979 lượt xem

Mười Đức Lành Của Người Con Phật

Thích Tánh Tuệ

Quảng An

Kính bạch SP,

Con chưa ghi âm nên nay con xin đóng góp cúng dường lợi lạc Đại Chúng. 
Đừng coi thường phước nhỏ
Tích tiểu sẽ thành to
Bỏ buông dần chấp mắc 
Phước báu mãi hẹn hò!
Dưới đây là giọng ngâm của Cô Quảng An,
mời Đại Chúng thưởng thức.
NIỀM VUI XUẤT PHÁT TỪ TÂM “TÙY HỶ”
Tùy là theo, hỷ là vui mừng. Tùy hỷ là vui mừng theo.
 
Khi thấy bạn hay người thân làm điều lành hay việc tốt chúng ta phát tâm vui theo, đó là tùy hỷ. Người làm lành vui bao nhiêu chúng ta vui bấy nhiêu. Người phát được niềm vui đó công đức bằng công đức người làm việc lành. Thí dụ người A đem mười đồng đến chùa cúng, chúng ta nghèo không có tiền cúng, thấy người A cúng chùa thì vui sướng, chúng ta vui theo thì công đức của người A cúng mười đồng với công đức tùy hỷ của chúng ta bằng nhau. Mới nghe qua thấy như bất công vô lý, chúng ta không cúng một xu nào tại sao công đức bằng người A cúng mười đồng được? Nhưng Phật nói công đức hai người bằng nhau.
 
Có người hỏi:
 
– Bạch đức Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí bằng nhau?
 
Phật trả lời bằng một thí dụ:
 
Cây đuốc thứ nhất đang cháy, có một người cầm cây đuốc thứ hai đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc thứ nhất cháy, cây đuốc thứ hai cũng cháy, ánh sáng hai cây đuốc đó không hơn kém nhau. Cây đuốc bị mồi, ánh sáng cũng không giảm bớt. Cũng vậy, người làm việc lành, chính họ đã có công đức và người phát tâm tùy hỷ công đức cũng ngang bằng với người làm lành đó.
 
Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy? Người có công có của đem ra giúp người là họ xả được tâm tham lam ích kỷ. Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được tâm tật đố, vì thông thường người thế gian thấy ai hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, người A có mười đồng cúng chùa, mình không có thì buồn rồi nói móc nói ngoéo, chớ không có tâm tùy hỷ vui theo.
 
Thấy người làm được mình làm không được sanh đố kỵ là tật xấu. Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được tật đố xấu xa nơi mình rồi. Người bố thí xả được tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được tâm tật đố thì công đức hai người bằng nhau.
 
– Trích “Những cái vui trong đạo Phật”,
Hoà thượng Trúc Lâm
MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ 
Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:
🌷1- Khéo giữ gìn thân khẩu
(Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti),
là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.
 
🌷2- Vui thích trong sự hòa hợp
(Samaggārāmo’ va hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.
 
🌷3- Lấy pháp làm trọng
(Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.
 
🌷 4- Vui chia sẻ tùy khả năng
(Yathāthāmena saṃvibhāgarato’ va hoti), nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.
 
🌷5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật
(Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati), nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy.
 
🌷6- Có chánh kiến
(Sammādiṭṭhiko’va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.
 
🌷7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm
(Apagato kotuhalamaṅgaliko’va hoti), nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.
 
🌷8- Không xu hướng theo Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống
(Jīvitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật.
 
🌷9- Đồng vui khổ với chư Tăng
(Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo.
 
🌷10- Thực hành theo giáo lý
(Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.
 
Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ đệ tử Tam Bảo.
Trích Phật giáo Nguyên Thủy – Namo Buddhaya
Nếu Ai Hỏi
 
Nếu ai hỏi tôi sợ điều chi nhất?
Tôi sợ nhiều … bóng tối cõi lòng tôi.
Danh lợi mất, tôi xem rằng chưa mất
Mất lương tri là mất đã nhiều rồi!
 
Nếu ai hỏi tôi ghét điều chi nhất?
Ghét chính là đánh mất sự bình yên
Nếu không thương – tôi không ghét, không phiền
Có thương, ghét… cứ hồn nhiên trẻ nhỏ.
 
Nếu ai hỏi về tình yêu chân thật?
– Biết nhịn nhường, sống chấp nhận lẫn nhau!
Yêu trói buộc làm người kia chật vật
Hạnh phúc song hành chiếc bóng khổ đau.
 
Nếu ai hỏi tôi biết ơn gì nhất?
Thưa chính là những trở ngại, chướng duyên.
Đời sóng gió giúp buông lòng kiêu ngạo
Sớm quay về nẻo Đạo, biết nhu khiêm.
 
Nếu ai hỏi điều làm tôi thất vọng?
Đó chính là mơ mộng đổi thay đời.
– Nếu tôi biết đồi chính mình quan trọng
Thay cái nhìn, thế giới đẹp tinh khôi!
 
Nếu ai hỏi điều gì tôi hy vọng ?
– Ước mong mình mở rộng cõi lòng hơn !.
Cái tôi lớn đất trời thu nhỏ lại
Tôi bé đi, đời bát ngát yêu thương…
 
Như Nhiên- Sakya Tánh Tuệ
*********
 
Ngồi Lại Với Mùa Thu
 
Lắng lòng nghe một chiếc lá rơi
Mùa Thu vừa đến nhẹ bên đời
Chiều phai, giọt nắng còn vương đọng
Như thầm tiếc nuối một ngày trôi..
 
Mới vừa xuân, thoáng đã vào thu
Tháng năm chìm khuất rặng sương mù
Bốn mùa thấp thoáng qua ngày mộng
Vô thường chưa mỏi gót phiêu du…
 
– Lắng lòng nghe.. tiếng của dòng sông..
Buồn, vui, thương, ghét.. cuộc long đong.
Sóng tình chưa phút nao dừng lại
Viễn xứ.. nào ai biết.. tại lòng!
 
– Dĩ vãng trôi, tương lai cũng trôi..
Giấc mơ thành hiện thực đầy vơi!
Hiện thực kết nên ngày lịch sử
Rồi Lịch sử tìm.. mây trắng trôi…
 
Lắng lòng nghe hơi thở mùa thu
Ngừng theo tiếng gọi của tâm tư.
Hồ thu viên sỏi vừa rơi nhẹ
Đã thấy nghìn trùng xa cõi Như…
 
Khép làn mi, khép cửa thời gian..
Nghiêng bên dòng nước gặp dung nhan…
– Ngày mai có thể không hề đến
Chiếc lá vừa rơi…Mộng đã tàn!!…
 
Như Nhiên -Thích Tánh Tuệ
 
Facebook Comments Box