2484 lượt xem

Kinh Cho Người Bệnh Nặng và Cận Tử

Cư Sĩ Nguyên Giác

Kinh Cho Người Bệnh Nặng và Cận Tử

Bài viết này có chủ đề về các pháp thực dụng cho người bệnh nặng, hay đang nằm trên giường cận tử. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nơi tại Việt Nam đang phong tỏa và cách ly. Riêng tại Sài Gòn vào đầu tháng 7/2021 đã có 636 điểm phong tỏa, nghĩa là cả nước có cả ngàn điểm phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Do vậy, câu hỏi dễ gặp là: người cư sĩ nên nói gì với một cư sĩ khác đang nằm bệnh hay đang hấp hối? Và nhiều trường hợp khác, tương tự. Một số pháp ghi lại nơi đây thích nghi với cả hàng cư sĩ, trong đó có kinh dạy cho người cư sĩ cách hướng dẫn các pháp quán để người cận tử có thể giải thoát ngay khi lìa đời.

Lời dạy trong các kinh này có đại uy lực, vì bệnh nhân không thể định tâm, vì đau đớn làm tán tâm; trong này có nơi Đức Phật nói không cần định, nhưng phải quán, phần lớn là quán vô thường, quán vô ngã, quán nhân duyên (tức là quán trung đạo – không phải Có, không phải Không), phải xả ly toàn bộ (không để thức dựa vào đâu), và nhiều nữa… Công đức chép kinh này, xin hồi hướng về tới đồng bào ở quê nhà, cũng như tới tất cả chúng sinh trong pháp giới được bình an, xa lìa dịch bệnh và chiến tranh, cùng có cơ hội tu học để giải thoát. Người viết không có thẩm quyền gì về Phật pháp, chủ yếu sẽ dựa vào kinh luận. Tất cả sai sót, xin trọn lòng sám hối.

Tu học để lợi mình và lợi người

Trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, không nơi nào thực sự bình an, dù ở Việt Nam hay hải ngoại, dù nơi sân chùa hay phố chợ, dù trong chỗ cách ly hay ở ngoài rào phong tỏa. Có muốn ngồi một góc để tịnh tu cũng không xong, vì cả nước và cả thế giới đều bị cuốn vào trong một trận bão vô hình; hôm nay còn đi đứng nói cười, ngày mai có thể sẽ bị chở vào bệnh viện. Nhiều triệu người thất nghiệp, không đủ tiền ăn và không trả nổi tiền thuê nhà. Người tu có thể giúp ai được thì giúp, vì Kinh Hoa Nghiêm nói rằng phụng sự chúng sinh chính là cúng dường chư Phật. Ngay trong thời này, không tu tâm từ, thì tới bao giờ. Tuy nhiên, nên cảnh giác về cơ nguy lây dịch mỗi khi tiếp cận đám đông.

Trong Kinh AN 4.95, Đức Phật nói có 4 hạng người khác nhau. Hạng thứ nhất, là người tu mà không lợi mình, không lợi người. Hạng thứ nhì, là người tu làm lợi cho người khác, nhưng không tự lợi cho mình, thì tốt hơn hạng người trước. Hạng thứ ba, là người tu chỉ tự làm lợi cho mình, mà không lợi cho ai khác, thì tốt hơn cả 2 hạng người kia. Hạng thứ tư, là người tu tự lợi cho mình và làm lợi cho người, là hạng người tối thắng, tốt nhất trong 4 hạng người. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, hạng người này hướng đến lợi mình và lợi người, hạng người này so với ba hạng người trên là tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng và cực thắng. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.” (1)

— Trong khi bệnh hoạn, vẫn có thể tu giải thoát

Trong Kinh AN 5.121, Đức Phật dạy rằng đối với người ốm yếu bệnh hoạn, vẫn có thể giải thoát “ngay trong hiện tại” – nghĩa là, thân bệnh vẫn có thể tu giải thoát ngay, chứ không cần chờ lâu xa. Đức Phật dạy rằng trong trường hợp này, với cả người ốm yếu bệnh hoạn (có thể hiểu là, không thể ngồi lâu, không thể tu học bình thường, không thể làm mọi chuyện bình thường), có 5 pháp, có thể tu một pháp hay nhiều hơn: quán bất tịnh nơi thân, quán không ưa món ăn (thức cũng là một trong 4 loại thức ăn), quán không ưa thích với vạn pháp, quán vô thường, quán niệm sự chết. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.

Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.” (2)

— Mười pháp quán niệm sẽ làm giảm bệnh ngay lập tức

Trong Kinh AN 10.60, Đức Phật dạy rằng đối với người bệnh nặng, khổ đau (có thể hiểu là khi bệnh, thân tâm đều không bình thường, thân tâm dễ dao động) có 10 pháp quán niệm có thể làm “thuyên giảm ngay lập tức” – nghĩa là, Phật pháp có uy lực, có thể sẽ công hiệu nhanh chóng, hơn là phải uống thuốc đời thường trong nhiều ngày. Trong Kinh AN 10.60, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau.

Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: —Tôn giả Girimànanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn.

—Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười? Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.” (3)

Trong mười pháp vừa dẫn, chỉ cần tu một pháp là đủ. Trong rất nhiều Kinh, Đức Phật có khi chỉ dạy một pháp là vô thường, hoặc vô ngã. Khởi đầu Đức Phật thường hỏi có phải mắt là vô thường, có phải nhãn thức (cái được thấy) là vô thường, rồi có phải tai là vô thường, có phải nhĩ thức (cái được nghe) là vô thường… suốt cho tới mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu liên tục thấy vô thường nơi 6 căn, 6 thức thì nhận ra vô ngã, và sẽ xả ly, đoạn diệt.

Chỗ này cũng nên ghi nhận. Chữ “tưởng đoạn tận” dùng từ Hán Việt nghe khó hiểu, nhưng chỉ có nghĩa là “buông bỏ” hay “xả ly” —  Bản dịch ngài Sujato là “giving up” và ngài Bodhi dịch là “the perception of abandoning” — tức là các chữ quen thuộc trong PGVN.

Tương tự, chữ “tưởng từ bỏ” trong bản dịch của Thầy Minh Châu, trong bản Sujato là “fading away” và trong bản Bodhi là “the perception of dispassion” và Piyadassi dịch là detachment— đơn giản có nghĩa là xa lìa, xa rời, không mê đắm. Cũng là các chữ quen thuộc trong PGVN.

Tương tự, chữ “tưởng đoạn diệt” trong bản dịch của Thầy Minh Châu, trong bản Sujato là “cessation” và trong bản Bodhi là “the perception of cessation” — có nghĩa là làm cho biến mất, làm cho tịch diệt.

Trong Kinh này, có một pháp quán niệm ít được chú ý trong truyền thống Phật Giáo VN chú ý: đó là tưởng nguy hại (the perception of danger). Do vậy, xin trích từ Kinh AN 10.60 về quán niệm về tưởng nguy hại:

Và này Ananda, thế nào là tưởng nguy hại? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện”. Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này. Này Ananda, đây gọi là các tưởng nguy hại.” (3)

— Chịu đau nơi thân được nhờ tứ niệm xứ

Khi bệnh, làm sao chịu đau nổi? Trong Kinh SA 540, ngài A na luật bệnh nặng, đau đớn toàn thân. Kinh ghi lời Tôn giả A-na-luật: “Bệnh tôi không yên, thật là khó chịu đựng, đau đớn toàn thân, càng lúc nặng thêm, không bớt.” Như thế, làm sao cho bớt đau đớn? Ngài A na luật giải thích về cách chịu đựng đau đớn, theo Kinh SA 540, qua bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng:

[Tôn giả A-na-luật:] Dù thân tôi bị đau đớn như thế này, nhưng tôi vẫn chịu đựng được, với chánh niệm, chánh tri.”

Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật: “Tâm an trụ ở chỗ nào mà có thể chịu đựng được cái khổ lớn như vậy với chánh niệm, chánh tri?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo: “Tâm trụ bốn Niệm xứ nên mỗi khi tôi cử động, thân thể dù có bị đau đớn, cũng có thể chịu đựng được với chánh niệm, chánh tri. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ, có thể chịu đựng tất cả mọi đau đớn nơi thân, với chánh niệm, chánh tri.” (4)

— Khi thân đau đớn và tâm loạn động, hãy quán sát không thấy ngã ở đâu hết

Trong một số kinh, Đức Phật hỏi người bệnh là có hối hận gì không, có phá giới gì không. Nghĩa là, trước khi tác pháp, nếu trong lòng có gì ân hận, hay nếu có lỡ phạm giới, thì nên sám hối. Vì nếu trong lòng còn ân hận, hay đã từng phá giới mà chưa sám hối, thì tác pháp không thành. Trường hợp ngài A Thấp Ba Thệ, bệnh nặng thê thảm, cho nên bao nhiêu công phu như dường biến mất vì thấy không định tâm (tam muội) được nữa. Đức Phật nói không hề gì, không cần gì tới định, miễn là không có gì ân hận, và miễn là không hề phá giới, từ đây người bệnh nên quán rằng không hề có cái gì gọi là ngã, cũng như không hề có cái gì gọi là khác-ngã (nghĩa là, nói theo tinh thần Kinh Kim Cương: không phải Có-ngã, cũng không phải Không-ngã, cũng không phải Có-ngã và Không-ngã ở trong nhau) dù là ở nơi bất kỳ chỗ nào trong sắc thọ tưởng hành thức, như thế ngay khi còn bệnh sẽ có thể giải thoát hoàn toàn. Nghĩa là, người bệnh nên giữ tâm không dính vào Có, không dính vào Không, không dính vào bất kỳ những gì liên hệ… Kinh SA 1024, kể về ngài A-thấp-ba-thệ ở giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, thân bị bệnh nặng, vô cùng đau khổ, và Đức Phật tới nói chuyện trực tiếp với ngài A Thấp Ba Thệ, bản dịch hai thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích như sau:

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Ông chớ hối hận.”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, thật sự con có điều hối hận!”

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Ông có phá giới không?”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con không phá giới.”

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Ông không phá giới sao hối hận?”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, trước khi con chưa bệnh, con tu tập nhiều, chứng nhập tịnh lạc của thân an chỉ. Tu tập tam-muội nhiều. Còn hôm nay, con lại không nhập tam-muội kia được. Con tự suy nghĩ không lẽ tam-muội này thoái thất chăng?”

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Nay Ta hỏi ông, tùy ý đáp cho Ta. Này A-thấp-ba-thệ, ông có thấy sắc tức là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi: “Ông có thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Ông đã không thấy sắc là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau, vậy vì sao lại hối hận?”

A-thấp-ba-thệ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, vì không chánh tư duy.”

Phật bảo A-thấp-ba-thệ: “Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào tam-muội kiên cố, tam-muội bình đẳng, mà không nhập được tam-muội kia, thì không nên khởi nghĩ rằng mình thoái thất đối với tam-muội. Nếu Thánh đệ tử lại không thấy sắc là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau. Mà chỉ nên giác tri như vậy, thì tham dục hoàn toàn sạch hết không còn; sân nhuế, ngu si hết hẳn không còn. Khi tất cả lậu đã tận trừ, tâm vô lậu giải thoát, hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Khi nghe Phật thuyết pháp này, Tôn giả A-thấp-ba-thệ không khởi các lậu, tâm được giải thoát, vui mừng, phấn khởi; vì tâm được vui mừng, phấn khởi nên thân bệnh liền dứt trừ.” (5)

— Dù bệnh liệt giường, hãy giữ tâm ly dục, không nhiễm, lìa cả ba thời

Kinh SA 994 kể chuyện ngài Bà Kỳ Xá bệnh ở mức gọi là “đang bị bệnh nặng nguy khốn, muốn được gặp Thế Tôn, nhưng không đủ sức để đến chỗ Phật” do vậy, nhờ ngài Phú Lân Ni tới thỉnh Phật. Khi thấy Đức Phật tới, ngài Bà Kỳ Xá muốn đứng dậy làm lễ, nhưng không nổi; Đức Phật mới bảo cứ nằm nơi giường. Ngài Bà Kỳ Xá kể rằng: “…những bệnh khổ của con có cảm giác càng tăng thêm chứ không thuyên giảm.”

Điểm ghi nhận trong Kinh này là, ngài Bà Kỳ Xá là bậc thượng thủ, tuy thân rất là đau, nhưng đã được tâm giải thoát, hoàn toàn ly dục. Trong Kinh này cũng cho thấy một định nghĩa về giải thoát là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không hề dính gì (luyến tiếc hay mơ tưởng) tới sắc thọ tưởng hành thức của ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Kinh SA 994, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, trích như sau:

Thế Tôn liền ngồi xuống hỏi Tôn giả Bà-kỳ-xá: “Những bệnh khổ của ông có bình hòa, dễ chịu đựng không? Sự đau nhức nơi thân tăng hay giảm.” Nói đầy đủ như kinh Diệm-ma-ca ở trước… cho đến “… những bệnh khổ của con có cảm giác càng tăng thêm chứ không thuyên giảm.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá: “Bây giờ Ta hỏi ông, tùy ý mà trả lời Ta. Ông đã được tâm không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo, phải không?”

Bà-kỳ-xá bạch Phật: “Tâm con không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá: “Làm sao ông có được tâm không nhiễm, không đắm, không nhơ, giải thoát, lìa các điên đảo?”

Bà-kỳ-xá bạch Phật: “Con đối với sắc quá khứ được nhận thức bởi mắt, tâm không luyến tiếc, đối với sắc vị lai, không mơ tưởng, đối với sắc hiện tại không đắm nhiễm. Con ở nơi sắc quá khứ, vị lai, hiện tại được nhận thức bởi mắt, đã dứt sạch niệm tham dục, ái lạc, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tịch tĩnh, viễn ly, giải thoát. Tâm đã giải thoát, cho nên không nhiễm, không đắm, không nhơ, lìa các điên đảo, an trụ chánh thọ. Cũng vậy, với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đối với pháp quá khứ được nhận thức bởi ý, tâm không luyến tiếc, đối với sắc vị lai, không mơ tưởng, đối với sắc hiện tại không đắm nhiễm. Trong pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, niệm tham dục, niệm ái lạc không còn nữa, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tịch tĩnh, viễn ly, giải thoát. Tâm đã giải thoát, cho nên không nhiễm, không đắm, không nhơ, lìa các điên đảo, an trụ chánh thọ. Xin Đức Thế Tôn hôm nay ban cho con điều lợi ích tối hậu, nghe con nói kệ.””(6)

— Cư sĩ Dìghàvu đau đớn, cận tử, quán niệm 6 pháp, chợt quyến luyến liền tác ý xả ly, sinh vào tịnh độ Bất Lai

Trường hợp Kinh SN 55.3 cũng hy hữu. Một cư sĩ bệnh đau dữ dội. Đức Phật tới thăm, nói chuyện. Đức Phật khuyên, trước tiên, bệnh nhân này hãy tin kiên cố vào Phật, Pháp, Tăng, và giữ tâm cam kết “sẽ thành tựu các giới” (nghĩa là, quá khứ có thể đã phạm giới?). Nên ghi nhận, tin kiên cố Phật nghĩa là tin Phật là bậc Thầy tối thượng, và do vậy, quy y Phật, có nghĩa là không quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Tin Pháp kiên cố, nghĩa là tin vững chắc vào pháp Tứ đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Lục độ… do Đức Phật dạy chính là pháp tối thắng để giải thoát. Kế tiếp là tin Tăng, nương tựa vào đoàn thể Tăng già thanh tịnh, sống theo phép lục hòa. Kế tiếp, bệnh nhân này hãy tự dặn trong tâm là sẽ giữ giới (giới cư sĩ: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và không dùng chất gây nghiện). Trong khi Đức Phật nói, chợt cư sĩ Dìghàvu lo ngại cho bạn thân, tức người hàng xóm là cư sĩ Jotika, sẽ sầu khổ vì mất bạn thân; Đức Phật mới bảo đừng nghĩ như thế nữa. Đức Phật dạy cư sĩ bệnh nhân Dìghàvu 6 pháp quán. Khi Đức Phật bước ra không bao lâu, cư sĩ Dìghàvu lìa đời, và được Đức Phật nói vị này đã hóa sanh vào cõi tịnh độ Bất Lai, hay Bất Hoàn, còn gọi là A Na Hàm, quả thánh thứ ba. Kinh này cho biết giây phút cận tử rất quan trọng, dù là cư sĩ, tu chẳng tới đâu, cơ duyên được Phật dạy trực tiếp mà có lúc cũng khởi tâm quyến luyến cõi này, rồi quán niệm như lời Đức Phật dạy, thế là chứng thánh quả thứ ba là Bất Lai. Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích từ Kinh SN 55.3 như sau:

Thế Tôn nói với cư sĩ Dìghàvu: —Này Dìghàvu, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?

—Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.

—Do vậy, này Dìghàvu, Ông hãy học tập như sau: “Ta sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng … Phật, Thế Tôn. Ðối với Pháp … Ðối với chúng Tăng … Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính … đưa đến Thiền định” ”. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

—Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng … Phật, Thế Tôn … Ðối với Pháp … đối với chúng Tăng … Tôi thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính … đưa đến Thiền định”.

—Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme). Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.

—Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Nhưng, bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: “Ta không có muốn gia chủ Jotika, ở đây khi ta chết phải rơi vào khốn khổ (vighàta)”.

—Này Dìghàvu, chớ có tác ý như vậy! Hãy nhìn, này Dighàvu! Những gì Thế Tôn đang nói cho con, con hãy khéo tác ý.

Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dìghàvu với lời giáo giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi. Cư sĩ Dìghàvu, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu liền mệnh chung. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: —Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dìghàvu; sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Sanh thú cư sĩ ấy thế nào? Sanh xứ cư sĩ ấy chỗ nào?

—Hiền minh, này các Tỷ-kheo, là cư sĩ Dìghàvu! Cư sĩ Dìghàvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về pháp. Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa.” (7)

— Bệnh đau dữ dội, không đắc thiền định, được Phật dạy quán vô thường nơi cảm thọ trên thân

Trường hợp Kinh SN 22.88, ghi chuyện Tôn giả Assaji bệnh nặng, đau đớn, trầm trọng. Ngài thưa với Đức Phật là đau tới mức thê thảm: “Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! … Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có thuyên giảm!” Đức Phật mới hỏi là có ân hận gì không, có phạm giới gì không; ngài Assaji thưa là giới không có gì sai phạm, chỉ có điều ân hận là không đắc được thiền định. Đức Phật mới dạy ngài Assaji quán vô thường trên sắc (form: cái được thấy, được nghe…), và rồi quán vô thường trên thọ nơi thân. Câu đầu tiên Đức Phật hỏi, có thấy sắc vô thường hay không. Chữ sắc nơi đây diễn ra cho dễ hiểu là: cái được thấy, cái được nghe… [cho tới] cái được tư lường [thức]. Nhận ra vô thường thì biết tức khắc là sẽ không bao giờ trở lui cái trạng thái đó nữa, do vậy sẽ không đắm trước hay hoan hỷ bất kỳ thọ nào [vừa trôi qua] nữa.

Bản dịch của Thầy Minh Châu có một câu quan trọng, ghi lời dạy từ Đức Phật, chỉ cách sống vô thường, rằng tất cả các khoảnh khắc trôi đi là vĩnh viễn không trở lui: “…do vậy… thấy vậy… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy…”

Bản dịch Bodhi: “Therefore… Seeing thus… He understands: ‘…there is no more for this state of being.

Bản dịch Sujato: “So you should truly see… Seeing this… They understand: ‘…there is no return to any state of existence.’”

Câu cuối của Sujato có thể dịch ra cho dễ hiểu: “Do vậy, ngươi nên chân thật thấy rằng… Thấy điều này… Họ hiểu rằng: ‘sẽ không bao giờ trở lui lại bất kỳ trạng thái nào của hữu thể.

Chỗ này có thể đối chiếu với Thiền Tông. Sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) theo hầu Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi: “Đó là cái gì?” Sư đáp: “Con vịt trời.” Tổ hỏi: “Bay đi đâu?” sư đáp: “Bay qua.” Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi sư kéo mạnh, đau quá sư la thất thanh. Mã Tổ bảo: “Lại nói bay qua đi!” Nghe câu ấy, sư tỉnh ngộ. Cách dạy của ngài Mã Tổ là cho Bách Trượng nhận ra vô thường để đi đứng nằm ngồi không rời cảm thọ về vô thường: từng khoảnh khắc trôi qua (nơi đây là cái được thấy: bầy vịt trời) là vĩnh viễn biến đi, khi ngài Bách Trượng mở miệng đáp, thì lúc đó chỉ còn là hình ảnh trong tâm, là ký ức, là ngôn ngữ… chứ không thực sự là bầy vịt trời nữa.

Kinh SN 22.88, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:

Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Assaji: —Ông có kham nhẫn được không, này Assaji? Ông có chịu đựng được không? … Có phải có những dấu hiệu thuyên giảm, không có tăng trưởng?

—Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn! … Có những dấu hiệu tăng trưởng, không có thuyên giảm!

—Này Assaji, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?

—Chắc chắn, bạch Thế Tôn, con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!

—Này Assaji, Ông có điều gì tự trách mình về giới luật hay không?

—Bạch Thế Tôn, con không có điều gì tự trách mình về giới luật.

—Này Assaji, nếu Ông không có điều gì tự trách mình về giới luật, Ông có phân vân gì, có hối hận gì không?

—Trước đây, bạch Thế Tôn, sau khi cố gắng làm cho lắng xuống cơn bịnh, con sống với thân hành, do vậy con không chứng được Thiền định. Dầu cho không chứng được Thiền định, con tự nghĩ: “Ta sẽ không thối thất”.

Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào kiên trì trong Thiền định, tập trung trong Thiền định, nếu họ không chứng đắc Thiền định, họ sẽ nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ không thối thất!”

—Này Assaji, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn! …Thức là thường hay vô thường? … do vậy… thấy vậy… ” …không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

Khi cảm giác lạc thọ, vị ấy biết rõ: “Là vô thường”; vị ấy biết rõ: “Là không nên đắm trước”; vị ấy biết rõ: “Là không nên hoan hỷ”. Khi cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ: “Là vô thường”; vị ấy biết rõ: “Là không nên đắm trước”; vị ấy biết rõ: “Là không nên hoan hỷ”. Khi cảm giác bất khổ bất lạc khổ, vị ấy biết rõ: “Là vô thường”; vị ấy biết rõ: “Là không nên đắm trước”; vị ấy biết rõ: “Là không nên hoan hỷ”.

Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ không có hệ lụy.

Nếu vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: “Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân”. Nếu vị ấy cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: “Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng”. Vị ấy biết rõ rằng: “Khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!”

Ví như, này Assaji, do duyên dầu, do duyên tim bấc, một cây đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc của ngọn đèn ấy đoạn tận, không có mang lại nhiên liệu, ngọn đèn ấy sẽ tắt. Cũng vậy, này Assaji, Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân, vị ấy biết rõ: “Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về thân”. Khi cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng, vị ấy biết rõ: “Ta đang cảm giác một cảm thọ cùng tận về sinh mạng”. Sau khi thân hoại mạng chung trên cho đến khi sinh mạng đi đến chỗ cùng tận, ở đây tất cả những gì vị ấy cảm thọ, tất cả những gì vị ấy hoan hỷ, sẽ trở thành thanh lương!” (8)

— Nhà sư trẻ, mới tu, bệnh cận tử, được Phật dạy quán nhân duyên, viên tịch, nhập Niết bàn

Kinh SA 1025 kể về trường hợp, một nhà sư trẻ, mới vào tu, chưa biết gì nhiều. Theo ý kinh là vị tăng trẻ này chưa đắc định, và cũng chưa hiểu biết kinh điển bao nhiêu. Nhà sư trẻ này bệnh nguy ngập, ở mức độ gọi là cơ may để sống thì ít, rủi ro để chết thì nhiều. Nhiều nhà sư tới thỉnh Đức Phật tới với nhà sư trẻ đang cận tử. Đức Phật nói với vị sư về pháp nhân duyên, vì có nhãn (mắt), nên có nhãn thức, nên có nhãn xúc, nên có cảm thọ (hoặc thọ khổ, hoặc thọ vui, hoặc thọ không khổ không vui. Tương tự với các căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Khi nhà sư trẻ chết, các vị sư khác hỏi Đức Phật xem vị sư trẻ về đâu. Đức Phật nói đã vào Bát Niết Bàn, tức Niết Bàn Vô Dư rồi, và nên cúng dường xá lợi. Có nghĩa là, pháp nhân duyên có sức mạnh tối thắng, dù bậc sơ học khi nghe và hiểu được trong giây phút cận tử, cũng có thể giải thoát hoàn toàn. Ghi nhận rằng trong Kinh SA 1025 này, Đức Phật không dạy đủ 12 chi của Lý Duyên Khởi, chỉ dẫn ra các phần đơn giản mà người bệnh (nhà sư trẻ, có thể chưa học Thập Nhị Nhân Duyên) có thể kinh nghiệm trực tiếp khi nằm trên giường bệnh.

Như thế, trong Kinh SA 1025 này, hễ ai nhận ra thế giới qua 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thực sự là trống rỗng, không là gì cả, chỉ là do các duyên nương vào nhau mà thế giới tập khởi hình ảnh trước mắt, âm vang bên tai… và như thế, bởi vì chỉ nương dựa nhau để rồi các thọ hiện ra và biến đi, không hề có một cái gì gọi là thực tướng. Khi thấy Không như thế, sẽ không còn gì buộc nữa, và đó là giải thoát. Y hệt như Kinh SA 1025, trong Kinh Tập của Tiểu Bộ, nơi nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, Đức Phật nói trong Kinh Sn 5.15 rằng hễ ai nhìn cả trong và ngoài đều là Không, như thế là giải thoát.

Cũng nói y hệt như Kinh SA 1025 và Kinh Sn 5.15, ngài Bồ Đề Đạt Ma có để lại một bài kệ trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, nơi Cửa Thứ Ba là Nhị Chủng Nhập, phần Xứng Pháp Hạnh có 4 câu đầu là: “Ngoại tức chư duyên, nội tâm vô đoan, tâm như tường bích, khả dĩ nhập đạo.” (Dịch: Ngoài, dứt hết các duyên; Trong, không tư lường dính mắc. Tâm hệt như tường vách, mới có thể vào đạo.)

Nơi đây, sẽ trích Kinh SA 1025, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, ghi về đoạn đối thoại của Tỳ kheo trẻ, lâm bệnh, cận tử được Đức Phật tới hướng dẫn, như sau:

Phật bảo Tỳ-kheo bệnh: “Nếu ông không phạm giới, tại sao ông lại hối hận?”

Tỳ-kheo bệnh bạch Phật: “Con tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp Thượng nhân và tri kiến thắng diệu chưa có sở đắc; con tự nghĩ, lúc mạng chung biết sanh nơi đâu? Cho nên sanh ra hối hận.”

Phật bảo Tỳ-kheo: “Nay Ta hỏi ông, cứ đáp theo ý cho Ta. Thế nào Tỳ-kheo, vì có nhãn nên có nhãn thức phải không?”

Tỳ-kheo bệnh bạch: “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Lại hỏi: “Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Vì có nhãn thức nên có nhãn xúc và do nhãn xúc làm nhân làm duyên nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui bên trong phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy.

“Thế nào Tỳ-kheo? Nếu không có nhãn thì không có nhãn thức phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Lại hỏi: “Tỳ-kheo, nếu không có nhãn thức thì không có nhãn xúc phải không? Nếu không có nhãn xúc thì không có nhãn xúc làm nhân làm duyên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui bên trong, phải không?”

Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy.

“Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo tư duy pháp như vậy, thì lúc mạng chung mới tốt đẹp được và đời sau cũng tốt đẹp.”

Bấy giờ, Thế Tôn vì Tỳ-kheo bệnh nói pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau khi Thế Tôn đi rồi, không lâu Tỳ-kheo mạng chung. Khi sắp mạng chung, các căn ông vui tươi, tướng mạo thanh tịnh, sắc da tươi sáng. Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: “Tỳ-kheo trẻ tuổi kia bị bệnh nguy khốn, nay Tôn giả đã mạng chung. Khi vị này sắp qua đời, các căn vui tươi, tướng mạo thanh tịnh, sắc da tươi sáng. Thế nào Thế Tôn, Tỳ-kheo này sẽ sanh về nơi nào? Thọ sanh ra sao? Đời sau thế nào?”

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo kia đã qua đời kia thật sự là bảo vật. Nghe Ta nói pháp hiểu biết rõ ràng, đối với pháp không sợ hãi, đắc Bát-niết-bàn. Các ông nên cúng dường xá-lợi.” Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho Tỳ-kheo này là bậc nhất.” (9)

— Ngài Cấp Cô Độc bệnh nặng, được dạy pháp “không dựa vào bất kỳ nơi nào mà khởi thức”

Kinh EA 51.8 gọi pháp này là hành Không đệ nhất, là không dựa vào bất kỳ nơi nào mà khởi thức, dù là sắc thanh hương vị xúc pháp, dù là quá khứ, hiện tại, vị lai. Chữ quen gọi là tỉnh thức với cái vô niệm. Bấy giờ, ngài Xá-lợi-phất, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy trưởng giả Cấp Cô Độc thân mang trọng bệnh, bèn nói với A-nan cùng đến thăm. Trước tiên, khuyên ngài Cấp Cô Độc là niệm Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), rồi dạy y hệt Kinh Kim Cang, rằng giữ tâm “vô sở trụ” và rồi nhận ra không hề có tướng nào gọi là ngã, nhân, thọ mạng, hay các loài hữu hình (Kinh Kim Cang: nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như Lai). Kinh EA 51.8 còn nói về lý nhân duyên (tức là, Tánh Không) rằng “Khi mắt khởi thì khởi, không biết nó từ đâu đến. Khi mắt diệt thì diệt, không biết nó đi về đâu.” Nghĩa là, cũng y hệt như tiếng đàn (cái được nghe) khi được nghe thì không biết từ đâu khởi, khi biến diệt thì không biết từ đâu diệt.

Như thế, trong thực tướng, âm thanh không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Có 2 kinh về đàn tỳ bà (Kinh SA 1169, và Kinh SN 35.246), ghi lời Đức Phật kể về một nhà vua nghe tiếng đàn tỳ bà, say đắm, nên ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn ra cả trăm mảnh vẫn tìm không ra. Bởi vì tiếng đàn là do nhiều duyên mà có. Kinh SA 1169 ghi lời quan trình với vua, trích bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng:

Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’ Lúc ấy, nhà vua tự nghĩ: ‘Ôi! Cần gì vật hư ngụy này! Đàn ở thế gian là vật hư ngụy, mà khiến cho người đời say đắm vậy sao?” (10)

Trở lại, trong Kinh EA 51.8, ngài Cấp Cô Độc bệnh nặng, nguy ngập (Trưởng gỉả đáp: “Bệnh của con giờ rất ít hy vọng. Chỉ cảm thấy tăng chứ không cảm thấy giảm.”), được dạy pháp quán nhân duyên, còn gọi là hành Không đệ nhất. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng kể:

Xá-lợi-phất nói: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, niệm Tam tôn Phật, Pháp, Thánh chúng, mà đọa vào ba nẻo dữ, không có trường hợp ấy. Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy tu niệm Tam tôn chắc chắn đi đến cõi lành, sanh lên trời, trong loài người.

“Rồi sau đó, này Trưởng giả, không khởi nơi sắc, cũng không y sắc mà khởi nơi thức’ không khởi nơi thanh, cũng không y thanh mà khởi nơi thức; không khởi hương, cũng không y hương mà khởi nơi thức; không khởi nơi vị, cũng không y vị mà khởi nơi thức; không khởi nơi xúc trơn mịn, cũng không y xúc trơn mịn mà khởi nơi thức; không khởi nơi ý, cũng không y ý mà khởi nơi thức. Không khởi đời này, đời sau; cũng không y đời này, đời sau mà khởi nơi thức. Không khởi nơi ái, cũng không y ái mà khởi nơi thức. Vì sao vậy? Duyên ái mà có thủ; duyên thủ mà có hữu; duyên hữu mà có sanh, chết, sầu ưu khổ não không thể kể hết. Đó là có năm khổ thủ uẩn này.

“Không có ngã, nhân, thọ mạng, sĩ phu, manh triệu, các loài hữu hình. Khi mắt khởi thì khởi, không biết nó từ đâu đến. Khi mắt diệt thì diệt, không biết nó đi về đâu. Không có, mà mắt sanh; đã có, rồi mắt diệt; thảy đều do nhân duyên của các pháp tụ hội. Nói là pháp nhân duyên, đó là, duyên cái này mà có cái kia; cái này không thì cái kia không. Tức là, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có chết, duyên chết có sầu ưu khổ não không thể kể xiết. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. Không có, mà sanh; đã có, rồi diệt; không biết nó từ đâu đến cũng không biết nó đi về đâu; thảy đều do nhân duyên của các pháp tụ hội. Này Trưởng giả, đó gọi là pháp hành Không đệ nhất. (10)

— Người cư sĩ nên nói gì với người cư sĩ khác lâm trọng bệnh, cận tử?

Có hai Kinh, Kinh SN 55.54 và Kinh SA 1122, trong đó ghi lời Đức Phật dạy cho người cư sĩ cách nói pháp với một cư sĩ đang lâm trọng bệnh, cận tử. Trong Kinh SN 55.54, Đức Phật dạy cư sĩ Mahanama; trong Kinh SA 1122, Đức Phật dạy cho cư sĩ Nan Đề. Nếu người cư sĩ đang bệnh cận tử, chịu nghe theo cách quán niệm do người cư sĩ khỏe mạnh hướng dẫn, thì kết quả được Đức Phật nói là y hệt như:

— “một Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát.” (theo Kinh SN 55.24);

— “Như vậy, Nan-đề, Thánh đệ tử kia từ từ trước sau được nhắc nhở chỉ dạy, khiến cho họ được Niết-bàn bất khởi; giống như Tỳ-kheo sống một trăm tuổi, giải thoát Niết-bàn.” (theo Kinh SA 1122)

Đức Phật dạy cư sĩ hướng dẫn quán niệm thế nào cho cư sĩ bệnh cận tử? Trước tiên là nên tưởng nhớ, tịnh tín, tin kiên cố vào Phật, Pháp, Tăng. Kế tiếp, vị cư sĩ không bệnh dùng lời nói với vị cư sĩ bệnh cận tử, rằng đừng quyến luyến gì tới cha mẹ, với vợ con. Khi cư sĩ cận tử đáp rằng đã từ bỏ lòng thương nhớ đối với ba mẹ, với vợ con, thì cư sĩ không bệnh hướng dẫn tiếp người cận tử rằng, hãy từ bỏ cõi dục nơi loài người, đừng luyến tiếc gì nữa. Tương tự, nói người bệnh cận tử rằng hãy từ bỏ cả cõi dục của chư Thiên trên trời. Kế tiếp, hướng dẫn người cận tử hãy “đoạn diệt thân kiến” (theo Kinh SN 55.24), hay là “lìa bỏ sự mê luyến nơi hữu thân” (theo Kinh SA 1122). Thế là giải thoát.

Nơi đây, trích Kinh SN 55.54, theo bản dịch của Thầy Minh Châu (người viết xin tóm gọn chỗ các cõi trời, thay vì kể tên tất cả các cõi trời):

“[Đức Phật dạy]—Này Mahānāma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assàsaniya dhamma): Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng … Phật, Thế Tôn”. Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp … Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng … Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính … đưa đến Thiền định.

Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, này Mahānāma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này. Cần phải nói như vậy.

Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ. Nếu vị ấy nói: “Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ”, thời nên nói với vị ấy như sau: “Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả”.

Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con hay không?” Nếu vị ấy nói: “Tôi có lòng thương nhớ vợ con”, thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ con của Tôn giả”.

Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương tiếc năm dục công đức của loài Người không?” Nếu vị ấy nói như sau: “Tôi có lòng thương nhớ năm dục công đức của loài Người”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Các Thiên dục đối với nhân dục, còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi các nhân dục, và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương thiên”.

Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng đến Tứ đại thiên vương thiên”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư Thiên ở cõi Ba mươi ba còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương thiên. Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Tứ đại thiên vương thiên…

(Tương tự, tóm gọn là: Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi tất cả các cõi trời)

… thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Này Tôn giả, Phạm thiên giới là vô thường, không thường hằng, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Phạm thế và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến (Sakkāya)”.

Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thế và hướng đến đoạn diệt thân kiến”; vị cư sĩ nói như vậy, này Mahànàama, và với Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát.” (11)

Tương tự, nơi đây trích Kinh SA 1122, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng:

Phật bảo Nan-đề: “Nếu Ưu-bà-tắc trí tuệ, muốn đến chỗ Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di trí tuệ khác đang bị tật bệnh khốn khổ, thì đem ba pháp an tâm này mà truyền dạy cho họ; nói rằng: ‘Nhân giả! Hãy thành tựu lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, Tăng.’

“Sau khi đem ba pháp an tâm này truyền dạy xong, lại nên hỏi rằng: ‘Nhân giả có quyến luyến cha mẹ không?’Nếu người kia có quyến luyến cha mẹ, thì nên dạy buông xả và nên nói rằng: ‘Nếu Nhân giả quyến luyến cha mẹ mà được sống, thì đáng quyến luyến. Đã không do quyến luyến mà được sống, thì quyến luyến làm gì?’Nếu kia nói không có quyến luyến cha mẹ thì nên tùy hỷ khuyến thiện và hỏi thêm rằng: ‘Đối với vợ con, nô bộc, tiền của cùng mọi vật Nhân giả có quyến luyến không?’ Nếu nói quyến luyến thì nên khuyên buông xả, như pháp xả sự quyến luyến cha mẹ. Nếu nói không quyến luyến, thì tùy hỷ khuyến thiện và hỏi nữa: ‘Đối với ngũ dục thế gian Nhân giả có luyến tiếc không?’ Nếu họ nói luyến tiếc, thì nên giải thích là ngũ dục thế gian là chỗ xấu xa, bất tịnh, bại hoại, hôi hám, không giống như ngũ dục thắng diệu cõi trời. Hãy khuyên kia lìa bỏ ngũ dục thế gian và quyết mong ngũ dục cõi trời. Nếu người kia nói tâm đã xa lìa ngũ dục thế gian và trước đã nghĩ đến dục thắng diệu cõi trời, thì tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với họ rằng: ‘Ngũ dục thắng diệu cõi trời, là pháp vô thường, khổ, không, biến hoại. Chư Thiên cõi trời có thân tướng thù thắng hơn ngũ dục cõi trời.’ Nếu kia nói đã bỏ nghĩ đến dục cõi trời và chỉ nghĩ đến thân tướng hơn ngũ dục, thì cũng tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với rằng: ‘Dục của hữu thân cũng lại là pháp vô thường, biến hoại, chỉ có sự an lạc của xuất ly, là Niết-bàn với sự diệt tận của các hành. Nhân giả nên lìa bỏ sự mê luyến nơi hữu thân, mà nên vui cái vui Niết-bàn vắng lặng, tối thượng, thù thắng.’ “Vị Thánh đệ tử kia nếu đã lìa bỏ sự mê luyến đối với hữu, chỉ vui với Niết-bàn, thì cũng nên tùy hỷ khuyến thiện.

“Như vậy, Nan-đề, Thánh đệ tử kia từ từ trước sau được nhắc nhở chỉ dạy, khiến cho họ được Niết-bàn bất khởi; giống như Tỳ-kheo sống một trăm tuổi, giải thoát Niết-bàn.”” (11)

Ghi nhận rằng, nơi đầu Kinh SA 1122 có câu “Nếu Ưu-bà-tắc trí tuệ, muốn đến chỗ Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di trí tuệ khác đang bị tật bệnh” có vẻ như Đức Phật chỉ muốn nam cư sĩ (chứ không phải nữ cư sĩ) hướng dẫn người cận tử quán niệm. Có phải nữ cư sĩ không nên hướng dẫn người cận tử? Thử suy đoán (chỉ là suy đoán) có thể vì giọng nói thánh thót của nữ cư sĩ dễ làm người cận tử động tâm, lại thành ra quyến luyến cõi này thêm? Nếu là một cụ bà cư sĩ hẳn là giọng nói sẽ không làm người cận tử động tâm? Hay vì người chép Kinh SA 1122 trong Tạng A Hàm cố ý phân biệt tính phái, trong khi Kinh SN 55.54 trong Tạng Pali không phân biệt tính phái (ở bản Việt dịch của Thầy Minh Châu, ở 2 bản Anh dịch của Sujato và Thanissaro)? Thêm nữa, nhóm chữ “tịnh tín bất động” trong Kinh SN 55.54 và “lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, Pháp, Tăng” trong Kinh SA 1122 được một giải thích khác, là đã đắc quả Dự Lưu. Ngay cả nếu như thế, tất cả các cư sĩ đời thường (kể cả nữ cư sĩ) cũng nên ghi nhớ pháp này để giúp người cận tử. Bây giờ chỉ còn là thắc mắc: làm sao để đoạn diệt thân kiến?

— Con đường đưa đến đoạn diệt thân kiến

Nơi đây, chúng ta sẽ dẫn ra 3 Kinh nói về pháp đoạn diệt thân kiến: Kinh SN 22.44, Kinh MN 44, Kinh MN 148.

Trong Kinh SN 22.44, Đức Phật dạy:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân; không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong sắc.

…không quán thọ… không quán tưởng… không quán các hành… không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt. Con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt có nghĩa là: Sự quán sát đưa đến sự khổ đoạn diệt.” (12)

Trong Kinh MN 44, Ni sư  Dhammadinna dạy:

“—Ở đây, Hiền giả Visākha, vị Ða văn Thánh đệ tử đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không xem sắc là tự ngã, không xem tự ngã là có sắc, không xem sắc là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong sắc; không xem thọ là tự ngã, không xem tự ngã là có thọ, không xem thọ là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thọ; không xem tưởng là tự ngã, không xem tự ngã là có tưởng, không xem tưởng là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong tưởng; không xem các hành là tự ngã, không xem tự ngã là có các hành, không xem các hành là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong các hành; không xem thức là tự ngã, không xem tự ngã là có thức, không xem thức là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visākha, là không có thân kiến.” (12)

Trong Kinh MN 148, Đức Phật dạy:

“(Nguồn gốc và đoạn diệt thân kiến) Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Ai quán các sắc … Ai quán nhãn thức … Ai quán nhãn xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái … Ai quán tai … Ai quán mũi … Ai quán lưỡi … Ai quán thân … Ai quán ý … Ai quán các pháp … Ai quán ý thức … Ai quán ý xúc … Ai quán ái: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.

Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt: “” Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Ai quán sắc … Ai quán nhãn thức … Ai quán nhãn xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái … Ai quán tai … Ai quán mũi … Ai quán lưỡi … Ai quán thân … Ai quán ý … Ai quán các pháp … Ai quán ý thức … Ai quán ý xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.” (12).

— Giáo giới Cấp Cô Độc: lời dạy cho người hấp hối

Kinh MN 143 kể về trường hợp ngài Cấp Cô Độc, một đại cư sĩ trong hàng trụ cột. Kinh này ghi rằng ngài Cấp Cô Độc bệnh tới mức như dường đau không chịu nổi. Ngài Xá Lợi Phất và ngài A Nan tới thăm bệnh, được ngài Cấp Cô Độc kể, theo bản dịch Thầy Minh Châu:

Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, con cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của con. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sāriputta, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, thưa Tôn giả Sāriputta, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân con. Thưa Tôn giả Sāriputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những thống khổ của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu.” (13)

Đau đớn như thế, hiển nhiên là không thể có định. Thế rồi ngài Xá Lợi Phất dạy cách quán vô sở trụ, rằng chớ để tâm vướng vào đâu, chớ để thức dính vào đâu, dù là sắc thanh hương vị xúc pháp, dù là đất nước gió lửa, dù là thế giới này hay thế giới sắp tới, chớ tham đắm gì và cũng chớ để thức y cứ vào tâm tham đắm. Bởi vì hễ có vướng vào, có chấp thủ vào, có dính vào… là sẽ có sanh hữu. Bản dịch của Thầy Minh Châu dùng 2 chữ là “chớ chấp thủ” và “chớ để thức y cứ vào” bất kỳ cái gì trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), trong ba thời (quá, hiện, vị lai). Bản dịch Sujato dùng chữ “I shall not grasp” (Tôi sẽ không nắm giữ lấy). Nhưng các bản dịch của Suddhāso, Andrew Olendzki, Thanissaro, Analayo đều dùng chữ “I will not cling to” (Tôi sẽ không dính vào). Chỉ trừ Analayo là bản sách giấy, tất cả các bản kia đều có trên mạng. Ngài Cấp Cô Độc nghe lời ngài Xá Lợi Phất dạy, mà khóc cảm động, vì trước đó chưa từng nghe kinh này. Rồi cư sĩ Cấp Cô Ðộc, sau khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Ānanda ra đi không bao lâu, thân hoại mạng chung, và sau khi thân hoại mạng chung liền sanh lên cõi Tusita (Ðâu-suất thiên).

Sau đây, người viết xin dịch tổng hợp từ nhiều bản dịch, để làm cho dễ hiểu lời dạy của ngài Xá Lợi Phất. Ghi nhận rằng, bản sách giấy của Analayo có thêm phần Xá Lợi Phất hướng dẫn ngài Cấp Cô Độc niệm nhớ tới Phật Pháp Tăng, trước khi dạy cách giữ tâm vô sở trụ. Nhưng tất cả các bản dịch khác (Thầy Minh Châu, Suddhāso, Andrew Olendzki, Thanissaro) đều không có phần hướng dẫn ngài Cấp Cô Độc niệm nhớ Phật Pháp Tăng. Có thể đoán rằng dịch giả Analayo muốn độc giả thêm phần niệm Tam Bảo như là nghi thức luôn luôn nên giữ.

Ghi nhận, trong khi bản dịch của Thầy Minh Châu viết, “Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt,” bản dịch của Sujato là  ‘I shall not grasp the eye, and there shall be no consciousness of mine dependent on the eye.’ Bản dịch Thanissaro: ‘I won’t cling to the eye; my consciousness will not be dependent on the eye.’ Bản dịch của các học giả Olendzki, Suddhāso cũng tương tự. Duy nhất, riêng bản dịch của Analayo không đặt câu với chữ “tôi” mà chỉ dịch đơn giản là “Do not cling to…” (“Đừng dính vào…”) như thế, hẳn là giúp người hấp hối tránh được suy nghĩ là có “cái tôi” nào đang tu học bài kinh cuối đời. Có thể nói ngắn gọn là tỉnh thức với tâm vô niệm, chớ để niệm trụ vào đâu. Đặc biệt, bản dịch của Analayo bỏ đoạn về xúc và thọ, hẳn là cho rằng trong cái được thấy, được nghe… hàm cả tiếp cận và phản ứng, tức là, khi chúng ta thấy cảnh và nghe tiếng, tức khắc hàm ý là có sẵn xúc và thọ trong thấy và nghe rồi. Thêm nữa, bản của ngài Analayo bỏ cả đoạn nói rằng “đừng dính vào đất, nước, gió, lửa…” hẳn là vì 4 khái niệm này trừu tượng, có thể làm người bệnh không hình dung được, lại bất lợi. Do vậy, bản dịch Kinh 143 của Analayo ngắn hơn các bản dịch trên mạng (trang 138-139, sách “Mindfully Facing Disease and Death” nxb Windhorse Publications 2016).

Người viết xin dịch các đoạn tổng hợp Kinh MN 143, lời ngài Xá Lợi Phất dạy cho ngài Cấp Cô Độc đang hấp hối, nơi đây phần lớn sẽ dựa vào cách đặt câu, tránh chữ “tôi” như bản dịch của Analayo, và sẽ làm cho cô đọng để người bệnh dễ học thuộc lòng (sẽ thấy là một phiên bản khác của Kinh Bahiya), như sau:

Cư sĩ, hãy học tập như sau. Đừng dính vào cái được thấy, và chớ để thức dựa vào cái được thấy. Đừng dính vào cái được nghe, và chớ để thức dựa vào cái được nghe. Đừng dính vào mùi hương, và chớ để thức dựa vào mùi hương. Đừng dính vào cái được nếm, và chớ để thức dựa vào cái được nếm. Đừng dính vào cảm xúc nơi thân, và chớ để thức dựa vào cảm xúc nơi thân. Đừng dính vào cái được tư lường, và chớ để thức dựa vào cái được tư lường.

Cư sĩ, hãy học tập như sau. Đừng dính vào thế giới này hay thế giới kế tiếp, và chớ để thức dựa vào thế giới này hay thế giới kế tiếp. Đừng dính vào tham luyến, và chớ để thức dựa vào tham luyến. Bởi vì, khi thức dựa vào tham luyến, là sẽ có dính vào, rồi sẽ có trở thành, rồi sẽ có sanh ra, và hễ có sanh ra là sẽ có chết đi, có lo âu, có sầu muộn, có đau đớn và sẽ có vô lượng nỗi khổ.

Cư sĩ, hãy học tập như sau. Đừng dính vào những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư lường với ý, và chớ để thức dựa vào những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư lường với ý.” (13)

Lời kết, con xin thành kính hồi hướng công đức chép kinh và dịch kinh này vì sự bình an cho tất cả đồng bào tại quê nhà.

Viết từ California, ngày 5/7/2021.

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 4.95: https://suttacentral.net/an4.95/vi/minh_chau

(2) Kinh AN 5.121: https://suttacentral.net/an5.121/vi/minh_chau

(3) Kinh AN 10.60: https://suttacentral.net/an10.60/vi/minh_chau

(4) Kinh SA 540: https://suttacentral.net/sa540/vi/tue_sy-thang

(5) Kinh SA 1024: https://suttacentral.net/sa1024/vi/tue_sy-thang

(6) Kinh SA 994: https://suttacentral.net/sa994/vi/tue_sy-thang

(7) Kinh SN 55.3: https://suttacentral.net/sn55.3/vi/minh_chau

(8) Kinh SN 22.88: https://suttacentral.net/sn22.88/vi/minh_chau

(9) Kinh SA 1025: https://suttacentral.net/sa1025/vi/tue_sy-thang

(10) Kinh SA 1169: https://suttacentral.net/sa1169/vi/tue_sy-thang

Kinh EA 51.8: https://suttacentral.net/ea51.8/vi/tue_sy-thang

(11) Kinh SN 55.54: https://suttacentral.net/sn55.54/vi/minh_chau

Kinh SA 1122: https://suttacentral.net/sa1122/vi/tue_sy-thang

(12) Kinh SN 22.44: https://suttacentral.net/sn22.44/vi/minh_chau

Kinh MN 44: https://suttacentral.net/mn44/vi/minh_chau

Kinh 148: https://suttacentral.net/mn148/vi/minh_chau

(13) Kinh MN 143: https://suttacentral.net/mn143/vi/minh_chau

 

Facebook Comments Box

Trả lời