1264 lượt xem

Những ưu tư của thế hệ đi trước và những ước vọng của thế hệ đi sau

Thích Thiện Hiền

NHỮNG ƯU TƯ CỦA THẾ HỆ ĐI TRƯỚC VÀ NHỮNG ƯỚC VỌNG CỦA THẾ HỆ ĐI SAU

Giai đoạn khai sơn phá thạch: Những bậc tôn đức Tăng Ni tiền bối đã vì đại nạn của dân tộc ta mà phải bỏ nước ra đi tìm tự do như bao nhiêu đồng hương VN khác, khi ra đi ai cũng phải chấp nhận đánh đổi cái chết để tìm cái sống, nên ca dao thời đại có câu: trước hết là con nuôi cá, thứ hai là má nuôi con, thứ ba là con mới nuôi má. Những người tỵ nạn đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, với hai bàn tay trắng, rất ngỡ ngàng khi tiếp xúc với những con người mới, mọi cái đều khác xa như: ngôn ngữ bất đồng, văn hóa, phong tục, tập quán, thời tiêt khí hậu, phương tiện, thực phẩm, không bạn bè, không nhà cửa v.v… Đã làm thay đổi cả một cuộc đời, bước qua giai đoạn mới, những vị không chịu nổi phải từ bỏ chiếc áo tu quay về với cuộc sống thế tục, còn những vị với tâm nguyện kiên cường, vì lý tưởng phát tâm xuất gia ban đầu với hạnh nguyện giải thoát an lạc, hy sinh đời mình để phụng sự chúng sanh, báo Phật ân đức nên rất nỗ lực vượt qua những gian nan và thử thách, để được như hôm nay.

Rồi thời gian qua, quý Ngài cũng đã từ từ gieo hạt giống Bồ Đề, được nảy mầm trên đất nước mới, được tưới tẩm và chăm sóc từ nhiều bàn tay của đồng bào, đồng hương Phật tử tha phương để tạo mãi, xây dựng cơ sở có nơi nương tựa và tu tập. Muốn tạo được một cơ sở ban đầu như vậy, các Ngài cũng đã vất vả đổ xuống không biết bao nhiêu sức lực, tài lực, mồ hôi, nước mắt, tủi nhục, nhiều khi phải đánh đổi cả thân mạng…Nhìn chung trong khoảng 30 năm qua, PGVN có mặt khắp thế giới và tạo dựng rất nhiều ngôi tự viện lớn nhỏ khắp nơi. Trụ trì thế gian Tam Bảo được hình thành, phát triển và xây dựng kiên cố, có thể tồn tại từ 100 năm hoặc hơn nữa, nhưng với tuổi tác và sức khỏe của quý Ngài không thể tồn tại theo thời gian. Thì đã đến lúc phải ưu tư về tiền đồ PGVN tại Hải ngoại, sau khi thế hệ trước nằm xuống, thế hệ sau phải làm gì?

Phát triển hay phá sản: Nhìn tổng thể chúng ta có thể lạc quan, vì nơi này diệt thì nơi khác sanh, PGVN đã được truyền bá khắp nơi; đó là niềm vui chung. Chúng ta thấy PG và cộng đồng VN chúng ta càng ngày càng phát triển và tạm ổn định, và Tăng Ni bây giờ cũng được xuất cảnh sang nước ngoài bằng nhiều cách, được sự giúp đỡ của thế hệ trước, có vị may mắn hơn được huynh đệ, Thầy Tổ bảo lãnh qua dành mọi ưu ái có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, để hợp sức xây dựng ngôi Tam Bảo, làm Phật sự, hướng dẫn Phật tử tu tập, có những vị không đủ nhân duyên nên phải trở về quê nhà. Khi một vị Tăng Ni đến Úc do nhân duyên nào đó hay được vị trụ trì tại Úc có sự liên hệ có thể cũng đã quen biết từ trước hay được sự giới thiệu thầy Tổ từ quê nhà. Trước mắt, những vị được bảo lãnh sang cũng đã có khả năng đáp ứng tạm thời những nhu cầu Phật sự tại địa phương. Nhìn chung chúng ta cũng có phần lạc quan và hãnh diện về PGVN hiện nay, nhưng về lâu về dài thì tương lai PGVN tại Úc thế nào? Phương pháp tu tập, giáo dục, truyền đạo v.v.. làm thế nào để hòa nhập được với cộng đồng Úc, trong khi con cháu chúng ta sinh trưởng tại xứ Úc, không có thể nói và hiểu nhiều về ngôn ngữ Việt Nam. Những thế hệ trước lo âu: Mình đã tạo dựng được cơ sở hoàn thành đầy đủ tiện nghi, không biết thế hệ sau có khả năng tiếp tục duy trì và phát huy hay chỉ đến để hưởng thọ những công lao to lớn của người đi trước tạo dựng? Bởi vậy, tâm niệm đó của quý Ngài rất thao thức tìm người để kế thừa duy trì một cách xứng đáng, cho nên sự bảo lãnh ấy trở nên thận trọng và dè dặt hơn. Vì nhu cầu Phật sự tại ngôi chùa mới phát triển các vị trụ trì không đảm đang nổi, nên cần có nhân sự hợp sức cùng nhau xây dựng. Có những vị với ý niệm ban đầu bảo lãnh huynh đệ mình như một người thợ xây dựng, sau khi xây dựng xong có thể không được bảo lãnh ở lại nữa. Do ý niệm ban đầu như vậy nên người được bảo lãnh cảm nhận được điều đó, họ xem như ăn cơm chùa phải làm việc chùa, họ cảm giác như người đến để làm công, không có những quyền lợi gì riêng tư, làm việc xong thì mình sẽ không còn ở lại nơi đây.

Có những vị trụ trì nghĩ đến tình cảm huynh đệ thầy trò từng tu học chung dưới mái chùa trước khi đến đây, bây giờ họ muốn bảo lãnh, giúp đỡ huynh đệ ấy để cùng qua sống chung và tu tập, cùng nhau xây dựng ngôi Tam Bảo. Bởi do ý niệm ban đầu dễ thương như vậy nên họ được đoàn tụ trong tình yêu thương ấm áp và cùng nhau chia xẻ ngọt bùi. Với ý niệm ban đầu rất quan trọng đối với đối tượng được bảo lãnh. Tuy nhiên chúng ta biết không ai có thể đối xử như bát nước đầy mãi, đến một lúc nào do sự hiểu lầm nghi ngờ có thể đem đến đổ vỡ, cho nên việc bảo lãnh một số Tăng Ni qua đây hầu như thất bại nhiều hơn, nguyên nhân do đâu? Tại sao các chùa tại Việt Nam có thể sống chung trên dưới một trăm vị dễ dàng nhưng tại hải ngoại thì không? Có phải đất nước này quá tự do nên ai cũng có cái quyền của Ta quá lớn?, đụng vào cái Ta thì mọi thứ đều đỗ vỡ, hay là xã hội văn minh là như vậy. Cha mẹ, anh em, vợ chồng v.v… huynh đệ, thầy trò cũng không thể sống chung với nhau trong một mái ấm huống chi người dưng không huyết thống. Có phải xã hội càng văn minh con người càng ích kỷ hơn không?

Thế hệ sau được bảo lãnh qua với ước vọng gì ban đầu khi ra đi, nếu ai trong chúng ta cũng tự nhắc nhỡ mình như trong văn cảnh sách “phải bước đi đến một phưong trời cao rộng vì thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh, chấn nhiếp ma quân, báo đáp bốn ân”, để xác định lập trường và ý nguyện xuất gia như vậy thì mới mong được tiếp nhận dễ dàng bất cứ nơi nào trên các tự viện tại hải ngoại; ngược lại với tâm nguyện trên và chỉ được mong cầu một điều gì đó lợi dưỡng cho bản thân thì khó có thể tồn tại được. Cho nên nếu ai muốn ra đi, thì phải xác định lập trường, khi ra đi vì lý do gì?. Ý niệm ban đầu đó quyết định sự thành công hay thất bại những ước vọng của mình. Thế hệ trước đã tạo dựng nên một cơ sở tương đối hoàn thành, thế hệ sau phải trang bị cho mình vốn liếng căn bản mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội phương Tây, mới có thể tiếp nối được một cách liên tục.

Trước kia, các vị tổ sư bên Trung Hoa cũng tị nạn qua Việt Nam và cũng tạo dựng phát triển cơ sở tiếp Tăng độ chúng hoàn toàn là người Việt Nam. Sau đó các vị lần lượt viên tịch thì đệ tử Tăng Ni Việt Nam tiếp tục sứ mệnh. Riêng về Phật Giáo Việt Nam tại Úc có giống như vậy hay không? Hay phải bảo lãnh Tăng Ni từ Việt Nam để tiếp tục duy trì? Hay Phật Giáo Việt Nam trở thành quá khứ để biến thành Phật Giáo của Úc Châu? nếu Phật Giáo Việt Nam không giải quyết được những nhu cầu trên thì xem như tự phá sản trên xứ sở Úc Châu này. Đó là một điều lo lắng đáng buồn hay đáng lạc quan mà chư tôn đức thường quan tâm và toàn thể tín đồ kỳ vọng.

Viết tại Chùa Pháp Bảo, An Cư 2006,

Thích Thiện Hiền

Facebook Comments Box

Trả lời