Trong Tam tạng giáo điển nhà Phật, giới luật có vai trò rất quan trọng, được xếp thành một tạng riêng, tạng Luật. Trong nội dung tu tập của hàng đệ tử Phật, dù tu theo bất cứ pháp môn nào, cả xuất gia lẫn tại gia, đều phải thành tựu giới; nhân giới mà sanh định, nhân định mà phát tuệ.
Giới luật được Thế Tôn thiết lập thông qua những biến động trong đời sống Tăng đoàn, mang tính “tùy phạm, tùy chế” (trừ giới Bồ-tát). Trong giai đoạn đầu, Tăng đoàn toàn là những bậc Thánh vô lậu nên Thế Tôn không chế giới. Về sau người xuất gia ngày càng nhiều và có những phiền não, uế tạp, trở ngại phát sinh trong đại chúng phàm tăng nên Thế Tôn căn cứ vào những trường hợp cụ thể mà ban hành giới luật.
Giới luật có tác dụng hỗ trợ người tu hành hoàn thiện nhân cách và Thánh cách, giúp cho đại chúng hòa hợp và an ổn, khiến Chánh pháp được tồn tại lâu dài nên giữ giới có mười sự công đức.
“Một thời Phật ở tại Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có mười sự công đức, Như Lai vì các Tỳ-kheo nói cấm giới. Thế nào là mười?
Là thừa sự Thánh chúng;
hòa hợp thuận thảo với nhau;
an ổn Thánh chúng;
hàng phục người ác;
khiến các Tỳ-kheo biết tàm, quý, không bị não loạn;
người không tin khiến lập lòng tin;
người đã tin khiến tăng thêm bội phần;
ở trong hiện pháp được dứt sạch hữu lậu, cũng khiến cho các lậu đời sau thảy đều trừ sạch;
khiến Chánh pháp trụ đời lâu dài;
thường suy nghĩ phải có cách gì để Chánh pháp tồn tại lâu dài.
Này các Tỳ-kheo! Ðó là mười pháp công đức, Như Lai vì các Tỳ-kheo nói cấm giới. Cho nên, Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện thành tựu cấm giới đừng để cho mất. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Kết cấm,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.274)
Rõ ràng, trong bất cứ đoàn thể nào, muốn vững mạnh và an ổn cũng đều cần có nội quy, có kỷ luật. Nội quy càng chặt chẽ, tính kỷ luật càng cao thì đoàn thể ấy càng vững mạnh. Tứ chúng đệ tử Phật cũng vậy, cần được sống trong giới luật, được giới luật che chở và bảo hộ thì mới điều phục được phiền não, thăng hoa tâm linh và khiến cho Chánh pháp trụ đời lâu dài.
Hầu hết người phàm chúng ta, vì vô minh và dục vọng sai khiến nên buông lung, phóng dật tạo ra nhiều điều tội lỗi. Những tranh chấp và bất hòa gây chia rẽ, phiền não tham dục hữu lậu trong tự thân ngày càng nhiều, không chuyển hóa được người ác cải tà quy chánh, khiến người khác mất lòng tin vào Tam bảo v.v… đều do chúng ta không giữ giới mà sanh ra.
Vì thế nên “Giới luật còn là Phật pháp còn” hay “Sau khi Ta diệt độ, hãy lấy Giới luật làm thầy” đã nói lên tầm quan trọng của giới luật. Thế Tôn thiết lập giới luật vì mười pháp công đức, hàng đệ tử tuân thủ giới luật để được mười sự công đức. Chúng ta đã nguyện đi theo con đường giải thoát của Thế Tôn thì cần nương tựa vào giới luật để hoàn thiện tự thân, xây dựng Tăng đoàn vững mạnh, giúp người và cứu đời, khiến Chánh pháp ngày càng xương minh, trụ thế lâu dài.