnh lưu dấu nhiều Giáo thọ

Thầy luôn giảng dạy Luật sớm trưa.

 

Chúng con luôn ghi nhớ ơn Thầy

Cho dù năm tháng đã trôi qua

Trưởng Lão Hòa Thượng thường khuyên bảo

Luật nghi là hạnh người xuất gia.

 

Đức hạnh của Thầy mãi nơi đây

Chúng con luôn khắc ghi lời Thầy

Luật Phật hành trì và áp dụng

Để đem lợi ích thế gian này.

 

Hôm nay Thầy đủ duyên về Tây

Chúng con hành đạo ở xứ này

Nguyện Trưởng Lão cao đăng Phật quốc

Giác linh thanh thản nhẹ như mây.

 

Thích Trừng Sỹ

 

Xin mời xem Link Nhạc Thơ và Bài Hát Tri Ơn

HT. Thích Phước Sơn

 

Chia Sẻ Pháp Thoại về Cuộc Đời của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phước Sơn

 

 

Thiền Viện Vạn Hạnh, Tu Viện Quảng Hương Già Lam và Môn đồ Pháp quyến thành kính cấn báo:

 

Trưởng lão Hoà Thượng Thích Phước Sơn (1937-2020)

–  Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam

–  Giám Luật Thiền Viện Vạn Hạnh

Do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 02h56 phút ngày 16 tháng 4 nhuận năm Canh Tý – nhằm ngày 7 tháng 6 năm 2020 tại Thiền Viện Vạn Hạnh.

Trụ thế: 84 năm, 47 hạ lạp.

Lễ nhập kim quan vào lúc 17h ngày 16 tháng Tư nhuận năm Canh Tý (7/6/2020)

Lễ thỉnh Kim quan trà tỳ vào lúc 07 giờ ngày 18 tháng Tư nhuận Canh Tý (9/7/2020)

Kim quan Hoà thượng tôn trí tại giảng đường Thiền Viện Vạn Hạnh số 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, quận Phú Nhuận, Tp Hồ Chí Minh.

Kính báo

Thiền Viện Vạn Hạnh,

Tu Viện Quảng Hương Già Lam

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Trưởng Lão Hoà Thượng THÍCH PHƯỚC SƠN

(1937-2020)

Ngày 16 tháng Tư nhuận (7/6/2020)

           17h: Lễ Nhập Liệm

           Khai Kinh Bạch Phật

           Thỉnh Giác Linh An vị

           Thọ Tang

Ngày 17 tháng Tư nhuận (8/6/2020)

            06h: Cúng trà

            08h: Tụng Kinh

            0930h; Cúng Ngọ

            10h: Tiến Giác Linh

       14h: Thỉnh Giác Linh Tham Yết Phật Tổ tại Quảng Hương Già Lam & Thiền Viện Vạn Hạnh

            19h: Lễ Tưởng Niệm ( có chương trình riêng)

Ngày 18 tháng tháng Tư nhuận (9/6/2020)

            06h: Lễ Phát hành

            07h: Thỉnh Kim Quan thăng thượng giá

            08h: Trà tỳ

            09h: Thỉnh Giác Linh An vị

            Sự Hoàn

Lời dặn dò sau cùng của Hòa thượng thượng Phước hạ Sơn

***

Thiền viện Vạn Hạnh ngày 11 tháng 11 năm 2019

Tiểu sử do Hòa thượng Thích Nguyên Giác (Trụ trì Quảng Hương Già Lam) viết

Tang lễ tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh, ngắn ngày, đơn giản, nhẹ nhàng, không trống kèn. Sau khi thiêu đưa về thờ tại Quảng Hương Già Lam.

Nghi lễ ngắn gọn (đặc biệt là kinh số 43 – Đại Kinh Phương Quảng thuộc Kinh Trung bộ)

Miễn phúng điếu và vòng hoa, không ghi sổ tang

Tịnh tài còn lại giao thầy Minh Hải lo việc in ấn kinh sách.

 —–

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC SƠN

(1938 – 2020)

(Đại Nam Thiền phái Lâm Tế  đời thứ 44 húy Nguyên Hùng tự Phước Sơn, hiệu Thuận Tịnh)

  1. Thân Thế:

Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Sơn, thế danh Đặng Thành Công, sinh ngày mồng hai, tháng tám, năm Mậu dần, tức ngày 25.09.1938, trong một gia đình thâm tín ngôi Tam bảo, tại làng Xuân Quang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đặng Uẩn, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Thước.

  1. Thời kỳ Xuất gia tu học:

Vốn có túc duyên Phật pháp, năm 20 tuổi, nhân ngày lễ vía Bồ tát Quan Âm, ngày 19 tháng 9 năm Mậu tuất, Pl. 2502 (1958), Hòa thượng được cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, đương kim Giám viện Phật học viện Trung phần bấy giờ, thế phát xuất gia tu học và được ban cho pháp danh Nguyên Hùng tại Phật học viện Hải Đức – Nha Trang.

Sau bốn năm tinh cần học đạo, vào năm 1962, Hòa thượng được Bổn sư truyền thọ giới Sa di, với Pháp tự là Phước Sơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần vào năm 1964, theo lời chỉ dạy của Hòa thượng Bổn sư, Hòa thượng vào trú xứ Quảng Hương Già Lam để theo học chương trình Cử nhân Phật học tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Cử nhân Hán Nôm, và tín chỉ Triết học Phương Đông tại Đại học Văn Khoa – Sài gòn. Bằng sự nhiệt tâm tinh cần, nỗ lực hết mình, đến năm 1968, Hòa thượng hoàn tất các chương trình theo học, đã nhận Văn bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học và Hán Nôm, cùng với các tín chỉ triết học phương Đông thời đó.

  1. Thời Kỳ Hành đạo:

Với chí nguyện tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, được sự cho phép của Hòa thượng Bổn sư, mùa hè năm 1968, Hòa thượng trở về Phật học viện Hải Đức – Nha Trang, đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng trường Trung học Bồ đề Nha Trang, điều hành công việc giáo dục tăng ni và con em Phật tử xứ mà Hòa thượng từng xuất gia tu học. Tại đây, năm 1973, Hòa thượng thọ cụ túc giới, và được Hòa thượng Bổn sư ban cho Pháp hiệu Thuận Tịnh.

Đến năm 1974, theo sự điều động của Tổng vụ Giáo dục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng trở lại Sài gòn, ở tại chùa Thiên Quốc, Đào Duy Từ, quận Phú Nhuận, để làm trợ giảng môn Trung Bộ kinh cho Cố Hòa Thượng Viện trưởng Thích Minh Châu tại Đại học Vạn Hạnh.

Sau ngày đất nước thống nhất, vào năm 1976, Hòa thượng về Thiền viện Vạn Hạnh, phụ giúp Hòa thượng Minh Châu trong các Phật sự, nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy Tăng ni Phật tử tại thiền viện. Trong vai trò Giám luật, Hòa thượng thường giáo giới cho chư tăng Thiền viện thực hành đời sống phạm hạnh, nhất là qua các mùa an cư kiết hạ.

Năm 1984, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam Cơ sở II, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng đã tham gia giảng dạy bô môn Hán văn, Luật học cho Tăng Ni sinh từ buổi đầu thành lập trường từ Khóa I đến Khóa V. Từ 2004 đến 2016, Hòa thượng đã đảm nhiệm thêm việc giảng dạy lớp Phiên dịch của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn một trong những vị giáo phẩm cố vấn cho Chương trình Phật học hàm thụ do Báo Giác Ngộ phối hợp với Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN tổ chức, tiền thân của Khoa Đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM ngày nay.

Năm 1993 Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Phật giáo Việt Nam trực thuộc Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học từ nhiệm kỳ VII (2012 – 2017). Đại hội Phật giáo Toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Hòa thượng được Giáo hội cung cử vào Ban Chứng minh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

  1. Phiên dịch Kinh điển và trước tác:

Cùng với các Phật sự, dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời của Hòa thượng là dành nhiều thì giờ cho việc nghiên cứu, phiên dịch nhiều bộ luận, dịch thuật và tác giả nhiều công trình khảo cứu giá trị Phật học để lại cho hàng hậu học, bao gồm:

Dịch phẩm:

  1. Tam Tổ thực lục (1995).
  2. Phương pháp khoa học của Duy thức (dịch, 2000).
  3. Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh (dịch, 2001).
  4. Luật Ma-ha Tăng-kỳ (dịch, 4 tập, 2003).
  5. Ấn Độ Phật giáo nguyên lưu giảng lược (dịch, 2008).
  6. Lịch sử phiên dịch Hán tạng (dịch, 2008).
  7. Sắc tu Bách Trượng thanh quy (đồng dịch giả, 2 tập, 2008).
  8. Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy (đồng dịch giả, 2 tập, 2015),
  9. Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu (dịch, 2012).

Trước tác biên soạn:

  1. Thơ thiền Việt Nam (2002).
  2. Giải trình ý nghĩa Vu lan (2004).
  3. Luật học tinh yếu (2006),
  4. Một số vấn đề về Giới luật (2006).
  5. Thanh tịnh đạo luận toát yếu (2006).
  6. Phật học khái yếu (2010).
  7. Tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật (2013).

Cùng nhiều bài viết nghiên cứu Phật học, văn hóa dân tộc xuất bản trên Tập văn Ban Văn hóa GHPGVN, Báo Giác Ngộ , Kiến thức ngày nay từ thập niên 90 của thế kỷ XX, các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước.

Suốt chặng đường sáu mươi hai năm phụng sự Đạo pháp, Hòa thượng luôn tâm niệm thực thi hành trì giới luật nghiêm mật, làm sáng tỏ ngọn đèn Chánh pháp, và tiếp dẫn hậu lai. Nhiều thế hệ Tăng Ni được Hòa thượng giáo dưỡng, nay đã trưởng thành và kế thừa mạng mạch Phật pháp, đảm nhiệm các trọng trách giáo dục và đào tạo Tăng Ni tại Học Viện Phật giáo Việt Nam cũng như tại các trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học các tỉnh thành. Những ai có duyên được thân cận Hòa thượng, đều cảm nhận được cái khí vị thanh giản nhưng cẩn mật, nghiêm túc mà khiêm cung tỏa ra từ phong cách ứng xử của bậc chân tu nghiêm trì giới luật.

  1. Những ngày tháng cuối đời:

Sau bao nhiêu năm tinh cần tu học, tịnh giới trang nghiêm và thể nhập Phật tuệ vào đời, theo thời gian, tự thân thấy tứ đại bất an, nhưng không để sự già bịnh làm hệ lụy, thì giờ còn lại, Hòa thượng hằng chánh niệm, lắng tâm nghe pháp âm của Thế Tôn, được thị giả tuyên đọc hằng ngày qua các bài kinh Trung Bộ mà Hòa thượng tâm đắc.

Duyên đã mãn, Phật sự đã viên thành, vào ngày 16 tháng 04 nhuận, năm Canh tý, Pl.2563 (07.06 2020), vào lúc  02 giờ 56 phút, giữa âm thanh nhẹ nhàng chuyển vận lời kinh 43. Đại Phương quảng của Trung Bộ, trong căn phòng yên tĩnh của Tăng xá Thiền viện Vạn Hạnh, Hòa thượng chánh niệm xả báo thân, thuận tịch theo ánh sáng chánh pháp vô trước của Phật đà, trụ thế 84 năm, với 47 hạ lạp.

Thể theo tâm nguyện của Trưởng lão Hòa thượng về tang lễ cuối đời, môn đồ đệ tử đã tuân thủ di huấn của Ngài, thu xá lợi về nhập tháp phụng thờ tại Tam bảo tháp, Già lam Quảng Hương. Nơi bổn sư Hòa thượng khai kiến.

Suốt cả cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng là một tấm gương sáng ngời về phạm hạnh, là người thầy mô phạm hoằng pháp cho Tăng ni và Phật tử noi theo. Giờ đây, sắc thân của Ngài không còn nữa, nhưng đạo hạnh và sự nghiệp giáo dục của Hòa thượng mãi mãi còn để lại hương thơm trong lòng môn đồ pháp quyến và Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

Nam mô Tân Viên tịch tự Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế húy thượng Nguyên hạ Hùng, tự Phước Sơn, hiệu Thuận Tịnh Trưởng lão Hòa thượng Giác linh.

Do Hoà thượng Thích Nguyên Giác – Trụ trì Quảng Hương Già Lam phụng soạn

 

 

 

PHƯỚC NHUẬN SƠN HÀ

Thích Đồng Trí

Thành kính đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng thượng Phước hạ Sơn !

 

Than ôi!

Gốc Vạn Hạnh vừa ngã !

Trụ Già Lam đã nghiêng !

Duyên hồng trần vừa mãn

Người trở về Tây Thiên….

 

Nhớ Linh xưa :

Thôn Xuân Quang, Xã Cát Tường thị hiện

Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định quê hương

Thân Phụ Ngài là cụ ông Đặng Uẩn

Thế Danh Người ứng hợp : Đặng Thành Công.

 

Từ bao thuở vốn dựa nương Tam Bảo

Tuổi Hai Mươi (1958) đã cắt bỏ trần duyên

Vào Hải Đức, cầu Sư Ngài Trí Thủ

Được Pháp Danh như chí nguyện : Nguyên Hùng.

 

Bốn năm ròng, chuyên học tu tinh tiến

Ngài được truyền Sa Di Giới, Sáu Hai (1962)

Ban Pháp Tự : Phước Sơn – không lay chuyển

Hai năm sau, Ngài tốt nghiệp Tú Tài (1964).

 

Trải bốn năm, cho đến năm Sáu Tám (1968)

Ngài hoàn thành tín chỉ Triết Phương Đông

Đồng tốt nghiệp Cử Nhân Trường Vạn Hạnh

Xong Cử Nhân Ngôn Ngữ Học Hán – Nôm.

 

Ba Mươi Tuổi (1968), Ngài đã làm Hiệu Trưởng

Trường Bồ Đề Trung Học ở Nha Trang

Kể từ đó, Ngài chuyên tâm giáo dưỡng

Lo ươm trồng vườn hoa Đạo ngát hương.

 

Ba Lăm Tuổi (1973), Ngài đăng đàn Cụ Túc

Kể từ đây làm Thuận Tịnh Tỳ Khưu

Suốt ngày đêm Ngài trau dồi Kinh Luật

Để thấm nhuần trong Chánh Pháp cao siêu.

 

Năm Bảy Tư (1974), Người về Chùa Thiên Quốc

Trợ giảng cho Ngài Viện Trưởng Minh Châu

Người khai thị những điều tinh hoa nhất

Trung Bộ Kinh chứa nhiều Pháp nhiệm mầu.

 

Năm Bảy Lăm (1975) Ngài trú nơi Vạn Hạnh

Chuyên nghiên tầm Tam Tạng nghĩa sâu xa

Bậc Giám Luật luôn hiển bày lẽ Chánh

Lo ươm trồng mầm Tuệ Giác thiết tha.

 

Lo giáo dục bốn mươi năm không mỏi

Lo xiển dương Luật Tạng chúng nghiêm hành

Lo hun đúc đàn hậu lai nên giỏi

Lo mồi đèn cho Chánh Pháp lan nhanh.

 

Mỗi buổi dạy Người say sưa giảng giải

Dốc tâm tư, bao nguồn mạch tuôn trào

Chỉ Học Viên đâu là điều Trái – Phải

Lo tiến tu để thoát tục, thanh cao.

 

Ôi gương sáng Giáo Thọ Sư kỳ vĩ

Lời dạy Ngài là thước ngọc khuôn vàng

Đã thấm sâu trong tim gan, xương tủy

Tiếp chúng con nhiều động lực, hành trang.

 

Thật quý hiếm trong cõi đời dục lạc

Đóa hoa sen thanh khiết chẳng uế nhơ

Mãi lan tỏa một mùi hương thơm ngát

Một bức tranh thật toàn bích, nên thơ…

 

Gương “Tam Tổ” vẫn sáng soi mãi mãi

Người tu nhờ sách “Duy Thức” chuyển tâm

Thanh Quy đó giữ nhà Thiền vững chãi

Di sản Ngài thật quý giá, thậm thâm…

 

Tuổi Tám Tư (84) Người thuận duyên buông xả

Di chúc Ngài thật cao quý, thâm tình

Không vướng bận pháp hữu vi nào cả

Vẫn tràn đầy một Hạnh Nguyện độ sinh.

 

Còn đâu nữa một tôn nhan đáng kính?!

Giáo Thọ Sư mài miệt các giảng đường

Bậc mô phạm, Hạnh đoan nghiêm thanh tịnh

Vị Luật Sư nghiêm cẩn để làm gương…

 

Kính tri ân trong đời duyên tri ngộ

Gương xuất trần thượng sỹ sáng trong ngần

Bao thế hệ nhớ ơn Thầy dạy dỗ

Tưởng niệm Người lo học Đạo, nghiêm thân.

 

Trường Vạn Hạnh Phượng vi vu xào xạc

Nhắc nhở người hình ảnh bậc Tôn Sư

Chốn Già lam vẫn còn đây Y Bát

Để truyền trao bao nếp Hạnh, lý Như…

 

Giờ này đây vọng Kim Đài kính lễ

Tiễn Ân Sư trong giây phút đăng trình

Ngưỡng nguyện Người vẫn không quên “bổn Thệ”

Chèo thuyền Từ Bát Nhã độ quần sinh.

 

Bao kỷ niệm, bao ân tình tha thiết

Theo chúng con, mãi mãi suốt hành trình.

Dẫu đã biết vô thường, sao thương tiếc?

Noi gương Ngài cho Đạo Pháp xương minh.

 

Nam mô Tự Lâm Tế chánh tông tứ thập tứ thế húy thượng Nguyên hạ Hùng, tự Phước Sơn, hiệu Thuận Tịnh Trưởng lão Hòa thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ minh chứng.

 

Khể thủ,

Học Trò của Người

Tăng Sinh Khóa III, Đại Học Vạn Hạnh

Thích Đồng Trí

 

Hoà Thượng Giám Luật Vạn Hạnh, Suốt Đời Như Ngọn Núi Thiền

 

(Bài kính Dâng Giác Linh Cố Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Phước Sơn)Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn sinh năm 1937, thu thần viên tịch vào lúc 2 giờ 56 phút hôm nay, ngày 16 tháng 4 nhuận năm Canh Tý (7-6-2020), tại thiền viện Vạn Hạnh – trụ xứ gắn bó với ngài mấy mươi năm qua; Trụ thế: 84 năm, 47 hạ lạp. Kim quan Trưởng lão Hoà thượng tôn trí tại giảng đường thiền viện Vạn Hạnh, số 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. (https://youtu.be/0x6YjWIeENY) 

Đã bao mùa Kiết hạ an cư, đã bao mùa trùng tuyên giới bản. Đức Hoà Thượng giám luật Thiền viện Vạn Hạnh đã trao truyền cho chúng con những Học Pháp, những Học giới cổ kính, tường tận của một nhà tu hành. Gần 5 năm học giới bản Tân Tu của Thiền Sư Nhất Hạnh và hơn bảy năm được ôn tụng, nghiêm trì những luật nghi của Đức Hoà Thượng Giám Luật Vạn Hạnh Đường, chúng con mới thấu hiểu “con đường của mình đi tới đỉnh núi” để nhìn rộng, bao dung hết thảy vạn hữu, như có như không cảnh Ta- bà. Mỗi kỳ tụng giới, vào nửa tháng tụng một lần. Vạn Hạnh, có nhiều vị tôn đức chuẩn hạnh, đạo tình, tử tế đã làm tâm thức hàng hậu học chúng con tự lay động chính tâm, và không thể nào quên bổn hạnh độ sanh nơi trần thế, quên đi bản hoài “ Hạt cơm xin trần thế, mây trắng hỏi đường qua”. 

Vạn Hạnh, những ngày còn thân hiện Cố Viện chủ, có khi túc chúng nội trú lên tới 40 vị, và nhờ có sự hiện pháp, thân giáo của Trưởng Lão Hoà Thượng thượng Phước hạ Sơn đã làm nên một Vạn Hạnh thêm cổ kính và viên dung phẩm hạnh. Hoàn thiện lớn một chân tính giới xuất gia “ Thượng cầu Phật đạo, Hạ hoá chúng sanh”. Có lúc Hoà thượng dạy: “Thế giới an, thì tâm chúng ta an, tâm chúng ta an, thì thế giới mới an”.
Hoà Thượng Giám Luật của Thiền Viện Hạnh luôn là Người Thầy, thường có dấu ấn chánh pháp “Im lặng Vô ngôn” trong Trú xứ. Nhưng khi Hoà thượng đã hành sự Vô ngôn rồi, thì tất cả đều Thuận.
Các chúng con, được ngồi tụng giới bên Hoà thượng, được quét hiên cho Hoà thượng, được bưng những ly nước mát hầu Hoà thượng(HT) và có cả những mâm cơm thường nhật.
Hai O nhà trù ( O Nhạn, O Ngọc) đã suốt hơn 40 năm qua, luôn nấu cơm dâng khay cơm lên Hoà thượng dùng, tuy chỉ có canh rau, dưa muối, đậu kho, bún xào nhưng quý Hoà Thượng dùng rất thấm và ngon miệng, vừa ý.
Chúng con, cũng từ đó cũng đã rút ra cho mình những bài học, những ân tình đạo vị, những tháng năm cốt cách của vị chân tu một đời vì Phật pháp.

“Người đã lên cao núi Niết Bàn
Phước Sơn thiền trượng bước thiền tham
Đến như không đến tâm vô trước
Đi chẳng là đi ý luận đàm
Thuận Tịnh phương nghiêm hòa tứ chúng
Nguyên Hùng cao đức độ nhân gian
Luật nghi phương trượng đoan nghiêm tướng
Thuận thế quy nguyên thể Niết Bàn …”
HẠNH PHƯƠNG

Sau, mỗi lần thỉnh HT cơm trưa, (lúc đó thị giả Minh Hải đã đi du học) thì con lại được có duyên túc hầu HT, con đã ngạt nhiên vô cùng khi thấy HT vẫn còn mở Video lên để nghe các vị giảng sư khác giảng, trong các giờ nghe youtube giảng, Hoà thượng thường nghe băng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Và từ đó, con mới cảm ngộ ra rằng, muốn có chất liệu tu tập và từ bi, thực hành giáo pháp không buông lơi thì chỉ có nghe pháp thoại. Những ngày tháng đó, Hoà thượng cũng thường xuyên rải tâm từ tự thân lên cho các tu sinh Bát Nhã, mỗi khi Hoà thượng công phu.
Hoà thượng, với Hoà thượng Chơn Nguyên chỉ dùng bữa chánh ngọ, còn buổi sáng, buổi chiều hai Hoà thượng cũng chỉ uống bột ngũ cốc, khoai nấu hoặc đậu nành trắng muối tiêu. Ngày xưa ( hơn 10 năm) về trước, Vạn Hạnh còn có thêm Hoà thượng Trung Hậu.
Ba Hoà thượng của Vạn Hạnh thường thay phiên nhau Thuyết giới và thuyết lời Dặn dò của Cố Viện Chủ- Trưởng Lão Hoà Thượng thượng Minh hạ Châu; ba Hoà thượng ở với nhau rất bền, từ Thiền thất cây xoài rồi vô tới Tăng xá nhưng không bao giờ có tiếng chi.

Ba Hoà thượng đã làm cho không gian Vạn Hạnh càng thanh tịnh và hùng tráng, Nên từ đó, mặc dù hôm nay, hơn 40 học Tăng, thế hệ chúng con, qua 7 mùa an cư học hạ cùng với quý Hoà Thượng Vạn Hạnh không thể trở về đông đủ để quỳ xuống bên đấng kim quang, như núi thiền định của Cố Hoà thượng được nhưng chúng con luôn luôn một lòng một dạ ngày đêm sửa mình, ngày đêm tinh khiết hướng về đài kim thân, nơi tôn trí đỉnh trầm thượng thủ Tăng già Vạn Hạnh. Ba Hoà thượng đã làm cho không gian Vạn Hạnh càng thanh tịnh và hùng tráng, Nên từ đó, mặc dù hôm nay, hơn 40 học Tăng, thế hệ chúng con, qua 7 mùa an cư học hạ cùng với quý Hoà Thượng Vạn Hạnh không thể trở về đông đủ để quỳ xuống bên đấng kim quang, như núi thiền định của Cố Hoà thượng được nhưng chúng con luôn luôn một lòng một dạ ngày đêm sửa mình, ngày đêm tinh khiết hướng về đài kim thân, nơi tôn trí đỉnh trầm thượng thủ Tăng già Vạn Hạnh. 

Con,T.K Thích Pháp Bảo 

Thành Kính Đê Đầu Cẩn Niệm, Giác Linh Hoà Thượng Cao Đăng Phật Quốc.Ngài là một học giả với tính cách cẩn thận, phiên dịch nhiều bộ luận, tác giả của nhiều công trình khảo cứu giá trị. Tác phẩm của Trưởng lão HT.Thích Phước Sơn để lại có thể kể một số như: Tam Tổ thực lục (1995), Phương pháp khoa học của Duy thức (dịch, 2000), Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh (2001), Thơ thiền Việt Nam (2002), Luật Ma-ha Tăng-kỳ (dịch, 4 tập, 2003), Giải trình ý nghĩa Vu lan (2004), Thanh tịnh đạo luận toát yếu (2006), Luật học tinh yếu (2006), Một số vấn đề về Giới luật (2006), Ấn Độ Phật giáo nguyên lưu giảng lược (dịch, 2008), Lịch sử phiên dịch Hán tạng (dịch, 2008), Sắc tu Bách Trượng thanh quy (đồng dịch giả, 2 tập, 2008), Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy (đồng tác giả, 2 tập, 2015), Phật học khái yếu (2010), Tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật (2013), Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu (dịch, 2012)… cùng nhiều bài viết, nghiên cứu Phật học, văn hóa dân tộc xuất bản trên Báo Giác Ngộ từ thập niên 90 của thế kỷ XX, các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước.

 

 

Facebook Comments Box

Trả lời