Huyền Lam
Mô phỏng căn nhà cabin mà ông Ken sinh sống
Miền Tây bắc Hoa Kỳ núi rừng hùng vĩ, nơi đây mưa nhiều do gần Thái Bình Dương. Cũng chính vì yếu tố thiên nhiên này, rừng núi ở đây có vô số loài nấm mọc, trong đó có loài cực kỳ quý hiếm. Là thành viên của Hiệp hội Nấm rừng, người viết thường có những chuyến đi khảo sát.
Trong một lần dừng chân tại thị trấn nhỏ dưới rặng núi Cascade, khi tiếp xúc người dân địa phương để tìm hiểu đặc chủng nấm trong vùng, người viết được kể cho nghe về câu chuyện một thiền sư sống đơn độc giữa núi rừng. Người viết xin ghi lại câu chuyện đầy xúc cảm này như một món quà xuân dành tặng quý độc giả .
Thị trấn Ran nhỏ bé, khoảng vài trăm cư dân, nằm giữa rừng già đại ngàn, không xa lắm là dãy núi Cascade hùng vĩ mùa đông phủ tuyết. Mười năm trước, dân nơi đây bàn tán về người đàn ông tuổi ngoài 70 nhưng dáng dấp khỏe mạnh, nhân cách nhẹ nhàng vi diệu như một ông tiên. Cứ mỗi độ hoa lê rừng nở trắng xóa trên triền núi, người dân lại thấy ông lái chiếc xe pickup cũ từ đường mòn trên núi cao vào trung tâm thị trấn rồi dừng tại nhà dưỡng lão dành cho người nghèo.
Mỗi tuần ông đến đây hai lần, từ sáng sớm cho đến chiều. Ông nấu cho người già ăn, đánh dương cầm cho người già nghe, chỉ cho họ cách đi, cách ngồi, cách thở. Mà lạ thay, ông làm việc gì cũng chậm rãi nhưng đầy năng lượng tươi vui. Mỗi lần có ông, nhà dưỡng lão bừng lên sức sống, được thay luồng khí mới. Các cụ già ánh mắt rạng ngời, nụ cười rạng rỡ như những đóa hoa vừa được tưới tẩm tình thương.
Khi lá rừng chuyển sang màu vàng cũng là lúc người dân thị trấn không còn thấy ông nữa. Các cụ già cố gắng làm theo lời ông chỉ dẫn để cuộc sống an lạc, tâm linh hơn. Nhưng không có ông, nhà dưỡng lão như mất đi lò sưởi ấm mùa đông, trở nên trầm buồn lạnh lẽo. Các cụ già từng ngày nhìn ra khung cửa sổ giữa màu tuyết trắng mênh mông lại mỏi mắt trông chờ những cánh hoa lê rừng nở trắng.
***
Ông Ken từng thọ giáo, học thiền, học Phật nhiều năm từ Đức Dalai Lama, Thiền sư Suzuki. Ông vốn là nhà khoa học nghiên cứu về tác động môi trường từ chất thải hóa học do con người tạo ra. Một hôm đọc tập san chuyên ngành Khoa học Môi trường, trong đó có bài nói về triết lý Phật giáo nhấn mạnh đến mối tương quan, tương tức của vạn vật đã làm ông ngạc nhiên về tính khoa học của một tôn giáo mà trước đây ông cho là quá cổ xưa lạc hậu.
Ông không ngờ từ ngàn xưa tôn giáo ấy đã biết quý trọng cây cỏ mọi loài sinh linh và chỉ ra mối liên hệ mật thiết cần bảo vệ. Từ đó ông tìm hiểu về Phật giáo nhiều hơn. Ông đã trải qua từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nghiên cứu kho tàng kinh điển bao la của đạo Phật. Ông quyết định trở thành người con Phật sau chuyến du hành sang Dharamshala – Ấn Độ dự khóa tu do ngài Dalai Lama giảng dạy.
Trước khi về hưu, ông tìm mua khu đất rừng rộng mấy mươi ha trên triền núi dãy Cascade miền Tây bắc Hoa Kỳ. Ông cho dựng căn nhà nhỏ làm bằng cây rừng thô ghép lại (cabin). Đây là ước mơ bao năm của ông có được nơi yên tĩnh, hoang dã để tu tập và viết những bài nghiên cứu cho các tạp chí Phật giáo bằng Anh ngữ. Dù đã về hưu nhưng ông rất tinh tấn, năm giờ sáng ông thức dậy pha trà, đốt nén hương ngồi thiền. Sau buổi ăn sáng, ông thiền hành, thả bộ theo con suối bên hông nhà xuống cánh rừng sồi phía dưới.
Trong một buổi thiền hành cuối thu, ngồi nghỉ chân bên bờ suối ngắm nhìn cánh rừng ngợp lá vàng bay trước mặt, ông thấy mấy chú sóc từ trên cây leo xuống, vừa đi chậm rãi vừa đánh hơi thảm lá vàng dưới đất. Chợt chúng dừng chân, moi lên dưới thảm lá mục những viên củ rừng to bằng trứng chim cút, có viên to bằng quả chanh rồi đem về tổ trên cây cao cất giấu.
Tò mò, ông tới nơi chúng đào, dùng nhánh cây rừng khơi xung quanh, vài viên củ rừng trăng trắng hiện ra. Ông đưa lên mũi, thoang thoảng mùi hương nhẹ phảng phất. Như không tin vào thính giác mình, ông đem xuống bờ suối dùng hòn đá có góc cạnh bén cắt đôi, hương thơm theo vết cắt lan tỏa đậm đà, một thứ hương không nồng, không nặng, rất nhẹ nhàng tinh tế dễ chịu. Ông Ken thầm thốt lên:
– Nấm truffle.
Ông không ngờ cánh rừng do mình làm chủ có loại nấm vô cùng quý hiếm này, mỗi ký được bán lên tới cả 5-10 ngàn USD. Đây là loài thực phẩm mắc nhất thế giới. Ông quay lại chỗ sóc đào, lượm thêm một viên nấm rồi tiếp tục thiền hành trở về nhà. Sau khi rửa sạch, ông thành kính bỏ viên nấm vào dĩa dâng lên bàn thờ Phật như dâng lên viên ngọc quý báu ban tặng từ đất trời.
Suốt ngày đó, ông vẫn làm những công việc bình thường, mỗi khi ý niệm truffle phấn khích nổi lên, ông theo dõi hơi thở, điều tâm thanh tịnh trở lại. Hôm sau, thay vì thắp nhang lễ Phật trước khi ngồi thiền như thường lệ, ông cắt một phần viên nấm thành những lát mỏng thay thế mùi nhang. Trong thiền phòng giữa không gian yên tĩnh núi rừng trùng điệp, mùi hương nấm nhẹ nhàng lan tỏa. Khi hơi thở đã rất nhẹ rất sâu, tâm đã lắng đọng trong sáng, ông Ken bắt đầu suy nghĩ phải làm gì với kho báu giữa rừng già?
Ông đã bỏ tất cả để tìm đến chốn này, tiền hưu trí hàng tháng ông dùng chỉ một phần rất nhỏ, hầu hết gởi tặng các tu viện, cơ sở thiện nguyện. Không khéo cánh rừng này sẽ đốt tan công phu tu tập của ông, trở thành nơi tranh chấp gây tạo ác nghiệp.
***
Mùa thu khi lá phong, lá sồi chuyển sang màu vàng cam rực rỡ cũng là lúc ông Ken bắt đầu thu hoạch truffle. Đối với người chuyên môn tìm loại nấm quý này, họ luôn sử dụng chó hoặc heo để phát hiện những viên nấm được giấu kín dưới lớp thảm mục rừng. Riêng ông Ken cách tìm nấm cũng không khác chi hành thiền.
Mỗi ngày ông thiền hành đến cánh rừng, chọn một chỗ khác hôm qua, ngồi xuống hít thở khí trời, nghe tiếng chim hót líu lo, nhìn những chú sóc nhỏ chạy tung tăng tìm nấm. Ông chờ chúng lấy xong, tới chỗ chúng đào lấy những viên nấm còn sót lại xung quanh. Loài sóc đã quen hình dáng ông bao năm qua nên không hề có chút sợ hãi. Từ ngày thấy ông “mót” nấm mà không tranh giành với chúng, loài sóc hiểu được. Chúng thương ông, đào nhiều nơi nhưng lấy đi rất ít, như làm dấu giúp ông thu hoạch tốt hơn.
Mùa nấm truffle kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 11. Mỗi tuần ông Ken thu hoạch được vài ký, ông bán hết cho nhà thu mua, chỉ giữ lại một ít thay nhang cúng Phật mỗi sáng ngồi thiền. Ông gởi trọn số tiền bán nấm thông qua trương mục vô danh cho viện dưỡng lão dưới chân núi nơi ông thường làm việc thiện nguyện.
Mô phỏng hình ảnh ông Ken đánh dương cầm cho người già tại viện dưỡng lão.
Mùa xuân năm ấy, khi hoa lê rừng nở trắng trên triền núi, các cụ già trong viện dưỡng lão lại háo hức chờ đón ông Ken. Một tuần qua, hai tuần qua, hoa lê đã rụng tàn, màu xanh lá rừng đã trỗi dậy nhưng ông Ken vẫn không xuất hiện. Người dân thị trấn Ran xôn xao bàn tán không biết chuyện gì đã xảy ra trên núi cao. Họ vận động chính quyền địa phương cùng cư dân dành một ngày cuối tuần lên núi tìm hiểu sự tình.
Sáng sớm, đoàn xe vài chục chiếc chậm rãi theo con đường mòn gồ ghề đầy sỏi đá tiến vào dãy núi Cascade. Trên con đường độc đạo hoang vu, giữa lưng chừng núi, căn nhà gỗ đơn sơ đậm nét dưới ánh mặt trời. Viên cảnh sát thị trấn (Sheriff) dẫn đầu cho xe dừng lại, đi bộ đến căn nhà có nhiều cỏ dại mọc cao như báo hiệu đã lâu không ai chăm sóc. Viên cảnh sát gõ nhẹ cửa nhiều lần nhưng không tiếng trả lời. Bỗng người dân đi theo hốt hoảng la lên bên cánh cửa sổ hông nhà:
– Coi kìa! Có phải ông Ken?
Phía sau khung kiếng bụi mờ, một thân thể bất động da nhăn khô đang ngồi trước tượng Phật cổ xưa. Viên cảnh sát phá vội ổ khóa cánh cửa ra vào: Mùi hương thơm từ trong nhà thoát ra làm mấy chục cư dân thị trấn Ran ngạc nhiên trầm trồ. Bước vào trong, bên cạnh thân thể khô cứng đang nhập định còn có nhiều khay đựng đầy nấm truffle thái mỏng đã khô nhưng vẫn tỏa mùi hương ngào ngạt.
Người ta tìm thấy tờ di chúc để lại trên bàn Phật, ông hiến tặng toàn bộ đất đai tài sản cho viện dưỡng lão, đồng thời tiết lộ điều bí mật được giữ kín lâu nay về cánh rừng có nấm truffle. Ông cẩn thận ghi chép điều kiện bắt buộc để nhận tài sản là phải có một ủy ban giám sát khai thác nấm truffle theo cách ông làm: Tôn trọng và bảo vệ loài sóc trước khi thu hoạch cho loài người vì chúng là chủ nhân đầu tiên kho báu này.
Mọi người không ngờ chính ông là nhà hảo tâm vô danh đóng góp tài chánh duy trì viện dưỡng lão nhiều năm qua! Ngày làm lễ hỏa thiêu rải tro bên bờ suối theo lời ông dặn trong di chúc, thị trấn Ran hầu như tham dự không thiếu một người. Từ cậu bé nhà nghèo bỏ báo buổi sớm mai cho đến cụ già trong viện dưỡng lão đều được giúp đỡ phương tiện lên núi. Lần đầu tiên cư dân thị trấn Ran gắn bó chăm sóc lẫn nhau như đại gia đình.
Đoàn xe hơn trăm chiếc chậm chạp trên con đường gồ ghề tiễn ông đi. Cư dân khóc sướt mướt, thương mến cảm phục một nhân cách vi diệu sống trọn đời không những cho tha nhân mà ngay cả muôn loài.
Huyền Lam (Hoa Kỳ)
(Giác Ngộ Xuân Ất Mùi)