978 lượt xem

Tâm Tình Linh Sơn

Thích Thiện Hiền

 TÂM TÌNH LINH SƠN

Một hôm, tôi đọc được bài “Nhớ thầy” trên tờ báo Giác Ngộ số 67 ra ngày 1.10.1993 sự kiện thật bất ngờ khiến tôi hết sức xúc động, khi nhìn thấy đạo hiệu Bổn sư của mình được xưng tán. Tôi băng khoăn tự hỏi ai là tác giả và vội nhìn cuối bài, tôi biết được tác giả cũng là một tu sĩ và từng y chỉ với Người. Thật ra, trong hàng đệ tử của Người ít ai dám viết về Thầy, vì sinh thời thầy không thích những việc như thế.

Bạch Thầy! khi xem bài “Nhớ Thầy”, cả một thời thơ ấu tu học với hình ảnh lung linh hiện ra trong tâm trí con, con hồi hộp xúc động và niềm xúc động như muốn bóp nghẹt con tim, khiến con không thể nào không viết những đều con biết về thầy, xin thầy tha thứ cho con, như những ngày xưa, thầy đã từng tha thứ con còn là một chú tiểu tinh nghịch và vụng về. Quê hương thầy tận miền Trung xa xôi (QNĐN) đó là cửa ngõ VN đầu tiên tiếp xúc với văn minh Tây phương. Do vậy, thầy là người vừa thâm nho vừa tinh thông Pháp ngữ. Trước khi xuất gia thầy dạy Pháp văn tại trường trung học Đà Nẵng. Ngoài việc dạy học, thầy dồn hết tâm trí vào việc nghiên cứu Phật Pháp và theo học hàm thụ các lớp Phật học tại Huế.

Thế rồi, nhân duyên đến, thầy nhất định ra đi, bỏ lại sau lưng công danh sự nghiệp, Thầy băng rừng lội suối vượt đèo sang Lào, trở xuống Cao Miên để tìm thầy học đạo và cuối cùng theo dòng Cửu Long giang xuôi về miền Nam thì gặp được minh sư là ngài Minh Tịnh hiệu Nhẫn Tế, Người vừa từ Tây Tạng trở về, đã được đức Đạt Lai Lạt Ma thọ ký. Vậy thầy cùng ba huynh đệ được trao truyền giáo pháp với pháp hiệu: Tịch Chiếu, Viên Chiếu, Thường Chiếu, Tịch Tràng.

Hiện nay Hòa Thượng Tịch Chiếu kế thừa sự nghiệp của sư tổ Minh Tịnh, trụ trì chùa Tây Tạng tỉnh Bình Dương.

Hòa thượng Thường Chiếu trụ trì chùa Huệ Lâm tại Bà chiểu, Bình Thạnh. Ngài sống ẩn dật, rất ít khi ra khỏi chùa, không cần biết thế giới bên ngoài, chưa có một đệ tử và dường như đang đợi một vị nào đó?

Còn Hòa thượng Viên Chiếu là một du Tăng, Ngài sống ba y với một bình bát, để hoằng hóa các tỉnh miền Trung, lên núi Ninh Hòa tu tập rồi hóa thân tại đó. Hay tin ấy, dân làng lấy đá tảng xây mộ cho thầy. Thường ngày dân làng lên núi đốn củi, tìm trầm hay ghé hang đá để dừng chân nghỉ ngơi, viếng mộ thắp nhang cho thầy cầu gia hộ bình an.

Thầy tôi, Hòa thượng Tịch Tràng đã đắc Pháp với Ngài Minh Tịnh trong thời gian tu tập tại chùa Thiên Chơn, Bình Dương, cùng với ba huynh đệ trên. Khi ấy Bồ Tát Quảng Đức trên đường hoằng hóa đã Bình Dương và thường thăm viếng ngài MinhTịnh. Bồ Tát Quảng Đức gặp thầy chúng tôi biết ngay là pháp khí, có thể làm rường cột cho phật pháp.

Nhân đấy, Bồ Tát Quảng Đức có nhã ý mời thầy chúng tôi về Vạn Giã, Khánh Hòa để trụ trì ngôi chùa Linh Sơn mà Ngài đương nhiệm trụ trì. Nơi ấy là quê hương môn phái xuất thân của Bồ Tát. Thầy được Bồ Tát Quảng Đức truyền trao Tổ đình Linh Sơn, một trong 31 ngôi chùa do ngài trùng tu và khai sơn. Giữa thời kỳ chiến tranh Việt Pháp khốc liệt nhất, tình thế rất phức tạp, thầy phải đối mặt với hai thế lực chính trị.

Quân đội Pháp bảo thầy là Việt minh, người đã trả lời họ “thầy chỉ là một tu sĩ Phật giáo lấy đức Từ Bi giáo hóa chúng sanh, chứ không tham gia một thế lực chính trị nào”. Từ đó, thầy hóa độ quân Pháp và họ không đến phá chùa và bắt bớ dân lành quanh vùng. Đêm đến khi quân Pháp rút thì Việt minh về làng xin lương thực, những lần chùa còn khoai sắn thì không sao, nhưng hôm nào chùa không còn gì để cho, kể cả cọng rau hạt muối, thì Việt Minh chụp mũ cho thầy là Việt gian. Nhưng rồi đức độ của thầy, vào những lần giao tranh họ bị quân Pháp lùng bắt, thì cửa Từ Bi là nơi an ổn nhất cho họ nương thân, nên họ cũng không khó dễ thầy nữa. Thầy sống tiêu biểu cho hòa bình đã khéo léo dung hòa quan điểm của hai thế lực hầu cứu giúp dân lành. Nếu ai vướng phải vòng oan ức thì thầy đích thân đến nơi để can thiệp và xin tha cho. Chiến tranh tuy ác nghiệt, không tha mạng sống của ai, nhưng riêng thầy tên đạn không dám phạm đến. Vào một ngày nọ, khi thầy đang cúng ngọ tại chánh điện, hai vị Phật tử đứng hai bên. Bỗng đâu một trái “Mọt chê” rớt xuống xuyên qua mái chùa, nhưng trái đạn không nổ mà nằm yên trên trần nhà, chính quân Pháp đã vào lấy trái đạn đó mang đi. Sự huyền diệu của phép Phật khiến cho quân Pháp khiếp vía bái phục, chúng đã chứng kiến sự việc linh thiêng ấy. (Hiện nay dấu tích vẫn còn trên mái chùa cũ tuy đã được vá lại). Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, sự yên lành trả lại cho dân làng và chùa chiền nên chư Tăng và Phật tử rủ nhau về tu học càng ngày càng đông. Vì vậy, thầy mời Hòa thượng Viên Giác về làm giáo thọ để dạy Tăng chúng tại tổ đình. Sau đó, ngài Viên Giác về khai sơn chùa Giác Hải tại núi Ông Sư, cách chùa Linh Sơn 3 km về hướng Nam. Nhờ vậy, chùa Giác Hải đã trở thành một tòng lâm thắng cảnh. Nơi ấy, Hòa thượng Viên Giác tiếp tăng độ chúng rất đông.

Đức độ khoan dung của thầy thật vô biên, tất cả những ai dù quá khứ thế nào, khi muốn quay về tu tập thầy sẵn sàng dung nạp. Có những vị bổn sư của họ không sao cải hóa đã phải từ chối, nhưng khi về với thầy thì họ hòan tòan thay đổi. Bởi vậy, trước năm 1975 Linh Sơn là nơi quy tụ chư Tăng từ Quảng trị đến Cà Mau không phân biệt sơn môn hay địa phương nào, cũng có thể ở để tu học được. Khi thầy dạy một chú tiểu có lỗi, không bao giờ dùng roi vọt hay nặng lời, chỉ nhìn nét mặt đầy Từ Bi nhân hậu khả kính của thầy là các chú tiểu ăn năn hối cải. Lúc tôi còn là chú tiểu thường mắc phải những lỗi lầm nhưng chưa bao giờ bị thầy quở trách. Một buổi sáng nọ, tôi bưng mâm cơm lên hầu thầy, khi bước lên bậc thềm nhà Tăng, tôi vướn chân vấp té, mâm cơm hất tung xuống đất; sự sợ hãi khiến tôi không nhúc nhích được. Thầy đang ngồi bên trong nhìn ra thấy, người từ từ đứng lên đến đỡ tôi dậy và dẫn vào phòng, xoa dầu cho tôi và hỏi: “Con có sao không? Con bị đau ở đâu?” Nghe những lời này nỗi sợ hãi và đau đớn của tôi tan biến. Tôi ngước lên nhìn thầy: Ôi một gương mặt đầy lo lắng và nhân hậu! Thầy dạy: “Lần sau đi cẩn thận từng bước nghe con!”

Lòng từ bi không chỉ đối với loài người mà là với tất cả chúng sanh. Có lần, thầy cầm con dao chặt cành sứ, trên cành cao có tổ kiến vàng, vỡ rơi xuống khắp người thầy, tôi vội vàng chạy lại hai tay phủi lia lịa, nhưng thầy quay lại bảo: “Con đừng phủi mạnh nó chết”. Rồi thầy cởi áo treo trên cành cây, nhẹ tay bắt từng con thả lại trên cành, thấy vậy tôi cũng bắt chước làm theo, kiến nhiều quá, nên khi chưa kịp bắt, chúng tha hồ cắn thầy đủ nơi: đầu, cổ, má, vai… nhưng thầy vẫn đứng yên chịu đựng, quay lại mà nói: “Đó là lỗi tại thầy, vì thầy vô tình phá nhà của chúng, làm cho dòng họ nó tan vỡ, khiếp sợ”. Cuộc sống của thầy thật giản dị, từ ăn mặc xềnh xòang cho đến giao tế, thầy đối mọi người đều bình đẳng không phân biệt sang hèn. Nhiều lần tôi chứng kiến, thầy tiếp xúc các vị Quận trưởng, Tỉnh trưởng hay các vị chức sắc trong chánh quyền, cũng với chiếc áo nâu cũ kỹ, với những tách trà đơn sơ; một người nông dân chân lấm tay bùn, hoặc một em bé tung tăng trong vườn chùa lượm me hoặc những cụ già lụm khụm đến thọ Bát, thầy đối xử rất trân trọng và niềm nở. Đấy là hình ảnh thầy đã sống bình đẳng trên tinh thần “Phật tính”

Thầy lo đời sống của chúng tăng từng bữa ăn, giấc ngủ. Thầy cùng ăn cơm với chúng, trong bữa ăn thật trang nghiêm, chánh niệm, không nói chuyện, không có tiếng khua nhẹ của chén đũa. Nhất là, thầy rất quan tâm lo lắng việc tu học của các chú tiểu. Thầy trực tiếp hướng dẫn dạy các chú vào mỗi chiều.

Về phần tu tập, thầy hướng dẫn đại chúng các khóa lễ tu theo Pháp môn Tịnh độ. Nhằm ngày vía Phật và Bồ Tát, thầy hướng dẫn chúng tưởng niệm và đảnh lễ 100 lần danh hiệu nhân ngày vía ấy. Như ngày vía Phật A Di Đà khi đảnh lễ vía xong, thầy cho chúng luân phiên niệm danh hiệu Phật suốt ngày cho đến khóa lễ Tịnh độ tối. Với sức khỏe tuổi gần 70, nhưng thầy tu hành tinh tấn đến nỗi chúng tăng trai trẻ ít ai làm theo nổi. Ngoài ra, những khóa lễ thọ trì riêng, từ ba giờ khuya thầy lạy Vạn Phật cho đến bảy giờ sáng, thì giờ còn lại thầy luôn luôn niệm Phật, tràng hạt không rời khỏi tay. Thầy đã hòan thành sứ mạng trong những ngày cuối cùng.

Hạnh nguỵên đã mãn, với sức khỏe càng ngày càng yếu dần Hòa thượng biết sẽ ra đi, nên gọi đồ chúng lại và giao phó trách nhiệm cho từng vị. Lời dạy cuối cùng của Hòa thượng để lại bốn câu kệ cho đệ tử y theo đó mà tu hành:

“Hơn thua phải trái biết bao là

Xét nét tu hành giữ lấy ta

Tâm để rỗng không thường nhẫn nhục

Muôn phiền não chướng cũng tiêu ma.”

Trước khi ra đi, thầy không cho đệ tử xây tháp nhưng vì để tưởng nhớ ân sâu giáo dưỡng của thầy nên đệ tử mới xây tháp để thờ, tháp ấy thật đơn sơ và bình dị như cuộc đời thầy. Trên bàn thờ hai câu đối thờ thầy, do Thượng tọa Tuệ Sỹ Viện Cao Đẳng Phật Học Nha Trang kính điếu như sau:

仰 之 高 奚 生 歟 滅 歟 彷 彿 空 堂 瘦 鶴

-«Ngưỡng chi cao hề sanh dư diệt dư phưởng phất không đường sấu hạc»;

垂 之 切 矣 戒 也 訓 也 俳 佪 暮 影 遺 音

-«Thùy chi thiết hỷ giới dã huấn dã bồi hồi mộ ảnh di âm».

Những hình ảnh, âm thanh ấy phảng phất khi chiều về, con không làm sao cầm nổi nước mắt, rươm rướm ướt lệ, chỉ cúi xuống quay cuồng về quá khứ. Bạch thầy! viết về những dòng này, cả khung trời cũ hiện ra trước mắt con. Ngôi chùa cổ kính hùng vĩ bên bờ sông Hiền Lương với vườn cây ăn trái rung rinh, bởi những tiếng xình xịch vọng tới từ phía xe lửa Nam Bắc. Cánh đồng lúa bát ngát còn đọng sương trên lá trải dài theo mãi tận ánh hòang hôn tắt nắng sau dãy núi xa xa. Những hàng dừa cằn cỗi cao vút trơ gan cùng tuế nguyệt, nghiêng mình dưới ao sen như chờ đợi người về. Vào mùa sen nở rộ, thoang thỏang xa bay mùi hương quyện theo gió tràn ngập cả lòng người. Nhất là, hình ảnh của thầy lúc nào cũng in mãi trong tâm con, hào quang của thầy soi sáng cuộc đời con đang đi, hướng dẫn con ra khỏi mê mờ mà sự tu học tự ngã chưa giải thóat được. Con nhớ thầy, nhớ công ơn dạy dỗ đã trao truyền cho con mạch mạng giải thóat, từng hơi thở, từng giấc ngủ dại khờ. Con nguyện xin trọn đời nối theo bước chân thầy đã đi.

Như vậy, Tổ đình Linh Sơn đã hun đúc những bậc vệ úy nối tiếp nhau làm vẻ vang cho Đạo pháp và Dân tộc. Vạn ninh là quê hương của Bồ Tát Quảng Đức, Tổ đình Linh Sơn là nơi xuất thân tu học của Bồ tát. Ngài đã trầm mình trong ngọn lửa bảo vệ Phật pháp trường tồn cho đến hôm nay và mãi mãi…Người được thừa kế sự nghiệp Tổ đình từ Bồ tát Quảng Đức truyền trao là Hòa thượng Tịch Tràng, bổn sư của chúng tôi; thầy đã phát nguyện đốt ngón tay út cúng dường chư Phật trên ngọn lửa, ngồi không lay động trong thời gian 2 giờ rưỡi. Thầy vẫn điềm nhiên ngồi thọ trì kinh Pháp Hoa, lực vô úy của thầy thật dõng mãnh.

Cũng tại căn phòng ấy, thầy Minh Hưng đã nhập thát 6 tháng thọ trì Kinh Pháp Hoa và viết kinh Pháp Hoa và Địa Tạng bằng chữ hán với bút lông chính máu của thầy làm mực. Hai bộ kinh được đóng hộp hiện thờ tại chùa. Hiện nay, sư huynh Thiện Dương đang trụ trì Tổ đình với tinh thần kế thừa đã phát nguyện trùng tu ngôi Tổ đình ngày càng tang nghiêm hơn. Với ý chí sắt đá và sức người, từ hai bàn tay trắng sư huynh không ngại gian lao để vượt rừng đốn cây xẻ gỗ, xuống biển hốt đá về xây chùa. Nơi đây, dân quê nghèo vật chất nhưng tinh thần rộng lớn có thừa, họ đóng góp hết sức mình cho Đạo. Đứng trước ngôi Tam Bảo đang thi công dang dở, ai cũng ngạc nhiên với sự thành tựu ngoài khả năng ấy, đó là sự trùng tu lại một di tích lịch sử lâu đời hùng vĩ nhất nhì trong tỉnh Khánh Hòa.

Sài gòn 10.1993

Thích Thiện Hiền

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời