2991 lượt xem

Sơ lược tiểu sử Chùa Linh Nghĩa, nơi Thầy Trừng Sỹ xuất gia tu học Phật Pháp tốt đẹp

Thích Trừng Sỹ               Chùa Linh Nghĩa

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CHÙA LINH NGHĨA

Chùa Linh Nghĩa tọa lạc thôn Phú Khánh trung, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, Chùa có tên là Nghĩa Trũng Đàn (義塚壇) do các quan triều trong Phủ Diên Khánh, Khánh Hòa sáng lập năm Tự Đức thứ tư – 1851.

Trong tiếng Hán Việt, Nghĩa có nghĩa là tình nghĩa, ơn nghĩa, và cũng có nghĩa là nghĩa trang; Trũng có nghĩa là mồ, là mộ, là trũng, là thấp; Đàn có nghĩa là đàn tràng, đạo tràng, là nơi thờ hài cốt. Vậy, ban đầu, Nghĩa Trũng Đàn là nơi thờ hài cốt của các chiến sĩ trận vong trong thời nhà Nguyễn (1752-1792) và cũng là nơi thờ các vị âm hồn, cô hồn không người cúng giỗ.

Thật vậy, Nghĩa Trũng Đàn là nơi khu đất rất thấp, hằng năm khi tới mùa mưa lụt, nước mưa đọng lại rất nhiều và rất lâu, ngập trên đầu gối. Nếu khoảng hai tuần thời tiết bớt mưa, thì nước đọng mới rút. Nếu mưa nhiều thì nước đọng còn hoài và rút chậm hơn. Nghĩa Trũng Đàn bao gồm các ý nghĩa được đề cập ở trên, là tên địa phương người dân thường gọi, đã có từ lâu đời. Hơn nữa, trong Chùa Linh Nghĩa, có một hòn đá thờ bên dưới bàn thờ Địa Tạng khắc chữ Hán Nghĩa Trũng Xứ (義 塚 處), là tên địa danh của trú xứ này.

Năm tháng trôi qua, Nghĩa Trũng Đàn bị hư nát dần, các quan triều trong phủ Diên Khánh họp và bàn giao Nghĩa Trũng Đàn cho các Bô lão trong làng Diên Thạnh chăm lo hương khói; Sau khi chăm lo nhang khói một thời gian, các bô lão trong làng mất dần, số người còn lại họp và bàn giao Nghĩa Trũng Đàn cho thầy Thích Như Tịnh vào năm 1947.

Năm 1947, để thích hợp với ý nghĩa nhà Phật, với trách nhiệm Trú trì, khi chăm lo và đảm trách Nghĩa Trũng Đàn, thầy Thích Như Tịnh, em ruột của Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trừng San, đã đổi tên Nghĩa Trũng Đàn thành tên Chùa Linh Nghĩa, và trùng tu ngôi Chùa này hai lần năm 1952 và 1992.

Từ năm 1947 tới năm 2007, Hòa thượng Thích Như Tịnh trú trì ngôi Già Lam này. Tháng 10 năm 2007, xét thấy tuổi già sức yếu, tâm trí còn minh mẫn, Hòa thượng họp các đệ tử lại và làm đơn di chúc Chùa Linh Nghĩa cho đệ tử lớn của Hòa thượng, đạo hiệu Thích Trừng Tường, người có trách nhiệm trực tiếp chăm lo công tác Phật sự ở trú xứ này. Tất cả các đệ tử của Hòa thượng đều đồng ý và nhất trí vâng theo lời dạy của Hòa thượng.

Tháng 8 năm 2009, trải qua thời gian năm tháng, xét thấy ngôi Chùa Linh Nghĩa xuống cấp, Hòa thượng trực tiếp chỉ dạy thầy Trừng Tường họp các huynh đệ tiến hành xin giấy phép xây dựng, đại trùng tu. Chùa có giấy phép xây dựng và chính thức làm lễ đặt đá vào ngày ngày 14 tháng 03 năm 2010, nhằm ngày 29 tháng giêng năm Canh Dần.

Từ khi khởi công xây dựng cho tới khi hoàn tất khoảng 8 năm, Chùa được xây dựng xong. Cổng tam quan và ba pho tượng Phật ở trước Chùa rất đẹp và rất trang nghiêm cũng được xây dựng xong. Để tạ ơn Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý Phật tử gần xa, và Chính quyền địa phương, vào ngày 5-6 tháng 8 năm 2018, Chùa chính thức tổ chức làm lễ khánh thành. Mọi người ở nhiều nơi khác nhau quang lâm về Chùa dự lễ Khánh thành rất ấm áp trong tình Pháp lữ đồng tu.   

Hiện nay, Chùa Linh Nghĩa khang trang, thoáng mát, và không còn thấp trũng như trước đây nữa.

Ở các khía cạnh giáo dục, hoằng Pháp, và góp phần đào tạo con người tài và đức, Chùa Linh Nghĩa cũng là nơi nuôi dạy tăng tài. Các đệ tử của Hòa thượng có vị đang theo học chương trình Cử Nhân Phật học, có những vị tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học ở trong nước, có vị tốt nghiệp Cao Học, Thạc sĩ, và Tiến sĩ Phật học ở nước ngoài, đặc biệt là ở Ấn Độ. Những vị đệ tử của Hòa thượng đã tốt nghiệp gồm có thầy Tâm Lực, thầy Tâm Tín, thầy Trừng Sỹ, v.vv…

Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Thượng tọa Thích Trừng Tường chụp chung nhân ngày lễ tạ ân Sư ở Chùa Linh Nghĩa năm 2009 sau khi thầy Trừng Sỹ tốt nghiệp từ Ấn Độ về.

Vào ngày 01 tháng 03 năm 2009, thầy Trừng Sỹ, một trong những vị đệ tử của Trưởng Lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Ấn Độ, sanh tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Thầy Trừng Sỹ tốt nghiệp tiến Sĩ Phật học ở Đại học Thủ Đô Delhi ngày 01 tháng 03 năm 2009.

Như vậy, nhờ môi trường giáo dục Phật giáo vững chãi, Chùa Linh Nghĩa đã và đang góp phần giáo dục và đào tạo con người tài đức không những ở Việt Nam, mà còn ở các nước khác nhau trên thế giới, ở Nhật Bản, Úc Châu, và đặc biệt là ở Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Cùng với các bạn đồng học, hình này may mắn được chụp chung với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ở Phi trường Delhi, Ấn Độ năm 2007.

Hình này thầy Trừng Sỹ chụp chung với nhân viên ở San Antonio, Texas, Hoa Kỳ năm 2016.

Hiện nay, mặc dầu Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Viện Chủ Chùa Linh Nghĩa, đã đi về cõi Phật, nhưng ở khía cạnh tiếp nối giáo dục và đào tạo Tăng tài của Trưởng lão Hòa thượng, Chùa Linh Nghĩa và các đệ tự của Ngài tiếp tục con đường giáo dục Phật giáo bằng cách nỗ lực tu học, áp dụng, và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lợi ích cho quần sinh.

Sau khi Hòa thượng viên tịch ngày Mùng Một Tết lúc 12 trưa năm Quý Tỵ 2013, Thượng tọa Thích Trừng Tường, vị đệ tử lớn của Hòa thượng, là vị trú trì Chùa Linh Nghĩa hiện tại có trách nhiệm chăm lo các công tác Phật sự tại bổn Tự và trực tiếp hướng dẫn đời sống tâm linh cho các Phật tử gần xa, nhất là ở các khía cạnh đạo đức, thiền định, trí tuệ, và đào tạo con người tài đức để góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông ngay tại thế gian này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ôn Trừng Tường trú trì Chùa Linh Nghĩa hiện nay.

Brief Biography of Linh Nghĩa Buddhist Temple

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời