1829 lượt xem

Mùa Phật đản, tìm hiểu thêm về Phật ngôn “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”

Thích Chơn Trí

Mùa Phật đản, tìm hiểu thêm về Phật ngôn “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”

Mùa Phật đản, Tăng  Ni và Phật tử chúng ta đã không còn xa lạ với câu: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, có nghĩa “Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý nhất”. Đấng Từ phụ đản sinh, bảy bước xưng tôn, tuyên bố trong tam giới này Ngài là đấng tối thắng nhất, là bậc thầy của trời người. Có nhiều người thắc mắc, Đức Phật đã chứng đạt và giảng dạy Vô ngã thì sao Ngài lại tự phụ đến mức ngã mạn như vậy? Thử tìm hiểu một phần nhỏ ý nghĩa của Phật ngôn này.

Kinh Trường A-hàm[1](quyển 1, kinh Đại bổn), nói về nhân duyên của chư Phật quá khứ, mô tả tất cả chư Phật đều sinh ra từ hông phải, đi liền bảy bước mà không cần ai nâng đỡ, đưa tay lên và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sinh, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là “Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý, độ thoát sinh lão bệnh tử của chúng sinh”. Tức vừa đản sinh, Đức Phật đã tuyên bố trong tam giới này, Ngài là bậc tôn quý nhất, mục đích chính của sự thị hiện là độ thoát chúng sinh khỏi sinh già bệnh chết.

Kinh Tu hành bổn khởi[2] (quyển 1, phẩm Bồ-tát giáng thân) chép rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, ngô đương an chi”, nghĩa là “Trên trời dưới trời, Ta là bậc tối tôn, tam giới đều khổ, chỉ Ta được an lạc”. Kinh Thái tử thụy ứng bổn khởi[3] (quyển 1) lại chép rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?”, nghĩa là “Trên trời dưới trời, Ta là tôn quý, tam giới đều khổ, ai là người an lạc?”.

Trong Đại tạng (Nam truyền và Bắc truyền) còn có nhiều kinh luận đề cập đến câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn” này[4], hầu hết tất cả đều xác chứng việc Như Lai đản sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và xưng tôn như vậy. Có hay không việc một em bé vừa ra đời đã có thể tự đi bảy bước và cất tiếng nói giữa thế gian? Có thể đây được xem như một huyền sử, dấu hiệu ra đời của bậc Thánh, một bậc tối tôn mà bất cứ hệ thống tôn giáo nào cũng sẽ tôn xưng đấng giáo chủ của mình như vậy, cho nên chuyện có hay không sẽ không còn quan trọng để tranh cãi.

Vấn đề đặt ra ở đây là, phải chăng Thế Tôn đã cao ngạo khi tuyên bố Ngài là đấng tối tôn trong tam giới như một số người ngày nay đã hiểu? Để rồi dẫn đến nhiều sự giải thích có vẻ như muốn “vớt vát” lại hình ảnh của đấng Từ phụ: “Trên trời dưới trời, duy nhất sự chấp ngã đã khiến cho chúng sinh sinh, lão, bệnh, tử”. Tuy nhiên, câu kinh đó nếu hiểu như vậy thì sai với nghĩa chữ Hán, và đưa nhân cách bậc Thầy của trời người trở thành một con người bình thường.

Thiết nghĩ, sự hiểu nhầm này xuất phát từ chữ “Ngã” 我của Hán ngữ. Nguyên gốc Pāli của câu này là: “Aggo’haṃ asmi lokassa; Jeṭṭho’haṃ asmi lokassa; Seṭṭho’haṃ asmi lokassa; Ayaṃ antimā jāti; N’atthi’ dāni punabbhavoti”[5], nghĩa là: “Ta là bậc cao nhất trên đời; Ta là bậc quý nhất trên đời; Ta là bậc đáng trọng nhất trên đời; Nay là kiếp cuối cùng; Không còn phải sinh lại ở đời này nữa”. Trong đó, Aggo’haṃ = Agga + ahaṃ; Jeṭṭho’haṃ= Jeṭṭha + ahaṃ; Seṭṭho’haṃ = Seṭṭha + ahaṃ; cả 3 từ này dùng với biến cách số 1: chủ thể cách. Chủ từ trong câu là ahaṃ = tôi, ta…, một câu nói đầy đủ thì phải có chủ thể và đối tượng, và Hán văn đã dịch chữ ahaṃ này thành Ngã. Mọi vấn đề phát sinh từ đây, bởi vì ngữ pháp Hán văn không chia các biến cách như ngôn ngữ Pāli và Sanskrit, không có khái niệm rõ ràng về ngôi thứ. Cho nên “Tôi, ta…” chữ Hán chỉ dùng chung chữ Ngã, dẫn đến hiểu nhầm với chữ Ngã trong bản Ngã, tự Ngã, tức cái Ta, cái Tôi trong tiếng Việt.

Triết học Ấn Độ chia Ngã thành các tầng mức khác nhau, và chính Đức Phật đã phủ định các tầng tự ngã này trong kinh Kim cang.

– Pudgala, một tự ngã như là chủ thể tâm lý, trong nhiều trường hợp, Hán không dịch mà phiên âm: Bổ-đặc-già-la, vì ý nghĩa từ này trong Hán ngữ không có từ tương đương. Pudgala có nghĩa là nhân xưng (person), trong mọi giao tiếp, không thể thiếu vắng Pudgala, nếu thiếu sẽ không hiểu ai đang nói và ai đang nghe. Tức là, tự ngã nhân xưng ông A, bà B; con người, con vật; nhà vua hay ăn mày….

– Jīva, nguyên lý sự sống (living), cái duy trì sự sống mà các quan niệm tôn giáo quan niệm như là linh hồn, vì muốn tồn tại thì phải có yếu tố sự sống, yếu tố sự sống này mất thì chúng ta chết, đây là quan niệm rất phổ thông, tức cho rằng mỗi người đều có Jīva: nó ăn, nó thở… Hán ngữ cũng không có từ tương đương, nên ngài La-thập dịch là thọ giả (tức tuổi thọ), ngài Huyền Tráng dịch là mạng (tức sinh mạng).

Theo quan niệm của Vệ-đà thì Jīva là cái luân hồi sinh tử, Pudgala là tự ngã tâm lý, khi chết thì Pudgala sẽ mất, chỉ còn Jīva tồn tại để đi đến đời sống khácCái vận hành trong đời này để có sự vui buồn đó là Pudgala, khi thân này rã, cái duy trì đến đời sau đó là Jīva.

– Ātman, một tự ngã siêu nghiệm thường hằng bất biến. Jīva dù có biến thành cái này cái kia, thường hằng trong luân hồi, nhưng khi hết luân hồi thì Jīva cũng không còn nữa. Tuy nhiên, Ātman dù có luân hồi hay không thì vẫn thường hằng bất biến. Đau khổ vì lặn hụp trong đời này đời sau, mong muốn thoát khỏi đau khổ trở về với một tự ngã siêu nhiên, một cái gì đó bao la như hư không, đó là Ātman (self).

– Sattva, hữu tình hay là chúng sinh (being). Hữu tình dịch đúng là hữu tính, tức là cái tồn tại có cảm giác, có thương có ghét. Chữ Hữu có nghĩa là tồn tại, dịch từ chữ Sat, chứ không phải nghĩa là . Quan niệm rằng, trong luân hồi sinh tử, có nhiều cái Ta như vậy cùng tồn tại, từ đó hình thành khái niệm Sattva, chúng sinh tồn tại ở đó.

Bốn khái niệm tự ngã như vậy, kinh Kim cang gọi là “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả”, chỉ chung cho một con người, chứ không phải chỉ cho nhiều người như đa số người đọc Kim cang vẫn hiểu: “Ta, người, chúng sinh, mạng sống”. Tức là Đức Phật bác bỏ quan niệm về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, hay còn nói là “Vô ngã tưởng, vô nhân tưởng, vô chúng sinh tưởng, vô thọ giả tưởng”. Ở đây, tưởng (saṃjña) là quan niệm, khái niệm, ngài La-thập dịch là tướng, từ đó rất nhiều người hiểu nhầm về bốn tầng tự ngã này. Đức Phật bác bỏ những cái tưởng này nhằm loại bỏ sự huân tập của Tập khí chấp ngã (Ātmadṛṣtīvāsanā), tức là sự chấp thủ về Ngã và Ngã sở một cách bất thực.

Như vậy, Như Lai có kiêu ngạo hay không, chúng ta cứ đến với Ngài, đến với giáo lý của Ngài để thực tập và chiêm nghiệm. Có hay không chuyện vừa đản sinh đã có thể đi bảy bước và tuyên bố “Ta là đấng tối thượng trong tam giới”, điều đó không quan trọng, bởi vì Như Lai có thật sự tối thượng, là thầy của trời người hay không, mỗi người tự cảm nhận lấy. Bởi ngay cả bậc đại trí tuệ như Tôn giả Xá-lợi-phất cũng tán thán Đức Phật rằng: “Trên trời dưới trời không ai bằng Phật. Mười phương thế giới cũng như vậy. Tất cả những gì trong thế gian con đều thấy biết hết. Nhưng không có ai được như Đức Phật”[6].

Sự thật, Đức Phật chỉ xuất hiện ở đời sau khi Giác ngộ. Sự khẳng định địa vị tối tôn giữa trời người của Đức Phật, bậc Giác ngộ là một sự thật như thị với lời chân thật cũng như thị. Tuyên bố của Thái tử Tất-đạt-đa lúc đản sinh là một dự ngôn, điều ấy được xác chứng sau khi Giác ngộ, thành Phật.

 

Theo nguồn: https://thuvienphatviet.com/

[1] Đại, T01, No. 1, p. 4c1-2

[2] Đại, T03, No. 184, p. 463c14

[3] Đại ,T03, No. 185, p. 473c2-3

[4] Tham chiếu: Kinh Hiền ngu, quyển 10; Kinh Phật thuyết thủ Lăng nghiêm tam muội, quyển 2; Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 4; Kim cang Bát nhã sớ, quyển 1; Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh sớ, quyển 53; Trung quán luận sớ, quyển 7.

[5] D.iii, kinh Đại bổn (Mahāpadānasuttanta).

[6] Đại, T04, Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh: 天上天下無如佛,十方世界亦無比,世間所有我盡見,一切無有如佛者

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời