2143 lượt xem

Kinh Người Áo Trắng

By Thích Trừng Sỹ

KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG

Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn đang lưu trú ở Chùa Kỳ Viên do vị cư sĩ Cấp-cô-độc – Sudatta Anathapindika và thái tử Jeta Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Vào một ngày đẹp trời, vị cư sĩ Cấp-cô-độc cùng với năm trăm vị cư sĩ thuần thành viếng thăm và đảnh lễ Tôn giả Xá-lợi-Phất – Sariputta và các vị Khất Sĩ khác. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất dùng nhiều lời dạy khéo léo, thuyết pháp cho các vị cư sĩ để đem lại niềm vui thực tập chánh pháp, giúp cho họ khơi dậy lòng tin khát ngưỡng Tam Bảo.         

Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất hướng dẫn tất cả mọi người đi đến tịnh thất của Đức Phật, làm lễ dưới chân Người, rồi ngồi xuống một bên trong tư thế chánh niệm và tĩnh giác. Đức Thế Tôn ân cần dạy bảo cho họ những điều then chốt mà người con Phật[1] cần phải siêng năng thực tập hằng ngày để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. (O)

Những điều then chốt đó là Năm Điều Đạo ĐứcBốn Tâm Quán Niệm Cao Thượng. Nếu những người con Phật sống đời đạo hạnh thanh cao, thường siêng thực tập Phật pháp hằng ngày, thì ngay trong đời sống hiện tại, họ có thể đạt được an vui và hạnh phúc trọn vẹn, góp phần đem lại hòa bình đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.

Đến lúc lâm chung, họ biết chắc rằng họ sẽ không sợ rơi vào ba cảnh giới xấu ác: Địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh. Khi hiểu và thực hành như vậy, thì người con Phật có khả năng tu tập, chuyển hóa thân tâm, đạt được dòng thánh quả ngay trong hiện đời.

Điều Đạo Đức Thứ Nhất: Người con Phật quyết tâm tránh xa mọi hình thức giết hại chúng sanh, kể cả các loài sinh vật. Hãy ý thức nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi bằng cách bảo hộ mạng sống của mình và của người khác. Không tự giết mình, không tự mình giết chúng sinh, không bảo người giết chúng sinh, không xúi người giết chúng sinh, và không thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo. Ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, từ bỏ vũ khí và bạo động, tu tập tâm từ bi, chuyển hóa sân giận và hận thù, biết ăn năng, sửa đổi, và hổ thẹn những việc làm sai trái. Nhờ hiểu và thực hành được như vậy, người con Phật có khả năng đoạn tận các gốc rễ ý niệm sát hại chúng sinh, sống đời sống hòa bình, an vui, và hạnh phúc ngay tại thế gian này. (O)

Điều Đạo Đức Thứ Hai: Người con Phật quyết tâm tránh xa mọi hình thức trộm cắp, không lấy của không cho, tôn trọng tài sản của người khác, ưa thích bố thí, cứu người và giúp đời vượt qua hoàn cảnh nghèo khổ, tìm niềm vui trước khi bố thí, tìm niềm vui trong khi bố thí, và tìm niềm vui sau khi bố thí; bố thí không luyến tiếc và bố thí không mong cầu đền đáp. Nhờ hiểu và thực tập như vậy, người con Phật có khả năng chuyển hóa và xả bỏ tâm tham lam, bỏn xẻn của mình, sống cuộc đời liêm khiết và vị tha. (O)  

Điều Đạo Đức Thứ Ba: Người con Phật quyết tâm tránh xa tà hạnh và ngoại tình, sống chung thủy hợp pháp với người hôn phối, tránh xa xâm phạm tình dục trẻ em, dành thời gian thích hợp chăm lo con cháu, không cho con cháu chơi các trò chơi game bạo động, giới hạn con cháu chơi các trò chơi điện tử trực tuyến, cho con cháu đi học, dành thời gian giúp con cháu làm bài tập ở nhà, dạy hiểu và thương cho con cháu. Nhờ hiểu và thực tập như vậy, người con Phật có khả xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình, và góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho học đường và cho cả xã hội. (O)

Điều Đạo Đức Thứ Tư: Người con Phật quyết tâm tránh xa nói dối – chỉ nói sự thật, không nói lường gạt và dối trá– chỉ nói lời tin cậy và tin tưởng, không nói chia rẽ và bất hòa– chỉ nói lời xây dựng và góp ý, không nói thô tục và xấu ác – chỉ nói lời lịch sự và nhã nhặn, không nói vô ích và vô nghĩa– chỉ nói lời có ích và có nghĩa, không nói miệt thị, chê bai, và trách móc –chỉ nói lời ca ngợi, tán dương, và đoàn kết, không nói chỉ trích, bực bội, căng thẳng, và sân giận – chỉ nói lời ái ngữ, dễ thương, hòa hợp, và hòa giải. Nhờ hiểu và thực tập như vậy, người con Phật đáng được tin cậy, có khả năng đem lại uy tín và hòa bình cho nhiều người. (O)

Điều Đạo Đức Thứ Năm: Người con Phật quyết tâm tránh xa uống rượu, các chất say, hút thuốc lá, và cờ bạc, đặc biệt là các chất ma túy, quyết tâm từ bỏ các thói quen hưởng thụ sa đọa, như phim ảnh, báo chí, truyền thanh, truyền hình, không mua, bán, sản xuất, và tàng trữ vũ khí và các chất độc dược, không trồng cần sa và thuốc phiện, không làm môi giới, không buôn bán người và động vật hoang dã quý hiếm.

Ý thức rằng việc tiêu thụ và sử dụng bốn loại thức ăn hằng ngày gồm có đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực trong chánh niệm và tĩnh giác, thì hành giả có thể xa lìa và buông bỏ các chất độc tố kia. Nhờ hiểu và thực tập được như vậy, người con Phật sống cuộc đời lành mạnh và sáng suốt, góp phần đem lại an vui và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. (O)

Năm Điều Đạo Đức trên đây Như Lai đã giảng dạy, kế tiếp là Bốn Tâm Quán Niệm Cao Thượng:

Tâm Quán Niệm Cao Thượng Thứ Nhất: Người con Phật nên quán niệm rằng, “Đức Phật Thế Tôn; bậc Thầy lãnh đạo tâm linh an bình và cao thượng của chúng con; bậc Thầy xứng đáng nhất để được cúng dường; bậc Thầy hiểu biết và thương yêu; bậc Thầy có đầy đủ công hạnh và tuệ giác; bậc Thầy đã đạt được an vui và giải thoát toàn vẹn; bậc Thầy hiểu thấu thế gian; bậc Thầy có khả năng điều phục được con người; bậc Thầy của cả hai giới thiên và nhân; bậc Thầy đã giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy; bậc Thầy đáng được thế gian tôn sùng và quý kính nhất trên đời.” (O)

Tâm Quán Niệm Cao Thượng Thứ Hai: Người con Phật nên quán niệm rằng, “Chánh Pháp của Đức Thế Tôn, do chính Đức Phật khéo thuyết giảng, rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng dập tắt các phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v. v… Nương vào Phật pháp, người trí nào cũng có thể tự mình tu tập, thông đạt giáo pháp, đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu, đến để học, đến để thực hành, và đến để thưởng thức những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.” (O)

Tâm Quán Niệm Cao Thượng Thứ Ba: Người con Phật nên quán niệm rằng, “Tăng đoàn của Đức Thế Tôn là Đoàn thể đang đi trên đường chân thiện, chân chánh, chính trực, tốt đẹp, và thích hợp; là đoàn thể đang hướng theo Phật pháp, tu tập Phật pháp, và sống đúng với tinh thần Phật pháp. Trong Đoàn thể thánh thiện này, có những vị đã và đang chứng quả thánh thứ nhất, quả thánh thứ hai, quả thánh thứ ba, và quả thánh thứ tư, gồm thâu bốn đôi và tám bậc thánh quả,[2] thành tựu các khía cạnh đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. Đoàn thể này xứng đáng được nương tựa, phụng sự, quy kính, quý trọng, ngưỡng mộ, và cúng dường, là ruộng phước đức tốt đẹp cho thế gian gieo trồng.”[3] (O)

Tâm Quán Niệm Cao Thượng Thứ Tư: Người con Phật nên quán niệm rằng, “Giới pháp của Đức Thế Tôn, Luật nghi và Chánh niệm Tăng đoàn đang tiếp nhận, thực tập, truyền bá, và hộ trì, là giới thân (sīla-kaya) nguyên vẹn, là giới thân không bao giờ bị sứt mẻ, là giới thân không bao giờ bị nhiễm ô, là giới thân không bao giờ bị tỳ vết, là giới thân không bao giờ bị hỗn tạp, là giới thân được người trí khen ngợi và ngưỡng mộ, là giới thân có công năng bảo vệ tự do, là giới thân đưa tới không sợ hãi, là giới thân đưa tới đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến, là giới thân đưa tới an vui và hạnh phúc đời đời. (O)

Này các đệ tử, nhờ quán niệm và thực tập Bốn Tâm Quán Niệm Cao Thượng một cách trọn vẹn, nên người con Phật có khả năng đoạn tận các dục vọng, vô minh, bất hạnh, sầu muộn, và khổ đau, chuyển hóa các phiền não tham, sân, si, … vượt thoát ba cảnh giới xấu ác: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, đạt được hạnh phúc và niềm vui lớn, có khả năng xây dựng một cõi thiên đường hay cực lạc ngay tại thế gian này, và mở ra nhiều hướng đi tốt đẹp và vững chãi cho cuộc đời. (O)

Sau khi tuyên thuyết Năm Điều Đạo ĐứcBốn Tâm Quán Niệm Cao Thượng cho các vị đệ tử xong, Đức Thế Tôn ân cần tóm tắt một bài kệ thí dụ dễ hiểu như sau:

“Các con nên sáng suốt

Biết sợ cảnh xấu ác

Siêng thực tập chánh pháp

Để chuyển hóa khổ đau.

Giữ Năm Điều Đạo Đức:

Không giết hại chúng sanh

Nuôi dưỡng tâm từ bi

Sống ít bịnh ít não

Tuổi thọ luôn tăng trưởng.

Không lấy của không cho

Xả bỏ tâm bỏn xẻn

Biết cúng dường, bố thí

Đem lợi mình lợi người.

Không tà hạnh ngoại tình

Không tình dục trẻ em

Chung thủy người hôn phối

Sống an vui hạnh phúc.

Không nói lời dối trá

Chỉ nói lời chân thật

Chánh tín và uy tín

Luôn được người tin cậy.

Quyết tâm không sử dụng

Rượu chè và ma túy

Cờ bạc và hút xách

Tâm sáng suốt thảnh thơi.

Các con thường quán niệm

Các đức tính của Phật,

Chánh Pháp và Tăng đoàn

Đạo đức và thiền định,

Trí tuệ và giải thoát.

Hoan hỷ trong bố thí

Hoan hỷ trong cúng dường

Khéo gieo trồng ruộng phước

Khéo vun trồng căn lành

Siêng thực tập chánh niệm

Giác ngộ và hạnh phúc

Có mặt ngay hiện tiền. (O)

Các đệ tử nghe rõ

Như lai nêu thí dụ

Hãy quán sát đàn bò

Có con vàng, con trắng  

Có con đỏ, con đen

Màu nâu có đốm vàng 

Hoặc màu chim bồ câu. 

Dù chúng màu sắc gì 

Hoặc xuất xứ từ đâu 

Giá trị thật của chúng 

Là ở sức chuyên chở.

Những con nào mạnh khỏe

Được huấn luyện thuần thục

Kéo xe mạnh và nhanh  

Chuyên chở được nhiều chuyến 

Là những con hữu dụng.

Trong cõi nhân gian này

Nhiều hạng người khác nhau

Vua chúa hay thường dân

Tu sĩ hay cư sĩ

Người nữ hay người nam

Người trẻ hay người già

Những ai giữ gìn Giới 

sống trong sạch, đứng đắn

an lạc, và thảnh thơi

Trở thành người đạo đức

Trở thành người mẫu mực

Cho tự thân tha nhân. (O)

Cúng dường người như vậy 

sẽ được phúc đức lớn.

Như Lai không phân biệt

Giai cấp và nguồn gốc.

Kẻ thiếu tài, thiếu đức

Kẻ thiếu tuệ, thiếu tu 

Không soi sáng cho ai,

Không làm lợi cho ai. 

Cúng dường cho kẻ ấy 

không có phúc đức lớn.

Đệ tử của Như Lai

Luôn tu huệ, tu phước

Tâm hướng về Thế tôn

Siêng thực hành Phật pháp

Siêng ủng hộ Tăng đoàn

Vun trồng các căn lành

Gieo trồng ruộng phước đức

Đạt Niết-bàn, hạnh phúc

Ngay tại thế gian này.

Sau khi xả báo thân

Sinh về thế giới lành

Tiếp tục nguyện độ sanh

Ở cõi trời cõi người

Cùng tu tập chánh pháp

Đem tự lợi lợi tha.”

Sau khi nghe Đức Phật giảng pháp xong, Tôn giả Xá-lợi-phất, các vị Khất sĩ, vị cư sĩ Cấp-cô-độc, và năm trăm vị cư sĩ khác cảm thấy hân hoan và phấn khởi, thấu hiểu lời Phật dạy, phát nguyện làm theo, đồng truyền bá Phật pháp ngay tại thế gian này để đem lại lợi lạc cho quần sanh. 

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

(3 lần, O)

Phật tử Quảng An ngâm đọc bài

Kinh Người Áo Trắng.”

.

[1] www.budsas.org/uni/u-vbud/vbkin140         

http:/langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-van/kinh-nguoi-ao-trang

[2]  Tu Đà Hoàn (Sotāpanna) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ nhất gọi là dự lưu hay vị dự lưu. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (i) và Quả (Phala) (ii) của Tu Đà Hoàn (Sotāpanna). Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ hai gọi là vị nhất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (iii) và Quả (Phala) (iv) của Tư Đà Hàm (Sakadāgāmī). A Na Hàm (Anāgāmī) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ ba gọi là vị bất lai. Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (v) và Quả (Phala) (vi) của A Ha Hàm (Anāgāmī). A La Hán (S. Arahanta/ P. Arahant) có nghĩa là một vị thánh nhập vào dòng thánh thứ tư gọi là vị xứng đáng được cúng dường (1/ ứng cúng), vị giết giặt phiền não (2/ sát tặc), vị phá tan các điều ác (3/ phá ác), vị làm cho ma phiền não khiếp sợ (4/ bố ma), vị chấm dứt vòng luân hồi sinh tử (5/ vô sinh). Vị này đã chứng ngộ Đạo (Magga) (vii) và Quả (Phala) (viii) của A La Hán (Arahanta).

(i) và (ii) là một đôi, (iii) và (iv) là một đôi, (v) và (vi) là một đôi, (vii) và (viii) là một đôi, tất cả gồm bốn đôi. Tính từ Đạo và Quả của (i) tới Đạo và Quả của (viii), ta có tổng cộng là bốn đôi và tám vị Thánh Đạo và Quả (Cattāri purisayugāni aṭṭha     purisapuggalā).    

[3] http://www.aimwell.org/assets/PathofPurification2011.pdf Part II, Chapter VII, pp. 215 – 218. 

 

Facebook Comments Box

Trả lời