1235 lượt xem

Chánh Mạng

Chùa Vạn Hạnh

I) Dẫn nhập:

Mỗi người trong xã hội ai cũng có nghề nghiệp để mưu sinh, nuôi sống bản thân, gia đình và giúp ích cho xã hội. “Bách gia bách nghệ”, trăm nhà trăm nghề. Trong trăm công ngàn nghề ấy, có nghề nghiệp lương thiện, nhưng cũng có nghề nghiệp bất lương; có những phương tiện kiếm sống trong sạch, nhưng cũng có cách kiếm sống gian ngoa, xảo trá… Người Phật tử, nhờ hấp thụ những lời dạy của đức Phật, đã ý thức được rằng, có những nghề nghiệp, những phương tiện kiếm sống gây khổ đau cho mình, cho người và cho các loài khác, nên nguyện chỉ sinh sống bằng những nghề nghiệp chân chánh, lương thiện, gọi là Chánh mạng.

2) Nội dung:

2.1. Định nghĩa: Chánh mạng, Phạm samyak-ājīva, có nghĩa là nghề nghiệp hay phương tiện sinh sống chân chánh. Người Phật tử, y theo Chánh pháp, giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, từ bỏ những phương tiện mưu sinh bất chánh, hại mình hại người và tổn thương đến muôn loài, đó là thực hành Chánh mạng.

Trong Trung A hàm, kinh Phân biệt thánh đế, đức Phật định nghĩa: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về Khổ là Khổ, Tập là Tập, Diệt là Diệt, Đạo là Đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó không phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng Tà mạng. Chỉ theo Chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo Chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là Chánh mạng”.

A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận, định nghĩa: “Thế nào là Chánh mạng? Là vị Thánh đệ tử, nơi Khổ tư duy Khổ, cho đến nơi Đạo tư duy Đạo, tư duy tương ưng với tâm ý vô lậu, có sức mạnh giản trạch, từ bỏ lối sống tà mạng với các hành động bấtthiện của thân và khẩu, đạt được vô lậu, viễn ly cho đến thân và ngữ nghiệp vô biểu.Đó là Chánh mạng.”[1]

Chúng sự phần A-tỳ-đàm luận, cũng đưa ra định nghĩa: “Thế nào là Chánh mạng? Là vị Thánh đệ tử, nơi Khổ tư duy Khổ, cho đến nơi Đạo tư duy Đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, từ bỏ lối sống tà mạng bởi các hành vi bất thiện thuộc thân và khẩu; với trí tuệ vô lậu, không hành động tự phòng hộ bằng cách thâu nhiếp luật nghi,cũng không tạo tác điều ác, không vi phạm lỗi lầm, trụ như bờ đê kiên cố, trụ nơi sự không sai phạm kiên cố. Đó gọi là Chánh mạng.”[2]

A-tỳ-đạt-ma phẩm loại túc luận, thì định nghĩa: “Thế nào là Chánh mạng? Là vị Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy Khổ, nơi Tập tư duy Tập, nơi Diệt tư duy Diệt, nơi Đạo tư duy Đạo, từ bỏ lối sống tà mạng với các ác hạnh nơi thân và ngữ; do sức mạnh quyết trạch dẫn đến vô lậu, viễn ly, đình chỉ, viễn ly một cách hoàn toàn, tịch tịnh luật nghi, không tạo tác, không sai phạm, không phá giới, không trái, không vượt, trụ nơi không trái vượt. Đó là Chánh mạng.”[3]

Luận Đại trí độ thì ghi rằng: “Chánh mạng là, hết thảy các phương tiện mưu sinh đều chánh chứ không tà. Trụ trong trí bất hý luận, không thủ Chánh mạng, không xả Tà mạng, cũng không ở trong Chánh pháp, cũng không ở trong Tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng Chánh mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chánh mạng.”[4]

2.2. Phân biệt với Tà mạng:

Ngược lại với Chánh mạng là Tà mạng, tức là sinh sống bằng những phương tiện bất chánh, hành nghề bất chánh, như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, môi giới v.v…Kinh luận liệt kê năm nghề nuôi sống khả dĩ tạo nghiệp xấu, gọi là Tà mạng, đó là: buôn bán vũ khí, buôn bán nô lệ, nuôi thú vật bán cho người ta ăn thịt hoặc làm nghề đồ tể, bán những chất ma túy, chất gây nghiện, và buôn bán độc dược.

Đối với người xuất gia, nếu sống bằng những phương tiện sau đây là đang hành Tà mạng:

  1. Trá hiện dị tướng, tức đối với người thế tục, trá hiện tướng kỳ dị đặc biệt để cầu lợi dưỡng.
  2. Tự thuyết công năng, tức là tự khoe khoang công đức, tài cán của mình để cầu lợi dưỡng.
  3. Chiêm tướng cát hung, tức xem tướng, xem bói, xem thiên văn, địa lý, phong thủy, nói điều lành dữ của người để cầu lợi dưỡng.
  4. Cao thanh hiện uy, tức nói năng huênh hoang, cố tỏ uy thế để cầu lợi dưỡng.
  5. Thuyết sở đắc lợi dĩ động nhân tâm, tức ở nơi kia được lợi thì đem đến khoe ở đây, ở đây được lợi thì đến khoe ở nơi kia để cầu lợi dưỡng. Đó là những phương tiện mưu sinh bất chánh mà một người xuất gia phải từ bỏ. Ngoài ra, nếu lạm dụng hai chữ “phương tiện”, để biến các pháp sự như cầu an, cầu siêu, dâng sao giải hạn, rút xăm, coi ngày tốt xấu, mở dịch vụ mai táng, hộ niệm v.v… thành “cái nghề”, nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống, đánh mất chí nguyện độ sanh, đánh mất lý tưởng tu học, đều được xem là sinh sống Tà mạng.sinh sống Tà mạng.

2.3. Phân loại Chánh mạng:

Theo Tạp A-hàm: “Chánh mạng có hai loại: Có loại Chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện; có loại Chánh mạng thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.

 “Thế nào là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõithiện? Tìm cầy y, thực, ngọa cụ, thuốc thang theo bệnh đúng như pháp, chứ chẳngphải không như pháp. Đó gọi là Chánh mạng thuộc về thế tục, hữu thủ, hữu lậu,chuyển hướng cõi thiện.

“Thế nào là Chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi Khổ tư duyKhổ, nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo; đối với các tà mạng, vô lậu, không thích đắm trước cố thủ, giữ gìn không phạm, không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó là Chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ”.

Như vậy, một cách tổng quát, Chánh mạng có hai loại, hữu lậu và vô lậu, hay còn gọi là thế gian và xuất thế gian. Trên bình diện thế gian, thuộc chân lý tương đối, còn gọi là tục đế, mà đức Phật thường khuyên dạy hàng Phật tử tại gia cố gắng hành trì đểcó cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong hiện tại, đồng thời gieo trồng nhân lành để cóphước báo tối thắng trong cõi Trời và cõi Người thì, Chánh mạng là những nghềnghiệp chân chánh, lương thiện, đúng chánh pháp, như từ bỏ sát sanh, trộm cướp, tàdâm, nói dối, buôn lậu, môi giới, buôn bán vũ khí, kinh doanh chất gây nghiện…

Đối với người xuất gia, sống bằng hạnh khất thực, phải đúng như pháp để tìm cầubốn việc: y áo, thức ăn, ngọa cụ và thuốc thang (gọi là tứ sự) trên tinh thần “thiểu dụctri túc”.

Trên bình diện xuất thế, thuộc chân lý tuyệt đối, gọi là chân đế, Chánh mạng là cái gì thuộc từ bỏ, từ đoạn, từ khước Tà mạng của bậc Thánh thuần thục trong Thánh đạo; mọi phương tiện sống đều được thực hiện với tâm vô lậu, không vướng mắc vào Tà mạng và cũng không vướng mắc vào Chánh mạng.

3) Tác dụng của Chánh mạng:

Quy luật của sự phát triển và tồn tại buộc con người, cũng như các loài khác, phải đấu tranh, cạnh tranh để sinh tồn. Để bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình,con người phải xem công cuộc làm ăn sinh sống là một vấn đề trọng đại và do đó, cómột thúc dục cấp bách đẩy con người đi dài theo kiếp sống để thành tựu sự nghiệp.Động lực thúc đẩy đó có thể là để tồn tại được, có thể là để tồn tại sung sướng, hạnh phúc, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống. Xét cho cùng, đó chính là dục vọng. Và do không ý thức được loại dục vọng nào đang thúc đẩy chúng ta đi, thúc đẩy chúng tahành động, nên chúng ta đã đẩy cuộc sống của bản thân mình cùng với thế giới loàingười đi đến chỗ tương tàn, chiến tranh, bất công, bạo động, khủng bố…

Đạo Phật với tuệ giác giải thoát, quán chiếu thấy thực trạng khổ đau, bất công củakiếp sống con người được tạo nên bởi chính những ngành nghề bất chính, không lươngthiện nên quyết tâm xây dựng một xã hội lành mạnh, an vui hạnh phúc trên nền tảng Chánh mạng mà mọi người đều có thể thực hiện được, đó là từ bỏ sinh nhai bằng mộtnghề nghiệp có hại cho kẻ khác, như buôn bán khí giới, chất uống say sưa, độc dược, giết hại súc vật, lừa dối, mại dâm v.v… và nên sống bằng nghề nghiệp đáng kính, vô tội, không có hại cho người và vật.

Qua đó, chúng ta thấy đạo Phật phản đối chiến tranh và bạo tàn, cũng không ủnghộ những lối sống sa hoa trác táng như rượu chè, bài bạc, ma túy, mại dâm… Chúng tathử hình dung một thế giới mà ở đó, con người sống bằng con đường Chánh mạng, thìlàm gì có khổ đau, chiến tranh, bất công và tệ nạn xã hội? Chánh mạng đích thực làmột bản hiến pháp để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc; là bức thông điệp hòa bình cho thế giới.

Đối với người xuất gia, những Tỳ kheo đã từ bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình, không nhà cửa, không tài sản, tất cả những gì người xuất gia có chỉ bao gồm ba y và một bình bát. Họ không phải buôn bán hay làm lụng để sinh sống như người cưsĩ tại gia. Dù vậy họ cũng phải thực hành Chánh mạng trong quá trình khất thực, mà cụ thể là xa lìa những phương tiện mưu sinh tà vạy như đã trình bày ở trên.

Ngày nay, ở những đất nước có truyền thống Phật giáo Đại thừa, người xuất gia không còn phải đi khất thực nữa, mà thậm chí còn tham gia vào xã hội với những ngành nghề cụ thể. Điều đó không có nghĩa là trái với tinh thần giới luật, nhưng mộtđiều mà người xuất gia luôn cân nhắc và ý thức rằng, nghề nghiệp mà mình đang làmcó Chánh mạng hay không? Hơn nữa, người xuất gia luôn ý thức, đó chỉ là phương tiệnnhằm góp phần xây dựng xã hội, giúp ích cho mọi người, chứ không phải cứu cánh của đời sống xuất gia. Xưa, vua Trần Thánh Tông ở ngôi vị đế vương, lãnh đạo cả đấtnước, mà vẫn có thể hành thiền và chứng quả giải thoát. Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng vậy. Đó là những tấm gương sáng của đời sống Chánh mạng, hơn nữa là Chánh mạng vô lậu.

4) Kết luận:

Chánh mạng, cũng như Chánh ngữ và Chánh nghiệp, là biểu hiện của nhận thức và tư duy đúng đắn, tức là nhờ có Chánh kiến và Chánh tư duy, chúng ta biết nên sống bằng những ngành nghề nào không gây khổ đau cho bản thân mình, cho tha nhân và muôn loài. 

Chánh mạng là biểu hiện của đời sống đạo đức, lành mạnh. Xuất phát từ tâm chân thật, từ bi, bình đẳng, người Phật tử biết sống trong sạch, ngay thẳng bằng những ngành nghề chân chính, lương thiện. Người sống bằng nghề nghiệp lương thiện là người có đạo đức. Mà đạo đức thì lúc nào cũng đáng quý, đáng kính.

Tóm lại, Chánh mạng tạo điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại an lành hạnh
phúc cho từng cá nhân. Nếu người sống Tà mạng, hàng ngày gạt gẫm, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp và do đó gây xáo trộn cho toàn thể cộng đồng, thì người có Chánh mạng đem lại tình trạng an toàn, hòa hợp cho tất cả mọi người. 

 

 

[1]  A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận, 12 quyển, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên tạo, Đường Huyền Trang dịch. Đại chính 26, số 1537.

[2]  Chúng sự phần A-tỳ-đàm luận, 12 quyển, Tôn giả Thế Hữu tạo, Cầu Na Bạt Đà La và Bồ Đề Da Xá dịch. Đại chính 26, số 1541.

[3] A tỳ đạt ma phẩm loại túc luận, 18 quyển, Tôn giả Thế Hữu tạo, Đường Huyền Trang dịch. Đại chính 26, số 1542.

[4]  Luận Đại trí độ, 100 quyển, Bồ tát Long Thọ tạo, Cưu Ma La Thập dịch. Đại chính 25, số 1509

Facebook Comments Box

Trả lời